Hôm nay,  

Vài Cảm Nghĩ Khi Đọc Qua Cuốn “mối Thâm Tình Việt-mỹ”

20/02/200300:00:00(Xem: 4554)
Học lịch sử Pháp, thời Cách Mạng 1789, người ta không quên được những câu hùng hồn của Dân biểu Mirabeau, “Chúng tôi đến đây là do ý nguyện của toàn dân, và chỉ rời khỏi nơi nầy do sức mạnh của cái lưỡi lê”, hay những lời than của các nhà cách mạng sau khi luồng gió cách mạng thổi qua, “Ôi tự do, vì mi mà bao nhiêu người mất mạng”. Nhớ nhưng người ta không cảm động bằng khi đọc cuốn NHỮNG NGƯỜI CÙNG KHỔ (Les Miserables). Nơi đây Đại Văn Hào Victor Hugo đã đem hết “cái tâm” của mình trải lên cuộc sống nhiều người cùng khổ trong xã hội của cuộc “đổi đời”. Một người chỉ vì ăn cắp một ổ bánh mì để cứu đói vợ con suốt đời trở thành một tội nhân tại đào, sống ngoài vòng pháp luật. Dù người ấy cố hòa nhập vào được dòng chính xã hội, đóng góp cho người nghèo nhiều công sức như một người “chính trực” “honnête homme”, sau cùng vẫn thất bại. Một viên cảnh sát suốt đời đặt nhiệm vụ luật pháp lên trên lương tâm con người để sau cùng nhảy xuống sông tự tử vì bế tắc. Thân phận con người ở một chừng mực và hoàn cảnh nào đó là cả một bất đắc chí như nhân vật chưởng của Kim Dung.
Vì sao người ta mê đọc Miserables, chuyện của người cùng khổ, hơn đọc lịch sử Cách Mạng Pháp với Marie Antoinette vừa đẹp vừa quí phái bước lên đoạn đầu đài, mình lìa khỏi cổ do chiếc máy chém (la guillotine) lần đầu tiên được phát minh trong lịch sử Pháp và Thế giới. Bên cạnh bút pháp, bố cục điêu luyện, cái tâm dàn trải của một thiên tài tiểu thuyết của Victor Hugo, còn có quan niệm về sử học rất mới của Victor Hugo .
Nếu sử gia Ernest Renan là người khám phá đầu tiên chính “ý chí muốn sống chung của dân tộc”, sau nầy xã hội học gọi là “cảm nghĩ thuộc về” của tổ chức xã hội mới là yếu tố then chốt cấu thành quốc gia, thì Victor Hugo có công đưa ra sử quan bình dân, quần chúng. Không hiểu Đế Quốc La Mã lâu đời nhất thế giới nếu chỉ tìm hiểu Thượng Vịên của giới Quí tộc hủ hóa, Hoàng đế bạo tàn ở thành Rome, Constantinople. La Mã tồn tại nhờ mỗi lần tiếng còi tụ tập được thổi đi bốn hướng là công dân thành La Mã hối hả chạy về Thượng Viện tham gia việc nước việc dân. La Mã tồn tại được là nhờ những công dân La Mã hiến mình trong Quân Đội Lê Dương suốt đời đi xa đánh trận, trấn giữ tiền đồn ở Bắc Phi, ở Âu Châu, ở Tiểu Á, Tế Á. La Mã tồn tại là nhờ một hệ thống hành chánh, hệ thống đường xá do nhân dân đổ mồ hôi làm ra để “đường nào cũng về La Mã”. Chính quần chúng bình dân đã tạo ra và duy trì La Mã. Nên về sau sử gia cố khai quật trên đóng tro tàn, tìm tòi sử liệu qua bút tích của những thứ dân, quân lính La Mã, giới bình dân La Mã để hiểu La Mã hơn. Và chính sử quan bình dân mới đó đã giúp cho Victor Hugo sáng tác cuốn Miserables và biến nó trở thành “chuyện của chúng mình” của người Pháp .

