Hôm nay,  

Bình Thuận, Chín Năm Kháng Chiến Chống Pháp

13/03/200600:00:00(Xem: 9097)
- (Riêng tặng Trầm Kha, Phạm Thái, Tiếp Sĩ Trường, Phan Chính và Anh Vũ.)

Bình Thuận muôn đời vẫn là đất tụ nghĩa, nơi những anh hùng hào kiệt vì nước dám dấn thân, vứt bỏ tất cả những phù phiếm vật chất, danh lợi và tình thân gia đình, để không uổng làm trai hùng, gái dõng đất Việt.

Những gương sáng rạng ngời trong thanh sử, với Nguyễn Thông, Phan Chánh, Trần Thiện Chánh, Cao Hành, Ung Chiếm, Bùi Hàng, Tống Hưng Nho..luôn là tấm gương soi dẫn lối cho nam nữ thanh niên người xóm biển, nên đã được tiếp nối nhiều thế hệ về sau, cũng đã dám dấn thân trên con đường đại nghĩa diệt thân, mà chắc không ai dám phủ nhận các tên tuổi anh hùng Vũ Anh Khanh, Lê Văn Trò, Trần Thiện Khải..và rất nhiều không kể xiết, những người trai hùng Bình Thuận, đã nối tiếp nằm xuống, qua cuộc chiến ngăn chận đế quốc cọng sản đệ tam quốc tế, xâm lăng VN:

'tháng tư đen máu xương càng thêm đẫm

rợ Hồ về mở tù ngục, pháp trường

gây kinh hoàng, gieo tang tóc thê lương

khiến trời đất cũng bôn đào, lánh nạn

lính ở lại, lãnh đòn thù quốc hận

cùng dân đen chết rục rã, xương khô

xưa lót đường để ai dựng cơ đồ

nay thân xác bón rừng xanh thêm lá

nhưng nhục hận giờ cũng chìm tất cả

nay ai còn nhắc nhớ để làm chi

bạn rồi sao" lính cũng chẳng là gì

chỉ nấm đất bên đường đầy cỏ dại

mai nếu có cuộc đổi đời trở lại

ta xin dành phần, đăng báo phân ưu

đồng đội xưa đã chết trận, chết tù

thảm thiết quá những hồn ma đói lạnh ..'

Cuộc đời là vậy đó, nên làm sao mà không buồn, nhất là khi ngoái nhìn lại lịch sử của dân tộc Việt vào những năm tháng chống ngoại xâm.Theo tinh thần hiệp ước 1884, thực dân Pháp phải trả lại cho triều đình Huế, ba tỉnh Thanh-Nghệ-Tỉnh phía bắc Trung Kỳ, cũng như hai tỉnh Khánh Hoà-Bình Thuận phía Nam. Trên lý thuyết là vậy nhưng với bản chất tham lam, cộng thêm áp lực của giáo hội thiên chúa, cho nên Pháp chỉ giao lại cac tỉnh phía bắc Trung Kỳ, trong đó có Thanh Hóa là đất tổ của nhà Nguyễn mà thôi. Còn hai tỉnh phía nam là Khánh Hòa và Bình Thuận, thì nhất định chiếm không trả lại cho VN.

Đối với thực dân lúc đó, Bình Thuận là trung tâm kháng chiến của VN chống giặc Pháp, là đất tị địa của một số đông quan lại của triều đình Huế, khi Nam Kỳ rơi hẳn vào tay giặc năm 1867. Ngoài ra Bình Thuận cũng là một trong sáu tỉnh miền Trung, có phong trào tàn sát giáo dân kinh khiếp, trong đó toàn tỉnh có 40.000 người theo đạo, thì 25.000 người đã bị vong mạng vì phong trào 'hãy giết giặc Pháp bên trong trước, rồi sẽ đuổi được giặc Pháp bên ngoài'.

Qua những lý do viện dẫn trên, thống đốc Nam Kỳ là Thompson cử viên công sứ Pháp tại Cambodge là Aymonier ngụy tạo đi khảo sát đời sống dân Chàm tại hai tỉnh trên, để đặt kế hoạch tấn công chiếm đất.

Trong khi công tác tại Phan Rí , Phan Rang là hai địa phương có nhiều người Chàm sinh sống, Aymonier đưa ra chiếc bánh vẽ hứa trả lại nước Chiêm cho họ, nếu mọi người nổi dậy chống lại chính quyền VN. Để các sự kiện ăn khớp, Aymonier ngụy tạo bản án rằng là người Chàm trong vùng Khánh-Bình, đã bị người Việt bóc lột và đầy đọa, nên cần phải được giải thoát họ khỏi ách thống trị.

Còn một điều kỳ khôi nhất trong tờ trình, là yêu cầu triều đình Huế phải coi như người Chàm là dân ngoại quốc và họ sẽ được đặt trực tiếp dưới sự cai trị của nước Pháp. Cuối cùng để thêm lý do chính đáng chiếm Khánh-Bình, Aymonier nói là nước Pháp phải tới đó để cứu con chiên của họ.

Tên thực dân này còn điên loạn hơn khi đề nghi Pháp thả hết các tù nhân tại các nước Hồi Giáo Châu Phi thuộc Pháp như Maroc, Tunisie, Algerie..sang chiến đấu bên cạnh người Chàm. Vì họ đồng tôn giáo nên, sau đó số người này sẽ cưới đàn bà Chàm làm vợ, nước Pháp sẽ có một đạo quân trung thành tuyệt đối. Nói gì chăng nửa, thì Pháp cũng xúc tiến chiếm Khánh-Bình, vì hai tỉnh này kế cận Sài Gòn, sẽ là biên ải bảo vệ an ninh ninh cho thuộc địa Nam Kỳ.

Thế là ngày 13-3-1886, Pháp tự xé bỏ hiệp ước 1884 đã ký kết, phong Aymonier là công sứ Bình Thuận. Riêng Toàn Quyền Đông Dương là Paul Bert thì yêu cầu vua quan nhà Nguyễn phải chấp nhận sự kiện trên, vì đây là một biện pháp để thực dân đàn áp phong trào Cần Vương theo hịch truyền của vua Hàm Nghi từ năm 1885, đồng thời cũng giúp cho vua bù nhìn Đồng Khánh có chút tiếng tăm, khi xuống chiếu cấm dân chống giặc.

Ngày 7-8-1886, Bình Thuận rồi Khánh Hòa bị chiếm. Hai tên Aymonier và Trần Bá Lộc thẳng tay chém giết khủng khiếp dân lành. Tất cả những gì có tại chỗ đều bị cướp sạch, nhà cửa, đình chùa, những nơi chốn trang nghiêm mà dân Đại Việt lưu xứ tới đây tạo dựng đều bị tiêu hủy. Nước mất, nhà tan, muôn dân đồ thán nhưng triều đình Huế cũng chẳng có một thái độ gì trước sự tàn bạo bất lương của giặc Pháp, khiến cho người cả nước càng công phẩn, gia nhập các phong trào chống giặc khắp nơi, làm cho Pháp thêm điêu đứng. Tóm lại những gì xảy ra tại Bình Thuận và Khánh Hòa lúc đó, do Aymonier chủ xướng, giống như đây là một vùng đất vô chủ. Cao ngạo hơn, tên thực dân này còn ra lệnh san bằng tất cả chùa chiền, công thự, dinh phủ tại hai thành phố Phan Thiết, Phan Rí, để có đất trống tặng cho giáo hội thiên chúa, qua lời cam kết trước khi cưỡng chiếm tỉnh này.

