Hôm nay,  

Lm Tâm Gặp Ht Thiện Hạnh, Trao Đổi Giữa Vòng Công An

19/02/200400:00:00(Xem: 4938)
LTS. Bài viết của linh mục Trần Xuân Tâm, nhan đề “Thời Gian Ơû Huế Của Phái Đoàn Nhân Viên Quốc Hội Và Uûy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (9-10/1/2004)” đã nói lên một phần nào sự kềm kẹp tôn giáo ở quê nhà. Bài viết như sau.
Dự tính bị lộ trước khi vào Huế
Vào tối thứ Năm mùng 9 tháng Giêng lúc còn ở Hà Nội trong khi ăn cơm tối ở tiệm ăn với ba thành viên của phái đoàn tức cô Hannah Royal, hai ông George Phillips và Scott Flipse, tôi dùng điện thoại di động để gọi cho cha Nguyễn Hữu Giải tìm cách sắp xếp để phái đoàn gặp ngài lúc vào Huế. Cha Phan Văn Lợi và cha Nguyễn Hữu Giải là hai linh mục nổi tiếng can đảm vì tiếp tục công khai ủng hộ và duy trì cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo mà cha Nguyễn Văn Lý khởi xướng. Vừa nhận ra tôi trong điện thoại thì cha Giải liền kể cho tôi vụ động trời mới xảy ra hôm thứ Ba mùng 7 ở họ đạo Kế Sung trong giáo hạt của cha (xem bản tin 16. 1. 2004 từ Huế gửi ra đã phổ biến). Cha yêu cầu khi tới Huế nếu có thời gian phái đoàn nên về Kế Sung để chứng kiến tận mắt. Cha cũng khuyên là nếu được trên đường từ phi trường Phú Bài về Huế phái đoàn nên dừng lại ở nhà thờ Phú Lương, cách phi trường khoảng 1 cây số, để thăm cha sở ở đó là Nguyễn Văn Hoàng. Cha Hoàng rất can đảm đang quyết liệt đòi lại tất cả những tài sản của Giáo hội trong giáo xứ mà chính quyền cộng sản chiếm lấy từ năm 1975. (Tài sản bị tịch thu gồm có 1 nhà nguyện, 2 trường học, và một bệnh xá. Cách đây hai năm khi chính quyền rục rịch muốn sửa nhà nguyện thành một thứ nhà thể dục, cha Hoàng phản ứng dữ dội, cho rằng trong lúc còn chờ để giải quyết trả lại thì không được đụng chạm gì đến nhà nguyện, phải giữ nguyên như cũ. Thấy cha Hoàng làm mạnh vậy, chính quyền chùn tay lại để nhà nguyện ở tình trạng cũ). Tôi nói nếu có giờ phái đoàn cũng đặc biệt muốn về giáo xứ Lương Văn thăm cha Giải, nhưng cha trả lời không biết phái đoàn có về được không vì sợ rằng công an thế nào cũng ngăn chặn. Tôi liền nói nếu không về được Lương Văn thì có cách gì cha Giải vào Huế tới Nhà Chung (tức Tòa Giám mục Huế). Nếâu cha vào được ngay tối thứ Sáu thì càng tốt, vì tôi cũng muốn gặp riêng cha ở Nhà Chung để anh em linh mục có dịp hàn huyên tâm sự về chuyện Giáo Hội. Cha nói về phía cha thì không có vấn đề gì cả.
Tuy nhiên một điều tôi sơ ý là điện thoại của cha là điện thoại cố định đăng ký bình thường nên qua tổng đài công an luôn đặt máy nghe lén. Tôi không những để lộ dự tính mà còn cả số điện thoại di động của mình. Tôi lại không tắt hẳn điện thoại di động (vì lần đầu tiên tôi thực sự dùng điện thoại di động nên có nhiều điều vụng về không biết), nên sau đó khi rời tiệm ăn đi thăm gia đình của anh Nguyễn Khắc Toàn cuộc nói chuyện giữa phái đoàn và gia đình anh cũng bị nghe lỏm. Rồi từ đó kế hoạch nhờ gia đình anh Nguyễn Khắc Toàn sắp xếp để phái đoàn gặp gia đình của Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Vũ Bình vào trưa thứ Sáu ngày mai cũng bị lộ luôn. Thành ra suốt hơn một tiếng đồng hồ hôm sau từ 12 giờ đến 1 giờ tôi tìm cách liên lạc qua điện thoại với gia đình anh Toàn để biết điểm hẹn thì gọi lần nào đường dây cũng bị nghẽn. Nhưng tôi vẫn không biết những sơ suất của mình cho đến lúc gọi cha Giải vào sáng thứ Sáu. Cha cho tôi biết là cuộc nói chuyện tối hôm qua đã bị công an biết cả rồi, vì hiện họ đang bao vây nhà cha, cha không biết tối này có vào Nhà Chung được hay không. Cha Giải còn cho biết điện thoại di động của tôi bị sao đó mà sau khi cha bỏ điện thoại xuống, rồi cầm lên lại vẫn nghe tôi nói chuyện với phái đoàn Mỹ tại tiệm ăn, cũng như cuộc nói chuyện sau đó tại nhà gia đình anh Nguyễn Khắc Toàn, nhưng cha không biết cách nào gọi lại cho tôi để thông báo. Dĩ nhiên ngay sau đó tôi phải đi bỏ thẻ Sim cũ mua thẻ Sim mới vì số cũ đã bị lộ. Trong mấy tiếng đồng hồ còn lại ở Hà Nội tôi bắt đầu linh cảm là thời gian ở Huế của phái đoàn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cuộc thăm viếng Cha Phan Văn Lợi tối khuya thứ Sáu bị công an theo dõi và ngăn chặn.
