Hôm nay,  

Làm Thế Nào Để Điều Chỉnh Tình Trạng Cư Trú Hợp Pháp?

10/08/200200:00:00(Xem: 4794)
Điều Luật 586 và những Thể Thức Thi Hành Dự Liệu
TÀI LIỆU CỦA CHƯƠNG TRÌNH DI TRÚ & NHẬP TỊCH - HỘI CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT ORANGE COUNTY
Sau một thời gian dài chờ đợi, những người đã được đặc miễn cho nhập cảnh Hoa Kỳ từ trước ngày 1 tháng 10 năm 1997 nay đã có thể chuẩn bị lập hồ sơ để xin điều chỉnh sang tình trạng cư trú hợp pháp ("Lawful Permanent Resident" hay LPR) trong thời gian tới sau khi Bộ Tư Pháp công bố một văn kiện cho biết những thể thức đang được dự liệu để áp dụng một điều luật đã được ban hành từ gần hai năm nay đặc biệt dành riêng cho những người thuộc thành phần nói trên.
Văn kiện này là bản "Điều Lệ Đề Nghị" ("Proposed Rules") - hay "Dự Thảo Quy Chế" -- do ông Bộ Trưởng Tư Pháp John Ashcroft ký ngày 2 tháng 7 năm 2002 và đăng trong Công Báo ngày Thứ Ba, 9 tháng 7 năm 2002 vừa qua.
Bản Điều Lệ Đề Nghị nói trên được soạn thảo nhằm mục đích chuẩn bị thi hành Điều Luật số 586 trong bộ Công Luật số 106-429 do Tổng Thống Clinton ký ban hành ngày 6 tháng 11 năm 2000 về việc điều chỉnh tình trạng thường trú cho 5000 người Việt, Miên, và Lào đã được cho vào lưu trú tại Hoa Kỳ trong những trường hợp đặc biệt từ mấy năm trước và không thể điều chỉnh tình trạng theo những luật lệ cũ.
TỔNG QUÁT
Theo thông lệ, sau khi có một Điều Luật mới được ban hành, cơ quan liên hệ sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu soạn thảo một bản "Điều Lệ Đề Nghị" về các thủ tục, chi tiềt cần thiết để chấp hành luật mới và công bố tài liệu này trên Công Báo của Chính Phủ Liên Bang để công chúng có thể đóng góp ý kiến. Tiếp theo, các luật gia tại các cơ quan này sẽ ghi nhận và đúc kết một số ý kiến xét ra hợp lý và hợp pháp để tu chính bản "Điều Lệ Đề Nghị" nếu cần và chính thức công bố văn kiện này dưới hình thức một bản "Điều Lệ Tối Hậu" (Final Rules) - hoặc là "Điều Lệ Chung Quyết" -- ấn định các thể thức, thủ tục, giấy tờ cần thiết để bắt đầu chính thức thi hành luật mới.
Tuy nhiên, thông thường các bản "Điều Lệ Tối Hậu" không khác những bản "Điều Lệ Đề Nghị" bao nhiêu vì những điều lệ gọi là "đề nghị" này đã được các luật gia liên hệ nghiên cứu kỹ lưỡng mọi mặt trước khi đưa ra cho công chúng "bình nghị."
Bởi vậy, bản "Điều Lệ Đề Nghị" công bố ngày 9 tháng 7 vừa qua mặc dầu chưa chính thức và trện nguyên tắc còn có thể tu sửa nhưng vẫn là một tài liệu quan trọng lần đầu tiên cho biết những thể thức đang được dự liệu để thi hành Điều Luật 586 về việc điều chỉnh tình trạng cho một số người gốc Việt, Miên, hay Lào - giới hạn là 5000 người - đã được đặc miễn nhập cảnh từ trước năm 1997.
Trong tài liệu này Bộ Tư Pháp xác định rằng công chúng sẽ có một thời gian từ nay cho đến ngày 9 tháng 9 (2002) để đóng góp ý kiến. Như vậy có nghĩa là bản "Đề Nghị Tối Hậu" sẽ có thể được công bố trong khoảng vài tuần hoặc vài tháng sau đó. Và tiếp đó - tức có thể là trong tháng 10, hoặc chậm hơn -- Sở Di Trú và Nhập Tịch INS sẽ chính thức nhận đơn. Thời gian thâu đơn là 3 năm kể từ ngày chính thức nhận đơn ("effective date") sau khi công bố bản "Điều Lệ Tối Hậu." Mọi hồ sơ xin điều chỉnh đệ nạp trước hay sau thời hạn này đều bất hợp lệ và không được xét tới.
Về các hồ sơ giấy tờ để xin điều chỉnh tình trạng cư trú thì từ trước đến nay đã có sẵn nhiều luật lệ thủ tục và mẫu đơn để cho phép những người đã được nhập cảnh vào Mỹ có thể lập hồ sơ xin điều chỉnh sang tình trạng thường trú nhân hợp pháp. Chẳng hạn như theo bản "Điều Lệ Đề Nghị" của Bộ Tư Pháp công bố ngày 9 tháng 7 thì mẫu đơn căn bản vẫn là mẫu số I-485 để xin điều chỉnh sang tình trạng thường trú nhân hợp pháp và một số giấy tờ thường lệ như mẫu lăn tay, mẫu khai lý lịch v.v... vẫn không có gì thay đổi.
Tuy nhiên, Điều Luật số 586 là một điều luật mới đặc biệt dành riêng cho những người gốc Việt, Miên, và Lào đã được cho nhập cảnh Hoa Kỳ trong những trường hợp đặc biệt và không thể điều chỉnh tình trạng theo các luật lệ cũ cho nên bản "Điều Lệ Đề Nghị" nói trên cũng phải đưa ra một số những thủ tục đặc biệt để tu chính và bổ túc những thủ tục cũ. Ngoài ra, theo các thể thức dự liệu, các đương đơn cũng sẽ phải nộp thêm nhiều chứng từ, tài liệu - gọi là evidence -- để chứng minh tính cách hợp lệ của mình, chưa kể có nhiều trường hợp đương đơn còn phải xin Bộ Tư Pháp đặc miễn cho một số ràng buộc, cấm cản theo luật lệ cũ (waivers of inadmissibility) để có thể điều chỉnh được tình trạng cư trú của mình.
