Hôm nay,  

Bịnh Thờ Ơ Đi Bầu

01/03/200000:00:00(Xem: 5606)
Cuộc chạy đua vào Nhà trắng, 4 năm một lần, một cuộc tranh cử rất quan trọng, trong sinh hoạt chính trị của Mỹ, đã bắt đầu. Sân khấu chính trị đủ màu, đủ sắc, không thiếu những lời hoa mỹ lẫn chua cay. Các chuẩn ứng ứng cử viên mang bầu đoàn thê tử đi bộ, đi bus, đi máy bay, nói chuyện, thăm viếng, bắt tay, hôn những người dân thầm lặng hy vọng sẽ bỏ phiếu cho mình. Hai chánh đảng lớn, Cộng Hòa và Dân Chủ, chuẩn bị kế hoạch đề cương, gây quĩ. Cộng đồng các sắc tộc với tư cách là một bộ phận cấu thành của xã hội Mỹ họp, thành lập liên đoàn cử tri. Các nhóm áp lực vận động, trao đổi. Tất cả hoạt động thiên hình vạn trạng đó chỉ vì một mục đích tối hậu là đưa cử tri đến bỏ lá phiếu trong ngày bầu cử. Sân khấu chính trị màu mè và du dương đó được các phương tiện truyền thông đại chúng do những chuyên viên tài giỏi, lương tháng có khi cao hơn lương Tổng Thống Mỹ, tìm đủ mọi cách truyền đến tai và mắt cử tri hầu thúc đẩy cử tri đi bầu.
Nhưng một thực trạng đáng ngại trong đời sống chánh trị Mỹ là người Mỹ thờ-ơ đi bầu. Thực vậy người Mỹ gần đây thờ-ơ đi bầu hơn một thế kỷ trước đây. Trong cuộc bầu cử Tổng Thống 1996, chưa tới 50% tổng số cử tri được ghi danh đầu phiếu. Còn trong các cuộc bầu cử sơ bộ năm 1998, ít hơn 20% bỏ phiếu (US Bureau of Census, 98).
Phân tích thống kê cho biết, Nam và Nữ đi bầu ngang nhau. Quí ông cao niên (trên 65 tuổi) đi bầu nhiều hơn lứa tuổi sinh viên đại học. Người da trắng đi bầu nhiều (71%) hơn người Mỹ đen (59%), người gốc Latinh (30%).
Tự nhiên trong số những người không đi bầu gồm có số người bịnh, tàn tật, công tác xa, dời chỗ ở, và ngại vì đọc viết Anh ngữ không giỏi (gần 10 triệu ở Mỹ). Ngoài các lý do vừa kể, người Mỹ không đi bầu vì họ bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Cũng có lập luận ngược, cho rằng vì quá bất mãn với chính tình nên người ta không đi bầu vì bầu cũng chẳng có gì thay đổi.
Tuy nhiên thống kê cho biết lợi tức - tiền làm ra được - đóng vai trò then chốt trong quyết định đi bầu hay không. Người có lợi tức cao (75 ngàn đô la/năm) 76% đi bầu; thấp (ít hơn 5 ngàn) chỉ đi bầu có 18% (US Bureau of Census 98). Điều đó cho thấy người nghèo không tin là đi bầu có thể đổi được cục diện. Nói cách khác họ nghi ngờ giá trị của cuộc bầu cử. Ai lên cũng thế. Đời sống họ vẫn tay làm hàm nhai.

Các con số trên là do thống kê trên 50 tiểu bang, trên toàn dân số Mỹ có quyền lợi khác với quyền lợi của nhóm thiểu số, trong đó có người Việt trên đất Mỹ chúng ta. Mà định luật sinh hoạt chánh trị ở đâu và lúc nào cũng thế là ta không làm thì người khác làm và thường là họ làm không lợi cho ta. Lúc ở trong nước, một Xã có cao lắm 1 chi bộ có 4 hay 5 đảng viên CS, non một tiểu đội du kích. Họ hoạt động, đêm cắc bùm vài tiếng, ngày gài một trái lựu đạn sét trên đường. Cả làng, hàng ngàn đồng bào, lo sợ, sinh hoạt xáo trộn. Và Chi Khu phải phái cả trung đội vào tảo thanh, mất tiền của, mất thời gian. Ở thời chiến, vùng tranh chấp, sự thờ ơ, bất động đã hại thế, huống hồ ở Mỹ, một quốc gia dân chủ, chánh quyền, đoàn thể hầu hết được lãnh đạo bởi các viên chức dân cử, sự thờ ơ sẽ còn thiệt thòi đến mức nào.