Từ phi trường Nội Bài, Hà Nội phái đoàn và tôi đáp máy bay vào Huế, đến phi trường Phú Bài, khoảng 7 giời rưỡi tối thứ Sáu, ngày 9 tháng Giêng. Đến đón chúng tôi là ông Marc Forino viên chức chính trị của Tổng lãnh sứ quán Mỹ ở Sài Gòn và người thông dịch viên cùng với xe của Tổng lãnh sứ quán để lo việc chuyên chở phái đoàn. Ngoài ra còn có vài ba thanh niên của sở ngoại vụ thuộc uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên cũng lái xe đến tận phi trường để đón chúng tôi. Chính quyền cộng sản một mặt thì "lịch sự, niềm nở, hiếu khách" bao nhiêu, thậm chí đưa đón phái đoàn tới nơi tới chốn, thì mặt khác qua lực lượng công an chìm nổi lại theo dõi, ngăn chặn việc làm của phái đoàn khá trắng trợn, đến mức vô liêm sỉ bấy nhiêu. Nhân viên sở ngoại vụ cộng sản theo phái đoàn về đến khách sạn Morin và chuyển lời của uỷ ban tỉnh mời phái đoàn ngày mai sau cuộc họp với ủy ban thì cùng đi dùng cơm trưa. Thật là một cách khéo léo để làm mất thời gian của phái đoàn khỏi phải đi gặp những người mà chính quyền cộng sản không muốn phái đoàn gặp. Rút kinh nghiệm mất quá nhiều thời giờ gặp gỡ với phe chính quyền cộng sản lúc còn ở Hà Nội phái đoàn lịch sự từ chối lời mời ăn trưa, còn cuộc họp thì đương nhiên không thể tránh được. Cũng như ở Hà Nội, rồi sau đó ở Ban Mê Thuộc và Sài Gòn chính quyền cộng sản ở Huế cho biết họ không muốn tôi có mặt trong các cuộc họp với chính quyền, nếu cần thông dịch thì họ đã có người của họ.
Đăng ký trình giấy tờ và lấy phòng xong phái đoàn đi xe qua bên thành nội để ăn tối. Chạy tới chạy lui tới hai lần phái đoàn mới kiếm được tiệm ăn mang tên là Tĩnh Gia Viên nên khi vào tiệm ăn thì cũng đã hơn 9 giờ. Vào giờ đó thì thoạt đầu chỉ có chúng tôi là khách duy nhất ở trong tiệm. Nhưng vài phút sau có ba thanh niên cũng vào ăn, kéo bàn ngồi khá gần với chúng tôi. Nghe họ nói chuyện thì thấy trừ một giọng là giọng Huế còn hai giọng kia thì không phải nên tôi đâm nghi ngờ. Quan sát một lúc thì đoán chắc chắn là công an, vì xem ra họ cũng không cần giấu giếm bao nhiêu, ở dưới áo ấm là bộ đồ đồng phục màu xanh có lẽ da trời hay nước biển. Ngay cả mấy người Mỹ trong phái đoàn cũng dần dần nhận ra những vị khách bàn bên cạnh đang theo dõi mình. Sau đó các tài xế người Sài Gòn lái xe cho Tổng lảnh sứ quán còn cho tôi biết công an cũng rải rác rình rập ở cả phía ngoài nữa. Ba tay công an vào trong tiệm có lẽ ít nhiều biết tiếng Anh nên vào để nghe lỏm phái đoàn nói chuyện chăng" Trong lúc đang ăn thì tôi có mượn điện thoại tiệm ăn để gọi về Lương Văn, vì rút kinh nghiệm ở Hà Nội tôi không dám dùng điện thoại di động của mình sợ bị lộ số. Chị nữ tu trực điện thoại nhà xứ cho biết cha Giải đã đi làm lễ ở một họ lẻ theo lịch trình tối nay không về lại xứ chính, còn làm lễ xong thì ngài ở lại đó hay chạy vào Huế ghé Nhà Chung thì chị không biết. Tôi cũng không có ý định ghé Nhà Chung nữa vì phái đoàn ăn cơm tối xong thì cũng đã khuya, chưa kể biết đâu công an cũng đang bao vây ở đó. Tuy vậy cũng lo lo là nếu cha Giải có ghé Nhà Chung đợi tôi mà tôi không ghé được thì thật là tiếc, bỏ đi một cơ hội quý anh em linh mục gặp nhau.