Bởi vậy, tất cả các hồ sơ xin điều chỉnh sang tình trạng thường trú nhân hợp pháp theo luật mới đã nạp từ trước đến nay đều kể như bất hợp lệ vì ngoài thời gian chính thức thâu đơn và như vậy sẽ được coi là vô giá trị và sẽ được gởi trả lại các đương đơn. Ngoài ra, tất cả các hồ sơ đã lập ra từ trước tất nhiên cũng đều thiếu sót hoặc bất hợp lệ vì việc soạn thảo những thể thức để chấp hành luật mới hiện vẫn chưa hoàn tất và chưa chính thức công bố.
Nhưng trước hết nội dung Điều Luật 586 ra sao"
ĐIỀU LUẬT 586
Điều Luật số 586 chỉ là một điều luật nhỏ được "cài" thêm vào trong một bộ luật ngân sách giày hàng trăm trang được Tổng Thống Clinton ký ban hành ngày 6 tháng 11 năm 2000, tức bộ Công Luật mang số 106-429 (Public Law 106-429) có tên gọi là "Ngân Sách Ngoại Vụ, Tài Trợ Xuất Cảng, và các chương trình liên hệ cho tài khóa chấm dứt ngày 30 tháng 9, 2001, và linh tinh" ("Making Appropriations for Foreign Operations, Export Financing, and related programs for the fiscal year ending September 30, 2001, and for other purposes").
Mục tiêu của Điều Luật 586 là để cho phép một số không quá 5000 người gốc Việt, Miên, Lào đã được đặc miễn cho nhập cảnh Hoa Kỳ và đã có mặt tại Hoa Kỳ từ ngày 1 tháng 10 năm 1997 trở về trước được phép xin Bộ Tư Pháp cho điều chỉnh sang tình trạng thường trú nhân hợp pháp theo những điều lệ và thủ tục sẽ được bộ sở quan (Bộ Tư Pháp) ban hành theo đúng tinh thần và bản văn của điều luật này.
Điều Luật 586 xác định rằng muốn xin điều chỉnh tình trạng, các đương đơn phải hội đủ những điều kiện sau đây:
1. Gốc Việt, Miên, hay Lào, đã được "thanh tra" ("inspected") và đặc miễn cho nhập cảnh Hoa Kỳ ("paroled into the United States") trước ngày 1 tháng 10 năm 1997 và hiện diện ở Hoa Kỳ ngày 1 tháng 10 năm 1997.
2. Đã được đặc miễn nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện ODP ("Orderly Departure Program") - hoặc từ một trại tỵ nạn ở Đông Á, hay một trại tỵ nạn dưới quyền quản trị của Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan.
Ngoài ra, muốn được điều chỉnh tình trạng, các đương sự phải:
1. Làm đơn và đóng mọi lệ phí trong thời hạn 3 năm sau ngày ban hành các điều lệ và thủ tục của Bộ Tư Pháp;
2. Có đủ tư cách theo luật định để được cấp chiếu khán di dân (eligible for immigrant visa) và có đủ tư cách để được thường trú tại Hoa Kỳ (eiligible for permanent residence) -- ngoại trừ một số trường hợp đặc miễn; và
3. Thực sự có mặt tại Hoa Kỳ trước ngày 1 tháng 10 năm 1997.
Về các trường hợp đặc miễn tư cách nhập cảnh thường trú ("Waiver of certain grounds of inadmissibility"), Điều Luật 586 có đoạn nguyên văn như sau:
"Các điều khoản của các đoạn (4), (5), (7)(A) và (9) thuộc Điều 212(a) trong bộ luật Di Dân và Quốc Tịch sẽ không áp dụng cho các ngoại nhân xin nhập cảnh Hoa Kỳ chiếu theo tiểu đoạn này, và bất kể mọi điều luật khác, Bộ Trưởng Tư Pháp cũng được phép cho các đương sự được đặc miễn các đòi hỏi ghi trong các điều khoản 212(a)(1); điều 212(a)(6)(B), (C) và (F); điều 212(8)(A); và điều 212(a)(10)(B) và (D), mục đích là để tránh những phiền toái, khó khăn quá mức (tạm dịch từ ngữ "extreme hardship") cho các đương sự hoặc cho các thân nhân trực hệ của đương sự (vợ, chồng, con cái, bố, mẹ) là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp. Giấy phép đặc miễn sẽ được cấp phát chiếu theo từng trường hợp cá nhân sau khi điều tra."
Sau khi đơn xin điều chỉnh tình trạng đã được chấp nhận, Bộ Trưởng Tư Pháp sẽ đăng ký (nói cho đúng là "chuyển hoán" hay "cải hoán") tư cách nhập cảnh của đương sự để cư trú thường trực và hợp pháp tại Hoa Kỳ kể từ ngày đương sự được thanh tra và đặc miễn cho nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện ODP, hoặc từ một trại tỵ nạn ở Đông Á hay ở Thái Lan như nói trên. (Xem đoạn sau về những giấy tờ sẽ được cấp phát sau khi đơn xin điều chỉnh đã được chấp thuận).
Số người được hưởng những quyền lợi nói trên (5000 người) sẽ được kể như "ngoại lệ" và không tính vào con số chiếu khán nhập cảnh được ấn định hàng năm theo Luật Di Dân và Quốc Tịch.
Trên đây là nội dung Điều Luật 586 làm căn bản cho việc điều chỉnh tình trạng cho những người nhập cảnh Hoa Kỳ trong những trường hợp nói trên. Những người này, nếu cứ chiếu theo những luật lệ, thủ tục cũ, thì hầu hết sẽ không có đủ tư cách để được điều chỉnh tình trạng. Bởi vậy, Điều Luật 586 đã phải ghi rõ là có nhiều đòi hỏi trong Điều Khoản 212 thuộc bộ luật Di Trú và Quốc Tịch (Immigration and Naturalization Act, INA) sẽ đặc cách không áp dụng cho những người thuộc thành phần nói trên, và có những cấm cản khác trong Điều Khoản này có thể xin được bãi miễn ("waivers").
