Hôm nay,  

Chi Tiết Vụ Công An Gây Rối Tang Lễ Cố Ht Đức Nhuận

13/02/200200:00:00(Xem: 4030)
SAIGON - Công an đã bám sát, gây rối, cản trở tang lễ cố Hòa Thượng Đức Nhuận ra sao" Dưới đây là bản tin từ quốc nội gửi ra như sau.
CHÙA LONG AN
Triệu Thượng- Triệu Phong
- Quảng Trị -
ĐT:053.828257
TƯỜNG THUẬT
PHÁI ĐOÀN CHƯ TĂNG VÀ PHẬT TỬ HUẾ, QUẢNG NAM, QUẢNG TRỊ ĐI DỰ TANG LỄ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC NHUẬN, CỐ VẤN BAN CHỈ ĐẠO VIỆN HÓA ĐẠO GHPGVNTN
Trời vào tiết Đại hàn, mưa phùn và rét đậm, tôi đang lục tìm thêm chiếc áo lạnh thì chuông điện thoại reo, lúc bấy giờ là 20giờ ngày 09/12 Tân Tỵ (21/01/02), tôi được Thượng Tọa Thái Hòa điện báo cho biết Hòa Thượng Đức Nhuận đã viên tịch lúc 17 giờ chiều này rồi. Tôi bàng hoàng sửng sốt hỏi lại: Ôi, cái gì lạ vậy" Vì sao rứa" Ông đau bệnh gì sao chẳng nghe nói"
Thượng tọa Thái Hòa nói: Nghe nói ‘Ông đau bụng gì đó, đưa đến bệnh viện một lát là yếu dần và tịch.’
Đến một lát sau thì Thượng Tọa Nguyên Lý từ Sài Gòn gọi ra cho tôi để báo hung tin ấy. Tôi thưa lại là tôi vừa mới nhận được tin, và hỏi bao giờ nhập quan" Bao giờ nhập tháp.
Thượng tọa nói: 10 giờ ngày mai (tức 10/12ÂL) là lễ nhập quan và sẽ hỏa táng chưa biết rõ ngày nào. Nhưng nghe nói là đám chỉ được để có ba ngày thôi.
Tiếp đến là Thượng Tọa Thanh Huyền gọi ra cho tôi cũng để báo tin quan trọng đó. Tôi hỏi lại: Vì sao Ông tịch rứa thầy ơi"
Thượng tọa Thanh Huyền có vẻ đang bận rộn, nói: Thôi, chừ nói thì nói dài dòng lắm. Nhờ thầy báo lại với quý thầy nghe.
Tôi tranh thủ hỏi tiếp: Dạ đám để ở Giác Minh" Thầy nói: Chùa Giác Minh. -Dạ ngày nào đưa Ông đi hỏa táng" Thấy nói: Ngày 12, ngày 12 nhưng tôi chưa biết rõ là mấy giờ.
Đêm đó tôi không sao ngủ được. Cứ đi nằm rồi lại dậy bật điện, ngồi một mình mà nghĩ bao nhiêu chuyện bâng khuâng. Phần thương nhớ, kính tiếc một bậc Danh Tăng suốt đời hy sinh một cách trọn vẹn cho Dân Tộc-Đạo Pháp. Một con người cao cả, đã đem hết tinh anh và nghị lực để trang trải cho đạo cho đời…! Phần thì cái nguyên nhân Hòa Thượng ra đi quá vội, lại sao nghe nó có vẻ úp úp mở mở, càng làm cho tôi thêm bức xúc băn khoăn. Tôi chạnh nghĩ đến tiền đồ của Đạo Pháp rồi sẽ ra sao, khi mà các bậc đống lương cứ dần dần khuất bóng, biết lấy ai chống đỡ cho ngôi nhà Giáo Hội giữa lúc lâm nguy. Tôi buồn rầu lẫm nhẫm câu nói của người xưa: "Nhân tài như sao buổi sớm, anh hùng như lá mùa thu"!
Đến 3giờ30 khuya 10/12ÂL, tôi gọi điện cho Hòa Thượng Thiện Hạnh để bạch với Ngài: Con kính thỉnh Ông nên bàn với quý Ông, quý thầy ở Huế, nên lập một phái đoàn, phái đoàn cho sự thể để vào dự tang lễ, và phải đi gấp chứ không kịp. Ngoài này con đang chuẩn bị để đi đây.
Hòa Thượng dạy tôi: Tôi định sáng sớm sẽ gặp quý thầy để bàn.
