Hôm nay,  

Giữ Chắc Một Ngọn Chủy Thủ

24/03/200600:00:00(Xem: 6518)
- (Nhân đọc Huy Phương, "Đi Lấy Chồng Xa," Nhà Xuất Bản Nam Việt, CA, USA 2006)

Vào tuổi sáu-mươi, nói một cách tổng quát, con người dần mất đi những tính cách, biểu hiện năng nổ, mạnh mẽ của thời trai trẻ, và xem đấy như là một điều thường tình, ắt có. Chuyện sẽ đến, tất phải đến vậy. Và trong tình thế co cụm, rút lui "chẳng đặng đừng" ấy, họ rút ra những "kinh nghiệm khôn ngoan", cách "ứng xử thuận lý" - Tự đánh giá như là tính chất, ưu điểm, thành quả có được từ tuổi già - Thế nên, tất cả sinh hoạt, nhu cầu vật chất, tinh thần đồng lần hạn chế, duy trì ở mức độ vừa đủ. Đủ theo nghĩa khắc kỷ. Biết mình, biết ta. Nhưng có một giới người, một tập thể người, tuy không hơn ai trong nấc thang giá trị của xã hội, nếu không nói phần lớn là thua sút qua so sánh với những tầng lớp xã hội khác về tài sản, công, danh thâu đạt, sở hữu.. Tập thể nầy với một sinh hoạt đặc thù dường như không hề bị tác động bởi thời gian và điều kiện sống. Càng về già, nỗi nung nấu từ ngày trai trẻ của họ luôn được duy trì. Không những chỉ duy trì, tồn tại, nhưng được nuôi dưỡng, phát triển với mức độ cao, sắc sảo, tinh tế, bền bĩ hơn - Nung nấu muốn được viết nên những chữ về cảnh đời họ chứng kiến, trải qua. Đấy là tập thể những người cầm bút, xử dụng chữ nghĩa như một cách sống duy nhất - Sống-Viết chỉ là Một.

Với tâm thức tổng quát như trên, tuy nhiên trước năm 2006 nầy, tôi đọc Tạp Ghi Huy Phương (đăng định kỳ trên Người Việt) khác với tình trạng tâm lý của hôm nay. Sự khác biệt ấy là: Trước những tháng 10, 11.. năm 2005 vừa qua (sẽ nói rõ hơn về thời điểm nầy), thông thường tôi chỉ đọc kỹ những bài có liên quan đến Người Lính, đời sống quân ngũ, sinh hoạt của giới người nhập cư vào Mỹ theo Chương Trình HO (bắt đầu từ 1990) mà tôi và anh là những thành viên. Đây không phải do thái độ chủ quan, tâm lý ích kỷ (chỉ quan tâm những gì có liên hệ trực tiếp đến cá nhân, tập thể của bản thân mình), nhưng như trên vừa trình bày: Bản thân luôn có cảm giác, phản ứng ĐỦ - Đủ cả hạnh phúc lẫn nỗi đau. Đủ tất cả những gì gọi là Mất-Còn. Không-Có - Phản ứng nầy đưa đến hệ quả: Đối với chúng tôi - Người & Việc chung quanh, xẩy ra mỗi ngày không có gì gọi là Mới.

