Hôm nay,  

Dân Thiểu Số Ở Mỹ Và Cuộc Chiến Iraq

30/08/200300:00:00(Xem: 4436)
PHOTO: Các diễn giả trên bàn hội luận, từ trái: Yousset Haddad (Ả Rập), Nguyễn Xuân Nghĩa (Việt Báo), Guzman Lopez (điều hợp viên của NPR), Larry Aubry (da đen) và Gabriel Lerner (Latino).

Nguyễn-Xuân Nghĩa
Cuộc chiến Iraq để lại nhiều ấn tượng bất ngờ và lý thú trong tâm tư các sắc dân thiểu số tại Mỹ, trong đó, cộng đồng người Việt là thành phần ủng hộ chiến tranh mạnh nhất.
Người viết được mời tham dự một buổi hội luận tại Los Angeles vào ngày 28 vừa rồi về "cuộc chiến Iraq dưới cái nhìn của truyền thông thiểu số tại Mỹ". Do New California Media (NMC) và Society of Professional Journalists (SPJ) đồng tổ chức dưới sự bảo trợ của the Arab American Press Guild (AAPG), một tổ chức quy tụ 14 cơ sở truyền thông báo chí của sắc dân Ả Rập tại Mỹ, buổi hội luận do ký giả Adlofo Guizman Lopez của đài KPCC 89.3 điều hợp với sự tham dự của bốn thuyết trình viên của bốn sắc tộc thiểu số. Đài KPCC này nằm trong hệ thống National Public Radio, có tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất về phát thanh tại Hoa Kỳ và lập trường thiên tả một cách ôn hòa, một đối xứng của BBC tại Mỹ.
Trong thành phần thuyết trình viên, về phía dân Latino có Gabriel Lerner của tờ báo tiếng Spanish lớn nhất tại Hoa Kỳ là nhật báo La Opinion. Về phía sắc dân Ả Rập, có Yousef Haddad, bỉnh bút chính trị và chủ tịch hội bảo trợ AAPG. Về phía sắc dân da đen, có Larry Aubry, cộng tác viên của tờ báo thâm niên nhất miền Tây, Los Angeles Sentinel. Về phía Á châu, có người viết bài này, được giới thiệu là bỉnh bút chính trị của nhật báo Việt Báo. Cử tọa tham dự trong hội trường có nhiều giáo sư về báo chí của Hoa Kỳ tại UCLA hay Cal State Fullerton, hầu hết còn lại là giới báo chí thiểu số.
*
Để chuẩn bị buổi hội luận, người viết đã tham khảo một kết quả khảo sát đầu tiên và rất đáng chú ý về quan điểm của ba cộng đồng thiểu số tại Hoa Kỳ đối với cuộc chiến Iraq. Cuộc khảo sát được ba tổ chức thực hiện vào tháng Năm (nghĩa là sau khi chiến sự chấm dứt) với trình độ tuyển lọc dân số mẫu khá cao nhằm phản ảnh cái nhìn của ba cộng đồng thiểu số. Ba tổ chức đó là NCM, Đại học USC (Phân khoa Truyền thông Báo chí) và The Chinese American Voter Education Committee. Ba cộng đồng được khảo sát là thiểu số gốc Á, gốc Latino và gốc Ả Rập. Chúng ta có thể tìm đọc tài liệu này trên Website của NCM: www.ncmonline.com.
Kết quả đáng làm mọi người chú ý, và được đặc biệt chú ý trong buổi hội luận, là trong các sắc dân thiểu số, người Mỹ gốc Việt là thành phần ủng hộ mạnh mẽ nhất chiến dịch Iraq và cách lãnh đạo cuộc chiến của George W. Bush. Đảng Cộng hòa và các giới chức chính quyền Hoa Kỳ hình như chưa nhìn ra điều này: cộng đồng người Việt ủng hộ mạnh hơn cả trung bình toàn quốc và vì vậy, hoàn toàn tách biệt khỏi các cộng đồng thiểu số khác. Chẳng những các cộng đồng này ủng hộ ít hơn mà một số còn kịch liệt chống chính quyền và chiến dịch Iraq vì những lý do rất lạ kỳ như cuộc hội luận cho thấy sau đó!
*
Hãy nói về kết quả khảo sát này trước đã.