-Tôi lại gọi cho thầy Thái Hòa cũng để thưa lại ý kiến của tôi đã đề xuất và còn dặn thêm: Nếu Huế đi thì thầy gọi ra con để vào cùng đi, còn không thì ngoài này con đi một mình, phải đi ngay chứ chậm thì không kịp, vì sáng 12 là đám sẽ đưa rồi.
Thầy Thái Hòa ngạc nhiên, hỏi lại: 12 đã đưa rồi à" Tôi nói: Dạ 12, chắc chắn là sáng 12, Thượng Tọa Thanh Huyền, Thượng Tọa Nguyên Lý đều nói như vậy và con đã hỏi lại bên môn phái Vĩnh Nghiêm chắc chắn tin ấy là đúng.
Đúng như hẹn, 6 giờ sáng, Thượng Tọa Thái Hòa gọi ra mời tôi vào Huế để đi, tôi đã chuẩn bị xong cả, cầm xách đi ngay. Đến Huế, tôi được biết quý thầy đã hợp đồng một chiếc xe du lịch 45 chỗ ngồi. Có Hòa Thượng Như Đạt, Thượng Tọa Lưu Thanh, Thượng Tọa Thái Hòa, Thượng Tọa Huệ Thông cùng quý Học tăng ở Từ Hiếu và các anh trong Ban Hướng Dẫn GĐPT Thừa Thiên cùng một số đạo hữu khác. Hòa Thượng Thiện Hạnh và Thượng Tọa Phước Viên đi xe không được (vì say xăng) nên phải đi tàu lửa trước đó rồi. Đoàn chúng tôi khởi hành lúc 13 giờ 10/12ÂL, đến tối mới tới Thị xã Tam Kỳ, ghé chùa Hòa An ăn tối xong, có thêm Thượng Tọa Thiện Tường và vài đạo hữu cùng đi. Đường thì quá xấu, xe thì quá to, ngoài hai lý do ấy, không biết có lý do gì nữa không mà xe chạy chậm, rất chậm; khiến cho mọi người ai cũng đều sốt ruột, nên Thượng Tọa Lưu Thanh phải phàn nàn với anh lái xe mãi, Thượng tọa Thái Hòa lại can bớt.
Trong khi đó thì điện thoại di động của anh lái xe thỉnh thoảng lại reo, người ta nói gì không biết, chỉ nghe tiếng anh trả lời là xe đã đến chỗ nào rồi; chẳng hạn như là: Đã qua khỏi cây xăng Xuân Lộc rồi anh ơi!…
Cuối cùng rồi xe cũng vào đến thành phố, đến chùa Già Lam (đúng ra phải gọi là Quảng Hương Già Lam) lúc 20 giờ ngày 11/12ÂL. Hòa Thượng Thiện Hạnh, Thượng Tọa Phước Viên cũng nóng ruột đợi chờ. Chúng tôi chỉ dừng ngoài cổng chùa cho hai Ngài ra cùng lên xe để đi phúng điếu cho kịp chứ chẳng vào chùa rửa ráy, nói gì ăn uống. Bốn mươi phút sau thì chúng tôi đến được chùa Giác Minh. Cảm giác đầu tiên của tôi là thấy một không khí u buồn, lặng lẽ. Cái lặng lẽ có vẻ nặng nề chứ không rộn rịp như các đám tang khác. Ra đón chúng tôi là Hòa Thượng Đức Nghiệp, rồi đến Thượng Tọa Tuệ Sỹ.
Kim quan của cố Hòa Thượng được quàng trang nghiêm nơi tầng trệt của chùa Giác Minh. Ngài đang lặng lẽ nằm giữa một rừng hoa. Ôi, hoa rất tươi và đẹp. Hoa nhiều hơn gấp mấy lần nghi trướng như các đám tang của quý Ông. Thấy tôi có nhận xét như vậy, có một thầy trẻ đứng đó giải thích nhỏ với tôi: Đây là chỉ treo một số thôi, còn bức nào có ghi lên mấy chữ GHPGVNTN thì đã bị gỡ bỏ chứ không được treo. Tôi hỏi: Ai gỡ" -Thì tụi con gỡ chứ ai! -Tại sao quý thầy lại gỡ" -Mình ở trong chùa, ổng sai thì phải làm chứ không thì sẽ bị đuổi, đâu có cho ở. Tôi ngậm ngùi im lặng.
