Hôm nay,  

Khi Đại Sứ Đồng Minh Không Muốn Tháo Chạy

18/04/200600:00:00(Xem: 5928)
Đang khi Washington đã ngoảnh mặt rồi mà một mình Đại Sứ Martin vẫn còn ngẩn ngơ nhìn vào quân dân Miền Nam một cách luyến tiếc.

“Sẵn Sàng Hy Sinh Tất Cả”

- Ấy chết, như vậy thì còn tiền đâu để nhập cảng"

- Tình hình này thì còn nhập gì nữa!

- Vẫn còn hy vọng Quốc Hội cấp thêm 300 triệu đôla quân viện, làm gì phải vội"

- Đâu còn thời giờ mà đợi!

- Nhưng nếu họ biết mình còn tiền thì lại càng có cớ không viện trợ"

Một vài thành viên trong Nội Các bàn bạc vào đầu tháng 4, 1975 sau khi TT Thiệu có chỉ thị nghiên cứu khả năng mua tiếp liệu từ Mỹ. Và lần đâu tiên ông nói tới hai chữ “xả láng” về vấn đề này. Lúc ấy, đề tài ‘còn có thể làm gì nữa để giúp quân đội ổn định tình hình đang được chính phủ thảo luận khẩn trương.

“Chính phủ VNCH dường như đang cân nhắc việc dùng dự trữ ngoại tệ của mình để mua đạn dược. Xin cho chúng tôi biết cần làm những gì cho thủ tục ‘Bán Quân Nhu Ra Ngoại Quốc’" Phải cần bao lâu để có thể bắt đầu chuyên chở số quân nhu này"…”

(The Government of Vietnam appears to be giving some consideration to purchase munitions with the foreign exchanges reserves. What would be needed to set up a Foreign Military Sale case for this" How quickly could a shipment start moving…")

Trên đây là đoạn đầu trích từ một mật điện ghi số “SÀIGÒN 0709” do Toà Đại Sứ Mỹ đánh về Toà Bạch Ốc. Và ngày gửi là 17 tháng 4, 1975, tức là chỉ còn xấp xỉ hai tuần nữa trước khi Miền Nam sụp đổ.

- “Như vậy là ở bất cứ chỗ nào cán cân lực lượng cũng đã thiên hẳn về phía Cộng sản rồi,” TT Thiệu tóm tắt sau khi nghe Bộ TTM báo cáo tình hình quân sự tại bốn quân khu. Ngày 1/4/1975, sau khi Đà Nẵng thất thủ, ông chủ tọa một buổi họp khẩn tại Dinh Độc Lập. Thành phần tham dự, ngoài Tổng Thống, có Phó TT Trần Văn Hương, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Đại Tướng Cao Văn Viên và hai sỹ quan Bộ Tổng Tham Mưu tháp tùng (tôi không ghi tên nên không nhớ rõ), Trung Tướng Đặng Văn Quang, Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc, và Tổng Trưởng Nguyễn Tiến Hưng.

- “Các sư đoàn 1, sư đoàn 2, một nửa sư đoàn 3, các sư đoàn 22, 23, và một phần lớn sư đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến: như vậy là 6/13, gần một nửa quân đội chủ lực VNCH đã bị “hors de combat” (out of actions),” ông Thiệu tính toán.

Sau khi bàn tới một kế hoạch “tái võ trang” đang được nghiên cứu lúc đó, ông nói thêm:

- “Hiện ta có 27 sư đoàn Điạ Phương Quân [270.000 quân" NTH] có thể lấy một ít đổi ngay thành sư đoàn TQLC; ngoài ra các sư đoàn 2, 3, và TQLC vẫn còn hy vọng tái trang bị, nhất là TQLC.”

- “Nếu trang bị TQLC thì nhanh hơn, có thể chỉ cần một nửa tháng; còn nếu muốn trang bị các sư đoàn khác thì cũng phải mất một tháng,” Đại Tướng Viên trình bày, sau khi bàn bạc về các phương thức tái võ trang.

