Hôm nay,  

Trả Lời Thư Nặc Danh, Ký Tên Trần Văn Thư (thư Số 2)

26/10/200100:00:00(Xem: 4428)
Sau bài 1 tôi cứ chờ thư trả lời của anh, xem anh còn vu vạ được gì nữa về tôi, để tôi còn trả lời cho bạn đọc cùng rõ. Nhưng không thấy. Tôi đành viết bài số 2 cho anh.

Phải nói là thư nặc danh của anh đã gửi đến rất nhiều nơi. Các bè bạn của tôi nhận được từng nhà, các cơ quan báo chí, các nhà xuất bản tôi thường quan hệ, họ đều tin cho tôi biết cả. Mục đích của anh là làm họ e ngại, không còn muốn tôi cộng tác viết bài, và nhất là gây áp lực để Ban Chấp hành Hội Nhà văn khai trừ tôi ra khỏi Hội. Và vì thế tôi cũng cố phôtô cho nhiều bài trả lời của tôi gửi tới các nơi cho tương ứng. Để mọi người rõ sự thật. Chắc lá thư trả lời của tôi làm anh đau điếng, nên có nhiều cú điện thoại nặc danh gọi đến nhà tôi với giọng hằn học, chọc cho tôi nổi nóng. Nhờ thế mà tôi lại học được tính kiên nhẫn, bình thản trước những lời nói lưu manh, vô học. Thế mới biết chúng ta cần tự do ngôn luận biết bao, và tôi thấy thích thú được làm việc này.

Bây giờ tôi xin đặt vấn đề để anh trả lời. Một vấn đề nóng hổi, đang gây nổi cộm cả nước, nhất là trong giới sáng tác văn học nghệ thuật. ấy là việc công an thu giữ bản thảo của nhà văn tướng quân Trần Độ ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 12-6-2001.

Câu hỏi 1: Quan điểm của anh cho việc công an thu giữ bản thảo của nhà văn là đúng hay sai" Dựa vào văn bản pháp luật nào mà họ dám làm việc đó"

Tôi đã có dịp tiếp xúc với sĩ quan an ninh, cụ thể là A25 của Bộ Công an, cơ quan đặc trách theo dõi văn học nghệ thuật. Hai sĩ quan A25 tiếp tôi hôm ấy (trưa ngày 10-8-2001) tại quán ăn Nhà Hầm góc đường Lê Duẩn và phố Khâm Thiên, là thượng tá QM và trung tá PVB. Thỉnh thoảng họ vẫn mời tôi đi quán nhậu, để khai thác, để nhắc nhở, để răn đe, chúng tôi luôn theo dõi anh đây, anh nên biết điều trong tầm ngắm của chúng tôi. Đây là lần thứ 4 họ mời tôi đi quán nhậu (ba lần trước, có dịp tôi sẽ nói sau). Lần gặp này tôi có chê trách việc công an thu giữ bản thảo của nhà văn Trần Độ, mà cương lĩnh của Đại hội Đảng vừa rồi ghi rành rành hai chữ Dân Chủ.

Thượng tá QM, trưởng phòng A25, là người thường xuyên liên hệ với cơ quan Hội Nhà văn số 9 Nguyễn Đình Chiểu, trả lời rằng:

"Anh ơi, bản thảo thì phải là bản viết tay và có một bản thôi. Đằng này ông ấy (tức Trần Độ) đem phôtô những 15 bản, như thế là định tán phát, thì chúng em phải tịch thu chứ!"

Họ suy nghĩ như thế, và họ chỉ suy nghĩ được đến thế. Chính thế họ cứ làm sai một cách phạm pháp, ngang nhiên nữa.

Thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như ngày nay, mà họ còn định nghĩa bản thảo là bản viết tay và chỉ có một bản thôi, như thời còn viết bút lông ngỗng ở phương Tây, thì còn biết bàn gì với họ nữa đây"! Tục ngữ ta có câu "Nước đổ đầu vịt", là để chỉ trường hợp này chăng" Sách báo từng đề cập hàng chục năm nay rồi, máy chữ, máy điện toán (bên ta gọi máy vi tính, Trung Quốc gọi máy điện não, còn từ thông dụng trên thế giới gọi computeur) chỉ coi là cây bút viết hiện đại. Nhà văn không còn phải mua hàng tá ngòi bút sắt, chấm mực lọ màu tím màu xanh, ngồi gò lưng trên bàn ghế mọt như thời ông Vũ Trọng Phụng nữa. Nhiều người bây giờ làm việc trên computeur, và in luôn ra bài viết của mình, đẹp, sạch, rõ ràng, còn đẹp hơn cả in linotype hay in typo. Muốn bao nhiêu bản tuỳ ý. Không bị ai can thiệp vào và thu giữ cả. Đó là luật pháp của thế giới. Có cần nhắc cho A25 điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mà nước ta đã tham gia ký kết từ 1982 không nhỉ"

