Hôm nay,  

Quảng Trị Mời Họp Liên Tôn, Bị Hỏi Tội Về Tự Do Tôn Giáo

03/06/200300:00:00(Xem: 4118)
HUẾ -- Trong một buổi "tọa đàm liên tôn" do nhà nước tỉnh Quảng Trị tổ chức, đại diện Giáo Hội PGVNTN lần đầu tiên được mời dự -- và buổi nói chuyện đột nhiên ra ngoài dự đoán, bởi vì Thầy Hải Tạng (GHPGVNTN) và linh mục Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang cùng linh mục Giuse Dương Ðức Toại đã chất vấn các vi phạm nhân quyền của chính phủ. Bản tin từ Huế viết về tình hình đó như sau.
Ðấu tranh cho Tự do tôn giáo tại Giáo phận Huế
Bản tin ngày 27-05-2003
I- Linh địa La Vang, đất bằng dậy sóng!
Ngày 07-5-03: các chức sắc Phật giáo và Công giáo thuộc tỉnh Quảng Trị đã được chính quyền tỉnh mời họp mặt, gọi là tọa đàm về những "thành tựu mọi mặt" của tỉnh nhà và đặc biệt về "tin vui mới" cho các giáo hội là Nghị quyết đầu năm 2003 của đảng Cộng sản về công tác tôn giáo. Trong cuộc tọa đàm, đã có nhiều tiếng nói cất lên. Sau đây là những lời phát biểu chính, chúng tôi xin ghi tóm lược.
1- Thượng Tọa Thích Hải Tạng, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất:
a- Chưa thấy cái gì trong Nghị quyết đáng gọi là mới cả, vì đã có trong bao Nghị quyết, Chỉ thị, Nghị định về tôn giáo từ 1975 đến giờ.
b- Muốn xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc như Nghị quyết nói, cần tôn trọng quyền lợi của tôn giáo. Khối "chúng ta" phải là môi trường cho mỗi "ta" phát triển; và mỗi "ta" phải phát triển mới tạo thành khối "chúng ta" được!
c- Nghị quyết đảng nói đến xã hội công bằng, văn minh. Hiện nay, trong việc làm đơn xin xây dựng hoặc xin hộ khẩu, thầy nào "khéo léo, biết điều, quan hệ tốt" sẽ mau kết quả. Thầy nào quá thiệt thà, chất phác, cứ đợi mãi hoài. Dân chúng cũng chịu cảnh tương tự!
d- Công tác tôn giáo, theo Nghị quyết, là nhằm xây dựng văn hóa. Nhưng xin nhớ tôn giáo là bộ phận chính trong tổng thể văn hóa, làm thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Hầu như làng nào, thôn nào cũng có đình, chùa, nhà thờ... Vậy mà trong "làng văn hóa" nhà nước hiện đang muốn xây khắp nơi, truyền thống tôn giáo rất mờ nhạt.
e- Nghị quyết có nói tới quyền tự do hành đạo. Thế thì một chức sắc đã ra trường đương nhiên có quyền truyền đạo và hành đạo mọi nơi, không cần chi phải được phép, phải xin tạo điều kiện! Vậy mà hiện nay, chức sắc chúng tôi làm gì, đi đâu đều phải xin phép cả. Về đất đai tôn giáo thì đây là quyền lợi thiết thân, nhà nước cần phải tôn trọng.
(Chú thích: Thượng tọa Hải Tạng, nhà tranh đấu nổi tiếng đất Thừa Thiên - Quảng Trị, từng bị ngồi tù CS, cả chục năm rồi không hề được mời tọa đàm, nay mới là lần đầu tiên. Về Làng văn hóa, trên Tây nguyên thậm chí có mô hình "Làng Văn hóa - Không tôn giáo").