Trong tình cảnh như thế, sẽ không có gì phải ngạc nhiên trước thái độ căm thù của người Việt trước giặc Pháp, cướp bóc và tàn phá quê hương mình. Ac cảm và sự thù hận ngoại bang, là những vết hằn cha truyền con nối, tạo nên một sắc thái truyền thống đặc biệt của người Bình Thuận khi phải đối mặt với nạn nước thù nhà. Cho nên không lạ gì trong những trang cận sử, Bình Thuận-Phan Thiết lúc nào cũng sôi động lòng ái quốc rất nhiệt thành nhưng cũng vô cùng sáng suốt. Đây là một vùng đất giàu có, từ dân ruộng cho tới người làm nghề biển, kể cả lớp lao động chân tay. Do trên từ khi vô sản quốc tế xuất hiện, hô hào dân làm cách mạng để xóa nghèo giảm đói, đã không có tác dụng gì với người bản địa, vì họ có bao giờ bị đói đâu" dù rằng phần lớn làm chơi ăn thiệt.

Nhưng từ sau khi Pháp trở lại cưỡng chiếm VN vào tháng 9-1945, người Bình Thuận, vì lòng nhiệt thành yêu nước, đã có hàng hàng lớp lớp thanh niên nam nữ, dấn thân vào mặt trận Việt Minh, đánh Tây cưú nước. Nói chung cuộc kháng chiến của toàn dân chỉ với một mục đích duy nhất là đuổi giặc thù ra khỏi bờ cõi Hồng Lạc, để giành lại độc lập tự do cho xứ sở thế thôi. Nên trừ thiểu số VC chuyên nghiệp, đếm không đủ trên đầu ngón tay, chuyên đứng sau lưng giật dây, gần hết những người đi kháng chiến lúc đó, không ai nghĩ là mình làm cách mạng tháng tám tháng mười như VC đã rêu rao tuyên truyền.

Hiện nay qua nhiều tài liệu lịch sử được công bố khắp thế giới, cả quốc gia lẫn báo đảng, cho nên cách nào đi chăng nữa, chúng ta cũng phải tạm chấp nhận là Nguyễn Tất Thành hay Nguyễn Ai Quốc rồi sau cùng là Hồ Chí Minh, đã trở lại nội địa VN từ ngày 8-2-1941, sau khi rời bến đầu ngựa tại Sài Gòn năm 1911, dưới cái tên Bồi Ba, tìm đường cứu nước.

Nói như vầy cũng để xác nhận một điều là từ giờ về sau, người VN trong đảng cũng như một số khác làm chính trị ngoài đảng, sơ sơ nghe tới cái tên 'bác'. Hồ về nhưng vẫn còn trốn ở trong hang sâu trên núi Pắc Pó, thuộc tổng Lục Khu, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Nơi này chỉ có vỏn vẹn vài chục gia đình người Nùng, làm ruộng rãy.

Nơi 'bác' ở là hang Cốc Bó có đường hầm thông tới biên giới, để ít ra nếu có biến cố gì, thì 'bác' lại qua Tàu. Ít lâu, Hồ lại dời tới Lũng Lạn, với một cái tên Nùng là Sáu Sán. Và như vậy thì những biến cố lịch sử đã xảy ra tại Bình Thuận, do các sĩ phu yêu nước mà diễn hình là Nguyễn Thông, qua việc thành lập Đồng Châu Xã, Liên Thành thi xã, Liên Thành thư quán hay trường Dục Thanh..đã ảnh hưởng và mắc mớ gì tới 'bác' mà đảng bảo là người Phan Thiết đã theo gương"

Năm 1945, sau khi Việt Minh chiếm được chính quyền rồi về Hà Nội nhưng tới lúc đó hầu như người VN cũng chẳng biết Hồ Chí Minh là ai. ngay tại những thành phố lớn trong nước như Sài Gòn, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, nơi có nhiều cán bộ tuyên truyền Việt Minh hiện diện.

Cho nên, nói ngày 25-8-1945, Việt Minh giành chính quyến, người Phan Thiết mới biết rõ Hồ là Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Ai Quốc, rồi vì biết 'bác' chính là thầy Thành, nên tin tưởng tuyệt đối vào người lãnh đạo đất nước. Nói chung báo đảng tại Bình Thuận đã cố tình gán ghép những nhân vật trong công ty Liên Thành tại Phan Thiết, vào chung bè, dù rằng những người này chỉ vì tình người, nên cưu mang một tên bá vơ đói rách, trên đường kiếm ăn, ghé Phan Thiết và nằm lì một vài tháng , trước khi vào Sài Gòn. Nhiều bịa đặt về 'bác' tại Phan Thiết như trong khi kháng chiến gian khổ, là dịp người Phan Thiết biểu lộ tình cảm của mình đối với 'bác' cụ thể nhất.

Cũng theo báo đảng cho biết Phạm trọng Chánh, một học sinh trường TH. Phan Bội Châu, Phan Thiết 1962-1969, con của một chủ nhà lều nước mắm giàu sụ tại phường Hưng Long, khi du học tại Pháp, cớ nào phải nhịn ăn, để mua cho được tập sách 'Bản An chế độ thực dân Pháp’ vào thập niên 1970, lúc đó nằm đầy trên các kệ sách cũ ở Pháp, đã được mấy ai để ý tới. Cũng căn cứ vào sử liệu, tập sách này do các tác giả đích thực là Phan Chu Trinh, Phan văn Trường và Nguyễn Thế Truyền, ký tên chung là Nguyễn Ai Quốc, được 'bác' chôm làm của riêng mình. Ngày 3 tháng 9 năm 1969, tin Hồ về chầu tổ Mác, theo báo đảng, thì cả Phan Thiết bùng lên đấu tranh, từ trong chợ lớn tới chợ Cồn Chà, trong nội thị cũng như vùng ven đô, tổ chức cúng 'bác'. Tóm lại nhờ đi theo con đường cứu nước và làm theo di chúc 'bác' mà Bình Thuận-Phan Thiết hơn ba mươi năm qua, đã tiến nhanh, tiến manh, tạo phương tiện cho cán bộ, đảng viên, công an, bộ đội và một số Việt gian, Việt kiều hợp tác với đảng cướp, giàu nhanh, giàu mạnh, chiếm gần hết lầu cao nhà rộng và của cải vật chất của người dân nghèo vùng biển mặn, đã có mặt ở đây hơn ba thế kỷ.

Theo sử liệu và các nhân chứng, thì không có giai đoạn nào khiến cho người Bình Thuận nói riêng, cả nước VN nói chung bị đau khổ và nhục nhã cho bằng khi phải sống trong hoàn cảnh bốn tròng: Pháp, Nhật, Việt Minh và bọn trọc phú, địa hào, gian thương bám theo thời cơ để bốc lột dân chúng tận xương tủy. Khắp nơi, nhất là những thị trấn ven biển như Long Hương, Phan Rí, Mũi Né, Phú Hài, La Gi và Phan Thiết, dân chúng cũng như nhà cửa vừa lãnh bom đạn oanh tạc từ các phóng pháo cơ của Đồng Minh, lại chịu thêm hải pháo của Hạm Đội Hoa Kỳ từ biển Đông, nhắm vào quân Nhật.

