Hôm nay,  

George W. Bush Dựng Tổng

20/11/200300:00:00(Xem: 4328)
Hiển nhiên là Tổng thống George W. Bush không chơi mạt chược như nhiều dân Á Đông, nhưng tuần qua, ông đã dựng quân Tổng, cây bài quý nhất trong tay, để ăn thua đủ. Và ông có thể ăn lớn...
Chúng ta còn vài ngày nữa là hết mùa Ramadan của Hồi giáo và quả như dự đoán, quân khủng bố Hồi giáo và các lực lượng chống Mỹ tại Iraq đã mở nhiều đợt tấn công táo bạo. Tại Iraq, hàng ngày đã có đến 35 vụ đụng độ; ngoài Iraq, bàn tay khủng bố đã gieo rắc cái chết ở nhiều nơi, đáng kể nhất là tại Turkey, cùng những hăm dọa được gửi tới các quốc gia ở xa nhất, như Nhật Bản hay cả Đại Hàn. Những ai liên hệ gần xa gì với Hoa Kỳ, hoặc chẳng liên hệ gì, đều nằm trong tầm nhắm của khủng bố.
Các nhà bình luận cận thị hoặc cầm tinh con bò đều cứ ưa so sánh Iraq với Việt Nam mà không nhìn ra nhiều khác biệt. Tại Việt Nam, cộng sản và đặc công khủng bố đều ra tay với một mục tiêu dù xảo trá vẫn được minh định rõ ràng, là để “giải phóng miền Nam”, là “chống Mỹ cứu nước" và nhờ vậy mà lừa được dư luận Mỹ và thế giới. Tại Iraq hay ở các nơi khác, quân khủng bố giết người một cách mù quáng, kể cả dân Hồi giáo tại Iraq, Turkey, Saudi Arabia hay Nam Dương, mà khỏi cần chiêu bài thuyết phục. Họ chỉ cần dư luận sợ hãi mà xa lánh mọi khái niệm tân tiến của loài người, được họ gán cho Mỹ. Dư luận không tin vào đạo Hồi thì cũng phải tin vào khả năng tàn sát của khủng bố để thoái lui, trốn chạy. Lễ trọng của Hồi giáo là Ramadan, đối tượng của khủng bố cho đợt tấn công mở màn là một tổ chức không thể nào trung lập và nhân đạo hơn: Hồng Thập Tự. Đợt tấn công Ramadan chứng tỏ cái tinh túy của khủng bố: một bọn vô đạo gây khiếp sợ bằng tàn sát. Cộng sản dẫn đến cái chết vì làm ung thối mọi cơ chế xã hội, là điều thiên hạ chỉ biết sau khi họ cầm quyền. Khủng bố al-Qaeda là cái chết, chấm hết.
Trước hành động đó, người ta có hai thái độ ứng xử: Hoặc là bỏ chạy trong lời chửi rủa Hoa Kỳ, theo kiểu “Thà đỏ hơn chết” mà một số dư luận thiên tả Âu châu đã gào lên hơn 20 năm trước, khi Ronald Reagan quyết định thiết trí hỏa tiễn chiến lược tại Tây Âu chống lại áp lực quân sự của Liên xô. Hoặc là nhìn vào thực tế mà tìm cách diệt trừ khủng bố vì biết rằng sẽ không có chỗ chạy.
Mười ngày sau khi vụ tấn công Ramadan mở màn, hôm mùng sáu, George W. Bush đã nhân lễ kỷ niệm 20 năm thành lập tổ chức hưng chấn dân chủ National Endowment for Democracy (NED) đọc một bài diễn văn hơn 3600 chữ để nói đến triết lý hành động của Mỹ. Ông tin rằng các quốc gia trên thế giới đều có thể và cần hướng tới dân chủ vì đó là điều kiện của hòa bình; riêng Hoa Kỳ sẽ yểm trợ việc dân chủ hóa trên toàn cầu và đó là giải pháp duy nhất có giá trị bền vững để giải trừ khủng bố. Bài diễn văn quan trọng này ít được dư luận chú ý đúng mức vì truyền thông Mỹ không chú ý và loan tải đúng mức. Ta không nên ngạc nhiên về điều ấy mà nên để ý tới những gì ông Bush tiến hành sau đó.
