Hôm nay,  

Vsa-university Of Iowa: Những Tấm Lòng Vàng

10/07/200300:00:00(Xem: 4495)
PHOTO: Các bạn trong Hội Sinh Viên Việt Nam VSA-UOI.

LTS: Thành phố Iowa City, tiểu bang Iowa, có chỉ có khoảng vài trăm người Việt sinh sống (Thống Kê 2000). Ðại Học Iowa thuộc Iowa City lại có một số lượng sinh viên Việt Nam theo học đáng kể. Và nơi nào có sinh viên Việt Nam, nơi đó có Hội Sinh Viên Việt Nam (Vietnamese Student Association, viết tắt VSA). Cũng như những VSA khác, hằng năm, Hội Sinh Viên Việt Nam thuộc Ðại Học Iowa (VSA-UOI) có những sinh hoạt như lễ Tết, đêm văn hóa, cắm trại, picnic, gây quỹ, v.v. VSA-UOI với hơn 50 hội viên đã có những sinh hoạt sôi nổi trong năm 2002-03 dưới sự lãnh đạo của các bạn sinh viên rất trẻ, nhiều nhiệt huyết. Thành phần ban lãnh đạo năm qua gồm những bạn Việt lẫn Mỹ, trong đó con chim đầu đàn là cô My Trần, sinh viên năm thứ tư ngành chính trị học. Một dịp tình cờ, tác giả của câu chuyện dưới đây đã có cơ may tiếp xúc với các bạn sinh viên thuộc VSA-UOI và tìm thấy ở đó những tấm lòng vàng. Có lẽ những câu nói mang tính thành kiến của "người lớn", "Ðám trẻ ham vui, không biết lo gì hết!" khó có thể áp dụng cho các bạn sinh viên thuộc VSA-UOI vì cách ứng xử thật chững chạc, đầy tình người của các bạn trong câu chuyện này.
T., người em con ông cậu ruột của tôi, quốc tịch Canada, sang thành phố Des Moines thuộc tiểu bang Iowa để học những năm cuối ngành Y. Không may, T. ngã bệnh, phải đưa vào bệnh viện ở Des Moines để cấp cứu. Khi chúng tôi trên đường lái xe đi đến một thành phố khác ở Cali dịp cuối tuần, khi gọi hỏi thăm T., chúng tôi mới phát hiện ra là T. đã chuyển đến bệnh viện khác thuộc Ðại Học Iowa, cách Des Moines trên trăm dặm. Trong lúc lo lắng về tin tức của T., tôi vội nhờ một người bạn thân tìm trên số phone của bệnh viện Iowa trên Internet. May mắn thay, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, chúng tôi bắt liên lạc được với T. Sau khi thăm hỏi, biết tinh thần của T. đang sa sút vì lo lắng cho căn bệnh của mình, chúng tôi tiên đoán sức khoẻ T. có thể bị trầm trọng thêm vì yếu tố tâm lý. Rất tiếc, trong lúc bệnh tình nguy kịch ấy, T. lại không có một thân nhân hay bạn bè bên cạnh vì tất cả đều ở rất xa. Tôi dự tính xin nghỉ làm vài ngày để ra phi trường bay gấp sang Iowa City để săn sóc T. Nhưng với tôi, tiểu bang Iowa hoàn toàn xa lạ, vì chưa một lần tôi bước chân đến. Vì vậy để chuẩn bị cho chuyến đi được kết quả và nhanh chóng gặp được T., tôi bèn nghĩ đến việc nhờ những người Việt ở Iowa City, với hy vọng sẽ có ai đó sẵn lòng chỉ dẫn đường đi nước bước cho tôi khi vừa xuống phi trường.
Sau khi tìm kiếm trên Internet, tôi gởi hai email đến những người Việt không hề quen biết để nhờ giúp đỡ, một cho bạn Võ Nguyên Lý và một email khác cho chủ tịch VSA Ðại Học Iowa, cô My Trần. Quí hóa thay, cả hai email đều được trả lời: Võ Nguyên Lý sẵn sàng giúp tôi thăm T., kể cả việc đưa tôi đi chơi quanh thành phố Iowa để vơi nỗi lo lắng, còn cô My Trần thì đích thân gọi phone liên lạc với chúng tôi ở Cali. Sau khi trao đổi ngắn gọn với My, chỉ trong vòng hai tiếng sau, T. cho chúng tôi biết là đang có các bạn trong VSA ở Ðại Học Iowa đến thăm. Lúc ấy tôi thật sự xúc động, vì đó là những người Việt Nam đầu tiên tiếp xúc với T. tại Iowa, và nhất là việc gặp gỡ lại ở trong một tình huống rất đặc biệt. Ở đó tôi tìm thấy những tấm lòng, mà ta gọi là "lòng nhân ái".