Nhưng Điều Khoản 212 là gì"
ĐIỀU KHOẢN 212
Điều 212 trong Bộ Luật Di Trú và Quốc Tịch là một điều khoản khá rườm rà và rắc rối quy định những thành phần ngoại nhân không được phép cấp chiếu khán và không được phép nhập cảnh để thường trú tại Hoa Kỳ ("General Classes of Aliens Ineligible to receive Visas and Ineligible for Admission") vì lý do có thể trở thành "gánh nặng cho xã hội," hay vì lý do sức khỏe v.v... Điều khoản này cũng đưa ra một số trường hợp khác có thể xin Bộ Tư Pháp cho phép đặc miễn ("Waivers of Inadmissibility"). Do đó, có nhiều người gốc Việt, Miên hay Lào đã được đặc miễn nhập cảnh trong khuôn khổ chương trình ODP hay từ một trại tỵ nạn ở Thái Lan hoâc Đông Nam Á trước ngày 1 tháng 10, 1997 không đủ tư cách hợp lệ để xin điều chỉnh tình trạng.
Bởi vậy, Điều Luật 586 trong bộ Công Luật 106-429 do Tổng Thống Clinton ký ban hành cách đây 2 năm đã minh thị khẳng định rằng những điều cấm cản ghi trong các tiểu đoạn (4), (5), (7)(A) và (9) thuộc Điều 212(a) sẽ không áp dụng đối với những người này.
Như vậy có nghĩa là các đương sự sẽ không bị ràng buộc bởi các điều kiện về trợ cấp xã hội ("public charge," trong đoạn 4), điều kiện về lao động ("labor certification and qualifications," trong đoạn 5), điều kiện về giấy tờ nhập cảnh theo thủ tục thường lệ ("Documentation requirements," trong đoạn 7A), và điều kiện có liên quan đến những ngoại nhân đã từng bị trục xuất ("Aliens previously removed," trong đoạn 9).
Về vấn đề trợ cấp xã hội thì nói chung theo đoạn (4) trong Điều 212 của bộ luật Di Trú và Quốc Tịch những người xét ra về phương diện tuổi tác, sức khỏe, học vấn v.v... có thể trở thành "một gánh nặng cho xã hội" ("public charge") - có nghĩa là không thể "tự lực cánh sinh" mà phải sống bằng trợ cấp xã hội - sẽ không được phép điều chỉnh sang tình trạng thường trú nhân hợp pháp.
Về điều kiện lao động, những người xin vào Mỹ hoặc xin điều chỉnh tình trạng mục đích để kiếm việc làm đều sẽ không được chấp nhận (đoạn 5 trong Điều 212) trừ trường hợp những công việc khiếm dụng ở Mỹ (không có, hay không có đủ nhân công) và một số trường hợp ngoại lệ khác, chẳng hạn như những cá nhân có khả năng xuất chúng về khoa học hay nghệ thuật, các lực sĩ v.v... đều có thể được tiếp nhận một cách dễ dàng để cư trú thường trực và hợp pháp tại Hoa Kỳ.
Tóm lại, theo luật mới, tất cả những đòi hỏi nói trên đều không áp dụng đối với những người gốc Việt, Miên, hay Lào thuộc thành phần nói trên muốn xin điều chỉnh sang tình trạng thường trú nhân hợp pháp.

Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều "cấm cản" hay "khó khăn" khác ghi trong điều 212 bộ luật Di Trú và Quốc Tịch. Đó là các điều khoản 212(a)(1); điều 212(a)(6)(B), (C) và (F); điều 212(8)(A); và điều 212(a)(10)(B) và (D) quy định những trường hợp không cho phép điều chỉnh sang tình trạng thường trú nhân hợp pháp vì những lý do có liên quan đến tình trạng sức khỏe ("health-related grounds"), tư cách nhập tịch ("citizenship eligibility"), hay những trường hợp tội phạm như tội giả mạo chứng từ "misrepresentation of a material fact"), tội vi phạm luật về việc tàng trữ hay mua bán ma túy v.v... Nhiều người sẽ không điều chỉnh được tình trạng vì những điều khoản này. Bởi vậy, Điều Luật 586 cũng minh thị cho phép Bộ Trưởng Tư Pháp được quyền tùy nghi cho các đương sự được đặc miễn các đòi hỏi ghi trong các điều khoản nói trên nếu có đơn xin.
Bởi những lý do trên, và chiếu theo luật mới (Điều Luật 586), Bộ Tư Pháp đã đưa ra một bản "Điều Lệ Đề Nghị" với những thể thức dự liệu có nhiều phần vượt ra ngoài những quy lệ cũ.
Vậy bản Điều Lệ Đề Nghị vừa công bố có nội dung ra sao"
TÓM LƯỢC BẢN ĐIỀU LỆ ĐỀ NGHỊ CỦA BỘ TƯ PHÁP NGÀY 2 THÁNG 7
Bản điều lệ này nhằm tu chính (sửa đổi và thêm bớt) một số điều lệ hiện hành của Bộ Tư Pháp để cho phép một số gọi là "ngoại nhân" ("aliens" - có nghĩa là người không có quốc tịch Mỹ hay không kể là dân Mỹ) gốc Việt, Miên, hay Lào có thể điều chỉnh sang tình trạng thường trú nhân hợp pháp chiếu theo Điều Luật số 586 trong bộ Công Luật số 106-429 ban hành ngày 6 tháng 11 năm 2000.
Các đương đơn hợp lệ theo điều luật này phải đã có mặt ở Hoa Kỳ trước cũng như trong ngày 1 tháng 10 năm 1997, và đã được thanh tra (inspected) và đặc miễn cho nhập cảnh Hoa Kỳ (paroled into the U.S.) trước ngày 1 tháng 10 năm 1997 đi từ Việt Nam theo chương trình ODP hay từ một trại tỵ nạn ở Đông Á hoặc một trại tỵ nạn đặt dưới quyền quản trị của Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan.
Bản điều lệ này cũng đề nghị thêm một số điều khoản mới có liên quan đến tư cách hợp lệ (eligibility), các chứng từ (hay bằng chứng) (evidence) cần có, cũng như các thủ tục lập hồ sơ và thẩm định hồ sơ (application and adjudication procedures). Ngoài ra, bản điều lệ này cũng đề nghị một số điều khoản liệt kê những hình thức chứng từ cần thiết đương đơn có thể dùng đề chứng minh sự hiện diện của mình ở Hoa Kỳ vào một thời gian xác định nào đó (tức ngày 1 tháng 10, 1997). Cuối cùng bản điều lệ này đưa ra một tu chính tổng quát về những tiêu chuẩn đặc miễn trong trường hợp đơn xin có thể bị bác vì lý do tội phạm ("waivers of criminal grounds of inadmissibility") theo điều 212(h) trong bộ luật Di Trú và Quốc Tịch.
