Hôm nay,  

Bài Dự Thi - Đầu Tư

11/11/200000:00:00(Xem: 4413)
LTS: Một trong những ưu tư lớn nhất của người Việt khi đặt chân tới nước Úc là tương lai của con cái. Câu hỏi lớn nhất đặt ra cho các bậc làm cha mẹ là: Làm sao có thể giúp đỡ, dậy dỗ để con em có đủ điều kiện và cơ hội, hội nhập một cách bình đẳng, tự tin và trọn vẹn vào xã hội Úc trong khi các em vẫn bảo tồn được những truyền thống tốt đẹp về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán của người Việt" Hiển nhiên, đây là điều vô cùng khó khăn, vì hội nhập vào một xã hội có quá nhiều dị biệt như xã hội Úc, và bảo tồn truyền thống Việt Nam là hai nhu cầu đòi hỏi nhiều yếu tố tương phản, cần phải được hóa giải một cách khéo léo. Bằng không, dễ dẫn đến tình trạng, được mặt này thì lại mất mặt kia. Bài dự thi nhan đề Đầu Tư của tác giả Tố Liên dưới đây đã ghi lại những suy tư, những kinh nghiệm của một thiếu phụ Việt Nam, tuy phải sống xa chồng suốt thời gian dài, nhưng nhờ ở vốn sống, sự hiểu biết, khả năng mạnh dạn chấp nhận đối thoại của một nhà giáo, cùng tình thương yêu vô bờ bến của một người mẹ nên bà đã thành công trong việc "đầu tư" vào tương lai của thế hệ trẻ. Sàigòn Times chân thành cảm ơn sự đóng góp qúy báo của bà Tố Liên, và sau đây xin trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả bài viết nhan đề "Đầu Tư".

Kính dâng mẹ chồng tôi

"Em! Có phải em là người không bao giờ tôi gặp, Mới là người tôi ấp ủ trong tim!"" (Tạ Hữu Thiện)

Tám năm trường đằng đẵng, tôi vô vọng ước mơ tìm lại những mất mát lớn lao như Tạ Hữu Thiện đã hoài công ấp ủ, kiếm tìm "bóng hình cũ" từ gần nửa thế kỷ qua.

Năm ấy 1983, sau 14 lần đào thoát hiểm nguy, gian khổ (14 là thứ hạng của tôi trong gia đình, là con số tiền định) tôi, may mắn hơn T.H.T. đã đến được bến bờ tự do, hít thở không khí trong lành nơi thiên đường tại thế: Singapore, tiểu quốc xanh nhất, sạch nhất và đẹp nhất vùng Đông Nam Á. Cuối năm ấy, trong khi chồng tôi vẫn còn bị gông cùm nơi địa ngục trần gian, tôi và hai con tôi (một 9 tuổi và một 14 tuổi, con riêng của chồng tôi mồ côi mẹ từ lúc một tháng tuổi) được đặt chân lên phi trường Sydney nắng ấm. Nơi đây không phải như Trần Dần ngày trước:

Tôi đi không thấy phố thấy nhà, Chỉ thấy mưa sa với màu cờ đỏ"

Mà, trước mắt tôi là cả một bầu trời rực rỡ, một tương lai xán lạn. Từ đây, tôi đã bỏ lại sau lưng cái "thiên đường Cộng sản với viễn tượng tăm tối mịt mù"....

Cảnh đẹp, nắng ấm, tình người lại ấm hơn. Chúng tôi được đại gia đình hai em chồng ra tận phi trường Sydney, Canberra tiếp đón nồng hậu và chăm sóc chu đáo. Càng ấm no, đầy đủ tôi càng thương nhớ và đau xót cho thân phận chồng tôi, hiện còn đang bị tù đày nơi quê nhà xa xôi diệu vợi!

Canberra, nơi tôi ở, "Hoàng triều cương thổ", thủ đô hành chánh, thành phố quá nhỏ, so với thủ đô các nước trên thế giới, đối nghịch với diện tích của một lục địa bao la. Ngày cũng như đêm, cảnh vật vắng lặng, êm đềm, nhất là vào mỗi chiều khi màn đêm buông xuống, nghe tiếng dế kêu mà lòng tôi thêm nỗi nhớ nhà!