Nhưng câu chuyện về My và các bạn sinh viên Việt Nam ở Ðại Học Iowa không dừng ở đó. Giống như những du học sinh khác ở Mỹ, T. có một bảo hiểm sức khỏe rất khiêm tốn. Không may, chi phí bệnh viện ở Des Moines đã quá cao, tiền bảo hiểm hết, nên bệnh viện Iowa không chịu chữa trị cho T.. Nói một cách khác, T. bị đuổi khỏi bệnh viện vì không có đủ tiền đóng viện phí mỗi ngày 1.500 USD. Trong lúc sự can thiệp của các cán sự xã hội và các nữ y tá của bệnh viện bị thất bại, trong lúc T. không biết bệnh trạng được chẩn đoán ra sao, và nhất là sẽ ở đâu trong đêm ấy, thì My và các bạn sinh viên Việt Nam đến gặp T. lần nữa. Tôi phải thật sự ứa nước mắt, khi qua phone, T. cho biết đang được các bạn chăm sóc trên xe và đưa về nghỉ tại nhà của My, một chủ tịch sinh viên trẻ từ tâm và năng nổ.
Ðêm ấy T. hầu như không buồn ngủ. Qua phone, tôi nghe T. đùa giỡn, nói chuyện huyên thuyên với mọi người. T. khoe với tôi được các bạn cho ăn các món Việt Nam như canh cá, thịt kho, v.v., ngon lắm. Tôi hỏi, có bao nhiêu em đang bên cạnh T., T. nói đông vui lắm. Ở đây là cái "làng Việt Nam". Các bạn có kể cho T. về những sinh hoạt của sinh viên ở đó, và cả những đặc san của VSA Ðại Học Iowa. T. nói, "Thương lắm, anh K. ơi. Các em không rành tiếng Việt mà vẫn giữ được truyền thống báo chí và sinh hoạt văn nghệ". Rồi T. cũng được các bạn cho "luyện chưởng" bằng những bộ phim Tàu, có lẽ để T. quên bớt đau đớn và lo âu. Tự dưng, tôi lại nghĩ đến những tấm lòng, mà ta thường gọi là "lòng yêu thương".
Sáng hôm sau, T. than mệt với tôi. Bây giờ thì T. đã đồng ý cho tôi và vợ của T. bay sang nếu T. thấy "không xong". Sáng ấy tôi rất an tâm khi My, qua phone, cho tôi biết là sẽ lái xe đưa T. về Des Moines để thu xếp nhà cửa và việc học trước khi về Canada chữa bệnh. Một lần nữa tôi ngỏ lời cảm ơn và đề nghị trang trải mọi chi phí cho cá nhân My cũng như của hội sinh viên, nhưng My nói, "Anh đừng bận tâm. Ðây là công việc của hội sinh viên chúng em". Trong thâm tâm, tôi phục My và VSA Ðại Học Iowa nhiều lắm. Vì cũng từng là sinh viên ở Mỹ, từng sinh hoạt trong hội sinh viên Việt Nam của một trường đại học ở Cali, tôi hiểu sự thiếu thốn về tài chánh của một sinh viên, cũng như của một hội đoàn. Sau này, qua T., tôi khám phá ra rằng chính My và người chị ruột tên Sương, đã phải vừa đi học, vừa đi làm gần 40 tiếng trong tuần; và các bạn sinh viên đã nhiều lần đi rửa xe, bán chả giò, v.v., để kiếm từng đồng cho quỹ sinh hoạt...
Chiều hôm ấy, tôi phone cho My để biết tin của T. Thì ra, T. đang trên xe với My và Sương, người chị ruột của My, trên đường về Des Moines. Tôi thật ngạc nhiên khi nghe T. nói chuyện có vẻ tươi tỉnh. Sương và My cũng đùa với tôi, hẹn ngày chúng tôi gặp nhau tại Cali. Lúc ấy tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn bao giờ hết. Ðó là một ngày đẹp với tôi, nhưng không phải là một ngày đẹp với My và Sương. Vì về sau tôi mới biết là hai cô gái nhỏ con và trẻ trung này đã phải phóng một chiếc xe truck lớn dưới cơn mưa tầm tã để kịp đưa T. về Des Moines và quay về nhà mình ngay trong đêm đen ấy. Ở đây tôi tìm thấy một tấm lòng, mà ta thường nói "lòng can đảm".
Nếu trong một bài hát của mình, Trịnh Công Sơn đã có lần viết: " Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng". Thì ở đây, qua My, Sương, và các bạn trẻ của hội sinh viên Việt Nam thuộc Ðại Học Iowa, tôi đã tìm thấy có quá nhiều tấm lòng vàng để cảm phục, và để chia sẻ cùng bạn.
Hoàng Việt Khanh
23/6/2003

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.