Sau đó tôi được biết thêm là bức trước của Viện Hóa Đạo do Hòa Thượng Viện Trưởng từ trong phòng bị quản thúc ở Thanh Minh nhắn ra bảo Thượng Tọa Tuệ Sỹ đại diện Viện Hóa Đạo cùng với quý Thượng Tọa Không Tánh, Thanh Huyền, Quảng Huệ… đi viếng cũng không được treo. Và sáng hôm sau, để ý xem, tôi cũng không thấy bức trướng: "Tượng vương hồi xứ lạc hoa hồng" của phái đoàn chúng tôi.
Nói về việc đi lễ viếng, tôi rất vui mừng khi nghe trên loa phát thanh, người xướng ngôn kính mời phái đoàn chư Tăng, Phật tử Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Quảng Nam vào dâng lễ viếng. Máy nói rất to, nhưng đến khi Hòa Thượng Thiện Hạnh đại diện phái đoàn quỳ tác bạch: Ngưỡng bạch giác linh cố đại lão Hòa Thượng nguyên Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống, đương kim Cố vấn Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, thì hệ thống âm thanh điện bị cắt mất, làm cho nhiều người hết sức bất bình. Tôi để ý nhìn qua, thì thấy có một người thanh niên mang kính trắng, áo trắng bỏ vào quần tử tế đứng bên cạnh thầy xướng ngôn, thỉnh thoảng họ quay lại trao đổi với nhau. Cũng những người ở đây cho biết, người thanh niên đứng đó là công an vào đứng phía sau để điều khiển. Và từ ngày qua đến giờ, tình trạng này vẫn thường xảy ra như vậy. Phái đoàn chúng tôi xướng lễ xong thì thấy có phái đoàn của Thượng Tọa Hạnh Hải-chùa Viên Thông - quận 11 vào phúng điếu. Tôi nghe máy phát thanh lại loa to, vì Thượng Tọa không nói gì đến Giáo Hội Thống Nhất cả. Nhưng khi nói đến đoạn: "…Lúc sinh thời, Hòa Thượng đã từng dạy chúng con, Từ bi không có nghĩa là luồn cúi, và Nhẫn nhục không có nghĩa là đầu hàng,…" thì máy cũng bị cắt ngay. Tôi trình bày dài dòng như vậy để cho mọi người chúng ta thấy rõ rằng, hiện tại trên đất nước Việt Nam, dù chỉ là cái việc đám tang thôi, nhưng nó cũng đã thể hiện rõ nhiều thứ tự do của con người bị cắt xén, bị bóp méo, bị ngăn chặn một cách rất thô thiển. Chỉ trừ những thứ tự do toa rập, tự do xu nịnh những kẻ có chức có quyền, là được đảm bảo và phát triển.
Tối hôm đó, chúng tôi về đến chùa Già Lam lúc 20giờ30, tắm rửa, ăn uống qua loa rồi đi nghỉ.
Còn một điều nữa chắc mọi người đều đã biết, nhưng tôi cũng xin ghi lại nơi đây cho tường tận, đó là theo truyền thống của Phật giáo Việt Nam, mỗi một ngôi Tổ đình có các vị Tôn túc niên trưởng, thì nơi ở của Ngài gọi là Phương trượng, bậc Tôn đức ấy thường được gọi bằng nhiều danh xưng như: Trụ trì, Hòa thượng, Đường thượng… khi vị Tôn đức nào "xả báo an tường" thì phải để Ngài an nhiên nghỉ tại Phương trượng, có trầm, có hoa thơm ngát, có đệ tử đứng quanh hầu cận để chư Tăng và Phật tử đến bái viếng cho đến lúc nhập quan, thường thời gian này là 24 tiếng đồng hồ. Sau đó nơi này cũng phải được chăm sóc, giữ gìn nguyên trạng như lúc Ngài còn sống, gọi là "kỉnh như tại" ít nhất là phải vài ba năm.
