Hôm nay,  

Tinh Thần Và Niềm Thao Thức Của Nhóm Huế

15/12/200000:00:00(Xem: 5008)
Cách đây ít lâu, LM Phan văn Lợi có gửi cho chúng tôi một bản góp ý với HĐGM Việt Nam năm 1999 do và lm Phêrô Nguyễn Hữu Giải đồng ký tên với lời căn dặn xin giữ đấy đừng phổ biến ngay. Nay lm yêu cầu tôi phổ biến "để hỗ trợ cha Lý và cho mọi người thấy đây là một tinh thần nung nấu từ lâu, một thao thức âm ỷ bao ngày. Dĩ nhiên thư góp ý đó đã gởi cho HĐGM lâu rồi, nhưng thấy các ngài chưa có đáp ứng bao nhiêu, ngoài việc đưa ra 4 nhận xét về Nghị định 26 theo kiểu "xưng tội kín" tới Nhà nước, may mà Tin Nhà số 41, tháng 12/1999 đã bạch hóa nó ra" (trích thư Lm Phan văn Lợi).

Tinh thần nung nấu từ lâu, thao thức âm ỷ bao ngày, tôi mạn phép gọi nó là Tinh Thần và Niềm Thao Thức của Nhóm Huế. Thật vậy, từ hơn một tuần nay, cuộc đấu tranh cho Tự do của Lm Nguyễn Văn Lý đã loan đi khắp thế giới và được rất nhiều cá nhân, tổ chức ủng hộ. Tuy nhiên, lm NV Lý không đơn độc và cuộc đấu tranh của ông không chỉ mới bùng lên. Nguyễn Văn Lý và các bạn của ông tiếp tục một đường lối đấu tranh đã thành hình ngay từ ngày 01/04/1975 với Đc Nguyễn Kim Điền Tổng giám mục Huế. Xin trích lại một đoạn trong một bài đăng trên Tin Nhà số 3, mùa xuân 1991 :

Tòa Tổng Giám Mục Hà nội
Hồng y Trinh Như Khuê trước kia và Hồng y Trịnh Văn Căn sau này hiển nhiên là im lặng. Thứ im lặng tượng trưng cho cả Giáo hội miền Bắc. Sẽ lầm to nếu coi đó là một nhược điểm. Khi không có quyền ăn nói thì làm thinh còn hơn là nói nửa chừng. Cần nhắc lại rằng, nếu trọng tâm Giáo hội cũng như Đất nước đều ở miền Nam thì trên nguyên tắc và về phương diện hành chánh nó lại ở miền Bắc. Cũng như thành phố tên thực là Sài gòn lại có tên hành chánh là Hồ Chí Minh. Tòa thánh La mã nâng chức Tổng Giám mục Hà nội lên phẩm Hồng y chắc cũng do cái biện chứng lắt léo đó. Có điều hai cố Hồng y Trinh Như Khuê và Trịnh văn Căn đã không chịu đóng vai trò "chậu kiểng" cho một chính sách tự do tôn giáo giả tạo. Những hoạt động của Hồng y Trinh Văn Căn để đi tơi việc phong thánh các Tử đạo Việt Nam tỏ ra ngài xứng đáng là chủ tịch Hội Đông Giám mục Việt Nam trong nhiều năm.

Cố Đô Huế
Ngày 1/4/75, đúng một tuần sau ngày "giải phóng" Huế, Đc Nguyễn Kim Điền đã lên tiếng một cách vang dội. Đức Cha nồng nhiệt chào đón hòa bình, mời gọi mọi người quên thù hận, chia cơm sẻ áo và bắt tay vào việc ngay để xây dựng một đất nước dân chủ, tự do, ấm no cho đông bào. Không mặc cảm. Không ngần ngại. Ngược lại : hăng hái, quyết tâm, "hiểu tốt, thông cảm và nhìn nhận thiện chí của người khác".

