Hôm nay,  

Cuộc Đụng Độ Niềm Tin (cuộc Đối Đầu Giữa Nhànướcvàthiên Chúa!)

15/02/199900:00:00(Xem: 7263)
CUỘC ĐỤNG ĐỘ NIỀM TIN (Cuộc đối đầu giữa nhànướcvàThiênChúa!)

Johanna McGeary
Hoàng Quý phóng dịch

LTS. Đây là đầu đề của bài báo chủ lực “Clash of Faiths” do Johanna MCGEARY tổng hợp các tài liệu của bốn thông tín viên quốc tế của tờ Time từ Havana, Rome, New York và Washington. Tờ Time số ra ngày Jan 26, 98 đã đăng hình bìa Đức Gioan Phaolô II và Fidel Castro với những hàng chữ nổi bật: “Điều gì đã đem họ đến với nhau. Hai nhân vật ‘khổng lồ’ của thế kỷ đem niềm tin ra đọ sức” (What Brought Them Together. Two giants of the century put their faiths to the test). Bài báo này đã được in lại trong cuốn ‘báo sách’: Cuba, chuyến đi lịch sử của nhà xuất bản Phụng Sự vừa phát hành.
Nhận thấy đây là một bài báo giá trị, dù viết trước cuộc gặp gỡ lịch sử một tuần lễ, đã diễn tả được những tiêu đề chính của cuộc đụng độ niềm tin giữa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Tổng thống Fidel Castro, chúng tôi đã xin phép nhà xuất bản in lại trong số báo này để làm ý hướng cho chúng ta trong công cuộc đối đầu niềm tin giữa Kitô giáo và Cộng sản tại Việt Nam, đồng thời cũng giúp chúng ta suy nghĩ về hoàn cảnh Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng với Cuba hiện nay.
HAI NHÂN VẬT, HAI TƯ THÁI
Mở đầu bài viết, tác giả mô tả lại Tòa Nhà Cách Mạng nơi đang thống trị Cuba. Ít ai có thể đi vào trung tâm quyền lực này, như một pháo đài xã hội chủ nghĩa cuối cùng tại tây bán cầu, một trong những chế độ cộng sản ít ỏi còn đang chiến đấu cỡi sóng bước ra khỏi thế kỷ 20. Chính nơi đây Fidel Castro bí mật đạo diễn đảo quốc này. Ông vẫn kiên quyết và có thể gọi là ngoan cố theo đuổi giấc mộng vàng mà ông coi như một sứ mệnh thần thánh: bảo vệ cuộc cách mạng.
Người ta tưởng rằng Fidel Castro đã thua cuộc vào năm 1995 khi ông phải vật lộn giải quyết những khó khăn phức tạp nguy hiểm với nền kinh tế của chủ nghĩa Maxít hoàn toàn sụp đổ trên thế giới và tại đảo quốc của ông. Nhưng cuối cùng, quốc gia cộng sản của ông vẫn sống sót và mỗi ngày nổi lên được một chút sau những lớp sóng thần hoàn toàn quất ngã Liên Bang Xô Viết. Từ đây, ông quyết định đi tìm phương thuốc cứu chữa cho con bệnh trầm kha của chủ nghĩa cộng sản. Ông lên đường mang theo ý nghĩ vẫn đắn đo: mời Đức Giáo Hoàng viếng thăm Cuba.
Trong khi đó Đức Gioan Phaolô II trong thâm cung của ngài, một căn nhà nguyện riêng nhỏ nhắn trưng bầy một cây thánh giá lớn bằng đồng và một bức ảnh “Đức Bà Đen” biểu tượng cho tinh thần quốc gia Ba Lan. Mỗi buổi sáng tối ngài tới đây cầu nguyện với Chúa và thông đạt với Đấng Thần Linh cao cả hướng dẫn ngài theo đuổi con đường kiên định suốt hai chục năm qua: Lên đường và rao giảng Lời Tin Mừng.
Vương quốc của ngài là vương quốc thiên linh cao cả không bị hạn định. Hoặc ngài rao giảng từ Tòa Thánh Phêrô hay từ bàn thờ tiền chế trên 116 quốc gia ngài đã đặt chân tới, Đức Gioan Phaolô II đều gây được ảnh hưởng thần thánh và cụ thể, không những trên suy nghĩ và lối sống của hàng triệu Kitô hữu, nhưng còn lần mở ra những biến cố thế giới. Từ lòng đạo đức thâm sâu và mãnh liệt, ngài trở thành một sức sống cách mạng.
Hàng triệu người trên thế giới sẽ ngắm nhìn say mê hai nhân vật khổng lồ đối diện nhau trên sân khấu đảo quốc Cuba. Thế giới theo Maxít sẽ chạm tay với Lời Thiên Chúa. Ý thức hệ 100 tuổi vạch ra một thiên đàng với quân bình xã hội và kinh tế đồng đều trên trái đất sẽ đối đầu với niềm tin 2000 năm nơi thần lực trường cửu khi tôn thờ Thiên Chúa và tôn trọng nhân phẩm con người.
