Hôm nay,  

Tốt, Aùc Và Xấu

03/10/200200:00:00(Xem: 4124)
Tình hình thế giới rối như mớ bòng bong chỉ vì hai đại ma đầu Osama bin Laden và Saddam Hussein, khiến trắng đen không rõ, thiện ác bất minh. Tổng Thống Bush đang thúc đẩy đánh Saddam Hussein và đòi LHQ phải "có thêm chút chất vôi vào xương sống" cho cứng để ra nghị quyết bắt Saddam phải giải giới, nếu không chịu là đánh. Sau khi bin Laden đã biến mất tìm đâu cũng không thấy, nay phải chọn một tay đại ác khác sẵn có mặt ở Baghdad để đánh cũng là điều dễ hiểu. Ông Bush đã liệt kê "Tam ác" - Iraq, Iran, Bắc Hàn - và đặt thế giới trước một sự lựa chọn dứt khoát cho rõ trắng đen. Chống khủng bố là những người tốt, không chống là đứng về phe bọn ác. Chỉ có Bin Laden tấn công nước Mỹ nên hắn đã bị đánh, còn Saddam có ý đồ xấu chế tạo vũ khí giết người tập thể nên cũng phải đánh ngay trước khi quá muộn.
Tuy nhiên trong "Tam Ác", Bắc Hàn không bị hỏi tội mà còn được Mỹ gửi một phái đoàn đến nói chuyện hòa bình. Có lẽ cái may của Bắc Hàn là không có vị trí nằm ở Trung Đông, nơi có nhiều mỏ dầu lửa nhất thế giới. Còn Iran chờ đó, nếu không biết điều sẽ cùng chung số phận với Iraq. Như vậy là minh bạch, không ai có thể nhầm lẫn. Thế nhưng khi bàn đến việc đánh Iraq, lại có những bàn tay cản trở, như vậy là thế nào" Trước hết ở Hội đồng Bảo an, có 3 nước ngang quyền hành như Mỹ là Nga, Pháp và Trung Quốc lại không chịu đánh. Điều này cũng dễ hiểu vì từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt đến nay, ba anh này chuyên dùng diễn đàn LHQ để mưu cầu lợi riêng một cách trắng trợn chớ không nghĩ gì đến đại nghĩa tự do dân chủ và nhân quyền trên thế giới.
Nga hiện có 200 công ty kinh doanh ở Iraq và có những giao kèo làm ăn với Saddam trị giá đến 4 tỷ đô-la. Moscow trở thành đồng minh trung kiên của Baghdad nên mỗi khi Hội đồng Bảo an nói đến chuyện thanh sát hay trừng phạt Iraq là Nga chống hay phá hoại ngầm, chẳng hạn như hồi đầu năm 2000 Nga đã chống lại việc bổ nhiệm ông Rolf Ekeus làm trưởng đoàn thanh sát vũ khí Iraq vì ông này có tiếng là một chuyên gia giỏi và trung trực. Gần đây Tổng Thống Nga Putin đánh tiếng mặc cả "đổi Iraq lấy Georgia", có nghĩa là nếu Nga đồng ý cho Mỹ đánh Iraq, Mỹ cũng phải đồng ý cho Nga đánh Georgia một nước cựu Liên Sô có vị trí thuận lợi ở Bắc Hải để đặt các ống dẫn dầu. Trung Quốc cũng có buôn bán nhiều với Iraq, nhưng có vấn đề Đài Loan. Nếu Giang Trạch Dân cũng bắt chước Putin đòi "đổi Iraq lấy Đài Loan" thì sao". Nhưng dễ giận nhất là Pháp vì ngay từ đầu thập niên 90 khi trận Bão Sa Mạc chưa kịp lắng bụi, Pháp đã hô cần phải thanh sát Iraq để rồi nhắn tin ngầm cho Saddam biết Pháp sẵn sàng làm ăn với kho dầu lửa Iraq như trước. Từ đó Pháp luôn luôn đỡ đòn cho Saddam buôn bán thong thả. Ngoài ra còn có nước Đức, tuy không phải là nước cầm gậy phủ quyết nhưng có nền kinh tế mạnh nhất Âu châu. Tình hình tranh cử vừa qua cho thấy bầu không khí "ghét Mỹ" ở Đức nên Thủ tướng Schroeder phải nương theo để thủ thắng.