- “Phải cố gắng bằng mọi cách làm lại những sư đoàn bị tê liệt,” TT Thiệu chỉ thị.

- “Không biết địch có cho ta đủ thời giờ không,” ĐT Viên tiếp theo.

Thời giờ là vấn đề bức xúc nhất lúc ấy. Tìm đâu ra tiếp liệu, đặc biệt là đạn dược và xăng nhớt" Và làm sao có ngay được" Như đã viết trong cuốn ‘Khi Đồng Minh Tháo Chạy’ (KĐMTC), dự trữ đạn của VNCH bị ảnh hưởng sâu xa vì đã mất đi một lượng quan trọng ngay đầu năm 1973. Vào đêm hôm đình chiến sau Hoà Đàm Paris (27 tháng Giêng, 1973), sáu chiếc tàu chở đầy ắp đạn dược đang thuận buồm xuôi gió trên Thái Bình Duơng tiến vào hải phận Việt Nam bỗng được lệnh quay trở về Hoa Kỳ. Số đạn này đã mua từ trước và đang được vận chuyển rồi nên kể như không bị ảnh hưởng do Hiệp Định quy định. Vậy mà nó đã không tới nơi! Thế là 55.000 tấn đạn đã bị mất đi một cách bí mật. Bí mật này đã do tướng John Murray (hiện còn đang cư ngụ tại Springfield, Virginia), Chỉ Huy Trưởng Văn Phòng Tuỳ Viên Quốc Phòng tiết lộ.

Khi quân đội Hoa Kỳ rút hết toàn bộ, VNCH vẫn hy vọng là TT Nixon sẽ bù đắp vào bằng cách tăng viện trợ cả quân sự lẫn kinh tế cho đầy đủ như đã cam kết. Trong cuộc họp giữa hai Tổng Thống Nixon và Thiệu tại San Clemente đầu tháng 4, 1973, lại còn có cả một kế hoạch 5-năm viện trợ đầy đủ cho Miền Nam. Nhưng trong thực tế thì ngược lại. ]

Như Lewis Sorley tác giả cuốn “A Better War,” (1999) đã viết về việc VNCH bị đặt trước hai sự lựa chọn: “Nếu không ký Hiệp định Paris thì chắc chắn Hoa Kỳ sẽ ký một mình và Quốc Hội sẽ cúp viện trợ rất nhanh. Nếu chấp nhận Hiệp định để còn hy vọng tiếp tục nhận được viện trợ thì lại bị bắt buộc phải chấp nhận một tình huống không thể kéo dài được, đó là sự tiếp tục đồn trú nguy hiểm của quân đội Bắc Việt khắp lãnh thổ. Với linh cảm chết người, Miền Nam đã nhận lựa chọn thứ hai, để rồi -một cách kinh hoàng- lại phải gánh chịu hậu quả bết bát nhất của cả hai sự lựa chọn...”

(“A Better War” là cuốn sách đang được chính phủ TT Bush nghiên cứu trong khuôn khổ hoạch định chính sách đối với Iraq).

Có ba yếu tố tác động quan trọng chung quanh vấn đề quân viện cho Miền Nam:

1. bị cắt xén quá đột ngột;

2. cắt đi với nhịp độ quá nhanh; và

3. mức lèo tèo còn lại thì bị ngay cú sốc siêu lạm phát vào mùa thu 1973 làm tiêu hao hết mãi lực.

Cú sốc này là do trận chiến Do Thái - Ả rập : giá xăng nhớt, đạn dược tăng lên vùn vụt. Một quả lựu đạn đang từ $1.95 lên $2.85, tăng 46%. Đạn pháo 155 ly từ $1.95 lên $2.85, tăng 46%. Sổ sách Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tính từng đồng, không trật đi đâu được. Bởi vậy, ngay từ ngày 13 tháng 2, 1974, Đại Tướng Cao Văn Viên đã phải ra lệnh hạn chế việc sử dụng quân cụ, quân trang các loại. Người lính bộ binh thường vẫn mang sáu lựu đạn, bây giờ chỉ được phát có hai. Súng cối và trọng pháo bảo vệ tiền đồn chỉ được phát có bốn quả đạn mỗi ngày và mọi cuộc pháo kích đều phải ngưng để tiết kiệm đạn dược,” ông xác nhận lại sau ngày sụp đổ (The Final Collapse, trang 54-55). Cũng theo ông, vào cuối 1974, số đạn tồn kho chỉ còn đủ để cung ứng cho 45 ngày….