Mục tiêu của ĐGH không gì khác hơn là thiết dựng trên toàn thế giới một Kitô giáo thay thế cho chủ nghĩa Maxít trong thời đại này. Tuy nhiên, dầu cho sau khi chế độ cộng sản đã nổ banh xác trên toàn hành tinh chúng ta, nhưng Fidel Castro vẫn là kẻ ngụy tín đích thực trung thành với một thần linh đã thất bại. Ông đã rêu rao vào lúc khởi đầu cuộc cách mạng “Lịch sử sẽ giải phóng tôi” và hiện nay ông vẫn tin tưởng lịch sử sẽ còn tiếp tục giải phóng ông. Trong khi đó ĐGH cũng xác quyết một ngày không xa nữa tôn giáo của ngài cũng sẽ quét sạch những tàn tích cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản vô thần.
Cả hai người đều là những tay kỳ phùng địch thủ. Cả hai đều là những nhà cai trị tuyệt đối trong vương quốc của mình. Cả hai đều là những người chủ trương truyền thống, bảo thủ trong niềm tin và cương quyết chống lại những lý thuyết xét lại từ bên trong. Mỗi nhân vật đều là những người đầy sủng lực và lôi cuốn, với quyền lực xuất phát từ nhân cách. Mỗi người đóng một vai trò nổi bật trên chính trường quốc tế, khi áp đặt hệ thống niềm tin trên hàng triệu con người, nhờ trí óc minh mẫn và ý chí sắt đá. Cả hai đều là những nhà chính trị tài khéo, thành thạo đo may các thông điệp cho từng thời điểm, tuy nhiên họ cũng luôn luôn phóng tầm mắt vào phán đoán tối hậu của lịch sử. Mỗi người mặc bộ đồ đồng phục của ơn gọi, ĐGH rạng rỡ trong bộ đồ trắng mang sứ điệp hòa bình, Castro trong bộ đồ quân phục mệt mỏi của giai cấp đao binh. Tuy nhiên họ lại có một quá trình giống nhau kỳ lạ: học trường Công giáo, học sinh xuất sắc, thể thao gia.
Cả hai đều cùng đang bước vào buổi hoàng hôn buồn thảm của cuộc sống, khi thân xác phản bội lại một tinh thần không gì khuất phục được. Fidel Castro năm nay 71 tuổi đang để lại những dấu vết già cỗi hằn trên nét mặt. Tuy thế, bàn tay ông vẫn nắm chắc trong tư thái ăn nói hùng biện. Và ĐGH 77 tuổi còn tỏ ra thảm hại hơn khi bước đi những bước đi chậm chạp nặng nề và bàn tay trái run rẩy mang chứng bệnh Parkinson.
Cuộc đọ trán niềm tin mang tính chất biểu tượng nhiều hơn vì trong cuộc gặp mặt ngắn ngủi giữa hai người, ĐGH chú tâm tới nhiệm vụ viếng thăm mục vụ đoàn chiên của ngài tại Cuba. ĐGH là diễn viên chính đứng giữa sân khấu và hàng triệu người trên thế giới nhìn thấy ngài trên truyền hình, trong khi đó Fidel Castro đứng khuất sau cánh cửa văn phòng tại Havana để theo dõi các diễn tiến. Ai sẽ là người thắng thế"
VÁN BÀI CỦA FIDEL
Người ta phải ngạc nhiên khi Fidel chấp nhận nhiều giấc mơ của mình đã tiêu tan thành tro bụi. Ý thức hệ ông từng nuôi dưỡng và sống đã ép buộc ông phải dừng chân những gì ông còn đang rêu rao. Ông đã từng quan tâm tới các hệ thống chính trị và kinh tế mà ông hằng ôm ấp, giờ đây đang kiệt quệ điêu tàn khắp nơi trên thế giới. Tuy thế, trái tim ông vẫn còn chưa đi vào canh tân kinh tế và giải phóng chính trị, và ông bị miễn cưỡng phải làm những gì tối thiểu để sống sót.
Ngay tại Cuba, ý thức hệ cộng sản đã thực sự cáo chung rồi. Kinh nghiệm cá nhân (hoặc Đảng trị) độc tôn tàn hại của một thời kỳ đặc biệt đã cướp bóc đi khỏi đất nước này một cuộc sống vật chất đầy đủ và một niềm tin quốc gia vững chãi. Cuộc sống hàng ngày của tuyệt đại đa số nhân dân Cuba còn thê thảm hơn những ngày đen tối nhất trong năm 1993, cuộc sống ấy đang bị tán nghiền trong nghèo khổ, đói khát và thất nghiệp. Ngay cả đến hệ thống y tế, giáo dục và an sinh xã hội trước đây ông hãnh diện như những thành quả rực rỡ của cuộc cách mạng, ngày nay cũng đang lâm nguy trầm trọng. Nạn mãi dâm của chế độ cũ đang trở lại hung hãn, thế lực đồng đôla đang làm phương hại nền bình đẳng xã hội, kinh tế độc quyền đã phân tán vào tay tư nhân. Nạn thất nghiệp hoành hành khắp nơi. Những người bất bình và chống đối đang mỏi mòn trong các lao tù.
