HÀ NỘI- Theo báo Công An CSVN, trong những năm qua, chính quyền CSVN đã phải mất rất nhiều thời gian, nhiều “công sức và công của” để giải tỏa các nhà dân xây cất ngay trong khu vực các di tích. Số khu di tích bị “xâm chiếm” đất lên đến gần 500 và công việc giải tỏa này, theo ngôn ngữ trong nước, được gọi là “giải phóng mặt bằng”.
Trình bày tổng lược về hiện trạng nói trên, bản tin của báo Công An CSVN viết: Trước kia, do chưa có sự quản lý cụ thể và chặt chẽ về việc bảo vệ và sử dụng di tích nên ở nhiều nơi, hàng loạt ngôi nhà đã moi lên lấn vào đất di tích, lấn trước, lấn sau, nhiều di tích bị che khuất, không dễ tìm thấy. Và thậm chí ngay cả hôm nay, đất di tích vẫn còn bị co lại. Việc giải phóng mặt bằng di tích đã được thực hiện ở nhiều nơi: Chùa Châu Tiên, chùa Vua, chùa Liên Phái ở quận Hai Bà Trưng, gò Đống Thây ở quận Thanh Xuân và khu vực Hồ Văn (Quốc Tử Giám). Công việc không đơn giản, không dễ thực hiện trong ngày một, ngày hai, có những dự án lớn như Cổ Loa giải toả vài trăm hộ. Các di tích nhỏ như chùa Cầu Đông, chùa Thiên Phúc, quận Hoàn Kiếm cũng có vài chục ngôi nhà lấn chiếm.
Theo báo CSVN, do nhiều yếu tố, việc khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích gặp rất nhiều khó khăn. Báo Công An CSVN nêu ra một số trường hợp điển hình và trình bày nguyên văn như sau:
Chùa Hàm Long (ở 18 Hàm Long) trước đây khá rộng, nhưng hiện nay một trường học 2 tầng đã được xây sát với chùa và phần thờ tự của chùa cũng đã nâng lên tầng hai. Đây là một ngôi chùa có giá trị lịch sử-văn hóa cần được xếp hạng nhưng khó nhất cho việc lập hồ sơ pháp lý là khoanh vùng bảo vệ đến đâu.