Tại Iraq, đối đầu với đợt khủng bố mùa chay Ramadan, Hoa Kỳ trả lời bằng “Búa sắt”, bằng chiến dịch tiễu trừ khủng bố với phương tiện quân sự vũ bão. Mục tiêu của chiến dịch “Iron Hammer” là tấn công các địa điểm tình nghi là căn cứ của các lực lượng chống Mỹ, trong đó có cả quân khủng bố ngoại nhập. Báo chí Mỹ có kẻ uyên bác nhắc lại rằng chữ “Búa sắt” đã được Hitler dùng khi xưa, tất nhiên với hàm ý so sánh. Còn lại thì chỉ nói đến tổn thất về phía Hoa Kỳ, nào Chinook bị rớt, Blackhawk bị bắn. Vấn đề là nếu tung quân vào hang ổ đối phương mà không gặp kháng cự và chả bị tổn thất thì hang ổ đó tất là hang trống, tức là hệ thống tình báo Mỹ bị lòa. Có tổn thất là có kháng cự và điều đó cho thấy Mỹ đánh trúng mục tiêu, thay vì ngồi như phỗng đá để chờ bị bắn tỉa cho báo chí lập thống kê tính điểm.
Khi tình hình quân sự sôi động như vậy (khiến Tư lệnh Lực lượng Trung ương Âu-Á CENTCOM chuyển bộ chỉ huy từ Tampa của Florida tới Doha, ngay giữa Trung Đông) thì Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld lại công du Á châu. Ông Rumsfeld coi như yên tâm về những gì Tướng John Abizaid phải thi hành tại chỗ để mình qua Á châu thảo luận việc tái phối trí chiến lược cho Thế kỷ 21, cho vài mươi năm nữa.
Chính quyền Bush rõ là đã ra khỏi thời thụ động và lấy lại sáng kiến chủ động hơn. Phần quân sự, Tướng Abizaid sẽ thực hiện. Phần chính trị, Đặc sứ Toàn quyền Paul Bremer sẽ thi hành với Hội đồng Cai trị Iraq (Iraqi Governing Council-IGC). Và trong khi ông Bush đi Anh, Rumsfeld đi Á châu, Ngoại trưởng Colin Powell qua Bruxelles gặp Liên hiệp Âu châu để nói về hồ sơ chính trị của Iraq. Chỉ tập trung nói về đổi thay của lập trường Mỹ-Iraq liên hệ đến việc thảo hiến pháp trước hay tổ chức ra chính quyền Iraq trước, hoặc như tờ Nhân Dân của Hà Nội hả hê loan tin “Mỹ lại phải nhờ Liên hiệp quốc”, người ta có thể để lọt một biến cố còn có ý nghĩa sâu xa hơn.

Hôm 17 vừa qua, Tổng thống Iran là Mohammad Khatami loan báo Iran công nhận hội đồng IGC này. Ông cho biết quyết định trên sau khi gặp Chủ tịch Jalal Talabani của IGC, vốn thuộc sắc tộc Kurd, là dân thiểu số tại Iraq. Quốc gia này gồm dân Shia là đa số, nằm trong vòng ảnh hưởng của Iran, sau đó là dân Sunni, mà khá nhiều người đã ủng hộ chế độ Saddam Hussein, sau cùng mới là sắc dân Kurd, từng bị chế độ Saddam tàn sát tận tình trong mấy chục năm. Việc chính quyền Iran, kẻ thù của Iraq và là thế lực yểm trợ dân Shiite đa số tại Iraq, lại công nhận một bộ máy điều hành tạm bợ do Mỹ lập ra là biến cố đáng lưu ý: dù Mỹ và Iran còn một mâu thuẫn lớn là vụ hồ sơ nguyên tử của Tehran, hai bên đều có một sự đồng thuận về hồ sơ Iraq.
Phía Hoa Kỳ cần sự tham dự của dân Shiite tại Iraq thời hậu-Saddam và đây là yếu tố ổn định tình hình trước mắt. Iran cũng muốn sắc dân Shiite tại Iraq phải có tiếng nói, tức là ảnh hưởng của mình trong xứ cừu thù này phải được duy trì, bảo vệ hoặc củng cố. Mục tiêu đã tương đồng thì hai bên sẽ tiến đến việc thương thảo và mặc cả. Mối nguy nguyên tử của Iran thì đã có Israel ở đó xử trí hoặc can gián khi chính quyền Do Thái “tiết lộ” là mình có võ khí nguyên tử và sẵn sàng sử dụng nếu Tehran không từ bỏ dự án nguyên tử. Còn lại, nếu Iran chuyển hóa và chấp nhận thay đổi thì sẽ bảo vệ được ảnh hưởng tại Iraq. Việc dân chủ hóa Iran vì vậy được ông Bush đề cập tới, rất lịch sự mà vẫn có dụng ý: đó là nhu cầu và nhiệm vụ của dân Iran...
Dân chủ hóa Iraq, Iran hay cả khối Hồi giáo là những vấn đề trực tiếp liên hệ với nhau. Bài diễn văn của ông Bush tại NED không phải là màn tuyên truyền vu vơ như nhiều người nghĩ. Cho nên, dù truyền thông Mỹ không nói nhiều tới việc này, tổ chức khủng bố al-Qaeda đã góp tiếng nói của mình, bằng lời hăm dọa tung ra khắp nơi.