Ăn xong cũng đã mười giờ rưỡi tối, nhưng tôi vẫn yêu cầu phái đoàn trước khi trở về lại khách sạn nên đi thăm cha Phan Văn Lợi đang bị chính quyền cộng sản giam tại nhà cha mẹ cha ở Phủ Cam dù không hề kêu án. Tôi làm vậy một đàng vì sợ ngày mai không có đủ giờ, đàng khác muốn chơi trò bất ngờ vì có thể công an nghĩ rằng đã quá khuya phái đoàn chắc không định đi thăm ai đâu, nên có thể lơi lỏng trong vấn đề canh giữ chung quanh nhà cha Lợi. Nhưng tôi đã lầm, vì công an đi ba bốn chiếc xe honđa hay cúp chạy theo hai xe của phái đoàn. Vì cũng đã gần mười một giờ tối, trời lại mưa lâm râm, nên đường phố Huế lúc đó vắng vẻ lắm, phải nói nhiều đoạn chỉ thấy có hai xe chúng tôi và mấy chiếc xe honđa, cúp của công an bám theo. Có lúc một chiếc xe của chúng tôi quẹo sai đường nên phải quay đầu lại, công an bám theo cũng quay đầu lại theo. Qua cầu Lò Rèn thẳng đường Trần Phú lên dốc một chút thì tới chỗ đường rày xe lửa băng ngang. Xe chúng tôi dừng lại ở ngoài, vì nhà cha Lợi ở ven đường rày, chỉ cần đi bộ vào một chút. Mấy tay công an chạy xe theo chúng tôi không đi theo vào mà chỉ chờ ở ngoài, lý do vì họ đã có sẵn người của họ ở bên trong rồi. Thật vậy khi cô Hannah, ông George, ông Phillips, và tôi (ông Marc ở ngoài xe không đi vào) có lẽ chỉ còn cách nhà cha Lợi hai ba nhà thì công an và những người làm việc cho họ đổ ra: lúc đầu 3, 4 người, nhưng mỗi lúc một đông hơn, hình như sau cùng cả thảy khoảng 15, 20 người thì phải, phần lớn là thanh niên lớn tuổi hay thanh thiếu niên tuổi sinh viên đại học hay tuổi học sinh trung học. Có hai thanh niên lớn tuổi ăn nói có phần ôn tồn một chút, nhưng không phải giọng Huế, và xem ra đứng đầu đám, có lẽ là công an chính thức và chuyên nghiệp, phần lớn còn lại nói giọng Huế nhưng khá xấc xược và lỗ mãng. Sau này về lại Mỹ tôi hỏi cha Lợi mấy thanh niên và thiếu niên nói giọng Huế đó là ai, vì chắc chắn không phải là con em Công giáo Phủ Cam. Cha Lợi trả lời bọn đó đương nhiên không có đạo, một số là lưu manh côn đồ, một số là con cái cán bộ cộng sản ở địa phương, số khác là sinh viên đại học công an, tất cả được công an hoặc ra lệnh hoặc mướn làm việc cho họ. Bây giờ thì cuộc đôi co bắt đầu.
Trước hết một trong hai tay công an chính thức nói chúng tôi phải quay trở ra không được đi nữa vì ở đây không được an ninh, trộm cướp nhiều. Phái đoàn và tôi bắt bẻ vậy các anh xem ra là người giữ an ninh ở đây tại sao không đi theo bảo vệ chúng tôi, chỉ cần đi mấy bước là chúng tôi tới nhà người chúng tôi muốn thăm, chưa kể chúng tôi không có đồ gì quý hóa trên người để sợ cướp giật. Đuối lý tay công an vừa nói thú nhận là có lệnh trên truyền xuống không cho phép phái đoàn vào, xin phái đoàn thông cảm. Phái đoàn hỏi lệnh trên đến từ ông nào, tên gì, để ngày mai phái đoàn gặp ủy ban nhân dân tỉnh hỏi cho ra lẽ, chưa kể khi còn ở Hà Nội giới chức cao cấp ở trung ương bảo đảm là phái đoàn có thể đi lại thăm viếng bình thường ở VN. Tay công an kia nhảy vào đỡ nói rằng không phải lệnh trên gì cả mà chỉ là phong tục tập quán địa phương sau nửa đêm không cho phép người ngoài vào thăm. Phái đoàn xem đồng hồ nói vẫn chưa tới 12 giờ. Một người nào đó sửa lại nói sau mười giờ chứ không phải mười hai giờ. Phái đoàn và tôi hỏi phong tục tập quán gì kỳ lạ vậy cấm người ngoài đến thăm bà con bạn bè trong vùng vào lúc ban đêm. Tay công an biện minh rằng rằng cấm là vì vào gây ồn ào quấy phá giấc ngủ của láng giềng. Như để hỗ trợ cho lý do đó một ông cở tuổi trên 55 hay 60 gì đó đeo kính xuất hiện tiếp lời, xưng mình là Công giáo với tên thánh và tên gọi hẳn hoi cũng như là đại diện giáo dân ở trong khu vực để giữ yên lặng ban đêm. Tôi nói lại là phái đoàn và tôi lặng lẻ đi vào chứ đâu có làm gì ồn áo, chính các anh cả đám kéo ra ngăn chận chúng tôi mới là người gây ồn ào. Nhưng cả đám đông cứ thay nhau nói tới nói lui là vì phong tục địa phương. Tay công an khi nãy nêu lý do phong tục địa phương bảo chúng tôi muốn thăm thì thăm vào ban ngày, ban đêm không thể vào thăm được, còn nếu chúng tôi không chịu thì ra ngoài uỷ ban nhân dân phường xin phép nếu được thì trở lại thăm. Tình thế xem ra mỗi lúc một căng thẳng thêm. Đám thanh thiếu niên trẻ không những thay nhau nói chêm vào mà còn bắt đầu giở giọng hỗn láo và côn đồ. Có cậu nói ám chỉ tôi: thằng đó là ai mà đi giúp cho Mỹ, cậu khác lại nói: nhớ mặt thằng đó sau này có gặp cho nó một trận. Cùng lúc một tay trung niên cở tuổi từ 40 đến 50 bỗng nhiên ở đâu xông tới, dùng tay đẩy mạnh vào tôi. Anh ta nói giọng Huế, nhưng lớn tiếng và hằn học: làm gì mà ồn ào vậy, có chịu đi ra không, mấy người quấy phá giấc ngủ của tôi, có biết tôi đang đau không. Thấy không thể nào thắng được họ, phái đoàn và tôi quyết định quay trở về. Bọn họ đi theo cho tới khi chúng tôi lên xe quay về khách sạn. Đã không thăm được cha Lợi mà trong suốt thời gian ở Việt Nam tôi gọi cha Lợi bao nhiêu lần đều không được, vì thực ra hai số điện thoại di động của ngài mà tôi có đều đã bị công an an khám phá và ngăn chặn.
