Hôm nay,  

Xăng Dầu Và Bầu Cử

03/09/200300:00:00(Xem: 5664)
Khi bơm xăng trong cơn sốt giá cả, nhiều người đã oán chính phủ và mong là nhà nước sẽ kiểm soát giá để các công ty dầu hỏa khỏi móc túi mình. Lầm to...
Hàng năm, giai đoạn hai tháng từ lễ Độc lập (mùng bốn tháng Bảy) đến lễ Lao động (ngày Thứ Hai đầu tiên của tháng Chín), là lúc mà người Mỹ tiêu thụ xăng dầu nhiều nhất và dự trữ dầu thô thường tuột đến mức thấp nhất. Đấy cũng là lúc giá xăng dầu dễ tăng. Năm nay, tình hình có đặc biệt hơn.
Trong những ngày qua, giá dầu thô sở dĩ gia tăng là vì ba yếu tố. Thứ nhất là vụ đánh bom một ống dẫn dầu tại Baiji của Iraq ngày 31 tháng Bảy, thứ nhì là vụ tấn công sứ quán Jordan tại Baghdad một tuần sau (mùng bảy tháng Tám) và sau cùng, có ảnh hưởng lâu dài hơn thì việc kho tồn trữ của các công ty dầu hỏa Mỹ có giảm, làm giảm số cung trên thị trường. Tuy nhiên, cả ba yếu tố này không thể gây ra cơn sốt xăng dầu. Ống dẫn dầu tại Baiji không phải là cửa khẩu xuất cảng và đã được lập tức thay thế, xứ Jordan hay Israel bị tấn công cũng không xuất cảng dầu. Theo lệ thường, tồn kho dầu thô tại Mỹ thường giảm vào mùa Hè khi dân chúng di chuyển nhiều, nhưng thực tế thì từ đầu tháng tám đã tăng từ 2,7 triệu thùng lên 2,9 triệu và còn tiếp tục.
Nhìn vào một tương lai xa hơn một vài tuần thì nhiều yếu tố khác đang gây tin tưởng là giá dầu thô sẽ hạ, nên giá xăng ở đầu vòi cũng vậy...
Trước hết, ngay tại Iraq, ngược lại với loại tin tức u ám của truyền thông, Chính quyền Lâm thời của Liên quân (Coalition Provisional Authority) đang củng cố được hệ thống khai thác và xuất cảng dầu, hiện đã nâng cao sản lượng mỗi ngày thêm được hơn 50% (700.000 thùng cho sản lượng trước đó là 1,2 triệu thùng một ngày). Đồng thời, chính quyền Lâm thời cũng tăng cường kiểm soát được việc buôn lậu dầu thô cho nên sản lượng dầu sẽ đủ cho nhu cầu tái thiết tại Iraq và còn dư cho việc xuất cảng.
Tại Venezuela, một nguồn cung cấp dầu thô đáng kể cho Hoa Kỳ, chính quyền của Tổng thống Hugo Chavez vẫn tự chui đầu vào khó khăn muôn mặt với chánh sách và nhân sự đã làm sản lượng kinh tế xứ này sụt mất một phần ba từ gần bốn năm nay và nguồn thu đáng kể nhất của chế độ là công quản dầu hỏa PDVSA thì vẫn tiếp tục suy sụp, hạ tầng khai thác thì mục nát lạc hậu nên sản lượng dầu thô trung bình mất 25% mỗi năm. Vì vậy, người ta không chờ đợi một phép lạ dầu hỏa tại Venezuela cho đến khi chế độ Chavez tự đào thải, trong một tương lai dài hạn hơn. Tại Nigeria, một nguồn dầu thô khác cho Hoa Kỳ, tình hình bất ổn vẫn còn tiếp tục, nhưng những thiếu hụt nếu có vì Venezuela hay Nigeria đã có thể được bù đắp bởi dầu hỏa từ Iraq. Chỉ nội yếu tố đó cũng khiến giá dầu sẽ nới trong những ngày tới.
Nhìn xa hơn viễn ảnh đó, người ta còn chú ý đến một số diễn biến khác. Liên bang Nga hiện đang bơm dầu tối đa, gần chín triệu thùng một ngày, Saudi Arabia cũng vậy. Trong khi đó, kinh tế Âu châu đang bị đình trệ nên số cầu về dầu thô tại đó sẽ không tăng. Tại Nhật, mùa Hè vừa qua khí hậu tương đối ôn hòa và Nhật tái khởi động một số nhà máy nguyên tử nên số cầu của xứ đó cũng không tăng. Thuần về cung cầu thì chỉ có Hoa Kỳ là nơi có mức dự trữ tương đối thấp nên có sức ép nhất thời trên giá cả, nhưng vì Hoa Kỳ đang nhập dầu đến mức kỷ lục nên giá xăng dầu vì vậy không thể ở mức quá cao như hiện nay.

