Hôm nay,  

Khi Người Ta Viết [được], Thì Hà Cớ Chi Mình [còn]... Viết?

08/07/200300:00:00(Xem: 3820)
Tôi có đọc được ở đâu đó, trong cái cõi văn Việt, một ông nhà văn có tuổi, trong thư gửi một người bạn trẻ lăm le viết, rằng, hồi còn nhỏ, ông ta mê đọc lắm, có đồng nào, là cúng cho tiệm cho mướn truyện, đồng đó. Rồi tới một lúc, ông tự hỏi tại sao người ta viết được, mà mình lại chịu... thua, [chịu bỏ tiền ra mướn truyện]"
Thế là ông viết, và trở thành nhà văn.
Tôi nghĩ, ông ta dù thế nào đi chăng nữa, cũng có chút thành thực, khi nhìn lại cái thuở tập tành viết của mình. Rằng cái chuyện viết nó cũng chẳng ghê gớm gì lắm đâu. Sartre cũng đã từng khuyên y chang như vậy, khi nói: Muốn biến một câu chuyện trở thành một cuộc phiêu lưu, thì cứ việc ngồi vào bàn, và viết.
Giống như một anh chàng lần đầu mê gái, ẩn tàng trong công việc ngồi vào bàn, và viết, là một chân lý của văn chương, khi dám liều mình làm quen với... mớ chữ!
Nhưng giả sử có người hỏi tiếp: Nếu người ta viết được mà tôi cứ cố tình chịu... thua, vưỡn cố tình không chịu... viết, thì sao"
Nói rõ hơn, cái việc tớ ngồi vào bàn và viết đó, nó không liên quan gì đến người khác. Người khác viết được hay không, tớ đếch cần. Điều [tớ] cần, là [tớ] viết!
Hoặc nói bảnh hơn, riết róng hơn: Chỉ khi nào tớ thấy rằng, người khác viết không được, nên tớ mới đành phải... viết.

Vả chăng, những kẻ thật biết viết văn ở đời, ban đầu nào có ý định viết văn"
(Lý Trác Ngô. Tựa Tây Sương Ký)

Người khác viết được, tớ chỉ cần đọc, chẳng cần viết làm gì cho nó mệt... c[ử] [ả] mình!
Đây là ý nghĩa câu của Barthes: Khi nhà văn xuất hiện, là mở trong hắn ta/ chị ta, một vụ án văn chương. Và cái gọi là văn chương tiền phong, trước hết, và trên hết, là một yêu cầu tự thân, và chỉ chỉ liên can tới, chỉ một nguời. Thí dụ như Nguyễn Du, chẳng hạn. Khi Truyện Kiều xuất hiện, người ta biết được một điều: văn chương chỉ có mỗi một nhiệm vụ, là ca tụng cái đẹp, thí dụ như thân thể một người đàn bà, nhất là khi người đó đang... tắm:

“Rõ ràng trong ngọc trắng ngà,
“Sờ sờ trước mắt một tòa thiên nhiên!”

Coetzee lại giải thích khác, khi đi tìm ngưyên nhân của cái việc viết dở như hạch ở một số tác giả...

Bởi vì, cũng chính Sartre, đã để cho nhân vật của mình, là anh chàng Roquentin,
Trong khi mơ màng nghe một nàng Kiều đen hát, qua dĩa nhạc Jazz, tại xen cuối ở Điểm Hẹn (Rendez-vous des Cheminots) trong Buồn Nôn:

Some of these days, You'll miss me honey."
[Một ngày nào em sẽ nhớ anh...]

Và mơ tưởng viết về một cuộc "phiêu lưu": "Nó phải đẹp và cứng như thép"....
[Il faudrait qu'elle soit belle et dure comme de l'acier]

Buồn Nôn thoạt đầu có tên Buồn Phiền: La Mélancolie. Cái tít này, Sartre mượn của Durer, một họa sĩ Đức (được nhắc tới trong Les Mots).
Thân Phận Tình Yêu của Bảo Ninh, sau đổi là Nỗi Buồn Chiến Tranh.
Liệu Nắng Hồng Phương Nam, một cái tên vô thưởng vô phạt, huề vốn như thế, là nhằm trung tính hóa (neutraliser), những cái tên như Bếp Lửa, Nỗi Buồn, Dựa Lưng Nỗi Chết, Mùa Hè Đỏ Lửa, và sau này, Đáy Địa Ngục, Đại Học Máu...."

