Hôm nay,  

Liên Quân Bộ Chiến Việt-mỹ Trận Chiến Trị-thiên Xuân 68

06/10/199900:00:00(Xem: 6183)
* Lữ đoàn 3 Không Kỵ Hoa Kỳ trong các cuộc hành quân hỗn hợp Việt-Mỹ:
Trong số trước, chúng tôi đã trình bày về các cuộc hành quân hỗn hợp tại Quảng Ngãi trong năm 1967 của liên quân Sư đoàn 2 Bộ binh VNCH, Sư đoàn 1 Không Kỵ và Lực lượng Thủy bộ 3 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, trong đó, lữ đoàn 3 của Sư đoàn 1 Không Kỵ là một trong những nỗ lực chính của cuộc tấn công CQ tại khu vực phía Tây Quảng Ngãi. Là một trong những đại đơn vị tổng trừ bị của lực lượng Hoa Kỳ và của Liên quân Việt Mỹ tại Trung nguyên Trung phần, do đó, các đơn vị của Sư đoàn 1 Không kỵ đã được sử dụng như những thành phần phản ứng cấp thời để tiếp ứng quân bạn giải tỏa áp lực địch.
Như đã trình bày, Sư đoàn 1 Không Kỵ được thành lập vào giữa năm 1965 để tăng cường cho lực lượng Hoa Kỳ trên chiến trường Việt Nam. Trong suốt thời gian tham chiến tại Việt Nam, Sư đoàn này đã có nhiều trận đánh hào hùng và cũng đầy bi tráng được ghi vào chiến sử của Lục quân Hoa Kỳ, được cựu đại tướng Westmoreland-tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam từ 1964 đến 1968- nhắc đến rất nhiều trong hồi ký của ông. Đây cũng là một sư đoàn Hoa Kỳ đã có nhiều cuộc hành quân phối hợp với các đơn vị VNCH trên các chiến trường từ Nam ra đến phía Nam Bến Hải.

* Sư đoàn 1 Không Kỵ tại chiến trường giới tuyến trong Tết Mậu Thân 1968:
Đầu năm 1968, do tình hình sôi động tại mặt trận Quảng Trị-Thừa Thiên, Sư đoàn 1 Không Kỵ được lệnh ra phía Bắc của Vùng 1 chiến thuật để tăng cường cho các đơn vị Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đang hoạt động ở gần giới tuyến. Ngày 17 tháng 1/1968, thành phần tiền phương của Sư đoàn 1 Không Kỵ đã rời chiến trường Bình Định đến Huế, ngay sau đó, đã được điều động ra tỉnh Quảng Trị. Cuộc chuyển quân của các đơn vị còn lại được tiến hành trong những ngày kế tiếp.
14 ngày sau, vào lúc 4 giờ sáng ngày 31 tháng Giêng năm 1968 (rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân), trung đoàn 812 CSBV được yểm trợ bởi các tiểu đoàn 808 và tiểu đoàn 14 chủ lực của lực lượng CQ tại Trị-Thiên, tung ra cuộc tấn công vào thị xã Quảng Trị từ ba hướng: Bắc, Đông và Tây Nam, CQ đã nhanh chóng xâm nhập và tiến chiếm nhiều mục tiêu quanh vòng đai thị xã. Ngay khi trận chiến xảy ra, trung đoàn 1 Bộ binh VNCH đã đẩy lùi CQ tại yếu khu La Vang, trong khi đó tiểu đoàn 9 Nhảy Dù VNCH đã kịch chiến với 2 tiểu đoàn CQ tại Trí Bưu. (Chi tiết về trận đánh của tiểu đoàn 9 Dù đã được trình bày trong loạt bài viết về các đơn vị VNCH trong trận chiến Mậu Thân 1968).

