Hôm nay,  

Thanh Tâm Tuyền: Thơ Giữa Chiến Tranh Và Trại Tù

20/11/200100:00:00(Xem: 3769)
'Muốn làm người học trò mười bẩy tuổi,
Đạp xe trên đường đồng'
(Liên, Đêm, Mặt trời tìm thấy) ...

Trong khi ăn, Kiệt bỗng nhớ đến những ngọn gió bấc cắt da, những hạt mưa nhọn như kim châm, dúm ớt bột khô tê môi, chảy nước mắt, bát nước chè tươi bỏng rát lưỡi. Từ bát bún riêu, chàng nói về mùa màng thời tiết, về bầu trời sông nước, về đồng ruộng trái quả, về phố phường thắng cảnh và vô tình chàng tiết lộ những mảnh vụn của một thời thơ ấu và niên thiếu chẳng hề nói với ai. Oanh mở mắt to chăm chú. Kiệt lại thấy những giọt nước mắt rơi.
(Một chủ nhật khác)

Người đọc đã biết Hà-nội/1954 trong Bếp Lửa, hay trong Ung Thư - Nhưng hãy chấp nhận kiếp bụi vô thường, như cục ung thư, sống với nỗi chết âm ấm ở trong lòng bàn tay (Mais accepter vivant la vanité de son existence, comme un cancer, vivre avec cette tièdeur de mort dans la main. Malraux). Trên đây là những chi tiết hiếm hoi, tác giả vô tình tiết lộ về đất bắc, và tuổi thơ của ông.

'Một chủ nhật khác' là cuốn tiểu thuyết sau cùng của tác giả. Khi nhìn những đoàn quân Cộng Sản tiến vào thành phố, ông nói, như vậy cũng xong... sẽ chẳng bao giờ viết nữa.

Rồi ông trở về đất Bắc, như người tù:

'Mưa bay lất phất gió căm căm,
Đường lầy trơn nhà cửa tối tăm.
Trốn đâu lũ trẻ mặt lem luốc,
Co ro đứng coi tù qua thôn.
Vác bó cuốc nặng bước loạng choạng,
Về trong xây xẩm buổi tàn đông.
Lạnh lẽo nhà ai không đèn lửa,
Ảm đạm lòng ta chiều cuối năm.'
78 (Thơ ở đâu xa)

Về trong xây xẩm buổi tàn đông/ Lạnh lẽo nhà ai/ Ảm đạm lòng ta... Trong 'Thơ giữa chiến tranh và trại tù' - một bài trả lời phỏng vấn, in trong tập 'La Part d'Exil' ('Phần Lưu vong', nhà xb Đại học Provence, 1995 (1) - ông cho biết:

Bếp Lửa "miêu tả không khí Hà-nội trước 1954; đi và ở đều là những chọn lựa miễn cưỡng, chia lìa hoặc cái chết. Lập tức có phản ứng của những nhà văn cách mạng. Trong một bài điểm sách trên Văn Nghệ, một nhà phê bình hỏi tôi: Trong khi nhân dân miền Bắc đất nước ra công xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhân vật trong Bếp Lửa đi đâu"" Tôi trả lời: "Anh ta đi đến sự huỷ diệt của lịch sử," mỗi nhà văn là một kẻ sống sót.

Tác phẩm thứ nhì của tôi, Ung Thư (1970) có thể coi như tiếp nối Bếp Lửa. Ung Thư là chấp nhận giữa vô thường và chút hơi ấm của nỗi chết (l'existence de notre acceptation entre la vanité et la tièdeur de mort). Cuốn sách chẳng bao giờ được in ra...

Đối diện với hỗn loạn, tình trạng mơ mơ hồ hồ thời gian sau 1975, tôi có cảm tưởng đã sống hết đời tôi, quãng còn lại chỉ là dư thừa, tôi chẳng để ý tới nữa. Ảo vọng hoàn toàn. Năm 1975, chế độ mới đưa tôi đi trại cải tạo, cùng với bạn bè của tôi, "cùng hội, cùng thuyền"; chúng tôi rời đồng bằng lên vùng rừng núi, dửng dưng, bình thản, không tuyệt vọng cũng không hy vọng.

