Hôm nay,  

Vài Cảm Nghĩ Nhân Lễ Mừng Khánh Thọ 81 Của Bác Thi Sĩ Đan Phụng Tại Brisbane!

24/03/200300:00:00(Xem: 4837)
Nhớ tháng hai năm 2001, khi chiếc phi cơ đáp xuống phi trường Sydney để tham dự buổi ra mắt tập thơ Sông Thương Một Bến của hai nhà thơ Tú Phan & Đan Phụng, tôi biết mình đã đến vùng đất của nữ thi sĩ lão thành bút hiệu Đan Phụng – đó cũng chính là hiền mẫu của một người anh và cũng là một nghệ sĩ biệt tài Cao Tùng. Năm nay không phải đi xa, chúng tôi có dịp gặp Bác tại Brisbane nhân Lễ mừng Khánh Thọ thứ 81 trong bầu không khí tươi vui đầy thơ văn và thật sự cảm động. Với tuổi hạc như thế mà trông Bác ĐP vẫn mạnh khỏe, tươi tắn như ngày nào thì quả thật đó là một phúc đức lớn lao khó tả. Lễ Khánh Thọ của Bác do trưởng nam Cao Tùng tổ chức để chào mừng Mẹ có tới hơn 200 bạn bè thân hữu tham dự tại nhà hàng Darra Seafood Palace đã ghi một kỷ niệm hết sức tốt đẹp, sâu đậm trong lòng Bác ở tuổi xế chiều.
Nói đến Bác Đan Phụng là nói đến một nhà thơ, một nữ thi sĩ lão thành. Nếu ngày xưa chúng ta còn cắp sách đến trường ê a những vần thơ thương nước thương nhà của Bà Huyện Thanh Quan như “Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà, cỏ cây chen lá đá chen hoa” hay “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia” thì nay ta tìm thấy những vần thơ trác tuyệt tương tự thể hiện bàn bạc trong hầu hết các thi phẩm của nữ thi sĩ Đan Phụng – một Bà Huyện Thanh Quan tân thời. Như bài “Chiều Xuân trên Đèo Ngang” chẳng hạn với các vần thơ “Cảm mái tranh nghèo trong tĩnh mịch, Chạnh đàn chim muộn giữa bao la – Tang thương khiến mủi lòng du khách, Làm cánh mai gầy cũng rủ hoa”. Hay bài Nỗi niềm xa xứ “Muốn gửi lời thơ lên cánh gió, Để thơ theo gió đến muôn phương - Quê xưa cách trở ngàn mây nước, Mộng cũ chưa tròn một sắc hương”. Thật là tuyệt diệu!
* * *
Trong một lần mạn đàm riêng với Bác ĐP trên Đài phát thanh 4EB ở Brisbane, Bác Đan Phụng cho biết tên thật của Bác là Cao Thị Phúc, quy y tam bảo với pháp danh Nguyên Đức, sinh ngày 16-02-1923 tại Hải Ninh (Bắc Việt). Thân phụ là cụ Tuần phủ Cao Văn, là người theo Tây học, là nhà khoa bảng nhưng rất thích Nho học và rất am tường chữ Nho. Với chức vụ Tuần phủ trước năm 1954, cụ Cao Văn thường đi làm việc ở nhiều nơi trên quê hương miền Bắc. Thuở thiếu thời chị em Bác ĐP theo song thân đặt chân đến nhiều nơi trên đất nước. Từ những tỉnh ở đồng bằng Bắc Ninh, Bắc Giang, Phủ Lạng Thương, với giòng sông Thương hiền hòa chảy qua những đồng ruộng xanh bát ngát, với những làn điệu quan họ trữ tình đến những núi rừng cao nguyên trùng điệp Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn với rừng núi bao la xanh tốt, với tiếng chim kêu vượn hót véo von và tiếng suối reo róc rách, với làn thác bạc từ trên núi cao đổ xuống như một khúc nhạc tình muôn thuở. Trước cảnh thiên nhiên không nhuốm bụi phồn hoa ấy, không hiểu sao tâm hồn non dại của Bác yêu thích thiên nhiên quá, phải chăng tâm hồn yêu thơ và yêu những cái đẹp của cuộc đời đã trỗi dậy trong tâm hồn Bác từ thuở đó. Đến lúc trưởng thành, Bác may mắn đã gặp người bạn đời cùng chung lý tưởng và hai tâm hồn cùng hòa chung một điệu, cùng yêu thơ và tha thiết với văn chương, phu quân của Bác - cố thi sĩ Tú Phan. Trong cuộc sống hạnh phúc của gia đình, cả hai càng thấy cảm hứng làm thơ bay bổng là tuyệt vời, cả hai cùng khắng khít bên nhau, phu xướng phụ tùy, cả hai làm thơ trên từng bước đường đời bất chấp thăng trầm của thế sự. Cả hai tìm thấy thơ là nguồn vui sống vì thơ đã tô điểm cho cuộc đời cả hai thêm hương sắc. Trước măm 1975, Bác sáng tác rất nhiều thơ và tập thơ Sông Thương Một Bến (STMB) chỉ là một phần trong tài sản tinh thần của Bác.