Nhưng xin lổi Ngài Victor Hugo tiền bối, xin lổi những người từng học sử Pháp và đọc Les Miserables hồi thuở học trò, mắt phải ứa lệ như người đang viết mấy dòng nầy. Và dù bây giờ già gần thất thập cỗ lai hi, “sự đời đã tắt lửa lòng” song cuốn sách của người Tín hữu Đạo Cao Đài Lương Thành Nỉ đưa cho đọc, làm tôi cảm động hơn xưa. Không phải vì nhân vật trong truyện của Hugo là người Pháp hay bối cảnh là Paris với hệ thống cống ngầm chằn chịt khác với Tây Ninh bên bờ biên giới Việt-Miên, nơi xảy ra sự việc mà anh Nỉ lấy làm cốt chuyện và đem cả tấm lòng mình, cả cái tâm Việt Nam, cả lòng đạo lồng vào nhân vật, tạo nên điều có “những ngày buồn nghĩ lại thấy vui vui”, có “những ngày vui nghĩ đến lại bùi ngùi”. Nhưng “ngày đẹp nhất” là ngày tao ngộ, tao ngộ của tình thương non nước, dân tộc, bạn bè Việt, Mỹ, Miên, Cộng sản tỉnh ngộ, Quốc gia sống chung lộn bên nhau .
Ngoài ra, về mặt chiến lược giữ nước, tác giả cũng gợi ý nếu biết khéo vun bồi, nuôi dưỡng cái ân tình “chung lưng đâu cật” với nhau trong cuộc chiến vừa qua, và tình cảm của những đứa con hai dòng máu mang lại, các cuộc hôn nhơn Mỹ-Việt, cũng như vô số những đứa trẻ chào đời trên đất nước nầy, thì xứ sở thân yêu lẫn đồng bào ruột thịt của chúng ta có thể tránh được nạn ngoại xâm như nó đã từng xảy ra. Và cũng với thiện ý, song bằng cái nhìn rộng lớn hơn, tác giả còn dẫn chứng một số sự kiện lịch sử để chứng minh rằng, Hoa Kỳ có những yếu tố khách quan đáng tin cậy, để lãnh đạo thế giới hơn các thế lực khác .
Chuyện viết của anh Lương Thành Nỉ đúng là “lời quê góp nhặt dong dài” hy vọng sẽ “mua vui cũng được một vài trống canh”. Tuy nhiên, những sự kiện ghi nhận cũng từ giới bình dân, thành phần cùng khổ, vốn là tài liệu có thể giúp cho đàn hậu tấn sau nầy biết thêm phần nào của một giai đoạn lịch sử nước nhà, tương tự như nhờ quyển Les Miserables mà hiểu về xã hội nước Pháp hơn .
Quyển sách “Mối Thâm Tình Việt-Mỹ” với nội dung mang nhiều ý nghĩa như đã đề cập, tôi nghĩ nó sẽ làm mờ nhạt đi một ít khuyết điểm nào đó, nếu có .
Từ những tinh thần trên, xin chia xẻ niềm cảm xúc sâu xa của người viết bài nầy cùng tác giả và cũng xin trân trọng giới thiệu tác giả Lương Thành Nỉ và tác phẩm cùng quí độc giả .
*
Đồng thời chúng tôi được biết vào lúc 9 giờ 30 sáng ngày Chủ Nhựt 23-2-2003, tác giả có tổ chức ra mắt tác phẩm trên tại Hội Trường của Trung Tâm Nguyễn Bá Học ở số 14072 Chestnut St Thành phố Westminster (gần góc Westminster Blvd., Golden West). Điện Thoại số: (714) 891-9304 .
Và tác giả xin với giá ủng hộ chỉ trên Mười Mỹ Kim. Vậy nếu quí vị nào có thời giờ cũng như rộng lòng muốn ủng hộ và rồi cùng với chúng tôi dùng một bửa cơm thân mật vào buổi trưa hôm ấy, thì xin kính mời quí vị vui lòng ghé qua Trung Tâm Nguyễn Bá Học vào thời điểm trên .

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.