"Điều 19: Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào. Mọi nguời đều có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý tưởng, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, bản in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất kỳ một phương tiện nào khác tuỳ theo sự lựa chọn của họ."

Nước ta đã ký Công ước quốc tế, thì chúng ta phải chấp hành. Nếu luật nước ta khác với Công ước quốc tế thì ta phải sửa lại luật theo Công ước. Đó là nguyên tắc. Còn đã ký vào công ước, mà lại bảo ta khác quốc tế khác, thì là cãi cù nhầy. Ta đã không muốn theo công ước, thì ta ký vào công ước làm gì" Điều này phải học tập nước Pháp. Nước Pháp đã sửa lại những đạo luật trong nước, cho phù hợp với những công ước quốc tế mà họ đã ký kết.

Lý do là vì ông Trần Độ phôtô ra những 15 bản, nhiều quá, nên phải thu giữ, không có cơ sở pháp lý. Những luận văn tốt nghiệp của các sinh viên, những tham luận nghiên cứu của các nhà khoa học, phải in ra hàng vài chục bản gửi đi các nơi xin ý kiến. Có phải là phôtô ra nhiều quá không" Có cần phải thu giữ không"

Còn bảo nhật ký văn học của ông Trần Độ là nội dung xấu, là phản động, cần thu giữ, thì xin hỏi công an có trình độ gì, sự hiểu biết đến đâu, mà dám kết luận liều lĩnh như vậy" Chí ít việc này thuộc thẩm quyền Bộ Văn hoá-Thông tin, chí ít phải lập một hội đồng chuyên môn giám định. Không thể cứ công an bảo bản thảo phản động, thì nó phải là phản động. Công an không phải là toà án giáo hội thời Galilée!!!

Những kiến thức bất cập về bản thảo của viên thượng tá sĩ quan an ninh A25 mà lại cho giao thiệp với giới nhà văn, mà lại cho phụ trách cả khối văn học nghệ thuật, chê cuốn sách này, khen cuốn sách kia, tịch thu cuốn "Chuyện kể năm 2000" của Bùi Ngọc Tấn, đình chỉ phát hành cuốn "Chúa trời ngủ gật" của Nguyễn Dậu vv..., hỏi nó còn ra cái thể thống gì nhỉ"

Anh Trần Văn Thư nặc danh, anh thấy thế nào" Anh có thấy cần phải chép miệng than thở như ông Nguyễn Vỹ thuở nào: "Khốn khổ thay giới nhà văn Việt Nam chúng tôi!!!"

Câu hỏi 2: Trong cuộc giao tiếp hôm ấy với 2 sĩ quan an ninh tôi có buộc lỗi việc thu giữ bản thảo làm ông Độ uất khí phát ốm, phải đi cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy, hút chết. Cuối cùng phải đưa vội ông ra bệnh viện Việt Xô. Chúng tôi đã vào thăm. Rất thương tâm. Đối xử với một vị lão thành cách mạng, công thần vào bậc nhất nhì đất nước, lại đau ốm bệnh hoạn mà như vậy, rất đáng chê trách anh em công an. Quá đáng đấy! Tôi có nói thân tình: "Thử coi cụ Độ như là ông các cậu hoặc bố các cậu, thì sẽ thấy cần đối xử như thế nào là phải đạo."

Viên thượng tá sĩ quan A25 trả lời:

"Như thế là rất nhân đạo với ông ấy rồi. Chúng em có quyền tạm giam ông ấy 9 tháng, trong khi điều tra làm rõ sự việc. Đằng này chúng em có bắt giam đâu. Vẫn cho ông ấy ở nhà. ốm vẫn cho đi bệnh viện. Vẫn cho thuốc men đầy đủ. Các tiêu chuẩn không bị cắt. Như thế là quá nhân đạo chứ còn gì nữa. Chứ thẳng tay ra thì..."