Bản "Điều Lệ Đề Nghị" nói rằng Bộ Tư Pháp đưa ra tài liệu này mục đích để "bảo đảm cơ hội đồng đều" cho tất cả những người có đủ điều kiện hợp lệ điều chỉnh tình trạng của mình theo quy định của Điều Luật 586. Tài liệu của Bộ Tư Pháp cũng nhắc lại rằng Điều Luật 586 đã ấn định một thời gian giới hạn để nộp đơn xin điều chỉnh. Thời hạn đó là 3 năm kể từ ngày chính thức công bố các điều lệ, thủ tục để thi hành luật mới (ngày ban hành bản "Điều Lệ Tối Hậu"). Điều Luật 586 cũng giới hạn số người được điều chỉnh tình trạng là 5000 người.
Sau khi tham khảo thêm các ý kiến của công chúng từ nay đến ngày 9 tháng 9, Bộ Tư Pháp sẽ duyệt lại bản "Điều Lệ Đề Nghị" một lần cuối và sẽ công bố các điều lệ, thủ tục này dưới hình thức một bản "Điều Lệ Tối Hậu" (Final Rule) đăng trong Công Báo của Chính Phủ Liên Bang (Federal Register) và kế đó là thời gian thâu đơn sẽ bắt đầu.
Về điểm này, Bộ Tư Pháp đặc biệt nhấn mạnh: "Tất cả mọi đơn từ nhận được trước thời gian thâu đơn đều sẽ bị bác bỏ và gởi trả về cho đương đơn."
NHỮNG ĐIỀU KIỆN HỢP LỆ ĐỂ XIN ĐIỀU CHỈNH TÌNH TRẠNG
Sau đây là những điều kiện hợp lệ (Eligibility) liệt kê tổng hợp trong bản "Điều Lệ Đề Nghị" của Bộ Tư Pháp (chiếu theo những điều kiện hợp lệ ghi trong Điều Luật 586):
1. Đương đơn phải là người gốc Việt, Miên, hay Lào;
2. Đã được thanh tra và đặc miễn cho nhập cảnh Hoa Kỳ (diện "PIP," hay Public Interest Parole) từ trước ngày 1 tháng 10 năm 1997;
3.Thực sự có mặt ở Hoa Kỳ trước, cũng như trong ngày 1 tháng 10 năm 1997;
4. Đi từ Việt Nam theo chương trình ODP, hay từ một trại tỵ nạn ở Đông Á, hay một trại tỵ nạn Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan;
5. Phải nộp đơn xin điều chỉnh tình trạng theo quy định của Điều Luật 586 trong thời hạn 3 năm kể từ ngày chính thức thâu đơn sau khi bản Điều Lệ Đề Nghị này được công bố dưới hình thức Điều Lệ Tối Hậu (Final Rule), và đã đóng đủ lệ phí; và
6. (Trong hiện tình), có đủ tư cách hợp lệ để được cấp chiếu khán di dân và có đủ tư cách hợp lệ để được phép nhập cảnh Hoa Kỳ cư trú thường trực - ngoại trừ những trường hợp không được nhập cảnh không áp dụng cho đương đơn, hoặc đã được đặc miễn theo luật mới.
ĐIỀU CHỈNH TÌNH TRẠNG: TỪ "DIỆN" TỴ NẠN TỚI "DIỆN" LAUTENBERG
Thủ tục điều chỉnh tình trạng cho những người thuộc thành phần tỵ nạn rất giản dị: Một năm sau khi nhập cảnh Hoa Kỳ với tư cách tỵ nạn, đương sự có thể xin điều chỉnh sang tình trạng thường trú nhân hợp pháp bằng mẫu đơn I-485 và kèm theo mẫu G-325A (mẫu kê khai lý lịch) và mẫu lấy dấu tay FD-258 trừ trường hợp đương đơn còn dưới 14 tuổi (Xem chi tiết trong bộ điều lệ liên bang, tức "Code of Federal Regulations", số 8 CFR 209.1).
Trường hợp những "ngoại nhân" hợp lệ ("qualified aliens") không được chấp nhận quy chế tỵ nạn nhưng đã được đặc miễn cho nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện "PIP" (Public Interest Parole) theo "tu chính án Lautenberg" (Công Luật số 101-167, ban hành năm 1990), các thủ tục điều chỉnh cũng tương tự, có nghĩa là những người này sau một năm ở Hoa Kỳ đều được điều chỉnh sang tình trạng thường trú nhân hợp pháp. Chính sách cho những người thường gọi là thuộc "thành phần Lautenberg" ("Lautenberg category") được nhập cảnh theo diện "PIP" (Pưblic Interest Parole) đã chính thức chấm dứt từ ngày 30 tháng 9 năm 1994 mặc dầu là sau thời hạn này vẫn còn có một số người đến Mỹ theo diện "PIP" vì đã được chấp thuận từ trước.
Tuy nhiên, còn có nhiều người không thuộc hai thành phần nói trên. Họ là những người đã được đặc miễn cho nhập cảnh nhưng không được hưởng quy chế tỵ nạn, mà tư cách tỵ nạn của họ cũng không bị bác (trường hợp của những người được điều chỉnh tình trạng theo tu chính án Lautenberg) vì tư cách này không hề được xét tới (và do đó không có vấn đề tư cách tỵ nạn được chấp nhận hay bị bác bỏ).
Đó là trường hợp của nhiều người được đặc miễn cho sang Mỹ theo diện ODP, hoặc từ một trại tỵ nạn ở Đông Nam Á trong thời gian mấy năm trước ngày 1 tháng 10 năm 1997.
CHƯƠNG TRÌNH ODP
Để giải quyết, hoặc giảm bớt thảm trạng "thuyền nhân" trong những năm cuối thập kỷ 70, một "Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự" - tức "Orderly Departure Program", thường gọi tắt là chương trình ODP - được đem ra thi hành bắt đầu từ cuối năm 1979 và đợt đầu sang Mỹ trong khuôn khổ chương trình này là vào khoảng tháng 12 năm 1980. Chương trình gồm có 3 phần (sub-programs):


1. Cho nhập cảnh những người đã có nhiều liên hệ với các chương trình hay chính sách của Mỹ ở Việt Nam từ trước năm 1975 và những thân nhân trực thuộc của những người đã được nhập cảnh sang Mỹ từ trước với tư cách di dân tỵ nạn (chương trình Gia Đình Đoàn Tụ, "Family Unification Program").