Về đại lược, dân thiểu số ủng hộ cuộc chiến Iraq ít hơn dư luận toàn quốc một cách đáng kể và thiểu số di dân từ Trung Đông (gốc Ả Rập hoặc theo Hồi giáo) còn e sợ ảnh hưởng quốc tế bất lợi của cuộc chiến. Một số đông lo rằng chiến tranh sẽ dẫn tới bất ổn kinh tế, sự tăng cường kiểm soát của chính quyền và khủng bố sẽ thành phổ biến hơn. Đa số thành phần thiểu số được tham khảo ý kiến cho rằng uy tín quốc tế của Mỹ sẽ sa sút nếu không tìm ra loại võ khí tàn sát và cũng tin rằng chiến thắng chưa ở trong tầm tay.
Trên nét tương đồng đó, các sắc tộc thiểu số lại có quan điểm khá dị biệt đối với chính quyền Bush và dù ủng hộ hay không, đa số thấy là họ trở nên "ái quốc" hơn sau vụ khủng bố 9-11. Một đặc điểm khác là dù cảm thấy được tự do ngôn luận, đa số đều dè dặt không muốn phát biểu ý kiến về cuộc chiến và thiểu số gốc Latino theo dõi tin tức về chiến sự Iraq trên hệ thống truyền hình nói tiếng Spanish, thay vì trên truyền hình Mỹ.
Đó là về kết quả đại lược của cuộc khảo sát được thực hiện bằng 11 ngôn ngữ trên toàn quốc (đặc biệt tại các tiểu bang có đông di dân như California, Texas, New York, Florida và Illinois) với các sắc dân Trung Hoa, Ấn Độ, Hồi quốc (Pakistan), Cao Ly, Phi Luật Tân, Việt Nam, Iran (Hồi giáo nhưng không Ả Rập), theo Hồi giáo, và gốc Latino. Kết quả này được đối chiếu với cuộc khảo sát (hỗn hợp của hệ thống truyền hình ABC cùng Nhật báo Washington Post được công bố ngày 16 tháng Tư) và một cuộc khảo sát khác của tuần báo Newsweek về ý kiến của quảng đại quần chúng Mỹ, không kể đến nguồn gốc chủng tộc.
Điều bất ngờ của cuộc khảo sát là quan điểm của cộng đồng người Việt.
Trong khi 78% dân Mỹ hậu thuẫn việc Hoa Kỳ mở chiến dịch Iraq thì tỷ lệ ủng hộ của các sắc dân thiểu số lại thấp hơn rất nhiều: gốc Á 61%, gốc Latino 50% và gốc Trung Đông 44%. Trong thiểu số gốc Á, tỷ lệ ủng hộ mạnh nhất là của người Việt, 85%, so với 75% của người Phi, 58% của người Cao Ly và vỏn vẹn có 40% của người gốc Hoa (còn thấp hơn tỷ lệ của dân Trung Đông!)
Về ảnh hưởng của cuộc chiến Iraq đối với thế giới Hồi giáo và Ả Rập, dĩ nhiên là cộng đồng Trung Đông có cái nhìn bi quan nhất, chỉ 21% coi là sẽ có lợi so với 55% coi là hại. Cộng đồng gốc Á có vẻ lạc quan hơn, với tỷ lệ lợi/hại là 37 và 40%. Trong cộng đồng Á dân , quan điểm của người Việt ta tương phản hoàn toàn quan điểm của thiểu số gốc Hoa: 62% người mình cho là cuộc chiến Iraq sẽ cải thiện quan hệ của Mỹ với dân Hồi giáo và Ả Rập, 18% nghĩ ngược lại; cộng đồng Trung Hoa thì nghĩ khác, chỉ 19% cho là lợi và 60% cho là hại, một lần nữa, còn bi quan hơn dân Trung Đông!
Cũng về ảnh hưởng quốc tế của vụ Iraq, đa số (48%) dân Trung Đông cho là Mỹ sẽ khai chiến với Iran hoặc nội chiến sẽ bùng nổ tại Pakistan, dân Latino nghĩ ngược lại, còn Á dân có quan điểm bình hòa, với tỷ lệ 40-40%. Nhưng, nổi bật nhất trong cộng đồng Á dân là quan điểm của người Việt: chỉ có 28% cho là tình hình sẽ nguy kịch hơn, 55% không tin là Mỹ sẽ tấn công Iran hoặc nội chiến sẽ bùng nổ tại Pakistan.