Rồi vào tháng 4, 1975, số dự trữ ở tất cả bốn kho gom lại cũng chỉ còn đủ để cung ứng từ 14 đến 20 ngày. Tình trạng tiếp liệu như thế thì lấy gì mà cung cấp cho những đơn vị mà TT Thiệu muốn tái trang bị"

Tiếp theo buổi họp ngày 1 tháng 4 tại Dinh Độc Lập, chỉ hai ngày sau, mồng 3 tháng 4, lại một cuộc họp khác được triệu tập. Lần này là họp giữa Phái Đoàn Tướng Fred Weyand, Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ và Chính Phủ VNCH. Đứng về phương diện lịch sử, đây là buổi họp quan trọng vì là lần họp cuối cùng, kết thúc mối bang giao của VNCH với đồng minh Hoa Kỳ trong suốt 20 năm, và dưới hai nền Cộng Hoà.

Xin nhắc lại là sau khi TT Thiệu viết bức tâm thư cầu cứu vào ngày 25 tháng 3, 1975, TT Ford không trả lời, nhưng gửi tướng Weyand tới Sài gòn để thẩm định tình hình (xem KĐMTC, trang 262). Buổi họp này là để tổng kết những nhận xét của phái đoàn Hoa Kỳ trong thời gian làm việc một tuần lễ vừa qua. Thành phần tham dự, về phía VNCH: ngoài TT Thiệu, có Phó TT Hương, Thủ Tướng Khiêm, Đại Tướng Viên, Tổng Trưởng Hưng (và một người nữa, tôi không nhớ rõ). Phía Hoa Kỳ thì ngoài Tướng Fred Weyand, có Đại sứ Graham Martin, ông Von Marbod (Đệ Nhất Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng), Tướng Homer Smith (Chỉ Huy Trưởng, Văn Phòng Tùy Viên Quân sự Hoa Kỳ), và ông George Carver (đại diện CIA), (xem hình trang 270, KĐMTC). Sau khi hai bên đã bàn bạc một thời gian dài về tình hình chiến trường, đề mục then chốt là vấn đề tiếp liệu.

- “Chúng tôi sẽ cung ứng theo như nhu cầu cần thiết của quý vị, và sẽ cắt nghĩa cho Quốc Hội” (We will get you the assistance you need and explain to Congress)), Tướng Weyand hứa hẹn.

- “Cho rằng sẽ có viện trợ, phải cần bao lâu để chở tới Sàigòn"” ĐS Martin nắm ngay cơ hội và vội hỏi. Tướng Weyand chỉ vừa nói ‘sẽ cung ứng’ là ông Đại sứ cho như đã xong rồi và chỉ còn lo vấn đề chuyển vận nữa thôi. - “Chúng tôi có sẵn tiếp liệu hầu như ngay lập tức nếu có chuẩn chi; chúng tôi có dự trữ ở Okinawa và ở Đại Hàn,” ông Marbod trả lời. Và dường như để khích lệ cho đối tác, ông còn thêm: “Bây giờ không còn phải là lúc để tiết kiệm đạn dược nữa, các ông có thễ huỷ bỏ lệnh hạn chế đạn dược để giúp cho quân đội lên tinh thần.”

Như vậy là ở ngay gần Việt Nam vẫn có sẵn dự trữ của Mỹ. Tuy nhiên, cũng chẳng trông gì rằng nó sẽ được chuyển tới kịp vì khó mà Quốc Hội sẽ chuẩn chi thêm. Bởi vậy, TT Thiệu chỉ thị phải tiếp tục việc nghiên cứu khả năng dùng dự trữ riêng của VNCH để mua tiếp liệu.

