Hôm nay,  

Hữu Nghị Trung-việt

10/02/200100:00:00(Xem: 4156)

Chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Trì Hạo Điền đến Việt, Mên, Lào và Nepal không gây ngạc nhiên nếu xét đến nhu cầu của Bắc Kinh phải chuẩn bị một phòng tuyến mới chống bất cứ một sách lược bao vây và ngăn chặn nào của Mỹ ở Đông Nam Á và Nam Á. Chỉ có điều đáng chú ý là chuyến đi của Trì được loan báo bất ngờ do chính ông ta nói ra trước ngày ra đi chớ không phải một chương trình loan báo từ trước như thông lệ.
Người ta nói Trì đến Nepal là đúng lúc vì từ nhiều tháng nay dư luận và chính quyền Nepal có khuynh hướng chống Ấn Độ. Về mặt chiến lược, Nepal là vùng trái độn ở chân Hy Mã Lạp Sơn, giữa hai kẻ thù khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu vậy khi Nepal đã tỏ ra bài Ấn, một tình thế có lợi cho Bắc Kinh từ ít lâu nay, tại sao Trì không đi ngay Nepal mà chờ đến bây giờ" Hãy nhìn đến vấn đề Việt Nam trong chiến lược của Bắc Kinh. Ấn Độ có gần 1 tỷ dân lại có vũ khí hạt nhân là cả một mối lo âu cho Trung Quốc. Đã vậy hồi năm ngoái Tổng Thống Clinton đến Ấn Độ và sau đó lần luợt Bộ trưởng Quốc Phòng và cả Thủ tướng Ấn đến Việt Nam, sĩ quan quân đội Ấn Độ đến Việt Nam để được huấn luyện về chiến tranh rừng rậm, một sự huấn luyện chưa từng thấy chế độ Cộng sản Hà Nội giúp cho nước nào. Tháng 11 năm ngoái, Clinton cũng đến Việt Nam, và cùng lúc Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đến thăm Cam Bốt và Lào. Nhìn những chuyến đi đó, người ta phải thấy rõ Việt Nam là then chốt trong chiến lược Trung Quốc.
Trong chuyến đi bốn nước của Trì Hạo Điền, việc thăm Lào và Mên chỉ là chuyện đãi bôi vì đã có Giang Trạch Dân đi trước là xong, nay nếu Trì cần thấy đi cũng chỉ để che mắt và đánh lạc hướng. Nepal có dấu hiệu ảnh hưởng Trung Quốc đã len lỏi vào rồi, nhưng Trì nấn ná chưa đi ngay mà còn phải chờ một dấu hiệu tương tự ở Việt Nam. Dấu hiệu đó hiển nhiên đã xuất hiện nên Trì Hạo Điền phải cấp tốc lên đường. Nguời ta đã thấy bản dự thảo báo cáo đại hội đảng được công bố cuối tuần qua. Chúng tôi đã viết muốn xem đảng Cộng sản Việt Nam thân Tầu đến độ nào phải chờ Đại hội đảng kỳ 9 vào cuối tháng Ba. Cũng có thể Trung Quốc vẫn còn thấy việc chuẩn bị đại hội đảng Việt Nam có dấu hiệu phức tạp hơn dư liệu, bởi vậy Trì phải lên đường ngay để gập Phạm Văn Trà và các tướng lãnh CSVN. Điều này rất có ý nghĩa.
Thế giới bên ngoài thường vẫn nhìn mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt-Hoa một cách phiến diện qua vài nét ghi trong lịch sử hàng ngàn năm trước để nói hai nước láng giềng này có mối thù sâu đậm lâu đời vì những cuộc xung đột và xâm lược trong nhiều thế kỷ. Xung đột là có. Và xâm lược cũng không thể tránh khi một nước lớn như Trung Quốc vẫn có thói xâm lấn các lân quốc từ các triều đại phong kiến xa xưa. Nhưng nói là thù oán từ đời này qua đời khác là sai. Hai dân tộc Việt-Hoa có những gốc văn hóa xuất phát từ Khổng Mạnh, đại đa số dân chúng hai nước đều theo Phật giáo vốn hiền hòa và cùng có lệ thờ cúng tổ tiên. Bởi vậy chỉ có những kẻ cầm đầu nước gây chiến tranh, còn dân chúng hai bên dù có lúc va chạm trong cuộc sống nhưng trong đại thể vẫn quý mến nhau, nhất là trong quan hệ cá nhân không hề có tư tưởng thù ghét căm hờn tích lũy trong lòng. Trái lại qua nhiều mối liên hệ văn hóa tập quán, kể cả hôn nhân, hai dân tộc vẫn tương thân tương ái.