Với tâm cảnh, phản ứng kể trên, tôi chỉ đã đọc và viết về Tạp Ghi Huy Phương căn cứ trên những sự việc: "Chẳng phải đợi sau ngày mãn khóa Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, người viết Huy Phương mới hiểu ra nỗi cay nghiệt thương tâm của cuộc sống Người Lính - Những người dùng xác thân (chính xác thân mình chứ không gì khác) để xây đắp nên "vinh quang sự nghiệp" của những kẻ gọi là "công hầu, khanh tướng". Và như một nghịch lý của vô vàn nghịch lý (rất hợp lý) của đời sống (trước 1975 ở Miền Nam) luôn diễn ra (đời quân ngũ càng thêm biểu hiện cụ thể), những nhân sự gọi là quân tướng, công khanh kia hoàn toàn không hiểu ra điều đơn giản (cũng là yếu tố độc nhất): "Toàn bộ cái gọi sự nghiệp của họ được dựng xây nên trên thân xác, mối nhọc nhằn, tân toan nguy nan của mỗi người lính." Họ không hiểu như thế (hoàn toàn không thấy ra điều đơn giản bi tráng nầy) nên đã xẩy ra một hoạt cảnh bình thường (rất bình thường) như sau đây qua trí nhớ của sinh viên sĩ quan Lê Nghiêm Kính hơn bốn-mươi năm trước.. "Người viết bài này còn nhớ trong cuộc hành quân thực tập cuối khóa 16 SQTB Thủ Đức giữa năm 1963, ông Chỉ Huy Trưởng buổi chiều có theo giám sát cuộc hành quân của chúng tôi, nhưng theo ông là một đoàn xe và cả một tiểu đội lính để dựng lều, có "xi-tẹc" nước cho ông tắm, có cả tủ nước đá lớn và nhiều chai rượu mạnh. Một điều gây ấn tượng mạnh, giờ này, bốn-mươi hai năm sau, tôi vẫn còn nhìn thấy như ngay trước mắt tôi, đó là tai nạn sau buổi thực tập tác xạ súng cối 60 ly của Đại Đội I chúng tôi tại quân trường. Sau giờ học, SVSQ được lệnh đi lượm các vỏ đạn để thu vào một đống. Một bạn đã vô ý ném vào một viên đạn lép 60 ly vào đống vỏ đạn. Một tiếng nổ kinh hồn đã giết mất sáu bạn trong đại đội chúng tôi và hai huấn luyện viên vũ khí, vì lúc ấy tất cả đều đứng quanh đó để chuẩn bị tập họp về trường. Đại đội trở về doanh trại với một tâm trạng buồn rầu và tang tóc. Phía trong cổng Số 6 (cổng sau ngõ ra Tăng Nhơn Phú), ông Chỉ Huy Trưởng của chúng tôi là Thiếu Tướng Trần Ngọc Tám đang cầm can chỉ huy chờ chúng tôi bên cạnh chiếc xe Hoa Kỳ có gắn bảng sao của ông, và đứng gần ông là một người lính cầm trong tay một ly rượu còn sóng sánh vàng với những viên đá cục, và tay kia một chai rượu whisky sẵn sàng chờ lệnh chủ. Ngày đó chúng tôi và bạn bè chưa biết là sẽ phải chết vì những viên tướng như thế kia và đó chỉ mới là cái ấn tượng sơ khởi ở một nơi gọi là quân trường, chưa phải là ngoài đơn vị tác chiến." (Huy Phương; Tạp Ghi "Huynh Đệ Chi Binh", Người Việt, CA2005) Chưa phải là chiến trận, chỉ mới ở quân trường, và đối tượng bị thiệt mạng lại là những sinh viên sĩ quan (nhân sự có thể trở thành sĩ quan, cấp chỉ huy tướng lãnh của ngày mai), còn bị coi rẻ đến thế.. Hỏi thử sinh mạng người lính cấp hàng binh chết nơi một góc đồn hẻo lánh, giữa trận lửa của những năm 1968, 1972, 1975.. sẽ được đánh giá là bao"!