VNCH còn bao nhiêu đôla"

Tình hình dự trữ ngoại tệ của VNCH như thế nào" Tiện đây, tôi cũng xin ghi lại cho lịch sử về dữ kiện này: theo sổ sách Ngân Hàng Quốc Gia (NHQG) được liên tục kiểm toán thì ngoài số vàng là 16 tấn trị giá khoảng $120 triệu (theo giá vàng lúc đó) tình hình dự trữ về ngoại tệ như sau:

Tổng Kết Tình Hình Dự Trữ Ngoại Tệ Của VNCH

Dự Trữ Ngoại Tệ (tỷ đồng):

Năm 1973 -- Năm 1974

Tháng 3: 69.8; 60

Tháng 6: 69.3; 64.6

Tháng 9: 61.3; 100.1

Tháng 12: 68.6; 114.2

Hối suất (tỷ giá): US$/Đồng VN

Năm 1973 -- Năm 1974

Tháng 3: 475; 590

Tháng 6: 500; 640

Tháng 9: 510; 670

Tháng 12: 550; 685

Dự Trữ Ngoại Tệ tính ra US$ (triệu):

Năm 1973 -- Năm 1974

Tháng 3: 147; 102

Tháng 6: 139; 101

Tháng 9: 120; 149

Tháng 12: 125; 167.

Đây là số tiền đôla riêng của VNCH do Ngân Hàng Quốc Gia (NHQG) giữ chứ không phải số tiền viện trợ còn lại do Hoa Kỳ quản lý tại Washington (số tiền viện trợ này đã được dùng để chí phí cho đoàn ngươi tỵ nạn đợt đầu như đã viết trong cuốn KĐMTC, trang 446).

Kế toán NHQG ghi số dự trữ bằng đơn vị đồng Việt Nam. Trên đây là tôi tính ra đôla theo hối suất của từng thời điểm. Vào hai năm 1973-1974, vì lạm phát quá cao, đồng tiền mất giá. Nhưng thay vì phá giá, hối suất được điều chỉnh cho xuống từ từ để tránh gây xáo trộn. Lưu ý độc giả là dự trữ ngoại tệ đang trên đà giảm nhanh, từ 147 triệu đôla vào Quý 1, 1973 xuống 101 triệu vào Quý 2, 1974. Nhưng từ tháng 9, 1974, chiều hướng đổi ngược lại, dự trữ bắt đầu tăng nhanh. Sở dĩ như vậy là vì VNCH mới thu được mấy chục triệu đôla do các hãng đào dầu nộp thêm.

Các hãng đào dầu đã nộp vì từ tháng 8, 1974 thì triển vọng dầu lửa bỗng nhiên trở nên rất lạc quan. Hãng Pecten vừa đào trúng ngay dầu ở lô 08-TLD, đặt tên là HỒNG-9, rồi giếng thứ hai, DỪA 1-X. Tới tháng 10, hãng Mobil lại tìm được “lượng dầu quan trọng” dưới độ sâu 2.7 cây số (9,000 feet). Thấy vậy, các hãng Esso và Sunningdale lại càng hăng lên, nhất quyết là cuối năm 1975 thì cũng đã có 20 dàn khoan hoạt động. Theo ước tính thì muộn lắm là cuối 1977 Miền Nam đã có thể xuất cảng được một lượng dầu khả quan rồi (KĐMTC, trang153-155).

Sau khi được báo cáo về HỒNG-9, khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10, 1974 (tôi không nhớ rõ ngày), TT Thiệu bảo tôi đi với ông ra thăm mỏ dầu. Trên chuyến trực thăng bay ra khơi, xa xa, khi nhìn thấy ngọn lửa cháy sáng trên vòm trời từ những dàn khoan, vẻ mặt ông Thiệu có bề tươi lên, ông nhìn thật chăm chú. “Bao giờ thì mới thực sự có dầu,” ông hỏi. Tôi trả lời là theo Bộ Kinh Tế ước tính dựa trên những thông tin của các hãng thì muộn lắm là tới cuối 1977. Trong lúc nhận được những tin tức bi đát liên tục, ngọn lửa nghi ngút từ ngoài khơi chắc cũng đã rọi vào tâm trí ông Tổng Thống được một tia sáng. TT Nixon vừa từ chức, Quốc Hội Mỹ đang giảm viện trợ thật nhanh, nạn siêu lạm phát lại hoành hành, kinh tế khủng hoảng, mọi sự đều thiếu thốn.

