Hôm nay,  

Chiều Chiều Ra Đứng Ngõ Sau...

23/09/200200:00:00(Xem: 4550)
Vai trò và đặc tính của Thế Hệ Một Rưỡi


LTS: Lịch sử của mỗi cộng đồng di dân, bao gồm cả cộng đồng tỵ nạn, thường được nhìn nhận và đánh giá qua vai trò của 2 thế hệ: Thế hệ sinh trưởng ở ngoại quốc, và thế hệ sinh trưởng ở quốc gia bản xứ. Tuy nhiên, trên thực tế, trong thế hệ sinh trưởng ở ngoại quốc, có nhiều người, tuổi vừa đủ lớn khôn để nhận biết ngôn ngữ, văn hóa của quê hương nơi họ sinh ra, lại vừa đủ tươi trẻ, bén nhạy để hội nhập một cách nhanh chóng và thành công vào quê hương mới. Những người này được nhà văn tỵ nạn Cuba, Gustavo Pérez Firmat, mô tả là “thế hệ một rưỡi” (one-and-a-half generation). Mặc dù “thế hệ một rưỡi” là gạch nối quan trọng giữa 2 thế hệ di dân, nhưng xưa nay ít khi được chú ý và nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh. Nhân dịp Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW và Trung Tâm Nghệ Thuật Casula Powerhouse, theo sự đề xướng của anh Lê Phú Cường, cùng hợp tác tổ chức cuộc triển lãm “Thế Hệ 1.5”, được chính thức khai mạc vào lúc 1 giờ trưa ngày thứ Bảy, 21 tháng 9, 2002 tại Casula Powehouse Arts Centre với sự đóng góp của chín nghệ sĩ trẻ VN, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả bài viết của Ông Lưu Tường Quang, nhan đề: “Vai trò và đặc tính của Thế Hệ Một Rưỡi”.