Tôi cũng dần nhận ra: Khi viết không hẳn cần phải mô tả, nói tới những sự nghiệp ngoại hạng, thực hiện bởi những siêu nhân, kinh qua những tình thế "lớn" có tầm vóc lịch sử, thời đại (như bản thân và phần đông bằng hữu (thời tuổi trẻ) có thể đã nhiều lần nghĩ đến, dựng nên qua chữ viết). Và cuối cùng, mối nung nấu trong lòng là nỗi canh cánh thao thức viết về những cuộc đời thường. Về những con người như bạn, như tôi.. Những người ta có thể bắt gặp nơi đâu trong suốt những năm tháng dài của thập niên 50, 60, 70, 80.. ở Việt Nam, nơi Miền Nam, và nay (qua Thế Kỷ 21) do một nghiệp vận kỳ lạ tràn đi khắp thế giới với từng bi kịch riêng rẻ. Phải, mỗi người, mỗi cảnh đời của Việt Nam đã là một bi kịch toàn diện và toàn vẹn - Không phân biệt bất kỳ ai, vào thời điểm nào, trong bất cứ hoàn cảnh sống nào. Qua vị thế người lính trong chiến tranh, người tù sau chiến tranh, chúng tôi mặc nhiên chứng kiến những điều trông thấy, về người, việc vượt cao quá tầm tưởng tượng - Cho dẫu trí tưởng tượng phong phú đến thế nào. Không cần nói đủ, viết hết, chỉ kể ra được một phần nhỏ âu cũng là công việc đáng trân trọng, đánh giá cao. Chúng tôi không nói quá lời về một bổn phận, quan trọng hóa một việc làm mà thật ra chỉ là phản ứng "Bất Bình Tắc Minh" - Quá nặng lòng nên cố gắng viết lên.

Nhưng diễn tiến tâm lý trên có phần thay đổi lớn bởi một nguyên cớ: Từ cuối tháng 9, 10.. của năm 2005, tôi phải chứng kiến giờ phút cuối cùng của những Người Lính Lớn biểu trưng danh hiệu Tướng Lãnh QLVNCH. Trước tiên, Tướng Quân Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh sau cùng của Sư Đoàn Nhảy Dù, Người Lính đi từ cấp thấp nhất của hệ thống chỉ huy tác chiến, Trung Đội Trưởng đến chức vụ cao nhất, Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, Lực Lượng Tổng Trừ Bị Quốc Gia. Người trực tiếp tham dự với tư thế, nhiệm vụ quyết định đối với toàn bộ biến cố quân sự trong suốt thời gian tồn tại hai thời kỳ chế độ Việt Nam Cộng Hòa không một lần gián đoạn. Tiếp đến, Tướng Lê Văn Thân, khuôn mặt, vóc dáng Kẻ Sĩ-Chiến Sĩ cuối cùng của thời đại hỗn loạn, mọi giá trị xã hội đồng bị đổ nhào, vất bỏ. Phẩm chất Tướng Quân càng cao vời biểu hiện trong môi trường tàn nhẫn, lăng nhục, đọa đày của cảnh tù tội cộng sản - Chuẩn Tướng Lê Văn Thân là một trong số bốn tướng lãnh cuối cùng rời trại tù Hàm Tân sau 16 năm thống hận (1975-91). Tôi đã cùng người chia chung những bữa ăn kham khổ; chịu nặng một đầu chiếc cáng đưa Thảo Trường qua chiếc cầu tử-sinh ra bệnh viện Thuận Hải. Lại thêm dồn dập cái chết ắt phải đến (đến như một điều cầu xin khốc liệt) của Phan Ngọc Ân, phát ngôn viên quân sự QLVNCH (phần Anh Ngữ; các niên trưởng Lê Trung Hiền, Đỗ Việt.. là nhân tố chính với Việt ngữ) gã bạn thân thiết, hằng gắn bó suốt năm-mươi năm qua đã đẩy tôi vào trạng thái hoàn toàn kiệt lực. Và thật sự đã không đứng nổi, gượng lại được tại ngưỡng cửa nhà dưỡng lão San José, Bắc California, nơi Phạm Huấn - Phóng Viên Chiến Trường lừng lẫy của ba mươi, bốn mươi năm trước - Ngày Anh rực rỡ phong độ với bộ đồ hoa của lính biệt kích nhảy dù dịp Lễ Mãn Khóa của Khóa 16 Trường Võ Bị Đà Lạt, năm 1962; lần Anh thay mặt Người Lính Miền Nam tuyên cáo đến cả nước, cùng thế giới "Uất Hận Hạ Lào", 1971; khi Anh báo động cơn bức tử Việt Nam Cộng Hòa, bắt đầu từ rút bỏ tai họa Tây Nguyên, tháng Ba, 1975.. Người huynh trưởng hào hiệp năm xưa ấy nay đang trong những giờ phút cuối cùng của cơn cận kề tử-sinh phải chấp nhận. Và kéo dài để làm gì nữa" Thêm đau mà thôi. Chỉ còn chút ánh sáng thăm thẳm trong mắt thay tiếng nói! Và bấy giờ, ngày 22 tháng 10, 2005 là thật sự kết thúc. Tiếp ngày 22 tháng 12, 2005 của Nguyễn Đình Nghĩa - Cây sáo số Một của Quê Hương - Người đã cùng tôi chia sẻ những ngày niên thiếu nơi Đà Nẵng hằng nửa thế kỷ trước.