Những người tiên đoán chế độ Castro cách đây bốn năm sẽ đi đoong, giờ đây chứng tỏ đã sai lầm. Nền kinh tế Cuba đã thoát khỏi ngõ bí. Từ đáy thẳm của giai đoạn suy thoái cùng kiệt: không dầu hỏa, không điện đèn, không thực phẩm, không phương tiện chuyên chở, không sản xuất, ngày nay thủ đô Havana đã rộ nở các khách sạn tân trang, các đèn nê ông rực sáng, các nhà hàng và hộp đêm mọc ra như nấm. Tiền đôla Mỹ đã nuốt chửng đồng tiền Cuba. Các thị trường nông dân và xí nghiệp bắt đầu chỗi dậy sinh khí. Xe hơi đang vượt số xe đạp tại Havana. Các nhà đầu tư ngoại quốc không những hùn hạp các dự án mới, nhưng còn công khai khai thác. Nhiều hãng điện thoại đã thay đổi hệ thống điện thoại cũ kỹ trước đây bằng những sản phẩm tân kỳ.
Alfredo Guevara, giám đốc học viện phim ảnh, đã từng học chung trong đại học, mô tả Fidel là một con người bị ám ảnh. Fidel luôn luôn như núi phun lửa “đôi khi làm hại, nhưng đôi khi cũng làm phì nhiêu đất đai.” Suốt 40 năm bị ám ảnh về việc “phải hoàn thành công cuộc cách mạng” mà chúng ta biết đã chẳng đi tới đâu. Tuy nhiên Fidel vẫn hãnh diện cao độ rằng một lần nữa ông đã thách thức những lời tiên đoán của thế giới về ngày cáo chung gần kề của ông.
Fidel vẫn tự hào về cuộc cách mạng của ông. Khi gặp lại bạn bè cũ, họ nhắc nhớ lại với nhau những thành tích, những chiến công của cuộc cách mạng xưa kia. Hàng ngày ông vẫn đích thân trông nom và giải quyết những công việc lớn, như những liên hệ với giáo hội, và những công việc nhỏ, như các chi tiết về chuyển ngân cho các nhà đầu tư ngoại quốc. Tất cả mọi chuyện ông đều quy hướng về việc bảo toàn cuộc cách mạng. Ý thức được như nhiều người khác không còn tin tưởng gì vào các thuyết chính thống của chủ nghĩa Mác, ông đã khôn khéo định nghĩa lại cuộc cách mạng cho phù hợp với vương quyền, với định mệnh và với căn tính quốc gia Cuba, cũng như nền công chính xã hội mà mọi người dân có thể cùng chia sẻ.
Castro đã luôn luôn nói, “Các người làm cách mạng không bao giờ về hưu trí cả”, tuy nhiên ông vẫn luôn luôn soạn thảo kế hoạch cho việc chuyển quyền không thể tránh khỏi cho người em là Raúl kế vị. Cách nay nửa thập niên, ông đã bắt đầu thay thế các chiến hữu già nua bằng các chuyên viên kỹ thuật trẻ tuổi có văn bằng. Ngày nay nhiều đảng viên nắm giữ các chức vụ lãnh đạo, nhiều cố vấn hàng đầu của Quốc Hội và Tổng thống đều dưới 40 tuổi, đây là một hình thức đảm bảo rằng những người đi theo lý tưởng của ông đang chuẩn bị nối tiếp sứ mệnh của ông.
Giờ đây Cuba không còn trong cơn hiểm nguy sống sót nữa, nhưng tâm trạng vỡ mộng vẫn dâng cao khi toàn dân đang đi kiếm tìm một điều gì khác nữa: kết liễu thời đại hạn chế, nhà cửa khang trang hơn, việc làm có lương bổng tương xứng. Những bất mãn đã không hướng lái người dân Cuba xuống đường vì họ quá nhút nhát, quá lo sợ cho một đổi thay bất định. Không còn che dấu niềm ghê tởm các nhà lãnh đạo của họ cuối cùng đã đẩy đưa Đông Âu phải đứng lên làm cuộc nổi dậy công khai. Rolando Suaréz, Giám đốc cơ quan Bác ái Caritas đưa ra nhận định: “Nhân dân Cuba luôn luôn đợi chờ một người nào đó từ quốc nội, quốc ngoại, từ Thiên Chúa xuất hiện để thay đổi hoàn cảnh sống của họ.”
Nhưng sau cùng, nhiều người vẫn đang đi kiếm tìm những gì lấp đầy khoảng trống tâm linh do những câu sáo ngữ trống rỗng và hết thời của chủ nghĩa Mac đã tuyên truyền. Từng ngụm hớp sáng kiến cá nhân được phép vận dụng trong những năm gần đây đang nuôi dưỡng việc tận hưởng những tự do cá nhân nhiều hơn nữa, không phải lối sống dân chủ kiểu Mỹ hoặc lật đổ chế độ, cho bằng niềm ngưỡng vọng được lựa chọn những gì lợi ích cho mình nhiều hơn, tận dụng được những gắng công của mình nhiều hơn và nói được tiếng nói của mình nhiều hơn. Gliceria Cabrera, 57 tuổi diễn đạt niềm tâm tư ấy như sau: “Trước đây hoặc Đảng hoặc điều này là vững chắc, nhưng từ đây chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa.”