Mấy năm trước đây, khi nói đến những người thuộc Thế Hệ Một Rưỡi trong cộng đồng Việt Nam đã đóng một vai trò độc đáo của thế hệ chuyển tiếp, tức là làm nhịp cầu nối liền thế hệ thứ nhất với thế hệ thứ hai trong cộng đồng người Việt định cư tại Úc, tôi không biết rằng cụm từ này đã được một vài học giả Mỹ đề cập đến (1).
Theo tôi thì những nam nữ trẻ tuổi, những người đã đến Úc cùng với gia đình trong tuổi niên thiếu, họ có những đặc tính khác biệt với những người lớn trong gia đình thuộc thế hệ thứ nhất cũng như những đứa em nhỏ tuổi hơn thuộc thế hệ thứ hai.
Tiến trình định cư tại Úc của tập thể người Việt thuộc thế hệ thứ nhất đã là chủ đề của nhiều cuộc khảo cứu trên căn bản địa phương hoặc toàn quốc, dựa vào các dữ kiện Thống Kê Dân Số được tổ chức 5 năm một lần. Còn đối với thế hệ thứ hai, không kể những thành tích học vấn ở bậc trung học và đại học, các cuộc nghiên cứu về thế hệ này trong cộng đồng Việt Nam hãy còn hạn hẹp, vì cộng đồng Việt Nam đã không hiện diện với một nhân số đáng kể trước năm 1975 (2). Thế hệ chuyển tiếp Một Rưỡi lại càng ít được biết đến hơn nữa bởi vì về mặt thống kê, thế hệ này được tính chung với thế hệ thứ nhất (vì sinh đẻ ở nước ngoài), trong khi xét về mặt kinh nghiệm sống thì họ lại gần gũi với thế hệ thứ hai hơn, dù họ có mối dây ràng buộc tốt đẹp với thế hệ thứ nhất.
Trong thực tế, tôi không nghĩ rằng có sự khác biệt nhiều giữa trẻ em sinh đẻ ở nước ngoài, nhập cư vào Úc lúc được 5 tuổi (nghĩa là trước tuổi đi học) với các em sinh đẻ tại Úc (thuộc thế hệ thứ hai). Tôi có nhận xét như trên sau khi đã quan sát con cái trong gia đình. Đứa con gái sinh tại Sài Gòn và đến Úc lúc 5 tuổi, không có gì khác biệt đến có thể nhận ra so với đứa con gái sinh tại Canberra khi chúng cùng lớn lên trong môi trường mới, trong khi chị em họ của chúng lại có những kinh nghiệm khác hơn vì chúng nhập cư ở lứa tuổi thanh thiếu niên (tuổi trung học).
Thế Hệ Một Rưỡi, ít nhất là tại Úc, hình như chưa được chính thức nhận diện về mặt nhân số và tiến trình định cư của họ cũng chưa được phân tích. Trên căn bản thực nghiệm - và tất nhiên là yếu tố chủ quan không thể nào tránh được - có nhiều mẩu chuyện và thí dụ đủ để chúng ta có thể rút tỉa một vài kết luận tạm thời:
- Luật sư Nguyễn Văn Thân là học sinh lớp 9 trường Trung Học Cabramatta NSW, khi anh bắt đầu cuộc đời mới tại Sydney. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật/Văn Khoa và bằng Cao Học Luật, anh lại tiếp tục trau dồi thêm kiến thức để lấy bằng Cao Học Quản Trị Kinh Doanh. Mặc dù bận rộn tại văn phòng luật sư nhưng anh cũng dành thời giờ làm việc thiện nguyện với tư cách là Phó Chủ Tịch rồi Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại tiểu bang NSW.
- Cô Trần Hương Thuỷ đặt chân xuống phi trường Sydney cùng với gia đình tị nạn lúc cô hãy còn là cô bé thơ ngây ở tuổi 15. Ngày nay, cô có một văn phòng kế toán đông khách và cô đã chia sẻ thời giờ để vừa tiến thân về mặt chức nghiệp vừa phục vụ cộng đồng với tư cách là Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Wollongong, NSW.
- Bác sĩ Trần Bình Đông đã theo học trung học cùng với đám bạn trẻ thuộc nhiều nguồn gốc sắc tộc khác nhau tại Adelaide và bây giờ là một Bác sĩ chuyên khoa Tâm Thần gốc Việt có tiếng ở Úc.
- Trong hoàn cảnh tị nạn tương tự tại Nam Úc, Tiến sĩ Trần Duy Cường đã vượt qua những thử thách của khảo cứu khoa học để đem lại phúc lợi y tế cho mọi người Úc và cho xã hội nói chung. Anh được cấp học bổng Australian-American Fellowship để tiếp tục cuộc khảo cứu quan trọng này tại Hoa Kỳ.
- Hệ thống bán lẻ trên mạng wishlist.com.au là một tấm gương thành công trên thương trường của anh em nhà họ Trương tại Melbourne.
Tất cả những người nói trên đều đã đến Úc ở lứa tuổi thiếu niên và ngày nay ở lứa tuổi trên dưới 30, vai trò của họ mỗi ngày càng thêm nổi bật.
Danh sách nói trên có thể tiếp tục, cá biệt là với những thanh niên thiếu nữ, những người đã từ Việt Nam đến Úc trong độ tuổi thanh niên, mà ngày nay họ đang tạo dựng những sắc thái cá biệt cho sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của xã hội Úc - chẳng hạn như tại Melbourne với Tony Lê Nguyễn và Chi Vũ trong lãnh vực điện ảnh và kịch nghệ, trong khi tại Sydney với Khoa Đỗ trong lãnh vực điện ảnh, và La Thảo Nhi, Mỹ Lệ Thi trong lãnh vực hội họa vân vân... Tất nhiên là không phải ai thuộc giới trẻ này cũng đều thành công trong việc đáp ứng lại hoài bão của gia đình và kỳ vọng của xã hội định cư.
Vậy thì Thế Hệ Một Rưỡi có vai trò và đặc tính gì"
Tuy kinh nghiệm định cư của người Việt tại Úc và tại các quốc gia khác không thể nói là độc nhất vô nhị, thế nhưng tiến trình định cư này cũng không giống như tiến trình mà các cộng đồng di dân khác đã trải qua - chẳng hạn như cộng đồng Hi Lạp hoặc Ý Đại Lợi. Trên phương diện nào đó, cộng đồng Việt Nam có thể nói là gần gũi với cộng đồng Cuba tại Mỹ hơn là cộng đồng Trung Hoa tại Úc, bởi vì cộng đồng Việt Nam và Cuba có những nét tương đồng với nhau về một cộng đồng tị nạn cộng sản với một khát vọng là đất nước cội nguồn được canh tân cải tiến. Đây là một yếu tố quan trọng trong mối dây liên hệ giữa thế hệ thứ nhất, Thế Hệ Một Rưỡi và thế hệ thứ hai trong tập thể người Việt.