Cái Chết đến như một yếu tố tất yếu không thể tách rời diễn tiến của cái gọi là Sự Sống. Dẫu trí não cứng cỏi chấp nhất thế nào cũng không thể chối từ điều không thể phủ nhận nầy được. Bất kỳ ai.

Với tính trạng như trên, tháng Hai, 2006 trở lại Cali sau chuyến đi dài, đọc Tạp Ghi Huy Phương chuẩn bị cho buổi sinh hoạt tháng Ba với Đi Lấy Chồng Xa.. Rồi do từ nhiều nguyên cớ (vật chất lẫn tinh thần), con người rũ xuống cùng cơn dập vùi xa xót.. Vì bây giờ chẳng phải là câu chuyện (dẫu bi thảm) từ những hào kiệt, chiến sĩ, tướng quân, hoặc bằng hữu tài hoa, uyên bác mà chỉ là những sự việc im lặng tầm thường của những con người tự đâu đâu, ở cùng khắp qua những câu chuyện nghe kể lại.. Cô thợ may bị bỏ đói, đánh đập, hiếp dâm ở Samoa; năm chục thanh niên được"xuất khẩu" sang Mã Lai.. Sau khi bị hãng xưởng bị đóng cửa vì phá sản, những người nầy thất nghiệp, đói khát, bị đuổi ra khỏi nhà trọ vì không có tiền trả, phải che thùng carton, ván gỗ để sống ngoài hè phố trước sứ quán CSVN đề chờ giải quyết.. Đám người đói rách cùng đường nầy thậm chí phải bắt chó, mèo của dân địa phương để ăn, sống qua ngày.. Cuộc sống tàn tệ như thế chỉ chấm dứt do có "sự may mắn cuối cùng" là vì vi phạm luật pháp Mã Lai do tội ăn thit chó mèo bắt trộm, năm-mươi người Việt Nam khốn khổ đã bị trục xuất.. Cũng với chính phủ phủ Mã Lai, 400 người Việt Nam khác phải trả về nước vì tội nhập cư bất hợp pháp (do các cơ quan nhà nước và dịch vụ ở Việt Nam dụ dỗ (thật sự là lừa gạt với giá $1400/ mỗi đầu người). Trước khi bị trục xuất những "tội nhân" (gọi đúng danh là "nạn nhân của "nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam") phải chịu hình phạt đánh bằng roi theo luật pháp (Lẽ tất nhiên phải có sự chứng kiến của nhân viên sứ quán cộng sản Hà Nội - Chứng kiến sự lăng mạ xỉ nhục đối với người của một dân tộc đê tiện (đã nhập cư bất hợp pháp vào Mã Lai để xin ăn, cầu được sống sót - Huy Phương, sđd trg240-241.) Chỉ mới qua hai trang giấy với những chữ nghĩa ôn hòa, trầm tĩnh, lòng người đọc đã dậy nên cơn phẫn nộ, uất hờn với những câu hỏi: Có thể nào như thế.. Có thể nào sau hơn tám-mươi năm kể từ "Bản Cáo Trạng Chính Sách Thực Dân Pháp (Procès de La Colonisation Francaise)" do Nguyễn Ái Quốc ("!) phổ biến tại Hội Nghị Versailles (1919); rêu rao lềnh đặc trên Báo Kẻ Tiện Dân (Le Paria) trong suốt những năm 1920-1923 để tranh đấu cho "quyền làm người của giai cấp thợ thuyền" ở những nước thuộc điạ của Pháp nay lại bị thụt lùi một cách kinh hoàng thương tâm nơi một chốn được (thật ra là bị) cầm đầu bởi "nhà nước vô sản công nông đầu tiên ở Á Châu" do Hồ Chí Minh thành lập ngày 2 tháng 9, 1945 tại Hà Nội.