Cho nên trong thành phố , còi báo động đặt từ Lau Nước cũng ré vang và hầu như gia đình nào cũng phải đào hầm tránh đạn trong nhà. Mọi người khổ sở vô cùng vì không làm ăn gì được. Một số gia đình kéo nhau về thôn quê lánh nạn, tản cư. Giới trí thức lại càng đau khổ hơn vì sự giằng co níu kéo giữa các thế lực chính trị, vì theo bên nào cũng đều chuốc lấy nguy hiểm cho bản thân, gia đình.. Do trên, nhiều người có tiền, đã cho con cái vào Sài Gòn, vừa học hành bảo đảm cho tương lai sau này và trên hết tránh cho họ bị sa ngã vào cái lưỡi tuyên truyền của Việt Minh, đang công khai khắp chốn.

Phạm Hoài Chương, cựu thiếu tướng VC kể lại chuyện mình theo Hồ như sau: 'Gia đình từ Hà Tĩnh vào sinh sống tại xóm Tằm, làng Xuân Hội, huyện Hòa Đa. Chương sinh tại đó vào năm 1932 và vào Phan Thiết học tại trường Pháp Việt và thi đổ tiểu học năm 1940. Tháng 8-1945, Chương bị Nguyễn Xuân Thăng, một cán bộ cọng sản núp trong mặt trận Việt Minh, dụ vào đảng qua vai trò truyền bá quốc ngữ nhưng trước hết là cướp chính quyền tại thị xã Phan Thiết.

Tháng 10-1946, Ba Cường cùng 7 bộ đội khác trong Đại Đội Quang Trung về tuyển mộ thanh niên nhập đảng. Phạm Thành Chương nghe theo và thoát ly gia đình từ đó. Ngày 2-9-1959, Sáu Tú đại diện cho VC, lập đơn vị 2/9 và cho Chương làm chỉ huy, kiêm chính trị viên bí thư chi bộ. Ngoài ra còn có Nguyễn Hội, cựu học sinh trường Phan Bội Châu, Phan thiết niên khóa 1955. Đơn vị này đã tấn công xã Bắc Ruộng, quận Tánh Linh cuối năm 1960, cùng loạt với Mõ Cầy (Bến Tre) và Trà Bồng (Quãng Ngãi), trong cái gọi là tổng nổi dậy, mở đầu cho cuộc xâm lăng của cọng sản Bắc Việt vào VNCH từ 1960-1975. Chương cũng là người chỉ huy đánh Phan Thiết trong những ngày Tết Mậu Thân 1968, trong trận này Nguyễn Hội đã bị bắn chết tại đồn Trinh Tường'.

Còn Trương Công Minh, con một gia đình giàu có tại Đức Thắng, đang theo học trường Tây, gia nhập hướng đạo sinh rồi bị Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu dụ dỗ, nên theo Việt Minh và nhập Cọng sản lúc nào không biết. Là một người có tâm hồn nghệ sĩ, có khiếu âm nhạc, năm 1942, Minh đã sáng tác nhạc phẩm 'Tráng sĩ ca' dựa vào ý thơ của Trần Quang Khải trong bài thơ ‘Chương Dương đoạt giáo giặc'. Rồi làm báo 'Quyết Tiến' và tờ 'Sáng' của Việt Minh tại Phan Thiết. Từ năm 1947, Trương công Minh là bộ đội của Trung Đoàn 812 Việt Minh, đóng trong mật khu Lê Hồng Phong, Phan thiết. Năm 1949, Minh là chính trị viên qua bí danh Minh Quốc, lúc đóng quân tại Giếng Xó, kế núi Tà Dôn, nhân đọc được bài thơ 'Tình Đồng Chí' của Chiến Hữu, nên đã phổ nhạc thành bài ' Tình Nước ' rất có giá trị, trong giai đoạn toàn dân kháng chiến chống Pháp từ năm 1946-1954.

Nhắc tới những ngày đầu của cuộc kháng chiến, nhiều người còn sống của cả hai phía, đã ngậm ngùi tức cho cái ngu của mình bị cọng sản lường gạt. Cuối năm 1945, vì tin theo cán bộ VC, nên ai cũng nô nức chuẩn bị cho một cái Tết độc lập đầu tiên, hết sức trang trọng và đầy đủ. Do vậy, gần như nhà nào cũng có đủ cốm, bánh tét, bánh in, bánh quế, bánh thuẫn, các loại dưa, măng kho thịt..Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những nhà trên phố, còn các làng chài ven biển từ Bình Thạnh ngoài Long Hương vào tới Cù Mi, La Gi..qua sự kiểm soát của Việt Minh, dân biển không dám tổ chức đánh bài như mọi năm khác.

Đặc biệt năm đó, Việt Minh cũng cấm dân chúng không được cúng giấy tiền, vàng mã, kể luôn ngày đưa Táo Quân về trời đêm 23 tháng chạp, cũng lạnh ngắt. Lúc đó, quân Pháp đã tái chiếm Nha Trang, Ban Mê Thuộc, Đà Lạt và đang trên đường từ Phan Rang tiến về Phan Thiết vào ngày 28-1-1946. Tại Tuy Phong, cán bộ Việt Minh bắt dân chúng tại thị trấn Long Hương tản cư và đốt sạch nhà cửa theo chính sách nhà không vườn trống. Riêng VC thì trốn vào Phú Điền, sát nhà ga Sông Lòng Sông, để dễ bề đào tẩu. Long Hương là một trong những địa phương giàu có và sung túc của tỉnh Bình Thuận từ xưa tới nay, hầu như nhà nào cũng có ít nhiều cơ sở làm mắm, muối cá..cho nên có mấy ai nghe theo bọn cán bộ Huyện, bảo đốt nhà rồi theo chúng tới Gò Xanh hay Ap Gộp, khỉ ho cò gáy để tản cư và lập chiến khu. Cuối cùng, Việt Cộng rút hết chỉ để lại Đại Đội 3 Việt Minh nằm phục kích tại Đá Chẹt, Cà Ná và sau đó vào ngày 28 tết tức 30-1-1946, đã đụng độ với Pháp tại chùa Vĩnh Cố, Long Hương. Lúc này quân Pháp có xe tăng đã xuất hiện đầy trên quốc lộ 1, từ Đá Chẹt tới Cầu Đen, Vĩnh Hảo. Riêng Đại Đội 3 Vệ Quốc Quân, thấy quân Pháp hùng hậu quá, nên nín bò vào trốn trong núi, nên không có đụng độ.

Tại Phan Thiết, sau khi quân Nhật rút hết bằng đường biển, thì quân Pháp tiến vào thị xã từ hướng Phan Rang bằng bộ binh và cơ giói vào ngày đầu Tết năm 1946. Cũng kể từ đó, người Bình Thuận đủ mọi tầng lớp, nô nức lên đường, gia nhập vào mặt trận liên hiệp Việt Minh, để chống giặc Pháp xâm lăng. Tiếng súng lệnh đầu tiên báo hiệu cuộc kháng chiến kéo dài ròng rã trong chin năm, đã nổ tại Xóm Mía, Tân Điền, Thiện Giáo vào ngày mùng 7 Tết năm 1946, sau đó lan tràn khắp chốn từ Rẩy Nổ, Rừng Già, Láng Than, Láng Quý, Bà Gò, Bà Chơn, Bà Hài, Lò Thổi, Bàu Sẽ, Tam Giác, Tà Dôn, Cù Mi, Đá Chẹt cho tới nội thành Phan Thiết.