Trong bối cảnh này, Thế Hệ Một Rưỡi đã trải qua phần nào những năm tháng tạo dựng nhân cách ở Việt Nam. Bởi vậy, họ có khuynh hướng am hiểu những cảm nhận, suy nghĩ và kinh nghiệm đau thương của thế hệ đi trước. Hầu hết những người Việt Nam trưởng thành trong nước đều đã bị các cuộc chiến từ năm 1945 đến năm 1975 chi phối bằng cách này hay cách khác. Ít ai có thể tránh được những hậu quả tiêu cực mà nhiều người lại còn trực tiếp tham gia vào những biến động lịch sử này, hoặc bị ảnh hưởng gián tiếp khi có thân nhân phục vụ ở bên này lẫn bên kia đường ranh quốc cộng. Hầu hết đều đã trải qua giai đoạn khủng hoảng tâm thần trong giai đoạn sau năm 1975, vì bị đối xử tàn bạo và đời sống ngục tù trong các trại cải tạo dưới chế độ cộng sản. Sau khi đến Úc với một cuộc đời tang thương, họ còn bị những ám ảnh mà các cuộc vượt biển vượt biên kinh hoàng vẫn còn để lại dấu tích. Đó là kinh nghiệm sống mà Thế Hệ Một Rưỡi có thể còn nhớ và có thể cảm nhận được trong khi thế hệ thứ hai hoàn toàn không có sự hiểu biết cá nhân nào về những kinh nghiệm sống này.
Tương tự như những đợt di dân và tị nạn khác từ Âu Châu sau Thế chiến thứ 2 (được gọi là displaced peoples), người Việt đã trải qua giai đoạn đầu của tiến trình định cư với nhiều khó khăn về mặt kinh tế và xã hội. Phần lớn đã không có trình độ Anh ngữ cao và với năng khiếu chuyên môn không được công nhận, họ đã bắt đầu cuộc đời làm việc ở những hãng xưởng với mức lương thấp nhất (3). Về mặt xã hội, họ sống trong cảnh cô lập, vì sự thăng tiến của họ trong xã hội thường diễn ra chậm chạp và tùy thuộc vào những cải thiện kinh tế. Thế Hệ Một Rưỡi đã chia sẻ hoàn cảnh này với tư cách vừa là chứng nhân vừa là người thụ hưởng, bởi Thế Hệ Một Rưỡi là nguyên do chính và cũng là niềm hy vọng thúc đẩy thế hệ thứ nhất bắt đầu dựng lại cuộc đời mới. Những ai thuộc Thế Hệ Một Rưỡi này đã phải vừa làm việc vừa đi học bậc trung học và đại học để giảm gánh nặng cho gia đình, họ đã chia sẻ đức tính cần lao nhẫn nại của cha anh họ. Trong khi đó thế hệ thứ hai nói chung đã chào đời sau khi giai đoạn khó khăn của buổi đầu, nay đã được cải thiện hay đã vượt qua.
Nhìn từ góc cạnh văn hóa thì Thế Hệ Một Rưỡi gần gũi với thế hệ thứ nhất, hơn là thế hệ thứ hai có thể làm được, bởi vì Thế Hệ Một Rưỡi có khả năng song ngữ và chia sẻ được kinh nghiệm sống với thế hệ thứ nhất. Trong độ tuổi thiếu niên, Thế Hệ Một Rưỡi không mất khả năng nói tiếng mẹ đẻ mà họ lại còn đủ thời giờ để hấp thụ năng khiếu ngôn ngữ mới, tương đối không khó khăn cho lắm. Khả năng hấp thụ ngôn ngữ mới là trở ngại mà thế hệ cha anh của họ khó có thể vượt qua được. Bởi thế, Thế Hệ Một Rưỡi thường đóng vai trò nhịp cầu thực tiễn cho thế hệ thứ nhất và thế giới bên ngoài gia đình, nhờ vào khả năng song ngữ của họ. Trong khi đó, với nhiều nỗ lực, thế hệ thứ hai có thể trở thành người có khả năng song ngữ nhưng thế hệ thứ nhất, nếu không nói được tiếng Anh khi nhập cư, thì họ khó thể thông thạo được hai thứ tiếng trong tiến trình định cư của họ.