2. Chương trình cựu tù cải tạo, thường gọi tắt là chương trình H.O. (Humanitarian Operation).
3. Chương trình "con lai", hay Amerasian (Sub) Program.
Trong số những người này có nhiều người mặc dầu đã bị bác tư cách tỵ nạn (denied refugee status) hoặc đã được thân nhân bên Mỹ bảo trợ nhưng đơn xin không còn hiệu lực ("non-current relative visa petitions"), và những người không có thân nhân bên Mỹ, tuy nhiên đã được đặc miễn cho nhập cảnh theo quy chế mệnh danh là "Public Interest Parole," thường gọi tắt là "diện" "PIP." Nhiều người ở trong trường hợp này sau khi sang Mỹ không thể điều chỉnh sang tình trạng thường trú nhân hợp pháp theo các tiêu chuẩn dành cho thành phần tỵ nạn hoặc theo Tu Chính Án Lautenberg (tức Điều Luật 599E trong Công Luật số 101-167 ban hành năm 1990).
Điều Luật 586 đã mở ra một lối thoát cho những người ở trong hoàn cảnh nói trên bằng cách cho bãi miễn một số điều kiện thường lệ để những người này có thể xin điều chỉnh sang tình trạng thường trú nhân hợp pháp. Nhưng Điều Luật 586 cũng đòi hỏi các đương đơn phải đệ nạp kèm theo đơn xin (Mẫu I-485) các chứng từ (bằng chứng) để tự chứng minh một số điều kiện hợp lệ để được phép điều chỉnh.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỨNG MINH LÀ ĐÃ ĐƯỢC ĐẶC MIỄN NHẬP CẢNH THEO DIỆN ODP, HAY TỪ MỘT TRẠI TỴ NẠN Ở ĐÔNG NAM Á"
Theo các thể thức dự liệu của Bộ Tư Pháp vừa được công bố mới đây, khi làm đơn xin điều chỉnh sang tình trạng thường trú nhân hợp pháp theo Điều Luật 586, đương đơn cần phải chứng minh là đã được đặc miễn nhập cảnh ("paroled into the U.S.") qua diện ODP bằng cách cho biết số IV của mình và đính kèm theo mẫu đơn I-485 một bản sao mẫu I-94 hoặc một giấy tờ tài liệu cá nhân nào khác trên có ghi số này để làm bằng.
Số "IV" (hai chữ "I" và "V", đọc là "ai" và "vi") là số hồ sơ cá nhân đã được Văn Phòng ODP ở Thái Lan trước kia ghi nhận khi đương đơn nạp hồ sơ xin xuất cảnh. Số này có thể tìm thấy trên nhiều tài liệu, giấy tờ đã gởi hoặc cấp phát cho đương đơn vào khoảng thời gian đó, chẳng hạn như giấy chấp thuận cho đặc miễn nhập cảnh (parole authorization letter), giấy phép chuyển vận (transportation letter), mẫu I-94 (tức "Arrival-and-Departure Record"), v.v...
Nếu tất cả những giấy tờ này đều đã thất lạc, đương đơn cần phải viết thư kèm theo mẫu I-485 xin Bộ Tư Pháp chứng thực số IV đã khai trong đơn. Bộ Tư Pháp có thể làm việc này một cách dễ dàng (và miễn phí) bằng cách đem so với hồ sơ lưu trữ bằng điện tử còn giữ nguyên tại trung ương.
Muốn chứng minh đã được đặc miễn nhập cảnh từ một trại tỵ nạn ở Đông Á, đương đơn cần cho biết số hồ sơ của mình được cấp trong chương trình tỵ nạn của Chính Phủ Hoa Kỳ (United States Refugee Program, USRP) và kèm theo đơn xin điều chỉnh (I-485) một bản sao mẫu I-94 để làm bằng. Số này thường bắt đầu bằng chữ đầu của tên nước tạm trú: chẳng hạn như nếu trại tỵ nạn ở Mã Lai (Malaysia) thì số hồ sơ sẽ là M----, nếu ở Indonesia thì số hồ sơ sẽ là I---- vân vân. Hầu hết những người được đặc miễn nhập cảnh Hoa Kỳ từ một trại tỵ nạn do Liên Hiệp Quốc quản trị ở Thái Lan đều là người Miên. Những người này cũng có số như vậy, hoặc cũng có nhiều người được cho số HP, chẳng hạn như số HP-1, HP-2 v.v...
Trong trường hợp tất cả những giấy tờ này, kể cả mẫu I-94, đã bị thất lạc, đương sự phải làm đơn xin Bộ Tư Pháp chứng thực lời khai căn cứ vào những hồ sơ, sổ sách lưu trữ tại Bộ như đã nói ở phần trên - hoặc cũng có thể xin Sở Di Trú và Nhập Tịch cấp phát cho một bản sao Mẫu I-94 để đệ nạp kèm theo hồ sơ xin điều chỉnh.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỨNG MINH LÀ ĐÃ Ở MỸ TRƯỚC, VÀ TRONG NGÀY 1 THÁNG 10, NĂM 1997"
Hầu hết những chứng từ nói trên - chẳng hạn như mẫu I-94 -- đều có ghi ngày tháng đương sự được đặc miễn nhập cảnh và do đó có thể đồng thời dùng làm tài liệu chứng minh là đương đơn đã có mặt tại Hoa Kỳ trước ngày 1 tháng 10 năm 1997.
Tuy nhiên, đương đơn cũng còn phải chứng minh sự hiện diện của mình tại Hoa Kỳ trong ngày 1 tháng 10 năm 1997.
Điều này phức tạp hơn là người ta tưởng. Bản "Điều Lệ Đề Nghị" của Bộ Tư Pháp đã có khoản trình bầy khá dài dòng, chi tiết về khoản này, và đã đề nghị thêm một điều lệ mới kê khai tất cả những loại "chứng thư" cần thiềt đương đơn có thể tùy nghi chọn lựa gởi kèm theo đơn xin điều chỉnh để chứng minh sự hiện diện của mình tại Hoa Kỳ trong ngày 1 tháng 10 năm 1997 theo sự đòi hỏi của Điều Luật 586 (Nếu không có mặt tại Hoa Kỳ vào đúng thời điểm này thì sẽ không được phép điều chỉnh tình trạng).