Tóm lại ở đâu cũng là chiến trường chống Pháp. Đặc biệt nhất là rừng cát trong mật khu Lê Hồng Phong, nằm giữa hai quận Hòa Đa và Thiện Giáo, vắt ngang quốc lộ 1 từ Phan Thiết--Phan Rí và ôm trọn bờ biển từ Thạch Long tới Nhơn Thiện. Ở đây có món đặc sản thịt Dông nổi tiếng, từng nuôi sống Việt Minh rồi Việt Cộng. Năm đó, rừng cát còn nguyên sinh, hầu như cây mọc trên cát mà không cần suối nước. Ở đây mùa khô có thể tìm nước uống trong bọng cây, ngọt nhưng có mùi hăng hắc. Riêng mùa mưa thì nước xối tới đâu cũng bị cát hút sạch. Do trên cát ở đây nuôi đủ loại cây rừng và hai thứ nuôi sống con người, đó là nấm mối và Dông. Nấm mọc khắp các cây già mục, còn Dông thì sống dưới những hang đào có lá rụng che phủ. Tuy cùng một họ với Cá Sấu, Kỳ Đà nhưng Dông hiền lành, da láng mượt không sần sùi gai gốc. Dông thềm hay Dông đực to gấp đôi Dông mái và ở hang sâu hơn có thể quá đầu người nhất là mùa nắng thiếu nước. Mùa khô hạn, Dông thềm Dông mái trốn nhủi trong hang sâu. Dông mái đẻ trứng và vùi trong cát ẩm vào đầu mùa mưa và nở con gọi là Dông cắc ké. Hang Dông rất sâu lại có nhiều ngách để đánh lừa rắn và trốn khi nguy kịch. Thói quen của họ nhà Dông là ngủ sớm khi mặt trời chưa lặn và khi ngủ thì tự lấp miệng hang vì sợ rắn chui vào. Theo báo VC, thì năm 1950 bác sĩ Phạm Ngọc Thạch từ Bắc Bộ Phủ trên đường về Nam, có ghé mật khu Lê Hồng Phong và được đãi bữa tiệc Dông đủ món, từ Dông bằm xúc bánh tráng mè đen, Dông nướng lá lốp, Dông nấu canh với lá Giang..mà cứ tưởng đó là món Gà rừng nổi tiếng trong rừng Ô Rô tỉnh Bình Thuận.

Trước ngày Việt Minh cướp chính quyền tại Bình Thuận, Huỳnh Dư làm Tuần Vũ thay thế Phạm Phú Tiết. Để biết thêm nổi đọa đày bi thiết của người Bình Thuận, trong địa ngục một cổ bốn tròng, hãy nghe nhà văn Nguyễn Thị Thu Nhi kể: 'Nửa khuya đêm 9-3-1945, đang ngủ mê, tôi bị má tôi dựng dậy cùng cả nhà quơ vội ít quần áo và những vật dụng cần thiết bỏ vào giỏ cho người giúp việc gánh chạy. Không dám đi trên con đường chánh, ba tôi dắt mọi người chạy dọc theo đường xe lửa từ ga chánh xuống tới chợ Thiếc Bình Hưng, đường Huyền Trân Công Chúa. Con đường xe lửa này nằm trên đường Cao Thắng, ngang qua chùa Bình Quang Ni Tự. Con đường này lúc đó còn đầy bụi rậm, nên ban đêm ít người dám lai vãn vì nghe nói có MA.

Trên đường đi, qua câu chuyện mới biết Nhật đảo chính Pháp. Do trên ai cũng sợ bi vạ lây nên nhiều nhà tản cư lánh nạn. Về việc Nhật đảo chánh Pháp tại Phan Thiết thật dễ dàng, không thấy có giao tranh đổ máu. Thật ra từ cả năm nay, máy bay Đồng Minh thường bay đến Phan Thiết dội bom, cùng với mấy tỉnh miền Trung khác. Bởi vậy cứ mỗi buổi sáng, chúng tôi phải chạy ra chùa Cát (Phật Quang), để khi nghe còi báo động, là chun xuống hầm tránh đạn cho tiện. Hằng ngày, máy bay thường đến thả bom từ khoảng 9-10 giờ sáng, cũng có lúc bỏ vào ban đêm, nên đèn đường phải bao giấy đen, chỉ chừa lại những vòm sáng trên mặt đường.'

Lợi dụng hoàn cảnh tranh tối tranh mờ và chính quyền gần như bỏ ngõ, cọng sản Đông Dương tụ tập trở lại. Nhiều cán bộ từ tỉnh khác tới tăng cường số cán bộ tỉnh bị bắt hay chết trong lần nổi dậy thất bại của phong trào Sô Viết vừa qua. Một phiên họp bí mật của Việt Cộng đang len lỏi trong mặt trận Liên Hiệp Việt Minh, được tổ chức tại căn cứ Ba Hòn, thuộc xã Kim Bình, Hàm Thuận, gần núi Tà Cú và hải đăng Kê Gà . Tại đây một Uy Ban lâm thời của Mặt trận Việt Minh được thành lập, do một cán bộ cọng sản đệ tam quốc tế là Nguyễn Sắc Kim đứng đầu. Từ đó, những thanh niên nam nữ trong tỉnh như Vũ Anh Khanh, Phạm thành Chương, Trương Công Minh, Huy Sô, Trần Duy Liêm, Nguyễn Ngu Í.. những người trí thức, cũng như những gia đình nông dân, lao động và ngư dân nghèo sống ven biển, lần lượt lọt vào bẫy rập tuyên truyền đánh Tây cứu nước, của cán bộ cọng sản.

Một số đã lầm đường lạc lối gây đủ tội ác, giết hại đồng bào vô tội và những người không chịu theo chúng. Bởi vậy cái thảm cảnh ngày tập kết 1954, ở lại thì sợ bị trả thù, còn ra Bắc để làm gì vì họ chỉ là những người yêu nước, chứ đâu phải là cán bộ cọng sản chuyên nghiệp. Đó là trường hợp của Trần Duy Liêm, Nguyễn Ngu Í.. hoạt động tại Liên Khu 5, đã quay về vùng quốc gia mà không chịu tập kết tại Quy Nhơn và Hàm Tân.

Cũng nhờ vậy mà Duy Liêm đã trở thành một trong những họa sĩ lừng danh của miền Nam từ năm 1960-1975. Còn Nguyễn Ngu Í tuy bị thiên hạ coi là kẻ khật khừ vì bắt chước theo cách viết ba trợn của Hồ nhưng vẫn là một nhà báo uy tín trong nhóm Bách Khoa của miền Nam VN. Cả hai cùng với Lê Hương, Lê Quang Nghiêm, Vũ Anh Khanh, Huyền Vũ, Trần Thiện Thanh, Thu Nhi, Dũng Chinh, Hoài Khanh, Nguyễn Bắc Sơn, Kiều Thệ Thủy, Duy Huệ, Hiếu Đệ, Đinh Quốc Hùng..đã chung sức một thời làm đẹp mặt người Bình Thuận trên mọi nẻo đường đất nước.

Một số lớn ra đi, sau năm 1975 hồi kết, ngoài việc mang về cố hương bầu đàn thê tử, cùng với những thói hư tật xấu, đã bị nhồi sọ tiêm nhiễm trong khi sống với thú người trên đất Bắc, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình của những người đàn bà trung trinh Bình Thuận, chỉ vì trọng lễ giáo , mà cam chịu khóa chặt buồng xuân, để nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ già, chờ chồng theo đảng và bác ngoài quan tái mỏi mòn. Nhiều người đã phải khóc hận trong buổi trùng phùng đầu tiên, vì ông chồng thắng trận cách mạng, đã tuân lệnh bà vợ đảng, thẳng tay cướp nhà, đuổi vợ con mình ra khỏi ngõ.

