Hôm nay,  

Chân Tình Khó Giải

23/02/200400:00:00(Xem: 4723)
Vương Tử Phục, người ở Thái Nguyên. Chẳng may cha mất sớm nhưng nổi tiếng là thông minh, nên nhiều người ngưỡng mộ. Gần nhà của Tử Phục, có Tiêu Ông là người khí khái, lại thích văn chương, nên đối với Tử Phục có thêm phần thân thiết. Một hôm, Tiêu Ông gọi con là Thủy Tiên đến, mà bảo rằng:
- Con đã tới tuổi cập kê, thì không thể ở hoài với cha mẹ đặng. Lại nữa. Con là phận gái, thì phải tòng phu. Chớ không thể phây phây chơi hoài như thế được!
Thủy Tiên hờn mát đáp:
- Người ta nói có con gái lớn trong nhà, như có trái bom nổ chậm để gần bên, thì cha muốn… tống con đi cũng là điều dễ hiểu!
Tiêu Ông lắc đầu đáp:
- Trai lớn lên thì phải có vợ. Gái lớn lên thì phải có chồng. Lẽ tự nhiên thường ra vẫn thế. Nay cha muốn tìm nơi tốt đẹp cho con. Trước là chu toàn trách nhiệm. Sau có cháu ẵm bồng - để ngày tháng ăn… hưu - cũng thấy vui khi dòng ta đông đúc.
Thủy Tiên biết không lay chuyển được cha, bèn dịu giọng hỏi rằng:
- Mà cha đã chọn được chỗ nào chưa" Hay mới ngấm nghé mà đã nói này nói nọ"
Tiêu Ông mĩm cười đáp:
- Bấy lâu nay cha để ý Tử Phục ở gần bên, thấy tính tình phóng khoáng, lại rất thông minh, nên muốn nhận rể cho đời con ấm cúng. Vậy con nghĩ thế nào" Có thể tỏ bày cho cha biết được chăng"
Thủy Tiên ngẩn người ra một lúc, rồi thận trọng nói:
- Tử Phục chỉ có một mình, nên được mẹ nuông chiều hết sức, là một điều không hay. Mẹ của Tử Phục da dẻ hồng hào. Dáng người mạnh khỏe, ắt trường thọ sống lâu, thì hơi sức đâu mà hầu hoài cho đặng, là hai điều không hay. Tử Phục lớn lên trong sự giàu sang, nên không biết cảm thông với người bất hạnh, thì ý chí đâu mà đương đầu gió lớn" Khi bão táp cuộc đời đang chảy bỗng nhào dzô. Đang sống ung dung bỗng ôm chầm cái họa, là ba điều không hay. Tử Phục thông minh, nên dễ sinh lòng kiêu ngạo, khi nghĩ thế nhân chẳng ai giỏi bằng mình, thì dính vô làm chi cho thêm phần quýnh quáng, là bốn điều không hay. Mẹ của Tử Phục chăm lo từng chút, nên khi lấy vợ về. Vợ sẽ chẳng còn chỗ để lo, thì tránh đâu cho khỏi tiếng bấc vang lên tiếng chì bay lại, là năm điều không hay.
Đoạn, ngẩng mặt nhìn cha, tha thiết nói:
- Để được tiếng có chồng, mà ôm phải năm điều không hay đó - thì dẫu tuổi đang xuân - cũng cứ coi như đã đi vào miên viễn…
Gặp tiết rằm tháng giêng, có người anh con ông cậu là Ngô Khang đến rủ đi chơi. Tử Phục vội xà xuống bên mẹ, mà nói rằng:
- Mẹ! Anh Khang muốn đưa con đi dạo một chút. Có được hay không"
Mẹ của Tử Phục là Hàn thị, thong thả đáp:
- Con gọi anh Khang vào đây cho mẹ, đặng mẹ dặn đôi câu. Chớ không thể giao con mà chẳng dặn dò chi hết cả!
