Hôm nay,  

Kẻ Sợ Pháp Luân

31/07/199900:00:00(Xem: 6421)
Bắc Kinh đã phát động một chiến địch quy mô và rầm rộ chưa từng thấy để đàn áp phong trào Pháp luân công. Chế độ Cộng sản Trung Quốc lớn mạnh và vững chắc như vậy, ngang tàng ngạo nghễ, không sợ bất cứ thế lực nào, không sợ Mỹ, không sợ NATO và trong cuộc họp ARF ở Singapore, Trung Quốc chỉ cần lên gân bắp thịt một chút để dằn giọng cảnh cáo, các nước lớn từ Mỹ, Liên Âu cho đến Úc, Nhật và ASEAN, tất cả đã phải co vòi lại không dám bàn đến chuyện húy kỵ là vấn đề Đài Loan. Vậy mà tại sao bây giờ Bắc Kinh phải kinh hoảng trước một phong trào tập thể dục chỉ nhắm tìm Chân Thiện Mỹ cho con người"
Hồi đầu tháng 5 khi viết về cuộc biểu tình của 10,000 đệ tử Pháp luân công ngay sát tường thành của Trung Nam Hải, tôi đã ghi “sự biểu dương lực lượng này là một trái bom nổ... âm thầm đang làm giới cầm quyền kinh hoảng”. Còn một phương pháp nào hoàn hảo hơn Pháp luân công để kết hợp quần chúng" Đánh một chế độ độc tài đảng trị là phải nhằm vào chỗ yếu nhất của nó mà đánh. Phản ứng dữ dội của Bắc Kinh tất nhiên phải đến bởi vì nó đã bị chạm nọc.
Các phân tích gia quốc tế bình luận sự đàn áp của Bắc Kinh đã khiến một phong trào bình dân không chính trị trở thành một phong trào có tổ chức làm chính trị. Tôi xin lỗi, tôi không đồng ý với lập luận đó. Các ông Tây phương hiểu làm chính trị là lập hội lập đảng, đấu tranh trên chính trường, tìm cách ảnh hưởng hay nắm giữ chính quyền. Những người gốc Á đông như tôi thường quan niệm chính trị một cách rộng nghĩa hơn. Khi anh nghĩ rằng cần phải tự xây dựng con người của cá nhân anh làm sao cho có một tinh thần lành mạnh trong một cơ thể cường tráng để đóng góp hữu ích cho xã hội, đó là anh đã có một lập trường chính trị rồi. Lập trường đó đặt nặng vấn đề nhân bản, giản dị là xem con người như một đơn vị căn bản để xây dựng gia đình, xây dựng xã hội. Lập trường này là coi “cái tôi” (cá nhân) chân thiện mỹ quan trọng hơn cái “chúng ta” (tập thể) giả hiệu mà cộng sản vẫn hô hào để lợi dụng. Nó nhẹ nhàng sói mòn cái nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê-Mao. Nó đã đụng đến hệ thần kinh nhậy cảm nhất của chế độ Cộng sản. Khi anh theo chủ trương đó trong nếp sống hàng ngày của anh, anh đã “làm chính trị” rồi vậy.
Bắc Kinh tố cáo Pháp luân công là một tổ chức chính trị vì đã có khả năng tập hợp biểu tình phản kháng, thậm chí còn vu khống các nhóm tập luyện Pháp luân công là giáo phái mê tín dị đoan để lấy cớ đàn áp bắt bớ. Sự thật dù một nhóm người có tổ chức chính trị ly khai, Bắc Kinh cũng coi thường, như đảng Dân Chủ đối lập manh nha thành lập ở Hoa Lục, chế độ cộng sản đã chẳng thấy có gì ghê gớm đến độ kinh hoảng. Và dù có nhóm người nào mê tín dị đoan, họ cũng thây kệ. Nhưng khi có một phong trào bình dân thì dù hiền lành đến mấy, chế độ Bắc Kinh vẫn phải đàn áp nếu họ không nắm được phong trào đó để kiểm soát.

Hãy nhìn qua lịch sử cận đại của Trung Quốc người ta sẽ hiểu tại sao chế độ Bắc Kinh hốt hoảng. Dưới thời Mãn Thanh đã có những phong trào “Phản Thanh Phục Minh” nổi lên. Đến triều đại Tây Thái Hậu, những tổ chức quần chúng mọc ra như nấm, nào Thiên Địa Hội, nào Bạch Liên Giáo, nào Hồng Tú Toàn, nào Nghĩa Hòa Đoàn...tất cả đều chống lại triều đình phong kiến nhà Thanh. Cố nhiên đó là những tổ chức ô hợp, có khi nặng về phần mê tín dị đoan, để rồi rút cuộc cũng bị một chế độ tàn bạo sắt đá dùng vũ lực diệt tan. Nhưng các phong trào đó cũng đã tạo được những vết nứt nhỏ trên cái thành trì sắt đá của bạo quyền để dọn đường cho sự sụp đổ của nó sau này. Bây giờ một phong trào có một triết lý nhân bản cao siêu như Pháp luân công chỉ trong thời gian ngắn thu hút một trăm triệu người theo, trong đó có cả những cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước đóng vai trò cột trụ, trong khi ở Đài Loan lại có những “Trịnh Thành Công” hiện đại ngồi chờ sẵn, thử hỏi làm sao Bắc Kinh không học được bài học lịch sử mà khiếp hãi"
Lịch sử Trung Quốc từ xa xưa vẫn là một lịch sử của phân hóa, chỉ có vài giai đoạn ngắn thống nhất. Người ta đã thấy liệt quốc thời Đông Chu, rồi Thất quốc tranh hùng. Chế độ bạo ngược đốt sách chôn học trò của nhà Tần chỉ tạo được một sự thống nhất rất ngắn ngủi, sau đó là Hán Sở tranh hùng, rồi đến Tam Quốc chí. Thời mhà Đường, nhà Tống, nhà Minh đều có nạn phân hóa chớ không hề thống nhất. Cả đến sau thời nhà Thanh, chế độ Quốc dân đảng cũng không thống nhất được đất nước, bằng cớ là có những “Tướng quân” như Trương Học Lương hùng cứ một phương đã từng bắt giam cả Tổng Tài Tưởng Giới Thạch. Bây giờ chế độ Cộng sản của Mao đã thống nhất được Trung Quốc chăng" Hãy nhìn Đài Loan mà quên đi cái ảo tưởng đó.
Cố nhiên lịch sử không bao giờ tái diễn. nhưng lịch sử cũng là một cái vòng bánh xe quay, có những chu kỳ hợp hợp tan tan. Và thực tế cho thấy lịch sử Trung Quốc ít khi có thống nhất, nó chỉ hợp nhất từng giai đoạn ngắn để rồi lại tan ra thành loạn sứ quân hay loạn chư hầu, liệt quốc, đa quốc. Bánh xe Pháp luân của một phong trào tập thể dục đã làm cho các lãnh tụ Cộng sản Trung Quốc giật mình nghĩ đến cái vỏ mỏng manh của chế độ mà họ lập ra.
Té ra, đảng Cộng sản Trung quốc lớn mạnh nhất thế giới ngày nay đang sợ cái bánh xe của lịch sử. Ôi... Phật pháp vô biên, bánh xe pháp luân của Ngài sao mà huyền diệu đến như vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.