Ông Bush nêu vấn đề là trào lưu dân chủ hóa đang phát triển và là giải pháp cho hòa bình của nhân lọai. Đối phương trả lời bằng cách hăm he tấn công Nhật Bản và Nam Hàn khiến thị trường chứng khoán Á châu sụt giá hôm Thứ Hai vừa qua. Mờ sáng 18, trước sứ quán Nhật ở Baghdad đã có nổ súng; còn sứ quán Nam Hàn tại A Phú Hãn có báo động sẽ bị al Qaeda tấn công trong khoảng thời gian từ 16 đến 23 tháng này, và sứ quán của họ tại Baghdad nhận được lời đe là sẽ bị tấn công nếu Seoul gửi quân vào Iraq. Những lời răn đe này được tung ra khi Bộ trưởng Rumsfeld đang thăm viếng hai quốc gia đó, không chỉ để nói về việc gửi vài trăm quân vào ổn định tình hình Iraq mà để bố trí lại hệ thống phòng thủ trên toàn cõi Đông Á. Như vậy, trong khi Mỹ đang lấy lại vai trò chủ động về cả quân sự lẫn chính trị tại Iraq, với một hy vọng dù sao cũng rõ rệt hơn so với tình hình mấy tuần trước, thì al-Qaeda cũng gia tăng cường độ tấn công và hăm dọa.
Sau khi tấn công Mỹ, Saudi Arabia, Indonesia, Tunisie, Maroc, Turkey, quân khủng bố hăm dọa tới Nhật Bản và Nam Hàn. Trong những ngày tháng tới, al-Qaeda có thể còn tung ra nhiều màn khủng bố khác để không quốc gia nào dám đứng gần Hoa Kỳ, với mục tiêu là dần dần không còn ai dám chống lại khủng bố nữa.
Trước sự thể đó, người ta phải sốt ruột khi thấy Hoa Kỳ dậm chân tại chỗ ở Iraq. Nhưng, khi ông Bush lấy lại sáng kiến và vừa mở cuộc phản công quân sự tại Iraq, vừa chuẩn bị cho giải pháp chính trị nơi đây, vừa vạch ra vấn đề cốt tủy của trận chiến chống khủng bố là dân chủ hóa, ông đã thực tế trả lời sự thách thức đó của khủng bố. Đồng ý với George W. Bush hay không là quyền mỗi người, nhưng ít ra ông cũng chứng tỏ được một điều: Mỹ không tháo chạy. Tại Iraq, Mỹ sẽ chưa rút quân dù dân Iraq có chính quyền mới với sự tham dự của các lực lượng Shiite. Tại các nơi khác cũng vậy, Mỹ sẽ không nhượng bộ.
Cách đây hai chục năm, Ronald Reagan đã có tinh thần quyết liệt như vậy với mối nguy cộng sản và dư luận cũng có thái độ cười cợt khinh thường, nhất là dư luận tham sinh úy tử tại Âu châu. Lần này, George W. Bush cũng gặp phản ứng đó nhưng khác với Reagan, ông được chính quân khủng bố chứng minh hộ, rằng Mỹ không có chỗ lùi, thế giới cũng vậy. Âu châu hèn nhát thời 1982 có thể núp sau khẩu hiệu “Thà đỏ hơn chết” để đòi Mỹ đừng thách thức Liên xô. Khẩu hiệu đó ngày nay là điều phi lý: “thà chết còn hơn chết” sẽ khó thuyết phục được ai, kể cả giống đà điểu ưa vùi đầu xuống cát. Quả vậy, hôm 19 vừa qua, một học giả Hồi giáo có uy tín đối với thanh niên Saudi là Sheikh Ali Al-Khudair, đã bị giam vì tuyên truyền cho al-Qaeda và có liên hệ đến vụ khủng bố ngày 12 tháng Năm tại Riyadh, vừa bày tỏ sự ân hận vì cổ võ cho tư tưởng sát nhân của khủng bố. Trước sự tàn sát điên rồ của al-Qaeda, nhiều người bắt đầu nhìn ra sự thật...
Nói theo ngôn ngữ mạt chược cho nhẹ phần sắt máu, ông Bush dựng quân Tổng và nhất định sẽ ù lớn chứ không chịu bỏ bài. Ông Bush sẽ còn khai triển điều này thành chánh sách lâu dài của Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm Anh quốc và chúng ta không nên bỏ qua, dù truyền thông Âu châu và Hoa Kỳ sẽ nói nhiều hơn đến dúm người đứng phản đối ở bên ngoài. Như ta đã thấy 20 năm trước.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.