Hôm nay,  

Bạn Có Thể Tin Được Người Mỹ?

01/10/200300:00:00(Xem: 4498)
Câu trả lời ngắn gọn dĩ nhiên phải là “cũng còn tùy”... Nhưng, loại người Mỹ như Ted Kennedy hay một số giới chức CIA thì xin khoan. Có phải đảo chánh ông Diệm, ám sát đồng minh... là do CIA nhúng tay"
Trong những ngày tới đây, dư luận người Việt sẽ nói nhiều đến một cuốn sách do hai ký giả điều tra Mỹ viết về cái chết của Tổng thống John Kennedy, bị ám sát tại Dallas cách đây đúng 40 năm. Không biết bao nhiêu giấy mực đã đổ ra về những nghi vấn quanh vụ ám sát, nhưng cuốn sách sắp xuất bản lại đáng chú ý cho người Việt vì nêu giả thuyết ly kỳ nhất, một sự toa tập giữa đặc công Pháp trong tổ chức phiến loạn OAS với tổ chức tội ác Mỹ và.... chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Người ta sẽ không mấy tin vào lọai phát giác động trời này vì chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thời đó đã tiêu vong sau vụ đảo chánh lật đổ Tổng thống Diệm và những tướng tá lâm thời cầm quyền đều là người của Mỹ, thực hiện kế hoạch của Mỹ sau khi Mỹ đã thổi bùng vấn đề tôn giáo thành một cuộc khủng hoảng cho chính quyền ông Diệm. Tuy nhiên, cuốn sách cũng nhắc lại một điều được nhiều người nói đến là sự can dự trực tiếp của John Kennedy đối với cái chết của hai ông Diệm và Nhu. Trực tiếp chứ không phải là vô tình, hay bất ngờ. Cuốn sách trích dẫn nhiều đoạn băng ghi âm của Tổng thống kế nhiệm Lyndon Johnson liên hệ đến vụ đảo chánh và âm mưu sát hại ông Diệm.
Một chi tiết đáng chú ý khác của cuốn sách là phanh phui việc chính Robert Kennedy, bào đệ của Tổng thống John Kennedy và đương kim Bộ trưởng Tư pháp, đã ra lệnh ngưng cuộc điều tra và trục xuất một tay xạ thủ Pháp có mặt tại Forth Worth rồi Dallas trong ngày xảy ra vụ ám sát Kennedy. Vì sao như vậy, chúng ta có quyền thêu dệt thêm nhiều giả thuyết ly kỳ khác, thí dụ như sợ dứt giây động rừng lây lan đến nhiều người khác, kể cả trùm Mafia, v.v.......
Trong lúc còn đang hồ nghi về những bí ẩn lịch sử đó, dư luận để ý đến vụ Thượng nghị sĩ Edward Kennedy công kích Tổng thống George W. Bush về việc tham chiến tại Iraq. Là bào đệ của John và Robert Kennedy, Edward Kennedy là Nghị sĩ kỳ cựu của đảng Dân chủ tại Massachussetts và ông tấn công Bush bằng những lập luận làm chúng ta ngẩn ngơ. Thí dụ như “Iraq không là một mối nguy cấp kỳ và vụ Iraq được chính quyền Bush xào nấu tại Texas vì những mục tiêu chính trị. Toàn bộ vụ việc là một sự gian lận”. Ta có thể đánh giá rất thấp tinh thần công dân của một số lãnh đạo Dân chủ khi coi việc tranh cử và tấn công chính quyền Cộng hòa là một ưu tiên còn cao hơn việc bảo vệ lãnh thổ và quốc dân chống khủng bố. Nhưng, khi một Nghị sĩ thuộc hàng niên trưởng trong giới lãnh đạo Quốc hội đả kích việc tham chiến là một vụ gian lận, có thể được quy thành tội, ta có thể hoài nghi khả năng xét đoán và nhất là đạo đức của một người như Kennedy, nhất là khi chính ông ta trước đó đã nêu lý luận chủ hòa rằng nếu tấn công Iraq mà Saddam Hussein dùng võ khí sinh hóa để trả đũa thì binh lính Mỹ sẽ bị đe dọa. Hoặc cũng chính Kennedy trước đó đã khẳng định rằng Hoa Kỳ sẵn sàng chi tiêu mọi chuyện cần thiết để bảo vệ binh lính và tái thiết Iraq. Các quốc gia khác nghĩ sao về chính quyền Mỹ trong các vấn đề lớn của thế giới"
