Đánh bom tự sát rồi trả đũa vũ lực, cái vòng lẩn quẩn tàn bạo đó đến thủa nào nguôi" Liệu Trung Đông có giảm bớt gay cấn như tình hình Ấn-Hồi hay không" Chu kỳ ác tuần hoàn giữa Israel và Palestine cũng có lúc nghỉ xả hơi, dù rất ngắn. Sau vụ đánh bom tự sát làm chết 17 người Do Thái, chiến xa Israel đã tiến vào Tây ngạn trả đũa, bao vây bản doanh của Yasser Arafat, và ở các nơi khác bắt giữ 50 nghi can khủng bố. Tối thứ tư, quân Israel đã rút và Arafat vội vã triệu tập Nội các mới đã được cải tổ. Giữa lúc có "cửa sổ" mở - một cái mở thoáng qua tựa hồ như kẽ hở thời gian ngắn đủ để phóng phi thuyền lên quỹ đạo - người ta thấy các cuộc vận động hòa bình rộn rã hẳn lên. Vai trò của Mỹ như thế nào"
Báo chí Mỹ nói đến một sự rạn nứt trong nội bộ chính phủ Bush về đề nghị thành lâp một quốc gia "chuyển tiếp" cho người Palestine. Ngoại trưởng Colin Powell ủng hộ cái "chuyển tiếp" này và nói TT Bush cũng coi đó là một đường để tiến đến việc hóa giải cuộc xung đột Trung Đông. Nhưng ngay sau đó Bạch Cung cải chính, nói TT Bush chỉ đó coi như một trong những đề nghị các nhà lãnh đạo ngoại quốc đưa ra. Hôm thứ năm, sau khi TT Bush tiếp Ngoại trưởng Saudi Arabia, Bạch Cung xác nhận Bush không sẵn sàng chấp nhận một quốc gia Palestine. Như vậy là đã có sự bất đồng giữa Tổng Thống Mỹ và Ngoại trưởng của ông, một sự rạn nứt trong nội bộ chăng" Chúng tôi không nghĩ đó là một sự rạn nứt hay bất đồng. Đó chỉ là một phương pháp "kẻ tung người hứng". Hãy nhìn đến thực trạng của tình hình Trung Đông trong lúc này.
Cả hai phía Israel và Palestine đều tỏ vẻ lạnh nhạt với đề nghị "quốc gia chuyển tiếp". Thật ra đề nghị này đã có từ năm ngoái trong một cuộc mật đàm giữa Ngoại trưởng Israel Shimon Peres và Chủ tịch Hội đồng lập pháp Palestine Ahmed Qureia. Theo kế hoạch này, Israel sẽ mau lẹ thừa nhận cho Palestine kiểm soát lối 40% lãnh thổ Tây ngạn và phần lớn dải đất Gaza, kế đó một năm sau khi Palestine tuyên bố thành lập quốc gia, sẽ kết thúc các cuộc đàm phán về biên giới rộng hơn của Palestine và các vấn đề khác như người tị nạn Palestine. Kết quả cuộc "đi đêm" nói trên chưa bao giờ được hai bên Israel và Palestine công nhận, bởi vì bên nào cũng có những phe cứng rắn chống đối quyết liệt. Người ta đã quên chuyện đó, nhưng tuần trước Tổng Thống Ai Cập Mubarak nói ông ủng hộ ý kiến "một quốc gia chuyển tiếp" cho Palestine, đại để trên lý thuyết là "cứ tuyên bố như vậy rồi ngồi vào bàn đàm phán, may ra thành công".
