Hôm nay,  

Thái Độ Cần Có Trước Vấn Đề Văn Hóa Vận Của Csvn: Nên Chống Ca Sĩ Trong Nước Ra Hải Ngoại Trình Diễn?

17/01/200300:00:00(Xem: 4099)
Trần Diệu Chân (VNN)
Đây là một đề tài tế nhị, đã tạo nhiều dư luận sôi nổi trong cộng đồng chúng ta tại hải ngoại, và vì thế cần được đưa ra thảo luận để tạo sự thông cảm và giúp hữu hiệu hóa những đóng góp trong cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ tại quê nhà.
Văn hóa vận không phải là một đề tài mới lạ hay đặc thù của chế độ Cộng Sản Việt Nam (CSVN) mà bất cứ chế độ nào, quốc gia nào, đảng phái nào, tổ chức nào trong mọi thời đại cũng đều dùng các phương tiện văn hoá như thơ văn, phim ảnh, nghệ thuật, ca nhạc v.v... để tuyên truyền, cổ võ cho các chính sách, đường lối, mục tiêu của mình và tranh thủ hậu thuẫn của quần chúng. Các chế độ độc tài, đảng trị lại càng ưa chuộng phương tiện này để che dấu bộ mặt phi nhân.
Có quý vị cho là thời nay ai mà không rõ bộ mặt thật của CSVN, làm sao họ có thể tuyên truyền, sách động người theo cho được. Sự thật không đơn giản như vậy. Họ tuyên truyền nhắm vào các mục tiêu rất tế nhị, khó thấy như:
a. Muốn bình thường hóa sự hiện diện của chế độ trong cộng đồng người Việt hải ngoại để tìm cách lũng đoạn, chia rẽ, phá nát và vô hiệu hóa thành trì đấu tranh cho tự do hay tiếng nói phản kháng của dân tộc trên diễn đàn thế giới.
b. Tạo bộ mặt văn hóa, thân thiện, vô hại đối với cộng đồng hải ngoại và quốc tế để che dấu bản chất độc tài, phi nhân trong nước. Chế độ mong ru ngủ được người Việt hải ngoại để không còn ai lên tiếng vạch rõ những vi phạm nhân quyền trong nước, để mọi người tin rằng chế độ đã thay đổi, đã đổi mới và sẵn sàng đem tiền bạc cũng như chất xám về xây dựng đất nước và vô tình giúp củng cố chế độ. Ở trong nước thì chế độ áp đặt hoặc trí trá trong các buổi gọi là "dân cử" để hợp thức hóa vị trí cai trị của đảng, ở hải ngoại thì dùng chính sách chiêu dụ.
Qua chính sách văn hóa vận của chế độ CSVN với mục tiêu như vậy, cũng như qua chính sách mở cửa kinh tế để cứu nguy chế độ từ năm 1986 đến nay, người dân VN và các tổ chức đấu tranh cũng lợi dụng ngược lại để chúng ta có thể liên lạc với nhau, tương trợ trong tình thân ái, lá lành đùm lá rách, và trong nỗ lực liên kết, hợp tác, thông tin để tạo sức mạnh quật khởi. Chúng ta cũng dùng văn hóa vận để bẻ gãy những xuyên tạc của chế độ, vạch rõ sự thật, kêu gọi những người chưa thức tỉnh quay về với hàng ngũ dân tộc, đưa ra những tư tưởng, quan điểm mới để xây dựng con người và canh tân đất nước.
Trong giới hạn của bài viết liên quan đến các đối sách chúng ta cần có để vô hiệu hóa hay biến các hoạt động văn hóa vận của CSVN thành gậy ông đập lưng ông, bài viết này xin được chia xẻ các thiển ý trong một lãnh vực nhỏ nhưng rất tiêu biểu, và đang là một đề tài tham luận nóng bỏng hiện nay trong cộng đồng, đó là sự kiện các thành phần ca sĩ trong nước ra trình diễn tại hải ngoại. Chúng ta có nên biểu tình chống đối hay không" Người cho là nên chống cũng có những lý do chính đáng, người chủ trương không chống cũng có những lập luận hữu lý có thể tóm lược như sau:
Người chủ trương không chống các ca sĩ từ trong nước ra thì quan niệm rằng chúng ta không nên chống là vì:
1. Những văn nghệ sĩ này chỉ hoàn toàn phục vụ nghệ thuật, họ không nói gì, hát gì, trình bày những điều gì có tính cách tuyên truyền cho chế độ hay xúc phạm đến cộng đồng hải ngoại; họ cũng không đụng chạm gì đến miền nam VNCH trước đây; họ không hề mang tính chất chính trị.