Trên dàn khoan, khi chuyên gia trình bày về khả năng sản xuất, ông Thiệu lắng nghe mọi chi tiết. Người chuyên gia kết luận rằng nếu có thêm sự khuyến khích (incentive) thì hãng có thể tăng phương tiện để đào nhanh hơn.“Khuyến khích cách nào,” ông nhìn tôi hỏi. Tôi trình bày rằng có thể xem xét lại hợp đồng rồi cho họ chia phần cao hơn, hoặc nghiên cứu khía cạnh thuế má để cho họ ưu đãi khi bắt đầu xuất cảng dầu. Ông Thiệu đồng ý ngay: “Được chứ, được chứ.” Sau chuyến thăm dàn khoan, ông có ý định sẽ nói chuyện với đồng bào về dầu lửa trên đài truyền hình để tác động tinh thần. Cuối tháng 10, khi Văn Phòng Chính Phủ thông báo chương trình nghi lễ của ngày ‘Chiến Sĩ Trận Vong,’ tôi mới biết rằng thùng dầu đầu tiên đã được chở về Sàigòn để đem lên Nghĩa Trang Biên Hoà phúng viếng.

Sáng sớm hôm ấy, ngày mồng 2 tháng 11, 1974, khi sương mù vẫn còn lảng vảng bao trùm trên Nghĩa Trang Quân Đội, toàn thể Nội Các đã có mặt. Trong đoàn tuỳ tùng của Tổng Thống, tôi nhớ có Đại Tá Trần Thanh Điền (hiện đang cư ngụ tại San Jose, California). Nghi lễ đặt vòng hoa bắt đầu, TT Thiệu đích thân châm lửa vào một vạc dầu lớn để trên đỉnh đồng ngay trước đài tưởng niệm. Lửa bốc cháy sáng rực, át cả ánh bình minh lúc vừa hé rạng. Ban Quân Nhạc chầm chậm cử bài Chiêu Hồn Tử Sĩ, mọi người chắp tay vái lậy, cầu xin hương hồn các chiến sĩ anh hùng phù hộ cho đất nước trong giờ phút hiểm nghèo này.

Nhìn lại hoàn cảnh lịch sử lúc ấy, VNCH chỉ muốn vận động có 300 triệu đôla mà cũng không được. Ngày nay, theo như thông tin trên mạng, nội trong năm 2006, Việt Nam sẽ xuất cảng khoảng 18.7 triệu tấn dầu thô. Vào thời điểm này, giá “ngày giao hàng’ dầu thô vào tháng 4, 2006 (‘April delivery price’) là $63.7/một thùng (barrel). Nếu ta chỉ ‘tính non’ và lấy giá trung bình cho cả năm là $60/một thùng, thì trị giá xuất cảng dầu cũng lên tới 8.4 tỷ đôla. Đó là chưa khai thác được các mỏ ở quần đảo Trường Sa. Ở đây mới là nơi có những mỏ quan trọng. Theo như phân tích của các hãng đào dầu năm 1974 thì mỏ ở Trường Sa lại ăn thông với túi dầu lớn tại Indonesia, một trong khối ‘Các Quốc Gia Sản Xuất Dầu Lửa’ (OPEC).

Ngày nào Trường Sa được khai thác, số thu hoạch ngoại tệ sẽ tăng lên nhiều. Và bao nhiêu thế hệ tương lai sẽ thừa hưởng tài nguyên của Trời cho đất nước Việt Nam. Nhưng ta nên nhớ rằng thùng dầu đầu tiên đã được đốt lên tại Nghĩa Trang Biên Hòa. Như trái cây đầu mùa, và vào mùa đầu tiên (người Bắc gọi là ‘quả bói’), nó đã được hái xuống để phúng viếng. Âu cũng là một nghĩa cử trang trọng đối với những chiến sĩ đã vị quốc vong thân.

