Hôm nay,  

Hồi Ký "việt Nam, Một Thế Kỷ Qua" - Phần I 1916-1946 Ra Mắt Tại Westminster

15/02/199900:00:00(Xem: 10211)
Hồi Ký "Việt Nam, Một Thế Kỷ Qua" - Phần I 1916-1946 Ra Mắt Tại Westminster

* Nhà Văn-nhà Cách mạng Nguyễn Tường Bách: "Từ thất
bại của người quốc gia vào năm 1946, vận mệnh của dân tộc đã
quyết định ..."

VĂN HÓA NEWSMAGAZINE
(ghi chép bên lề)

CITY HALL of WESTMINSTER (VH)- Vào hồi 1giờ 30 ngày Chủ
Nhật 22 tháng 11 năm 1998, hai ông Lưu Trung Khảo và Phạm Việt
Cường thuộc ban tổ chức đã trân trọng giới thiệu nhà Cách Mạng
lão thành, nhà Văn Nguyễn Tường Bách, tác giả tác phẩm "Việt Nam,
Một Thế Kỷ Qua" - Phần 1. 1916-1946 trước một cử tọa chọn lọc,
đa số là giới trí thức văn nghệ sĩ người Việt cư ngụ ở Nam
California.
"Việt Nam, Một Thế Kỷ Qua" là hồi ức của một cuộc đời
suốt đời dấn thân vào nền văn học tiếng Việt, vào công cuộc cải
cách bức tranh xã hội phong kiến cổ hủ, và hơn nữa trực tiếp
đem thân sinh tử vào công cuộc đấu tranh vì độc lập tự do cho
đất nước dân tộc. Hồi ức khởi đi từ năm 1916 đến năm 1946
(Tập 1) và từ năm 1946 đến nay (Tập 2), nhà văn Viễn Sơn
Nguyễn Tường Bách đã giúp người đọc, đặc biệt người đọc thuộc
những thế hệ tiếp nối con đường cách mạng của tiền nhân, được
học hỏi thấu đáo những dữ kiện có thật xẩy ra trong quá khứ cận
đại; từ đó, so sánh, phân tích, đối chiếu giữa xưa và nay, để có
thể rút ra những kinh nghiệm bi tráng của giòng vận động lịch
sử mà những bậc tiền nhân suốt đời xả thân cho độc lập-tự do.
Trong toàn bộ tác phẩm, có những chương viết về những vị vang
danh trên chính trường cách mạng, những vị vô danh âm thầm
nằm xuống gởi máu đào xương trắng cho đất nước, những văn
nghệ sĩ tài hoa mà tên tuổi nay đã gắn bó với sinh mệnh văn
học nghệ thuật nước nhà. Ở mỗi nhân cách, tác giả miêu tả khác
nhau nhưng rất sống động như: Song An Hoàng Ngọc Phách, Tương
Phố, Tú Mỡ, Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Thạch Lam,
Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Huy Cận, Đinh Hùng,
Bàng Bá Lân, Vũ Hoàng Chương v.v... đó là những khuôn mặt văn
nghệ xuất chúng thời tiền chiến đã cùng tác giả kinh qua.
"Việt Nam, Một Thế Kỷ Qua" không những là một tác phẩm
giá trị về văn chương với lối hành văn tự thuật giản dị, đi thẳng
vào tim óc người đọc mà tập sách này, còn dung chứa những dữ kiện
sự thật của lịch sử. Có những sự thật đọc qua đôi lúc não lòng,
nhưng cũng là một hấp lực mạnh mẽ của tác phẩm, vì thói thường,
những người cầm bút khi viết hay nói về mình (hồi ký)-ít khi
dám tự phê phán mình, hay chỉ viết phớt qua mỗi khi có sự thất
bại chiếu cố. Nhà Văn Nguyễn Tường Bách là tấm gương sáng soi
sáng cho những người viết sau này tự vấn mình mỗi khi cầm bút.
Tập hồi ký tuy không phải là sử liệu, nhưng tác giả đã sử dụng
phương pháp biên niên rất nhiều bối cảnh, ghi chép cụ thể thời
gian không gian của từng giai đoạn, nhờ vậy, người đọc dễ dàng
hình dung ra ngay chân tướng của quá khứ qua những con người và
những tổ chức, bí mật hay công khai, hoạt động trong các phạm
trù văn học hay cách mạng, những khuôn mặt đấu tranh sống xuất
chúng trong một thời kỳ mà đất nước đau đớn chuyển mình mãnh
liệt mọi mặt qua các phong trào chống đối việc cai trị của thực
dân Pháp, qua làn sóng thu hút kết nạp vào các lực lượng vũ
trang cách mạng, chủ nghĩa sẵn sàng hy sinh vì nước vì dân
lưu danh muôn thuở, trào lưu cải cách văn nghệ, cải cách xã
hội mà cao trào là các bộ phận báo chí xung kích tiền phong
như báo Phong Hóa, Ngày Nay, Tự Lực Văn Đoàn, mục đích xóa
bỏ dần dần lối sống hủ lậu để tập cho người dân bước vào
ngưỡng cửa văn minh...
Trong buổi ra mắt tập hồi ký, ban tổ chức có mời một số
diễn giả trình bày một số quan niệm về tập sách và tác giả. Nhà
văn Võ Phiến, trong phần nói chuyện, ông nêu lên góc cạnh đặc biệt
của tác phẩm khi nói về ý nghĩa văn học của tác phẩm. Giáo sư