Và tiếp theo, đồng đảng của ông củng cố trên cả nước sau chiến thắng "đánh nhào tên đế quốc sừng sỏ của thế giới" ngày 30 tháng 4, 1975 để dựng nên một "xã hội xã hội xã hội chủ nghĩa" với "lợi nhuận" thu được do "xuất khẩu" trẻ em vị thành niên sang làm điếm ở Nam Vang; gái quê "kết hợp hôn nhân với người nước ngoài - nói trắng ra là làm đĩ ở cho người ở Đài Loan, Hồng-Kông, Đại Hàn"; và người đi lao động nước ngoài nhưng "..không khác gì hoàn cảnh những người ở trong tù. Điều trớ trêu là ở đây là ở tù mà phải đóng tiền" Câu chuyện kể ra chưa hết trang 241 của cuốn sách!

Nhưng sự việc không chỉ là một chiều - Chiều cụ thể của kinh tế, vật chất ở trong nước do giá trị tinh thần dần bị vất bỏ, đảo lộn: Mối tương quan Cha, Mẹ-Con cái; Thầy-Trò; Nhà cầm quyền-Người dân.. đồng đặt trên trị giá của những tờ bạc Đô-la Mỹ (mà đất nước không hề là một đơn vị sản xuất với định giá "một trong mười nước nghèo nhất thế giới") thì ở bên ngoài, nơi "Nước Mỹ Lạnh Lùng- Cách gọi của Huy Phương" những người Việt đã một lần kề cận tử-sinh lại rơi vào một tình trạng "bất hợp lý": "..Trong đời sống hằng ngày, câu thăm hỏi nhau phản ánh đầy đủ tâm trạng và suy nghĩ của con người trong xã hội.. Sau tháng Tư, 1975, ở miền Nam, lúc khốn đốn người ta hỏi nhau "Bây giờ sinh sống ra sao, anh đi cải tạo về chưa"" Sau đó năm mười năm thì như một phong trào, câu hỏi đầu môi mỗi người khi gặp nhau là "Nhà có cháu nào vượt biên không""hay "Gia đình có ai ở ngoại quốc không"" Nhưng có một điều mâu thuẫn, là cũng những con người đó, sau khi đã vượt biên, tìm đủ mọi cách để ra đi, bây giờ gặp nhau ở ngoại quốc, lại vồn vã chào hỏi nhau "Về Việt Nam lần nào chưa"" Chúng ta nhớ lại, lúc ra đi, ai cũng muốn đi, bây giờ chuyện về Việt Nam lại rộ lên như một phong trào. Đi đâu người ta cũng hỏi nhau về chuyện đã về (Việt Nam) chưa" Và về bao nhiêu lần"! (Huy Phương, Tạp Ghi "Quẳng Cây Gậy Trúc", Người Việt, CA2005)