Số tiền dự trữ để ở đâu"

Trở lại số tiền dự trữ. Phần lớn thì chắc chắn là không phải để trong kho tại trụ sở ở Bến Chương Dương. Ngân Hàng Quốc Gia, cơ quan có trách nhiệm luôn ký thác dự trữ ngoại tệ theo thông lệ Ngân Hàng Trung Ương của các quốc gia trong khối Tự Do. Dự trữ bằng những chỉ tệ mạnh (hard currencies) đều được giữ ở những ngân hàng lớn như Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ ở New York và San Francisco, Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế ở Basel, Thuỵ sĩ, Bank of America hay Citybank. Số tiền ký thác ở Mỹ còn khoảng 100 triệu đô la. Những tài khoản dự trữ thường được đầu tư phần lớn vào công khố phiếu của các quốc gia có kinh tế mạnh đặc biệt là Mỹ (vừa an ninh, lại sinh lời, vừa dễ bán đi khi cần), và một phần giữ bằng thanh khoản (để thanh toán trong nghiệp vụ nhập cảng). Như vậy, nói chung thì số tiền dự trữ có thể sử dụng được tương đối là nhanh. Tuy nhiên, muốn thanh toán một nghiệp vụ “ngoại thương” thì luôn cần đến tín dụng trong bước đầu.

Làm sao mua được tiếp liệu "

Mời độc giả theo dõi mật điện # 0709 do ông A. Denny Ellerman, Tham Vụ Kinh Tế Hoa Kỳ tại Toà Đại sứ Mỹ ở Sàigòn thừa lệnh ĐS Martin, gửi về cho ông Malcomb Butler tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Toà Bạch Ốc. Ông Ellerman cũng là người khá thân tín với ĐS Martin. Trong phần trích dẫn, những đoạn in chữ đậm là trích thẳng từ bức mật điện; phần bình luận là của tác giả.

Chuyển qua đường giây của Martin

SÀIGÒN # 0709

Xin chuyển vào giờ làm việc đầu tiên

Ngày 17 tháng 4, 1975

Người nhận: Malcomb Butler, NSC (Hội Đồng An Ninh Quốc Gia), Wash DC

Người gửi: Denny Ellerman, Tham Vụ toà ĐS Hoa-Kỳ

Vấn đề: Khả năng mua đạn dược

1. “Chính phủ VNCH dường như đang cân nhắc việc dùng dự trữ ngoại tệ của mình để mua đạn dược. Xin ông cho biết: cần phải làm những gì cho thủ tục ‘Bán quân nhu ra ngoại quốc’" Phải cần bao lâu để có thể bắt đầu chuyên chở số quân nhu này" Loại tín dụng nào có thể sắp xếp được để tài trợ" Làm thế nào chúng tôi có thể bắt đầu tiến hành cho nhanh nếu có quyết định (của Chính phủ VNCH)"”

Bình luận:

Thủ tục “Bán Quân Nhu Ra Ngoại Quốc” tại Mỹ rất chặt chẽ, rườm rà, nhất là trong thời còn chiến tranh lạnh. Vận chuyển tiếp liệu lại là vấn đề khác. Nếu muốn có cho nhanh thì phải gửi bằng máy bay, nhưng phí tổn chuyên chở lại quá đắt (vì giá xăng tăng vọt, từ $2/barrel lên $12/barrel chỉ nội trong 3 tháng cuối năm 1973). Trước 1973, chỉ số vận chuyển từ Mỹ sang Việt Nam bằng máy bay và tàu thuỷ là 10 trên 1 (một tấn hàng gửi bằng tàu thuỷ phí tổn là $100, và bằng máy bay là $1,000). Vào cuối năm 1974, theo Tướng John Murray thì chỉ số này đã lên 44 trên 1. Ngoài ra, nếu mua được thì lại còn phải sắp xếp xem có ngân hàng lớn nào bằng lòng cho vay để có tín dụng mà thanh toán không. Chính phủ VNCH (cũng như bất cứ chính phủ nào khác) không thể nào đi gom góp ngay trong vài ngày tất cả tài khoản gửi rải rác ở các ngân hàng tại những trung tâm tài chánh quốc tế để chi trả ngay được. Nhưng tương đối mà nói, việc dùng dự trữ ngoại tệ để mua tiếp liệu là việc có thể làm nhanh nhất trong tất cả những biện pháp khác.