2- Cha Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang, hạt trưởng hạt Quảng Trị:
a- Nhà nước nói kinh tế đang tăng trưởng ở Quảng Trị. Vậy thì tôn giáo cũng phải được tăng trưởng song song. Nhưng chúng tôi nhận thấy: toàn tỉnh Quảng Trị mới có 10 linh mục. Năm 2002, chính quyền chỉ chấp nhận bổ nhiệm 2 trong 4 linh mục xin làm mục vụ tại Quảng Trị. Năm 2003, tòa tổng giám mục xin bổ nhiệm 4 linh mục; nhưng cho tới nay, chúng tôi vẫn phải chờ đợi dài cổ. Chính quyền muốn tỏ thiện chí phải giải quyết nhanh gọn!
b- Nhà nước chủ trương phủ xanh đồi trọc và bảo vệ môi trường thiên nhiên để khai thác du lịch sinh thái. Ðồi Thánh giá thuộc sở hữu Trung tâm Thánh Mẫu La Vang, là một cảnh quan rất đẹp. Thế nhưng nhà nước lại đang tàn phá đồi đó: xẻ làm đường và lấy đất bán. Chúng tôi tố cáo và lên án việc vi phạm thiên nhiên và vi phạm sở hữu này.
(Chú thích: Sở dĩ 4 linh mục không thể tới nhiệm sở là vì chính quyền Quảng Trị cột việc này với việc giải quyết Hội đồng Quản trị La Vang mà họ cho là bất hợp pháp. Thế nhưng Tòa tổng giám mục luôn khẳng định: Hội đồng Quản trị La Vang là chuyện nội bộ. [Xin xem lại Bản tin 19-3-03]. Mới đây, ông Triêm, công an tôn giáo tỉnh, tỏ ra bực tức khi nghe tân linh mục Trần Ðức Diễn, đang giúp mục vụ giáo xứ Trí Bưu và là một trong số 4 vị nói trên, lặp lại ý kiến của Toà Tổng Giám mục. Ông ta hăm dọa: "Ðừng hòng ra Quảng Trị!". Ngày 16-5-03, lúc tới thăm linh mục Phan Miên, quản xứ Thuận Nhơn, ông Triêm cũng tỏ ra hằn học với lập trường của Ðức Tổng giám mục Huế, gọi ngài bằng "ông Thể" chứ không còn gọi "Ðức giám mục" như trước đây. Kiểu cách hành xử như thế của cán bộ tôn giáo tỉnh làm sao dẫn tới đoàn kết tôn giáo, ổn định xã hội nổi" Phải chăng ông Triêm là một cán bộ năng nổ đang thực hiện chính sách o ép Công giáo của chính quyền Quảng Trị")

3- Cha Giuse Dương Ðức Toại, quản nhiệm trung tâm Thánh Mẫu La Vang:
Nhà nước cho biết Quảng Trị đang vươn lên, đặc biệt về điện, đường, trường, trạm. Xin chúc mầng thành quả này (Chú thích của PV: thành quả sau 28 năm!). Riêng ngành du lịch đang chú tâm phát triển các môi trường thiên nhiên. Ðiều đó rất tốt.
La Vang là một môi trường thiên nhiên đồng thời là địa điểm hành hương quan trọng của Công giáo. Nhưng hiện nay nhà nước đang xâm phạm môi trường này. Ðồi Thánh giá của chúng tôi ở La Vang đang bị cày ủi để lấy đất bán và làm đường xuyên qua. Ðây là một hành động không thể chấp nhận được!
(Chú thích: Diễn tiến vụ việc nhà nước cày ủi đồi Thánh giá ở La Vang :
Tháng 11-2002 : Nhà nước gửi văn thư yêu cầu lập tờ trình đất đai của La Vang.
18-12-2002 : Linh mục Dương Ðức Toại gửi cho nhà nước tờ trình về đất đai Thánh địa La Vang đồng thời đề nghị kiểm định và xác nhận. (Xin xem tài liệu bên dưới).
12-3-2003 : Sở địa chính tỉnh Quảng Trị, phòng nông nghiệp huyện Hải Lăng cùng uỷ ban nhân dân xã Hải Phú tiến hành xác định hiện trạng sử dụng đất La Vang và xác nhận số đất đai khác thuộc tổng thể Thánh địa sẽ được tái tạo về lâu về dài (x. Tài liệu dưới).