Ngay sau khi tin này được loan ra, Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (phe cực đoan cứng rắn) từ đại bản doanh của họ ở Syria, đã giận dữ chống đối đề nghị. Phía Israel báo chí tiết lộ khi gặp Tổng Thống Bush tuần trước, Thủ tướng Ariel Sharon đã cực lực bác bỏ đề nghị "quốc gia chuyển tiếp". Cố nhiên không có ai dại mà vồ lấy một quả bóng thăm dò. Vì làm như vậy là bộc lộ thế yếu, chỉ làm cho địch thủ mượn dịp chèn ép thêm. Vậy dân chúng hai bên nghĩ như thế nào" Tôi nghĩ đây là câu hỏi quan trọng nhất trong các cuộc xung đột quốc tế. Và từ câu hỏi này đưa đến một điều kiện tiên quyết. Muốn biết dân chúng một nước nghĩ như thế nào, trước hết nước đó phải có một chính quyền do dân bầu, tức là một chế độ dân chủ. Chính vì điều kiện này Arafat đã phải vội vã cải tổ nội các và tuyên bố sẽ có tổng tuyển cử. Nhưng vấn đề cũng không giản dị chút nào. Hãy nhìn đến kết quả một cuộc thăm dò dư luận của đài CBS, theo đó 51% dân chúng Palestine tin rằng cuộc nổi dậy của họ có 2 mục tiêu: thành lập quốc gia Palestine và tiêu diệt quốc gia Israel, bởi vì họ đòi phải "giải phóng toàn bộ Palestine theo lịch sử", nghĩa là một lãnh thổ rộng lớn từ bờ biển Địa Trung Hải và sông Jordan trong đó có cả quốc gia Israel. Ngoài ra 68% vẫn ủng hộ các cuộc đánh bom tự sát. Cuộc thăm dò này đã hỏi 1,170 người Palestine và có mức sai lầm là trên dưới 3% điểm.
Không phải tôi không tin phương pháp "poll" quen thuộc của báo chí Mỹ, nhưng trong trạng thái đầy máu nóng hừng hực hiện nay. tôi vẫn nghĩ thăm dò dân ý khác với việc toàn bộ dân chúng đi bỏ thăm. Kết quả cuộc thăm dò như vậy cũng không khác với lời tuyên bố của các phe phái cực đoan nhất ở Palestine. Một khi đòi tiêu diệt đối thủ là chẳng bao giờ có hòa bình thực sự. Ngoài ra cuộc bầu cử Arafat hứa hẹn chưa biết sẽ tổ chức như thế nào và nó cũng chỉ diễn ra vào đầu năm tới, tức còn 6 tháng nữa. Trong khi chờ đợi, chu kỳ bạo lực vẫn quay tiếp vì cái "cửa sổ" phóng phi thuyền hòa bình không chờ ai hết, nó chỉ thoáng qua một chút thôi.
Hiển nhiên vấn đề chính hiện nay là phải làm thế nào ngưng các hành động bạo lực. Muốn làm như vậy, phải có kẻ tung người hứng để kéo dài thời gian suy nghĩ. Bạo lực là có bạo lực đối lại, mà hòa dịu cũng có hòa dịu tặng lại. Riêng đối với Yasser Arafat, phương pháp này còn được gọi là "vừa véo vừa xoa". Các nước Ả rập và dân Palestine đều ủng hộ Arafat, nhưng Thủ tướng Sharon của Israel đòi loại trừ ông này.
Tổng Thống Bush không nói loại trừ Arafat, nhưng chấp nhận quan điểm của Sharon là người Do Thái có quyền tự vệ chống các vụ đánh bom tự sát. Arafat tiếp tục lên án đánh bom tự sát nhưng sau khi Arafat nói, bom tự sát vẫn nổ. Vai trò của Arafat vẫn cần, với điều kiện là ông ta phải tỏ ra có tư cách lãnh đạo để tiến đến mục tiêu có lợi nhất cho người dân Palestine là một quốc gia có bảo đảm an toàn, sống hòa bình bên cạnh quốc gia Israel, thay vì nhắm mắt chạy theo lập trường của các phe phái cực đoan chỉ đưa đến thảm họa.
Nên cho Arafat một củ cà rốt và một cây gậy.