Chưa lạc nghiệp, nhưng đã được an cư, cái trọng trách lớn lao đè nặng lên tôi bấy giờ là giáo dục và tạo dựng tương lai cho hai con trai chúng tôi. May thay, hai chú thím nó dành phần bảo bọc đứa con của chồng tôi (bây giờ nó đã tốt nghiệp đại học, có job tốt, sống hạnh phúc bên người vợ hiền mới cưới, đảm đang, giỏi giắn).

Phần con tôi, 9 tuổi, con đường đi tới đích hãy còn quá dài, quá xa và quá nặng! Gia đình là nền tảng của xã hội quốc gia, nếu hơ hỏng để nó sa chân, lỡ bước thì còn gì cuộc đời. Nó lại bất hạnh thiếu vắng "một leader, một power", tôi phải đóng vai người cha, người mẹ và người bạn thân thiết. Năm 84, tôi nhập học lớp Anh văn đầu tiên trên đất Úc. Bà giáo Patricia là người tận tụy, lương tâm và yêu thương học trò. Tôi vô cùng quý mến và kính trọng bà, rất tiếc bà say mê lý thuyết Cộng sản, một lý thuyết không tưởng mà bà chỉ biết qua sách vở. Một hôm bà cho essay với 10 đề tài: 1) Cộng sản lý thuyết và thực hành. 2) Chiến tranh thế giới thứ I... thứ II. 3) So sánh Canberra và thủ đô nước mình... Tôi chọn đề 1, viết 5 trang giấy, mục đích soi rọi phần thực hành vào tư tưởng thiên cộng của bà... Tôi vui mừng khi bà trả bài lại và phê bình: "You hạng nhì sau đề 3, tôi hiểu ý you, hiểu communist regime ở đất nước you, nhưng còn nhiều câu văn chưa được hoàn hảo, nên đọc sách thêm...".

Từ đó, bà ta thông cảm, thương mến tôi và giúp tôi nhiều việc hệ trọng (cho đến bây giờ tôi thỉnh thoảng gặp bà chuyện trò vui vẻ). Cũng trong năm ấy, tôi có job đầu tiên ở bộ Di Trú: "data processing"... trong giờ giải lao, 2, 3 bạn Việt Nam chúng tôi chuyện trò bằng tiếng Việt. Tình cờ bà supervisor đang ngồi trên bàn, tay cầm thước kẻ, nhịp mạnh và bảo:

- Speak English please.

- Tôi không muốn bị bà đồng hóa.

Thường bà rất tử tế, vui vẻ, chúng tôi thương yêu bà. Hôm nay có lẽ bà muốn Anh văn chúng tôi tiến bộ, nhưng tôi lại nhanh nhẩu trả lời bà gọn lỏn như thế là vì thái độ không nhẹ nhàng của bà đã khơi dậy tiềm thức sâu xa nơi tôi: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" mà người Trung Hoa đồng hóa chúng ta ngày xưa... Từ đó tôi bắt đầu lưu ý và dặn dò con tôi lớn lên thận trọng bạn bè thân Cộng và đừng để họ đồng hóa mình.

Sau sáu tháng sống trọ nhà em chồng, tôi được chính phủ cấp cho một flat. Láng giềng tôi là một bà Úc già, ngồi xe lăn, sống một mình. Mỗi thứ hai, thứ năm nhân viên đem xe đến đón bà vào bệnh viện chăm sóc, chiều trả về. Tôi thường giúp bà lấy thơ vô nhà và biếu bà thức ăn. Trông bà cô quạnh làm sao với tuổi xế chiều. Tôi không khỏi than thở với con tôi:

- Con à, tuổi thọ bà này sẽ bị giảm vì bà ta thiếu tình cảm con cái. Bà có hai gái, một trai, trưởng thành cả rồi mà họ nỡ để mẹ già sống cảnh cô đơn, buồn trong cô độc...

Một hôm anh chị bà từ Melbourne lên thăm, anh bà gần 70 tuổi nhưng thể chất khỏe mạnh, đẩy xe lăn bà qua nhà tôi xin một miếng bơ. Ông ta mời tôi hút thuốc. Tôi cảm ơn và bảo:

- Đàn bà Việt Nam chúng tôi không hút thuốc, nếu hút thuốc đàn ông không cưới.