Cuộc sống sót tôn giáo khiêm tốn này đang âm ỷ tại đất nước Cuba của Castro. Các nghi lễ Công giáo, rửa tội, thêm sức, làm lễ cưới và táng xác đang trên đà hưng khởi. Trong một đất nước mang truyền thống Công giáo hầu như ngang nhau về con số những người tham dự Thánh Lễ và các việc phụng vụ Lời Chúa với những người đi theo các nghi lễ của đạo Santeria, một thứ đạo mang mầu sắc Phi Châu-Cuba. Những việc phụng tự này không đưa tới những đe dọa chính trị. Những khó khăn kinh tế là một động lực mãnh liệt: nhiều tụ họp mới của mọi niềm tin đang đi kiếm tìm phương tiện sinh sống vật chất nơi những trợ giúp thực phẩm và thuốc men của các cơ quan bác ái Công giáo, trong đó có cơ quan Caritas, đây là những nguồn mạch ngoại quốc được phép đổ vào Cuba. Giáo hội xuất hiện là nơi thánh địa tâm linh hơn là nơi xuất phát những cuộc nổi dậy chính trị. Nhưng bằng một đường lối chậm rãi và vững chãi này, người dân Cuba đang hấp thụ những ý tưởng của Kitô giáo về phẩm giá con người và về nhân quyền.
Fidel Castro luôn luôn là một chiến lược gia đáng nể, thành thạo
nhạy bén với tâm trạng quần chúng và ông đã khôn khéo nắm kịp thời vận. Raúl Rivero, một thi sĩ và cũng là nhà báo độc lập, nhận định về Fidel là người biết sẵn sàng sửa chữa những sai lầm khi phù hợp với những mục tiêu ông đang nhắm tới. Hiệp nhất quốc gia là sức mạnh quý giá cho uy quyền của ông, do đó ông sẽ vận dụng khi cần thiết để bảo vệ uy quyền đó. “Nếu như Cuba đang quay đầu trở lại với tôn giáo, chính Fidel sẽ là người thực sự thánh hóa chuyện đó.”
Ý tưởng về chuyến viếng thăm của giáo hoàng vẫn làm ông phân vân suốt hai thập niên. Điều này chẳng có gì lạ lùng cả vì ngay từ lúc khởi đầu cuộc cách mạng, Castro đã đi kiếm tìm những cuộc hành hương chính trị từ những nhân vật có ảnh hưởng và nổi tiếng như một dấu hiệu được quốc tế nhìn nhận. Và quả thực Castro không bao giờ sợ nói chuyện với những người đối lập với ông. Dù cho ông loại trừ mọi Kitô hữu ra khỏi đảng, quốc hữu hóa các trường Công giáo, trục xuất các linh mục và tu sĩ ngoại quốc, nhưng ông không bao giờ đóng cửa nhà thờ hoặc cấm cản việc thờ phương cũng như dứt giây ngoại giao với Vatican.
Năm 1979 Fidel Castro đã gặp gỡ một số linh mục đi theo thần học giải phóng tại Nicaragua và sau đó ông nhận định “chuyện công bằng xã hội, bình đẳng và săn sóc cho người nghèo khổ không có những mục tiêu khác với cuộc cách mạng của Cuba cả.” Do đó ông đã mời Đức Giáo Hoàng ghé qua thăm Cuba trong chuyến hành hương tới Mexicô, nhưng việc “dừng chân kỹ thuật” này do Castro đề nghị chưa lôi kéo được Đức Gioan Phaolô II.
Vào năm 1985, Castro nhìn thấy dấu hiệu chế độ không thích hợp và bắt đầu đi tìm kiếm những ý thức hệ mới đang tác động quần chúng. Dần dần người dân trở lại với tôn giáo. Vì thế ông đã dành ra 23 giờ đồng hồ nói chuyện với linh mục Frei Betto, Dòng Đa Minh người Ba Tây. Và kết quả là cuốn sách ‘Fidel và Tôn giáo’, trở thành cuốn sách bán chạy nhất quốc gia. Ở đây, người tông đồ của chủ nghĩa Mac giải thích về việc theo học trường Công giáo lúc còn trẻ và thái độ của ông đối với tôn giáo. Ông nhắc nhở lại bà mẹ sùng đạo và nền giáo dục chặt chẽ tại giáo xứ. Ông đã được rửa tội và được dậy dỗ về lịch sử Thánh Kinh cũng như giáo lý Công giáo. Tại trường trung học của giai cấp cao hơn thuộc Dòng Tên, ông đã quan tâm tới tính quyết tâm và kỷ luật của những bậc thầy lão luyện đã nói tiên tri về ông rằng ông có thể trở thành một tên tuổi sáng chói.
Trong lúc gọi Đức Kitô là “nhà đại cách mạng” với những giáo huấn trùng hợp các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, Castro nhấn mạnh rằng “không ai có thể làm thấm nhập niềm tin tôn giáo vào con người ông, qua những phương pháp máy móc và tín điều đã được sử dụng trước đây. Không bao giờ tôi tin tưởng ở tôn giáo cả. Tôi có những giá trị khác: niềm tin chính trị mà tôi đã hun đúc, như kết quả của những kinh nghiệm, phân tách và tình cảm.”