Cũng vẫn Sartre, trong bài viết về Francois Mauriac, sau in lại trong Nhận Định I (Văn Chương Là Gì"), cho rằng, "Sách nói cho cùng chỉ là mớ giấy lộn, nhưng coi chừng, nó còn là một con đại bàng đang chuyển động (nguyên văn: một cái dáng lớn đang chuyển động, une grande forme en mouvement). Con đại bàng đang xỏa hết hai cánh rộng của nó đó, là: Sự Đọc. La Lecture..... Một cuốn tiểu thuyết lớn phồng ra bằng thời gian của những độc giả của nó (un roman... se gonfle, et se nourrit avec le temps de ses lecteurs).

***

Trong bài trả lời phỏng vấn của Thanh Tâm Tuyền (La Part d' Exil; trong lời giới thiệu, Lê Hữu Khóa đã coi ông là một tác giả đáng gờm nhất, le plus redoutable, đối với giới phê bình Việt Nam, do tính sáng tạo đa dạng, do lý thuyết văn chương tổng hợp), ông viết: Sau khi được giải phóng - après ma libération, tức là sau khi ra khỏi trại tù, chứ không phải sau 1975 (người viết bài này thêm vô) - trên con đường trở về, việc đầu tiên mà tôi làm, là cúi gập mình ghi chép những bài thơ đã được ký ức lưu giữ suốt thời gian bị giam giữ... Tôi là một kẻ sống sót, nhưng tôi không muốn là nhà văn nữa, như tôi từng mong muốn. Khi ở trong trại tù, tôi đã viết trong ký ức: Viết, phải làm sao, đối với tôi, như chẳng có gì xẩy ra, chẳng có gì thay đổi. Và bây giờ, tôi tự bảo mình: Một việc như thế, khi nào tôi có thể": Lại-viết (re-écrire)......

Liệu có thể đọc NHPN: như chẳng có gì xẩy ra, chẳng có gì thay đổi"
***
Ở cuối cuốn tiểu thuyết của Cees Nooteboom, In the Dutch Mountains, người kể chuyện-tiểu thuyết gia nhập vào câu chuyện gẫu, về sự thực và giả tưởng, với những cái bóng của Plato, Milan Kundera, và Hans Christian Andersen....
"Tại sao", nhân vật Nooteboom hỏi," tôi lại ham muốn không thể cưỡng lại được, cái việc giả tưởng hóa, nghĩa là kể ra những điều dối trá""...
"Đó là do bất hạnh", Andersen trả lời, "Nhưng bạn bất hạnh chưa đủ, cho nên bạn chẳng làm sao mà viết ra nổi".

[Coetzee, trong bài viết về Cees Nooteboom: Tiểu thuyết gia và Du lịch gia]

Coetzee giải thích thêm, nỗi bất hạnh của Noteboom, là do ông ta quá thông minh, quá rắc rối nhiêu khê, quá kẻ tỉnh (urban), cho nên không thể nào trao "hết" trứng cho ác (dấn thân hết mình vào chuyện viết, nghĩa là ảo tưởng hóa cuộc đời), và lại còn ít nhức nhối về cái số mệnh (nghiệp) viết (cuộc đời trăm năm rách nát vì văn chương), thành thử không làm sao có thể biến nó thành số mệnh (nghiệp) của chính nó.


