Hôm nay,  

Thôi Nhau Như Thay Áo

07/07/200000:00:00(Xem: 5533)
Điều làm bà con người Việt mình tá hỏa tam tinh là thấy, nghe người Mỹ thôi mhau như thay áo. Nước Mỹ dẫn đầu - lại cũng dẫn đầu - thế giới về ly dị. Cứ 10 cặp cưới hỏi nhau thì hơn 4 cặp ly dị. Tỷ lệ cao hơn Canada 2 lần, Nhựt 3 lần, và Ý 10 lần. Đó là con số đáng tin của một cơ quan đáng tin là U.S Bureau of Census công bố mới đây, năm 1998. Từ ngạc nhiên đến lo sợ, lo sợ cái bịnh xã hội nầy lan đến gia dình, con cái, hay có khi cũng dám đến cảnh tan đàn rã gánh. Có gì ảnh hưởng đến tiếng tăm gia đình hay uy tín cá nhân hơn ly dị, theo truyền thống và phong tục xã hội Việt Nam. Do vậy, đa số những người có trách nhiệm bản thân và gia đình, dẫn bầu đoàn thê tử đến đất nầy cảm thấy phải tìm cái bịnh của xã hội Mỹ ấy, xã hội mà muốn hay không, bà con cũng phải chung lộn, hòa nhập. Đó là một thái độ tích cực để đối diện với thực tế phũ phàng hơn là quay lưng tránh né hay đầu hàng.

Khảo cứu, viết ra về ly dị, tác giả có hàng chục, sách vở hàng trăm. Tổng lượt thấy có sáu nguyên nhân ly dị. Thứ nhứt, người Mỹ hay nghĩ tới hạnh phúc riêng tư hơn của gia dình, dành ít giờ cho người phối ngẫu và con cái. Thứ hai, phụ nữ ít tùy thuộc đàn ông hơn trong vấn dề tiền bạc vì đi làm có tiền. Thứ ba, cuộc sống gia đình ngày càng căng thẳng do đa phần hai vợ chồng đều đi làm; chăm sóc con là một gánh nặng. Thứ tư, xã hội ít khắt khe hơn trong ly dị. Thân nhân, bạn bè ít khuyên hơn khi có xung đột xãy ra giữa hai vợ chồng. Thứ năm là luật pháp ngày càng dễ dàng hơn trong ly dị. Khi xưa luật đòi hỏi người ly dị phải chứng minh người phối ngẫu vi phạm nghĩa vụ vợ chồng như ngoại tình hay xâm phạm thân thể. Bây giờ muốn thôi nhau, nếu một trong hai phối ngẫu nghĩ rằng cuộc hôn nhân thất bại là đủ. Hầu hết 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, luật cho phép ly dị dễ như thế.

Và thứ sáu là yếu tố có tính văn hóa; tôi có ý để sau cùng vì nó quan trọng và liên quan đến quan niệm hôn nhân Việt Nam. Đó là hôn nhân người Mỹ dựa trên nền tảng tình lãng mạn (Romantic love). Tình lãng mạn theo thuật ngữ xã hội học là luyến ái và sắc dục của một người này đối với một người kia. Ở các xứ tự do luyến ái, lấy nhau vì tình lãng mạn này, không ai có thể quan niệm cuộc hôn nhân không có tình ái. Quan niệm đó tiềm tàng trong xã hội, trong truyện cổ tích như Cinderella, và trong vô số truyện tình bày bán khắp nơi. Nhưng tình cảm, tình yêu bản chất của nó là thay đổi, nay tăng mai giảm, không bền vững. Bao lâu mà sắc dục không còn đủ cảm hứng nữa thì tương quan chồng vợ có thể trục trặc hay đổ vỡ. Rất nhiều người ly dị chỉ vì muốn chấm dứt hôn nhân để tìm khoái cảm mới. Nói gọn bản chất hôn nhân không phải là tuần trăng mật kéo dài mà là một chuỗi trách nhiệm đối với mình, với người phối ngẫu và con cái. Do vậy, lấy nhau, lập gia đình vì tình lãng mạn không ổn định bằng lấy nhau dựa trên gia đình, kinh tế, và tầng lớp xã hội theo kiểu hôn nhân dàn xếp (arranged marriages) mà đa số người Mỹ gốc Á châu (trong đó có Việt Nam thích hơn).