Trần Huy Bích đề cập đến ý nghĩa lịch sử trong các giai đoạn
mà tác giả Nguyễn Tường Bách như là một nhân chứng sống. Cả hai
bài của hai vị lão trượng trong văn học và giáo dục đã đóng góp
rất quan trọng về nhãn quan mới cho tập hồi ký.
Ông Trần Minh Công, một diễn giả được chú ý nhiều vì
tính chất trong bài nói chuyện của ông tựa như một bài tham
luận chính trị, phân tích những dữ kiện cực kỳ quan trọng của
từng thời điểm, từng biến cố lịch sử, mà những nhân vật và
những tổ chức cách mạng sống-hoạt động trong hoàn cảnh bấy
giờ đã trải qua. Cái nhìn của diễn giả đối với tập hồi ký
là cái nhìn của thế hệ đi sau, qua hồi ký, rất tỉnh táo, rút
tỉa được những bài học đáng ghi nhớ trong lịch sử cận đại.
Những bài học của quá khứ xẩy ra trong những bối cảnh khác
nhau đều là những bài học khách quan và là những diễn biến tất
yếu của lịch sử, không thể phủ nhận
hay thụ động nhìn nó với lăng kính chủ quan mà vì không tiên liệu
trước những hệ quả của diễn biến. Ông Công ca ngợi tác giả dám
mạnh dạn viết ra mọi dữ kiện khách quan, kể cả những ý nghĩ
kín đáo, dù có bị thiệt hại, nhưng nhờ vào tập hồi ký cần
phải có này, người thời nay mới nhìn về bức tranh quá khứ như
một sự thật của sự thật, nghiêm túc nhận ra những sai lầm
như chính tác giả đã nhận ra, để chuẩn bị cho diễn
biến của lịch sử hôm nay và mai sau. Diễn giả còn đối chiếu các
biến cố xưa và nay để đánh giá lại các xu hướng hoạt động của
các cộng đồng-tổ chức đấu tranh hải ngoại. Tuy nhiên, khi đưa
ra hàm số của những bài học đấu tranh rút từ những trang hồi
ký, đặc biệt những trang mô tả hoàn cảnh chính trị-chính trường-
chiến trường giai đoạn 1946, diễn giả Trần Minh Công có ý mở ra
tấm bản đồ thực tế chính trị đang diễn ra trong ngoài Việt Nam-Á
Châu-Thế Giới, để mọi người thấy mối liên quan giữa quá khứ và
hiện tại của lịch sử hay chỉ sự lập lại của lịch sử. Có điều,
trong suốt bài nói chuyện của diễn giả, cử tọa hiện diện vẫn
chưa được nghe một phương trình điều giải nào giải đáp cho những
ẩn số thời sự hôm nay.
Một số phát biểu đại diện cho giới trẻ ở hải ngoại như
ông Mai Thái Bằng đề nghị nên chuyển ngữ tác phẩm "Việt Nam, Một
Thế Kỷ Qua" sang Anh ngữ, vì Anh ngữ là ngôn ngữ quốc tế thông
dụng và là sách vở gần gũi nhất đối với học sinh sinh viên Việt Nam
đang theo học ở các học đường Hoa Kỳ; tập hồi ký khi được chuyển
ngữ chắc chắn sẽ tạo ảnh hưởng rất mạnh đối với học sinh người Việt
vì hầu hết người trẻ vẫn còn mù mờ về lịch sử cận đại Việt Nam.
Cô Lệ Hồng tự đặt ra câu hỏi tại sao cha ông, chú bác và
những thế hệ đi trước đã hy sinh cho đất nước một cách nhân bản
và trong sáng như vậy mà phải chịu nhiều thiệt thòi đối với cuộc
vận động của lịch sử, trước mắt là đối với những tư liệu còn quá
nhiều thiếu sót hoặc một chiều, Cô Lệ Hồng cho rằng, làm cách
mạng không chỉ dựa trên sự nhiệt thành hay lòng yêu nước, mà
cách mạng phải là một khoa học với những nguyên tắc chính xác
về lý luận cũng như về thực tiễn.
Sau cùng, nhà Văn-nhà Cách mạng Nguyễn Tường Bách đã lên
cảm tạ quí cử tọa thuộc nhiều thế hệ hiện diện trong buổi ra mắt
tập hồi ký "Việt Nam, Một Thế Kỷ Qua". Nhà Cách mạng lão thành
với những lời lẽ tâm huyết tự sự về cuộc đời mình, từ lúc trẻ đã
bôn ba đây đó, quốc nội đến hải ngoại, cho đến hôm nay vẫn sống
ly hương cách cả một đại dương. Cụ ao ước những thế hệ trẻ tiếp
nối, đọc hồi ký, nhìn ra những kinh nghiệm đau thương của đất
nước, đừng sa lầy vào sự thất bại của người quốc gia từ những
năm 1946, năm mà vận mệnh dân tộc đã quyết định; hãy tự vấn thân
tại sao cả một thế kỷ 20, dân tộc ta sống trong áp bức, nghèo
khó, lạc hậu, nay vẫn chưa tìm ra được hạnh phúc và tự do.

LÝ KIẾN TRÚC

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.