Sinh hoạt của phái đoàn ngày thứ Bảy và cuộc thăm viếng Hòa thượng Thích Thiện Hạnh.
Sáng hôm sau, thứ Bảy ngày 10, nhân viên của sở ngoại vụ đã sớm có mặt ở khách sạn để đưa phái đoàn đến gặp và làm việc với uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên (cùng với mặt trận tỉnh và ban tôn giáo tỉnh). Trong lúc ăn sáng trước khi phái đoàn rời tôi đã đề nghị có sự phân công làm việc giữa các thành viên của phái đoàn trong khi đặt những câu hỏi với chính quyền cộng sản Thừa Thiên về tình trạng tự do tôn giáo. Ông Scott sẽ đặt những câu hỏi về Phật Giáo, còn ông George và cô Hannah sẽ hỏi về Công Giáo. Tôi đề nghị ông George đặt vấn đề về sự vi phạm tài sản của Công giáo: sau khi nhắc sơ qua những chuyện cũ như Thiên An, Dòng Chúa Cứu Thế, La Vang, thì chú trọng hơn vào chuyện mới xảy ra ở họ đạo Kế Sung. Còn cô Hannah thì tôi đề nghị nên đặt những câu hỏi về trường hợp đàn áp Cha Phan Văn Lợi. Ông Marc nhân viên của Tổng lãnh sứ quán chủ yếu chỉ tháp tùng phái đoàn nên thường không đặt câu hỏi trong các cuộc gặp gỡ. Xong xuôi phái đoàn lái xe đến sở ngoại vụ nằm ở ngã tư đường Lý Thường Kiệt và đường Đống Đa (" ) để gặp người của uỷ ban nhân dân tỉnh. Tôi không có thể tham dự nên yêu cầu một tài xế của Tổng lãnh sứ quán đưa tôi đến Tòa Tổng Giám mục Huế để thăm đức Tổng Thể hầu chuẩn bị trước cho cuộc gặp gỡ của ngài với phái đoàn, vì trong cuộc họp với uỷ ban phái đoàn sẽ bày tỏ ý định đến thăm Tổng giám mục Huế và hầu chắc là chính quyền cộng sản sẽ đồng ý không ngăn cản. Tới nơi thì cha Hoa quản lý Nhà Chung cho biết đức Tổng vừa đi khỏi độ khoảng 10 giờ rưỡi sẽ trở về lại. Tôi cũng có hỏi cha quản lý về cha Giải thì được biết tối qua cha không có ghé Nhà Chung, chắc là bị công an ngăn chặn. Tôi quay trở lại sở ngoại vụ chờ phái đoàn. Buổi làm việc với chính quyền khá lâu, nếu tôi nhớ không lầm cũng khoảng một tiếng rưỡi. Dĩ nhiên tôi cũng đoán biết trước cách trả lời của chính quyền cộng sản đối với những câu hỏi của phái đoàn, tức là hoặc chối không có sự kiện, hoặc xuyên tạc trắng trợn sự kiện, hoặc lờ đi tìm cớ thoái thác trả lời. Tuy nhiên tôi vẫn cứ hỏi qua nhân viên phái đoàn và quả thực không ngoài dự đoán của tôi. Ví dụ trường hợp cha Lợi, thì chính quyền cộng sản trân tráo nói ở Huế không có ai là linh mục Lợi cả mà chỉ có ông Lợi. Khi phái đoàn yêu cầu được thăm cha Lợi thì họ đã từ chối không cho phép. Về trường hợp Dòng Chúa Cứu Thế thì chính quyền cộng sản láo khoét bịa rằng phần cơ sở đang được chính quyền trưng dụng thì trước đó đã được cố Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền hiến cho nhà nước rồi. Về vụ Kế Sung mới xảy ra thì họ cũng chối đó là vi phạm mà chỉ là việc quy hoạch đất đai bình thường để làm đường xá hay công trình công cộng, chính quyền cũng thường làm như thế đối với mọi người dân khác, không có sự phân biệt nhà thờ hay tư gia.