Tôi nhìn khuôn mặt da thiết bì, chiếc mũi to và đôi mắt lồi của viên thượng tá an ninh công an, nhất là giọng nói lạnh tanh của anh ta mà lòng thấy rờn rợn. Họ được giao chút ít quyền hành, họ có coi ra gì những bậc cha chú đã đổ xương máu tạo nên cái ghế quyền lực cho họ ngồi ngày nay. Để giữ ghế, họ có thể tàn nhẫn với tất cả. Viên thượng tá an ninh này không tham gia chống Pháp, chắc chắn rồi vì tuổi còn ít; cũng không vào Nam chống Mỹ lấy một ngày, vì thời ấy đang còn đi học. Vậy mà ăn nói ghê chưa: cho đi bệnh viện, cho thuốc men, cho tiêu chuẩn... đối với ông tướng xông pha trận mạc nay về già bệnh tật đầy mình.

Xin hỏi anh Thư nặc danh, đứng trên bình diện con người đối xử với nhau, chưa nói đến tình nghĩa đồng chí cao cả, anh thấy việc ấy thế nào" Có phải đạo lý hay không" Nhất lại là đạo lý truyền thống Việt Nam"

Tôi thì nghĩ rằng, viên thượng tá an ninh kia cũng chỉ là thi hành lệnh của cấp trên. Nói phỉ phui chứ, nếu để ông Trần Độ chết đi trong tình trạng uất ức hiện nay, không được giải toả nỗi đau xót ấy, thì việc làm của công an phải chịu đời đời tiếng tăm nguyền rủa.

Câu hỏi 3: Cũng trong buổi giao tiếp hôm ấy, tôi có đề nghị, công an A25 nên đứng ra tổ chức cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cao cấp với các ông Trần Độ, Lê Giản, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà và các trí thức văn nghệ sĩ có khuynh hướng dân chủ cấp tiến. Hãy trao đổi cùng nhau sẽ tìm ra đồng thuận. Không nên cứ tạo xa cách, bịt tai, quay mặt đi. Viên thượng tá công an cứ lắc đầu hoài nhìn cốc bia. Tôi bèn hỏi:

- Với kẻ thù như Pháp và Mỹ trước kia, ta còn ngồi nói chuyện được với họ, nâng cốc với họ. Tại sao lại không trao đổi được với anh em dân chủ"

Viên thượng tá công an trả lời:
- Nói chuyện với tư bản đế quốc còn dễ hơn nói chuyện với các ông ấy.

Tôi giật mình! Có thể viên sĩ quan nói đúng. Họ ngại vì anh em dân chủ đúng quá chăng, phải quá chăng, những luận lý của họ khó phản bác quá chăng. Nhưng cũng có thể sự xa cách gốc nguồn ở đây, ở cái rào cản của công an an ninh. Cho nên trên dưới tắc nghẽn, không hiểu nhau. Huyết mạch không lưu thông thì cơ thể bị bệnh. Có thế thôi.

Nghĩ lại càng thương tiếc bác Hoàng Hữu Nhân. Thời bác còn sống đã có ý định tổ chức những cuộc gặp mặt giữa Bộ Chính trị với anh em dân chủ, mà bác là người đề cử danh sách. Việc chưa thành thì bác đã mất.

Này anh Thư nặc danh, anh có thấy việc gây ra nổi cộm giữa anh em dân chủ và lãnh đạo Nhà nước, có phần trách nhiệm không nhỏ của công an không" Anh có thấy thắc mắc tại sao công an không đứng ra tổ chức cuộc gặp gỡ giữa hai bên không" Anh có thể bào chữa: họ chỉ làm theo cái lệnh. Nhưng cái lệnh ấy ở đâu" Ai ra lệnh"

*
Bài số 2 này, tôi tạm đặt ra ba câu hỏi. Ta cùng bàn bạc để cùng nâng cao nhận thức và để giúp mọi người cùng hiểu rõ mọi chuyện. Như thế là điều tốt. Rất tốt trong tình hình hiện nay. Không vi phạm pháp luật, lại có được phần nào tự do tư tưởng, một việc mà Đảng lãnh đạo luôn đề cao tôn trọng tự do tư tưởng của mọi người.

Chúc anh khoẻ. Bài số 3, số 4 vv... tôi sẽ lại đặt những vấn đề khác.

Hà Nội ngày 10 tháng 9 năm 2001
Hoàng Tiến, nhà văn
Địa chỉ: Nhà A 11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc Hà Nội.
Điện thoại: 5530377.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.