Sự lật lọng của chính khách là chuyện thường tình, nhưng khi lên đến trình độ ấy trong siêu cường số một thế giới thì chúng ta phải hoài nghi mọi quyết định chính trị của Hoa Kỳ. Chả hóa ra thế giới là sân chơi để họ muốn làm gì thì làm cho những mục tiêu chính trị đen tối bên trong" Và một vị lãnh đạo có thể xào nấu ra một trò gian lận để hy sinh tính mạng của binh lính Mỹ lẫn thường dân Iraq. Osama bin Laden có muốn bôi nhọ Hoa Kỳ và biện minh cho hành động khủng bố của mình thì cũng chả thể nói mạnh hơn Kennedy.
Lúc đó, dư luận lại liên tưởng đến chuyện đảo chánh ông Diệm, ám sát đồng minh và biết bao trò ma khác mà mọi người cho là do CIA nhúng tay.... Huyền thoại “bàn tay nhám” của CIA hình như được mùa và cứ bay bổng lên chín từng mây, cho tới khi bị xì thê thảm trong mấy tuần qua.

Vụ xì căng đan đang gây sóng gió cho Tòa Bạch Cung của chính quyền Bush là một nữ nhân viên mật của CIA bị tiết lộ danh tánh. Đó là bà Valerie Plame. Việc tiết lộ này có thể bị tội hình nên Giám đốc CIA George Tenet vừa chính thức yêu cầu Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra, với sự sốt sắng đồng tình của Phủ Tổng thống. Nội vụ rất ly kỳ này phải được nhìn lại cho rõ. Valerie Plame là nhân viên CIA chuyên về võ khí tàn sát (WMD), chồng bà là cựu đại sứ Joseph Wilson tại Gabon và do chính sự can thiệp (xin xỏ") của bà mà được đề cử vào việc duyệt xét hồ sơ võ khí WMD của Iraq và đi qua xứ Niger tìm hiểu về việc này. Joseph Wilson là nhà ngoại giao có lập trường phản chiến, gay gắt chống quan điểm của chính quyền và mở màn tấn công bằng một bài viết xuất hiện ngày sáu tháng Bảy trên tờ New York Times rồi sau đó được rộng rãi phỏng vấn trên các hệ thống truyền thông Mỹ.
Sau đó, ngày 14 tháng Bảy, tay bỉnh bút khét tiếng Robert Novak thuộc xu hướng bảo thủ đã có một bài cho biết gốc gác của Wilson và người vợ mà ông tiết lộ là theo nguồn tin có thẩm quyền là một mật vụ của CIA. Wilson bèn phản pháo và quy tội cho Cố vấn Chính trị thân tín của ông Bush là Karl Rove là người đã phanh phui ra bí mật có hại cho người vợ của mình. Từ đó, sóng gió mới nổi lên và dội ngược vào Phủ Tổng thống. Dĩ nhiên là Karl Rove phủ nhận lời tố giác đó và Robert Novak không cho biết xuất xứ vụ tiết lộ này là ai. Nhưng, Novak không phải là người duy nhất biết về hành tung của bà Wilson, nhiều ký giả khác cũng đã biết, hoặc trước đó, hoặc cùng lúc với ông ta, và biết điều này không từ Tòa Bạch Cung ra.