Rồi còn không biết bao nhiêu niềm đau khổ khác, cũng do những đứa con hư của Bình Thuận-Phan Thiết, lạc lõng bao chục năm trời giữa nghèo đói lạc hậu, ngu dốt và sự hận thù, học từ ý thức hệ. Bởi vậy khi trở về Phan Thiết, có chút quyền thế trong tay, đã tận tuyệt tàn phá quê cha đất tổ, làm băng hoại lễ giáo nghìn đời của dân tộc.

Tàn nhẫn hơn hết, là chính con cháu của những nhà Hàm Hộ tại Bình Thuận, khi tập kết trở về, đã dụ cha mẹ gia đình mình, đem sản nghiệp, tiền bạc, nhà lều, vựa mắm, những cơ nghiệp mà tiền nhân họ đã tạo dựng qua nhiều thế hệ bằng chính máu xương mồ hội, nước mắt, quỳ dâng cho cọng sản Hà Nội để lập công.

Tháng 6-1975, chính Phạm Văn Đồng vào Phan Thiết để tiếp thu sản nghiệp của các nhà Hàm Hộ tại Phan Thiết, Mũi Né, Phan Rí, Hàm Tân, Long Hương. Sau đó ra thông cáo là chính những người này tự dâng hiến. Hỡi ôi, khu nhà giàu Đức Thắng bao đời từ Tây tới VNCH, lúc nào cũng là khu trái độn của các phe phái, cho nên suốt ba trăm năm, chỉ một lần duy nhất là nhà lều của Lê văn Tho, tức Vạn Hương nằm tại đường Duy Tân và Trương Vĩnh Ký bị Việt Minh về đốt, còn tất cả đều an toàn như núi, kể cả trận Mậu Thân 1968, ba lần bị VC tấn công, cho tới sau ngày 30-4-1975, mới sập tiệm, cạn tàu. Nhưng rốt cục bọn tai bèo này cũng chỉ nhận được chút bổng lộc phất phơ trong buổi giao thời. Sau đó gần như tất cả bị đá ra ngoài lề cuộc sống, để đau thương, hận thù và nuốt nhục, thì cũng đã muộn màng vì bàn tay đã đẫm quá nhiều máu của chính gia đình và đồng bào mình:

'Ta gặp nhau lần cuối ở Phan Thiết

em lạnh lùng tra tấn đám tù binh

đeo mặt nạ để hành hạ bạn mình

như hai kẻ có mối thù tận tuyệt

kể từ đó không bao giờ gặp lại

ta nổi trôi như bèo giạt muôn phương

nhưng nghe nói em giờ cũng đoạn trường,

khi lý tưởng tàn theo mùa chinh chiến'

Theo lời kể lại của các vị cao niên, thì trong đêm 23 rạng ngày 24-8-1945 tại Phan Thiết, lợi dụng thời cơ Pháp bị Nhật hất chân và bắt giam, đồng thời Nhật bất động tại các đồn bót cơ sở vừa mới chiếm của Pháp, vài cán bộ cọng sản cơ sở tại Phan Thiết như Nguyễn Sắc Kim, Nguyễn Diên, Lê Ngọc Châu, Trần văn Tây, Nguyễn văn Tường..sách động một đám động tự phát, đa số là nông dân từ các làng ấp ven đô, kéo về thị xã lúc đó im lìm như cảnh chết, từ tòa sứ, đồn binh. Cơ hội ngàn năm một thuở, mấy cán bộ cọng sản cầm đầu hò hét bắt dân chúng treo cờ xí búa liềm, giăng biểu ngữ đỏ vàng, đòi phải giao chánh quyền cho dân làm chủ.

Đây cũng là một đêm kinh hoàng nhất trong đời người Bình Thuận, qua cái danh từ hào nhoáng là cách mạng tháng tám mùa thu, cướp chính quyền. Cũng giống như những ngày máu lửa Tết Mậu Thân năm 1968 và các đêm xử giảo quân, công, cán cảnh VNCH bị kẹt lại Phan Thiết sau ngày 19-4-1975, cầm đầu bởi tên Ngô Đình Cường, sống bằng nghề chụp hình, có nhà tại đường Nguyễn Trường Tộ-Phan Thiết, kế lò bánh mì Trung Nam, gần nhà hàng Kim Sơn và Nam Thạnh Lầu.

Trong tờ báo Xuân Phan Thiết, năm Nhâm Ngọ 2002, nơi trang 45, qua tài liệu của đảng, đã không ngớt lời khen tặng công trạng của đương sự, từ năm 1964-1967, là chủ tịch Lực Lượng thanh niên học sinh Bình Thuận, chống Mỹ Ngụy, do Đinh Văn Đệ, Trung Tá Tỉnh Trưởng Bình Thuận cũng là Trung Tá Công An Bắc Việt, đỡ đầu đứng sau lưng.

Theo Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa, thì Ngô Đình Cường đã vào nằm vùng trong Trung Đội Phòng vệ Dinh Tỉnh Trưởng Bình Thuận, trước khi ông về nhậm chức từ năm 1969. Y thường mượn cớ là một nhiếp ảnh gia, nên đã lân la khắp chốn, chụp hình những cơ sở quân sự của tỉnh, để VC chấm tọa độ pháo kích trong suốt cuộc chiến. Theo nhiều nhân chứng hiện còn sống sót tại Mỹ, đã nêu đích danh, Cường là người đã hướng dẫn và chỉ điểm cho bọn hung thần 304, bắt giết nhiều người vô tội, trong đó nạn nhân đầu tiên là anh em Lương Cảnh Phú và Lương Cảnh Thân, con chủ tiệm Mỹ Quang ở đường Lê Văn Duyệt, Phan Thiết, do thù oán cá nhân, nên bị Cường tới bắt và đem bắn tại chùa Vạn Thiện..dù họ chỉ là những quân nhân cấp nhỏ, tính tình hiền lành, phục vụ tại Trung Tâm Yểm Trợ TV. Bình Thuận. Hiện Cường có thân nhân sống tại Mỹ, nghe nói thường xuyên trà trộn vào các Chùa và Hội đoàn của Người Việt tị nạn ở Nam CA, không biết để làm gì. Nhưng với thành tích sát nhân của ông anh VC, chắc chỉ có những người đui điếc không sợ súng, mới dám cả gan hợp tác hay gần gũi với đương sự.

Hỡi ôi cách mạng gì mà lạ kỳ, vì trong cái đêm gọi là cướp chính quyền, bọn cọng sản cầm đầu lực lương Việt Minh, không hề đụng tới đồn Tây, đồn Nhật kể cả đồn lính tập, mà lại ra lệnh đốt nhà, giết người, khiến cho những người đang trong hàng ngũ Việt Minh, vừa thi hành lệnh nhưng nước mắt rưng rưng vì thương tiếc công trình tổ tiên, đã gây dựng qua ba trăm năm đẫm đầy máu lệ. Cũng trong đêm này, lực lượng tự vệ của Nguyễn Nhơn và Nguyễn Chúc lùng sục khắp nơi trong thị xã, để tìm bắt những người bị lên án là Việt gian vì họ có liên hệ hay đã làm việc cho Pháp, Nhật. Chúng đốt nhà làng Đức Nghĩa tại ngã tư Tự Đức-Minh Mạng, Hội quán công ty Liên Thành tại Đường Duy Tân, nhà hàng Ngọc Lâm kế bên Lầu Ong Hoàng ở Phú Hài vì chủ nhân là một người Pháp tên Guéri. Trương Gia Kỳ Sanh hiệu Trúc Viên, con Trương Gia Mô, bà con với đại Việt Cộng Trương Gia Triều, tự Tư Méo hay Trần Bạch Đằng. Có thể nói được, cha con Trúc Viên là một trong những đại ân nhân của Hồ Chí Minh lúc còn là Nguyễn Tất Thành, vì nếu không có Trương Gia Mô, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng ..là bạn đồng khóa với Nguyễn Sinh Sắc, Cha Thành, thì chắc không có chuyện 'bác' vào Phan Thiết dạy học tại trường Dục Thanh, sau đó được Hồ Tá Bang giới thiệu vào làm công tại Công ty Liên Thành ở Sài Gòn, mới có dịp lân la xuống tàu làm bồi đi Pháp. Chính Trúc Viên cũng bị bắt đêm 22-8-1945, bị kết án vì đã từng tổ chức nhiều buổi diễn thuyết ca tụng chính sách Đại Đông Á của Nhật.