Rồi đến lúc Ngô Khang vào tới, Hàn thị mới thốt đôi lời nghe thấy mẹ thấy cha:
- Biết phân biệt thị phi, tránh vọng động, đúng là một kẻ trí. Có ý tôn nhượng hợp tình, đúng là một kẻ nhân. Gặp nguy khẳng khái đương đầu, đúng là một kẻ dũng. Còn hai con đang ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới - nên hông thể là dũng trí nhân - thì cách hay nhất là quay mình tháo chạy…
Thế là hai anh em hớn hở ra đi. Vừa đến đầu làng, chợt ông cậu thấy trong người không được khỏe, bèn cho đầy tớ gọi Ngô về. Ngô buồn bã nói:
- Không ai nỡ xuống tay với kẻ đang tươi cười được. Còn mình, như Hồng nhung buổi sáng. Lẽ nào lại tắt lịm hay sao"
Tử Phục hốt hoảng đáp:
- Cậu đã gọi thì phải về. Chớ không được chần chờ nấn ná. E di hại đến ngàn thu, thì nỗi đau ấy làm sao mà vớt được"
Ngô Khang nghệch mặt ra như ở trên rừng mới xuống. Chưa kịp nói năng. Chợt nghe Tử Phục kề tai nói tiếp:
- Cậu mắc bệnh nan y. E rằng con trăng này qua hổng khỏi, mà anh lại làm cho cậu buồn lòng. Há chẳng ảnh hưởng đến tờ di chúc hay sao"
Ngô Khang nghe trong lòng hoảng sợ, bèn mau lẹ ra về. Còn Tử Phục đang đà cao hứng, nên cứ vậy mà đi. Chớ chẳng lo lắng chuyện ốm đau gì hết cả. Chợt Tử Phục thấy một cô gái, tay cầm cành mai, mặt mày tuyệt đẹp, cười như hoa nở, bèn trố mắt ra mà nhìn. Cô gái qua mặt vài bước, rồi quay lại bảo con hầu:
- Nhìn con gái mà đắm đuối kiểu này. Ắt là kẻ tình si, thì có chết cũng không thể làm chồng ta được!
Rồi bỏ rơi cành hoa mai trên mặt đất, mà cúi đầu đi thẳng. Tử Phục trông theo, thì thấy người đẹp đã lẫn vào đám đông mà đi mất, liền cúi xuống nhặt cành hoa lên, mà nghe lòng trĩu nặng, rồi buồn bã quay về. Vừa đi vừa nói:
- Ta tự hào là thông minh, mà đứng trước người đẹp, thì miệng không dám nói. Mắt chẳng dám… đưa. Tay chân cứng đơ như hình nhân trong tiệm, thì thiệt là đáng trách! Chớ phải chi ta tàn tàn một chút, mà miệng dám ngỏ lời, thì vẫn hơn được tiếng khen luôn mà mình riêng đơn chiếc!
Về đến nhà, vội cất hoa dưới gối, rồi gục đầu xuống mà ngủ. Chẳng thiết chuyện uống ăn, khiến Hàn thị lo lo rồi bảo thầm trong dạ:
- Trong thiên hạ, chẳng việc gì khó. Cái khó là tại con người không có lòng. Nay con ta bỗng đổi tình đổi tính. Ắt có chuyện chi đây" Chớ không thể trong phút chốc mà tanh bành thế được"

Đoạn, mời thầy thuốc tới bắt mạch, bốc thuốc, nhưng hổng ăn thua. Đã vậy lại khư khư coi cành hoa như là bảo vật, khiến Hàn thị đã hớt hãi càng hốt hoảng thêm lên, bèn nắm tay con mà trút tuôn bầu tâm sự:
- Mẹ đã làm hết cách, mà con vẫn nặng hơn, thì rõ ra bệnh của con không phải do vi trùng mang lại. Vậy có gì thì con cứ nói, để mẹ sớm liệu toan. Chớ đừng im lặng như ri mà xót xa tình mẫu tử!
Tử Phục vẫn làm thinh không nói, bất kể tiếng… than, khiến Hàn thị cuống lên như ngồi trên đống lửa. Thời may có Ngô Khang đến. Hàn thị mừng rơn, bèn kéo Khang ra hòn non bộ, mà nhỏ giọng nói rằng:
- Từ ngày đi chơi với con về, em nó thích nhận hoa mai làm… kỷ vật, mà chẳng màng đến mẫu tử tình thâm, thì e trong đó chứa mang niềm u uẩn. Ta nghĩ: Mẹ với con, không phải chuyện gì cũng nói được, nhưng với bạn bè, thì xả láng mà phang, nên con phải ra tay giúp dì mới được!
Khang khẳng khái đáp:
- Phàm là đại trượng phu, thì việc đáng làm là làm. Đáng bỏ là bỏ. Đáng chơi là chơi. Chớ không thể bỏ dì trong… tăm tối!
Nói rồi, đến bên giường của Tử Phục. Trước là kể chuyện vui, sau dần dần gạn hỏi. Phục mới thổ lộ tâm tình, tha thiết nói:
- Em muốn cưới nàng làm vợ. Cho dẫu có khổ nhọc tấm thân, cũng vẫn vui lòng. Chớ sống bên người mình không khoái, thì… chết mẹ cho xong. Chứ còn sung sướng vui chơi làm chi nữa!
Ngô, tay thì khoát. Đầu lắc lịa lắc lia, vội vàng đáp:
- Em còn trẻ, tương lai còn dài, bao nhiêu hạnh phúc đang dành cho em đó. Sao lại muốn bỏ đi"
Tử Phục nghẹn ngào nói:
- Dối người, dối mình mà sống đặng hay sao" Nếu anh thật lòng thương em, thì liệu đường tính tới. Chớ đừng nói quanh co, mà uổng phí đi khắc giờ đang có hạn…
Ngô biết Phục hết thuốc chữa, nên gắng cho mặt tươi lên, mà mau lẹ nói rằng :
- Em ngớ ngẩn thật. Chuyện này có khó gì đâu, để anh thay em dò đường đi nước bước. Nói hổng sợ tội, chớ con gái mà rong chơi ở cánh đồng - tất chẳng phải dòng dõi cao sang - thì ta bỏ ít… đô la ắt chữ nợ duyên sẽ phản hồi trong sớm tối!
