Hôm nay,  

Việt Nam: Công Lý Chiều Nào?

30/05/200300:00:00(Xem: 4518)
Luật cho phép - Điều tra không cho làm gì nhau !
Hoa Thịnh Đốn.- Vụ án Năm Cam, với 155 bị cáo và sau 54 ngày xét xử, sẽ tuyên án vào ngày 4-6-2003. Nhưng mặt trái của nền công lý Xã hội Chủ nghĩa đã bị phơi ra giữa chợ với những lời khai bị ép cung, thông cung, không có bằng chứng và chủ trương lấy thịt đè người của công tố.
Lời khai chi tiết về ép cung nổi bật nhất đã do bị cáo Hoàng Linh, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ nói trước tòa ngày 14-5-2003:"Những lời khai của tôi đều phải chịu áp lực bởi nhục hình và đe dọa dùng nhục hình của các điều tra viên. Họ bắt tôi khi ra tòa phải khai một số chi tiết để khớp với lời của Năm Cam, tạo điều kiện cho công an buộc tội các quan chức như Bùi Quốc Huy (cựu Thứ trưởng Bộ Công an) , Nguyễn Mạnh Trung, Dương Minh Ngọc, Võ Quang Thắng (các cựu Sỹ quan Cảnh sát)."
Linh nói:"Cáo trạng và kết luận điều tra củ yếu dựa vào 4 văn bản gồm:bản tự khai, bản cung, bản cam kết và thư cảm ơn. Bản tự khai của tôi phải khai theo chỉ dẫn của các điều tra viên, nếu khai không đúng theo ý của họ, họ đều xé bỏ, bắt khai lại. Bản cung cũng vậy, và đều bị hỏi vào lúc 12h đêm, nhưng khi ký vào biên bản, công an đều ghi hỏi lúc 8h giờ sáng. Các điều tra viên còn ép tôi phải viết bản cam kết là lời khai của tôi khng hải do bị ép cung, hù họa. Sau đó còn ép tôi viết thư cảm ơn đến các cơ quan tiến hành tố tụng".
Hoàng Linh còn kể ra những lời đe dọa của điều tra viên:" Trong phòng hỏi cung, một cán bộ điều tra nói với tôi : ông từng viết bài bênh vực cho con nhỏ bán vé số và đánh công an Tiền Giang. Nay ông đã lọt vào tay chúng tôi, nếu không khai đúng ý, chúng tôi sẽ treo ông lên. Anh ta diễn tả việc treo lên rất ghê rợn và nói lại đến 6 - 7 lần, tôi không thể tả nổi tại đây." (Tin của VNEXPRESS, Tin nhanh Việt Nam)
Hoàng Linh bị cáo nhận 50 triệu đồng và 8 chỉ vàng của Năm Cam để không viết bài tố cáo tổ chức tội ác của băng đảng của "ông Trùm" , nhưng Linh đã phủ nhận khi ra trước tóa án. Linh nói:"Tại tòa tôi phải khai như vậy vì có một điều tra viên đã bắt ép tôi phải khai khớp với lời khai của Năm Cam về Nguyễn Mạnh Trung, Dương Minh Ngọc, Bùi Quốc Huy và Nguyễn Quang Thắng. Các lời khai khác của tôi về các quan chức đó đều do áp đặt và bị ép cung."
NHỮNG LỜI NÓI SAU CÙNG
Hầu hết các bị cáo quan trọng, đứng đầu là Năm Cam, đã phủ nhận những cáo buộc của viện kiểm sát. Năm Cam và Luật sư biện hộ Nguyễn Đăng Trừng đều cho rằng bị cáo không hề nhúng tay vào vụ án giết Dung Hà, nữ quái giang hồ đất Hải Phòng vào Sài Gòn làm ăn.
Tuy nhiên Năm Cam, theo VNEXPRESS, đã xin lỗi về những việc làm của mình gây ra cho nhiều gia đình và xã hội. Nam Cam lời cuối trước tòa:" Bị cáo chỉ xin HĐXX (Hội đồng xét xử) xem xét cho hoàn cảnh gia đình và bệnh tình của vợ để Phan Thị Trúc được hưởng mức án nhẹ, sớm trở về gia đình để trị bệnh."