Riêng đối với những người cộng sản, vấn đề lại khác. Bề ngoài rất ngon ngọt, hết tình đồng chí lại đến thế nước sát bên nhau “môi hở răng lạnh”. Chỉ có khổ là cái môi đó nhiều khi không che mà còn banh ra để hầm hừ hăm dọa và răng cũng có lúc điên lên phải cắn môi cho đến vãi máu. Vậy bây giờ thì sao" Câu hỏi này đã được nêu ra trong một cuộc mạn đàm giữa tôi và một người thân mấy ngày trước, câu chuyện miên man đi về quá khứ và đưa đến một chữ “nếu” khá lớn. Sau hiệp định Geneva, vào năm 1956 nếu có bầu cử và Việt Minh thắng cử, cả nước Việt Nam bị nhuộm đỏ, tự nhiên đã rơi vào quỹ đạo Trung Cộng từ thời đó không cách nào gỡ ra nổi, và họ Giang, họ Chu, họ Trì chẳng phải đôn đáo chạy ngược chạy suôi như bây giờ. Người ta vẫn hay thích bàn đến một chữ “nếu” trong lịch sử và chữ đó dù nhỏ xíu cũng đủ gây ra những biến hóa khôn lường trong thế cuộc. Bởi vậy chữ “nếu” trong lịch sử chỉ là chuyện không tưởng, nói cho vui trong lúc trà dư tửu hậu. Nhưng bây giờ chữ “nếu” đó lại trở thành hiện thực với câu hỏi nếu các tay lãnh đạo đảng ngày nay đưa nước Việt Nam vào vòng lệ thuộc Trung Quốc vì những lý do riêng của họ, tình hình đất nước sẽ ra sao"
Có lẽ khó biết, vì việc chưa xẩy ra. Nhưng những thế hệ lãnh đạo đầu của đảng Cộng sản Việt Nam như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẫn, Phạm Văn Đồng đã biết hơn ai hết. Bởi vì họ đã có kinh nghiệm “đại táo, tiểu táo” khi những cố vấn Trung Cộng sang Việt Nam từ đầu thập niên 50 với những áo đại quân 4 túi làm cả lũ phải bắt chước y hệt. Họ đã biết, khi trong bộ tham mưu chỉ huy trận đánh Diện Biên Phủ có các tướng lãnh Tầu quen dùng chiến thuật biển người thí quân. Và họ đã nếm mùi cay đắng khi các ông cố vấn Tầu cuỡi lên cổ họ chỉ huy chiến dịch “đấu tố ruộng đất” tàn bạo theo kiểu Mao Trạch Đông, để rồi sau đó Trường Chinh phải xin lỗi đảng và nhân dân rồi từ chức Tổng bí thư để tránh một cuộc nổi loạn phẫn uất của dân chúng. Và họ còn biết nhiều hơn nữa trong thời kỳ chống Mỹ khi bom rơi trên đất Bắc, nhưng ở Bắc Kinh, Mao ngồi khoanh tay nhắn Mỹ “ngươi không đụng đến ta thì ta cũng không đụng đến ngươi”.
Lớp người lãnh đạo đầu của đảng Cộng sản Việt Nam nay đã chết cả rồi. Bây giờ đến lớp người lãnh đạo hiện nay chưa đáng làm học trò những người đó, chớ đừng nói là nối chí họ. Thật nguy hiểm cho vận nước.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.