Hôm nay,  

Từ Quận Cam Nhìn Về Quê Nhà: Ảnh Hưởng Thương Ước

21/08/200000:00:00(Xem: 4056)
LITTLE SAIGON - Thủ đô người Việt tị nạn đang làm ăn kinh doanh với trong nước như thế nào" Dưới đây là lược dịch bài viết của John Gittelson và Vik Jolly trên báo O.C. Register hôm 21.7.2000.

Ít người theo dõi sát quan hệ giao thương giữa Quận Cam và Việt Nam như Brian Le, người thành lập Kim Phú Express, một công ty chuyển tiền có trụ sở tại Little Saigòn.

Mỗi ngày, công ty của Lê giao tiền đôla tận tay cho thân nhân người gởi ở Việt Nam, và tiền này được dùng để mua các máy gia dụng, xe gắn máy, máy điều hòa không khí, và mở những cơ sở kinh doanh nhỏ.

Vẫn còn chưa rõ là bản thương ước mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ giúp gì cho doanh vụ của Lê không, một dịch vụ tấp nập nhờ hầu hết những khách hàng Mỹ gốc Việt không tin vào nhà băng và chính phủ Việt Nam. Nhưng Lê tin tưởng rằng bản thương ước nhằm tiêu chuẩn hóa những luật lệ trong việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ sẽ có lợi cho người cả hai nơi.

Lê, 38 tuổi, người đã rời khỏi Việt Nam năm 1980 nói: “Tôi nghĩ thương ước mậu dịch tốt cho cả hai phía. Đối với người Mỹ và người Mỹ gốc Việt, họ cảm thấy tốt đẹp hơn cho việc đầu tư ở Việt Nam; đối với người Việt Nam, tôi nghĩ người dân sẽ hưởng lợi khi kinh tế lớn mạnh.”
Những gì chờ đón ở tương lai" Khi nào có thay đổi ở VN" Và thương ước sẽ ảnh hưởng vùng Quận Cam ra sao"

Quận Cam
Dòng tiền từ Quận Cam gởi về Việt Nam đã nhảy vọt nhờ số lượng khách du lịch, qua thương mại và giao thương, không kể đến số người Mỹ gốc Việt đang ngày càng giàu thêm.
Theo ghi nhận của chính phủ Việt Nam, năm 1999 người Việt hải ngoại đã gởi 1 tỉ đôla về Việt Nam. Lê cho biết riêng California lên tới ít nhất 600 triệu.

Nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ chuẩn bị để kiếm lợi qua việc mở thương ước mậu dịch. Những hãng nhập cảng thực phẩm, những công ty xây cất, những công ty sản xuất băng nhạc, tất cả hy vọng thương ước sẽ giúp họ mua, bán hay đầu tư.

Một công ty mới khai trương thuộc về Kiên Đỗ, 53 tuổi, cư dân Irvine, người trong tháng này vừa mở dịch vụ phân phối hoa tới Saigon, và Hà Nội. Thương ước sẽ không ảnh hưởng trực tiếp gì tới doanh vụ của ông, mà ông cũng không xét tới bản thương ước khi quyết định mở tiệm hoa của ông trên mạng lưới Internet (www.flowers2vietnam.com). Nhưng với khả năng nhiều công ty Mỹ sẽ mở tiệm ở Việt Nam, viễn ảnh cho cơ sở kinh doanh hoa của ông chỉ có thể phát đạt thêm.

Khó tính toán mức độ quan hệ mậu dịch giữa Quận Cam với VN vì hầu hết những cơ sở kinh doanh đều hoạt động ở ngoài tầm theo dõi. Nhiều người do dự về việc phổ biến kế hoạch làm ăn của họ. Một số khác sợ chọc giận những người chống cộng. Nhưng, cũng giống như nhiều thành viên trong cộng đồng 200,000 người Việt gốc Mỹ của Quận Cam, Đỗ theo dõi sát những diễn tiến. “Tôi đọc tất cả những bài báo tôi có được,” Đỗ nói.

HẠ TẦNG CƠ SỞ
Giao thông, điện lực và viễn thông của Việt Nam cần tân trang để có thể cạnh tranh về kinh tế.
Các cảng của thành phố Sài gòn và Đà Nẵng chẳng có bao nhiêu cải tiến từ năm 1975. Giao thông Nam-Bắc chính của Việt Nam là quốc lộ 1, con đường hai lằn xe, đầy ổ gà, với chật chội đủ thứ xe đạp, xe vận tải chở quá tải, và xe gắn máy vượt tốc độ.
Định chế tài chánh lại còn non nớt. Một thị trường chứng khoán định mở trong tháng này, nhưng chỉ có hai công ty quốc doanh được lên danh sách.

XUẤT CẢNG VIỆT NAM
Việt Nam liên tục thâm thủng mậu dịch, mua nhiều hơn bán từ các nước đối tác chính - Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc.