Năm Cam đã bị Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị án tử hình với 7 tội danh, nặng nhất là tội chủ mưu giết Dung Hà. Cùng bị đề nghị tử hình còn có những tay giang hồ giết người được nói làm việc theo lệnh Năm Cam gồm Nguyễn Việt Hưng (Hưng Pi nhon), Nguyễn Hữu Thịnh, Phạm Văn Minh (Minh bu), Hồ Thanh Tùng và Châu Phát Lai Em.
Nhưng dư luận quần chúng đã không chú ý nhiều đến Năm Cam bằng ba viên chức cao cấp của Đảng và Nhà nước bị cáo buộc liên hệ với vụ án gồm Trần Mai Hạnh, cựu Ủy viên Trung ương Đảng; Bùi Quốc Huy cựu Thứ trưởng Bộ Công an và Phạm Sỹ Chiến, cựu Phó Viện trưởng Viện kiềm sát Nhân dân tối cao.
Trần Mai Hạnh bị đề nghị án tù từ 13 đến 15 năm với tội nhận hối lộ đã bác bỏ tất cả cáo buộc của Viện kiểm sát trong lời phát biểu cuối trong phiên tòa ngày 24-5-2003. Khác với các bị can, Hạnh chỉ xưng "tôi" với Tòa thay vì "bị cáo" trong suốt cuộc xử. Hạnh nói :"Ngay từ đầu tôi đã trình bày và khẳng định với tổ chức và các cơ quan có trách nhiệm là tôi không có tội."
Hạnh cũng trách cơ quan điều tra đã kết luận mình có liên hệ với băng đảng Năm Cam, mặc dù không có bằng chứng nào chứng minh được những liên hệ.
Bào chữa cho Hạnh, Luật sư Đặng Văn Luân đã đưa ra bằng chứng cáo buộc cơ quan điều tra đã cho "thông cung" giữa con rể Năm Cam, Dương Ngọc Hiệp và Trần Văn Thuyết (người môi giới đưa hối lộ cho Hạnh) để hại Trần Mai Hạnh.

Cơ quan điều tra đã gửi công văn tố cáo Luật sư Luân "vu cáo" và "bôi nhọ" trong khi bào chữa cho Hạnh. Nhưng trong phiên tòa ngày 22-5-2003, Luật sư Luân đã tố ngược lại Nhà nước:" Đến giờ phút này tôi vẫn bảo lưu toàn bộ ý kiến trong bài bào chữa của mình. Tôi không hề vu khống, không xúc phạm điều tra viên, không bôi nhọ cơ quan điều tra mà chỉ làm theo phận sự.....Tại sao bảo tôi là vu khống cơ quan điều tra, bôi nhọ cơ quan tố tụng " Với tư cách là người tham gia tố tụng, tôi và quý Viện (Viện kiểm sát nhân dân) đều bình đẳng. Việc cơ quan điều tra gửi kiến nghị đăng trên báo đài để làm cho dư luận hiểu rằng đang gây sức ép cho tôi, đang ép buộc các luật sư tại phiên tòa này..." (VNEXPRESS, 22-5-03)
Phạm Sỹ Chiến, người bị đề nghị mức án tù từ 5 đến 7 năm, phát biểu:"Theo suy nghĩ của bị cáo thì bị cáo thấy rằng là bị cáo không phạm tội nhận hối lộ..."
Và Bùi Quốc Huy, nhân viên Chính phủ cao cấp nhất bị đề nghị án từ 3 đến 5 năm tù vì "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" nói lời sau cùng trong phiên xử ngày 24-5-03:"Cám ơn HĐXX, đại diện Viện kiểm sát đã quan tâm đến bài bào chữa của luật sư (Ngô Ngọc Thủy) và trình bày của bị cáo tại phiên tòa. Bị cáo chỉ tin và mong rằng sự công minh của HĐXX đối với trường hợp của bị cáo."
AI NÓI ĐÚNG "
Những cáo buộc và phản cung trong vụ án Năm Cam đã tiết lộ một điều làm cho nội vụ đã mập mờ càng mù mịt thêm. Đó là quyền "tham dự từ đầu, theo luật định, của Luật sư biện hộ đã không được cơ quan điều tra tôn trọng."