Chắc là nhờ có liên hệ với Hồ và Huỳnh Thúc Kháng, nên Trúc Viên không bị giết trong đêm đó như hầu hết nạn nhân, mà chỉ bị giải ra cầm tù tại Huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, chính Huỳnh Thúc Kháng nhân danh là Phó Chủ Tịch Nhà Nước kiêm Bộ Trưởng Nội Vụ trong chính phủ liên hiệp, ký sắc lệnh số 40/BNV ra lệnh thả Trúc Viên. Tuy nhiên đảng đã chơi xỏ, bắt Trương Gia Kỳ Sanh phải ra Huế lãnh giấy phạt.

Cũng nhờ dịp này mà Tăng Khánh, Tăng Vĩnh Long, Tăng Phát, Tăng Sanh, Lê văn Tho, Lê văn Phụng..đang tản cư ở Hội An, mới có dịp theo Trúc Viên ra Bắc chầu Hồ và mang về một bài thơ nhắn nhe người Bình Thuận, hãy theo gương 'bác' tìm đường cứu nước, bằng cách mau vào 'Hợp tác xã' để cùng nhau đói rách lầm than, như dân miền Bắc từ 1955-1975.

'Đồng bào Bình Thuận

muốn chóng phú cường

sĩ, nông, công, thương

đều vào hợp tác'

Tại Phan Thiết, dù đang chờ quân Anh-An tới giải giới, quân Nhật vẫn chiếm khu vực quanh cửa Thương Chánh, tới ngày 12-12-1945 mới xuống tàu về nước. Tất cả giờ đây đều là những câu chuyện lịch sử, gần như là sự tưởng tượng từ năm 1911 đầu thế kỷ trước rồi tới đầu thế kỷ này, cũng vẫn là những câu chuyện hoang đường y hệt trong trang sử cọng sản.

Dù rằng ngày nay, có một thiểu số giả đò không biết chuyện gì hết, hay nhắm mắt làm ngơ, để cứ ngồi tiếp tục việt truyện phong thần về 'bác', về đảng, về cách mạng tháng tám tháng mười mùa thu lá bay hay đảng ta đánh Tây, đánh Nhật đánh Mỹ cưứ nước. Trong lúc đó cả nước nói chung và người Bình Thuận nói riêng, đều rành sáu câu về chuyện cổ tích Thầy Thành tới dạy học tại trường Dục Thanh vì ông bố Tri Huyện Nguyễn Sinh Sắc uống say đánh chết người phải bãi chức. Cũng như chuyện đám dân nghèo bạn biển, lao động chân tay, bị bọn nhà giầu bốc lột tận xương tủy, qua hình thức đầu nậu hay tiền cho vay trước mùa biển, để bán cá trừ sau cộng tiền lãi.

Chính cái nghèo hận này, đã khiến cho một số lớn thanh niên nam nữ Bình Thuận, lọt vào bẫy rập tuyên truyền của cọng sản quốc tế, qua chiêu bài giải phóng người nghèo, san bằng giai cấp.. Hận thay một số người còn lại hôm nay, nhắm mắt nối giáo với giặc cỏ, cướp công lớn của người Bình Thuận, để nhận chiến lợi phẩm và sự đền bù.

Ai cũng biết, từ khi ra đời tại VN năm 1930 tới nay, về chuyện bầu cử quốc hội của đảng cọng sản không hề thay đổi, hay nói đúng hơn , đây là một trò hề vô duyên nhất vì chẳng chọc được ai cười, trước cái vở tuồng bịp gọi là phổ thông đầu phiếu, nhưng thực chất là gian lận vì kẻ đắc cử luôn luôn được đảng bỏ giùm phiếu trước.

Trò hề này, cũng đã được hát tại Phan Thiết ngày 6-1-1946, với hai đại biểu quốc hội bù nhìn là Nguyễn Tương và Huỳnh Tấn Đối. Cũng cái trò gian lận này, khiến máu đã đổ tại Hà Nội và vua Hồ phải lật đật ra lệnh giải tán đảng cọng sản Đông Dương, để thành lập mặt trận liên hiệp Việt Minh, gồm tất cả toàn dân VN không phân biệt đảng phái, cho nên cuộc kháng chiến chống Pháp trong chin năm 1946-1954, không phải là độc quyền hay là công riêng của Hồ và đảng cọng sản như chúng đã rêu rao nhận xạo.

Vẫn theo các cụ cao niên, thì Tết Bính Tuất 1946, Bình Thuận có hai chuyện cười ra nước mắt đáng nhớ, đó là nhờ các cán bộ cao cấp cọng sản trong Uỷ Ban lãnh đạo Tỉnh, sợ chết nên bỏ chạy trước khi quân Pháp tới, nhờ vậy không còn ai ở lại ra lệnh cho đám âm binh trong cái gọi thanh niên tiền phong, đốt nhà phá xóm của thiên hạ, để cả nước thành vườn không nhà trống, như cọng sản đã làm tại Liên Khu 5, từ Phú Yên ra tới Quảng Nam.

Còn chuyện thứ hai, vì quá tin lời tuyên truyền của cán bộ, nói láo rằng sẽ có bộ đội của Hồ từ Hà Nội vào tiếp cứu Bình Thuận khi Tây đến. Bởi vậy nhiều người vô tội tại Phú Long, Phan Thiết vì nhẹ dạ tin 'bác' nên đã chết oan, khi cờ quạt ra chận đoàn quân xa cơ giới của lính Lê Dương từ Phan Rang vào tái chiếm Phan Thiết. Sự kiện bi thảm này đã được nhà văn Thu Nhi ghi lại như sau:

'Sáng ngày 29 tháng chạp âm lịch, khoảng đầu tháng 2 năm 1946, gia đình đang tản cư tại Lại An, thì có người quản gia từ Phan Thiết chạy lên khóc báo là Việt Cộng ban lệnh tiêu khổ kháng chiến, nên thanh niên tiền phong đi đốt nhà cửa trong thị xã trước khi rút lui vì Tây sắp vào chiếm thành phố. Cũng may chỉ mới châm lửa ở phía ngoài hãng cá hộp của Nhật tại Hưng Long, chứa bén bao nhiêu thì có lệnh chạy, nên dân chúng tới dập tắt kịp. Nghe câu chuyện trên, ba tôi hối người nhà lo nấu nướng cúng tất niên để chuẩn bị chạy tiếp, vì nơi chúng tôi tản cư chỉ cách quốc lộ 1 chừng vài đám ruộng. Trong lúc nhiều người đang làm heo ngoài giếng, tôi nhìn lên đường thấy một đoàn xe nhà binh chừng vài chục chiếc, chạy về hướng Phan thiết.Vì xa không thấy rõ, nên mọi người bảo với nhau, 'chắc là xe của bộ đội từ bắc vào giữ thành phố'.