2. “Thay vì đi qua ngả quân sự, tôi muốn yêu cầu ông gặp ông Clint Ranger để tham khảo ý kiến ông Erich Von Marbod (Đệ Nhất Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng). Tôi hy vọng rằng chính ông ta hoặc nhân viên của ông ta sẽ có thể cung cấp cho ông những thẩm định sơ khởi hữu ích về vấn đề này, và về việc làm sao để có thể vượt qua những trở ngại.”

Bình luận:

Vì sao Đại sứ Martin lại không muốn đi qua ngả quân sự" Vì như vậy, phải chuyển qua Tướng Homer Smith, Chỉ Huy Trưởng Phòng Tuỳ Viên Quân Sự Hoa Kỳ (đặt tại Tân Sơn Nhất) rồi ông này mới chuyển về Bộ Quốc Phòng theo hệ thống quân giai tới Bộ Trưởng Quốc Phòng James Schlesinger, sau đó Bộ Quốc Phòng mới làm việc với các cơ quan khác. Làm như vậy là ĐS Martin đã đi ra ngoài thủ tục rồi. Nhưng lúc ấy, rõ ràng là ông đang cố làm bất cứ cái gì có thể để yểm trợ. Ông lại quá rõ về thái độ phủi tay của ông Bộ Trưởng Quốc phòng James Schlesinger. Ngày 2 tháng 4, sau khi Đà Nẵng đã thất thủ, ông Bộ trưởng vẫn còn tuyên bố rằng tại Miền Nam “tương đối ít có đánh nhau lớn,” mục đích là để giảm tầm quan trọng của cường độ chiến trường. Trước khi Tướng Fred Weyand đi Sàigòn, ông còn dặn: “Fred, nên thân trọng. Đừng hứa hẹn quá nhiều. Đừng để mình bị vướng vào cái quan niệm rằng mình sẽ đảo ngược được ngọn triều. Triều nước đang xuống gần hết rồi.” (KĐMTC, trang 285). Còn ông Eric Von Marbod, tuy là dưới quyền Schlesinger nhưng có nhiều thiện cảm với Miền Nam, nên ĐS Martin thăm dò ý kiến ông xem làm sao sửa soạn để mua ngay, vì dù là mua nhưng có thể Quốc Hội cũng sẽ phản đối.

“Sẵn sàng hy sinh hết tất cả”

Mật điện 0709 viết tiếp:

4. “Thẩm định của các ông như thế nào về phản ứng của Quốc Hội đối với việc chính phủ VNCH dùng dự trữ ngoại tệ riêng của mình để mua đạn dược" Bàn cãi từ phía nội bộ chính phủ VNCH ở cấp thấp hơn (là cấp lãnh đạo) cho rằng nếu Miền Nam tỏ ra sẵn sàng hy sinh hết tất cả thì phản ứng của Quốc Hội sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cũng có những người khác đặt câu hỏi về quan niệm này và còn cho rằng như vậy là thiệt thòi, cứ nên chờ đợi cho đến khi Quốc Hội quyết định về khoản $722 triệu quân viện xem thế nào đã.”

Bình luận:

Trong khi bàn việc mua tiếp liệu, dù rằng ông Thiệu nói đến xả láng, nhưng cũng có ý kiến trong nội bộ chính phủ rằng vì VNCH còn đang chờ đợi thêm viện trợ thì không nên nói tới việc đem hết dự trữ và vàng ra mua đạn. Trước là chờ khoản $300 triệu phụ trội, sau đó không được thì lại chờ khoản $722 triệu!