2. Họ mong ước, giống như toàn dân tộc ta mong ước, là được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, với cộng đồng hải ngoại, được trao đổi và phục vụ nghệ thuật. Họ là những người Việt Nam, yêu và phục vụ nghệ thuật VN. Nếu họ hành nghề để kiếm tiền thì cũng giống như tất cả chúng ta đều phải kiếm tiền để sống.
Người chống đối thì cho rằng:
1. Các thành phần văn nghệ sĩ này không ít thì nhiều đều dính líu đến nhà nước CSVN nếu không thì đã không được đi ra hải ngoại dễ dàng. Vì thế họ buộc phải phục vụ chế độ; dù họ không tuyên truyền trên sân khấu hay ra mặt nhưng có thể tuyên truyền ngầm trong số những vòng đai quen biết rằng VN đã có tự do trao đổi văn hóa, có tự do đi lại v.v... Sự kiện họ có thể ra ngoài này hát xướng là một sự quảng cáo gián tiếp, nhất là đối với dư luận quốc tế là VN đã có tự do đi lại dù người nghệ sĩ này hề lên tiếng tuyên truyền, vì thế mà chúng ta phải chống. Chúng ta chống là chống chính sách lòe dư luận quốc tế, là chống chính sách độc quyền truyền thông và thống trị tư tưởng, kềm kẹp văn hoá của chế độ.
2. Các ca nghệ sĩ này cũng gián tiếp hoặc trực tiếp làm giầu cho chế độ vì thế nào họ cũng phải nộp tiền cho cơ quan nhà nước.
Vậy thì lý luận nào đúng, lý luận nào sai" Và thái độ cần có của chúng ta là gì"
Theo thiển ý của người viết thì lý luận nào cũng đúng tùy từng hoàn cảnh và đối tượng, và vì thế chúng ta phải tùy từng trường hợp mà hành xử cho hợp tình, hợp lý.
Không phải ai hay ca sĩ nào ra được hải ngoại cũng là cán bộ của chế độ. Trong thời gian VN mới mở cửa ra với thế giới bên ngoài thì điều này rất đúng, tức là phải thuộc thành phần cán bộ, thế lực hoặc con ông cháu cha mới có thể ra hải ngoại sinh hoạt. Nhưng bây giờ với sự tham nhũng của guồng máy cán bộ, nhiều người có tiền chỉ cần mua chuộc một số cán bộ là xong; hoặc nếu các văn nghệ sĩ thuộc thành phần vô thưởng vô phạt thì chế độ còn sẵn sàng cho đi để được tiếng "cởi mở". Vì thế mà chúng ta phải phân biệt cho rõ:
1. Khi một phái đoàn ca nghệ sĩ hùng hậu ra hải ngoại trình diễn với sự tổ chức rầm rộ, quy mô - một dấu ấn rõ ràng của nhà nước CSVN - thì chúng ta không thể nào để yên cho họ đi trình diễn với mục tiêu kiếm tiền và tuyên truyền trắng hay xám cho chế độ. Chắc chắn chúng ta phải chống, phải vạch rõ các âm mưu tuyên truyền của chế độ, phải đòi hỏi có tự do nghệ thuật, báo chí, trao đổi văn hóa thực sự chứ không phải loại giao lưu văn hoá một chiều của chế độ.
2. Nhưng khi một ca sĩ ra hải ngoại với tính cách cá nhân thì chúng ta nên tìm hiểu xem thành phần ban tổ chức là ai. Nếu họ là những bạn bè thân quen của ca sĩ đó hay là những thành phần văn nghệ sĩ vô tư hải ngoại thì chúng ta không cần và cũng không nên chống đối, để dành công sức tranh thủ nhân tâm và tranh đấu trong một công tác khác, một môi trường khác. Nếu hễ động một tí là chúng ta biểu tình chống đối, thứ nhất chúng ta sẽ vô tình làm mất đi tính chất thiêng liêng của phương cách lên tiếng đồng loạt này; thứ hai là chúng ta sẽ bị tản lực đấu tranh vì tốn người, tốn thì giờ, trong khi đó có biết bao nhiêu việc chúng ta có thể làm để đóng góp hữu hiệu vào công cuộc đấu tranh chung; thứ ba chúng ta có thể tạo phản ứng ngược đó là hình ảnh chúng ta chống đồng bào ruột thịt từ trong nước đi ra, những người chẳng may bị kẹt ở lại trong lòng chế độ...