Xu thế chung của chánh quyền Mỹ là tiến đến thể chế quốc gia an sinh (welfare state). Chánh quyền đã trợ giúp công dân từ lúc chưa sanh đến lúc nhắm mắt lìa đời (chương trình trợ cấp dinh dưỡng trước khi sanh, an sinh xã hội khi về già). Ngày nay, ngân sách Mỹ dự trù một công chức phục vụ 13 người dân, dự chi $6,140 cho một người. Sửa một cái nhà để xe, đốn một cây trước nhà, Tòa Thị Chánh cho phép. Người quyết định các khoản dự chi lên hay xuống tiền già, cho hay không sửa mặt tiền nhà, là người bà con mình đưa lên bằng lá phiếu đó.

Một điều đáng buồn vì bịnh thờ ơ bầu cử đó, trước mắt là gần 300 ngàn dân Việt ở Orange County mà chỉ có một nghị viên thành phố. Cũng do bịnh thờ ơ bầu cử mà ra.

Nếu con số thống kê cho biết cử tri người Mỹ gốc Việt lên cao trong các cuộc bầu cử, thì các nhóm sắc tộc khác, Đại Hàn, Hoa, Nhật, Phi, Mỹ gốc Phi Châu và La Tinh nhất định sẽ đến để trao đổi, cam kết. Dĩ nhiên là 2 chánh đảng cũng phải đến vì lá thăm sắc tộc là lá thăm biên tế (marginal), ngả phía nào là phía đó coi như thắng. Sai biệt tỉ lệ thắng bại giữa hai đảng thường rất khít khao, và thường nhỏ hơn số thăm biên tế của cử tri sắc tộc ở California. Và California là một tiểu bang lớn trên 40 ghế dân biểu liên bang, thừa sức trao đổi phiếu để có lợi cho quyền lợi chung của sắc tộc, trong đó có chúng ta người Việt. Và quyền lợi đó càng rõ hơn trong quốc hội tiểu bang, và hội đồng thành phố các địa phương.

Tôi cũng vẫn nhớ mấy chục ngày đêm một sương hai nắng đấu tranh của hàng vạn đồng bào để hạ cờ CSVN và lãnh tụ CS, kết quả không nắm chắc. Đến khi ban đại diện hai đảng Dân Chủ, Cộng Hòa đến, diễn biến và kết thúc rất nhanh. Hai đảng đến vì ta có sức mạnh, có tổ chức, có số đông. Ta là một lực lượng. Lực lượng đó rất dễ chứng tỏ, dễ tạo thành trong cuộc bầu cử - bất cứ cuộc bầu cử nào, địa phương, liên bang hay trưng cầu ý kiến.

Những ngày sắp tới, tiền già có tăng, quí bà ông độc thân có con nhỏ, tuổi lao động lên 67 hay vẫn 65, sinh viên nghèo trợ cấp đi học tăng hay giảm, giá xăng có tăng nữa không, đến vấn đề lớn hơn, phong trào tự do tôn giáo nhân quyền ở quê nhà, CSVN còn hay mất - tất cả những chuyện thiết thân, “của mình” đó một phần lớn là do lá phiếu trong đó người Việt chúng ta có đóng góp. Bầu đông, cử đúng là có lợi. Bầu ít, chọn sai là hại. Bên cạnh bà con còn có cộng đồng, các phương tiện truyền thông, các đoàn thể, hiệp hội sẽ giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn. Nhưng quyết định sau cùng là của mỗi một người. Điều quan trọng là đi bầu. Bận vẫn có thể bầu bằng thư tín. Bầu vô cùng lợi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.