Hôm nay,  

Áp Lực Quốc Tế Đòi Hà Nội Tức Khắc Cho Tự Do Tôn Giáo

10/09/200300:00:00(Xem: 4131)
Dưới đây là bản tin từ Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người từ Paris gửi, ghi lại 2 cuộc phỏng vấn về cuộc chiến tự do tôn giáo VN như sau.
THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 9.9.2003
Nhân việc Quốc hội Âu châu tố cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo trong bản Phúc trình thường niên về Nhân quyền trên thế giới, Đài Á châu Tự do phỏng vấn ông Báo cáo viên Bob van den Bos và ông Võ Văn Ái.
Dưới đây là nguyên văn hai bài phỏng vấn ông Bob van den Bos, Báo cáo viên trực thuộc Ủy ban Đối ngoại, Nhân quyền, An ninh và Quốc phòng của Liên hiệp Âu châu, và ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, do hai phóng viên Ỷ Lan và Đỗ Hiếu thực hiện. Hai bài phỏng vấn đã được Đài Á châu Tự do phát thanh lần đầu về Việt Nam trong chương trình 6 giờ 30 sáng ngày thứ bảy 6.9.2003.
Phóng viên Ỷ Lan phỏng vấn ông Báo cáo viên Van den Bos.
Quốc hội Âu châu họp tại Strasbourg hôm thứ năm, 4 tháng 9, đã nghe ông Bob van den Bos đọc bản Phúc trình thường niên, dài 65 trang, về tình hình nhân quyền trong thế giới. Ông là Báo cáo viên trực thuộc Ủy ban Đối ngoại, Nhân quyền, An ninh và Quốc phòng của Liên hiệp Âu châu.
Đây là năm thứ năm, Quốc hội Âu châu công bố Phúc trình về tình trạng nhân quyền trong thế giới. Năm nay, lần đầu tiên vấn đề tự do tôn giáo được nhấn mạnh. Ông Báo cáo viên yêu sách Liên hiệp Âu châu phải hình thành những cơ chế nhằm đối trị mọi cuộc đàn áp tôn giáo, theo mô thức một Đạo luật bảo vệ tự do tôn giáo trong thế giới như Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành năm 1998. Bản phúc trình nhấn mạnh rằng : "Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng không chỉ cực kỳ quan trọng cho mỗi cá nhân, làm nền tảng cho sự thức tỉnh bản thân và cá tính, mà cũng cực kỳ quan trọng cho toàn thể xã hội loài người". Ông Van den Bos mạnh mẽ tố cáo rằng : "Trong toàn thế giới, tự do tôn giáo đang bị các chế độ độc tài toàn trị đàn áp".
Những quốc gia bị nêu đích danh và bị tố cáo có "những chính sách đàn áp" và "áp dụng thể chế độc tài toàn trị để kiểm soát và đàn áp tôn giáo" là Bắc Triều tiên, Cu ba, Miến Điện, Lào, Trung quốc và Việt Nam. Theo bản phúc trình, các nước này "theo chế độ độc đảng (...) là nguyên nhân cho những chính sách đàn áp và vi phạm trầm trọng tự do tôn giáo". Việt Nam, cũng như các nước độc tài toàn trị này, không ngừng "đàn áp và kiểm soát chặt chẽ tôn giáo, tín ngưỡng hay các sinh hoạt tín ngưỡng" cũng như thiết lập "những chính sách hay luật pháp phân biệt, kỳ thị các dân tộc ít người và các tôn giáo không được công nhận". Việt Nam được nhắc đến 3 lần trong bản Phúc trình, qua hai vấn đề đàn áp người Miền núi theo Thiên chúa giáo, và đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Danh tính duy nhất được nêu lên trong bản phúc trình là trường hợp Hòa thượng Thích Quảng Độ. Bản phúc trình viết :
"Quốc hội Âu châu ghi nhận những bước tích cực mà Thủ tướng Việt Nam đã thực hiện đối với Đại lão Hòa thượng lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là Giáo hội bị chế độ cấm đoán trên 20 năm qua, nhưng Quốc hội Âu châu nhấn mạnh rằng Chính quyền Việt Nam phải tức khắc thi hành những biện pháp cụ thể để bảo đảm cho tự do tôn giáo và tôn trọng các quyền tự do cơ bản, khởi sự bằng việc bảo đảm mọi quyền tự do đi lại, tự do ngôn luận và tự do hành đạo cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, vừa được trả tự do hôm tháng 6 vừa qua, nhưng vẫn còn bị công an kiểm soát, và bằng sự kiện phục hồi quyền pháp lý sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ;
"Quốc hội Âu châu bày tỏ tình liên đới với các dân tộc Miền núi theo Thiên chúa giáo đã bị nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp khốc liệt nhiều thập kỷ qua, và kêu gọi Chính quyền Việt Nam chấm dứt những chính sách đàn áp và hủy diệt này".
