Hôm nay,  

Một Chút Đài Voa

14/02/200400:00:00(Xem: 5956)
Ngày mùng 4 tháng 2 năm 2004, bản tin lúc 00:58 UTC cuả đài TNHK gọi tắt là đài VOA cho biết đài này sẽ đóng cửa 10 ban tiếng Trung Âu và Đông Âu vào cuối tháng này. Tôi nghĩ là với 2 năm 7 tháng làm tại đài VOA tính tới tháng 1½001, tôi có thể viết đôi điều liên quan tới bản tin viện dẫn cũng sẽ mang lại 1 chút thích thú cho độc giả.
Theo nguyên văn bản tin thì "Giám Đốc đài này, ông David Jackson, nói rằng quyết định đóng cửa 10 ban được đưa ra sau khi Quốc Hội cắt giảm tài trợ cho các ban này, chiếu đề xuất của chính phủ Bush". Như vậy việc "cắt giảm tài trợ của quốc hội" không phải là lý do chính yếu để đóng cửa 10 ban này, mà lý do chính là do đề xuất cuả chính phủ Bush. Nhưng tại sao chính phủ Bush lại đề xuất đóng cửa 10 ban phát thanh tiếng Trung và Đông Âu này" Đó là vì nhiệm vụ của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đối với các quốc gia Trung và Đông Âu này được chính phủ trao cho đã không còn cần thiết nữa. Hay nói 1 cách khác mục tiêu của Hoa Kỳ tại các quốc gia đó trên mặt trận truyền thông, qua việc xử dụng đài TNHK đã được hoàn tất. Vậy nhiệm vụ cuả đài TNHK được chính phủ trao cho là gì" Nhiệm vụ này đã được chính ông giám đốc đài minh định qua bản tin trích dẫn; đó là "phổ biến dân chủ và tự do" bằng cách loan những bản tin trung thực. Bản tin của đài TNHK trích dẫn đã viết nguyên văn, "Giám Đốc Jackson nói rằng đài TNHK rất buồn khi phải từ giã các bạn đồng nghiệp từ bao năm nay, nhưng ông tự hào vì tay nghề và sự tận tụy của họ đối với tự do và sự thực đã giữ vai trò quan trọng để quảng bá Dân Chủ".
Về phương diện nhiêm vụ và mục tiêu, ở đây chúng ta thấy đài TNHK có phần nào tương tự như đài BBC là phổ biến những tin tức trung thực, khách quan. Cả 2 ông chủ tịch BBC và tổng giám đốc BBC đều vừa mới phải từ chức vì 1 bài phát thanh không hoàn toàn chính xác cuả 1 phóng viên dưới quyền. Ông Dyke, tổng giám đốc cuả đài BBC, trong e-mail giã từ các nhân viên trước khi chính chức đệ đơn từ chức đã viết "mục tiêu chính của ông là bảo vệ sự độc lập cuả đài BBC và hành động vì quyền lợi cuả công chúng". Thủ tướng Anh, Tony Blair cũng tuyên bố ông tôn trọng sự độc lập cuả đài BBC và hy vọng đài vẫn tiếp tục tra vấn chính phủ. Trong nhiệm vụ loan tin trung thực thì đài BBC còn có tiêu chuẩn trung thực cao hơn đài VOA nữa, vì BBC là 1 đài độc lập không lệ thuộc bất cứ thế lực chính trị hay thương mại nào, kể cả chính phủ Anh quốc. Tính cách độc lập là điểm khác biệt chính yếu giữa đài BBC và đài TNHK. Cho nên những tin tức và bài vở của BBC phải khách quan trung thực hơn. Đài TNHK dù sao cũng vẫn là đài cuả chính phủ cho nên mức độ trung thực cũng có phần giới hạn hơn đài BBC. Một ví dụ cụ thể là bài bình luận cuả đài TNHK được nói rõ là phản ảnh quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ và được viết không phải bởi đài TNHK mà bởi 1 viên chức nào đó ở cấp rất cao trong chính phủ (Theo dõi và dịch thuật các bài bình luận đó trong 1 thời gian dài làm việc, tôi nghĩ là tác giả các bài bình luận đó có thể ở ngang cấp thứ trưởng ngoại giao) chuyển sang và được chỉ định phải phát vào ngày nào nữa. Trong khi các bài bình luận cuả đài BBC là của ban bình luận cuả đài chứ không phản ảnh quan điểm cuả chính phủ Anh quốc. Mặc dù vậy, mức độ trung thực của đài TNHK cũng là rất cao.