Cố Hòa Thượng Đức Nhuận là sáng lập viên chùa Giác Minh, nơi đây là trụ sở của Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt mà Ngài là Trị Sự Trưởng. Sau đó Ngài đã chính thức là Trụ trì cho đến lúc bị bắt tù. Ngài đã sống và làm việc dưới mái chùa Giác Minh gần ngót nửa thế kỷ, căn phòng của Ngài ở phía sau chánh điện đã trở thành quen thân, nếu không muốn nói là thiêng liêng đối với Tăng ni Phật tử Việt Nam. Khi vào phúng viếng xong, tôi đã không quên rủ Thượng Tọa Thái Hòa đến nơi đây để viếng lại. Chúng tôi thấy cửa phòng đóng lại, điện trong phòng thắp sáng, nhìn qua cửa sổ thấy rõ cái bàn Ngài thường ngồi làm việc với những chồng sách còn kia, chiếc ghế, bộ ấm trà, cái điện thoại và thiền sàng của Ngài… Ôi, tất cả đều im lìm trống lạnh! Hai chúng tôi đảnh lễ vọng vào mà lòng đầy xúc động, xót xa. Càng xót xa hơn khi nghe nói rằng chiều 9/12al, khi Ngài mệt, các đệ tử thân tín đã hầu Ngài vào bệnh viện, đến nơi thì Ngài đã yếu dần. Khi ấy Thượng Tọa Tuệ Sỹ được tin cũng vừa mới đến bệnh viện, nhưng chỉ một lát sau, Hòa Thượng đã nhẹ nhàng xả báo ra đi…! Thượng Tọa Tuệ Sỹ cùng quý thầy hầu Ngài về lại chùa Giác Minh, định đưa Ngài vào nghỉ ở Phương trượng như cũ, nhưng Hòa Thượng Đức Nghiệp đã chặn lại, bảo để nơi phòng khách của chùa ở tầng trệt, vì phòng ấy, công an đã ra lệnh niêm rồi. Ôi, công an ở đâu mà nhanh thế! Hòa Thượng mới rời chùa có mấy tiếng đồng hồ mà công an đã biết Ngài đi viện, đã …. chết và đã đến ra lệnh niêm phòng. Nghe nói Thượng Tọa Tuệ Sỹ có gặp riêng với Hòa Thượng Đức Nghiệp để can thiệp việc ấy nhưng cũng bị từ chối. Rồi nguyện vọng của môn đồ đệ tử cùng thế quyến của cố Hòa Thượng cùng đứng đơn gởi Chính quyền, gởi Hòa Thượng Đức Nghiệp xin cho thầy mình được địa táng chứ đừng hỏa táng; việc đất đai, nơi chốn họ xin chịu cả, nhưng cũng bị từ chối. Vì sao thế nhỉ" Có lẽ nào lòng thù hận của con người sâu dày đến nỗi họ không muốn cho Hòa Thượng Đức Nhuận còn có một ngôi tháp, một tấm bia lưu lại cho người sau chiêm bái" Mà chỉ còn một nắm tro tàn để ở đâu đó là xong, khi cần thì phi tang luôn cũng rất tiện. Nếu ai muốn kiểm chứng lại sự ngờ này, thì thử xin xây một ngôi tháp rồi đem tro ấy tàng vào xem thử có được không" Tôi cũng nghe nói Thượng Tọa Tuệ Sỹ có nhận được đơn của các đệ tử của cố Hòa Thượng và xin nhờ can thiệp, nhưng cũng đều vô hiệu. Kể cả việc Thượng Tọa Tuệ Sỹ có đề cập với Hòa Thượng Đức Nghiệp là đám của cố Hòa Thượng đưa đi hỏa táng quá gấp, xin để thêm lại vài hôm, nhưng cũng bị trả lời là Ban Tổ Chức đã quyết như vậy.

Sáng 12/12ÂL, lúc 5 giờ sáng, tôi may mắn gặp được Đại Đức Thiện Hiền, khi thầy đến Già Lam thật sớm để gặp Thượng Tọa Tuệ Sỹ có việc gì đó. Khi thầy về, tôi gặp ở phòng khách của chùa. Vì muốn biết thêm cho rõ hư thật những việc đã nghe, nên tôi có hỏi thầy Thiện Hiền, vì thầy là đệ tử y chỉ của cố Hòa Thượng. Thầy là môït trong những người đã hầu Ngài từ chùa vào bệnh viện, từ bệnh viện về lại chùa, và luôn có mặt ở Giác Minh từ đó đến nay. Thầy đã kể lại rõ ràng đúng như những điều tôi đã được nghe. Thầy còn kể thêm là, khi từ bệnh viện về, bị buộc phải để nơi phòng khách chứ không được đưa Hòa Thượng vào phòng Ngài, thì không những các thầy, quý sư trong môn đồ với các Phật tử mà cả đến thân quyến của cố Hòa Thượng cũng đều bất bình phản đối. Họ nói: Thầy tôi là người ở trong chùa, có phòng có xá đàng hoàng chứ đâu có phải là khách, là người ngoài đường ngoài sá đem về đây mà để ở phòng khách trước chùa. Hòa Thượng Đức Nghiệp vẫn kiên quyết bảo là công an đã niêm phòng của cố Hòa Thượng rồi. Thậm chí Ngài còn quát nạt: Coi chừng tao đuổi hết ra khỏi chùa bây giờ.