Trong cuốn sách của ông, người ta ngạc nhiên khi thấy ông có những kiến thức tôn giáo khá rộng rãi và thâm sâu. Ông biết sử dụng các câu so sánh tâng bốc giữa chủ nghĩa Cộng sản và Kitô giáo: “Karl Marx hẳn đã tán thành Bài Giảng Trên Núi,” trong lúc người Kitô hữu chưa chắc đã vận dụng Bài Giảng này bằng người cộng sản. Người Kitô hữu đã bị đánh bật khỏi chính quyền Cuba không phải vì ý thức hệ cho bằng đã phạm những sai lầm lịch sử khi yểm trợ cho chính quyền trước cách mạng.
Castro đã gợi ý với linh mục Frei Betto là ông khá quan tâm tới việc có thể gặp mặt Đức Gioan Phaolô II càng sớm càng tốt, không phải chờ đợi cho tới lúc các điều kiện đã được đảm bảo. Ông đã hướng lái những mối giây giao hảo giữa chính quyền với giáo hội, từ chỗ thù nghịch và đối đầu đến chỗ khai thác những lợi ích chung của nhau. Ông đã biết khai thác những ảnh hưởng của nền thần học giải phóng: ông nâng đỡ những lý thuyết căn bản của nền thần học của Châu Mỹ La Tinh, tuy nhiên ông cũng nhìn ra lý thuyết này có thể là những đe dọa cho quyền lực của ông tại Cuba, một cố công của giáo hội muốn đánh cắp khẩu hiệu công bằng xã hội. Những lo ngại đó không làm ông quá quan tâm vì giới lãnh đạo Công giáo trước đây phục vụ cho giai cấp trưởng giả hơn là phục vụ đại chúng, họ sẽ không ôm ấp lối thần học giải phóng này. Họ cho rằng Cuba đã làm cuộc giải phóng này rồi. Bây giờ điều Cuba cần thiết chính là lên đường tìm về hòa giải.
Giáo hội đòi hỏi có “chỗ đứng” nhiều hơn trong xã hội Cuba, một cơ hội đóng góp nhiều hơn trong các lãnh vực chuyên môn như giáo dục, bác ái và thờ phượng công khai. Biến cố chấn động Bức Tường Bá Linh đã làm tan tác các cố công muốn xích lại gần nhau giữa chính quyền và giáo hội. Castro cần tập trung sức mạnh vào công việc bảo vệ cách mạng, chính vì thế Giáo hội đã mất nhiều cơ hội vào thời kỳ này. Nhiều người trẻ đã tìm đường trốn thoát khỏi đảo quốc này để vượt biên đi tìm cứu vãn cho Giấc Mơ Mỹ quốc. Các linh mục không có nguồn lực cung cấp các trợ giúp bác ái cho đám quần chúng tuyệt vọng nữa. Người dân Cuba quá bận rộn đi ăn xin các nhu cầu thiết yếu hơn là tới tham dự các nghi lễ tôn giáo. Nhưng khi họ dần dần tìm thấy sức nâng đỡ tâm linh giữa những vất vả vật lộn trong cuộc sống và khi Castro đã đánh mất việc thu hút các cơ quan bác ái tôn giáo cung cấp những gì chính quyền bất lực, các nhà thờ Cuba bắt đầu hưng khởi.
Năm 1991 Castro hủy bỏ lệnh ngăn cấm các Kitô hữu gia nhập Đảng Cộng sản và vào năm 1992 ông tuyên bố Cuba không phải là một quốc gia vô thần nữa, nhưng là một quốc gia thế tục (secular). Đôi lần trong năm 1995, Castro tìm được quân bình ổn định để có thể mở lại các cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh với Vatican. Người ta nhận thấy ông thoải mái hơn, tự tin hơn khi không lo sợ mình bị lật đổ nữa. Ông xác tín rằng những gì ĐGH đã khích động được đoàn quân thập tự chống cộng tại Ba Lan sẽ không thể tái diễn tại Cuba trước Giáo hội Cuba yếu ớt. Một số người cho rằng Castro nhìn nhận ra đã đến thời điểm phải ôm ấp những người đói khát tôn giáo trong đất nước của ông và tìm các phương thức làm dịu bớt các bất mãn, các chống đối. Nhưng điều làm ông chú tâm thực tiễn nhất chính là lôi kéo được các đầu tư Âu Châu để giúp đất nước ông leo lên khỏi những khó khăn và tai họa kinh tế đe dọa. Castro càng mong muốn tiền ngoại quốc, ông càng phải phân bố tiếp nhận đâu là ánh sáng Châu Âu có thể chấp nhận du nhập vào đất nước ông. Một chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng hẳn có thể giải quyết được nhiều vần đề nan giải này.
KẾ HOẠCH CỦA ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II
Không có các bức màn bí mật che giấu vị giáo hoàng này. Tất cả các ngưỡng vọng và phương pháp hoạt động của ngài đều quang minh chính đại ngay từ lúc ngài vừa đặt chân tới tòa Thánh Phêrô. Ngài là nhà truyền giáo tinh dòng: người đi công du nhiều nhất trong các vị giáo hoàng đem niềm tin yêu đến cho toàn thế giới. Các sứ điệp của ngài nếu thường mang dấu vết chính trị, chính vì ngài đề cao cũng như bảo tồn các giá trị của Kitô giáo.