Đối với đài Á châu tự do thì nhiệm vụ cũng vậy, cũng là nhằm loan những bản tin trung thực đến các thính giả tại những quốc gia mà nhà cầm quyền bưng bít tin tức, không cho người dân được biết sự thật. Nhưng qua nội dung các tin tức và bài viết của đài này thì chúng ta nhận thấy dường như có sự khác biệt trong việc khai thác tin tức. Hơi khác với đài TNHK và đài BBC, dường như đài Á châu tự do, chương trình Việt ngữ, nhắm vào việc khai thác các tin tức xẩy ra trong nước nhất là những tin tức liên quan tới các thành phần chống đối chính quyền hơn. Đài Á châu tự do như thế đóng góp rất nhiều vào việc phổ biến tới đa số quần chúng trong nước quan điểm cuả các thành phần chống đối nhà cầm quyền. Hành động này khích lệ thành phần phản kháng trong nước tích cực lên tiếng hơn. Đồng thời thính giả cũng thấy giọng điệu cuả các bản tin và các bài viết cuả đài Á châu tự do có vẻ sát phạt với Cộng Sản hơn. Chính vì vậy mà thính giả thường cho là đài TNHK không chống Cộng như đài Á châu tự do. Sự khác biệt này, theo tôi chỉ nằm trong vấn đề chiến thuật của chính phủ Hoa Kỳ. Sự khác biệt về chiến thuật này của chính phủ Hoa Kỳ đưa tới việc đài Á châu tự do có qui chế quản trị và tài chánh hơi khác hơn đối với đài VOA. Đằng nào cũng là tiền của Hoa Kỳ cả nhưng trên danh nghĩa thì đài VOA là tiếng nói chính thức cuả chính phủ Hoa Kỳ, chính phủ Hoa Kỳ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các quốc gia khác trên thế giới có bang giao với Hoa Kỳ về các bài phát thanh cuả đài VOA liên quan tới quốc gia đó, trong khi chính phủ Hoa Kỳ không chịu trách nhiệm gì về các bài phát thanh cuả đài Á châu tự do liên quan tới các quốc gia có bang giao với Hoa Kỳ. Đại cương là như vậy, nhưng chi tiết cuả các sự khác biêt giữa 2 đài thì còn nhiều và không phải là chủ đề của bài viết này.
Bây giờ 1 câu hỏi được đặt ra là các chương trình phát thanh của đài TNHK được gửi tới những thính giả nào" Nhiều người Việt Nam hải ngoại thường đặt câu hỏi tại sao đài VOA có vẻ không chống Cộng quyết liệt, đôi khi lại còn dùng những từ ngữ cuả Việt Cộng. Thực ra những chương trình Việt ngữ của đài VOA mà nguời Việt tại Hoa Kỳ nghe được không phải đuợc phát thẳng từ đài mà là do các đài tư nhân của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ thu lại qua internet rồi phát ra cho thính giả địa phương. Chương trình của đài VOA nhằm phát thanh tới các quốc gia chưa có dân chủ, hay chưa đạt tới trình độ dân chủ tương đối so với trình độ dân chủ cuả Hoa Kỳ hay các quốc gia tây phương. Và vào thời điểm 2001 khi người viết còn phục vụ ở đài thì đài VOA có 53 ban phát thanh của 53 ngôn ngữ khác nhau. Đó là 53 quốc gia mà chính phủ Hoa Kỳ đánh giá là còn thiếu dân chủ, vi phạm nhân quyền và còn cần được cải cách nhiều về dân chủ. Đài tiếng nói Hoa Kỳ không phát thanh tới các nước văn minh, có trình độ dân chủ cao như Anh, Pháp, Đức, Thụy sĩ v.v... Trong các ngôn ngữ phát thanh cuả đài VOA có chương trình tiếng Anh và tiếng Pháp, nhưng đó là các chương trình nói rõ là được phát tới các dân tộc nào đó nói tiếng Anh hay tiếng Pháp. Thường các quốc gia nói tiếng Anh hay tiếng Pháp đó nằm ở Phi châu, trước kia là thuộc địa của Anh và Pháp, chứ không nhắm tới các dân chúng Anh, dân chúng Pháp. Ví dụ chương trình tiếng Pháp gửi tới các quốc gia Phi châu nói tiếng Pháp (l'Afrique francophone) hay chương trình tiếng Anh gửi tới nước Zimbabwe. Khi mở đầu chương trình phát thanh này, chương trình thường nói mời quí thính giả theo dõi chương trình Anh Ngữ của đài TNHK phát thanh tới Zimbabwe (Listen to VOA's English broadcast to Zimbabwe). Tương tự như vậy, chương trình Việt ngữ của đài VOA nhằm gửi tới các thính giả tại quê nhà chứ hoàn toàn không nhằm gửi cho đồng hương chúng ta tại hải ngoại hay tại Hoa Kỳ. Thậm chí ngay cả người dân Hoa Kỳ chính gốc có trình độ cao mà đa số cũng không biết có đài VOA, là 1 đài phản ảnh tiếng nói chính thức cuả chính phủ mình. Vì cả đời có bao giờ họ có dịp nghe chương trình phát thanh của đài này đâu. Đài TNHK chỉ phát thanh ra hải ngoại thôi mà.