Khi đó Đại Đức Giác Dũng không còn tự chế được nữa, liền bật lại: Đuổi ra khỏi chùa hà" Ông là cái thớ gì mà đuổi chúng tôi ra khỏi chùa" Ông có biết chùa này ai xây không"…
Khi ấy, Hòa Thượng Đức Nghiệp bèn im lặng. Còn Ni sư Tịnh Nguyện - chùa Phước Hải thì kêu van, khóc lóc với Hòa Thượng Đức Nghiệp rất thảm thiết. Ôi, thế là giữa chốn Thiền môn, trong ngày tang lễ, tôn ty quy củ rối loạn tơi bời. Niềm kính tiếc, nỗi tủi hờn càng chất chồng cao ngất! Ai xui nên nỗi ấy" Mong đèn sử xét soi!
Đúng 6 giờ sáng 12/12ÂL đoàn chúng tôi thuê 3 chiếc xe 12 chỗ ngồi rời chùa Già Lam lên Giác Minh để tiễn đưa Hòa Thượng lần cuối. Tám giờ là lễ Truy điệu, mở đầu là cung tuyên tiểu sử của cố Hòa Thượng. Hòa Thượng Đức Nghiệp, tuổi ngoại bảy mươi, chân đi khập khiểng, mình mặc chiếc hậu vàng, cổ đeo tràng hạt không đắp pháp y, bước tới bái trước linh đài rồi quay ra đọc tiểu sử. Trước đó thì một số bản tiểu sử của cố Hòa Thượng đã được chuyền tay phân phát cho chư Tăng. Nên nếu có ai theo dõi, thì sẽ thấy có nhiều đoạn Hòa Thượng đã dừng lại ứng khẩu thêm vào, có đoạn thì Ngài lại tự ý cắt bỏ cho phù hợp với thính cảm vốn nhạy bén của Nhà chức trách. Sở dĩ tôi biết được như vậy, là khi mọi người đang chăm chú lắng nghe thì có ai đó đứng phía sau nói vọng tới: "Đọc gì mà nó cắt bỏ bớt hết trơn!". Tôi mới lật tờ tiểu sử trên tay ra theo dõi, quả thật là như vậy. Điều đáng lưu ý là, trước khi mở tờ tiểu sử, Hòa Thượng Đức Nghiệp đã không ngớt lời cảm ơn Đảng, Chính Quyền, Mặt Trận Thành Phố, Quận, Phường, các cấp… đã quan tâm giúp đỡ, tạo mọi thuận lợi cho việc tổ chức tang lễ, rồi sau đó mới xin phép được đọc tiểu sử. Tiếp sau Hòa Thượng Đức Nghiệp là Hòa Thượng Giác Hải, trụ trì chùa Trấn Quốc - Sài Gòn là trưởng Ban Tổ Chức tang lễ, kiêm Sám chủ, mình mặc áo gấm vàng, pháp y màu đỏ, đầu đội mũ hiệp chưởng trang trọng đọc lời cảm tạ, trước hết cũng là Đảng, Nhà Nước, Chính Quyền…
Sau lời cảm tạ là lễ di quan. Kim quan của cố Hòa Thượng được đưa đi bộ trên đường Điện Biên Phủ từ chùa Giác Minh đến gần ngã ba Cao Thắng mới lên xe. Thượng Tọa Tuệ Sỹ, hai tay vịn kim quan, mặt cúi xuống bước theo từng bước một, trông rất não lòng. Thấy vậy, tôi nhớ lại, năm 1992, cảnh Hòa Thượng Huyền Quang nắm tay Hòa Thượng Nhật Liên cùng dìu nhau đi theo sau kim quan của đức Đệ Tam Tăng Thống - cố Đại lão Hòa Thượng Linh Mụ - và tôi đã không cầm được nước mắt khi nghĩ thấy cảnh tang tóc đang bao trùm Giáo Hội. Sau Thượng Tọa Tuệ Sỹ là quý Hòa Thượng, Thượng Tọa và chư Tăng chúng tôi, không ai bảo ai, cũng cùng lặng lẽ đi theo sau kim quan của cố Hòa Thượng rất đông. Đến lúc lên xe thì chỉ có Thượng Tọa Tuệ Sỹ được lên xe kim quan đứng hầu cố Hòa Thượng, còn chư Tăng chúng tôi thì trở lại xe mình. Đoàn xe tang đi dọc theo đường Điện Biên Phủ (Phan Thanh Giãn cũ) rẽ qua Pasteur, băng qua Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ) dừng lại một lát trước chùa Vĩnh