Bác là cựu nữ sinh trường nữ Cao Đẳng Tiểu học Đồng Khánh, Hà nội. Đậu bằng Thành Chung (DEPCI) rồi thi vào ngạch Hành chánh ra làm công chức cho đến khi di cư vào Nam năm 1954. Tuy làm công chức nhưng tâm hồn lại chỉ say mê văn chương thi phú.
Những năm tháng còn ở quê nhà, trong cuộc sống thanh nhàn vẫn viết lách làm thơ, coi đó là một thú vui cho cuộc đời. Đến khi di cư vào Nam và sau đó lại dấn bước tha hương đến Úc, nỗi buồn thân thế càng làm cho Bác tìm đến thơ nhiều hơn nữa. Bác ĐP đến Úc vào đầu năm 1994 do con trai bảo lãnh. Tập thơ STMB đã phản ánh rõ nét về cuộc đời của hai nhà thơ Tú Phan & Đan Phụng, đã gói ghém tâm tư tình cảm của một đời người từ tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thương thiêng liêng gia đình cha mẹ, con cái, tình nghĩa son sắt vợ chồng đến tình bạn bè. Bác đã có nhiều bài thơ đăng trên các báo Việt ngữ tại Úc châu như Saigon Times, Dân Việt, Brisbane Tạp chí, báo của các hội cao niên ở Canberra, NSW và thỉnh thoảng trên các báo khác như báo Hoằng Pháp của chùa Linh sơn ở Pháp, tờ Chánh Đạo tại Brisbane hay đặc san của cựu nữ sinh Gia Long chẳng hạn. Riêng năm qua, chúng ta thấy các bài thơ của Bác ĐP hầu như có mặt đều đặn hàng tuần trên tờ Sài gòn Times đã tạo thi hứng cho bao tao nhân mặc khách.
Tập thơ Sông Thương Một Bến là một tác phẩm văn hóa đầy giá trị tại hải ngoại, là sự hài hòa giữa hai tâm hồn đồng điệu thi ca và cũng là cặp vợ chồng đầm ấm Tú Phan & Đan Phụng cho đến ngày ông bất chợt vĩnh viễn ra đi để lại nỗi sầu muộn nhớ thương cho người ở lại. Tập thơ gồm 134 bài thơ trong đó có phần thơ chữ Việt (chiếm đa số), phần Mượn Vần Thơ Bạn, phần thơ chữ Hán, phần dịch Cổ Thi và phần Thương Tiếc (Khóc cố nhân, Khóc chồng). Thi phẩm dày 160 trang với tấm hình bìa vẽ lên một khung cảnh hết sức gợi cảm man mác sầu vương, với giòng sông Thương và con thuyền neo bến đỗ, trên không hai cánh chim bay đi về phương trời vô định như định mệnh của đôi thi sĩ khi xuôi Nam.
Nhà thơ Liễu Thuận Khanh trong bài đề tựa cho thi phẩm STMB đã viết “Năm ấy, mùa binh biến phút chốc rộ lên. Gió ly hương từ ngàn xa thốt nhiên thổi tràn qua khắp nẻo không sót chốn nào. Qua luồng gió ấy, với sức bé bỏng của mình, tôi không tài nào bám lại được quê hương, đành phải bỏ đất, bỏ cánh rừng tràm u minh bồng bềnh trôi dạt… cho đến một lúc không còn nơi nào trôi đi được nữa nhìn lại mới biết đây là đất Sàigòn”.