Theo Coetzee, chẩn đoán căn bệnh văn chương ở một số nhà văn bất hạnh chưa đủ mà đã đòi viết văn, của Andersen, thật đúng với cuốn In the Dutch Mountains: Với tất cả những tài năng, những dí dỏm, những hóm hỉnh, với tất cả những tia sáng sáng tạo, những chiếu rọi vào một cái tôi, và vào cái gọi là "giả tưởng của cái tôi", với tất cả cái gọi là phong nhã, yểu điệu của một văn phong, cộng tất cả lại, vẫn chưa đủ "cảm" (feeling), để mà viết ra nổi một cuốn tiểu thuyết, tức là một câu chuyện.

Borges nhắc tới một lời khuyên của Khổng Tử, rằng chúng ta phải kính trọng quỉ thần, nhưng Ngài nói thêm, liền đó, rằng chúng ta phải tránh né những loài siêu nhiên đó (the surnatural beings). Kính, và né. Những huyền thoại về Đạo Giáo (Taoism) và Phật Giáo cũng không hề coi thường một lời khuyên như vậy. Theo ông, không có một xứ sở nào lại mê tín như là xứ Trung Hoa. "Cuốn tiểu thuyết bề thế của họ, Hồng Lâu Mộng (The Dream of the Red Chamber), là cuốn tôi [Borges] thường trở tới trở lui. Trong đó, hằng hà sa số, là những ngỡ ngàng, kinh ngạc, [những thần tiên, những mĩ nữ, nào gương báu để soi việc gió trăng, gương soi để khuyên răn người đời, nào tam sinh hữu hạnh, nào nước để tưới sự buồn...], chúng không phải là bất khả, đâu phải là không có, mà đầy rẫy ở trong Hồng Lâu Mộng: chính là bởi vì đây là hiện thực (precisely it is realist, and marvels are not considered impossible or even unlikely). (1)

(1): Trích từ bài viết "P'u Sung-ling,The Tiger Guest",( trong Tuyển Tập Không Giả Tưởng của Borges, Selected Non-Fictions, J.L. Borges, Eliot Weinberger biên tập, Penguin Books, trang 507)

Ở trên, tôi có đưa ra đề nghị: Nắng Hồng Phương Nam, do cái tên của nó, là nhằm hóa giải những cái tên như là Đáy Địa Ngục, thí dụ vậy. Bây giờ, mượn ý của Borges như vừa dẫn, qua một cuốn tiểu thuyết thật là đồ sộ, chắc chắn là đồ sộ hơn, chỉ nói về bề dầy, so với NHPN, chúng ta có thể nhìn ra một "sự thực":
Nếu ĐĐN là một thái quá về địa ngục, thì NHPN cũng là một thái quá, cũng vẫn một [đáy] địa ngục đó.
Một khi bạn bình thường quá, hoặc "ngây thơ quá", về "vẫn cùng một" thực tại, như vậy là biến nó trở thành không thực, thành một thứ quỉ thần,
mà quỉ thần là phải Kính,
và Né.

Nhắc tới Borges, và qua ông, tới Hồng Lâu Mộng, tới tác giả của nó: Tào Tuyết Cần, (1716") - 1763 ("), giống như phần lớn các nhà văn lớn Trung Hoa trong lịch sử, viết văn là để giải tỏa nỗi niềm cô phẫn, là để ký thác những suy tư về con người và thời đại.
Ông vốn sinh ra trong một gia đình đại quí tộc... Năm lần vua Khang Hi tuần du phương Nam, thì bốn lần ở lại nhà họ Tào... có thể đoán biết cuộc sống trong phủ Giang hồi đó xa hoa, vương giả thế nào.... Trong Hồng lâu Mộng, Nguyên Phi về thăm nhà có một buổi mà phải xây cất bao nhiêu đình tạ... nữa là hoàng đế tuần dự ngự đến nhà.
Nhà ông chẳng những hào môn vọng tộc hiển hách như thế, mà còn có truyền thống văn chương...Nhưng cuộc sống vàng son đó của gia đình ông đã trôi qua. Lúc Tào Tuyết Cần lớn lên thì tất cả đã ở đằng sau rồi: Cha bị khép tội bị cách chức, bị tịch biên gia sản, nhà họ Tào suy sụp và ông phải về sống ở vùng ngo\ại ô phía tây thành Bắc Kinh trong cảnh cả nhà rau cháo, rượu thường mua chịu.
Hồng Lâu Mộng có thể xem là làn phản quang những hồi ức của Tào Tuyết Cần về cuộc sống quí tộc đã tan vỡ đó.