Tử Phục nghe thế, bỗng thấy đói bụng, bèn quất một hơi hai tô cháo đầy. Đã vậy lại lấy đồ đi tắm rửa, miệng hát líu lo, như thể tái sinh từ kiếp khác. Phần Ngô, chạy ra kể cho Hàn thị. Hàn thị nghe xong, buồn rầu nói:
- Trăm ngàn giấc mơ. Chẳng có giấc mơ nào đẹp bằng giấc mơ tình. Giấc mơ tình nếu được thực hiện, thì mẫu tử thâm tình còn ấm đặng hay sao"
Đoạn, đưa hai tay ôm lấy đầu mà thở. Ngô Khang thấy vậy, mới hít một hơi sâu, rồi thận trọng nói rằng:
- Tình cảm, nếu là chân chính, thì tình cảm nào cũng phải âu sầu mà ôm chữ hy sinh. Cha mẹ thương con, thì phải nghĩ đến hạnh phúc của con. Chớ không thể bắt con hy sinh để dành hạnh phúc về mình. Nay Tử Phục đang trên đường tươi sáng, thì phải chơi luôn. Chớ không thể so đo mà ảnh hưởng đến giỗ chạp đang bày ra trước mắt…
Hàn thị hổng biết nói sao. Chỉ gật đầu mà chịu. Khi Ngô về rồi, vẻ mặt của Tử Phục tươi ra, ăn cũng được nhiều, ngủ luôn thẳng giấc, nên chỉ mấy hôm đã khác xa một trời một vực. Bà mẹ thấy vậy bỗng nhói tận tâm can, rồi nghĩ này nghĩ nọ:
- Nhất vợ nhì Trời. Bảnh như Trời mà còn thua vợ. Lẽ nào mẹ lại hơn đặng hay sao"
Hôm sau Hàn thị đi chợ. Chợt gặp Ngô Khang đứng chờ nơi cổng trước. Vẻ mặt ưu tư, ra chiều khó nghĩ. Hàn thị biết là chuyện không hay, nên kéo vội Ngô Khang đi về gốc chuối, mà hỏi rằng:
- Cháu đón chờ ta nơi cổng chợ, là cớ làm sao"
Ngô Khang rầu rỉ đáp:
- Cháu theo hình dáng của Tử Phục kể, tìm khắp cả làng, nhưng thăm hỏi mãi chẳng ai biết tung tích nàng ở đâu. Cháu lại nghĩ. Rằm tháng giêng trời trong trăng sáng. Thiếu gì kẻ qua đường dừng lại ghé chơi, thì bóng chim tăm cá mần răng mà biết đặng!
Nói rồi, nắm lấy tay của Hàn thị mà bày tỏ ruột gan:
- Nói thật, e Tử Phục không qua nổi con trăng này, mà nói dối, thì xót tận tâm can. Làm sao sống"
Hàn thị lặng người đi một chút. Chẳng biết tính sao, mãi một lúc sau mới ghé miệng vào tai của Ngô Khang, ngậm ngùi nói:
- Giữa hai cái xấu, thì phải chọn cái ít xấu hơn. Chớ làm chi hơn được! Nay ta với con thông đồng nói dối - là để cứu em con - Chớ chẳng ảnh hưởng chi đến bàn dân bá tánh.
Đoạn, dõi mắt vào hư vô, uất ức nói:
- Cả đời ta. Lấy chữ Tín làm trọng, nên không thẹn với lòng. Nay vì con mà phá bỏ… môn quy, thì thiên hạ chê bai cũng cam lòng hứng chịu!
Cách vài hôm Ngô Khang lại đến. Phục hỏi chuyện đã bàn hôm nọ. Khang hớn hở nói:
- Tôi cứ tưởng người nào. Hóa ra là con gái của thầy Năm bán sách. Bây giờ còn đương treo giá ngọc. Ý đợi người tài trai, nên có mấy đám hỏi tới mà chẳng ăn thua gì hết cả!
Phục mừng rỡ ra mặt, liền nhờ mần tới tới. Ngô nhanh nhẩu nhận lời. Từ đó, Phục càng ngày càng ăn uống được hơn, nên chẳng mấy chốc thân tâm đều khỏe mạnh. Hàn thị thấy vậy. Nửa mừng, nửa tủi, nên buồn tình than thở tự mình ên:
- Con càng khỏe. Mẹ càng… đau. Thiệt là hết biết!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.