Dầu cho thể chất ngài suy tàn rõ rệt trong những ngày qua, nhưng diễn đàn của ngài vẫn mang tầm cỡ thế giới. Hàng ngày ngài dành nhiều thời giờ viết tay hàng dòng suối các bài diễn văn, bài giảng, các thư mục vụ gửi các giám mục, và ngay cả đến những cuốn sách bán chạy nhất thế giới, tất cả đều chuyên chở các sứ điệp Tin Mừng. Ngài vẫn tiếp tục các công việc thường lệ như dâng các Thánh Lễ công cộng, các buổi triều yết, các buổi họp với các giám mục, các bữa ăn sáng, trưa, tối có trao đổi làm việc. Khi chuẩn bị cho chuyến công du ngoại quốc, ngài thường thực tập lại ngôn ngữ ấy trong các Thánh lễ buổi sáng, dù cho Tây Ban Nha là một trong tám ngôn ngữ ngài thành thạo.
Ngài có tính hài hước bông đùa khi chuyện trò. Ngài không trà trộn giữa tư thế của một giáo hoàng với con người cá nhân. Ngài không sử dụng ngôn từ giáo hoàng “chúng ta”, nhưng ngài luôn luôn nói, “Tôi nghĩ rằng, tôi tin rằng, tôi lấy làm lạ...” Ngài là một con người biết lắng nghe khi biết đặt câu hỏi và tạo bầu không khí thân tình cởi mở cho mọi người thưa chuyện. Một giới chức cao cấp tại Vatican phát biểu, “Chỉ sau chừng năm phút, các bạn sẽ quên mình đang nói chuyện với một Vị Giáo hoàng, tương tự như mình đang nói chuyện với bạn bè khi uống cà phê.” Dù cho ngài phải lao đầu vào nhiều vấn đề suy tư nặng ký, tuy nhiên ngài cũng dành ra nhiều thời khắc nhẹ nhàng. Một giới chức thân cận diễn tả, “Ngài thích kể chuyện hài hước, các giai thoại. Ngài rất có óc khôi hài.”
Khi đến thương lượng, đến giao dịch tại Cuba, ngài vẫn luôn luôn sử dụng các Thánh lễ đại trào ngoài trời, các buổi đại hội gây nhiệt hứng, các cuộc hành hương tôn giáo về các linh địa quốc gia, các buổi họp mặt với các giới chức cao cấp nhằm mưu cầu lợi ích cho từng quốc gia, bất chấp họ thuộc hữu khuynh hay tả khuynh. Điểm nổi bật nhất nơi vị giáo hoàng này: ngài tin tưởng rằng lời rao giảng Tin Mừng của ngài chính là những phương thức đẩy mạnh nhân quyền, rằng Đức Kitô không thể bị loại trừ ra khỏi lịch sử loài người dù bất cứ nơi đâu trên thế giới, rằng sẽ không có tương lai nếu như nhân phẩm của cá nhân con người bị chà đạp. Ngài vẫn cương quyết nhóm lên niềm tin Kitô giáo và làm thăng tiến các giá trị Kitô giáo giữa những hoang tàn đổ vỡ của chủ nghĩa Cộng sản cũng như khi chủ nghĩa này còn đang độ hương sắc.
Những điều ĐGH nói tại Cuba sẽ không làm ngạc nhiên những người đã từng nghe ngài nói trong suốt 20 năm qua. Linh mục Robert Sirico tại viện nghiên cứu tôn giáo và tự do ở Michigan nhận định khá chính xác, “Điều sắp gây chấn động chính là ngài nói những gì ngài ôm ấp trước mặt Fidel Castro.” Cuba là một thách đố lớn cho ngài. “Nơi đây như những mầm cây đang chờ đợi chút nước tưới xuống.”
ĐGH vẫn kiên trì tranh đấu cho nhân quyền. Và phát ngôn viên Tòa Thánh, Bác sĩ Joaquin Navarro-Valls nhìn nhận ĐGH đã hoạch định một “giáo thuyết đạo đức mới.” Nhưng không giống như Fidel Castro, ĐGH nhận thấy sẽ không hiệu quả nếu ép buộc giáo thuyết này: người ta cần được thuyết phục rằng mỗi người có quyền hành động theo một số những giá trị. Vẫn theo bác sĩ, “ĐGH không đánh gục người khác bắt phải thuần phục, nhưng cần vạch vẽ cho người ta thấy và được thuyết phục. ĐGH không muốn xuất hiện như một tể tướng viễn chinh.”
Trong chuyến viếng thăm kéo dài chỉ 35 phút với Castro tại Vatican năm 1996, ngài không khoa trương hoặc thuyết pháp với nhà độc tài Cuba. Thay vào đó, ngài lắng nghe. Ngài để Fidel Castro hùng hồn diễn tả. Ngài đối xử tôn trọng Castro để ông bầy tỏ nguyện vọng của ông. Và sau cùng ngài “tước khí giới” của ông. Không những nhà lãnh đạo Cuba mời ngài công du đất nước của ông, nhưng ông còn cảm kích diễn tả sau này về “ảnh hưởng đầy xúc động” của cuộc hội kiến ấy và ông gọi là một “phép lạ.” Ông ca ngợi ĐGH là một con người “đại nhân” và một “khối óc lỗi lạc.”