Tuy nhiên, chúng ta vẫn luôn hy vọng: Số đông người Việt không hoàn toàn như thế. Những người Việt đa số nầy vẫn giữ nguyên dấu ấn của buổi khổ nạn. Họ giữ lại vết tích của nỗi đau - Không phải để gây chứng cớ thù hận - nhưng tập họp những điều bi thảm trên đoạn đường vượt biên để cho hậu thế và con cháu chúng ta biết thế nào là nỗi gian nguy của thế hệ đã bỏ nước ra đi. Vào mùa hè 2004, hai người bạn Dương Phục và Thanh Thủy, Giám Đốc Đài Phát Thanh Saigon Houston 900AM ở Texas đã sang tận Palawan Phi Luật Tân để điều đình với chính quyền địa phương mang về một chiếc tàu đã dùng để vượt biên để trưng bày tại một trung tâm thương mãi tại thành phố Houston. Ông Bà Dương Phục-Vũ Thanh Thủy đồng nhắm tới một mục đích là để kỷ niệm một biến cố vĩ đại và đau thương nhất trong lịch sử Việt Nam và cũng để nhắc nhở cho những lớp trẻ và con cháu chúng ta, về thế hệ của cha ông đã vượt biển như thế nào.. Và cũng để xác định: Chúng ta là ai" Và vì sao chúng ta đã tới đây" Câu chuyện dài thương tâm của người Việt bỏ nước ra đi được tiếp nối bởi đạo điễn trẻ tuổi Nguyễn Đức, nhiếp ảnh trẻ tuổi Brian Đoàn khi gởi đến độc giả tập ảnh "The Forgotten Ones", về hình ảnh tiêu biểu của 2000 người khốn khổ, vô vọng, bị quên lãng, chưa được đi định cư, hiện đang còn kẹt lại một nơi gọi là Làng Việt Nam trên đảo Palawan, Phi Luật Tân. Ở đấy, có những trẻ người Việt không hề có nụ cười do thai sinh, lớn lên sau hàng rào dây kẽm gai - May thay, cuối cùng có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng (HP, sđd trg106) bừng sáng như ca khúc thắm thiết của Trầm Tử Thiêng do nỗ lực của một nhóm người trẻ tuổi trong số có "thuyền nhân" tên gọi Trịnh Hội.

Người Việt Nam có vụ tàn sát Mậu Thân tại Huế, có tấn thảm kịch trên biển Đông, có những trại tập trung cải tạo, mà tất cả nhân chứng giờ này hãy còn sống ở đây, nơi đất Mỹ. Những người sống sót được tới bến bờ tự do sau bao nhiêu ngày hãi hùng trên biển cả, nhưng bây giờ, suy nghĩ trong những giờ phút ấy và hiện tại tưởng như đã xa xôi, cách biệt. Chẳng ai muốn nhìn lại con đường đã đi qua!! Chúng ta không dạy con cháu hận thù, nhưng những bài học lịch sử cần phải để lại cho đời sau một cách nguyên vẹn, đúng đắn. Chúng ta có thể nào quên được quá khứ và chúng ta sẽ nói điều gì với những thế hệ tiếp nối sau này, nếu thực sự chúng ta không muốn lịch sử sẽ tái diễn và không muốn những nỗi thống khổ của con người trên trái đất ngang ngược tồn tại! Hãy yêu thương và tận yêu thương - Lời nhắc nhở im lặng trải dài khắp tập sách mỏng.

Kịch tác gia Vi Huyền Đắc thuở sinh tiền có nhận xét tinh tế, thú vị: "Thời thanh xuân, lúc bắt đầu cầm bút, thông thường người tuổi trẻ viết nên Thơ; khi vững vàng hơn, người ta viết Chuyện Ngắn; tiếp dựng Truyện Dài, và cuối cùng viết Kịch.." Từ nhận định của người đi trước, tôi có thêm ý kiến: Xếp đặt, phân định như trên quả có phần đúng đối với trường hợp của Albert Camus, Jean Paul Sartre, Ionessco, Samuel Beckett.. của giới học thuật văn hóa Âu Tây do họ có một "sân khấu kịch" lâu dài, ổn định phát triển với một khối đông khán giả dành riêng cho kịch nghệ. Xã hội, sinh hoạt văn học đông phương nói chung, người Việt nói riêng hình như phát triển theo một hướng diễn tiến khác..