Liền sau khi bản phúc trình được Quốc hội Âu châu đồng thanh biểu quyết thông qua, chúng tôi tìm gặp ông Báo cáo viên Bob van den Bos xin phỏng vấn.
Ỷ Lan : Xin chào ông Van den Bos và cảm ơn ông nhận trả lời phỏng vấn. Là Báo cáo viên về tình hình nhân quyền trong thế giới, bản Phúc trình của ông đã được Quốc hội Âu châu biểu quyết thông qua. Một bản Phúc trình dài 65 trang xuyên suốt nhiều lĩnh vực nhân quyền. Đặc biệt năm nay, ông nhấn mạnh đến tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Xin ông cho biết vì sao ông quan tâm đến khía cạnh tôn giáo trong vấn đề nhân quyền"
Van den Bos : Tự do tôn giáo đang bị đàn áp khắp nơi trên thế giới. Quá nửa nhân loại sống trong những quốc gia mà ở đó tôn giáo bị hạn chế hay bị đàn áp, do đó vấn đề tôn giáo trở nên trầm trọng. Thứ đến, tôi luôn chú tâm đến mối quan hệ giữa các tôn giáo. Quan sát kỹ, chúng ta thấy sự cực đoan tăng tốc trong số lớn các tôn giáo, và khắp nơi tình trạng căng thẳng giữa các tôn giáo cũng tăng trưởng, ở Á châu, ở Phi châu, vân vân... Sự đe dọa này đang phát triển.
Ỷ Lan : Trong bản phúc trình, Việt Nam được ông nhắc tới nhiều lần ở chương tự do tôn giáo. Những điều gì làm cho ông quan tâm ở Việt Nam "
Van den Bos : Việt Nam là một ví dụ xấu trên lĩnh vực tự do tôn giáo. Trong bản phúc trình này, tôi quan tâm đến giới người Miền núi theo Thiên chúa giáo bị nhà cầm quyền đàn áp nhiều thập kỷ qua, và chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội hãy để cho họ yên thân, để cho họ được hưởng các quyền tự do. Vấn đề thứ hai tôi nêu lên, là trường hợp của Hòa thượng Thích Quảng Độ, gần đây mới được trả tự do, nhưng Hòa thượng vẫn bị công an kiểm soát. Tôi kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội hãy chấm dứt sự kiểm soát này và để cho Hòa thượng được tự do. Tôi cũng nhấn mạnh đến sự tất yếu phải phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ỷ Lan : Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ, mà ông nhắc đến trong bản phúc trình, đều trải qua trên 20 năm tù, vì ôn hòa đòi hỏi cho tự do tôn giáo. Hai năm vừa qua, Hòa thượng Thích Quảng Độ lại bị thêm 2 năm quản chế vì cất lời kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam qua một chương trình 8 điểm. Ông có nghĩ rằng, nói lên trường hợp của hai Hòa thượng, cũng như kêu gọi việc phục hồi quyền sinh hoạt cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong bản Phúc trình năm nay, là cung cách để Quốc hội Âu châu góp tay khai mở tiến trình dân chủ hóa cho Việt Nam không, thưa ông "
Van den Bos : Hiển nhiên là tôi tin vào điều đó. Quốc hội Âu châu là một thiết chế rất quan trọng. Chúng tôi đại diện cho các quốc gia Âu châu. Liên hiệp Âu châu có quan hệ với Việt Nam. Chúng tôi muốn hợp tác với nhà cầm quyền Việt Nam, nhưng với điều kiện là Việt Nam không vi phạm nhân quyền. Cho nên Quốc hội Âu châu duy trì áp lực trên nhà cầm quyền Việt Nam, và tôi khuyến cáo nhà cầm quyền Việt Nam lắng nghe những điều chúng tôi phát biểu, đặc biệt khi chúng tôi quan tâm đến tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo không đe dọa chế độ. Đàn áp những người như Hòa thượng Thích Quảng Độ chỉ gây rối thêm vấn đề thay vì giải quyết chúng.