Hôm thứ tư 2-10, Bạch Cung và lãnh tụ đảng Dân Chủ Hạ Viện đã đồng ý đối phó với Iraq "về ngoại giao nếu cần, về quân sự nếu có thể". Nay chỉ còn Thượng viện phải quyết định để đưa ra quyết nghị. Nói chung Quốc hội Mỹ hầu như nhất trí cho rằng Saddam là một mối hăm dọa cho quyền lợi của Mỹ, nhưng các dân biều nghị sĩ của cả hai đảng lại ngần ngại, không muốn cho Tổng Thống Bush toàn quyền đánh Iraq hay hành động đơn phương mà không có sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an hay không có một liên minh quốc tế. Trong khi đó văn phòng Ngân sách Quốc hội, một cơ quan lưỡng đảng, đưa ra một báo cáo ước lượng chiến tranh Iraq sẽ tốn kém đến 9 tỷ đô-la một tháng. Phái đoàn thanh sát quốc tế và Iraq đã thỏa hiệp về các điều kiện thanh sát, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục làm áp lực nặng, nói nếu Hội đồng Bảo an không ra nghị quyết mới hăm đánh Iraq, phái đoàn thanh sát quốc tế sẽ không thể lên đường.
Quan trọng nhất vẫn là thái độ của những nước Ả râp. Tất cả nếu không chống cũng tỏ vẻ rất dè dặt trước viễn tượng tấn công Iraq vì sợ vạ lây. Saudi Arabia, nước có căn cứ Mỹ đóng từ thời chiến tranh Bão Sa Mạc, nói "sẽ cho phép Mỹ sử dụng căn cứ"...nếu Hội đồng Bảo an cho phép đánh. Ông Saudi cũng chơi trò bán cái cho LHQ. Có một tiếng nói rất mạnh ủng hộ Mỹ và còn hứa sẽ giúp Mỹ đánh Saddam. Đó là Israel. Nhưng sự hăng hái này chỉ làm hại Mỹ vì cuộc xung đột với Ả rập Palestine, lập trường của Israel làm các nước Ả rập có thêm lý do bênh vực Iraq. Trong khi đó nhiều nước khác trên thế giới, kể cả các nước Á châu lại sợ chiến tranh Iraq lan rộng làm nguy đến nền kinh tế của họ.
Xét tình hình đó, người ta thấy những nước không ủng hộ Mỹ dùng võ lực đánh Iraq vì nhiều lý do khác nhau, hoặc vì hèn nhát cầu an, hoặc vì cầu lợi hay đã ăn hối lộ, hoặc giản dị nhất vì ghét Mỹ. Họ không phải "người tốt", nhưng cũng không thể liệt họ vào "bọn ác". Vậy họ thuộc phe nào" Có lẽ nên gọi họ là "bọn xấu", bởi vì có kẻ xấu mượn trò chơi đa phương để kiếm ăn đơn phương. Tôi chợt nhớ đến một cuốn phim của Clint Eastwood có tựa đề "The Good, the Bad and the Ugly" (Người Tốt, Kẻ Ác và Tên Xấu), mô tả ba anh cao-bồi tranh nhau đi tìm một kho tàng tiền vàng 200,000 đô-la. Phim giải trí rất hay, nhưng tôi thấy ba anh Tốt, Ác, Xấu, anh nào cũng bắn súng đùng đùng, giết người như ngóe cốt để chiếm vàng. Ở đâu vậy" Không có luật pháp gì hay sao" Ở Miền Tây Hoang Hoang (Wild Wild West) của nước Mỹ, nơi đây thời xưa nhiều khi người ta cho luật và pháp đi chơi chỗ khác để xài toàn luật hoang...từ đầu mũi súng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.