Ủy ban tỉnh không có vấn đề gì khi phái đoàn cho biết ý định muốn gặp Tổng giám mục Huế. Chính quyền còn sốt sắng điện thoại đến tòa Tổng để báo trước. Hơn nữa sau đó nhân viên sở ngoại vụ còn "ân cần" dẫn đường đưa vào tận trong khuôn viên của Tòa Giám mục, đợi phái đoàn cho đến khi xong, rồi lại tháp tùng với phái đoàn trở về lại khách sạn. Phái đoàn, ông Marc, và tôi vào gặp đức Tổng Thể được khoảng một tiếng. Về phía Tòa Giám mục Huế ngoại trừ đức Tổng còn có cha Nguyễn Đức Vệ Tổng đại diện, hai nữ tu bề trên chính và phó của Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân (chị Bề trên chính là chị Bông), và một giáo dân là thầy Lục (Lộc" ) chủ tịch hội đồng giáo xứ chính tòa Phủ Cam.
Trở về lại khách sạn Morin, phái đoàn và tôi thu dọn hành lý và trả phòng. Đáng lẽ tìm chỗ nào đó để ăn trưa, nhưng không muốn mấy nhân viên ngoại vụ cứ theo đuôi chúng tôi vào tận tiệm ăn, chúng tôi đành giả bộ như thể chỉ ghé chụp hình thêm một hai chỗ ở Huế rồi sẽ lái xe vào Đà Nẵng. Trước hết chúng tôi chạy ngược lên dốc Phủ Cam đến trước mặt nhà thờ Chính tòa rồi xuống xe chụp vài tấm hình. Dĩ nhiên nhân viên sở ngoại vụ không còn theo chúng tôi nữa, đã có lực lượng công an chìm nổi làm công việc chuyên môn của họ. Trong khi đang chụp hình thì phái đoàn nhận diện cái ông trên 50, 60 tuổi tối qua xưng mình là Công giáo với đầy đủ tên Thánh và tên thường bỗng xuất hiện lái xe cúp lượn qua lượn lại quanh đó để xem xét động tĩnh của phái đoàn. Có lẽ công an ngờ rằng phái đoàn sẽ thử ghé thăm Cha Lợi lần nữa chăng" Kế đến phái đoàn lên xe chạy qua bên thành nội, vào Đại nội, xuống xe chụp thêm một vài tấm hình trước cửa Ngọ Môn.
Đóng kịch đã đủ bây giờ đến lúc làm việc muốn làm. Phái đoàn lái xe trở ngược lại qua cầu Phú Xuân lên dốc Nam Giao và rẽ vào Chùa Bảo Quốc thăm Hòa thượng Thích Thiện Hạnh. Đúng như phái đoàn ngờ trước, công an không dễ dàng bị đánh lừa. Phái đoàn bắt đầu nhận ra công an chạy theo mình khi đến gần Chùa Bảo Quốc. Tuy nhiên công an không ngăn cản phái đoàn lên chùa. Những tay công an chạy xe cúp hay honđa theo phái đoàn từ nãy đến giờ cũng không đi theo phái đoàn vào chùa. Họ đã có người của họ ở sẵn đó làm thay họ. Thật vậy ngay sau khi phái đoàn, ông Marc, và tôi vừa bước vào sân chùa thì có ba cô cậu, hai nam một nữ, đã ở sẵn ở trong sân nhưng từ bên hông chùa. Họ bước vào chùa trước chúng tôi, giả bộ như lễ Phật. Khi chúng tôi bước vào trong chùa thì họ đi ra nhưng vẫn lảng vảng ở mấy bậc cấp. Phái đoàn giới thiệu và chào hỏi Hòa thượng Thiện Hạnh. Ngoài thầy Thiện Hạnh còn có một sư trẻ cỡ tuổi hai mươi, đệ tử hầu cận và học đạo với Thầy. Phái đoàn hỏi nhỏ thầy Thiện Hạnh có nhận ra ba người kia là ai không. Thầy nói thầy quen mặt họ rồi, họ thường vào Chùa để tìm cách nghe lỏm mỗi khi thầy có khách đến thăm. Nhưng thầy bảo mặc kệ họ, việc mình làm cứ làm. Chùa chia thành ba gian nhỏ: gian giữa để điện thờ Phật, và hai gian hai bên. Thầy Thiện Hạnh mời phái đoàn vào gian bên trái (nếu đứng từ ngoài nhìn vào, bên phải nếu đứng từ trong nhìn ra) có bàn và ghế để khách và chủ ngồi xuống nói chuyện. Gian bên trái không những giống như gian bên phải được tách ra khỏi gian giữa bằng những hàng cột mà còn bởi một tấm bình phong. Ngay sau khi thầy, phái đoàn, ông Marc, và tôi vừa ngồi xuống thì một cậu thanh niên trong số ba người vừa nói trên trở lại vào chùa và đứng gần kế bên tấm bình phong để nghe lỏm cuộc nói chuyện. Thầy Thiện Hạnh sai thầy đệ tử ra yêu cầu cậu ta nếu đã lễ Phật xong rồi thì xin đi ra. Nhưng cậu ta cứ lì ra. Nói tới nói lui một chặp và thầy đệ tử phải dùng tay đẩy nhẹ cậu ta, thì cậu ta mới chịu ra. Nhưng cậu ta vừa ra thì cô kia lại vào. Cô ta còn lì lợm hơn cả cậu vừa rồi. Thầy đệ tử nói mấy cô cũng không chịu ra, thầy đành chịu thua. Thấy cô ta cứ lì như vậy lại còn cứ áp sát tai vào tấm bình phong để nghe, thầy Thiện Hạnh phải ngừng giữa câu chuyện, đích thân đi ra mời cô ta ra ngoài. Thấy thầy dứt khoát quá cô ta mới chịu thua và đi ra. Thầy lập tức đóng cửa chính lại. Nhưng sau ra khỏi cửa chính thì cô ta và hai cậu kia lại bước qua trước cửa sổ để nhìn vào và tiếp tục nghe lỏm. Thầy Thiện Hạnh phải sai thầy đệ tử đóng cửa sổ. Chưa hết thấy họ lục đục đi ra phía sau chùa tìm cửa vào, thầy đệ tử cũng phải vội vàng đóng luôn cả cửa sau. Kể từ lúc đó mọi người mới không còn cảm thấy bị quấy rầy. Thật là vô liêm sỉ hết chỗ nói. Người ngoại quốc không cần biết trước chính quyền cộng sản là gì, chỉ cần thấy những nhân viên làm việc cho chính quyền ấy, do nó đào tạo ra, toàn là những kẻ không biết liêm sỉ thì cũng đoán được cái chính quyền ấy thực chất là cái thứ gì. Sau đây tôi xin tóm tắt theo trí nhớ những gì Hòa thượng Thích Thiện Hạnh nói với phái đoàn trong cuộc gặp gỡ.