Bộ Tư Pháp cho biết sẽ đặc biệt hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp về điểm này. Trong khi chờ đợi, Bộ Tư Pháp gợi ý có thể dùng các tiêu chuẩn tương tự như những tiêu chuẩn dành cho những người gốc Haiti trong Điều Lệ 245.15(i) của Bộ Điều Lệ Di Trú và Nhập Tịch (8 CFR) về việc điều chỉnh tình trạng cho những người Haiti theo đạo luật Haitian Refugee Immigrant Fairness Act (HRIFA) ban hành năm 1998.
Theo điều này thì - nói một cách tóm tắt - những người gốc Haiti phải chứng minh sự có mặt của mình ở Hoa Kỳ vào ngày 31 tháng 12 năm 1995 và muốn vậy phải gởi kèm theo đơn một trong số những chứng từ đại để như sau: mẫu I-94, mẫu I-122, mẫu I-221, bản sao một tờ đơn xin quyền lợi theo luật di trú hay giấy biên nhận của INS, bản sao bằng lái xe, giấy chứng từ của bệnh viện, hay giấy của Sở Thuế, v.v... miễn sao trên giấy có ghi ngày tháng đủ chứng minh sự hiện diện của đương sự tại Hoa Kỳ vào thời điểm theo luật đòi hỏi (tức ngày 1 tháng 10, 1997, theo Điều Luật 586).
Dựa theo các tiêu chuẩn này Bộ Tư Pháp đã đề nghị thêm một điều lệ mới là Điều Lệ số 245.22 về những tài liệu, chứng từ đương đơn có thể dùng để chứng minh sự hiện diện của mình ở Hoa Kỳ vào một thời điểm nói trên (đề cập trong phần dưới).
NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐẶC MIỄN KHI XIN ĐIỀU CHỈNH
Theo luật, có nhiều trường hợp không được phép nhập cảnh, hoặc được đặc miễn cho nhập cảnh rồi nhưng không được phép điều chỉnh sang tình trạng thường trú.
Đó là những trường hợp ghi trong các điều 212(a)(4), 212(a)(5), 212(a)(7)(A) và 212(a)(9) của bộ luật Di Trú và Quốc Tịch Hoa Kỳ như đã nói ở phần đầu. Điều Luật 586 minh thị xác định rằng những điều khoản ngăn cấm này sẽ không ứng dụng đối với những người xin điều chỉnh theo luật mới.
Tuy nhiên cũng còn có nhiều điều khoản khác có thể gây khó khăn trở ngại cho nhiều người khi làm đơn xin điều chỉnh sang tình trạng thường trú nhân hợp pháp theo Điều Luật 586 - chẳng hạn như điều 212(a)(1) (về sức khỏe); điều 212(a)(6)(B), điều 212(a)(6)(C), điều 212(a)(6)(F) (có liên quan đến những trường hợp tống xuất, mạo danh, giả mạo chứng thư v.v...); điều 212(a)(8)(A) (về những trường hợp không được phép nhập tịch); và điều 212(a)(10)(B) và 212(a)(10)(D) (có liên quan đến trường hợp những người được đi theo để trông nom và trường hợp bỏ phiếu bất hợp pháp).
Muốn xin đặc miễn một hay nhiều trường hợp trên đây ("waivers of grounds of inadmissibility"), đương đơn cần phải đính kèm theo đơn xin điều chỉnh (Mẫu I-485) mẫu I-601. Điều Luật 586 đã minh thị cho phép ông Bộ Trưởng Tư Pháp được quyền tùy nghi chấp thuận cho đương đơn được đặc miễn những trường hợp này theo đơn xin. Ngoài ra, theo luật cũ, ông Bộ Trưởng Tư Pháp cũng đã có quyền cho đặc miễn (hoặc "châm chước") một số trường hợp khác, chẳng hạn như những trường hợp không được phép điều chỉnh tình trạng vì lý do tội phạm ghi trong điều 212(a)(2) của bộ luật Di Trú và Quốc Tịch - trừ những trường hợp trọng tội và trường hợp đương đơn bị coi là một mối họa cho xã hội.
Tuy nhiên, Bộ Tư Pháp cũng cho biết thêm rằng "những đơn xin điều chỉnh tình trạng của những người không cần xin đặc miễn như nói trên có thể sẽ được hưởng ưu tiên."
Ngoài ra, trong khi các đơn xin điều chỉnh tình trạng sẽ được xếp theo thứ tự người nạp trước sẽ được xét trước, người nạp sau sẽ được xét sau (với điều kiện là hồ sơ phải đầy đu,û hợp lệ và đệ nạp trong thời hạn theo luật định là 3 năm kể từ ngày chính thức thâu đơn), riêng những đơn xin điều chỉnh có kèm theo đơn xin đặc miễn những trường hợp nói trên sẽ chỉ được INS ghi nhận và cho số thứ tự sau khi đương sự đã được ông Bộ Trưởng Tư Pháp chấp thuận cho đặc miễn.

Do đó, Bộ Tư Pháp đã đề nghị thêm một điều lệ mới là Điều Lệ số 245.21 gồm có những thủ tục có liên quan đến những đặc miễn nói trên (Xem thêm trong đoạn cuối bài).
HỒ SƠ ĐIỀU CHỈNH VÀ NHỮNG CHỨNG TỪ SẼ ĐƯỢC CẤP PHÁT SAU KHI ĐƠN ĐƯỢC CHẤP THUẬN
Sau khi bản "Điều Lệ Tối Hậu" đã được công bố và thời hạn thâu đơn 3 năm bắt đầu, INS sẽ chính thức cho biết địa chỉ để gởi hồ sơ xin điều chỉnh tình trạng (có thể là ở Nebraska: xem phần dưới). Ngay từ bây giờ, căn cứ vào bản "Điều Lệ Đề Nghị" đã được công bố, người ta đã có thể có một ý niệm khá rõ ràng về các thủ tục cần thiết để xin điều chỉnh tình trạng theo luật mới.