Sự nghiệp của Đỗ Phủ, Lý Bạch là một khối đá tảng Thơ kết tinh thuần khiết; Nguyễn Du, Cao Bá Quát của thuở trước; Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương suốt Thế Kỷ 20 không viết gì khác ngoài viết nên Thơ. Truyện dài võ hiệp của Hoài Điệp Thứ Lang (Đinh Hùng) chỉ là sản phẩm yêu cầu của báo hàng ngày ở Sài Gòn trong thập niên 60. Nơi hải ngoại, sau ba-mươi-mốt năm xa xứ, chúng ta nhắc đến Thanh Nam, Mai Thảo.. không phải do những truyện ngắn, chuyện dài, nhưng là những câu thơ ngắn mà họ trước tác vào buổi cuối đời. Nguyên Sa, Bùi Giáng, (kể cả) Võ Phiến.. là những chứng cớ xác định không thể phủ nhận về "Sức Mạnh của Thơ". Kahlil Gibran luôn (chỉ) là "Nhà Thơ của Phương Đông", dẫu ông viết trực tiếp bằng Anh Ngữ, cư ngụ tại Mỹ. Nhưng nếu không viết được Thơ, "Người ("thật"- Chứ không là "lớn hay nhỏ") Cầm Bút" kia có thể làm gì khác" Phía đông bán cầu (trong đó có chúng ta) thường ứng xử một phương thức riêng biệt: Viết văn tiểu phẩm.. Lỗ Tấn, Lâm Ngữ Đường của Trung Hoa; Nam Cao, Phan Khôi của người Việt. Hôm nay nếu cần đọc lại Tự Lực Văn Đoàn, hẳn số đông chúng ta chỉ tìm đọc Gió Đầu Mùa, Nắng Trong Vườn do Thạch Lam viết từ những năm 30 của thế kỷ trước. Văn tiểu phẩm hằng được coi như khí giới hộ thân thích hợp của kẻ bị yếu thế. Chuyện tiếu lâm hiện tại được rộ nở ở Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết không có không được. Tạp Ghi là con dao nhỏ, nhọn của thời đại loạn mà trường thương, kiếm sắc (vũ khí thông dụng của giới hiệp sĩ) đã hoàn toàn bị bẻ gãy. Hơn thế nữa, lượng thời gian của Người Viết lẫn Người Đọc đều không còn bao nhiêu.

Phải vung lên một thanh gươm trừ bạo như người Miền Nam đã từng "Hỏa Hồng Nhật Tảo Oanh thiên địa. Kiếm bạt Kiên Giang khốc quỷ thần..", như Người Lính Cộng Hòa lớp lớp tràn lên qua tuyến xung phong ở chân Cổ Thành Đinh Công Tráng (Quảng Trị), nơi ngõ Xa Cam đường vào An Lộc trong mùa Hè lẫm liệt 1972. Hãy hùng tráng như Thơ Yêu Nước của Lý Đông A khi đứng bên bờ Thác Nậm, biên giới Hoa-Việt.. Nhưng hỡi ôi, nay ở chốn "Nước Mỹ lạnh lùng", chúng tôi, những người lính, người cầm bút năm xưa của Miền Nam tóc hầu như hoàn toàn trắng bạc, và biết làm gì hơn khi nhìn về "Trời Nam ngàn dặm thẳm..Non nước một màu sương" với tấm lòng trùng xuống từ cơn đau liên hồi có thật.. Thế nên, viết bút ký như nén xuống tiếng thở dài uất ức. Viết tạp ghi như nỗ lực vượt qua tuyệt vọng trong một trạng thái đơn độc, hoài nghi. Chúng Tôi kể lại chuyện hằng ngày. Chuyện của mỗi người trong chúng ta cố kết từ Nỗi Đau có thật.

Chúng tôi không xử dụng con dao ngắn để làm vũ khí tấn công (những kẻ đã đẩy ta vào đường cùng khốn). Nhưng giữ chắc ngọn dao (nhỏ) nhọn trong tay để quyết liệt thủ thế, giữ mình. Chúng tôi không thể bó tay nhận thất bại dù đang ở vị thế đổi cuộc cuối đời. Ai cũng vậy.

Phan Nhật Nam

Cali, Ba-mươi năm sau ngày mất Huế

(Ngày 25 tháng Ba, 1975-2006)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.