Hôn nhân dàn xếp ở đây không có nghĩa một thứ hôn nhân mà cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy lỗi thời trước thời Tự Lực Văn Đoàn, Tuyết Hồng Lệ Sử ở Việt Nam. Gia đình Việt Nam đã bước một bước khá dài trong việc dành cho con cái tự do chọn người yêu. ‘Dàn xếp’ hàm xúc nghĩa xét và chấp thuận người yêu của đôi trẻ và hợp thức hóa bằng đám cưới long trọng giữa hai họ, trước người sống cũng như người đã khuất trong việc lạy ông bà, tổ tiên.

Đối chiếu hôn nhân tại các quốc gia mà hôn nhân có gia đình tham dự, dù là hình thức long trọng, với quốc gia mà hôn nhân chánh dựa trên tình lãng mạn, xã hội học chỉ rõ tỷ lệ của nhóm trước nhỏ hơn nhóm sau gấp bội. Xã hội học cũng cho biết nguyên nhân chính của tỷ lệ ly dị cao nhất hoàn cầu của Mỹ là do hôn nhân dựa trên tình yêu lãng mạn.

Xã hội học cũng tìm ra hướng đi hiện tại của xã hội Mỹ. Một thập niên trở lại đây, thanh niên thanh nữ đã một phần đổi hướng nhắm. Mũi tên của Thần Ái Tình Mỹ đang hướng về người bạn tình đồng sắc tộc, đồng tuổi tác, và đồng tầng lớp xã hội. Xã hội đang “dàn xếp” hôn nhân giữa những người cùng đặc tính xã hội. Năm 1998 trong 100 trẻ sơ sinh chỉ có 4 đứa là lai sắc tộc (US Bereau, 1998). Và cũng 10 năm trở lại đây tỷ số ly dị đã ngưng lại (Kain 1990).

Dù người Mỹ gốc Á Châu chỉ chiếm hơn 3 phần trăm dân số thôi, nhưng nền văn hóa gốc có một bề dày lịch sử gấp hàng trăm lần văn hóa Mỹ. Ý niệm hôn nhân nhờ vậy không bị dòng chính văn hóa hôn nhân vì tình lãng mạn nhận chìm. Trái lại, quan niệm hôn nhân dựa trên gia đình, xã hội cũng đóng góp một phần trong việc chuyển hướng hôn nhân Mỹ. Đó phải chăng là sự đóng góp văn hóa của người Mỹ Á Châu trong nền văn hóa đa chủng Mỹ"

Gia đình Việt Nam đã thử thách một phần tư thế kỷ trên đất Mỹ này. Con gái người Việt ngày càng thành đạt. Đám cưới Việt Nam xôm xả, long trọng hơn bất cứ sắc dân nào. Nó là sự kết hợp của hai họ trước sự chứng kiến của người sống và người chết. Đó là một loại hôn nhân dàn xếp nhưng vẫn tôn trọng sự lựa chọn của người phối ngẫu. Dàn xếp trong xét duyệt, phê chuẩn, chiếu hội người bạn tình của con em một cách cởi mở, đón nhận hơn là cản trở. Nhờ vậy tỷ lệ ly dị của người Việt gốc Mỹ so với tỷ số 4/10 Mỹ là quá nhỏ. Nhỏ đến không đáng kể và không cần làm thống kê.

Với xu thế hướng hôn nhân dựa trên đồng đặc tính xã hội của Mỹ và rất gần gũi quan niệm hôn nhân Á Châu, và với sự vượt qua một cuộc hội nhập một phần tư thế kỷ mà không mất bản thể trong xã hội Mỹ, bịnh ly dị không là điều đáng sợ đối với gia đình Việt Nam mình sống trên đất Mỹ nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.