Tôi đã nghĩ mình "biến mất", chẳng mong ngày trở lại, như bọt bèo trong cơn lũ lịch sử, tại sao không. Nhưng tôi đã lầm. Người ta đưa tôi lên vùng thượng du phía bắc, cách biệt hẳn thế giới bên ngoài, người ta thả tôi vào thiên nhiên, "tự do" với "chỉ tiêu gỗ mỗi ngày", với cơ hội trốn trại. Nhưng mỗi ngày qua đi, tôi lại tìm ra con đường trở về trại tù. Điều gì đã khiến tôi làm như vậy" Phải chăng là 'chẳng còn hy vọng chi' hay là 'nỗi vô vọng của một con người bị bỏ rơi, tuyệt vọng'" Khi đó, tôi thực sự ở trong niềm hy vọng về không sinh tồn (inexistence); trong một vùng không thể lọt qua (impénétrable), trong tình trạng vô-liên (non-relation). [Bây giờ] Chẳng có chi là rõ ràng đối với tôi. Tuy nhiên, tôi nhủ thầm, tôi đang sống lại, nghĩa là thơ ca đang trở lại, và tôi sung sướng vì điều này. Tôi rụt rè e lệ như khi còn trẻ, với những bài thơ đầu, tôi giấu bạn tù những bài thơ, tôi không dám đưa cho họ đọc.

Khi bạn sống dửng dưng, ngày này qua ngày khác, chẳng nghĩ tới tương lai, chẳng nhớ về dĩ vãng, không âu lo hiện tại, bạn còn lại chi" Còn cái điều đã có ở trong bạn; nó có đó, chẳng cần đến sự mong muốn của bạn. Để qua đi những ngày đen tối, những đêm mưa gió, ngày lạnh căm, bão bùng, mùa này, mùa nữa... tôi tìm lạc thú ở cái điều "đã hiện hữu ở trong tôi" đó; tôi mang theo, chỉ có nó; nó luôn luôn ở trong thân thể tôi.

Đó là lần hội ngộ thứ nhì của thi sĩ, với đất Bắc, và với thơ, của ông.

Nhiều người cho rằng Thơ ở đâu xa, hay những bài thơ ở giữa chiến tranh và trại tù của ông "thua" Liên, Đêm, Mặt trời tìm thấy: đỉnh cao của thi sĩ, của thơ tự do. Ở đây, xin chỉ đưa ra một kinh nghiệm cá nhân, của người viết, khi đọc thơ ông.

Trước 1975, tạp chí Văn có làm một số đặc biệt về thi sĩ, ông nói với tôi, đã đề nghị Trần Phong Giao "lấy" bài của tôi, viết về Bếp Lửa, khi cuốn sách được tái bản. Bài đã được in trong Tập san Văn chương. Tôi nói với ông, sẽ viết một bài khác, về "thơ Thanh Tâm Tuyền", cho số báo đó. Thi sĩ ngạc nhiên, nhưng bật cười, "thì viết đi." Ông vẫn nghĩ, tôi không mê thơ, và chẳng biết gì về nó.