- Sao vậy, sao bất công vậy"... Chồng bà đâu"

- Chồng tôi còn ở trại cải tạo bên Việt Nam.

- Bao lâu rồi bà không gặp chồng bà"

- Gần 10 năm rồi!

- Bà có thể xa chồng bà được 10 năm à" (một câu hỏi với đôi mắt tròn xoe nhìn tôi), và ông tiếp tục:

- Bà muốn couple hôn, tôi couple cho bà"

- Không được, Việt Nam chúng tôi: "Trai thì năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng".

Tôi trả lời tiếng Anh với ý nghĩa như thế và với thời đại tôi sống. Ông ta trầm ngâm và ra vẻ thán phục lòng chung thủy của đàn bà Việt Nam. Với câu hỏi sỗ sàng như vậy, lẽ ra tôi giận ông lắm, nhưng tôi nghĩ chơn chất của người miền quê thì đây không phải là một câu hỏi của kẻ đói tình, mà là của một tấm lòng nhân hậu, một con tim nhân ái... Năm 85, tôi có job chính thức ở bưu điện. Trên đường lái xe đi làm, kẹt đèn đỏ, tôi thấy hai thanh thiếu niên Úc, ăn mặc bảnh bao sang trọng đang âu yếm, hôn hít nhau trên lề đường giữa thanh thiên bạch nhật. Với quan niệm kín đáo của người Á đông, ý nghĩa "nguyền rủa" sự bày tỏ tình cảm lộ liễu của hai đứa nó vừa hiện ra trong đầu tôi, thì tôi cũng vừa nhìn thấy một bà Úc già đang đứng cạnh hai đứa nó, tươi cười tỏ vẻ "hạnh phúc trên cái hạnh phúc của hai đứa nó". Tôi chợt tỉnh, suy lại quan niệm cổ xưa, khe khắt của mình. Từ giây phút đó, tôi tự chuyển hướng tư tưởng và tâm nguyện rằng: "Hãy hạnh phúc khi người ta hạnh phúc, hãy giúp đỡ khi người ta đau khổ, hoạn nạn". Và tôi cũng đã dạy con tôi điều này.

Năm 86, tôi được chính phủ Úc cấp cho căn nhà. Vừa dọn vô hôm trước, hôm sau có một ông Úc mặc thường phục tới gõ cửa nhà tôi, tự giới thiệu là cảnh sát. Mới nghe hai tiếng cảnh sát, đầu tôi bấn loạn, tim tôi đập liên hồi, lo sợ như nỗi lo sợ của những lần công an đập cửa xét nhà bên VN (đã 3 năm rồi mà tôi vẫn còn bị ám ảnh xét nhà), mắt chăm chăm nhìn ông, miệng chưa thốt lên lời thì ông lại tiếp:

- Tôi tên là Barry, láng giềng của bà, bà mới dọn nhà, nếu bà cần điều chi, tôi sẽ giúp bà...

Tôi như kẻ hoàn hồn, mừng rỡ cám ơn ông cảnh sát rối rít... Hai tuần sau, ông Barry lại tới, mời tôi sang nhà chơi. Tôi từ chối khéo:

- Sorry, để hôm khác, mười phút nữa tôi phải rời nhà.

- Bà sang chào vợ tôi mười phút thôi.

Nể lời ông ta, tôi qua nhà chào bà ta và hỏi han vài điều về thủ tục pháp lý ở Úc. Tôi được biết cảnh sát Úc chỉ thu thập dữ kiện rồi đưa lên tòa án xét xử từ vụ vi phạm nhỏ cho đến việc quan trọng. Cảnh sát không có quyền xét xử ai theo luật rừng tại phường khóm như bên VN. Đang mải mê hỏi chuyện thì ông Barry đưa tay lên coi đồng hồ và bảo:

- Mười phút rồi L., bà về lo việc đi.