Sau khi nhắc lại những ngoắt ngoéo của nội vụ, ta có thể tự hỏi là chính quyền Bush và nhất là tổ chức CIA làm ăn theo kiểu gì trong cuộc chiến chống khủng bố này" Wilson đã tự gây sự chú ý cho mình và tất nhiên phải biết là sự chú ý đó tất nhiên ảnh hưởng đến công việc làm và cả sự an nguy của người vợ. Hồ đồ và cay cú như vậy mà cũng lên đến đại sứ, dù là Đại sứ tại Gabon. Bộ Ngoại giao của Mỹ có những quyết định cũng kỳ!

Vì sao chọn một người phản chiến vào một việc điều tra cực kỳ tế nhị như vậy" Vì sao chính quyền tiếp tục nhấn mạnh đến lý do tham chiến là võ khí tàn sát WMD mà chả công bố được chi tiết nào xác thực hơn để bênh vực quan điểm đó" Vì sao để lập trường của đại sứ Wilson gây tranh luận và ảnh hưởng đến sự nghiệp của người vợ, một nhân viên cũng có trách nhiệm về chính hồ sơ WMD nóng bỏng này" Nước Mỹ hết người rồi sao"
Người ta cứ nói rằng Mỹ sẽ bị sa lầy trong cuộc chiến tranh du kích tại Iraq như đã từng bị sa lầy tại Việt Nam. Dư luận lại lầm nữa, chiến tranh du kích có xảy ra, nhưng không phải tại sa mạc hay núi rừng Iraq mà ngay tại thủ đô Hoa Kỳ, từ trong guồng máy chính trị và hành chánh xứ này lan ra truyền thông và dội sang các nước khác, có khi nhục mạ đồng minh và làm nhân viên mất mạng. Từ lãnh đạo như Ted Kennedy đến công bộc nhà nước loại Joe Wilson, người ta không lỡ cơ hội bắn tỉa đối phương bằng những lời phát biểu nảy lửa, thậm chí vô trách nhiệm dẫn đến những phanh phui động trời, gây cản trở cho nỗ lực chống khủng bố. Và báo chí được dịp tung hứng thả giàn để phơi bày hình ảnh của một nước Mỹ gian trá đang bị loạn chiêu.
Ở một nơi nào đó trên địa cầu này, Osama bin Laden có thể đang cười như Diêm Vương trước những màn du kích chính trị và truyền thông tại Hoa Kỳ.
Và huyền thoại CIA bí mật và vạn năng cũng đang bể như trái bóng. Không dự đoán được vụ khủng bố, cơ quan này còn có những quyết định lạ kỳ về nhân sự và có khi, như tại Việt Nam, cũng tham dự vào trò du kích chính trị để gây khó khăn cho các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và cho cả bộ chỉ huy chiến dịch Iraq. Riêng về khả năng của mình thì cũng tin tức từ hai tuần qua cho thấy đã có ba người theo Hồi giáo bị giam giữ vì xâm nhập vào hệ thống biệt giam ở Guantanamo trong mục tiêu tình báo. Hoa Kỳ cần người biết tiếng Ả Rập để tiếp xúc và khai thác tin tức của các nghi can khủng bố bị bắt tại Trung Đông hay Trung Á đưa về Guantanamo. Al Qaeda cũng cần những người như vậy để xâm nhập vào trại giam hầu nếu không đánh tháo thì cũng thủ tiêu những kẻ bị bắt trước khi bí mật bị tiết lộ. Việc CIA thanh lọc và chọn người như thế nào để hệ thống phòng thủ kiên cố nhất lại bị xâm nhập"
Kết luận ở đây là làm sao thiên hạ có thể tin được người Mỹ khi lãnh đạo chơi trò chính trị với mạng sống con người, còn tổ chức có nhiệm vụ tình báo lại chểnh mảng trong công vụ và sai lầm trong việc bố trí nhân sự đến như vậy"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.