Trước hết phái đoàn hỏi thăm sức khoẻ thầy, thì thầy cho biết vẫn bình thường dù vừa mới trải qua một thời gian tuyệt thực. Theo tôi quan sát thì da thầy hơi xanh, giọng nói yếu và nhỏ. Không hiểu đó là do thầy vốn như vậy hay có phần do cuộc tuyệt thực gây ra. Về Hòa thượng Thích Huyền Quang thì thầy Thiện Hạnh cho biết chính quyền cộng sản đang quản thúc kiểm soát thầy ấy rất nghiêm ngặt. Họ không những không có chút gì nhân nhượng mà còn đe dọa nếu cần có thể bắt thầy Huyền Quang đi giam một nơi khác. Chính vì lẽ ấy mà các tăng ni và tín đồ Phật tử ở ngoài Huế, ngoại trừ việc kín đáo thư từ liên lạc hỏi han, tránh vào thăm thầy Huyền Quang, không phải vì sợ gì sự ngăn chận, khó dễ, hạch sách hiện nay của chính quyền cho bằng sợ rằng chính quyền sẽ lấy cớ đó mà bắt thầy giam đi một chỗ khác. Lúc đó sẽ rất khó khăn trong việc chăm sóc sức khoẻ cũng như bảo vệ tính mạng của thầy. Cũng chính vì lý do đó mà ngay cả những thầy đang chăm sóc thầy Huyền Quang ở trong Bình Định cũng không muốn cho các tăng ni tín đồ ở nơi khác đến thăm thầy. Ở trong Sài Gòn thì chính quyền cộng sản không những cũng quản thúc nghiêm ngặt Hòa thượng Thích Quảng Độ mà còn tìm cách ngăn chận mọi liên lạc giữa thầy Quảng Độ và thầy Huyền Quang, để cho thầy Huyền Quang không có sự cố vấn của thầy Quảng Độ trong những vấn đề hệ trọng liên quan đến sự tồn vong của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).
Về kế hoạch tiêu diệt GHPGVNTN thì thầy Thiện Hạnh trích dẫn lại một hình ảnh ví von mà chính thầy Huyền Quang đã nói với thầy trước đó. Sự tiêu diệt GHPGTNVN cũng giống như sự giết chết một cây lớn gồm có ba giai đoạn: giai đoạn đầu là chặt lá chặt cành tức là đánh vào những tín đồ Phật tử vẫn còn công khai trung thành với Giáo hội, giai đoạn thứ hai là chặt thân cây tức là đánh vào các ni cô, đại đức, thượng tọa, hòa thượng của Giáo hội, và giai đoạn sau cùng là nhổ gốc rễ của cây tức đánh vào hai hòa thượng trụ cột của Giáo hội là Huyền Quang và Quảng Độ. Hiện nay chính quyền cộng sản đang tập trung đánh vào hai gốc rễ trụ cột nầy. Khi tôi hỏi có bao nhiêu tín đồ Phật tử còn trung thành với GHPGVNTN, thầy Thiện Hạnh trả lời tổng số tín đồ Phật tử có thể chia ra làm ba phần: một phần công khai trung thành với GHPGVNTN bất chấp mọi bắt bớ khủng bố của chính quyền cộng sản, một phần trong bụng thì trung thành và kính trọng GHPGVNTN nhưng bề ngoài không dám công khai để tránh sự bắt bớ khó dễ của chính quyền, còn phần còn lại thì theo GHPGVN, tức Giáo hội quốc doanh, hay đúng hơn họ không quan tâm đến chuyện nên để Phật giáo bị chính quyền quản lý làm chủ hay không. Thầy Thiện Hạnh cũng cho biết ngay cả trong giới tăng ni của Giáo hội Phật giáo quốc doanh cũng có nhiều người bề ngoài vì hoàn cảnh ép buộc chỉ theo cho có vậy thôi, chứ trong bụng vẫn trung thành với GHPGVNTN và vẫn muốn cho Giáo hội ấy chính thức công khai hoạt động trở lại. Thầy Thiện Hạnh cho biết chính quyền cộng sản thường xuyên khủng bố những Phật tử đi lại hay thăm viếng những tăng ni của GHPGVNTN bằng nhiều cách khác nhau, kể cả đến tận nhà hạch xách, đe dọa. Một người trong phái đoàn hỏi làm sao tín đồ Phật tử biết chùa nào là do các tăng ni GHPGVNTN cai quản, chùa nào thì không" Thầy khẳng định họ biết chứ, những ai đi chùa từ bao nhiêu năm nay đương nhiên biết rõ chứ. Tôi hỏi thầy chùa Bảo Quốc mà thầy đang cư ngụ đây có phải là chùa thuộc GHPGVNTN không" Thầy mỉm cười ra dấu ngụ ý là không hẳn vậy.