Tôi ngỡ ngàng và thẹn thùng mắc cỡ, mắc cỡ không phải vì mình bị đuổi về, mà mắc cỡ vì mình đã nói láo vặt trước cái tính chân thật thực tế của người Úc. Cái thực tế của ông Barry đã sửa sai và đưa tôi trở về với con người thuần chất. Trong 5 năm sống cạnh nhà ông, ông bà Barry thường qua lại nhà tôi giúp đỡ, chăm sóc vườn tược, nhà cửa, vặn từ con ốc, cây đinh, vòi nước, giúp chúng tôi từ vật chất cho đến tinh thần. Tôi chỉ dẫn cho con tôi thấy rằng người Úc, cảnh sát Úc tử tế, gần gũi, giúp đỡ dân chúng, không như hầu hết công an VN luôn luôn thịnh nộ, áp đảo, khủng bố tinh thần dân chúng, tham nhũng, hối lộ... Tôi khuyên con tôi nên biết những mánh khóe của đời để đối phó, nhưng không nên xảo trá, láo khoét với ai, hãy sống lương thiện và chân thật như người Úc....

Sau nhiều lần trò chuyện, tôi được biết ông Barry mê Trung Hoa lục địa mà ghét Hoa Kỳ. Ông ghét người Mỹ để cái mũi lên trời, tự mãn, cao ngạo... nhưng ông quên rằng dưới thể chế mà ông ta đang sống hạnh phúc, êm ấm ở Úc là thể chế đồng dạng với Hoa Kỳ. Thỉnh thoảng tôi mang hình ảnh, báo chí sang nhà ông ta tranh luận về vấn đề này. Ông ta rất cứng rắn, tôi cũng cứng rắn không kém. Tôi cho ông biết rằng: Tôi đã nhìn, đã thấy, đã nghe, đã sống dưới hai chế độ, và khẳng định với ông ta rằng: Ông có ở trong hoàn cảnh như tôi thì mới nhận định và đánh giá đúng đắn được. May thay, một hình ảnh minh chứng hùng hồn lời nói của tôi, làm tôi trở thành người hoàn toàn thắng cuộc. Đó là hình ảnh xe tăng cán chết sinh viên Trung quốc trước quảng trường Thiên An Môn ngày 4.6.86. Từ đó, ông ta im lặng, chấm dứt tranh luận, và vui vẻ, thích mến tôi hơn và giúp đỡ gia đình tôi cho đến bây giờ.

Tôi cho con tôi biết rằng từ lâu, Úc là một lục địa "bị cô lập", dân chúng Úc ít có dịp tiếp xúc với thế giới đối nghịch bên ngoài. Chính phủ lại không chú trọng giáo dục môn lịch sử công dân. Do đó họ không hiểu nhiều về CS, nếu gặp, nếu cần, con nên giải thích cho bạn con biết vì sao con đến sống nơi này. Trên đất Úc, đi bất cứ nơi đâu, nhà thương, trường học, chợ búa... hang cùng ngõ hẹp nào cũng đều được Úc ra tay tận tình giúp đỡ, mọi việc đều được hài lòng thỏa mãn, không có khó dễ, trở ngại vướng mắc thủ tục "đầu tiên" như bên xã hội VN. Đâu đâu cũng được tiếp đón bằng nụ cười cởi mở vui vẻ, không đằng đằng sát khí như vẻ mặt cán bộ nhà nước VN. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh bà y tá Úc đẩy xe đưa tôi ra cửa bệnh viện, để lên xe con tôi đưa về nhà, tự dưng tôi mửa lênh láng vì bị ảnh hưởng thuốc mê. Bà ta vội vã chạy tìm khăn lau sạch áo quần, xe đẩy, sân gạch... Bà định đưa tôi trở vô bệnh viện, tôi từ chối. Liên tiếp mấy ngày sau, bà cứ điện thoại về nhà tôi, ân cần hỏi thăm: "Bà O.K""

Ngoài ra, bà còn tới nhà chăm sóc tôi. Ôi, người ta sao "lương y như từ mẫu", còn VN mình sao "lương y như kế mẫu" vậy!

Con tôi cũng tận mắt nhìn thấy cái từ mẫu của y tá Úc. Sinh ra trong xã hội xô bồ bên VN, trước kia con tôi phải đương đầu với chúng bạn xóm giềng y như một đứa trẻ "láu cá". Bây giờ với xã hội Úc mới vài năm mà con tôi trở nên điềm đạm, lịch sự và tình người như người Úc. "Nhân chi sơ, tính bản thiện", lời ba tôi nói chẳng sai....