Chính vì chủ trương như vậy cho nên khi nhu cầu cần tăng cường việc phổ biến dân chủ tới 1 quốc gia nào thì ban phát thanh của ngôn ngữ nước đó được tăng ngân sách để thuê thêm nhân viên nhằm kéo dài chương trình phát thanh. Ví dụ trong thời gian chuẩn bị thực hiện chiến tranh Iraq, thì chương trình phát thanh tiếng Ả rập được cấp thêm ngân khoản, kéo dài chương trình.
Một khi quốc gia nào được đánh giá đã đạt được trình độ dân chủ tương đối thì chương trình phát thanh gửi tới quốc gia đó được giảm giờ đi. Đó chính là trường hợp cuả 2 ban tiếng Ukraina và Armenia được nêu trong cùng 1 bản tin. Còn nếu quốc gia nào được đánh giá là đã đạt được trình độ dân chủ bằng hay gần bằng với các nước phương tây hoặc Hoa Kỳ thì công tác của ban phát thanh bằng ngôn ngử đó tại đài VOA không còn cần thiết nửa. Đó chính là trường hợp của 10 ban tiếng Trung và Đông Âu của đài VOA sắp bị đóng cửa. 10 quốc gia đó chính là 10 quốc gia sắp được nhận cho gia nhập vào Liên hiệp Âu châu. Mà như quí vị cũng biết, 1 trong các điều kiện để được gia nhập Liên Hiệp Âu châu là phải đạt được trình độ dân chủ và bảo vệ nhân quyền tương đương với các quốc gia thành viên cũ trong liên hiệp. Thổ nhĩ Kỳ đáng lẽ đã được gia nhập Liên hiệp Âu nhưng nay vẫn còn gặp trở ngại chỉ vì thành tích nhân quyền của nước này còn có điều chưa đạt tiêu chuẩn.
Trường hợp 2 ban tiếng Ukraina và Armenia sắp bị giảm chương trình cũng giống như trường hợp của ban tiếng Thái Lan vào khoảng năm 2001, khi người viết còn làm việc tại đài. Khi giảm chương trình thì phải giảm nhân viên. Đó là lẽ đương nhiên. Vì là chương trình phát thanh nên không thể chuyển nhân viên của chương trình ngôn ngữ này sang ban phát thanh ngôn ngữ khác được. Cho nên khi có sự cắt giảm hay đóng cửa 1 ban phát thanh thì nhân viên trong ban đó phải bị giảm bớt hay sa thải toàn bộ. Việc sa thải này đưa tới 1 hoàn cảnh không biết là nên vui hay buồn cho người nhân viên VOA bị sa thải. Người dân nào cũng muốn đất nước mình có dân chủ hơn, và người nhân viên làm tại đài VOA cũng vậy. Họ cũng muốn quê hương cũ của họ có dân chủ hơn, nhiều tôn trọng nhân quyền hơn, và mạnh hơn nữa, họ cũng mong cho chế độ độc tài tàn bạo trên quê hương họ bị giải thể. Nhưng một khi đất nước có dân chủ hơn thì chương trình phát thanh cuả VOA hướng về đất nuớc phải giảm đi; hay là cắt hẳn. Như vậy sẽ đưa tới việc sa thải, 1 thảm họa cho những nhân viên đài VOA ở trong hoàn cảnh này. Chính vì thế khi chương trình tiếng Thái Lan được lệnh chuẩn bị cắt giảm bớt nhân viên vì Thái Lan là quốc gia được chính phủ Hoaky đánh giá là đã có trình độ dân chủ tương đối khá. Lúc đó toàn ban phát thanh tiếng Thái được lệnh phải họp nhau lại để bàn thảo tự giải quyết xem ai đi ai ở. Dĩ nhiên, đài VOA là một cơ quan truyền thông nhà nước cho nên cũng phải theo qui chế công chức. Tức là không dựa vào khả năng hay nhiệt tình của nhân viên trong việc bổ nhiệm hay sa