Khi phân tách giá cả xăng dầu, người ta có thấy ra một hiện tượng tâm lý bất thường: các công ty mãi dịch thương phẩm bị ảnh hưởng của tin tức truyền thông toàn bất lợi từ Iraq nên đã dự đoán là giá dầu thô sẽ tăng. Vì vậy, trên thị trường hạn kỳ (mua bán với giá định trước), họ đều mua cao và giờ đây bắt đầu thấy hố, thấy lỗ, nên ngày mùng hai vừa qua đã phải bán khống, khiến giá dầu thô sụt 5% nội trong một ngày. Trong những ngày tới, họ càng bán để tránh lỗ thì giá sẽ càng hạ. Vì vậy, từ nay đến mùa Đông này, giá dầu sẽ hạ và giá xăng cũng vậy.
Trong khi tranh cử, khi thấy dân Cali hốt hoảng vì giá xăng tăng vọt, Phó Thống đốc Cruz Bustamante đã nói đến việc phải kiểm soát giá, nghĩa là ấn định giá bán tối đa. Đấy là một quyết định mị dân và sai lầm về kinh tế.

Mị dân vì theo truyền thống của cánh tả đảng Dân chủ, người ta luôn luôn quy lỗi cho các công ty dầu hỏa (“tài phiệt giàu hỏa” làm giàu bất chánh, là nguồn gốc của chiến tranh tại Trung Đông, v.v...) vì vậy, khi giá tăng, họ đổ lỗi cho các công ty này nâng giá kiếm lời. Dư luận mà không theo sát tình hình cung cầu từ gốc (từ tình hình sản xuất dầu thô và an ninh toàn cầu lẫn nhu cầu xăng dầu của các nền kinh tế lớn) thì dễ nghe theo luận điệu này. Thực tế thì các công ty xăng dầu Mỹ không kiếm lời nhiều và tỷ lệ doanh lợi của họ (khoảng 5,4%) còn thấp hơn trung bình của toàn thể khu vực chế biến là 6,4%. Thứ nhì, khi giải trừ ảnh hưởng của lạm phát giá xăng dầu ta trả ngày nay tương đối vẫn ở trong biên độ của 20 năm qua, và nếu có tăng chút đỉnh trong tháng qua sau khi sụt tới mức thấp nhất thì cũng vẫn còn thấp hơn giá xăng của đầu thập niên 80.
Trong khi đó, biện pháp kiểm soát giá cả do Bustamante đề nghị là một điều vi hiến: xăng dầu là sản phẩm buôn bán xuyên bang nên cơ chế có thẩm quyền nói đến việc kiểm soát giá cả là Quốc hội, không phải là chính quyền tiểu bang. Thứ nữa, như vụ khủng hoảng về điện xảy ra mấy năm trước cho thấy, kiểm soát giá cả tất nhiên dẫn tới khan hiếm, mọi sinh viên kinh tế năm thứ nhất đều có thể biết vậy dù chẳng cần thăm viếng các nền kinh tế bao cấp kiểu xã hội chủ nghĩa. Thứ ba, nếu có phải tìm hiểu vì sao xăng đắt, người ta còn thấy là xăng Cali có đắt thì cũng vì thuế quá cao, 50,8 xu một ga lông, thuộc loại cao nhất Hoa Kỳ.
Cruz Bustamante không có bài bản kinh tế nào khác hơn là lối quản lý bao cấp của Gray Davis và ông ta mà cầm quyền thì kinh tế California sẽ còn khốn đốn.
Nhìn xa hơn vấn đề này người ta còn thấy một nhược điểm văn hóa của California là cái gì cũng muốn mà không muốn trả giá. Vì muốn bảo vệ môi sinh, tiểu bang này có luật lệ khắt khe về năng lượng, về phẩm chất xăng dầu, về việc lập nhà máy lọc dầu hay điện năng (một nguyên nhân gây ra vụ khủng hoảng điện lực năm xưa) và thuế xăng rất cao. Khi giá xăng biến động vì lý do cung cầu thì các chính khách thiên tả lại có cơ hội kiếm phiếu bằng cách đổ lỗi cho tài phiệt dầu hỏa hay cho ai khác và trong khi nâng giá bằng thuế thì lại muốn chặn giá bán để gọi là “bảo vệ quyền lợi người tiêu thụ”, thực chất là để bảo vệ chế độ bao cấp của chính quyền.
Một trong những yếu tố căn bản giúp cho nền dân chủ được củng cố là người dân phải có hiểu biết cơ bản về kinh tế, hầu khỏi bị giới chính trị lường gạt mình bằng khẩu hiệu mị dân như vậy. Và nếu giá xăng có tăng trong nhất thời thì mình nên hạn chế tiêu thụ và đó là cái giá phải trả, như mọi chuyện khác ở trên đời, kể cả ở đất Cali thần tiên này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.