Hôm nay,  

Nấu Lại Cái Đầu

19/04/200100:00:00(Xem: 4322)
Cuộc họp “tiền-đại hội” đã xong, coi như toàn thể diễn viên đã tham gia buổi diễn thử lần chót trước khi kéo màn trình diễn ra mắt khán giả. Cố nhiên soạn thảo kịch bản và huấn luyện diễn viên thì lâu, nhưng khi bắt đầu diễn thì rất lẹ vì đã trơn tru như một bộ máy, không thể có “sự cố kỹ thuật”. Bởi vậy chỉ cần có 3 ngày là xong và người ta đã yên tâm cho báo chí trường thuật “sống” tại chỗ. Đại hội đảng là một cuộc vận động then chốt trong chế độ cộng sản cai trị nước Việt Nam, vì nó sẽ quyết định ai là người lãnh đạo tối cao của đất nước, đồng thời đưa ra những chủ trương đường lối và chương trình hành động trong nhiều năm ảnh hưởng đến số phận của 79 triệu dân.

Cuộc vận động sách lược này liên quan đến mọi mặt trong cuộc sống xã hội và chính trị đã diễn ra vào một lúc giao thời giữa cái cũ và cái mới trong tình hình thế giới vào đầu thế kỷ 21. Đảng Cộng sản Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt cho vận mệnh đất nước và cho chính họ kể từ ngày chiến tranh kết thúc. Mỗi lần bỏ lỡ như vậy là đảng lại sa lầy thêm trong sự trì trệ ngoan cố, làm sói mòn uy thế và tính chính đáng của một đảng cầm quyền. Đảng nói “đổi mới” kinh tế nhưng chỉ làm theo kiểu nửa chừng để làm giầu cho một thiểu số có chức có quyền trong khi đa số đảng viên vẫn sống trong cảnh nghèo túng. Sự mất quân bình đã có ngay trong nội bộ đảng. Đảng nói có “dân chủ tập trung”, nhưng sự thật không có một thứ dân chủ nào hết. Ở trong đảng chỉ có môt thiểu số cầm đầu nhân danh cái gọi là “chủ nghĩa xã hội” để khuynh loát và áp đảo những phe phái khác không đồng ý với họ.

Sở dĩ đảng gặp nạn này là vì chính cơ cấu tổ chức và nguyên tắc sinh hoạt của nó theo truyền thống “hội kín” từ ngày còn ở trong bóng tối, tranh đấu để đi đến mục tiêu tối hậu là cướp chính quyền bằng bạo lực chớ không phải do ý nguyện của dân. Đến khi trở thành một đảng cầm quyền cai trị cả nước, đảng vẫn không từ bỏ cái cốt “hội kín”, mà còn tìm mọi cách bảo vệ sự kế thừa liên tục của nó để duy trì chế độ chuyên chính toàn trị. Một đảng cầm quyền bắt buộc phải có tính trong suốt để mọi người dân nhìn thấy đảng sinh hoạt như thế nào, phương pháp lấy quyết định ra sao, nhất là phải công khai hóa những vấn đề kinh tế tài chính của đảng. Cho đến nay không ai biết kinh phí của đảng từ đâu mà có, kinh phí đó tổng thể là bao nhiêu và đảng đã dùng kinh phí đó vào những mục tiêu nào. Khi không có sự minh bạch đó, đảng vẫn chỉ là một tập đoàn trong xã hội đen, chớ không có tư cách một chính đảng cầm quyền.

Vấn đề của đảng Cộng sản hiện nay là phải thay đổi toàn bộ chớ không phải chỉ “đổi mới” vá víu tạm bợ như kiểu đổi mới kinh tế nhẩy lò cò chân co chân duỗi. Thay đổi không phải chỉ là một nhu cầu mà còn là một áp lực không thể nào cưỡng lại. Áp lực đó từ đâu đến" Đổi mới kinh tế “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã trở thành một quái thai, nhưng tiến trình của nó cũng là một bài học. Khi đã bám vào cỗ xe đổi mới kinh tế, xe bắt đầu lăn là không có cách nào làm nó ngừng. Xe kinh tế càng lăn, cái đuôi xã hội chủ nghĩa càng teo lại. Khi “định hương xã hội chủ nghĩa” mất dần thế đứng, kinh tế biến thành một áp lực buộc đảng Cộng sản phải lột xác tự cổi trói bắt đầu bằng sự thay đổi tư duy, nghĩa là bỏ hẳn lối suy nghĩ cũ đã lạc hậu với thời đại.

Trước ngày họp đại hội đảng lần IX, người ta đã thấy một vài dấu hiệu sơ khởi. Lần đầu tiên Trung ương đảng đã bỏ phiếu chống lại ý kiến của bộ Chính trị để truất phế Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Đây là một hình thức “dân chủ tập trung” có thật, dù vẫn chỉ là một thứ dân chủ chỉ có riêng trong nội bộ đảng. Nếu việc này được công khai hóa trong Đại hội tuần này, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử đảng một Tổng bí thư phải ra đi trong sự nhục nhã. Sau Lê Duẫn, các Tổng bí thư như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười đã ra đi trong thế “thái thượng hoàng” vì còn được làm Cố vấn tối cao cho Trung ương đảng. Phiêu đã bị chỉ trích lên án nặng nề, nên không thể có vinh dự đó, nhất là đã có đề nghị từ nay bỏ hẳn lệ phong chức “cố vấn tối cao”. Nhưng nếu Lê Khả Phiêu nhờ thế lực của Trung Quốc mà còn tiếp tục được làm Tổng bí thư, tiến trình tự cởi trói của đảng CSVN sẽ hóa thành trò hề. Thay vì tự cởi trói, đảng sẽ bị trói thêm thật chặt để làm tay sai cho đảng Cộng sản Trung Quốc. Độc lập dân tộc cũng tiêu luôn.

Trong tình hình hiện nay, việc bầu một người làm Tổng bí thư thay Lê Khả Phiêu được coi như phản ảnh một sự “đồng thuận” thật sự đầu tiên trong đảng. Cho đến nay những người lãnh đạo đảng vẫn rêu rao có “đồng thuận”, nhưng sự thật đồng thuận của họ chỉ có ở ngoài mồm chớ không có trong hiện thực. Một Tổng bí thư mới - có thể là Nông Đức Mạnh - sẽ không có vai trò bù nhìn làm tay sai cho một phe nhóm nào, mà phải có tài có đức để tạo ra một sự đồng thuận trong nội bộ trước những quyết định khó khăn. Đó mới chỉ là bước đầu.

Kỹ nghệ ngày nay có vấn đề nguyên liệu, nên đã phát huy phương pháp tái chế hay nấu lại những vật phế thải, chẳng hạn những bịch nylon dùng rồi đem liệng thùng rác, được người ta lượm về nấu lại thành nguyên liệu mới để xài lại lần nữa, dân Mỹ có từ quen thuộc gọi là “recycle”. Dân Việt ta có óc hài hước thích nhái âm cho vui nên cũng nói là “ri-sai-cồn” thay vì nói là nấu lại. Tôi nghĩ đã đến lúc mấy vị “anh hùng” cộng sản còn hăng máu “định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng nên đem cái đầu của họ đi “ri-sai-cồn”. Để lâu sợ không còn kịp nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.