Như đã viết trong cuốn KĐMTC, việc TT Ford xin thêm số $722 triệu (ngày 10 tháng 4) cũng chỉ là “một nghĩa cử trông cho đẹp” nhằm xoa dịu phía VNCH và để cho ông Thiệu khỏi la lối lên hoặc làm chuyện gì phương hại đến đồng minh. Chính ông Brent Scowcroft, Phụ Tá An Ninh của Tổng Thống đã bình luận: “Thực ra không một ai trong chúng tôi tin rằng sẽ xin Quốc Hội được khoản tiền này ($722 triệu). Việc xin như vậy chỉ là một cách làm cho chúng tôi trông có vẻ như vẫn còn thật lòng về tất cả những cố gắng ấy. Chúng tôi chỉ quan tâm đến cách rút đi và giải kết mà thôi” (KĐMTC, trang 293).

Lúc đó thì VNCH cũng thấy rõ điều ấy rồi. Khi ra Quốc Hội để yêu cầu khoản tiền này, chẳng thấy TT Ford tiết lộ gì về bức thư cầu cứu của TT Thiệu gửi ngày 25 tháng 3, và hai thư do Chủ Tịch Thượng Viện và Hạ Viện gửi cho Quốc Hội Hoa Kỳ, ông lại còn đòi Quốc Hội

phải quyết định nội trong vòng 9 ngày! Ngay sau đó, Đại sứ Trần Kim Phượng đã đánh điện từ Washington về để báo cáo tình hình bi đát. TT Ford đã lờ hẳn lời cầu cứu cuối cùng của Miền Nam lại còn mang ra một hạn chót gấp gáp như vậy thì cũng như mở đường cho Quốc Hội bác đi mà thôi.

Vào ngày 17 tháng 4, ĐS Martin chỉ còn hy vọng làm sao giúp Miền Nam kết thúc chiến tranh bằng một giải pháp chính trị. Sau này tôi có hỏi TT Thiệu là tới lúc đó mà còn muốn mua tiếp liệu thì ông cắt nghĩa rằng lúc đầu (tôi quên không hỏi ‘lúc đầu’ là bao giờ) ông có kế hoạch rút về Đồng Bằng Cửu Long, lấy Cần Thơ làm thủ đô mới: “Nếu Mỹ còn đồng ý giúp thì cũng còn khả năng rút hết về để giữ được Quân Khu IV. Khi nào qua được Bến Lức rồi thì tôi sẽ cho phá cầu đi, và đó là tuyến cuối cùng.” Tuy nhiên ông đồng ý là vào thời điểm 17 tháng 4 thì cũng chỉ còn hy vọng vào một giải pháp chính trị mà thôi, “nhưng muốn điều đình thì cần phải có một cái thế.” Như vậy cũng đúng với những nguyên tắc của bang giao quốc tế như ‘điều đình từ thế mạnh’ (negotiation from strength), hay ‘chiến tranh cũng chỉ là chính trị bằng phương tiện khác’ (war is politics by other means).

Chính vì cái thế đó, ĐS Martin đã cho Tham Vụ gửi mật điện 0709 (có ký “MARTIN”). Nhưng tại sao ông lại gửi thẳng về Toà Bạch Ốc chứ không phải là về Bộ Ngoại Giao" Có thể là vì ngay ngày hôm ấy, Ngoại Trưởng Kissinger đã gửi cho ông chỉ thị là phải ‘ra đi cho nhanh và ngay bây giờ’ (to get out fast and now) (KĐMTC, trang 355).

Thật cảm động. Đang khi Washington đã ngoảnh mặt đi rồi mà một mình ông Đại Sứ vẫn cứ còn đứng ngẩn ngơ nhìn vào quân dân Miền Nam một cách luyến tiếc.

Như vậy, vào những ngày cuối cùng, VNCH đã có hai đồng minh Hoa Kỳ: một ở Washington và một ở Sàigòn.

Nguyễn Tiến Hưng

Bài tới: Và chuyện 16 tấn vàng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.