Năm 88, tôi đưa con tôi đi xem World Expo ở Brisbarne, vì không phương tiện, tôi phải dùng xe bus địa phương, tôi được hai bà Úc già và một thanh niên Úc trạc ngoài ba mươi vui vẻ chào tôi. Một bà Úc hỏi tôi về nguồn gốc:

- You từ đâu đến"

- Tôi từ Việt Nam sang.

Vừa nghe hai tiếng Việt Nam, với giọng hằn học anh Úc trẻ đổ trút lên đầu tôi những ấm ức, ganh tỵ chất chứa tự bao giờ nơi đầu óc thiếu nhìn xa hiểu rộng của anh:

- You là Việt Nam hả" Việt Nam sang đây lãnh tiền Úc, cướp job Úc, rồi mua nhà, nè nè, nhà nè, khu này tất cả là nhà Việt Nam nè (miệng vừa nói, tay anh vừa chỉ, dù tôi không biết vùng đó là vùng nào).

Tôi như bị trời giáng giữa đường, tôi cố bình tĩnh vận dụng khả năng Anh ngữ và kiến thức của mình để đối đáp nhẹ nhàng, hữu hiệu với anh này:

- You là người Úc, you có cha mẹ, có vợ con, có việc làm tốt tại đất nước yên bình như Úc, có bao giờ you muốn rời nơi chôn nhau cắt rốn để sang Paris, New York, Pekin sinh sống không" Dĩ nhiên là không, chúng tôi cũng vậy.

Cả ba im lặng. Tôi tiếp tục:

- You có biết không, các nước lớn trên thế giới này luôn luôn đồng minh, liên kết nhau về chính trị, kinh tế, quân sự... năm 42, Nhật dội bom khốc liệt vào căn cứ tiếp liệu Darwin, nếu đồng minh Mỹ thất bại thì Nhật chiếm Úc của you rồi... Năm 75, Mỹ thay đổi chiến lược ở VN, để CS tràn vào miền Nam VN, Mỹ phải nhờ các nước trong khối tự do: Úc, Anh, Pháp, Đức, Canada... tiếp tay chấp nhận định cư những người tỵ nạn, ưu tiên là gia đình quân đội như chúng tôi. Chính phủ Úc phải giúp lại Mỹ bằng cách "cho phép" chúng tôi định cư tại Úc, chứ chính phủ Úc đâu có điên dại gì mà cưu mang chúng tôi hàng loạt. Nếu chủ nhân những căn nhà VN đó không làm việc khó nhọc hoặc không mang tiền từ VN tới thì tiền đâu để họ mua nhà" Đa số VN ở đây làm việc vất vả phát triển kinh tế, học hành thành tài, xây dựng đất nước Úc, chứ đâu phải ai cũng lãnh tiền dài hạn.

- Ở VN you làm gì vậy" (Một bà Úc hỏi).

- Dạy học. (Vừa trả lời, tôi vừa nhìn mặt anh Úc ra vẻ đăm chiêu và suy nghĩ sâu xa).

Rất tiếc xe bus tới, câu chuyện chúng tôi bị dang dở. Ngồi trên xe bus, con tôi hỏi:

- Sao ông Úc có vẻ hằn học mẹ vậy"

- Đó là một trong số ít những người Úc "kỳ thị", anh ta ganh tỵ với việc ăn nên làm ra của người VN mình. Họ không chịu khó học, không tìm được job, tiêu hoang sạch túi nên ghét VN. Ở đất tạm dung này, con hãy cố gắng lượm chữ bỏ vô đầu, đừng mải mê lượm tiền bỏ túi. Cấp bằng của mình không ai lấy, có lấy cũng không xài được. Của cải là phù du, tiền bạc vật chất dễ bị cướp giựt. Dùi mài kinh sử 5, 10 năm, con xài cả đời. Con hãy học nhiều, hiểu rộng để đối phó với mọi tình huống.