Nghiêm rồi nhắm thẳng ra Tân Sơn Nhất, rẽ qua Tân Bình, đến lò hỏa thiêu Bình Hưng Đông. Kim quan cố Hòa Thượng được đặt trên một cái bộc như cái miệng hầm vừa lọt chiếc quan tài. Chư Tăng tụng niệm rồi làm lễ bái biệt, những cành hoa tươi lại lần lượt được đăït lên trên kim quan của cố Hòa Thượng. Lúc bấy giờ, tôi đang đứng cạnh bên phải của kim quan. Nút điện được bấm, bỗng dưng chiếc kim quan trụt mất, tôi vội đưa tay với theo nhưng không được nữa! Rồi chiếc nắp miệng hầm từ từ đậy lại, mọi người òa lên gào khóc rất thảm thương. Tôi thấy mình bị hụt hẫng, như một cái gì quý vô giá vừa bị tuột mất khỏi tầm tay. Tôi sụp lạy Ngài lần nữa, và nước mắt tuôn trào. Ngay khi ngồi viết lại những dòng này đây, tôi cũng đã không cầm được niềm xúc cảm!…
Chúng tôi trở về lại chùa Già Lam lúc 12 giờ trưa, Thượng Tọa Nguyên Giác-Trụ trì chùa Già Lam, lo cơm nước rất chu đáo. Không những cho ăn mà còn từng lo từng gói cơm, chai nước để bới đi đường. Đã 20 năm, nay tôi mới có dịp ngủ lại Già Lam, ăn cơm tại Già Lam; tuy vậy, nhưng nhờ đạo tình ấm áp của quý thầy, tôi cảm thấy rất gần gũi. Càng gần gũi hơn, khi tôi được biết chính quý thầy ở Già Lam đã cùng phụ giúp với Thượng Tọa Tuệ Sỹ tắm rửa, lau mình và hầu cố Hòa Thượng vào kim quan, sắp đặt mọi việc rồi mới về. Thượng Tọa Tuệ Sỹ thì ở lại, nhưng đến nửa đêm, thì bị công an vào đuổi không cho, phải về. Hèn gì hôm tối, khi đoàn chúng tôi vào đi điếu muộn, thấy trong chùa rất vắng, chỉ có Hòa Thượng Đức Nghiệp với vài thầy ở trong chùa cùng một số người khác, chẳng biết là công an hay Phật tử. Có lẽ không ai được ở lại qua đêm.
Đúng 13giờ30 ngày 12/12ÂL, đoàn chúng tôi, lên xe trở về lại miền trung. Khi đi ra, xe chạy nhanh hơn, mọi người thấy nhẹ hơn, vì như đã làm xong một việc gì đó. Rồi cùng nhau bàn tán về chuyện đám tang. Ai cũng phiền trách Hòa Thượng Đức Nghiệp sao mà xu phụ chính quyền một cách thái quá. Có người thì nói: Không hiểu sao mà thầy Đức Nghiệp là kẻ rất có học thức, tuổi đã ngoại thất tuần, bây giờ còn cần chi, sợ chi mà phải làm như rứa" Một thầy khác lại xen vào: Thấy nói hay chưa! Cái người hay sợ là khi mạ hắn mới đẻ ra là hắn đã sợ rồi, có khối chi người già hơn, thậm chí đã nằm bên miệng lỗ mà vẫn cứ sợ. Riêng tôi, tôi thấy xét cho công bằng, mình phải nên thương cụ Đức Nghiệp, vì dù sao cụ cũng đã phải chịu hai áp lực rất nặng nề từ phía Nhà nước và Tăng ni Phật tử, nên thâm tâm cụ cũng không thanh thản chút nào. Vả lại, nếu cụ không nghe Nhà nước, Nhà nước không cầm chắc được cụ, thì chắc gì mình đã vào được đến nơi để tiễn đưa, bái biệt cố Hòa Thượng lần cuối cho thanh thản thế này. Đã như vậy đó, mà tôi còn được biết tại Quảng Nam, các anh Huynh trưởng GĐPT đều được công an đến tận từng nhà để căn dặn là không được đi dự tang lễ. Trướng lễ, phẩm vật họ sắm để chuẩn bị mang đi thì bị công an chặn lại thu giữ và bắt căng ra đứng cạnh để họ chụp hình. Nên tất cả không ai đi được.