[Trích HLM bản tiếng Việt, do nhà Văn Học ở trong nước, xuất bản]

Bây giờ người viết thử mô phỏng đoạn trên, ứng vào NHPN:
Tác giả vốn thuộc vào một miền đất, từ khi bắt đầu lịch sử của nó, đã thừa mứa miếng ăn cái mặc, đã bao lần họ Trịnh muốn thôn tính nhưng đành chịu thua, phải trở về lại đất bắc, rồi tới ngày 30 tháng Tư năm đó... Vào lúc tác giả bắt đầu viết NHPN thì tất cả đã ở đằng sau rồi, cả một miền đất trở thành.... một chân lý không bao giờ thay đổi, cả một cuộc chiến trở thành tủi nhục, cả những ngày tháng dài cải tạo cũng đã quá xa rồi, khi ông viết, ông ở bên Mỹ, và NHPN có thể xem là làn phản quang những hồi ức của tác giả về cuộc sống đã có một thời đẹp đẽ đó, nếu không phải của tất cả thì cũng là của riêng ông, với một số người đẹp ở trong quãng đời đó, nhất là quãng đời cải tạo ở miền bắc, chưa nói đến chuyện nhờ nó mà ông, người tù_như một nhà văn, hân hạnh gặp được Nhất Linh, và luôn cả Loan, tại Hà Nội....

Bạn có thể cho rằng, người viết quá cay đắng, cay nghiệt, quá... nhưng sự thực là như thế đó: Nếu Hồng Lâu Mộng chỉ là một giấc mơ ở lầu hồng, chỉ là cuộc tình tay ba tay tư tay năm tay sáu tay bẩy, giữa Bảo Ngọc và một mớ con gái đẹp, NHPN thật sự chỉ là một cuộc tình, của một anh chàng sĩ quan đi cải tạo, với một số những người đàn bà....

Vần đề còn lại, thật là nhức nhối: Tại sao HLM thì thành công mà NPHM lại... thất bại"

Liệu cái thất bại của NHPN có đáng một ngọn đèn cầy, như Joseph Brodsky đã nói, về trường hợp một "great design""

Tôi tin là đáng!
Theo nghĩa, một tác phẩm thất bại (dở) nhiều khi cho chúng ta nhiều bài học quí giá, so với một tác phẩm "được", nào đó, cũng viết về cuộc chiến, đó!

***

Đỗ Long Vân, viết Vô Kỵ Giữa Chúng Ta, tại Sài Gòn, vào năm 1967.
Cuộc chiến, "ba mươi năm nội chiến từng ngày": Ở bên ngoài Sài Gòn. Xa. Xa lắm
Những ngày Mậu Thân 1968. Một năm sau đó. Chưa có. Chẳng thể nào có.
Vậy mà người đọc vẫn cảm thấy, chúng, cái thực, cái chết chóc, cái hung bạo, hiện diện ở trên từng trang sách.
Khi cảm thấy độc giả hơi lơ là với nó, tác giả cảnh cáo: Tại sao, tại sao...

Tôi tin rằng, sau này, sử gia, tiểu thuyết gia, nhân loại gia... muốn nhìn lại những ngày Mậu Thân, không thể bỏ qua Vô Kỵ giữa chúng ta của Đỗ quân.

Đâu phải tự nhiên Thánh Thán bỏ công đọc truyện trai gái ở dưới Mái Tây. Một nhà cách mạng Việt Nam (Nhượng Tống) bỏ công dịch.

Đâu phải tự nhiên, thay vì viết về cuộc chiến Tây Sơn, và một ông vua Gia Long người miền nam thống nhất đất nước sau đó, Nguyễn Du viết về một con điếm ở mãi bên Tầu, bán mình chuộc cha....

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.