Ỷ Lan : Trong cương vị Báo cáo viên cho Quốc hội Âu châu về tình hình nhân quyền trong thế giới, ông có điều gì nhắn nhủ với nhân dân Việt Nam, với những người đang nỗ lực đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ trong nước và đang đặt kỳ vọng vào Quốc hội Âu châu "
Van den Bos : Tôi nghĩ rằng tất cả chúng tôi ở Quốc hội Âu châu đều khâm phục mọi người Việt trong nước hiện đang đấu tranh bảo vệ dân chủ và tự do tôn giáo. Chúng tôi hậu thuẫn nhân dân Việt Nam trong công cuộc hiện đại hóa xứ sở để cho toàn dân được sống trong hòa bình và thịnh vượng. Chúng tôi sẽ làm hết mọi sự để hậu thuẫn nhân dân Việt Nam.
Ỷ Lan : Thành thật cám ơn ông Van den Bos, đặc biệt cám ơn ông đã bỏ nhiều công sức cho bản Phúc trình quý giá năm nay. Đây là món quà vô giá cho những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền trên thế giới.
Phóng viên Đỗ Hiếu của Đài Á châu Tự do phỏng vấn ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam
Đỗ Hiếu : Xin ông cho biết ý kiến về bản Phúc trình thường niên của Quốc hội Âu châu về Nhân quyền trên thế giới hôm thứ năm vừa qua và đã được biểu quyết thông qua.
Võ Văn Ái : Trước hết xin kính chào quý vị thính giả tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một bản phúc trình của Quốc hội Âu châu đề cập đến vấn đề trọng đại nguyên ủy cho mọi thứ tự do của nhân loại, đó là tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo. Tôi nghĩ rằng Nhà cầm quyền Việt Nam cần lắng nghe nhận định chân xác của Quốc hội Âu châu, khi Quốc hội Âu châu khẳng định rằng Tôn giáo không là mối đe dọa cho Nhà nước và xã hội. Nhà cầm quyền Việt Nam hãy thực thi các khuyến cáo của Quốc hội Âu châu trong việc tôn trọng tự do tôn giáo, đặc biệt chấm dứt việc đàn áp và hủy diệt các dân tộc Miền Núi, bảo đảm mọi quyền tự do cơ bản cho hai Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ cũng như phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là những khuyến cáo mà Quốc hội Âu châu đưa ra. Tôi nghĩ rằng nếu Nhà nước Việt Nam áp dụng, thực thi những điều này thì chắc chắn rằng cuộc hợp tác và viện trợ của Quốc hội Âu châu sẽ mở ra tốt đẹp đối với Việt Nam.
Đỗ Hiếu : Ngoài Việt Nam còn những quốc gia nào khác bị Quốc hội Âu châu tố cáo về vấn đề vi phạm nhân quyền thưa ông "
Võ Văn Ái : Trong bản Phúc trình dài 65 trang nầy, thì những quốc gia bị nêu đích danh và bị tố cáo có "những chính sách đàn áp" và "áp dụng thể chế độc tài toàn trị để kiểm soát và đàn áp tôn giáo", theo từ ngữ của bản Phúc trình, là các quốc gia Bắc Triều tiên, Cu ba, Miến Điện, Lào, Trung quốc và Việt Nam. Theo bản phúc trình, thì các nước này "theo chế độ độc đảng (...) là nguyên nhân cho những chính sách đàn áp và vi phạm trầm trọng tự do tôn giáo". Việt Nam, cũng như các nước độc tài toàn trị nói trên, không ngừng "đàn áp và kiểm soát chặt chẽ tôn giáo, tín ngưỡng hay các sinh hoạt tín ngưỡng" cũng như thiết lập "những chính sách hay luật pháp phân biệt, kỳ thị các dân tộc ít người và các tôn giáo không được công nhận".