21-3-2003 : Sở địa chính tỉnh gởi văn thư yêu cầu linh mục quản nhiệm làm đơn xin những phần đất chưa sử dụng. Cha Toại quyết không làm đơn xin, lập luận rằng những phần đất ấy đã và đang là sở hữu của Thánh địa.
06-4-2003 : UBND xã Hải Phú cùng với Ðội 6 Cầu đường, Long Hưng, Hải Phú làm bản hợp đồng khai thác đất mở đường lâm nghiệp. Trong bản hợp đồng này, một phần đất của Thánh địa La Vang, trong đó có đồi Thánh giá, bị xâm phạm. (x. Tài liệu dưới). Nên nhớ ông Văn Viết Long, chủ tịch UBND xã, là người đã được thông báo ít nhất hai lần về phạm vi đất đai của Thánh địa. Thế nhưng ông ta vẫn ngang nhiên làm hợp đồng với đội cầu đường để chia chác quyền lợi trên tài sản của người khác.
Ðầu tháng 5-2003 : Ðoàn xe cày ủi xúc đất tiến chiếm đồi Thánh giá La Vang (vốn nằm ở mặt hậu Linh địa). Chúng đào xới ngang dọc, thậm chí lấn tới quảng trường Thánh Tâm. Linh mục quản nhiệm liền thành lập một tiểu đội quyết tử (gồm nhiều thanh niên giáo xứ) để bảo vệ đất Mẹ. Anh em đã thề hy sinh mạng sống, sẵn sàng chịu đổ máu để bảo toàn Linh địa. Hiện nay họ ngày đêm thay phiên nhau canh phòng, hễ thấy đoàn xe cày ủi của bọn cướp đất tiến vào là nằm lăn trước mũi xe, dùng thân người chặn bánh xe lại. Linh mục quản nhiệm nuôi dưỡng anh em trong thời gian bảo vệ này và sẽ lo an táng lẫn chu cấp gia đình nếu anh em tử nạn. Hiện giờ lũ linh địa tặc đang khựng lại để bày mưu tính kế khác. Ðược biết, tháng 9-2002, các anh em này cũng đã một lần dũng cảm ngăn chận một chiếc xe tính ủi đất đồi Thánh giá.
Phải chăng đồi Thánh giá La vang rồi đây sẽ có những thánh giá thực và sẽ trở thành nổi tiếng như Ðồi thánh giá bên Lithuania thời Cộng sản Ðông Âu"
Khi được thông báo toàn bộ sự việc trong ngày tĩnh tâm tháng (06-5-2003), toàn thể anh em linh mục Huế đã rất xúc động trước thái độ cương quyết của linh mục quản nhiệm và anh chị em giáo dân La Vang. Mọi giáo xứ trong tổng giáo phận Huế hiện nay đều sẵn sàng kéo về La Vang để quyết giữ đất Mẹ).
4- Cán bộ tỉnh Quảng Trị (chỉ thị):
Các vị lãnh đạo tôn giáo tỉnh ta hôm nay đã được hân hạnh hiểu rõ quan điểm của đảng ta trong Nghị quyết mới về công tác tôn giáo. Các vị thành thử có trách nhiệm phổ biến cho cơ sở của mình (nghĩa là giáo xứ và giáo dân của mình) được biết để chấp hành !"!
(Chú thích: Trong buổi tọa đàm này, có đủ cán bộ các ban ngành cấp tỉnh, đặc biệt có ông Chiến, cán bộ tôn giáo; ông Dung, công an tôn giáo; ông Chính, phó chủ tịch UBND tỉnh. Trong tinh thần "học tập Nghị quyết", hiện nay một số linh mục trong Giáo phận đã phổ biến cho giáo dân bản "Nhận định về Nghị quyết của Trung ương đảng về công tác tôn giáo". Cũng xin nhắc lại một chuyện cũ: Trong lần họp để góp ý cho Dự thảo Pháp lệnh tôn giáo đầu năm 2001, cha hạt trưởng Nguyễn Vinh Gioang, thay vì góp ý, đã đọc lên Sắc lệnh về Tự do tôn giáo của Công đồng Vatican II cho mọi người nghe!).
Phóng viên tường trình từ Quảng Trị

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.