Bác Đan Phụng cho biết, trong các loại thơ, Bác thích nhất là thơ Đường luật bởi nó không dài giòng. Chỉ có 8 câu thất ngôn bát cú, 4 câu gọi là tứ tuyệt nhưng nó nói lên trọn vẹn cả một đề tài. Về niêm luật chặt chẽ phải tuân theo, người sáng tác cũng cần phải có vốn liếng khá về chữ nghĩa – càng biết chữ Nho càng hay vì chữ Nho sâu sắc lắm. Nhưng khi người thưởng lãm hiểu được tính sâu sắc của những từ ngữ trong bài thơ thì đó quả là một điều thích thú! Còn người sáng tác có lẽ còn thích thú hơn nhiều khi nặn óc ra được một từ vừa ý. Những khi tìm tứ tìm từ như vậy, người thơ đã phải thao thức suốt canh thâu, có khi cả nhiều đêm suy nghĩ chỉ một bài thơ, nếu không chỉnh cả ý và lời thì tự nó đã không hay rồi thì làm sao cảm xúc được lòng người đọc. Bác công nhận thơ Đường khó làm, bởi thế người sáng tác thơ Đường luật phải tự nghiêm khắc với chính mình mới mong có được bài thơ hay. Ở Việt Nam, Bác ĐP có rất nhiều bạn thơ ở cả hai miền Nam Bắc, cùng thời và cùng yêu thích thơ Đường. Còn tại Úc chỉ có hai ba vị, song tất cả các bạn thơ dù đã thâm giao hay mới quen biết vài năm nay cũng đều tha thiết gắn bó với Bác và dành cho Bác tình yêu mến, tình thơ đúng nghĩa của những người thơ đối với nhau.
Đêm ấy, người nữ thi sĩ khả kính Đan Phụng đã hiện diện nơi đây trong khung cảnh xa quê nhưng ấm cúng vui vẻ tình cháu con, bằng hữu. Bác Đan Phụng như một hiền mẫu làm dâng lên trong hồn ta những rung động ngọït ngào. Trên đời này, nếu có một tình cảm nào sâu thẳm nhất, rộng lớn nhất, cao vời nhất, vô hạn nhất; tình cảm hy hữu đó chính là tình yêu của người Mẹ đối với con mình. Hầu hết những tác phẩm điêu khắc, hội họa, những bài thơ bài hát, những bản nhạc nói về Mẹ đều là những tác phẩm hay, những tuyệt tác dễ đi sâu vào lòng người, lắm lúc làm chúng ta rơi lệ. Ta chắc hẳn không quên những câu ca dao mộc mạc để đời “Công cha như núi Thái sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ Mẹ kính Cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” hay “Mẹ là cả một đại dương, Mẹ là cả một thiên đường trần gian” hay “Lòng Mẹ bao la như biển Thái bình dạt dào”.

Tình Mẹ bao la như thế nên chúng ta đã thấy một Y Vân với bài Lòng Mẹ; thầy Thích Nhất Hạnh với bài thơ “Bông hồng cài áo” được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc và còn biết bao nhiêu tác phẩm khác nữa nói về Mẹ. Thế nên sung sướng thay những ai còn Mẹ và sống gần gũi với Mẹ. Nói đến Mẹ là nói đến chữ Hiếu của người con hiếu thảo. Như người con bị tù oan đã dâng lên Mẹ bát canh hẹ, như Giới tử Thôi lóc thịt nuôi Mẹ trong cơn nguy nan trên rừng sâu. Mặc dù hiện giờ mùa Vu Lan chưa tới nhưng ý nghĩa của lòng hiếu thảo của người con đối với Mẹ không bút nào tả xiết và cũng không dễ mấy ai làm được! Một niềm hiếu kính hết lòng phụng dưỡng, vâng lời dạy bảo, làm tròn bổn phận là sự báo ân thiết thực của người con đối với cha mẹ lúc sinh tiền. Anh PCT có cái diễm phúc còn Mẹ và ít nhiều đã làm tròn phận sự của một người con hiếu thảo.
Ngày vui của Bác Đan Phụng rộn rã những vần thơ họa của các thi sĩ trong và ngoài nước gửi về chúc tụng. Bài xướng cảm khái do chính Bác ĐP gieo lên nhân ngày mừng tuổi thọ 81 của chính mình không phải là một bài thơ tự kỷ mà lại là những vần thơ Đường tuyệt tác chứa đựng tấm lòng thương nhớ quê hương và tha nhân. Chúng ta hãy lắng hồn để nghe tâm sự của một người Mẹ còn đang xa quê hương đất tổ: “Xuân nay mừng ngoại bát tuần rồi, Nhớ lại hương đời vị ngát môi, Con cháu thảo hiền vui dạ lão, Phu quân tao nhã đẹp duyên hài, Tình nhà nghĩa bạn tâm còn nặng, Nợ bút niềm quê trí chẳng vơi, Những ước giòng Thương thêm nước ngọt, Cho cây Nhân Ái mãi sinh chồi!”.