Lý do chính yếu mà thầy Thiện Hạnh không thể chấp nhận bất kỳ sự quản lý, điều khiển, lãnh đạo nào của chính quyền cộng sản lên trên GHPGVNTN, biến Giáo hội thành một thứ giáo hội quốc doanh, là vì lúc đó Giáo hội sẽ không còn tự do thực sự để lên tiếng nói sự thật, giúp ích cho đất nước dân tộc, để giải thoát chúng sinh khỏi lầm lạc sai trái, mà chỉ có thể nói theo đường lối chính sách của chính quyền, phục vụ cho những mục đích sai trái của chính quyền. Một người trong phái đoàn hỏi thầy có hiểu tại sao có một thời gian ngắn trước đây chính quyền cộng sản xem ra có vẻ đối xử khá hơn với các vị lãnh đạo của GHPGVNTN ví dụ như cho thầy Huyền Quang đi chữa bệnh ở Hà Nội, rồi thủ tướng Phan Văn Khải đích thân đến thăm thầy Huyền Quang và thừa nhận một số sai lầm trong việc chính quyền đối xử với Giáo hội, vv… thế rồi mới đây chính quyền lại trở lại cách đàn áp mạnh mẽ vốn có đối với các hòa thượng Huyền Quang, Quảng Độ, và những tăng ni phật tử muốn vào thăm thầy Huyền Quang. Đâu là lý do tại sao có sự thay đổi như thế" Thầy Thiện Hạnh trả lời thầy cũng không biết chắc lý do tại sao, thầy chỉ biết trong chính quyền cộng sản cũng có những thành phần thực sự không muốn chính quyền can thiệp vào nội bộ Phật giáo, muốn chính quyền nên để cho GHPGVNTN tự do hoạt động.
Khi phái đoàn hỏi thầy Thiện Hạnh nghĩ áp lực của cộng đồng quốc tế và của chính phủ Mỹ lên trên chính phủ VN có giúp ích gì cho tình hình tự do tôn giáo nói chung cũng như đối với GHPGVNTN nói riêng không, thì thầy trả lời quả thật là có. Phái đoàn hỏi tiếp vậy cụ thể theo thầy nghĩ chính phủ Mỹ có nên cắt giảm một số viện trợ cho VN để áp lực chính phủ VN đối xử với các tôn giáo khá hơn không. Thầy trả lời việc đó thuộc về lãnh vực chính trị ngoại giao thầy không có ý kiến nên hay không nên, nhưng thầy nhấn mạnh một điều là từ khi nắm chính quyền ở miền Nam này chính quyền cộng sản chưa bao giờ thực sự lo cho đời sống của người dân, chính người dân tự túc làm ăn nuôi sống họ, đói no gì thì tự họ lo lấy, chứ không nhận được sự giúp đỡ gì từ chính quyền cộng sản. Phái đoàn cũng có hỏi phản ứng của thầy Thiện Hạnh trước tình trạng theo dõi sách nhiễu mà thầy đang chịu đựng mà chính phái đoàn cũng được chứng kiến đôi chút hôm nay. Thầy trả lời thầy chịu như thế nhiều lần quá nên cũng đã quen rồi. Thầy Thiện Hạnh cho biết ở Huế thì thầy, thầy Thích Thái Hòa, và thầy Thích Phước Viên là ba người thực tế đang sống dưới sự quản thúc từ phía chính quyền cộng sản. Nhưng dù hoàn cảnh có thế nào thì thầy Thiện Hạnh vẫn kiên quyết bảo vệ sự độc lập của GHPGVNTN cho đến hơi thở cuối cùng.