Vị sĩ quan thân cận của Castro diễn tả Tổng thống rất rung động trước mối “thiện cảm tương giao” đang nảy nở giữa hai con người “kinh khủng” của thời đại. Hai nhà lãnh đạo này đã khám phá ra những mối giây liên kết chung trong những mục tiêu chung. “Dù cho những khác biệt về ý thức hệ, vị cận thần này tiếp tục, nhưng cả hai người đều là những người có niềm tin vững mạnh vào khả năng con người có thể cải tiến được, trở thành con người tốt hơn và xây dựng một xã hội hoàn hảo hơn.” Với nhà cách mạng lão thành này, không gì nặng tội hơn là rút lui. Nơi ĐGH, ông nhận ra ngài là một con người đã gắn chặt với những nguyên lý tôn giáo, và không hề gì những mâu thuẫn, những chống đối. Ông thích lối sống cương quyết này của ngài.
Vị giáo hoàng tự tin và thanh thoát này đang phải đối diện với một bất ổn khi thi hành sứ mệnh lịch sử, chính là sức khỏe suy tàn của ngài. Ngài bình phục chậm rãi sau lần bị ám sát vào năm 1981; ngài sống sót sau cuộc giải phẫu cột xương sống vào năm 1992 và cắt ruột dư vào năm 1996. Nhưng cuộc té ngã trong phòng tắm làm gẫy chân ngài năm 1994 đã làm tê liệt khả năng vận động của ngài. Vị giáo hoàng trượt tuyết thành thạo không còn tìm về các sườn đồi đầy tuyết trắng được nữa. Các cuộc xuất hiện công cộng bị giảm bớt nhiều, dầu cho thái độ của ngài “đừng dừng lại cho tới khi bạn ngã.”
Ngài như không muốn quan tâm tới chuyện tuổi già suy yếu này. “Khi nào cây đổ, sẽ đổ”. Và ngài trách những ai khuyên nhủ ngài bỏ bớt đi một số những buổi hẹn bình thường. Ngài nhún vai trước những đề nghị ngài về hưu trí với lời bông đùa, “Ai sẽ cấp giấy cho tôi về hưu đây"” Đức Gioan Phaolô II vẫn cương quyết hướng dẫn Giáo hội đi vào đệ tam thiên niên. John Neuhaus, linh mục người Mỹ tại Roma nhìn nhận, “Ngài không ngần ngại bầy tỏ sức khỏe của ngài suy yếu, và tôi suy nghĩ đây là cơ hội mục vụ nâng đỡ những ai cũng có những yếu ớt như ngài và còn là cơ hội san sẻ những khổ đau của Chúa Kitô.”
Những ai thân cận với ngài đều công nhận trí óc ngài vẫn còn minh mẫn như xưa kia và ngài không lơ là công việc trông nom giáo triều. Một vị giám mục làm việc tại giáo triều nói về ngài, “Tôi đã nhìn ngài giải quyết những vấn đề cực kỳ phức tạp và lối làm việc của ngài chứng tỏ ngài còn rất sắc bén và uy dũng. Ngài đã quyết định những chuyện quan trọng một mình trong cầu nguyện.”
MÀN ĐỌ SỨC SAU CÙNG
Tại thủ đô Havana, dân chúng Cuba khá hoang mang về Vị Giáo hoàng sắp tới viếng thăm đảo quốc của họ. Giáo sư lịch sử tôn giáo tại Đại học Havana nhận xét, “Nhiều người không biết Giáo hoàng là gì" Ngài là một Tổng thống hay một thương gia"” Ngày người Công giáo cũng chẳng hiểu biết gì về lai lịch và các giáo huấn của ngài. Tại một đất nước có tới 40% các cuộc phá thai và làm tình ngay từ tuổi niên thiếu, quả thực nhiều người dân Cuba không thiện cảm với Vị Giáo Hoàng nổi tiếng chống phá thai và làm tình bừa bãi. Chủ trương tôn trọng các giá trị gia đình của ngài xem ra không ăn khách tại một quốc gia mà việc đẻ hoang trở thành công cộng.
Tuy nhiên, chính quyền Cuba cũng am hiểu năm ngày viếng thăm này sẽ tràn ngập nhiều hiểm nguy cho họ. Vị Giáo hoàng có một quá trình cứng rắn với chủ thuyết cộng sản cũng như “tư bản man rợ” và những lời bình phẩm chính quyền Cuba vi phạm nhân quyền trước khoảng hơn 3000 phóng viên quốc tế hẳn làm nhức nhối con tim Castro. Thay vì làm nổi bật một xứ sở “bình thường” với những điểm sáng cởi mở, hiền hòa như Castro hy vọng, thì báo giới sẽ đăng tải những hình ảnh về những câu chuyện tồi tệ của tuổi niên thiếu mãi dâm và những người dân bị áp chế và vô vọng.
