Hôm nay,  

Hơn 100 Vị Sư Vn Chuyển Dịch Bộ Đại Tạng Kinh Việt Ngữ

11/12/200200:00:00(Xem: 3781)
LITTLE SAIGON (VB) -- Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh tuy chỉ là một vị sư già khiêm tốn, hồn nhiên, uyên bác về Phật Học và văn học Trung Hoa, nhưng lại đang gánh vác một Phật Sự mà hơn 2,000 năm Phật Giáo VN mới bắt đầu khởi sự.
Và Hòa Thượng cũng là người đã có cơ duyên sang Đài Loan du học, trở thành một trong các vị sư uy tín lớn của Đài Loan và trở thành vị sư đầu tiên (kể cả so với sư Hoa Lục và Đài Loan) đủ uy tín học vị và công trình nghiên cứu để dạy tại Đại Học Quốc Lập Đài Bắc, và là cơ duyên để sau này có khả năng mời gọi hơn 100 vị sư uyên bác nhất của Việt Nam, thuộc đủ mọi tông phái thuộc ba miền Nam-Trung-Bắc cùng làm chung một công trình, mà sự nghiệp mới tiến hành được 9 năm nay.
Đó là việc chuyển dịch Đại Tạng Kinh thành chữ Việt.
Trả lời phỏng vấn của Việt Báo khi ghé thăm Quận Cam, Hòa Thượng Tịnh Hạnh cho biết Thầy đã mang tâm nguyện thực hiện Bộ Đại Tạng Kinh Việt Ngữ từ khi còn thanh niên.
Đối với chư Tăng Ni Phật Tử Việt Nam, Hòa Thượng Tịnh Hạnh được so sánh như Ngài Huyền Trang, người thực hiện việc thỉnh kinh về Trung Quốcvà dịch sang Hán Ngữ.
Hiện thời công trình làm Đại Tạng Kinh Việt Ngữ chỉ mới hoàn tất một phần, mặc dù sau 9 năm quy tụ được hơn 100 học giả Phật Giáo Việt Nam uyên bác nhất trong và ngoài nước cùng làm việc toàn thời gian.
Khi Hòa Thượng Tịnh Hạnh từ Đài Loan về Sài Gòn lần đầu, hàng trăm vị sư thuộc cả hai giáo hội Phật Giáo - giaó hội độc lập và giaó hội thân nhà nước - cùng ra sân bay Tân Sơn Nhất đón. Hiện tượng này đã làm kinh ngạc cho các viên chức công an Sài Gòn, những người đang mong muốn làm tê liệt các sinh hoạt của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất, một giaó hội độc lập với mọi cơ quan quyền lực.
Tuy nhiên, sự nghiệp chuyển dịch Đại Tạng Kinh lớn lao hơn tất cả các chia rẽ tông phái và địa phương, chứ đừng nói gì tới khuynh hướng thời sự. Đây là công trình mà hơn 2,000 năm Phật Giáo VN đang chờ đợi.
Hòa Thượng Thích Quảng Độ, cũng là một học giả nổi tiếng và nhiều năm là ứng viên Giải Nobel Hòa Bình, đã tán thán Hòa Thượng Tịnh Hạng với Lời Giới Thiệu như sau.
“LỜI GIỚI THIỆU
Ngày nay, có thể nói, đại đa số Tăng Ni và Phật tử Việt Nam đều nhận thấy, một bộ Đại Tạng Kinh bằng chữ Việt là nhu cầu hết sức bức thiết, vì hai lý do:
Thứ nhất, hầu hết các nước Phật giáo châu Á, kể cả Lào và Campuchia, đều đã có Đại Tạng Kinh riêng của họ, lẽ ra Phật giáo Việt Nam cũng đã có từ lâu rồi, nhưng cho đến nay vẫn chưa: điều này chứng tỏ Phật giáo Việt Nam đã thua kém Phật giáo các nước bạn rất xa. Đó là điều mà giới Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là giới xuất gia, cần quan tâm suy nghĩ.