Tuy nhiên, nếu thành phần ban tổ chức là những kẻ rõ mặt cổ võ hay kinh tài cho chế độ thì chúng ta không thể làm ngơ để mặc cho các thành phần này thao túng và làm hại đất nước; chúng ta không thể không biểu tình, không vận động để các buổi tổ chức này bị tẩy chay. Nhưng trong lúc biểu tình chúng ta cần phải tránh các phản ứng tiêu cực, phản tác dụng như chửi rủa các văn nghệ sĩ, gán ghép họ là tay sai của chế độ (trừ phi họ ra mặt là thành phần này qua những câu tuyên bố hay phần trình diễn nào đó). Thậm chí chửi rủa cả người đi xem văn nghệ thì điều này lại càng qúa đáng. Mục tiêu của chúng ta là gì nếu không phải là nêu cao chính nghĩa đấu tranh cho một đất nước tự do dân chủ, là vạch rõ bộ mặt phi nhân của chế độ, và tranh thủ nhân tâm của đồng bào cũng như quốc tế; ngay cả những đảng viên CS chúng ta còn sẵn sàng đón nhận vào vòng tay thân ái của cộng đồng dân tộc một khi họ đã thức tỉnh thì chúng ta không thể nào vô tình xô đẩy những người cùng chiến tuyến, những đồng bào ruột thịt nạn nhân của chế độ về phía bạo cường.
Chúng ta thông cảm những vị đã từng sống trong lòng chế độ hay từng là nạn nhân của lao tù CS, khó cho họ không nổi giận khi đứng trước một phái đoàn có tính chất đại diện hay tiếp tay với chế độ dù dưới một hình thức thân thiện, vô tư là văn nghệ. Tuy nhiên chúng ta đấu tranh không phải cho riêng mình, cho hả tức hay để trả thù, mà là để xây dựng lại một đất nước nhân ái, tự do, vì thế chúng ta cần phải giáo dục chế độ này qua ngay thái độ hành xử của chính mình: chúng ta không cáo buộc, không chụp mũ cối cho bất cứ ai có những suy nghĩ hay hành xử khác ta. Chúng ta cần giải thích cho những người đi tham dự, tuyên vận họ và những văn nghệ sĩ ở trong nước ra để họ hiểu mục tiêu của cuộc chống đối, để họ ủng hộ và đứng về phía chúng ta.
Chính CSVN cũng lợi dụng những điều sai quấy nho nhỏ từ phía chúng ta để xuyên tạc chúng ta là những thành phần qúa khích hay vô học, vô ý thức. Chúng ta cần cho thế giới biết, cho đồng bào của chúng ta biết chúng ta biểu tình, đấu tranh với mục tiêu cao cả và không phải là những thành phần thua trận cay cú, đầy hận thù như chế độ và các thành phần phản chiến Hoa Kỳ rêu rao, xuyên tạc. Chúng ta đi đấu tranh với cái tâm xây dựng và nhân ái
Có những dư luận quan niệm là việc chống đối bằng cách biểu tình, dù là chống ca sĩ hay các phái đoàn trong nước ra là việc làm qúa khích, là lối tranh đấu lỗi thời. Thưa có đúng như vậy không"
Ta hãy nhìn quanh tại Hoa Kỳ hay bất cứ quốc gia tự do, tân tiến nào trên thế giới, việc tập hợp xuống đường để bày tỏ ý kiến là một việc làm rất phổ thông, rất hợp thời và đúng nghĩa với nguyên tắc tự do phát biểu đã được bảo vệ trong tu chính số một của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Chúng ta không để những quan niệm này làm mất đi một phương tiện đấu tranh rất phổ thông và thể hiện được tiếng nói, nguyện vọng của dân tộc. Dĩ nhiên biểu tình không phải là một phương tiện duy nhất hay hữu hiệu nhất trong một số hoàn cảnh. Chúng ta có thể tranh đấu qua lá phiếu tại các quốc gia định cư, lên tiếng trên các diễn đàn quốc tế, tranh thủ giới chức các quốc gia hoặc các tổ chức để họ lên tiếng, áp dụng các chính sách kinh tế, ngoại giao thích ứng để đẩy mạnh tiến trình đân chủ hoá trong nước, buộc đảng CSVN phải từng bước nới lỏng và mất dần quyền lực.
Cũng với phương pháp biểu tình chúng ta nên đổi từ quan niệm chống (vừa tiêu cực vừa thụ động) sang một thế đứng chủ động và tích cực hơn bằng cách tranh đấu cho tự do, dân chủ, cho tự do tín ngưỡng, truyền thông, cho trao đổi văn hoá hai chiều .v.v... Khi chúng ta cổ võ cho điều hay, lẽ phải, điều thiện, thì tự khắc chúng ta đã chống lại điều dở, cái ác. Qua đó ta dễ tạo được cảm tình của giới trẻ và quốc tế, tránh được những ngộ nhận, xuyên tạc và tạo được cảm thông với đồng bào trong nước.