Theo điều 36 của Luật Tố tụng Hình sự thì luật sư biện hộ có quyền tham gia tố tụng ngay từ khi khởi tố bị can, trừ những trường hợp cần phái giữ bí mật đối với tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Đăng Trừng -người biện hộ cho Năm Cam - thì "từ trước đến nay Cơ quan Điều tra thường không tạo điều kiện cho luật sư thực hiện quyền này." Luật sư Trừng nói:"Tại Cơ quan Điều tra, không có luật sư, giữa 4 bức tường có mỗi điều tra viên và bị can, điều tra viên rất dễ chủ quan và thậm chí còn tiêu cực, làm sai lệch hồ sơ vụ án." (Báo Sài Gòn Giải Phóng, 18-8-2001)
Luật sư Trần Công Ly Tao cũng nói với báo SGGP:"Cơ quan điều tra không từ chối thẳng, nhưng lần nào luật sư xin được dự hỏi cung thì họ cũng có lý do để từ chối và hẹn lần sau. Lần sau, luật sư liên hệ thì tiếp tục bị từ chối và hẹn lần sau nữa, cứ như thế làm luật sư nản lòng và bỏ cuộc.."
Trong phiên tòa xử vụ Năm Cam hầu như không bị cáo nào không phủ nhận những cáo buộc của Viện kiểm sát, nhưng không ai là nhân chứng nên luật sư cũng đành bó tay để mặc cho tóa muốn xử sao thì xử. Thậm chí bên công tố cũng chả thèm bình luận gì về những lời yêu cầu giảm án hay tố cáo nhân viên điều tra làm sai luật của các luật sư biện hộ.
Mở lại chồng báo cũ, người đọc sẽ tìm thấy phát biểu của Luật sư Trần Vũ Hải, Giám đốc công ty luật Hà Nội nói rằng:" Hiện nay, tình trạng các bị cáo, bị can tố cáo các co quan điều tra vi phạm pháp luật, bức cung, thậm chí dùng nhục hình khíay cung không phải là không phổ biến. Tuy nhiên, hầu hết những lời tố cáo này đều không được xem xét vì không có chứng cứ."
Ông Hải cũng nói mặc dù đã có luật nói rõ quyền hạn của luật sư biện hộ, nhưng "trên thục tế, luật sư hàu như không được các cơ quan tố tụng tạo điều kiện để thực hiện quyền của mình..." (báo Lao Động, 3-9-2001)
Nguyễn Đình Lộc, cựu Bộ trưởng Bộ Tư Pháp cũng phê bình:"Đây đúng là vấn đề bức xúc không chỉ của giới luật sư mà của cả nhân dân. Các cơ quan tư pháp, Quốc hội cũng rất quan tâm. Luật sư có quyền luật định (quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Điều tra hình sự) là tham gia tố tụng từ đầu, nhưng lại bị chốt lại:Phải được sự đồng ý của thủ chưởng cơ quan điều tra..." (tài liệu báo, 17-8-200)
Ông Lộc cũng phê bình việc cơ quan điều ta đề nghị truy tố luật sư Đặng Văn Luân (bào chữa cho Trần Mai Hạnh). Ông nói khéo:"Đó là vấn đề phải nghien cứu đểû xem tính pháp lý như thế nào. Hiện nay chúng ta chưa có quy định, cũng chưa có tiền lệ. Trong trường hợp trên, cơ quan điều tra nên bình tĩnh hơn." (Lao Động, 26-5-2003)
Đó là những bi hài kịch của nền công lý của một Nhà nước được mệnh danh có pháp quyền ở Việt Nam bây giờ. Diễn biến trong suốt quá trình của 54 ngày xét xử vụ án Năm Cam cho thấy nền công lý ấy chỉ đi một chiều theo ý muốn của những người có quyền. Tính công bằng của pháp luật đã bị cơ quan điều tra và Viện Giám sát Nhân dân tối cao giành riêng cho mình.
Và luật sư bào chữa thì bị đe dọa truy tố như trường hợp ông Đặng Văn Luân khi ông ta không về hùa nói theo ý của cơ quan buộc tội. Hay là ông Luân đã không biết "đi đêm" để chạy tội cho Trần Mai Hạnh nên mới ra nông nỗi ấy "-/-
Phạm Trần (5-2003)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.