Xe về đến Quảng Ngãi, đoàn chúng tôi rẽ vào Nghĩa Hành để hầu thăm đức Đại lão Hòa Thượng Huyền Quang và tường trình lên Ngài về tang lễ. Ngài rất xúc động và tán dương rằng chúng tôi đã làm được một nghĩa cử rất tốt. Ngài cũng cho biết là, khi hay tin Hòa Thượng Cố vấn Viện Hóa Đạo viên tịch, Ngài vội ngồi viết liền một bức điêïn hai trang, nhờ người mang ra bưu điện để chuyển fax, nhưng bưu điện xem rồi giữ lại, báo cho công an đến thu cả điện và giữ cả người hồi lâu mới thả. Thế là Ngài phải cặm cụi ngồi viết lại bản khác để tìm đường khác gởi đi. Chúng tôi mới đảnh lễ hầu chuyện được một lúc thì công an đến, hỏi han cặn kẽ rồi trở ra. Lát sau, anh lái xe vào kêu chúng tôi phải ra về, vì công an bảo "Khu vực này cấm không cho xe đậu". Vậy là chúng tôi phải đảnh lễ Ngài, ra về kẻo xe sẽ bị giữ mà liên lụy đến chủ xe. Như thế là họ đã gián tiếp đuổi chúng tôi. Không vào tận trong chùa để đuổi như những lần trước mà nay chỉ đứng ngoài đường cũng đuổi được.
Có một điều tôi thấy rất vui trong bụng nhân chuyến đi này, là nhìn lại tang lễ của cố Hòa Thượng Đức Nhuận, tuy hoàn cảnh gấp gáp, khó khăn như vậy đó, nhưng cũng khá đông đúc. Đặc biệt là chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng - Ni, trừ một số ít trong Môn đồ Pháp quyến, còn lại hầu hết là những người hoặc là đã từng ngồi ăn cơm nhà đá của chế độ này, hoặc là đang công khai hay âm thầm ủng hộ GHPGVNTN; đang hướng về những vị Tôn đức lãnh đạo Giáo Hội. Vượt qua bao thử thách, sự có mặt đông đảo của họ trong tang lễ này chính là một minh chứng (trừ Thượng Tọa Không Tánh, nghe nói tối 11/12ÂL bị công an giữ làm việc bốn tiếng đồng hồ, sáng nay, chắc là bị chặn, nên không thấy đến đưa đám). Và, dù Giáo Hội không có một bài điếu văn, hay không ai trong chúng tôi nói một điều gì, làm một việc chi như Nhà nước lo lắng, nhưng khung cảnh tang lễ như cũng đã nói lên trong im lặng rằng: Dù phải trải qua bao nhiêu đắng cay và bị cấm đoán nghiệt ngã, nhưng Giáo Hội vẫn còn đó. Và hôm nay, một Hòa Thượng Đức Nhuận đã nằm xuống, nhưng còn có biết bao hậu thân của Hòa Thượng Đức Nhuận vẫn còn đây. Tại Quảng Trị, một mình tôi cô quạnh, nhiều lúc cảm thấy đơn côi, nhưng giờ đây, tôi đã vững tin rằng, mình không phải là kẻ lữ hành cô độc. Mặc bao chông gai và thử thách, đó đây vẫn có những đoàn người đang âm thầm, lặng lẽ hoặc kiêu hãnh vững bước, kiên trì.