Đúng như vậy. Nói rõ hơn, tôi quá mê thơ, cho nên chẳng bao giờ dám "đụng" vô. Tôi vẫn nghĩ, người ta chỉ làm thơ, khi còn trẻ, hoặc khi đã về già. Cũng theo nghĩa đó, Borges đã khuyên, hãy bắt đầu bằng thơ vần. Ông dẫn Wilde: "Thật may mà có thơ vần, nếu không chúng ta đều là thiên tài." Khi còn trẻ, ai mà chẳng, đã từng "Hôm qua trong lớp tập làm thơ Khó quá (cho nên) chẳng biết đường đâu mà mò"! Tôi đã qua cơ hội thứ nhất - làm thơ, làm thi sĩ - sau những vần thơ đại khái như vậy, cho đến khi "đọc lầm" thơ Thanh Tâm Tuyền:

'Trên đỉnh đèo Hải Vân
Nếu nhớ quê hương
Muốn chết
Vũ Đạo Ánh

Chiến tranh vẫn còn (đến khi nào)
Đồn đóng sườn núi
Ngó biển không
Đập cụt cổ chai
Chim én vẫn bay đầy đàn trên trời chiều Sài-gòn
Khóc đi Nguyễn
Mùa này gió biển thổi điên lên lục địa
Kể lể hoài chuyện tình tuyệt vọng
Với một mình cào lấy tóc mình
(Tên người yêu dấu, trong Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy)

Tôi vẫn thường ngâm nga câu thơ trên, cho tới bữa tình cờ lật lại tập thơ:
Kể lể hoài chuyện tình vô vọng
Với một mình 'cấu' lấy tóc mình
(cấu/cào; tuyệt vọng/vô vọng)

Những người yêu thơ Thanh Tâm Tuyền, yêu chất "bạo động của bạo động", nam tính... của thơ ông, khởi từ những dòng thơ cách mạng trong Tôi không còn cô độc, tới Liên, Đêm... có thể sẽ không thích những dòng thơ "hiền từ" của Thơ ở đâu xa. Tôi vẫn nghĩ ông bắt đầu bằng thơ tự do, ngược hẳn lời khuyên của Borges, chính vì chất hung bạo "đặc biệt" của thơ ông: Thơ không thể èo uột, yếu đuối, bệnh hoạn, không phải là nơi trốn chạy, ẩn náu... Nó là mắt bão: trung tâm của mọi bạo động. Ông chỉ trở lại với thơ vần, sau trại tù. Với tôi, Thơ ở đâu xa mới là cực điểm của bạo động trong thơ: thiền. Trích tiên bị đầy (vào trại tù), trở về trần.

'Trong tôi còn lại chi" Gia đình, bạn bè. Những bài thơ, chắc chắn rồi. Chúng đã được đọc, được thầm ghi lại. Đúng một lúc nào đó, ký ức nhanh chóng bật dậy, đọc, cho riêng mình, những bài thơ. Luôn luôn, ở đó, bạn sẽ gặp những tia sáng lạ. Thời gian của điêu tàn làm mạnh thơ.

Đẫm mình trong thời gian "không lịch sử", hay đúng hơn, lịch sử ở bên ngoài, người ta khám phá ra rằng, những ngày, những tháng đều không phương hướng, không mục đích, trần trụi. Tuyệt đối trần trụi. Sự không hiện hữu (inexistence) của cuộc sống đem đến sự bình an ở bên trong. Cõi thơ êm đềm ngự trị ở bên trên sự bình thản của vũ trụ.

Từ đó, mỗi bài thơ là một thời gian khép kín, tách ra khỏi chuyển động của cuộc sống. Thời gian bất thần, của nỗi kinh hoàng, trở thành thời gian cô đọng; chẳng có chi khác biệt, giữa kìm hãm, và bay bổng.

Và làm thơ trong trại cải tạo, đó cũng là trở về với thơ ca bình dân. Chế độ lao động trong trại, đó là một ngày căng thẳng tám tiếng, không có cuối tuần; mỗi tù nhân có riêng một vũ trụ của anh ta: một cái chiếu, chừng năm, sáu chục tù nhân trên dưới hai lớp, trong tấm "toan" trên trăm tù. Viết là một xa xỉ: chỗ ngồi, thời gian viết. Với nhịp tù hối hả như thế, cái lạnh, cái đói... ai dám nghĩ đến sáng tạo" Ngay cả thiên tài, ngay một sức mạnh siêu nhiên cũng chẳng thể vượt qua, những "trói buộc" này.