Sau một tuần holiday, tôi trở về làm việc lại. Đang giờ giải lao, một nhóm bạn hữu chúng tôi trò chuyện nhau gồm: 3 Úc, một Lào, hai Việt. Khi tôi quay sang nói tiếng Việt với bạn Việt thì anh Úc trẻ cất giọng hỏi tôi:

- Tại sao không nói tiếng Úc"

- Sorry, Úc nói tiếng Anh giọng Úc, cũng như Mỹ nói tiếng Anh giọng Mỹ, you không có tiếng nói riêng, tôi có tiếng nói riêng tôi cần phải giữ.

Cả năm người đều im lặng nhìn tôi ra chiều suy nghĩ...

Lẽ ra tôi phải sorry trước khi tôi nói tiếng Việt, nhưng cái cảm nghĩ bị bắt buộc nói tiếng Anh, cái ám ảnh bị đồng hóa, mất tiếng nói dân tộc bị diệt vong... đã khiến tôi trả lời một câu không mấy lịch sự như vậy. Việc này tôi cũng tự sự lại với con tôi:

- Con hãy học tiếng Anh thật nhiều nhưng hãy nói và giữ tiếng Việt, hình hài con là người Việt, đừng để mất một ngôn ngữ phong phú, sâu sắc, thâm thúy như tiếng Việt của ta. Dân mình sống lâu đời ở "Hồng Kông bên trong Chợ Lớn" mà mình vẫn không bị người Hoa đồng hóa thì ở đây con cũng nên gìn giữ như thế...

Gần 17 năm sống trên đất Úc, con tôi không bao giờ nói tiếng Anh với tôi dù là một tiếng "no" hay "yes". Điều này làm tiếng Anh của tôi không mấy tiến bộ. Tôi không buồn, nhưng tiếng Việt con tôi tiến bộ thấy rõ, bằng chứng vừa rồi con tôi xin phép đi holiday ở một nơi tôi thấy không mấy an toàn, tôi cản ngăn, con tôi buồn bụng buột miệng than rằng:

- Con nay đã 26 tuổi đầu rồi, mà mẹ sắp cuộc đời con như sắp trên bàn cờ.

- Mẹ khen con nói tiếng Việt lưu loát, mẹ không áp dụng câu nói của ông bà: "Phụ mẫu tồn bất khả viễn du" để ép buộc con, nhưng mẹ biết nơi đó không bảo đảm...

- Mẹ đã dạy con: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" mà mẹ ngăn cản làm sao con thấy xa hiểu rộng. Nếu gặp trở ngại thì xem như con học một bài học...

- Mẹ cho phép con đi, cũng như mẹ để con tự do lựa chọn ngành học, những việc này, nếu con đi thì ít lợi, nhiều hại, mẹ lo, con nên suy nghĩ lại trước khi đi.

Cuối cùng con tôi hủy bỏ ý định đi.

Mỗi lần con tôi xem phim Mỹ, nó được mở mang kiến thức nhưng tôi không quên nhắc nhở rằng: Về khoa học tự nhiên, Mỹ phát triển vượt bực, họ đã đào tạo và quy tụ được nhiều khoa học gia nổi tiếng trên thế giới, mới 200 năm lập quốc mà họ đã tới cung trăng. Trong khi vì thủ cựu, phong kiến... Trung Hoa và nhiều nước lớn lập quốc lâu đời, vẫn lẩn quẩn ở địa cầu. Italy lại quy tụ nhiều nhà nghệ thuật nổi tiếng thế giới nên nghệ thuật họ rất cao... Về khoa học xã hội, Mỹ thoái hóa trầm trọng, xã hội Mỹ quá ư bạo động, con người Mỹ "cao ngạo, tự mãn"... Trong phim có những vai người Mỹ ăn mặc sang trọng, trang nhã, trí thức mà lại đối đáp với đối phương bằng cây súng, cũng như phim Tàu luôn luôn giải quyết nhau bằng cây kiếm để phải máu đổ thịt rơi. Như vậy con người có trí thức không, có lịch sự không, và có hơn con thú không" Việt Nam ta thì bị kềm kẹp dưới chế độ độc tài, con người bị ức chế, sống thác loạn. Trong khi xã hội Úc thanh bình, con người Úc bao dung, khiêm nhường, con hãy bắt chước cái hay của Úc, gạn lọc cái hay cái dở của họ. Hãy tri ân đất nước Úc đã cho con đời sống an bình và cơ hội thăng tiến. Con hãy giữ giềng mối gia đình như người Ý, giữ tiếng nói như người Hoa, người Do Thái. Nửa đời đầu con sống bên cạnh mẹ ba, nửa đời sau con hãy sống hạnh phúc với vợ con. Mẹ cố gắng dẹp bỏ những tỵ hiềm tình thương của một người mẹ thường tình, nếu cần mẹ sẽ sống riêng.