Thứ hai, khả năng học tập, nghiên cứu Phật giáo trực tiếp qua Đại Tạng Kinh chữ Hán, có thể mỗi ngày một sút giảm dần; như vậy, nếu không có được bộ Đại Tạng Kinh chữ Việt hoàn chỉnh và gấp rút, thì e các thế hệ học Phật tương lai sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, học hỏi; và về lâu về dài, sự phát huy tinh thần Phật pháp ở Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu không nói bị hạn chế.
Tôi nhấn mạnh, "Đại Tạng Kinh chữ Việt hoàn chỉnh", có nghĩa là trước nay ở Việt Nam tuy cũng đã có một số lớn kinh điển Hán văn được dịch sang chữ Việt rồi, nhưng số đó còn rời rạc, lẻ tẻ, chứ chưa được tổ chức thành hệ thống hẳn hoi cho đúng với danh nghĩa là Đại Tạng Kinh chữ Việt phải gồm đủ Kinh, Luật, Luận và những tác phẩm chú thích, sớ giải v.v... của các bậc Tổ sư , Tiền bối cũng như của các học giả cận đại.
Nay, tôi được biết, Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh - Tiến sĩ Triết học - hiện đang ở bên Đài Loan, phát nguyện đứng ra tổ chức phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh chữ Việt. Hòa Thượng đã hoạch định một chương trình phiên dịch và ấn loát quy mô, công việc đang tiến hành một cách thuận lợi và điều đặn. Tôi vô cùng hân hoan và xin nhất tâm tùy hỷ.
Nhưng đây là sự nghiệp lớn lao, công đức cũng vô lượng, không phải sức của một người có thể chu toàn được, mà phải cần sự hỗ trợ của nhiều người. Cái khó trước kia là ở chỗ đã chưa có ai đề xướng và đứng ra gánh vác trách nhiệm, cho nên dù có người muốn hỗ trợ cũng không biết hướng về đâu. Thì nay đã có Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh tương đối đủ khả năng và điều kiện, đứng ra cán đáng công việc to lớn này, nên tôi chí thành tha thiết thỉnh cầu chư tôn Hòa thượng, chư Đại đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, hãy phát đại tâm hộ trì Phật pháp, giúp đỡ Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh bằng hai cách:

- Tích cực tham gia vào công trình phiên dịch, hiệu đính, chứng nghĩa, góp ý v.v...
- Hỗ trợ tài chính, tùy theo khả năng, cho công trình ấn loát, xuất bản v.v...
Đây là việc chung, có ảnh hưởng rất lớn đối với tiền đồ Phật giáo Việt Nam, tôi ước mong Quý vị sốt sắng tham gia, để phúc quả to tát này mau được viên mãn.
Sự nghiệp phiên dịch và xuất bản Đại Tạng Kinh chữ Việt, khi được hoàn thành, sẽ góp phần trong việc phát triển nền văn học Phật giáo Việt Nam, đồng thời, giúp nâng cao địa vị của Phật giáo Việt Nam lên ngang tầm địa vị của các nước Phật giáo trên thế giới.
Nguyện cầu chư Phật, Bồ tát, Thánh tăng, Hộ pháp thiện thần gia bị cho Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh và toàn thể Quý vị mạnh thường quân hộ trì chánh pháp mau thành tựu đại nguyện.
Nam Mô Hộ Pháp Chư Thiên Bồ - tát tác đại chứng minh.
Làm tại Sài Gòn, ngày 16-12-1998
Sa môn Thích Quảng Độ”
Công trình này được đủ mọi giới Tăng Ni Cư Sĩ trong và ngoaì nước tán thán. Dưới đây là lời của Thư Viện Hoa Sen khi trình baỳ về công trình này và kêu gọi Phật Tử giúp sức.
Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh, người có cuộc sống giản dị, mộc mạc và cần kiệm khắc khổ, qua hai mươi mấy năm chỉ ăn cơm gạo lức với muối mè, dốc toàn tâm toàn lực đầu tư vào việc vận động phục hưng Phật giáo Đài Loan và tích cực đào tạo nhân tài ưu tú cho Đài Loan. Năm 1994, Ngài không quên tiến hành kế hoạch phiên dịch Đại Tạng Kinh chữ Việt đem tất cả tiền lương dạy trong Viện Đại học của mình cống hiến cho sự nghiệp dịch Đại Tạng Kinh. Ngài đã kết hợp với các chuyên gia, học giả Việt Nam và Đài Loan, đã trải qua 8 năm tiến hành phiên dịch Đại Tạng Kinh không ngừng nghỉ, tính đến nay (tháng 06 năm 2001) đã dịch xong hàng ngàn bộ Kinh, Luật, Luận. Đây là một thành tích cụ thể nhất, nhưng thay vào đó cùng với thời gian, mái tóc của Ngài đã bạc thêm nhiều.
GIEO TRỒNG RUỘNG PHƯỚC
Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh kêu gọi những người Việt Nam dù là Phật tử hay không phải Phật tử cũng nên đồng phát tâm hộ tn sự nghiệp dịch Đại Tạng Kinh, để lưu truyền mãi mãi về sau. Công đức này thật vô lượng vô biên, khó nghĩ bàn. Đại Tạng Kinh chữ Hán dịch thành chữ Việt được kết quả viên mãn, thì chẳng những đôí với người Phật tử Việt Nam được tiện tham cứu, học tập đạt đến giác ngộ giải thoát mà đôí với nền văn hóa dân tộc cũng được cống hiến vô cùng lớn lao. Chúng tôi xin chân thành kính mời tất cả Quý liệt vị tùy hỷ tham gia ủng hộ, để cho Phật Giáo Việt Nam sớm ngày đơm hoa kết quả mỹ mãn. Đó cũng chính là tự mình đã gieo trồng "Chủng tử Phước Huệ cho chính mình đời sau".
Tại Hoa Kỳ và Canada, xin liên lạc:
VÕ THẮNG TIẾT, Nhà Sách Văn Nghệ
9351 Bolsa Ave., Westminster, CA. 92683 - U.S.A - Phone: (714) 934-8574.
Hoặc nếu đang ở tất cả mọi nơi, muốn gửi tiền trực tiếp cho Hòa Thượng, xin gửi Money Order (Lệnh Phiếu),
xin đề Li Kuang Lien,
gởi theo hộp thư:
P.O.BOX 8-264, Taipei, Taiwan, 100, R.O.C.
Tới Quận Cam đã hơn một tuần, Hòa Thượng Tịnh Hạnh khi tiếp xúc với Việt Báo đã cùng đi với một thị giả (người theo sát để phụ tá mọi chuyện) là một vị sư Đài Loan, và một thư ký là một sư cô người Việt.
Trong buổi cơm do Việt Báo cúng dường tại quán cơm chay Vạn Hạnh, Westminster, hôm thứ bảy, Hòa Thượng Tịnh Hạnh đã vui vẻ trình bày về các chặng đường gian nan trong đời Ngài, từ thời của một du học sinh nghèo mạt rệp cho tới khi mở trường dạy Khí Công và thành công về tài chánh, từ lời giới thiệu bất ngờ bỗng nhiên Ngài trị được một số trường hợp bệnh ung thư và thế là Phật Tử Đài Loan tìm tới để xin tiêu tai trị bệnh, và tới thời kỳ về nước vận động chư Tăng toàn quốc để cùng chung sức chuyển dịch Đại Tạng Kinh, từ các bản tiếng Trung Hoa, tiếng Nhật Văn, tiếng Tây Tạng.
Hòa Thượng cho biết là đã chi dụng hết 2 triệu đô la để tạo phương tiện cho hơn 100 vị sư uyên bác ngồi dịch và in ấn đều đặn hàng tháng. Và bây giờ còn cần thêm 41 triệu đô la trong 12 năm tới, thì mới xong Bộ Đại Tạng Kinh Việt Ngữ.
KỲ TỚI: Cách tuyển và huấn luyện chư Tăng dịch thuật cho Bộ Đại Tạng Kinh Việt Ngữ. Các chi tiết tài chánh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.