Bước sang một lãnh vực then chốt của chính quyền Bush là hậu quả của vụ Iraq đối với nạn khủng bố, quan điểm của người Việt cũng đáng được chú ý. Trong khi 47% Á dân và 49% dân Latino cùng 35% dân Trung Đông cho là nhờ vụ Iraq mà nguy cơ khủng bố sẽ giảm thì có đến 74% người Việt nghĩ như vậy (nhiều hơn tỷ lệ 63% của dân Phi, 59% của dân Hoa, 53% dân Ấn và 44% dân Cao Ly).
Về một vấn đề gần gũi với quyền lợi thiết thực và có khi ích kỷ của từng cộng đồng là ảnh hưởng kinh tế thì cộng đồng Latino bi quan nhất, cộng đồng Á dân lạc quan nhất. Có 47% dân Latino rất lo (và 34% hơi lo) rằng chiến tranh sẽ phương hại đến kinh tế, hai tỷ lệ đó của Á dân là 15% (rất lo) và 38% (hơi lo). Theo cuộc khảo của tuần báo Newsweek, hai tỷ lệ trên là 29-29% cho toàn quốc Hoa Kỳ. Người Việt lạc quan hơn hẳn với 10% rất lo, 31% hơi lo, 41% không lo gì lắm và 17% hoàn toàn không e ngại là cuộc chiến Iraq sẽ làm kinh tế suy sụp. Nhìn từ góc độ hiện tại vào cuối tháng Tám, có lẽ người Việt có lý nhất khi kinh tế Mỹ vẫn lặng lẽ hồi phục, dù báo chí Mỹ cho thấy liên quân đang bị sa lầy tại Iraq và giá xăng đã tăng vọt từ bốn tuần qua!
Vấn đề gây tranh luận lớn nhất trong các sắc dân thiểu số là vì nạn khủng bố, liệu chính quyền Mỹ có thái độ đàn áp hoặc kỳ thị di dân chăng, người ta hiểu rằng thiểu số từ Trung Đông có e ngại (37%) so với tỷ lệ thấp hơn của thiểu số Á dân (15%) hay Latino (27%). Cũng trong lãnh vực này, người Việt hoàn toàn tự tin: 60% cho là nhờ khủng bố mà mình bớt sợ hành động đàn áp hay kỳ thị của cảnh sát và chính quyền Mỹ, chỉ có 3% là e rằng sẽ bị kiểm soát gắt gao hơn. Người Việt tin tưởng vào hệ thống an ninh trật tự Mỹ nhiều hơn mọi sắc dân thiểu số khác và cũng không sợ bị kỳ thị ngược đãi vì nạn kiểm soát ngăn ngừa khủng bố. Về sự ủng hộ cách lãnh đạo cuộc chiến Iraq của chính quyền Bush, toàn quốc Hoa Kỳ có tỷ lệ 74%, cao hơn tỷ lệ 64% của Á dân, 62% của dân Latino và 41% của dân Trung Đông, nhưng còn thua xa tỷ lệ 89% của người Việt!
*
Không thể đi sâu hơn vào chi tiết của cuộc khảo sát lý thú này, người viết xin tạm tổng kết một vài nhận xét của mình về lập trường nổi bật của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Dân Việt Nam có kinh nghiệm về chiến tranh, khủng bố và độc tài nên không mơ hồ gì về sự thể tại Iraq trong thế giới Hồi giáo và trong bối cảnh khủng bố toàn cầu. Vì vậy mới hậu thuẫn việc Hoa Kỳ tham chiến tại Iraq với một tỷ lệ còn cao hơn trung bình toàn quốc (85% so với 78%). Cũng vì có kinh nghiệm với khủng bố (hãy nghĩ đến những vụ đặt bom ngoài chợ hoặc pháo kích bừa bãi vào trường học thời xưa), người Việt tin rằng phải có biện pháp mạnh và cuộc chiến Iraq không gia tăng mà còn làm giảm nguy cơ khủng bố tại Mỹ. Cũng vậy, đa số đến 74% người Việt cho là mục tiêu chính của chiến dịch Iraq là để diệt từ khủng bố. Và thấu hiểu quy luật "ngưu tầm ngưu mã tầm mã", kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta, cộng đồng người Việt không thắc mắc nhiều về mối quan hệ của chế độ Saddam Hussein với khủng bố: những vụ khủng bố vừa xảy ra hàng loạt tại Trung Đông cho thấy sự cấu kết đó. Là nạn nhân của nỗ lực "xây dựng dân chủ" mà không thành tại Việt Nam, đa số người Việt được khảo sát cũng tin rằng nếu có cơ hội dân Iraq sẽ tìm ra con đường dân chủ của mình và việc Hoa Kỳ tham chiến là một điều có lợi cho việc đó.