Cuộc gặp đã đến hồi phải kết thúc. Đang khi mọi người đứng lên, tôi tranh thủ hỏi nhỏ thầy Thiện Hạnh là thầy có đọc tài liệu của ông Đỗ Trung Hiếu viết năm 1994 về việc thống nhất Phật giáo hay không và thầy thấy thế nào. Thầy trả lời thầy có đọc và cho rằng việc thống nhất Phật giáo năm 1981 mà hậu quả là việc thành lập một Giáo hội Phật giáo quốc doanh chung cho cả nước chẳng qua chỉ là một màn kịch mà chính quyền cộng sản đạo diễn với đủ trò lươn lẹo, bịp bợm, và cưỡng ép. Tôi còn hỏi thêm Thượng tọa Thích Trí Quang hiện nay thế nào rồi, thầy Thiện Hạnh trả lời thượng tọa đã cũng lớn tuổi rồi nên chính quyền cộng sản cũng để cho thượng tọa yên. Tôi quay sang hỏi nhỏ thêm thầy đệ tử thì thầy cũng cho biết thượng tọa Trí Quang cao tuổi rồi đứng ngoài không nhúng vào việc tranh đấu cho GHPGVNTN. Thầy Thiện Hạnh, phái đoàn, ông Marc, và tôi đi ra gian giữa chụp chung với nhau một vài tấm hình lưu niệm, rồi chúng tôi cảm ơn và từ biệt thầy cũng như thầy đệ tử. Trong khi phái đoàn ra khỏi chùa tôi còn hỏi nhỏ thêm thầy đệ tử là chùa Từ Đàm có phải là chùa mà Giáo hội Phật giáo quốc doanh đang nắm giữ không" Thầy trả lời đúng vậy. Tôi hỏi thêm thầy nghĩ sao về việc đào tạo tăng ni ở những trường Phật học cơ bản hay những học viện Phật giáo mà chính quyền cộng sản thừa nhận. Thầy cho biết mặc dù ở đó Phật pháp cũng được dạy dỗ khá đầy đủ nhưng song song với việc học Phật pháp, học viên còn bắt buộc phải học lý thuyết, chủ trương, chính sách của chính quyền cộng sản.
Vì thời giờ còn lại hơi ep hẹp, lại nghĩ rằng có gặp Thượng tọa Thích Thái Hòa ở chùa Từ Hiếu thì những gì muốn biết cũng đã biết qua Hòa thượng Thích Thiện Hạnh rồi mà trong lúc đó lại tạo cớ cho công an cộng sản thẩm tra phiền nhiễu thầy Thái Hòa thêm, chưa kể biết đâu có thể bị ngăn chặn không cho gặp, nên phái đoàn quyết định rời Huế vào Đà Nẵng. Tuy nhiên không biết khi nào mới có dịp viếng thăm lại xứ Huế "đẹp yêu kiều" này, nên phái đoàn quyết định vãng cảnh chùa Linh Mụ trước khi rời. Nhưng ý đẹp của phái đoàn đối với lực lượng công an lại là cả một vấn đề. Họ sợ rằng phái đoàn lợi dụng có nhiều du khách viếng thăm chùa Linh Mụ để dễ hẹn hò hay liên lạc với những nhân vật phản kháng ở Huế. Vì chỉ tới để vãng cảnh thôi nên phái đoàn và tôi tản ra ai muốn xem gì thì xem, muốn dừng ở chỗ nào trong chùa thì dừng, nhưng dưới con mắt nghi ngờ của công an thì đó giống như là cả một chiến thuật của phái đoàn, nên họ cũng tản ra và chia người để theo sát không bỏ sót một ai trong chúng tôi, và quả thực vì đã lường trước nên họ có đủ người để làm vậy. Buồn cười là trong số những người theo dõi, phái đoàn và tôi nhận ra mặt của mấy tay công an đã vào tiệm Tĩnh Gia Viên tối hôm qua. Cũng buồn cười không kém là có một nữ công an giả dạng là nữ hướng dẫn viên du lịch thuyết trình cho hai thanh thiếu niên (chắc là sinh viên trường đại học công an) và cũng mặc áo dài hẳn hoi, nhưng người của phái đoàn đi đâu thì cô ta và hai em kia cứ đi theo.
Thăm chùa Linh Mụ xong, vì chưa ăn trưa nên phái đoàn tìm một tiệm ăn lót dạ trước khi rời Huế. Công an vẫn tiếp tục theo dõi, khi phái đoàn vào tiệm ăn thì họ cũng cử ba người đi vào, kéo bàn ngồi gần. Lúc đó cũng đã ba giờ chiều rồi, chắc chắn bay tay công an đã ăn trưa rồi, nên chỉ gọi nước uống và một hai dĩa đậu phụng trong lúc ngồi theo dõi phái đoàn. Ăn xong thì phái đoàn lên xe rời Huế và đương nhiên công an cũng chạy theo xe của phái đoàn cho tới chân đèo Hải Vân.
Rất tiếc là dù muốn phái đoàn cũng không còn giờ để về họ đạo Kế Sung, hay giáo xứ Lương Văn, hay dừng ngang nhà thờ Phú Lương. Nhưng giả như có giờ thì phái đoàn cũng vẫn không thể thăm được những địa điểm này. Thật vậy vào sáng thứ Hai ngày 12 tháng Giêng lúc ở Ban Mê Thuộc tôi có điện thoại lại cho cha Giải thì được cha cho biết là suốt cả ngày thứ Bảy công an, du kích, dân phòng đổ xô bao vây ba chặt chẽ ba địa điểm Kế Sung, Lương Văn, và Phú Lương mà chính quyền cộng sản lo sợ là phái đoàn có thể ghé thăm. Cụ thể ở Lương Văn Cha Giải cho biết là không những đông đảo lực lượng công an, du kích, dân phòng đổ ra bao vây mọi con đường vào Lương Văn khiến người dân bình thường cũng hốt hoảng không biết có chuyện gì, mà ởû ba bốn con đường vào Lương Văn mà xe hơi có thể đi được, chính quyền cộng sản còn cho những chiếc xe vận tải giả vờ bị hư máy nằm choáng ngang đường để xe phái đoàn nếu có về cũng không đi vào được.
Viết xong ngày 12 tháng 2 năm 2004

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.