Tóm lại chúng ta phải uyển chuyển, sáng suốt áp dụng các thế trận, các phương tiện để đẩy mạnh công cuộc đấu tranh cho nền tự do, dân chủ tại quê nhà. Các phương pháp đấu tranh hữu hiệu hay không là do cách chúng ta thực thi, và áp dụng có đúng lúc, đúng thời hay không. Bốn điều quan trọng xin được đề nghị để làm kim chỉ nam cho các nhận xét và hoạt động của chúng ta trong ước muốn phục vụ dân tộc, đó là:
1. Lấy mục tiêu phục vụ dân tộc để soi sáng các quyết định của mình; Chúng ta không đấu tranh để phục vụ cho xu huớng, quyền lợi, ngẫu hứng hay ý muốn của một cá nhân hay tổ chức nào. Mục tiêu phục vụ dân tộc cũng giúp cho chúng ta vượt lên trên những kinh nghiệm đau thương của cá nhân mình để chọn lựa những thái độ có lợi nhất cho dân tộc. Nỗi uất hận của cá nhân chúng ta nói riêng và toàn dân tộc nói chung sẽ được rửa sạch ngày bạo tàn bị quét tan trên quê hương yêu dấu.
Chúng ta cũng không tranh đấu cho chính mình mà cho 80 triệu đồng bào trong nước vì thế chúng ta phải hiểu rõ nguyện vọng của họ, phải tạo được hậu thuẫn và cảm thông của đồng bào trong nước.
2. Thực thi đúng những điều chúng ta chủ trương, rao giảng, nói một cách khác là lời nói đi đôi với việc làm; chúng ta không thể tranh đấu cho tự do dân chủ mà hễ ai khác ý kiến với mình là đội ngay cho họ một cái nón cối, gọi đủ loại tên và chỉ trích với lời lẽ nặng nề. Chúng ta tập hành xử dân chủ bằng cách thuyết phục chứ không áp đặt hay ép buộc người khác phải theo ý kiến của mình, chúng ta tôn trọng quyền phát biểu của mọi người chứ không trấn át dù ý kiến họ rất khác với ta. Nếu gặp kẻ tuyên truyền cho chế độ, cho bọn ác thì chúng ta cũng có quyền phản bác. Đi biểu tình chính là thực thi quyền phản bác đó. Hoặc chúng ta có thể lên tiếng trên các diễn đàn truyền thông, viết bài góp ý .v.v...
3. Chúng ta cần giữ vững ngọn cờ chính nghĩa, nung nóng tinh thần đấu tranh ở hải ngoại vì chúng ta là chỗ dựa tinh thần cho các phong trào đấu tranh trong nước, chúng ta cũng là tiếng nói của dân tộc còn đang bị chế độ bạo tàn bịt miệng. Vì thế chúng ta không thể để cho những quan niệm ủy mị, ngụy hòa lung lạc là qúa khích hay lỗi thời. Chúng ta cần uyển chuyển trong đấu tranh để thích ứng với hoàn cảnh mới, để tạo thông cảm và hậu thuẫn của mọi người mọi giới, nhất là giới trẻ và những người bạn ngoại quốc chưa từng trải qua những thử thách của dân tộc và khó cho họ hiểu tại sao chúng ta lại triệt để trong công cuộc đấu tranh ngày hôm nay. Tuy nhiên triệt để trong đấu tranh không đồng nghĩa với quá khích và độc tài trong tranh đấu.
4. Chúng ta cần hành xử trong tinh thần tương kính và vị tha vì đây cũng là nguyên tắc căn bản để chúng ta tạo được thế đại đoàn kết toàn dân chống lại thiểu số thống trị và phi nhân hiện tại. Đây cũng là truyền thống của dân tộc, là nguyên tắc căn bản để xây dựng lại một đất nước hòa bình và nhân ái..
Với bốn nguyên tắc này cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới sẽ có thể cùng nhau lên tiếng, góp ý về mọi vấn đề qua các buổi hội luận, trên các làn sóng phát thanh, Internet, hoặc các bài viết để phân tích, trao đổi những đề tài dù rất tế nhị, những suy nghĩ dù rất khác biệt. Những trao đổi này sẽ giúp cho chúng ta cùng học hỏi, cùng lắng nghe tiếng nói, suy tư của nhau trong tinh thần cởi mở và tương kính để tiến đến một mẫu số chung đó là đóng góp hữu hiệu vào việc chấm dứt những đau khổ trên quê hương yêu dấu. Đây cũng là dịp để chúng ta thực thi tinh thần dân chủ thực sự - một hành xử nền tảng cho việc phục hưng và canh tân đất nước.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.