Bác Đan Phụng chính là giòng Thương thêm nước ngọt và một loạt những bài thơ họa chúc mừng gửi về tới tấp như cây Nhân Ái mãi đâm chồi. Như bài họa “Mừng khánh thọ bát tuần” của thi sĩ Liễu Thuận Khanh tức nghĩa đệ của Bà ở VN; bài họa “Khánh thọ Bác ĐP 81 tuổi” của nhà thơ Nam Man Lâm Nam Triều (NSW); bài họa của Trường Xuân Lão PV Tùng (QLD) có tựa đề “Tuổi thọ với Nàng Thơ”; bài “Kính mừng thọ Bác ĐP” của Lâm Thành Hổ (NSW); bài thơ tự diễn “Mừng tuổi thọ Bác ĐP” của ông Nguyên Dự (QLD); bài thơ tự ngâm của Gs Đào Hoàng Nga (QLD); bài họa “Phụng nở mùa Mai” của Sư cô Thích nữ Như Phương (tức thi sĩ Đàm Liên thuộc chùa Vô Ưu Sài gòn); bài “ Chúc Thọ” của ThanhViêm và Thi Trâm (ở Canberra); bài họa của Băng Thanh (bạn đồng học); bài “Mừng Thọ 81” tặng hiền tỷ ĐP của một thi đệ ở VN; bài họa “Chúc mừng sinh nhật người thơ ĐP” của Thiên Đức; bài “Mừng Bác ĐP lên 81” của nhà văn kiêm thi sĩ Nguyễn Tư (NSW) và cuối cùng là bài thơ “Trẻ già ai quý hơn ai"” của Trưởng Tuấn Việt (QLD)
Bàn về những vần thơ của Bác ĐP, anh Lâm Thành Hổ trong bài viết dành cho Đặc san Tây Ninh đồng hương hội có viết như sau: “Những vần thơ của Bác ĐP mặc dầu diện mạo còn vương vướng thể loại truyền thống, nhuôm nhuốm chút màu cổ điển, nhưng nó đã được thêu kết bằng những âm ngữ mướt mịn, tỏa ánh bao sắc hương tình cảm bay cao. Có cái gì đó thật đoan trang nề nếp mà lại duyên dáng trẻ trung, thiết tha nóng bỏng mà thủy chung đôn hậu. Đã vượt ra khỏi khung thưa Đường luật những tứ thơ mênh mang linh động, đã tua tủa những chồi non lộc mới vươn ra khỏi thân cây cổ thụ già nua: “Đã nói không thương lại vẫn thương, Đời sao nặng nợ với yêu thương"! Thương mãi người đi biệt bến Thương”. Được như vậy là nhờ có một hồn thơ, đúng hơn là một Nàng Thơ sung mãn sức lực, luôn luôn tươi tắn, dịu hiền ngự trị trong tâm hồn Bác ĐP. Nàng thơ ấy chính là nàng Tiên huyền diệu đã ít nhiều phò trì cho một xác thân bậc thượng thọ vẫn bình an khương kiện, ban phước lành cho một tâm hồn trưởng lão luôn được sáng suốt trẻ trung…”. Trong các bài thơ của Bác ĐP, bài “Tương tư khúc” đã được trưởng nam của Bác, nghệ sĩ Cao Tùng phổ nhạc và với giọng hát tự nhiên của chị Hải Phong (con dâu Bác) đã làm xúc động quý khách có mặt đêm mừng Khánh thọ.