Ngược lại, Thế Hệ Một Rưỡi cũng gần gũi với thế hệ thứ hai hơn là thế hệ thứ nhất có thể làm được. Trong đời sống con người, bao giờ cũng có sự cách biệt giữa thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai, bất kể họ thuộc nguồn gốc văn hóa và ngôn ngữ nào, tương tự như liên hệ giữa thế hệ lớn tuổi và thế hệ trẻ tuổi trong cộng đồng "chính mạch" Úc Châu. Tuy nhiên, đối với một cộng đồng mà phần lớn đều là người tị nạn như cộng đồng Việt Nam, sự cách biệt về thế hệ này còn rõ nét hơn, vì người Việt thuộc thế hệ thứ nhất chẳng những muốn duy trì truyền thống và di sản văn hóa không thôi mà còn muốn chuyển đạt những giá trị này cho giới trẻ nữa. Sống trong môi trường văn hóa khác biệt, giới trẻ có thể coi những truyền thống và di sản này là không thích hợp. Những căng thẳng giữa các thế hệ bao giờ cũng có và chúng đã được phản ánh qua phim ảnh và kịch nghệ. Tuy nhiên, sự căng thẳng về thế hệ này có thể được tiết giảm nhờ vào Thế Hệ Một Rưỡi, vì thế hệ chuyển tiếp này có thể hấp thụ hai nền văn hóa. Người ta thường nói rằng di dân hưởng được phần tối hảo của hai thế giới, thế nhưng trong thực tế, di dân có thể cảm thấy bơ vơ. Họ có thể không hoàn toàn cảm nhận xã hội đang định cư là quê hương của họ, nhưng ngược lại, khi họ trở về đất nước cội nguồn thì họ cảm thấy mình là người xa lạ. Thế hệ thứ nhất là thế hệ "mất" một quê hương nhưng lại chưa hẳn đã tìm được một quê hương mới.
Thế hệ thứ hai sinh đẻ tại Úc, lớn lên và chỉ biết môi trường Úc Châu, hoặc ít nhất là họ không có những gắn bó tha thiết với đất nước cội nguồn của cha mẹ, đến mức độ như họ cảm thấy gắn bó với đất nước thổ sinh của họ. Đứa con gái sinh đẻ tại Canberra của tôi chưa hề biết được Việt Nam, cho đến khi nó đặt chân đến phi cảng Sài Gòn và lập tức nó cảm nhận ngay nó là người Việt Nam, thoải mái với các sinh hoạt, với những tiếng nói, tiếng cười ròn rã chung quanh. Rõ ràng là nó yêu thương đất nước Việt Nam đến mức độ mà nó không ngờ được. Thế nhưng sau mấy tuần lễ xuyên Việt từ Nam ra Bắc, nó bỗng thấy ao ước trở lại quê nhà Úc Đại Lợi. Cho nên thế hệ thứ hai không hề mất một quê hương và cũng không tìm được một quê hương mới, vì họ sinh ra trên chính quê hương duy nhất đó.
Chỉ có Thế Hệ Một Rưỡi mới có thể mất một quê hương và tìm được một quê hương mới. Vị thế chuyển tiếp của họ rất hữu ích, không những là một nhịp cầu văn hóa xã hội giữa thế hệ thứ nhất với thế hệ thứ hai, mà nó còn quan trọng trong việc thể hiện bản sắc và chân dung của cộng đồng Việt-Úc - thay vì chỉ là Việt nam hoặc Úc Đại Lợi - trong xã hội đa ngữ và rất phong phú văn hóa này. Theo ý chúng tôi, vai trò và đặc tính của Thế Hệ Một Rưỡi này xứng đáng được nghiên cứu thêm về phẩm cũng như về lượng.

Ngọc Hân chuyển ngữ

(1) Ruben G. Rumbaut, "The One- And-A-Half Generation: Crisis, Commitment and Identity" (May 1976). [Paper presented at the annual meeting of The American Society for Adolescent Psychiatry, Miami Beach, Florida, USA].

(2) DIMIA, "Second Generation Australians" - Report for The Department of Immigration and Multicultural and Indigenous Affairs, by Siew Ean-Khoo, Peter McDonald and Dimi Giorgas, Australian Centre for Population Research, ANU, Canberra, and Bob Birrell, Centre for Population and Urban Research, Monash University, Melbourne, April 2002.

(3) DIMA (Department of Immigra- tion and Multicultural Affairs) Community Profiles (1966 Cen- sus): VN Born, Canberra, 2000.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.