Hôm nay,  

Điều Chỉnh Tình Trạng Cư Trú, Lịch Xét Cấp Chiếu Khán Tới 5.99

15/05/199900:00:00(Xem: 8641)
Mục di trú và bảo lãnh hàng tuần do Văn Phòng tham vấn di trú Robert Mullins International đảm trách, chỉ có mục đích thông báo các tin tức thời sự liên quan đến vấn đề đoàn tụ gia đình, rất hữu ích cho quý độc giả nào quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân. Việc tín nhiệm các tin tức trong mục này hoàn toàn thuộc quyền tự do và trách nhiệm của quý độc giả.
Trong bài viết hôm nay, chúng tôi xin đề cập đến việc xin điều chỉnh quy chế di trú và công bố ngày xét cấp chiếu khán di dân tính đến tháng 5/99.
1- Việc điều chỉnh quy chế di trú cho những người cư trú bất hợp pháp tại Hoa kỳ:
Những trường hợp cư trú bất hợp pháp nói ở đây gồm có những người đến Hoa Kỳ mà không có kiểm tra giấy tờ hoặc đến Hoa Kỳ hợp pháp trong một thời gian có giới hạn, nhưng ở lại quá thời hạn cho phép đó.
Nếu những người này đã có hồ sơ bảo lãnh, thì đương sự có thể xin điều chỉnh quy chế di trú, với các điều kiện sau đây:
a- Hồ sơ bảo lãnh đã đáo hạn,
b- Hồ sơ bảo lãnh phải được nộp trước ngày 15 tháng 1, 1998
c- Đóng $1,000 tiền phạt.
Nói một cách cụ thể hơn là trường hợp một người được thân nhân bảo lãnh theo một trong các diện ưu tiên như F1, F2, F3, F4 và hồ sơ bảo lãnh được thiết lập trước ngày 15 tháng 1, 1998. Trong thời gian chờ đợi hồ sơ đáo hạn để được phỏng vấn và cấp chiếu khán, đương sự đã đến Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp hoặc đến Hoa Kỳ một cách hợp pháp nhưng đã ở lại quá thời hạn cho phép, thì đương sự có thể đóng tiền phạt $1,000 để xin điều chỉnh quy chế để trở thành thường trú nhân hợp pháp, khi hồ sơ bảo lãnh đã đáo hạn. Đương sự không phải trở về Việt Nam để xin phỏng vấn và cấp chiếu khán.
Thí dụ: Năm 1996, một phụ nữ Việt Nam đến Hoa Kỳ bằng chiếu khán du lịch và sau khi đến Hoa Kỳ, bà lập hôn thú với một thường trú nhân, tức người chồng chỉ có thẻ xanh chớ chưa có quốc tịch, và người chồng đã làm ngay hồ sơ bảo lãnh cho vợ.
Khi thời gian du lịch hết hạn, người vợ không trở về Việt Nam và cứ ở lại luôn tại Hoa Kỳ, dĩ nhiên là ở lại một cách bất hợp pháp.
Một thời gian sau hồ sơ bảo lãnh do người chồng làm đã đáo hạn (ưu tiên F2, tức chồng chỉ có thẻ xanh bảo lãnh cho vợ thì hồ sơ phải chờ khoảng 4 năm rưỡi mới đáo hạn) hoặc sau đó người chồng có quốc tịch và hồ sơ được đáo hạn ngay, thì đương sự có thể đóng tiền phạt $1,000 để xin điều chỉnh thành quy chế thường trú và cấp thẻ xanh.
Nếu sau một thời gian ở lại Hoa Kỳ bất hợp pháp, đương sự trở về Việt Nam để tiến hành việc xin phỏng vấn và cấp chiếu khán sang Hoa Kỳ một cách hợp pháp (vì nhận thấy hồ sơ bảo lãnh đã đáo hạn), thì đương sự có thể bị từ chối và không cho vào Hoa Kỳ trong thời hạn từ 3 đến 10 năm, tùy theo thời gian ở quá hạn trước đó dài hay ngắn.
Xin nhắc lại là biện pháp đóng tiền phạt $1,000 để xin điều chỉnh quy chế di trú không áp dụng cho các hồ sơ bảo lãnh lập sau ngày 15 tháng 1, 1998.
Về trường hợp một người đến Hoa Kỳ bằng chiếu khán du lịch hoặc du học và đã ở lại một cách bất hợp pháp sau khi chiếu khán đã hết hạn, vẫn có thể nộp đơn xin điều chỉnh thành quy chế thường trú, nếu có kết hôn với một công dân Hoa Kỳ.
2- Trường hợp vị hôn thê/hôn phu:

Đây là hợp ngoại lệ đối với nguyên tắc điều chỉnh quy chế di trú vừa nói trên. Một người được bảo lãnh sang Hoa Kỳ theo diện vị hôn thê/hôn phu phải kết hôn với người bảo lãnh mình trong thời hạn ấn định. Nếu không, người vị hôn thê/hôn phu này phải trở về Việt Nam trước khi hết hạn lưu trú, mặc dù có kết hôn với một người công dân Hoa Kỳ khác chăng nữa.
Trong trường hợp ở lại bất hợp pháp trong thời gian quá lâu và hộ chiếu đã hết hạn thì phải xin gia hạn hoặc phải xin lại hộ chiếu mới.
Hiện nay có tin là Sở Di Trú dồn nỗ lực vào việc giải quyết các đơn xin nhập tịch, do đó các hồ sơ xin điều chỉnh quy chế di trú có thể bị ngâm tôm trong thời gian lâu hơn. Việc này có nghĩa là các đương đơn phải chờ đợi lâu hơn mới được gọi phỏng vấn để cấp thẻ xanh, chớ hồ sơ xin điều chỉnh thẻ xanh không bị mất hiệu lực.
3-Vấn đề lăn tay:
Hồ sơ xin điều chỉnh thẻ xanh phải có phiếu lăn tay, mục đích để kiểm tra xem đương đơn có tiền tích hình sự hay không. Có tiền tích hình sự cũng là một trở ngại trong việc xin điều chỉnh thẻ xanh.
Người Việt Nam trước khi được cấp chiếu khán di dân cũng phải thông qua việc kiểm tra danh tánh. Ngoài ra những công dân hoặc những người đã lưu trú tại một vài nước còn phải nộp thêm giấy chứng nhận của Sở Cảnh Sát nữa.
Khi người di dân đến phi cảng Hoa Kỳ, đương sự phải làm thẻ lăn tay để làm thẻ xanh và sau đó thẻ xanh sẽ được gởi đến địa chỉ của đương sự.
Xin nói rõ là việc kiểm tra này chỉ ảnh hưởng đối với người di dân đến Hoa Kỳ chớ không ảnh hưởng đến người đứng bảo lãnh và cũng không ảnh hưởng đến người làm bảo trợ tài chánh.
NGÀY XÉT CẤP CHIẾU KHÁN DI DÂN TÍNH ĐẾN THÁNG 5/1999
A- Những diện luôn luôn có hiệu lực, gồm có:
- Diện IR-1: Phối ngẫu của công dân Mỹ.
- Diện IR-2: Con độc thân dưới 21 tuổi của công dân Mỹ.
- Diện IR-5: Cha mẹ của công dân Mỹ
B- Ưu tiên 1: Xét đến ngày 01 tháng 01-1998, gồm có:
- Diện F1-1: Con độc thân trên 21 tuổi của công dân Mỹ.
C- Ưu tiên 2A: Xét đến ngày 01 tháng 11-1994, gồm có:
- Diện F2-1: Người phối ngẫu của thường trú nhân.
- Diện F2-2: Con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân.
- Diện F2-3: Cháu nội/ngoại của thường trú nhân.
D- Ưu tiên 2B: Xét đến ngày 15 tháng 06-1992, gồm có:
- Diện F2-4: Con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân.
- Diện F2-5: Con độc thân dưới 21 tuổi của diện F2-4
E- Ưu tiên 3: Xét đến ngày 22 tháng 07-1995, gồm có:
- Diện F3-1: Con đã lập gia đình của công dân Mỹ.
- Diện F3-2: Phối ngẫu của diện F3-1
- Diện F3-3: Con độc thân dưới 21 tuổi diện F3-1
F- Ưu tiên 4: Xét đến ngày 08 tháng 07-1988, gồm có:
- Diện F4-1: Anh chị em của công dân Mỹ
- Diện F4-2: Phối ngẫu của diện F4-1
- Diện F4-3: Con độc thân dưới 21 tuổi của diện F4-1
G- Diện tu sĩ tôn giáo: Diện SR: luôn luôn có hiệu lực.
Quý độc giả quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân muốn có thêm tin tức cập nhật, xin theo dõi qua báo chí hay đón nghe chương trình phát thanh của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư từ 7PM đến 7:30PM và 11:30AM-12PM mỗi trưa Chủ Nhật, trên hai làn sóng 1430AM và 106.3FM. Hoặc quý vị liên lạc với một trong những văn phòng Robert Mullins International gần nhất, tại Nam California: (714) 890-9933, Bắc California: (408) 294-3888, Oakland-San Francisco: (510) 238-8830 hay qua Email: info@rmiodp.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.