Nhưng mặt khác, Tổng giám mục cũng mời gọi tín hữu quyết tâm sống niềm tin Kitô hữu tới cùng : "Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy sống Phúc Âm của Chúa Giêsu cho đến tận cùng : "Con Người không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người"( Mt. 20,28)[...]

Khi Nhà nước Việt Nam nhất định đồng hóa yêu nước với yêu Đảng và chà đạp nhân quyền thì trả lời dứt khoát của một Nguyễn Kim Điền chỉ có thể là "non possumus" / chúng tôi không thể !. Tiếng nói của Đc Điền thắp sáng ngọn lửa của lương tâm, của Đức Tin. Không chút nhân nhượng. Đó là cục than đỏ luôn luôn bốc cháy trong lòng Giáo hội. Tiếng nói của ngài có tác dụng như tiếng nói của một vị tiên tri, nếu cần, có thể cầm đuốc đốt cháy luôn cái nhà mình đang ở để đánh thức và cứu người trong nhà còn mê ngủ, lạnh nhạt, không nghe ra tai, chỉ biết trố mắt nhìn và chép miệng : "ông cụ khó tính".

Sài Gòn / Hồ Chí Minh
Tại Tp HCM, Đc Nguyễn Văn Bình có vẻ dễ dãi hơn, hay cởi mở hơn. Tùy người nghe. Vị trí Tp HCM và một phần nào sự im lặng của Giáo hội miền Bắc cũng như tất cả những biện pháp chính quyền dùng để quản thúc và bưng bít tiếng nói của Đc Điền, đã làm cho tiếng nói của Tổng giám mục Tp HCM trở thành tiếng nói bán chính thứccủa Giáo hội công giáo. Ngài nói rất nhiều. Về đủ mọi vấn đề : Độc lập, Thống Nhất, Xã hội Chủ nghĩa, Người tị nạn, Vùng kinh tế mới, Học tập chính trị, Nguyễn Trãi, Chiến tranh, Hòa bình, Mua công trái, Nông trường... Tờ báo Công giáo và Dân tộc (của nhóm Công giáo yêu nước), số 559-562 tháng 4-1986 đăng lại những thư từ, phát biểu chính của Đc Bình từ tháng 4-1975. Tất cả là 43 bài. Không có bài nào của Đc Điền. Đọc lại những bài đó, thành thực mà nói, có một số vấn đề và một số lời, giá Đức cha đừng nói thì hơn. Tuy nhiên, cũng phải hiểu rằng,, Đức cha có phận sự lo cho cộng doàn, cho sự sống còn của tổ chức Giáo hội trong một hoàn cảnh éo le. Và cái biên giới giữa nhân nhượng và nhương bộ kể cũng tế nhị". (trích bài HIỆP NHẤT và DỨT KHOÁT, Tiếng nói của hàng Giáo phẩm Việt Nam. Đỗ Mạnh Tri. Tin Nhà No 3, Mùa Xuân 1991).

Ba cách hành xử : Im lặng cứng rắn. Nói như bốc lửa. Uyển chuyển nhân nhượng. Thời cuôc biến đổi. Đảng CSVN biến đổi. Nhưng đảng vẫn còn đó. Ba cách hành xử kia cũng vẫn tồn tại. Lm Nguyễn văn Lý và các bạn ông nồi tiếp lối hành xử của Tgm Nguyễn Kim Điền. Tiểu sử của hai linh mục ký bản Thư Góp Ý về Vấn đề Tôn giáo và Xã hội, cha Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi, đủ chứng minh điều đó. (Tiểu sử lm Nguyễn Văn Lý đã được phổ biến rông rãi trên mạng lưới, đồng thời đã được báo chí và các cơ quan truyền thông Việt ngử hải ngoại loan tải rồi).

Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải
Người làng Di Loan (Quảng Bình), sinh năm 1941. Học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà lạt. Chịu chức linh mục năm 1972. Năm 1976, Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền đặt ngài làm giám đốc Tiểu Chủng viện Hoan Thiện Huế. Tình thế lúc ấy rất khó khăn. Một đàng các tiểu chủng sinh lớp 10,11,12 phải đi học trường Nhà Nước (Quốc Học), bị làm khó dễ đủ điều, mặc dầu các chú bao giờ cũng là những học sinh gương mẫu. Một lần nọ, một tay nhà báo nào đó đến trường và đặt ra cho các em học sinh một câu hỏi: "Em yêu sách nào và ghét sách nào"". Các tiểu chủng sinh đồng loạt trả lời: "Yêu sách Thánh Kinh và ghét sách Bão Biển, Đất Mặn" (là hai sách chống đạo của Nhà Nước, của tác giả Chu Văn). Ông hiệu trưởng Quốc Học hăm dọa các tiểu chủng sinh. Các em về trình lại với Cha Giám Đốc Ngiễn Hữu Giải. Cha Giải liền thân hành ra tận trường Quốc Học, cho ông hiệu trưởng một bài học nên thân về thái độ kỳ thị của ông.

Sau đó, chính quyền biết lm Giải có tổ chức một tu hội đời (một kiểu tu giữa đời, không cơ sở, không tu phục, nghĩa là thoát khỏi sự kiểm soát của Nhà nước) nên càng thêm căm ghét. Cuối cùng, Nhà nước buộc linh mục ký giấy trao lại tiểu chủng viện Hoan Thiện. Cha Giải nhất định không ký. Nhưng Nhà nước đã dùng vũ lực chiếm lấy Tiểu chủng viện. Sự kiện này đã được cha Lý nêu lên trong tuyên ngôn 10 điểm cách đây 6 năm.

Phải giã từ tiểu chủng viện, cha Giải được Đc Nguyễn Kim Điền bổ nhiệm làm quản xứ Lương Văn, một giáo xứ nhỏ cách Huế chừng 12 km phía Nam. Ở đó ngài vẫn giữ thái độ cương cường và hăng say mục vụ giáo xứ cũng như tổ chức tu hội đời. Thành thử ngài đã bị Nhà Nước bắt giam giữ không xét xử trong vòng 6 năm rưỡi, từ 1982 đến 1988. Sau mấy tháng giam giữ bí mật tại một nhà dân thường, ngài đã bị đưa ra trại Đồng Sơn (tỉnh Đồng Hới), rồi lại chuyển vào trại Bình Điền (Thừa Thiên). Tại đây, ngài bị giam chung với linh mục Phêrô Phan Văn Lợi cũng đã ở tù được sáu năm.

Ngài được tha về gần cuối năm 1988. Sau thời gian ở Nhà Chung, ngài bị Nhà nước đưa lên Nguyệt Biều (nơi cha Lý đang ở) để bị quản thúc. Sau đó vài năm, ngài được bổ nhiệm làm quản xứ Lương Văn (tức xứ cũ trước khi ngài bị bắt). Ở đây, ngoài công việc mục vụ giáo xứ, cha Giải, với sự cộng tác của các thành viên một tu hội đời, còn làm thêm việc là chôn cất các thai nhi bị phá (như cha Đông ở Pleiku), bảo bọc các cô gái lỡ dại mang thai, nuôi họ cho đến khi họ sinh con, rồi sau đó, nếu họ không muốn nuôi con, thì cha đem các hài nhi vô thừa nhận này cho các gia đình CG đạo đức muốn nuôi.

Trận lụt năm rồi, Cha đã tận tình cứu giúp đồng bào lương giáo vùng Lương Văn., nhiều cộng tác viên của cha trong việc cứu trợ đã bị làm khó dễ, hạch sách đủ điều. Cha cũng đã mở lớp dạy thêm cho các học sinh lương giáo và nghèo khổ trong vùng, nhưng mới vài tháng cũng bị Nhà nước bắt đóng cửa.

Đấy là đôi dòng tiểu sử về cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải.

Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi.
Sinh 09-3-1951. Nguyên quán Ngọc Hồ, Hương Hồ, Hương Trà, Thừa Thiên. Vào Tiểu chủng viện Hoan Thiện năm 1961. Lên Đại chủng viện Xuân Bích Huế năm 1969. Đến năm 1976 thì mãn trường nhưng vẫn không được chịu chức linh mục vì Nhà Nước "không cho phép".