Nhưng mức thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ có thể sẽ gia tăng khi thuế quan hạ xuống. Hoa Kỳ đã nhập cảng từ Việt Nam 691 triệu đôla năm ngoái trong khi xuất cảng sang Việt nam chỉ có 209 triệu đôla.

Sản xuất nhẹ tại VN nhiều phần sẽ tăng, dẫn đầu là giày và trang phục. Hãng Nike đã sản xuất giày và quần áo tại VN từ năm 1996, chiếm tới 400 triệu đô trong tổng số xuất cảng của VN, theo lời Vada Manager. giám đốc hãng Nike về quản trị toàn cầu.

Vada nói giá thành của sản phẩm thì ngang với Philippines và Trung Quốc, nhưng giá hàng xuất cảng của Việt Nam hiện cao hơn vì thuế quan cao hơn. Thuế quan của Hoa Kỳ đánh trên giày tennis hay giày bóng rổ sẽ hạ xuống từ 35% để chỉ còn 6%. Ông tiếp: “Bản thương ước sẽ để Việt Nam có chân đứng ngang hàng như những quốc gia khác.”

Những hàng xuất cảng chính khác của Việt Nam - lương thực thực phẩm - không hợp với khẩu vị đa số người Mỹ. Thị trường mì sợi, nước mắm, trà hoa nhài và những sản phẩm khác có dòng chữ “Made in Vietnam” được bán nhiều ở vùng Little Saigon, nhưng ít oi ở các nơi khác.

ĐẦU TƯ HOA KỲ
Thương ước được soạn thảo để bảo vệ lợi thế của Hoa Kỳ về dịch vụ, những sự bảo vệ này sẽ được thực hiện qua từng giai đoạn, lấy một vài ví dụ:
- Những đối tác Mỹ sẽ bị giới hạn để chỉ giữ quyền sở hữu thiểu số trong các hãng tiếp thị trong vòng 7 năm.
- Về viễn thông, những nhà đầu tư Hoa Kỳ sẽ bị ngăn chận không cho cung cấp những dịch vụ điện thoại địa phương hay viễn liên, thư điện tử (e-mail), dịch vụ truy cập Internet hay những dịch vụ khác trong vòng bảy năm.
- Các ngân hàng Hoa Kỳ phải đợi chín năm để thiết lập những chi nhánh với quyền sở hữu một trăm phần trăm.

Câu hỏi lớn lao chính là làm cách nào bảo đảm sự thực hiện. Ví dụ, bản thương ước tập trung vào việc bảo vệ tài sản tác quyền trí tuệ, điều này có thể đe dọa sự sống của hàng ngàn người bán lẻ đang bán các loại kính mát, video và software dỏm.

NHỮNG GÌ CẦN QUAN SÁT
Tương lai gần, số phận bản hiệp uớc mậu dịch Hoa Kỳ - Trung Quốc có thể quyết định nhữnggì xảy ra cho bản thương ước Hoa Kỳ-Việt Nam, và còn phải xem Quốc hội Mỹ có muốn bàn thương ước Mỹ-Việt trước cuộc bầu cử tháng mười một hay không.

Bộ chính trị CS Việt Nam đã ban phép lành cho bản thương ước, nhưng sự tranh dành quyền lực về hướng đi kinh tế quốc gia thì nhiều phần sẽ là trọng tâm của Đại Hội Đảng Cộng sản VN vào tháng Ba.

Richard Drobnick giám đốc của Trung Tâm Về Thương Mại Quốc Tế tại Đại học USC cho biết tình hình chính trị địa phương cũng sẽ quyết định sự quan tâm của giới đầu tư ở Việt Nam.
Nhưng đừng kỳ vọng vào thương ước là sẽ mở một cánh cửa ào ạt đầu tư Mỹ vào VN.
“Nó mở cánh cửa để bắt đầu cho một tiến trình, nhưng người ta phải bước qua cánh cửa đó.”

KẾT LUẬN
Thương ước Việt-Mỹ đánh dấu một bước đi quan trọng trong tiến bộ về phát triển kinh tế của Việt Nam, chứ không phải một bước nhảy lớn lao. Các nhà đầu tư vẫn sẽ phải cẩn thận, và những lợi nhuận vẫn sẽ khó thấy cho tới khi chính phủ Việt Nam gỡ bỏ sự kiểm soát chặt chẽ về kinh tế.

Dunson Cheng, chủ tịch của Cathay Bank, đang giữ thái độ “chờ coi”. Cathay Bank có mười bảy chi nhánh ở California - trong đó có một chi nhánh ở Little Saigon và một ở Irvine - cũng như nhiều chi nhánh khác ở Đài Loan và Hồng Kông. Cheng nói ông muốn mở một văn phòng ở Việt Nam và cho rằng vẫn có ý muốn đó, “nếu có đủ khách hàng.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.