Tuy nhiên, người Việt nói "làm thơ", không ai nói "viết thơ". Như vậy, người ta có thể làm thơ bất cứ ở đâu, trong bất cứ vị trí nào: đi, đứng, nằm, ngồi, thức... Thơ gặp anh không cần hò hẹn, không định rõ ngày giờ. Người ta không thể kiếm nó, vì biết đâu mà kiếm. Bạn chỉ có một việc: tiếp nhận nó, bàn bạc cùng nó. Nó chỉ yêu cầu bạn: hãy giữ tiếng nói chơn chất của bạn. Tiếng nói này, sau đó, sẽ quyết định cuộc đời của riêng nó.

Nó, 'nàng thơ', luôn luôn kín đáo, đôi khi vào bằng cửa chính, đôi khi bằng con đường nhỏ. Hãy lắng nghe. Nàng thích đeo mặt nạ, ẩn náu dưới tấm khăn che mặt; nếu ký ức của bạn không thức tỉnh, bạn không thể nhận ra nàng. Trong khi lao động "đạt chỉ tiêu cách mạng", nàng tới. Đột nhiên, ngay giữa đồng, giữa rừng... Nàng ra lệnh cho bạn ngừng. Bạn bắt đầu nhìn trời, quên những cử động máy móc. Nàng kéo liền bạn vào cõi trong êm ả. Tình trạng tự động hiện hữu (autoexistence) đem đến nguồn vui. Bởi vì khi nàng thơ rời bạn, khi trở về với cõi đời bạn đã dám rời bỏ; bạn nhận ra cuộc đời này sẽ biến thành nhịp của những câu thơ. Như thể, trong khi làm việc bằng chân tay, tai của bạn đuổI theo những nhịp điệu, âm nhạc của bài thơ. Sự hài hoà này sẽ đem đến điều cần thiết, giữa công việc - vốn hạn định những cử động - và ký ức, đang "ghi nhận, chất chứa".

Nhưng nói một cách cụ thể, khó khăn [làm thơ trong trại cải tạo] vẫn còn. Bởi vì vô phương ghi lại bài thơ; đây là giai đoạn chót của sáng tạo: niềm vui đọc lớn nó lên, và chia sẻ với những người thân cận. Thơ phải được đọc lên, phải được nghe, như đây là định mệnh cuối cùng của nó. Định mệnh của một tiếng nói và cũng là định mệnh của hồi nhớ, của biết bao nhiêu con người.

Nguyễn Quốc Trụ giới thiệu.

Chú thích: Theo bản tiếng Pháp của Lê Hữu Khoa, trong La Part d'Exil, gồm những bài của Linda Lê (Chân trần, Les pieds nus); Lê Hữu Khoa (Võ Phiến, Văn chương như cây gậy của người mù, La littérature comme un bâton d'un aveugle); Xuân Phúc (Lưu vong đối với văn nhân, Cánh buồm nơi biển xa, L'exil des lettrés, une voile au lointain de la mer); Lê Hữu Khoa (Kiệt Tấn, Nứt rạn ý nghĩa trong cách viết trần, brisure du sens dans l'écriture nue); Phạm Duy (Nghiệp chưa trọn và Tái sinh vô cùng, Karma imparfait et renaissance infinie); Tô Thùy Yên (Không Tên, Ta về như bóng ma hờn tủi, Sans nom. Je reviens comme un fantome humilié); Trịnh Công Sơn (Chim Thiêng Hót Số Mệnh Huyền Ảo, L'oiseau sacré chante le destin magique); Trịnh Văn Thảo (Bạt: Đối thoại tạm coi là tưởng tượng giữa những nhà văn Việt Nam về văn chương lưu vong; Posface: Dialogue à peine imaginaire entre écrivains vietnamiens sur la littérature d'exil); nhà xb Đại học Provence. 1995.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.