Riêng người viết, nhờ có duyên với nàng thơ nên Bác ĐP thường viết tặng những bài thơ mới nhất Bác vừa cảm tác (luôn luôn là bản chép tay, thủ bút của chính Bác trên các trang giấy học trò). Như bài “Về thăm chốn cũ tưởng niệm cố nhân” và bài “Xuân về lại nhớ tri âm” để tưởng niệm hương linh phu quân Tú Phan nhân dịp Bác về thăm Queensland. Ngoài ra còn có các bài thơ “Rừng chiều” họa bài “Đường chiều” của thi sĩ Liễu Thuận Khanh (ở VN), bài “Bát tuần tự sự” viết nhân ngày sinh nhật thứ 80 của Bác tại Sydney. Trong lá thư hồi tháng 11 năm ngoái gửi cho người viết, Bác ĐP có tâm sự như sau: “Bác xin ghi nhận tình cảm quý hóa của hai cháu đã dành cho Bác. Nhận được băng cassette thâu cuộc mạn đàm giữa hai bác cháu hôm ấy và hai tấm ảnh kỷ niệm ngày bác về thăm QLD, bác vui lắm! Đời bác luôn luôn trân trọng kỷ niệm của cuộc đời mình. Bác chép hai bài thơ mới làm để tặng hai cháu đọc, gọi là để đáp lại tình tri ngộ, mong hai cháu được một vài phút vui trong lúc thanh nhàn, bởi người đời có câu “Gươm vàng để tặng Tráng sĩ, Son phấn để tặng Giai nhân” – thì Bác muốn tặng thơ mình cho khách yêu thơ các cháu ạ!” Thật là cảm kích!
Đêm ấy, sau phần giới thiệu thơ của các bạn bè, thi hữu, bằng hữu muôn phương là đến phần cắt bánh và chúc rượu. Cả gia đình 6 người gồm anh chị Phạm Cao Tùng và Lê thị Hải Phong (sinh quán Hải Phòng) cùng các cháu PLê Chương, PLê Kha, PLê Dzu và người Mẹ yêu bước lên sân khấu đã ngỏ lời cám ơn quý quan khách và bạn hữu đến chung vui và anh Cao Tùng cho biết đây là cả gia tài duy nhất của anh tại Úc. Bác ĐP vẫn còn khỏe khoắn, vui vẻ trong chiếc áo dài màu thiên thanh cắt chiếc bánh Khánh thọ 81 ngọt ngào. Sau đó, Gs Đào Hoàng Nga (phu nhân Bs Hà Ngọc Thuần) đã đại diện quý khách lên phát biểu những tình cảm nồng hậu nhất gửi đến Bác Đan Phụng.
Cuối cùng bài thơ “Tương Tư Khúc” của Bác ĐP sáng tác tại Sydney vào mùa Thu năm 2002 với những lời thơ tha thiết đã được trưởng nam của Bác là anh PC Tùng phổ nhạc. Nét nhạc tuyệt vời với Cung La thứ đã quyện vào hồn thơ như món quà tinh thần cao quý của người con trai yêu dấu kính dâng lên Mẹ những vần điệu lung linh, kỳ diệu và qua tiếng hát say đắm rất Bắc, rất ít nghe của chị Cao Tùng Lê Hải Phong (con dâu yêu quý của Bác), quý khách đã cảm nhận trọn vẹn hương vị ngọt ngào của đêm vui mừng Khánh thọ chan chứa tình người.
Sau đó là chương trình giúp vui của anh em trong ban nhạc Mimosa – ban nhạc có anh em kết nghĩa trong gia đình đã mang đến quý thính giả một đêm vui vô tận. Trên đường về trong đêm mưa, người viết như lịm hồn vào bản tương tư khúc “Nhớ sông núi bạc mái đầu, Nhờ mây cậy gió chở sầu tương tư. Từng giọt nhớ mưa thu gieo rắc, Ngoài hiên thu gió hắt hiu buông, Trông về cố quận thê lương, Nhớ người đi biệt ngàn phương mịt mù – Tiếng quốc gọi ai hoài tình nước, Khúc tiêu sầu não nuột hồn thơ, Trời thu bàng bạc sương mờ, Sầu dâng man mác bên bờ Sông Thương – Dòng thu cảm mang mang vô tận, Khúc tương tư mãi tặng cố nhân, Niềm riêng gửi áng mây Tần, Xin vì ta chở mấy vần nhớ thương…!
Cuối cùng, xin mượn hai giòng thơ cuối tuyệt vời của ông bạn già Lâm Nam Triều ở NSW để kính chúc Bác “Con có dăm vần xin chúc Bác, Ngày Trời tháng Phật gió mưa xuân” và ông bạn già Phạm Văn Tùng ở QLD đã reo lên niềm vui “Cơn mưa tình cảm tuôn vào đất, Cây quý vườn thơ đã mọc chồi”! Trời Phật như luôn độ trì đời sống Bác và những cơn mưa đầu Xuân đã làm đâm chồi nẩy lộc thêm những cành non tươi tắn trong vườn thơ vốn đã rực rỡ của Bác Đan Phụng./-

Cung Đàn (QLD)
Tháng 3/2003

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.