Các thủ tục này có nhiều phần khác những thủ tục cũ nhưng mẫu đơn căn bản vẫn là mẫu đơn I-485 và chứng từ căn bản là mẫu I-94 ("Arrival-and-Departure Record"), kèm theo một số giấy tờ linh tinh khác, chẳng hạn như mẫu lấy dấu tay, mẫu kê khai lý lịch (G-325A), mẫu I-601 (nếu xin đặc miễn), các chứng từ cần thiết khác -- chẳng hạn như Mẫu I-131 ("giấy xuất ngoại," "Travel Documents" - miễn không vắng mặt tổng cộng quá 180 ngày), y chứng v.v... Ngoài ra cũng còn có thể có những giấy tờ, thủ tục khác sẽ được ấn định rõ ràng, dứt khoát trong bản "Điều Lệ Tối Hậu" sẽ được công bố trong thời gian tới.
Các đương đơn phải có mặt tại Hoa Kỳ khi làm đơn và nạp đơn và phải nạp lệ phí 255 mỹ kim cho mẫu đơn I-485 (dưới 14 tuổi lệ phí là 160 mỹ kim), và lệ phí làm dấu tay là 50 mỹ kim (dưới 14 tuổi hay trên 79 tuổi được miễn). Trong mẫu đơn I-485 phải ghi rõ hàng chữ "INDOCHINESE PAROLEE P.L. 106-429" ở Phần 2, câu hỏi "h" (Part 2, question h) để cho biết rõ là đương đơn muốn xin điều chỉnh sang tình trạng cư trú hợp pháp theo Công Luật số 106-429.
Sau khi xét đơn, INS sẽ gởi giấy báo kết quả cho đương đơn. Nếu đơn xin được chấp thuận, đương đơn sẽ nhận được giấy báo của INS cho biết đơn xin điều chỉnh tình trạng đã được chấp thuận và sẽ được yêu cầu đến sở di trú INS ở địa phương để điền mẫu I-89 và những dữ kiện khai trong mẫu này sẽ được dùng để làm Thẻ Xanh (mẫu I-551). Đương đơn có thể sẽ phải xuất trình giấy báo chấp thuận của INS và giấy thông hành hoặc giấy căn cước có gián hình để INS ở địa phương cấp phát cho một chứng thư tạm thời về tình trạng thường trú nhân hợp pháp của mình.
Đồng thời, ngày đương sự được đặc miễn nhập cảnh vào Hoa Kỳ ("paroled into the U.S.") sẽ được đăng ký lại là ngày đương sự được phép nhập cảnh với tư cách là một thường trú hợp pháp tại Hoa Kỳ ("admission as a lawful permanent resident"). Và như vậy có nghĩa là sau khi đơn xin điều chỉnh tình trạng được chấp thuận, đương sự sẽ có thể tính ngay đến việc làm đơn xin nhập quốc tịch khi đã đủ thời hạn 5 năm tính từ ngày được đặc miễn nhập cảnh!
Trong trường hợp đơn bị bác, đương sự có thể làm đơn khiếu nại (appeal) và trong thời gian khiếu nại vẫn giữ được nguyên chỗ của mình trong số 5000 người sẽ được chấp thuận cho điều chỉnh tình trạng theo Điều Luật 586.
HAI ĐIỀU LỆ MỚI
Để chấp hành Điều Luật số 586 là một điều luật có phần vượt ra ngoài khuôn khổ những luật lệ di trú cũ, Bộ Tư Pháp đã đề nghị hai điều lệ mới để bổ túc vào Bộ Điều Lệ Liên Bang số 8 (8 CFR) về các vấn đề di trú và quốc tịch: đó là Điều 245.21 và 245.22 nội dung tóm lược như sau:
ĐIỀU LỆ số 245.21 -- Điều Lệ này có nhan đề là: "Điều chỉnh tình trạng cho một số người gốc Việt, Miên, Lào (theo Điều 586, Công Luật 106-429)" ["Adjustment of status of certain nationals of Vietnam, Cambodia, and Laos (section 586 of Pub L. 106 - 429)"]. Điều Lệ gồm 13 tiểu đoạn theo thứ tự từ (a) đến (m) trước hết liệt kê những điều kiện hợp lệ để xin điều chỉnh sang tình trạng thường trú nhân hợp pháp, kề đó là thời hạn nộp đơn, các giấy tờ, mẫu đơn, những điều lệ cũ không ứng dụng theo luật mới, những điều lệ đương đơn có thể xin đặc miễn, và các thủ tục, thể thức cần thiết khác. Phần lớn nội dung điều lệ 245.21 đều đã được bàn tới ở phần trên.
Tuy nhiên, cũng có một số chi tiết đặc biệt chẳng hạn như theo đề nghị của Bộ Tư Pháp thì đơn nhận được quá hạn 3 năm vẫn có thể được chấp nhận nếu (1) con dấu bưu điện ngoài bì trước ngày hết hạn hoặc đúng vào ngày chót và (2) đơn xin điều chỉnh chưa đủ số 5000 (Ghi Chú: phải hội đủ cả hai điều kiện). Hoặc trong trường hợp dấu bưu điện không trông rõ thì INS vẫn nhận đơn nếu không trễ quá 3 ngày sau khi hết hạn. Bộ Tư Pháp cũng đề nghị là các hồ sơ xin điều chỉnh có thể gởi tới địa chỉ như sau: "INS Nebraska Service Center, P.O. Box 87485, Lincoln, NE 68501-7485."
Về các chứng từ ("evidence"), theo đề nghị của Bộ Tư Pháp, các đương đơn cần chứng minh tư cách hợp lệ của mình bằng cách gải kèm theo mẫu I-485 những giấy tờ như sau: (1) Giấy khai sinh, hay giấy tờ tương đương; (2) Tài liệu chứng tỏ đương sự có mặt ở Hoa Kỳ ngày 1 tháng 10 năm 1997; (3) Mẫu I-94, hoặc một chứng từ nào khác để chứng thực là đương sự đã được đặc miễn nhập cảnh trước ngày 1 tháng 10 năm 1997 theo diện ODP hay từ một trại tỵ nạn ở Đông Nam Á, và một số thủ tục linh tinh khác, chẳng hạn như mẫu I-765, nếu muốn xin được phép làm việc; mẫu I-131, nếu muốn đi du lịch trong thời gian đơn còn đang được cứu xét vân vân...(Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng trong thời gian này INS có thể quyết định mời đương đơn đến trình diện để hỏi thêm về hồ sơ, lý lịch).