Năm 1978 bị Nhà nước loại khỏi Đại chủng viện cùng với 17 anh em khác, phần lớn là lớp lớn (18 trên tổng số 45 đại chủng sinh). Về lại gia đình tại giáo xứ chính tòa Phủ Cam. Tháng 5/1981, được Đức TGM Nguyễn Văn Thuận (lúc đó đang bị quản thúc tại giáo xứ Giang Xá, địa phận Sơn Tây) truyền chức linh mục chui.

Ngày 21/9, lễ thánh Tôma Thiện, "thầy" Lợi cùng với một số đại chủng sinh (tại gia) thuộc giáo xứ Phủ Cam diễn một vở kịch nhỏ, gọi là góp vui, trong buổi họp mặt phụ huynh chủng sinh giáo xứ nhân ngày bổn mạng chủng sinh. Vở kịch 5 phút này, mang tên "Dâng con cho Mẹ", có đem vào chi tiết đã xảy ra với cha Nguyễn Văn Lý trên đường đi La Vang tháng 8/81 (xem tiểu sử cha Lý). Hậu quả là "thầy" Lợi bị tù 4 năm (4 anh em khác cũng bị tù từ 2 năm đến 3 năm rưỡi).

Ở tù gần hết 4 năm, thầy Lợi bị phát giác là linh mục "không có phép Nhà nước" nên ở tù thêm 3 năm nữa. Tháng 10/1988 được thả về.

Linh mục Lợi từ đó ở nhà cha mẹ (tại giáo xứ Phủ Cam) mãi cho đến hôm nay. Tháng 4/1998, linh mục Lợi bị Công an gọi đi làm việc vì "đã phát tán báo Tin Nhà". Không có bằng chứng và nhân chứng, Nhà nước đã quay sang quy tội linh mục là làm tài liệu giáo lý mà không xin phép. Linh mục bị tịch thu toàn bộ máy computer, printer (vụ việc này đã được báo Tin Nhà đăng tải). Linh mục tiếp tục làm tài liệu giáo lý. Và đến nay, đang hỗ trợ cha Lý và cha Giải trong công cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo của hai vị.

Đỗ Mạnh Tri

===
Dưới đây là nguyên văn Thư Góp Ý gửi Hội Đồng GMVN cua hai lm Lợi và Giải.

Thư góp ý về vấn đề Tôn giáo và Xã hội

Huế ngày 9-10-1999

Kính gởi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Kính lạy Quý Đức Cha,

Chúng con là linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải và linh mục Phêrô Phan Văn Lợi xin đáp ứng lời kêu gọi "dân Chúa góp ý cho Hội Đồng Giám Mục" mà mạo muội có những ý kiến sau đây:

1- Trước hết, chúng con xin HĐGM Việt Nam, trong tư cách chủ chăn, đồng lòng lên tiếng phản đối Nghị định 26 về tôn giáo của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Theo chúng con, đó là một văn kiện hoàn toàn đi ngược với Hiến pháp Quốc gia và bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà Việt Nam có ký vào. Nó đã được soạn thảo trong sự coi thường nhân dân và bất chấp công lý. Thực chất, đó chỉ là một sợi dây tròng vào cổ các tôn giáo để siết dần cho ngắc ngoải hoặc lôi đi đâu tùy ý Nhà cầm quyền, là một cạm bẫy đẩy các tôn giáo đến chỗ quỵ lụy, thậm chí phải thỏa hiệp với Nhà nước và trở thành một công cụ.