Năm 1946 trước sự tấn công dồn dập của quân Pháp, Uy Ban kháng chiến miền đông đã chạy ra Phan Thiết. Theo chân đám này có nhiều bộ đội hỗn hợp đủ mọi thành phần, trong mặt trận Việt Minh, được Nguyễn Minh Châu tập hợp lại chừng 40-50 người, gọi là Đại Đội kháng chiến Hoàng Hoa Thám, hoạt động trong địa bàn phủ Hàm Thuận.

Chiến công để đời của đơn vỉ này, theo hai nhân chứng là Nghệ sĩ Việt Hùng và Giáo sư Trần Phụng Đình, thì việc đốt Lầu Ong Hoàng tại Phú Hài, ngoài cái cớ đánh Pháp nhưng thực chất là để cướp bóc tài sản quý báu của chủ nhân Tòa lâu đài mà thôi. Nguyễn Minh Châu có vợ là Huỳnh Thị Ngà, con của một địa chủ tại Hàm Tân. Theo lời kể, thì cha của thị Ngà bị Việt Minh giết nhưng Y thị đã không trả thù, trái lại còn theo Việt Cộng và là nữ cán bộ kinh tài. Năm 1954, vợ chồng Nguyễn Minh Châu tập kết ra Bắc tại Hàm Tân. Năm 1963, Châu được phong tướng với bí danh Nam Chon hay Năm Ngà, hồi kết về Nam, làm tư lệnh quân khu 6 Việt Cộng, bao gồm các tỉnh Quảng Đức, Tuyên Đức, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy. Tết Mậu Thân 1968, cùng với Phạm thành Chương, chỉ huy VC tấn công Phan Thiết ba lần nhưng bị thất bại, nên bị mất chức phải về làm phó cho Lê Đức Anh.

Theo tuỳ bút của Trần thị Cẩm Tuyến, một nhân chứng, viết lại thời kỳ nhiễu nhương của Bình Thuận trong giai đoạn 1945-1946: 'Yên ổn không bao lâu thì Tây lại trở về đánh chiếm Phan Thiết. Cho nên Việt Minh lại hô hào dân chúng theo mình tản cư trốn Tây, càng đi xa càng tốt để thực hiện chính sách nhà không vườn trống. Vậy là gia đình tôi lại trôi giạt về làng Phú Bình. Lúc đó chị cả tôi bị Việt Minh điều động vào chiến dịch truyền bá quốc ngữ, đưa ra công tác tận miền Bắc. Nên me tôi hụt mất điểm tựa tinh thần và tài chánh.

Thời gian tản cư ở Phú Bình, ngoài những lúc sợ hãi vì bị Tây ruồng bố, bắt bớ người tình nghi tham gia theo Pháp. Rồi một biến cố xảy đến, mẹ tôi đi chợ về ngang qua làng Xuân Phong, thì bị du kích xã chận bắt, rồi đem về xóm lên án là Việt Gian, sắp bị chôn sống. May nhờ có một người cháu trong nhà đang trọ tản cư, là đoàn viên thanh niên đảng, đứng ra minh oan, nên thoát chết. Sáng hôm sau, mẹ dắt chúng tôi lẻn qua làng khác và hối hả trốn về Phan Thiết, vì quá sợ hãi Việt Minh giết người khi6ng cần bản án, như tai hoạ vừa mới xảy ra.'

Thật ra thì ở giai đoạn nào cũng vậy, cọng sản luôn bưng bít sự thật, để dụ dỗ người dân nhẹ dạ bần cùng theo đảng và vì vậy hầu hết những cấp lãnh đạo cao nhất của đảng từ Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Võ văn Kiệt, Đồng văn Cống, Tô Ký, Nguyễn Minh Châu..đều cùng xuất thân trong giới không có chuyện gì làm để kiếm sống, ngoài chuyện đi làm giặc để may ra cải thiện cuộc đời. Cuối cùng ngọt mật chỉ chết ruồi, vì bao nhiêu hứa hẹn trên trời dưới biển chẳng bao giờ có:

'đồng bào hãy vùng lên

quyết tâm theo bác hồ

nông dân sẽ có đất

gạo lúa sẽ đầy sân'

Chắc nhờ như vậy mà Phan Thiết từ sau ngày 3-6-1946 mới nặn được cái gọi là Mặt trận Việt Minh với những tên tuổi cầm đầu lạ hoắc như Nguyễn Kim Bưu, Quốc Thùy, Lê Thanh Tâm..không thuộc thành phần trí thức hay công kỹ nghệ gia của tỉnh Bình Thuận.

Cũng kể từ đó, thị xã Phan Thiết từ nội thành ra tới vùng ven ô như Núi Cố, Rừng Dương, Xóm Đầm, Động Giá, Mã Lở, Giếng Dọc, Động Làng thiền, Cây Cám, Vân Thánh, Lò Heo, Cồn Cỏ, Phú Trinh..và ngay tại ngã bảy trước rạp hát Anh Sáng (Bình Thuận), ám sát, bắn giết ngay cả ban ngày, khiến cho Tây có cớ đem người ra bắn trước cột cỡ đầu đường Gia Long, giữa tiệm Lê Chánh Ngữ và Nam Thanh Lầu. Dụ người lớn chưa đủ, còn gạt luôn các em nhỏ như An, Lệ mà báo Đảng Bình Thuận khoe, khiến nhớ lại các cán binh Bắc Việt bị bắt trong trận Tết Mậu Thân 1968, nhiều em chỉ mới 12 tuổi, lứa tuổi học hành phá phách, vậy mà cũng bị bắt đem ra chiến trường đỡ dạn, như câu chuyện kể vào nhà mật thám Ba Ký tại chợ Gò để lấy súng, giết Tây ..toàn là chuyện phong thần.

Nói tóm lại, chín năm kháng chiến chống Pháp tại Phan Thiết-Bình Thuận từ 1946-1954, theo tài liệu đảng thì Việt Minh đã thu nhiều chiến thắng tuyệt đẹp trong lòng thị xã, vói nhiều chiến lợi phẩm. Tuy nhiên những chiến thắng đó không đạt được tại các căn cứ quân sự của Tây tại Tòa Sứ, trại lính Tiểu Đoàn hay các đồn bót quan trọng nơi các quận, huyện.

Nhưng lạ lùng nhất là chiến thắng của Việt Minh, chỉ toàn nhắm vào càc cơ sở dân sự như Trường Thể Dục Đông Dương tại Phi Trường (Căng Esepic), nhà hàng Séréni, Tổ Chim Ưng (Lầu Ong Hoàng) ngày 14-6-1947.

Riêng các má chiến sĩ trong lòng địch, hết dạ nuôi. nấng bao che Việt Cộng, những tên tuổi lớn như Mẹ Năm, Má Dĩ, bà Vạn Kim, Cửu Lộc, Vạn Cần, Hai Mít, Sáu Nhung, Ba Lai..không biết sau ngày 30-4-1975 có được Đảng cho gì không, hay tất cả giống như những hàm hộ, chủ thuyền, ruộng đất, nhà vườn, lều ghe, vàng ngọc..đều bị trưng thu, cướp tịch..qua các đợt đấu tố, đổi tiền, đánh tư bản, chụp mũ, khiến cho có người phải tẩm xăng tự vận vì buồn.

