Hôm nay,  

Phần 1: Trung Cộng Lấn Chiếm Biển Đông - Tàu Trung Cộng Ngụy Trang Tàu Cá Thám Sát Hoàng Sa

02/03/200200:00:00(Xem: 4185)
Trong số báo thứ Bảy tuần trước, VB đã lược trình về kế hoạch phòng thủ đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc hệ thống quần đảo Hoàng Sa (danh xưng theo địa lý quốc tế là Paracels, có sách ghi là Paracel) của VNCH từ năm 1955 đến 1974. Như đã trình bày, sau khi tiến hành một loạt hoạt động gây hấn tại các đảo trong quần đảo Hoàng Sa, ngày 19/1/1974, Trung Cộng đã tập trung lực lượng chiếm đảo Hoàng Sa, một trong những đảo chính của quần đảo này. Trước khi mở cuộc tấn công chiếm đảo này, Trung Cộng đã cho nhiều tàu thám báo ngụy trang tàu đánh cá để dọ thám tình hình, đồng thời còn tung một số toán viễn thám giả dạng thương khách lên các đảo xin nghỉ ngơi để trinh sát hệ thống phòng thủ của đơn vị VNCH bảo vệ đảo. Sau đây là phần lược trình về một số sự kiện khác thường trên quần đảo Hoàng Sa trước ngày 19/1/1974. Phần này được biên soạn dựa theo tài liệu của sử gia Trần Thế Đức trình bày trong cuốn "đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa" do một nhóm giáo sư, sinh viên ngành Sử-Địa của Đại học Sư phạm Sài Gòn (VNCH) thực hiện vào năm 1974.

* Những khách lạ trên đảo

Vùng biên quanh đảo Hoàng Sa là nơi lui tới của nhiều tàu lạ. Người Việt vốn quý khách. Khách tới, đi ca nô hay xuồng nhỏ vào đảo là được tiếp đón niềm nở. Nhất là những lúc khách gặp cơn hoạn nạn (cần nước ngọt, gặp bão) lại cần phải sốt sắng cứu giúp. Chủ và khách đều vui vẻ. Khách chân thật, không có gì đáng e ngại, vì khách thường từ các tàu đánh cá tới, lại không có khí giới gì cả. (Sau vụ xung đột ở Hoàng Sa, các quân nhân VNCH phòng thủ đảo mới vỡ lẽ ra rằng các tàu đánh cá có thể là tàu Trung Cộng do thám ngụy trang, vì lúc giao tranh, trên đài chỉ huy của tàu Trung Cộng kéo ra hai cây đại liên, hai bên mạn tàu có những ô vuông có thể mở ra để họng súng lớn chĩa ra).

Quen với những kẻ lạ thường xuyên tới, các binh sĩ và nhân viên khí tượng trên đảo chẳng bận tâm đến họ. Họ có thể lên đảo nghỉ ngơi hoặc chạy nhảy cho khỏi chồn chân và tắm nước ngọt ở giếng. Họ có thể đem lưới và cá lên đảo phơi nữa, nhất là trên đảo Hữu Nhật (Cam Tuyền, Robert). Nghỉ ngơi xong, họ lại xuống tàu, nhổ neo đi. Khách không có gì nguy hiểm, nhưng đôi khi các binh sĩ phòng thủ đảo cũng thấy những triệu chứng khác thường: Năm 1960, một nhóm người Phi Luật Tân lên bờ, đem theo dụng cụ đo đạc, ngắm nghía. Anh em binh sĩ trên đảo xem xét. Họ có vẻ vội vàng, lăng xăng trên đảo, rồi lại xuống ca nô ra tàu. Một lần trước năm 1970, một nhóm người không rõ quốc tịch lên bờ, xin nghỉ ngơi. Họ nói tàu đánh cá của họ bị bão. Khách lạ thì các anh em binh sĩ trên đảo có từ chối đâu, nhưng với nhóm này, anh em binh sĩ đã chú ý vì họ đem theo một tấm giấy lớn mở ra thì mới biết là một tấm bản đồ của đồ. Một binh sĩ thấy một người trong nhóm khách cầm bản đồ ngược, liền kêu lên: "Cầm bản đồ ngược." Anh binh sĩ này ở trên đảo lâu ngày, hang hốc nào mà chẳng biết, nên thoáng nhìn cùng thấy dáng quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ là anh nhận ra ngay từng vị trí của các đảo. Người khách nọ giựt mình, quay bản đồ lại. Thế là anh binh sĩ biết ngay người khách này biết tiếng Việt. Nếu không hiểu tiếng Việt, người khách phải vụng về, đâu có quay ngay bản đồ, ngay sau khi nghe anh binh sĩ nói. Thế rồi cũng chẳng có gì xảy ra cho đến giữa tháng 1-1974.