Việc phản đối này không những vì lợi ích của các tôn giáo nói riêng mà cũng vì tiền đồ của dân tộc nói chung. Trong một đất nước mà các tôn giáo không được tự do hoạt động và độc lập tổ chức một cách chính đáng hoặc không tranh đấu để được như thế, hầu trở thành một cơ chế giáo dục lương tâm và hãm thắng hành vi tội ác, thì đất nước đó chắc chắn sẽ bại hoại tinh thần và suy đồi luân lý như đang xảy ra với một mức độ ngày càng trầm trọng trên tổ quốc Việt Nam chúng ta. Và như thế, trách nhiệm sẽ thuộc về ai"

2- Thứ đến, chúng con xin HĐGM, trong tư cách thầy dạy của đức tin và luân lý, đồng lòng lên tiếng phê phán các tệ nạn xã hội (biểu hiện của bại hoại tinh thần và suy đồi luân lý) tại Việt Nam, như bao HĐGM khác đâu đó và thỉnh thoảng vẫn lên tiếng để góp phần canh tân xã hội. Theo chúng con, có những tệ nạn nổi cộm sau đây:

a- Nạn phá thai, mà Việt Nam là một trong những nước đứng hàng đầu thế giới về việc thực hiện. Đây là một tội ác ghê tởm, một thảm trạng làm suy yếu tiềm năng tương lai của dân tộc và giết chết lương tâm con người. Nền văn hóa sự sống như Giáo Hội chủ trương không thể chấp nhận chuyện này được.

b- Án tử hình, mà Việt Nam cũng là một trong những nước áp dụng rộng rãi nhất. Đây là biện pháp biến pháp luật thành công lý báo thù, làm mất ý thức tôn trọng giá trị thánh thiêng của mạng sống con người, vả lại cũng chẳng làm giảm mức độ tội phạm. Nền văn minh tình thương như Đức Gioan-Phaolô II mời gọi xây dựng không thể hòa hợp với biện pháp phi nhân này.

c- Tham nhũng, mà Việt Nam cũng nổi tiếng quốc tế qua bao vụ to lớn gần đây. Theo chúng con, một trong những nguyên nhân chính của tệ nạn này là chủ trương lấy tiêu chuẩn "vô thần" làm hàng đầu (trước cả đạo đức và tài năng) trong việc chọn người vào các chức vụ điều hành cao cấp nhất của xã hội. Thiếu những người có tôn giáo và thực sống tôn giáo trong đầu não quốc gia thì đương nhiên dễ dẫn tới tệ nạn này.

d- Học thêm, cụ thể là phải học thêm với cũng những thầy cô chính khóa, một quốc nạn đang làm điêu đứng các gia đình và làm băng hoại lương tâm của các thầy cô. Đây là do thiếu đầu tư vào việc giáo dục và không đãi ngộ xứng đáng các nhà giáo.

e- Nghiện ngập ma túy, dẫn đến Sida (Aids) nơi giới trẻ, học sinh và sinh viên. Đây là hậu quả của chính sách truyền bá thứ lý tưởng duy vật, lấy sự chiếm hữu vàhưởng thụ vật chất làm ý nghĩa cuộc đời, và là hậu quả của chủ trương không cho các tôn giáo (với tư cách là tập thể tôn giáo) cộng tác vào việc giáo dục giới trẻ ở các cấp cao hơn cấp mẫu giáo.

Các Đức Cha thường dạy chúng con rằng phải hiệp thông với Đức Thánh Cha. Chúng con thiết nghĩ hiệp thông không những là trưng ảnh, cầu nguyện, thông tin và kính viếng Ngài, mà còn vọng lại những gì Ngài tuyên bố với thế giới và dạy dỗ các tín hữu. Mà phần lớn những vấn đề nổi cộm trên đây lại là những điểm Đức Thánh Cha nhắc lui nhắc tới trong triều đại giáo hoàng của Ngài.

Chúng con rất tâm đắc câu nói của một chứng nhân kitô hữu thời đại, mục sư Martin Luther King: "Giáo Hội không nên là quốc sư hay người phục dịch chính quyền. Tốt hơn cả, Giáo Hội nên là lương tâm của chính quyền".

Chúng con xin lạy chào Quý Đức Cha.
Lm Phêrô Nguyễn Hữu Giải & Lm Phêrô Phan Văn Lợi

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.