ĐIỀU LỆ số 245.22 - Điều lệ này nhan đề là: "Tài liệu để chứng minh đương đơn đã thực sự có mặt ở Hoa Kỳ vào một thời điểm xác định" ("Evidence to demonstrate an alien's physical presence in the United States on a specific date"). Theo đề nghị của Bộ Tư Pháp thì đương đơn có thể chứng minh điều này bằng cách gởi kèm theo đơn một hay nhiều chứng từ, tài liệu như sau: (1) Mẫu I-94; (2) Mẫu I-862, tức giấy triệu thỉnh (Notice to Appear) của INS; (3) Mẫu I-122 (giấy INS gọi hầu tòa di trú); (4) Mẫu I-221 ("Order to show Cause", giấy báo thi hành lệnh trục xuất); (5) Bản sao bằng lái xe; (6) Giấy tờ thuế má; hoặc bản sao thị thực của bất cứ một chứng từ nào khác do một cơ quan công quyền cấp phát trên có ghi ngày tháng để chứng thực cho sự hiện diện của đương sự vào ngày 1 tháng 10 năm 1997.
KẾT LUẬN: KHÔNG NÊN HẤP TẤP
Trên đây là phác lược một số chi tiết quan trọng có liên quan đến vấn đề điều chỉnh sang tình trạng thường trú nhân hợp pháp cho một số khá đông người gốc Việt, Miên, Lào thuộc phạm vi Điều Luật số 586 (Công Luật 106-429) và những thể thức thi hành dự liệu trong bản "Điều Lệ Đề Nghị" của Bộ Tư Pháp công bố ngày 9 tháng 7.
Còn nhiều chi tiết linh tinh chúng tôi không thể trình bầy được hết nhưng ngay từ bây giờ, sau khi đã có bản "Điều Lệ Đề Nghị" của Bộ Tư Pháp, quý vị thuộc thành phần nói trên đã có thể có một ý niệm tương đối khá rõ ràng để sắp sẵn các giấy tờ, và nhất là các chứng từ, và dữ kiện cần thiết để chứng minh các điều kiện hợp lệ của mình, hoặc để chuẩn bị làm đơn xin đặc miễn ("request for waivers" - Mẫu I-601) nếu tự xét thấy cần thiết.
Tuy nhiên, việc lập hồ sơ, và nạp hồ sơ chỉ có thể thực sự bắt đầu sau khi bản "Điều Lệ Tối Hậu" (Final Rule) đã được công bố -- có thể là trong tháng 10 sắp tới, hoặc chậm hơn - vì trên nguyên tắc những đề nghị nói trên vẫn còn có thể thay đổi vào phút chót và chỉ tới lúc công bố bản "Điều Lệ Tối Hậu" chúng ta mới có thể biết một cách chắc chắn và dứt khoát về các điều lệ, thể thức, giấy tờ, thủ tục - và địa chỉ rõ ràng để gởi đơn cho đúng chỗ (địa chỉ ở Nebraska trên nguyên tắc vẫn chỉ là một đề nghị).
Bởi vậy, tất cả những hồ sơ đã lập từ trước, nếu có - và nhất là trước khi có bản "Điều Lệ Đề Nghị" nói trên -- tất nhiên đều là thiếu sót, bất hợp lệ vì căn cứ vào những điều lệ, thể thức cũ không ứng dụng được vào việc thi hành Điều Luật 586 là một điều luật vượt ra ngoài khuôn khổ các luật lệ cũ về vấn đề di trú và điều chỉnh tình trạng cư trú.
Con số giới hạn là 5000 người có thể gây nên một vài lo âu, hấp tấp không cần thiết. Nhưng thực ra con số này cũng đã khá nhiều và có lẽ tạm đủ cho thành phần cần điều chỉnh tình trạng theo Điều Luật 586. Đó là vì những con số thống kê của Sở Di Trú cho thấy rõ là tổng số người thuộc thành phần này (thành phần được điều chỉnh theo Điều Luật 586) có lẽ không có bao nhiêu. Theo tài liệu của Sở Di Trú và Nhập Tịch "Triennial Report 1999", trong năm 1995 chỉ có 1477 người Việt và năm 1996 chỉ có 270 người Việt nhập cảnh cư trú tại Hoa Kỳ theo "diện" này - tức là "diện" đặc miễn nhập cảnh vì lý do nhân đạo, hoặc công ích, hoặc trong khuôn khổ một chương trình đâc biệt ở hải ngoại ("humanitarian, public interest, and overseas parolees"). Số người gốc Cam-bốt lại còn ít hơn nữa: năm 1995 có 57 người và năm 1996 chỉ có 25 người.
Trong những năm trước, số người Việt đặc miễn nhập cảnh (parolees) đông đảo hơn nhiều (Năm 1993: 7585 người; Năm 1994: 4824 người), nhưng hầu hết đều đã được điều chỉnh tình trạng theo những luật lệ cũ vì thuộc thành phần tỵ nạn hay "thành phần Lautenberg" như đã nói ở phần trên.
Dầu sao, điều nên nhớ là mặc dầu cần nạp đơn sớm, nhưng nạp đơn sớm không bằng nạp đơn hợp lệ và đầy đủ - nếu không hồ sơ sẽ bị trả lại, gây rất nhiều phiền toái và chậm trễ, hoặc có thể bị bác luôn. Ngoài ra, những người không cần xin đặc miễn có thể yên chí là hồ sơ của mình sẽ được xếp ưu tiên và có thể được chấp thuận một cách thật dễ dàng và mau lẹ.
Trong khi chờ đợi, quý vị cần biết thêm, hay có điều gì thắc mắc, xin quý vị liên lạc với các Luật Sư của quý vị, đặc biệt là những vị Luật Sư có thẩm quyền và kinh nghiệm chuyên môn về các vấn đề di trú, hoặc quý vị có thể hỏi Ông Nguyễn Như Ánh, Giám Đốc Chương Trình Di Trú & Quốc Tịch, Hội Cộng Đồng Người Việt Orange County, điện thoại (714) 558 - 6009. Chúng tôi sẽ cố gắng thanh thỏa mọi thắc mắc trong phạm vi khả năng và thời giờ của chúng tôi. -

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.