* Hệ thống doanh trại tại Hoàng Sa trước giờ G

Hệ thống doanh trại đảo Hoàng Sa rất đơn giản, hai ngôi nhà lớn nhất trên đảo là đồn binh và nhà của Ty Khí tượng. Hai ngôi nhà này đều cùng ngó về hướng Bắc, nằm gần giữa đảo hơn là mé bờ biển phía Nam. Trước mặt đồn binh là sân bóng chuyền và cột cờ. Tại cột cờ này có một bia xi măng của Thủy quân Lục chiến VNCH. Trên cùng của bia là dấu hiệu binh chủng. Phía dưới có ghi Tiểu đoàn 1 Thủy quân Lục chiến, và bia có ghi ngày lập nữa, nhưng người trên đảo ít ai để ý đến chi tiết đó nên không nhớ rõ là bia lập ngày nào. Kế bên sân bóng chuyền nằm bên phải đồn binh là dãy nhà của binh sĩ. Trên nóc đồn binh, góc trông ra mé biển phía Nam là một tháp canh, một góc khác có đèn pha thế cho cây đèn pha đã gãy đổ. Nhà của Ty Khí tượng ở mé trái của đồn binh, cách đồn chừng 30 mét. Chếch về phía trái của nhà, là một dãy nhà phụ của Ty Khí tượng, gồm bốn gian: một nhà kho, kế bên là lò bánh mì (do Pháp xây để cung cấp bánh mì cho toán người Pháp tại đảo) kế đó là nhà chứa hơi hydro, gian còn lại là nhà bếp, còn tòa nhà chính rộng mênh mông dài 24 mét, ngang 4 mét, chỉ chứa có 4 người.

Như đã trình bày, từ 1955 đến 1974, sau nhiều lần thay đổi về thành phần và quân số bảo vệ đảo, cuối cùng lực lượng phòng thủ đảo chỉ còn 1 trung đội Địa phương quân gồm 31 quân nhân do 1 sĩ quan cấp bậc thiếu úy hoặc trung úy chỉ huy. Do thiếu phương tiện hoạt động, không có ca nô đi kiểm soát các đảo, nên coi như trung đội chỉ trấn đóng trên đảo Hoàng Sa mà thôi. Người mới ra đảo Hoàng Sa nhìn vào tình trạng quân sự đó thật lo ngại. Không có phương tiện kiểm soát các đảo khác nên không biết kẻ lạ làm những chuyện gì trên đó. Ban chỉ huy đảo lại không có phương tiện truyền tin như cờ, đèn hiệu để liên lạc với các tàu, nên muốn ra lệnh cho các tàu cũng không được. Một nhân chứng nói rằng: "Thời buổi này khó khăn, anh em binh sĩ đâu dám bắn bậy bắn bạ như người Pháp, phải có lệnh mới được nổ súng." Còn vị sĩ quan Địa phương quân cũng không rành về mặt biển, không biết các loại tàu. Một số người nói: "Lo thì lo, chứ có sao đâu. Từ trước tới giờ (đầu năm 1974) có chuyện gì xảy ra đâu."

* Những dấu hiệu bất thường

Ra đảo được hai tháng, nghĩa là còn một tháng nữa thì hết kỳ hạn đóng trên đảo, một vài anh em binh sĩ phòng thủ đảo nhận thấy các mỏm san hô ở phía Đông Bắc của đảo Hoàng Sa cũng trong nhóm đảo Nguyệt Thiềm có nhiều tàu xuất hiện, và neo tại đây. Anh em tưởng là tàu đánh cá như mọi khi. Thế nhưng có người cảm thấy chuyện không bình thường. Đồng thời có một tàu Trung Hoa ghé vào đảo, đổi thuốc hút lấy nước ngọt.