Chính quyền Cuba chơi trò đu giây với hy vọng kiểm soát được chuyến viếng thăm này. Castro đánh cuộc ông sẽ gặt hái được những thành quả lẫy lừng. Ông vẫn hằng đi kiếm tìm cách thức hợp pháp hóa, chính đáng hoá chế độ của ông. Khi xuất hiện cùng trên một sân khấu với Vị Đại diện của Đức Kitô, ông đã vay mượn được vẻ tôn kính đầy quyền lực cho vị thế lãnh đạo dân Cuba của ông. Đồng thời chế độ của ông cũng tận dụng làm tươi nở tình cách từ chương của cuộc cách mạng cũ rích của ông khi nhấn mạnh đến việc nối kết đạo đức giữa ý thức hệ Kitô giáo và xã hội chủ nghĩa. Các viên chức chính quyền hy vọng việc tiếp đón họ dành cho vị giáo hoàng này sẽ làm tiến nhanh việc tiếp cận giữa các cơ sở tôn giáo và thế tục.
Dầu cho khăng khăng phủ quyết chuyến viếng thăm này không mang tính chất chính trị, nhưng các nhà lãnh đạo Cuba rất mong muốn nghe ĐGH lên án cuộc cấm vận của Hoa Kỳ. ĐGH đã phê bình chính sách trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ trước đây, nhưng Washington vẫn giữ vững lập trường cho tới khi chính quyền Cuba phải thực thi nhân quyền trước.
Giáo sư tôn giáo Lopéz hy vọng giáo hội sẽ củng cố vai trò của mình như những người tham dự tích cực vào xã hội Cuba và hơn thế, còn phát triển ra thêm nữa. “Trước đây chúng tôi chỉ ru rú ở trong bốn bức tường thánh đường, ngày nay Giáo hội lại có thể bước ra bên ngoài và xuống phố.” Suárez, Giám đốc Caritas nghĩ rằng ảnh hưởng của ĐGH sẽ lan rộng nơi từng cá nhân. Sứ điệp của ngài không những “tác động trong lãnh vực chính trị, nhưng còn tác động nơi từng tâm hồn mỗi người.” Chính ảnh hưởng này mới thâm sâu và lan rộng.
Trong khi đó các viên chức chính quyền Cuba nhìn thấy đây là dấu hiệu các mối giây liên hệ với Giáo hội được cải tiến sẽ làm nổi bật nhân quyền và gây ấn tượng tốt đẹp cho các nhà đầu tư Âu Châu.
Chắc chắc Đức Gioan Phaolô II hãnh diện khi mang một sứ mệnh hiệu lực vào pháo đài của Castro. Ngài đòi hỏi chính quyền phải nhận thêm nhiều linh mục ngoại quốc hơn, cho phép phát triển các hoạt động xã hội của Giáo hội, thoả đáng các nhu cầu truyền thông đại chúng. Ngài chẳng có gì phải mất mát cả. Ngài xác tín trận chiến giữa Cộng sản và Kitô giáo đã sẵn sàng hoàn tất rồi. Ngài tiếp tục ra đi đối thoại với thời đại tân tiến hôm nay.
Khi mọi chuyện tiến hành tốt đẹp, hòa bình và thân hữu tại khắp nơi rồi, Fidel cũng có thể xác nhận vai trò của mình. Ông chứng tỏ ông có thể đứng ra đọ sức với vị Giáo hoàng chống Cộng số một này. Ông như vị chủ nhà đứng ra tiếp đón một đối thủ dân chủ vĩ đại nhất thế giới, và ông vẫn ngẩng cao đầu. Một nhà phê bình thời cuộc nhận định, “Thiên Chúa đang đến với ông. Tất cả cho ông và cho lịch sử.” Nhiều người nhận xét Fidel không chỉ là người đứng đầu của một quốc gia bé nhỏ, nhưng ông như một tể tướng trên đấu trường chính trị, dám đứng ngang hàng với những khuôn mặt sáng giá nhất của kỷ nguyên 20, “Khi những nhân vật như thế đến với ông, ông cảm thấy thần tượng của ông được thế giới biết tới, và vị thế lịch sử của ông được đảm bảo.”
Fidel Castro và Đức Gioan Phaolô II cũng chỉ là con người và một ngày không xa nữa, cả hai sẽ bước vào hậu trường cuộc sống. Vận mệnh niềm tin của hai nhân vật này sẽ đi về đâu, khi Kitô giáo với 2000 năm lịch sử và cuộc cách mạng của Cuba mới lên 39 tuổi" Có lẽ một ngày nào đó, Fidel triệu tập nội các và tấn phong cho người kế vị ông. Trong lúc Đức Gioan Phaolô II không có cái quyền đó: người kế vị ngài sẽ là người được tuyển chọn giữa hơn một trăm Hồng Y đầu phiếu trong một cuộc bầu kín. Giáo Hội Công giáo vẫn sống còn sau cái chết của Vị Giáo Hoàng thứ 264 với những cơ chế, và những niềm tin vững mạnh hơn bất cứ một cá nhân nào. Trong khi đó, ít ai tin rằng cuộc cách mạng lỗi thời của Cuba có thể sống lâu hơn Fidel Castro. (HQ)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.