thải, 1 tiêu chuẩn có thể đưa tới bè phái, mà dựa vào tiêu chuẩn thâm niên: ai vào làm sau, thâm niên ít thì sẽ là người bị sa thải trước khi tình hình bắt buộc. Cho nên trong suốt thời gian đó số anh chị em trong ban phát thanh tiếng Thái- Lan hết sức là lo âu, mất tinh thần. Số có ít thâm niên thì lo đi tìm công việc khác bên ngoài, trong lúc những người chỉ huy trong ban thì lo vận động với chính phủ và quôc hội Hoa Kỳ để xin duy trì thành phần nhân viên và thời lượng phát thanh như cũ. Họ cũng vận động với cả chính phủ Thái xin can thiệp với chính phủ Hoa Kỳ duy trì thời lượng phát thanh như cũ để không ai bị sa thải. May mắn thay, sau 1 thời gian lo âu không phải là ngắn, thời lượng cuả chương trình phát thanh của ban tiếng Thái được giữ nguyên như cũ và không ai bị sa thải cả. Lúc đó tôi nghe nói là nhờ đích thân thủ tướng Thái Lan can thiệp với chính phủ Hoa Kỳ. Lúc đó, có 1 chuyện tiếu lâm cũng xin thành thực kể cho quí độc giả nghe cho vui. Số là trước tình hình bi đát lúc đó của anh chị em trong ban phát thanh tiếng Thái, tôi và vài người bạn cùng làm tại ban Việt ngữ đài VOA nói đùa với nhau: "chúng mình phát thanh về Việt Nam khi làm chương trình cũng muốn có những bài viết, tin tức hay phóng sự gì đóng góp vào mục tiêu giải thể chế độ Cộng Sản, đóng góp vào việc xây dựng dân chủ ở Việt Nam. Nhưng như thế này thì có lẽ mình phải vừa "Chống Cộng" vừa "Lạy bố, bố đừng có đổ vội để chúng con còn có công ăn việc làm! Khi nào chúng con nghỉ hưu, bố hãy giải thể!"
Thưa quí vị, đó chỉ là chút chuyện tếu trao đổi với nhau một cách riêng tư trong lúc rảnh rỗi nhưng cũng bộc lộ tâm trạng thường tình của người viết cùng vài người bạn trong ban Việt ngữ đài TNHK lúc bấy giờ. Thành thực kể ra đây hy vọng không làm quí vị "chửi thề" chúng tôi, mà trái lại còn thông cảm với những người trong cuộc. Chính bởi thế, khi đọc bản tin viện dẫn, tôi liền nghĩ ngay tới số phận của trên dưới có lẽ gần 200 anh chị em lâu nay phục vụ trong 10 ban phát thanh đó. Giờ đây sắp thất nghiệp, họ biết xin việc nơi đâu. Lâu năm làm truyền thông rồi thì đâu còn chuyên môn gì khác nữa. Mà ra ngoài xin làm truyền thông Mỹ thì đâu có đủ khả năng để viết bài bằng tiếng Anh. Ngay cả xin viết bài cho các báo trong cộng đồng của họ không đòi nhuận bút cũng chưa chắc được. Vì muốn viết bài mà được đăng không nhuận bút trong các báo chí cộng đồng cũng không phải là chuyện dễ; phải là tay viết có người đọc. Huống chi là đạt trình độ viết lách để được các chủ báo mời viết có nhuận bút thì hiện nay còn kể như là hiếm. Mà nhuận bút, như trong cộng đồng báo chí Việt Nam hiện nay thì cao lắm theo chỗ tôi ghi nhận chỉ là 50 đôla 1 bài. Đó chỉ là số tiền danh dự cho những người viết đã đạt được uy tín cao trong nghề mà thôi chứ không ai sống bằng tiền nhuận bút viết báo của cộng đồng hải ngoại cả. Thực là hoàn cảnh cười ra nước mắt!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.