Những cái gương ngu như dược sĩ Hồ Thu, Phan Thiết mới đáng cho hậu thế nghìn sau soi chung, về một trí thức khoa bảng ăn cơm bằng máu của dân đen, để vơ vét vàng bạc cúng cho ma Hồ, cuối cùng nhà tan cửa nát, thân bại danh hư, con cũng vượt biên đi Uc mới sống được. Riêng Hồ Thu cuối đời, cùng toàn bộ gia đình sống chui rúc trong cảnh nghèo nàn, mạt rệp. Sự nghiệp Hàm hộ của tổ tiên tại Phan Thiết, cũng thành bọt biển, chỉ tại ngu nên ham cái chức Uy Viên bù nhìn, trong Mặt Trận Ma Miền Nam Giải Phóng.

Chín năm đánh Tây cứu nước, dưới sự chỉ đạo của cọng sản qua cái vỏ Việt Minh, để lại ngàn muôn tang thương máu hận, dân phá nhà dân, ruộng vườn bỏ hoang cho cỏ mọc, bìm leo. Nhiều công trình như chùa đình, nhà thờ, trường học, mồ hôi nước mắt của tiền nhân bao đời xây dựng, bị tàn phá vì bom đạn của Tây, của chính mình tiêu hủy, chủ đích để cột chặt sinh mệnh của những người kháng chiến hay dân tản cư, hết đường trở về vì đã trắng tay mạt rệp như chính cán bộ đảng cũng thuộc thành phần vô sản, vô nghề.

Ở lại thành phố là Việt Gian, còn chạy theo Việt Cộng là Việt Minh và Việt nào, người dân cũng lãnh đủ đạn thù của hai phía. Tất cả kể cả những lãnh tụ đảng tại Bình Thuận, lúc đó có ai biết gì về phía trong của hậu trường chính trị, khiến cho Việt Minh trở thành vô hình, vô ảnh, lẫn lộn trong dân chúng, tạo cho giặc Pháp cái cớ đi tảo thanh phiến loạn, hiếp dâm trẻ nít phụ nữ, bắn giết bừa bãi dân chúng vô tội cũng như thiêu rụi làng xóm phố phường khi xảy ra các vụ ám sát, bắt cóc, tấn công.

Cuộc chiến giống như một trò đùa, Tây ở Phan Thiết hay tại các thị trấn nhưng ra khỏi năm cửa ô hay vùng xôi đậu, thì quyền sinh sát thuộc về công an, tự vệ. Tiền cũng vậy, các tờ giấy bạc do ngân hàng Đông Dương phát hành, đều bị kinh tài Việt Minh đóng dấu búa liềm kiểm soát. Tóm lại, khôn nhất là những người nhà giàu, khoa bảng, trong chin năm kháng chiến cao bay xa chạy không ở Sài Gòn thì cũng du học Pháp, Hồng Kông. Còn cán bộ cao cấp Việt Cộng, Việt Minh thì lẩn trốn như Dông thềm trong chiến khu Cát Lê Hồng Phong.

Rốt cục còn lại để đỡ đạn, chỉ có dân đen và thanh niên nam nữ Bình Thuận, trước cơn hỗn loạn của thời cuộc, tuy là một tổ chức tự phát, nhưng vẫn hiên ngang chống chọi với giặc Pháp suốt chin năm dài. Chính trong cái bối cảnh anh hùng này mà những địa danh Lê Hồng Phong, Nam Sơn, Tam Giác, Ba Hòn..thành hình.

Chín năm kháng chiến, lúc đó Phạm Duy cũng khăn gói lên đường làm bổn phận đời trai thời tao loạn. Người lính chiến thuở ấy, trong đoàn quân Nam tiến, tận nhà ga Hàng Cỏ ở Hà Nội, quyết tâm về giải phóng Sài Gòn, giống như đơn vị Bình Thuận do Nguyễn Đức Tuyến chỉ huy, cũng đã anh dũng chận giặc tại cầu Thị Nghè, dù trong tay chỉ có súng đạn đơn sơ và một trái tím nồng nàn hy sinh vì đất nước. Sau đó Uy Ban kháng chiến miền đông rút về Phan Thiết, Phạm Duy cũng theo đoàn quân MA di tản, qua các nẻo đường quê hương ly loạn, từ Gia Định, Biên Hòa, rừng thưa hiu hắt, lũng thấp chập chùng, cho tới Bà Rịa Vũng Tàu, một miền biển sóng. Đâu đâu ông cũng thấy ẩn hiện những chiến sĩ vô danh 'mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng'.

Nhưng phải đợi khi tới Phan Thiết, qua những ngày lội cát mệt nghỉ, từ Phú Hài ra tới Hòn Rơm, những đêm nằm vùi trên chiến địa, lấy trời đất cát đụn làm chiếu mền, người nghệ sĩ lính chiến sống thực trong cảnh thực, mới cảm xúc trước tấm tình yêu nước nồng nàn của người Phan Thiết-Bình Thuận, nên xuất hồn sáng tạo một ca khúc quân hành để đời. Đó là bản hùng ca 'Xuất Quân' mà trong suốt 20 năm thời VNCH, các quân trường, quân chủng của QLVNCH đều chọn làm quân hành khúc:

'đi là đi chiến đấu

đi là đi chiến thắng

đi là mang thu thiên thu'

Những người sống sót hiện nay, cho biết nổi kinh hoàng trong thời chin năm kháng chiến, thật sự không phải là bom đạn, mà là sự chụp mũ của cả hai phía 'Việt Gian và Việt Minh'. Cho nên không ai biết được có bao nhiêu người Bình Thuận đã chết trong khi bị Việt Minh hay Pháp giam cầm, đày đoạ, thủ tiêu trong bí mật, bóng tối. Hoạ chăng mới đây qua báo đảng, mới biết Pháp có đem xử bắn công khai mấy người Việt Minh vào ngày 27-7-1947 tại Phan Thiết là Trần Hữu Xoàng, Nguyễn văn Nhân và Huỳnh Sanh Nam..

Lịch sử VN ngày nay sở dĩ bị đánh giá thấp vì bị những ngụy văn ngụy sử bẻ cong, do khuynh hướng phù thịnh và thái độ coi thường quốc dân của tập đoàn cọng sản đệ tam quốc tế trong tư thế là kẻ thắng trận.. Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, những đường xưa chỉ mình vua đi vua ở, thì nay mọi người cũng đã ở và đi. Nếu thế nhân hôm nay chưa ghi hết được những bí ẩn của hôm qua, thì trăm năm sau cũng sẽ lột tràn hết bao nhiêu vết giầy trên đất. Bình Thuận quê hương, của những nẻo đường vua đi hôm trước, dù hôm nay ta đã bước qua. Sự trang trọng nhất mà trăm năm sau phải viết, là trong bước người trên ba trăm năm Bình Thuận, ai đã làm cho những con đường thêm đẹp, những con đường ngày xưa vua đi và nay chúng ta đang dấn bước"

Bỗng cảm thấy hỗ thẹn vô cùng, khi trong đêm một mình ngồi đọc lại những giòng chữ mà mình đã viết, thấy còn nhiều thiếu xót và quá nhẹ lòng, nên đã để lọt sổ những tên tội đồ của dân tộc, hiện vẫn chưa chịu mở mắt, mà cứ tiếp tục múa may quay cuồng, làm vẫn đục bóng trang đẹp lúc nào cũng rọi xanh giòng nước Mường Giang, đời đời êm xuôi hạnh phúc.

Xưa nay, ai cũng vẫn chẳng là ai, chỉ có những anh hùng liệt nử nước Việt mới đáng được đời tôn kính và trang trọng -/-

Xóm Cồn , Tháng 3-2006

MƯỜNG GIANG

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.