Cúi lạy giác linh Hòa Thượng,
Mới ngày nào đây, sau khi hay tin, Huynh trưởng Hồ Tấn Anh tự thiêu tại Đà Nẵng, Hòa Thượng Viện Trưởng vì bị quản thúc nghiêm ngặt, nên cố Hòa Thượng đã ra tay chèo lái con thuyền Giáo Hội trước cảnh phong ba. Những bức Thông Tư cùng thư gởi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước của Ngài đã toát lên được tất cả lương tâm và trách nhiệm của một vị lãnh đạo Phật giáo Việt Nam. Chỉ cần mấy dòng ngắn gọn, rắn rỏi nhưng cũng đầy thiện chí, cố Hòa Thượng đã gây xao xuyến lòng người vì cảm bội đức hi sinh và uy dũng của một bậc cao tăng. Những tưởng phúc duyên còn có, chúng con còn được Ngài dìu dắt, chở che, ngờ đâu Ngài lại vội ra về…! Giờ đây huyễn thân của Ngài không còn nữa, nhưng chúng con nghĩ rằng, Ngài không bao giờ xa cách hay từ bỏ chúng con. Từ bi và nguyện lực của Ngài đã thấm vào tim, vào máu của chúng con, nên chúng con sẽ luôn luôn cảm nhận được như Ngài hiện hữu trong chúng con, để nhắc nhủ cho chúng con, nâng đỡ cho chúng con trên bước đường phụng sự Chánh Pháp đúng như tâm nguyện của Ngài:
"Đã lòng hẹn với non sông
Nguyện đem chánh pháp đọ cùng quỷ ma."
Nam mô Ma Ha Sa Môn Tỷ Khưu Bồ Tát Giới Húy Thượng Đức Hạ Nhuận Đại Lão Hòa Thượng Giác Linh Thùy Từ Chứng Giám.
Ngày15 tháng 12 Tân Tỵ.
Đặc trách Phật sự GHPGVNTN tại Quảng Trị
Thành viên của phái đoàn
Kính thuật
(đã ấn ký)
Thích Hải Tạng
Nơi nhận:
-Đức Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang -
Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống
-Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ - Phó Viện Trưởng kiêm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo
"để kính trình"
-Chư Tôn Đức Tăng - Ni và quý Phật tử xa gần "để kính tường".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Câu Lạc Bộ Nhiếp Ảnh Việt Nam/VN Photography Club sẽ tổ chức một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật "Ánh sáng và sắc màu" tại Little Saigon, Nam Cali. Buổi triển lãm sẽ diễn ra hai ngày, Thứ Bảy và Chủ Nhật, 7 và 8 tháng 12 năm 2019 từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tại Hội trường nhật báo Người Việt
Bộ trưởng quốc phòng Nam Han, Jeong Kyeong-doo và đồng nhiệm Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa đã đồng ý thiết lập thêm những đường dây nóng quân sự giữa hai nước và chuẩn bị cho chuyến công du của bộ trưởng Jeong đến Trung Quốc vào năm 2020.
Ánh nắng chiều đã tắt nhưng tôi vẫn như cảm nhận được cái nóng hừng hực qua cung cách vén ống tay áo để lau mồ hôi trán của người tưới cỏ.
Công Ty Disneyland sẽ chính thức tham dự cuộc Diễn Hành Tết tại Westminster với sự góp mặt của nhiều nhân vật trong đó có Mickey và Mini Mouse.
Thương vụ bán hàng trên mạng tại Hoa Kỳ Ngày Lễ Tạ Ơn đã tăng vọt 17$ tới 4.1 tỉ đôla, theo Salesforce cho biết. Doanh thu bán hàng mạng trên toàn cầu đã tăng còn nhanh hơn.
2 du khách của chiếc du thuyền Carnival Cruise Line đã chdết trong một xe buýt trong thời gian một tua độc lập tại Belize hôm Thứ Tư.
Thủ Tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi cho biết hôm Thứ Sáu rằng ông sẽ từ chức theo sau nhiều tuần lễ biểu tình bạo động và lời kêu gọi ông ra đi bởi nhà lãnh đạo tôn giáo hàng đầu quốc gia của phái Hồi Giáo Shia.
2 phi đạn được Bắc Hàn phóng đi hôm Thứ Năm “được cho là bắn từ một bệ phóng phi đạn nòng siêu lớn,” theo các viên chức quân sự Nam Hàn cho biết.
Cảnh sát Anh đã bắn chết một người tấn công khủng bố hôm Thứ Sáu tại Cầu London -- một sự kiện đau lòng đã khiến ít nhất một người vô tội thiệt mạng và một số người khác bị thương xung quanh con đường trọng yếu là nơi xảy ra vụ tấn công Hồi Giáo chết người chỉ hơn hai năm trước.
Trấn Cảnh Đồng nằm bên bờ sông Liễu Hạ, xinh đẹp như cảnh thiên thai ở chốn trần gian. Khách thương hồ đến đi mua bán quanh năm. Khách du thanh tú lịch lãm cũng dập dìu trẩy hội…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.