Một điểm son trong cuộc khảo sát này là quan điểm của cộng đồng người Việt về hậu quả kinh tế, về quyền tự do ngôn luận và tinh thần ái quốc. Cộng đồng này suy nghĩ về khủng bố và chiến tranh không khác gì một thực thể đã hội nhập vào cộng đồng Hoa Kỳ nên ít thắc mắc về những lợi hại cho riêng mình. Đa số không sợ kinh tế bị suy trầm, đa số phát biểu lập trường của mình một cách tự do và đa số thấy mình gắn bó với dân chúng Mỹ hơn xưa, sau khi chứng khiến vụ khủng bố 9-11.
*
Trở lại cuộc hội luận ngày 28, căn cứ trên những trao đổi và thảo luận với các diễn giả và cử tọa, cảm giác chung của người viết là nhiều sắc dân thiểu số ưu tiên quan tâm đến quyền lợi cục bộ của họ hơn là sự an nguy của cả quốc gia. Họ không hội nhập vào dòng chính lưu như ta thường nghĩ dù có phương tiện dồi dào hơn cộng đồng người Việt. Thứ nhì, họ luôn luôn phàn nàn và chê trách chính quyền, thậm chí còn gán cho chính quyền những âm mưu đen tối (nhiều khi khôi hài) liên quan đến cuộc chiến Iraq. Thí dụ: binh lính Mỹ bị chết tại Iraq còn cao hơn số chính thức, đa số là dân sắc màu và cả di dân nhập lậu bị bắt lính và chỉ được gia nhập quốc tịch sau khi tử trận. Chúng ta hiểu sự xúc động của cộng đồng Hồi giáo gốc Trung Đông, nhưng sự xúc động đó dẫn tới những kết luận quá tiêu cực về một kịch bản hắc ám của "bọn da trắng" muốn hy sinh bọn da màu vì những âm mưu thống trị hoặc cướp đọat. Người ta cảm thấy như được nghe tuyên ngôn và khẩu hiệu chống Mỹ xuất phát từ Hà Nội năm xưa.
Được cái là họ tự do phát biểu, công kích, thậm chí chửi bới trên đài và trên báo và đa số vẫn cho rằng họ được quyền bày tỏ ý kiến! Khác với Hà Nội năm xưa và Hà Nội ngày nay là ở chỗ đó.
Sau cùng, trong nội dung cuộc hội luận, người ta chú ý đến việc truyền thông thiểu số thu thập tin tức, theo dõi tình hình và tường thuật sự việc ra sao cho quần chúng của mình. Đa số các cơ sở truyền thông gốc Trung Đông và cả cơ sở của nguời Mỹ da đen đều nghi ngờ truyền thông "Tây phương", nghĩa là Anh ngữ. Nhiều người cho là CNN (nói gì đến Fox News còn hữu khuynh hơn nhiều) hay mọi tờ báo lớn đều do chính quyền giật giây và nếu có thể thì chỉ nên tin vào hệ thống Ả Rập al-Jazeera có cơ sở tại Trung Đông. Truyền thông Việt Nam thì hơi khác. "Góp lại tự bốn phương" và "tung ra khắp bốn phương" qua báo truyền thông ấn loát và điện tử (Internet), các cơ sở truyền thông của Việt Nam không chỉ quan tâm đến việc thông tin cho độc giả của mình ở địa phương mà còn cố gắng trình bày quan điểm đa diện của người Việt khắp nơi cho nguời Việt ở khắp nơi, kể cả ở trong nước, nhất là ở trong nước. Vì vậy, cuộc chiến Iraq được chúng ta trình bày tương đối khách quan và bao quát hơn lối nhìn một chiều của một số cơ sở truyền thông thiểu số tại Mỹ, rất đồng dạng với Hà Nội trong lý luận chống Mỹ.
Xã hội đa nguyên này quả thật đáng yêu!
NGUYỄN XUÂN NGHĨA

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.