- Con nhất quyết không để ba mẹ sống riêng, mẹ nên dẹp bỏ tư tưởng đó. Mẹ đã mang con đến đây, con phải đền đáp công ơn mẹ.

Đây là bằng chứng hiển nhiên có phải" Lâu nay con tôi và bạn gái Á châu yêu nhau thắm thiết, tôi đang chuẩn bị tài chánh để có ngày cưới hỏi thì con tôi thông báo:

- Con đã tự động từ chối hôn nhân, chỉ vì cô bạn yêu cầu con sang sống bên xứ cô ta, con không muốn xa ba mẹ.

Lời nói vàng ngọc của con tôi, mang đến cho tôi một sững sờ, buồn vui khó tả. Tôi nhận được món quà mà tưởng chừng như không có món quà nào quý giá hơn. Dù sao tôi cũng cảm thấy xót xa cho con tôi, một dấu hỏi vương vấn nơi tôi, không hiểu "Tri âm dễ kiếm, tri kỷ khó tìm" hay "tri kỷ dễ kiếm, tri âm khó tìm""

Mọi việc thường thì con tôi và tôi thảo luận nhau, nếu con tôi đuối lý thì con tôi vâng lời tôi. Ngược lại, tôi phải chấp nhận và tôn trọng ý kiến của con tôi. Năm 89, tướng tài Do Thái Dayan, Moshe II "độc nhãn, không quân", được lên thiên đàng từ địa ngục: chồng tôi đến Úc, một mắt không còn, thân hình tàn phế tả tơi... khả năng sinh hoạt thường nhật "xuống cấp", nhưng đức độ vẫn cao ngất trời. Mọi việc ông đều "dĩ hòa vi quý". Ông rất hài lòng khi thấy hai con đều tốt nghiệp đại học và có việc làm đàng hoàng. Hiện giờ, điều làm tôi vui mừng nhiều là con tôi và gần 10 bạn bè thân thiết đủ mọi dân tộc đều có job tốt, sống lương thiện, không cà phê, không thuốc lá, không rượu chè, không bài bạc... Trên nẻo đường tỵ nạn, tôi đã bước qua, những bông hoa nào tôi gặt hái được, những gai chông nào tôi nhằm đạp phải, tôi đều truyền đạt lại cho con tôi. Tôi nhận thấy rằng: Sự gần gũi, thương yêu, chăm sóc, kinh nghiệm trường đời là những thứ phân bón tốt nhất cho mầm non tuổi trẻ, nó giúp hoa quả nở đúng mùa, đúng mức. Non 17 năm trên đất Úc, tôi, thể chất yếu đuối, kiến thức hạn hẹp, nhưng đã ươm trồng được một loại cây khó trồng mà kết quả cành lá mọc lớn mạnh xum xuê, hoa trái ngọt lịm, thanh tao, không như cây trái mà bác Hồ "dĩ đại" đắng nghét, chát chúa, èo uột ung thối, vô phương cứu chữa.

Đối nghịch với VN, dưới chính thể tự do dân chủ, nhân quyền của Úc, với nhiều loại cổ phần đầu tư sanh nhiều lợi nhuận về vật chất tiền bạc, tôi chỉ đầu tư tình cảm, kiến thức, đạo đức cho con tôi. Tôi nghĩ rằng loại cổ phần này mang lại giá trị tinh thần cao quý cho con tôi. Tôi nghĩ rằng loại cổ phần này mang lại giá trị tinh thần cao quý và cần thiết. Nó sẽ đem đến niềm hạnh phúc vô biên cho mọi cá nhân, vững bền cho mọi gia đình, trường tồn cho mọi xã hội và hòa bình cho mọi quốc gia trên thế giới.

Tố Liên (Canberra)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.