Đỗ Hiếu : Như vậy thì Quốc hội Âu châu đã phê phán nước Việt Nam như thế nào về những vi phạm quyền làm người và tự do tôn giáo thưa ông "
Võ Văn Ái : Nguyên văn lời tố cáo nhà nước Việt Nam trong bản Phúc trình như thế này :
"Quốc hội Âu châu ghi nhận những bước tích cực mà Thủ tướng Việt Nam đã thực hiện đối với Đại lão Hòa thượng lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là Giáo hội bị chế độ cấm đoán trên 20 năm qua, nhưng Quốc hội Âu châu nhấn mạnh rằng, Chính quyền Việt Nam phải tức khắc thi hành những biện pháp cụ thể để bảo đảm cho tự do tôn giáo và tôn trọng các quyền tự do cơ bản, khởi sự bằng việc bảo đảm mọi quyền tự do đi lại, tự do ngôn luận và tự do hành đạo cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, vừa được trả tự do hôm tháng 6 vừa qua, nhưng vẫn còn bị công an kiểm soát, và bằng sự kiện phục hồi quyền pháp lý sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ;
"Quốc hội Âu châu bày tỏ tình liên đới với các dân tộc Miền núi theo Thiên chúa giáo đã bị nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp khốc liệt nhiều thập kỷ qua, và kêu gọi Chính quyền Việt Nam chấm dứt những chính sách đàn áp và hủy diệt này".
Đỗ Hiếu : Các biện pháp cũng như những lời khuyến cáo của Quốc hội Âu châu này có hy vọng gì được nước Việt Nam thực thi cho tự do tôn giáo và nhân quyền trong một tương lai không xa không, thưa ông "
Võ Văn Ái : Tôi tin rằng những tố cáo và khuyến cáo trong bản Phúc trình của ông Bob van den Bos được biểu quyết thông qua hôm thứ năm vừa qua tại Quốc hội Âu châu sẽ mang lại nhiều tác động hữu hiệu. Vì sao tôi tin như vậy " Vì hai lẽ :
Thứ nhất là vì Liên hiệp Âu châu là một đối tác lớn trong vấn đề viện trợ và hợp tác kinh tế với Việt Nam. Ngân sách dành cho Việt Nam trong tài khóa 2002-2006 là 162 triệu đồng Euros. Mặt khác, điều 1 trong Hiệp ước Hợp tác song phương Liên Hiệp Âu châu-Việt Nam về viện trợ phát triển ký kết năm 1995 bó buộc Việt Nam phải “tôn trọng nhân quyền và các nguyên tắc dân chủ”. Đây là bàn đạp để cho hai bên phải xem xét lẫn nhau, đặc biệt là Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và dân chủ.
Thứ hai là các biện pháp chế tài đề ra. Trong phần khuyến cáo, bản Phúc trình yêu sách Liên hiệp Âu châu phải có những biện pháp mạnh để thăng tiến nhân quyền, vì những vi phạm nhân quyền trong năm 2002 tại Việt Nam, theo bản Phúc trình, đến từ "sự lạm quyền trên các lĩnh vực chính trị, dân tộc và tôn giáo làm sản sinh những cuộc bạo hành, nghèo đói, khủng bố và thiếu vắng các thiết chế dân chủ".
Mặt khác, Bản Phúc trình còn đòi hỏi những biện pháp cụ thể, như gia tăng ngân quỹ cho những chương trình phát triển và thăng tiến dân chủ, nhân quyền và pháp quyền, cũng như áp dụng "những biện pháp hạn chế và cắt viện trợ" để chống lại những vi phạm trắng trợn và quy mô trên lĩnh vực nhân quyền.
Điều mới mẻ và đặc biệt trong bản Phúc trình kêu gọi Liên hiệp Âu châu phải một mặt nối kết mạng lưới dân chủ trong toàn thế giới, mặt khác mở rộng sự tham vấn của các tổ chức Phi chính phủ trên phương diện nhân quyền, để Liên hiệp Âu châu có đủ tài liệu minh chứng hầu có thể cực lực tố cáo các vi phạm nhân quyền thay vì "đối thoại lông bông" ngoài miệng với các quốc gia đối tác được viện trợ như trường hợp Việt Nam. Phúc trình nhấn mạnh rằng : "Liên hiệp Âu châu phải minh chứng ý chí thực thi nhân quyền. Không thể tiếp tục im lặng trước các vi phạm nhân quyền, không thể để cho các quyền lợi chính trị, chiến lược hay kinh tế khuynh đảo sự bảo vệ và thăng tiến nhân quyền.
Đỗ Hiếu : Xin cám ơn ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, đã dành cho Ban Việt ngữ Đài Á châu chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay.
Võ Văn Ái : Xin cám ơn quý Đài và kính chào quý vị thính giả tại Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.