Giữa tháng 1/1974, còn nửa tháng nửa là có tàu ra rước trung đội phòng thủ đảo về, để cho trung đội khác ra thay thế, lúc 4-5 giờ chiều, anh em binh sĩ bỗng dưng thấy hai tàu đánh cá chạy khá nhanh, gần bờ. Nó xuất hiện từ hướng Tây Nam vòng lên phía Bắc rồi vòng ra phía Đông, lại gần cầu tàu, hình như muốn ghé vào. Lúc đó anh em mới nhận ra tàu sơn màu ô liu, màu của quân đội. Trong số những người trên đảo đã có những người đi biển, nên nhận thấy tàu này không phải là loại tàu thường, vì tàu đánh cá đâu có sơn màu ô liu. Tàu lại mang cờ đỏ, góc có mấy ngôi sao vàng nữa. Trung úy trưởng đồn chưa biết có triệu chứng bất thường. Anh em bèn nói với vị trung úy lấy cờ VNCH treo lên để cho tàu đó biết đảo này là của mình. Muốn đuổi nó đi thì đâu còn cách nào khác. Có lá cờ đẹp, phải cất kỹ, vì gió biển ào ào, nếu treo lên chỉ vài hôm là rách tan. Nhìn thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ bay trên đảo, hai tàu nọ bèn bỏ đi về phía Nam đảo Hữu Nhật, nấp đằng sau đảo đó. Còn về cờ treo trên hai tàu lạ, có người biết được lá cờ đỏ đó là cờ Trung Cộng, nhiều người không biết là cờ nước nào.

* Khói lửa trên quần đảo Hoàng Sa

Trước những hiện tượng vừa xảy ra, trung úy trưởng đồn báo cáo sự việc về đất liền. Vài anh em mở radio nghe nói Trung Cộng đang tính chuyện khiêu khích ở Hoàng Sa. Ai cũng tưởng chuyện xảy ra thường thôi. Sau đó, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 ra Hoàng Sa, thả xuống đảo gồm 7 người, gồm 1 thiếu tá thuộc bộ Tư lệnh Quân đoàn 1, 1 đại úy Hải quân, 1 trung úy Công binh chiến đấu, 2 binh sĩ và một người Mỹ. Sau đó chiến hạm này đi thám sát các đảo và mỏm đá ở phía Đông của nhóm Nguyệt Tiềm. Lúc ấy hai tàu của Trung Cộng còn ẩn ở phía sau đảo Hữu Nhật. Đuôi tàu nhô ra nên từ đảo Hoàng Sa còn nhận ra được. Vì đảo cao như đỉa xôi, nên không rõ Trung Cộng làm gì ở nơi phần đảo chỗ hai tàu nói trên đang đậu. Sau này các nhân chứng đổ bộ lên đảo này thì biết là Trung Cộng mới đem các vật liệu và các hài cốt từ các nơi khác lại xây bốn ngôi mộ. Anh em liền đào vứt xuống biển vì nhận thức rằng Trung Cộng đã vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt tiến về phía hai "tàu cá" đuổi các tàu này ra khỏi đảo. Hai tàu cá lì không chịu đi. Tàu VNCH và tàu địch tiến gần nhau đến nỗi trông thấy cả bàn ghế trên tàu địch. Lính Trung Cộng trên tàu cá chửi sang tàu của VNCH bằng tiếng Tàu. Sau cùng các tàu Trung Cộng đành rút đi, lui về phía các đảo nhỏ mà Trung Cộng mới chiếm. Sau đó, theo lời một số nhân chứng, hình như nhiều tàu Trung Cộng tiến xuống phía Nam các đảo nhỏ, tụ tập xung quanh các đảo Quang Hòa và Duy Mộng.

Phía VNCH, Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ4 tăng cường, thả một toán xuống đảo Hữu Nhật. Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ16 bốc toán 7 người của bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ở đảo Trường Sa lên, hình như định quay về để sửa tàu, vì đã tới kỳ hạn nằm ụ. Lúc đó, Tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ5 ra tăng cường thêm. Toán 7 người lại được chuyển sang Tuần dương hạm Trần Khánh Dư HQ5, sau đó HQ5 lại trả toán này về đảo Hoàng Sa. Tàu Trung Cộng gồm có tàu lớn đậu đàng xa, các "tàu cá" và nhiều loại tàu đổ bộ, chạy tới chạy lui vùng hai đảo Duy Mộng và Quang Hòa. Các tàu Việt Nam đều tiến về hai đảo này. (Kỳ sau: Trận hải chiến ngày 19-1-1974).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.