Khi Cộng quân tấn công vào thị xã Quảng Trị thì tướng George Forsythe, phụ tá Quân sự của ông Komer-trưởng cơ quan CORDS (Dân vụ và Yểm trợ Nông thôn), đang có mặt tại tỉnh này để quan sát kế hoạch bình định thực hiện tại đây. Sau một đêm cầm súng chiến đấu cùng với phân đội binh sĩ để bảo vệ khu MACV, tướng Forsythe biết CQ đang đưa quân vào thị xã theo hướng Đông Bắc. Vị tướng này nhận định rằng lực lượng VNCH tại Quảng Trị đã được phối trí để án ngữ nhưng do thiếu quân số nên vẫn còn một khoảng hở trong chu vi phòng ngự, ước định tình hình như thế, tướng Forsythe dùng trực thăng đến bộ chỉ huy của lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn 1 Không kỵ đang hoạt động gần thị xã Quảng Trị để yêu cầu đại tá Rattan-lữ đoàn trưởng, tăng phái một thành phần đến bố trí chận địch tại khoảng hở đó.
Vị lữ đoàn trưởng lữ đoàn 1 Không kỵ biết rằng đơn vị ông có nhiệm vụ tảo thanh căn cứ địch thế nhưng ông sẵn sàng hỏi ý kiến của tư lệnh Sư đoàn là thiếu tướng Tolson để có thể thay đổi vị trí hoạt động của các tiểu đoàn. Thiếu tướng Tolson đồng ý cho lữ đoàn 1 tiếp ứng mặt trận thị xã Quảng Trị.
Đến 3 giờ chiều cùng ngày, lữ đoàn 1 Không kỵ đã nhập trận. Tiểu đoàn 1/12 và tiểu đoàn 1/5 Không kỵ đã được trực thăng vận nhảy xuống hướng Đông và Tây Nam Quảng Trị. Sau khi khóa chặt các đường xâm nhập và vô hiệu hóa hai cụm điểm hỏa lực của CQ, hai tiểu đoàn Hoa Kỳ tiến về phía Tây thị xã ngay khi trời vừa tối. Bị khép chặt hình chữ V giữa lực lượng Hoa Kỳ ở phía sau và Lực lượng VNCH phòng ngự vòng đai thị xã, và bị không kích dữ dội bằng hỏa tiển trên các trực thănh võ trang Cobra, Cộng quân bị tổn thất nặng và tháo chạy. Đến sáng ngày 1/2/1968, chỉ còn những ổ kháng cự nhỏ của CQ trong thị xã, đến trưa thì liên quân Việt Mỹ đã làm chủ trận địa, thị xã hoàn toàn được an ninh.

* Lữ đoàn 1 Không kỵ, trận Mậu Thân tại Huế:
Ngày kế tiếp, 2/2/1968, lữ đoàn 3 Sư đoàn 1 Không kỵ được điều động tăng viện cho mặt trận ngoại ô thành phố Huế. Cùng lúc với các mũi phản công của lực lượng VNCH, cánh quân của tiểu đoàn 2/12 và 5/7 Không kỵ đã được trực thăng vận nhảy xuống chiếm giữ các vị trí ở Tây thị xã và bắt đầu lâm trận mà theo lời của thiếu tướng Tolson là một trong những trận dữ dội nhất trong cuộc chiến Việt Nam. Được tăng phái thêm tiểu đoàn 1/501 Nhảy Dù và tiểu đoàn 1/7 Không kỵ, lữ đoàn 3 tiến vững chắc theo trận tuyến của 4 tiểu đoàn sau bức màn chắn bằng hỏa lực của Pháo binh hạng nặng, hỏa lực yểm trợ của Không quân chiến thuật và Hải pháo. Ngày 24 tháng 2/1968, liên quân Việt Mỹ đã làm chủ trận địa, đánh bật CQ ra khỏi Huế.

* Liên quân Việt Mỹ tiếp cứu Khe Sanh:
Đầu tháng 4/1968, tại bản doanh của Sư đoàn 1 Không Kỵ, thiếu tướng Tolson và bộ tham mưu đã sẵn sàng cho nhiệm vụ kế tiếp của Sư đoàn 1 Không kỵ là phối hợp với một thành phần Nhảy Dù VNCH giải tỏa Quốc lộ 9 từ Cam Lộ đến Khe Sanh, đồng thời tiếp ứng trung đoàn 26 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ để giải tỏa áp lực của CQ quanh căn cứ này. Cuộc hành quân có ám danh là Pegasus/Lam Sơn 207, được bắt đầu vào sáng ngày 1 tháng 4 bằng một cuộc chuyển quân về hướng Tây Quốc lộ 9 của hai tiểu đoàn 1 và 3 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, sau đó lực lượng bộ chiến Sư đoàn 1 Không Kỵ đến thay thế. Sau đây một số sự kiện chính của cuộc hành quân này:
Ngày 3 tháng 4/1968, trong khi các đại đội Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ khai quang và sửa chữa đường, hàng đợt trực thăng chở 7 tiểu đoàn bộ chiến thuộc ba lữ đoàn của Sư đoàn Không Kỵ nhảy vào khu vực hành quân. Lữ đoàn 2/Sư đoàn 1 Không Kỵ được giao nhiệm vụ thực hiện tấn công “dọn sạch” CQ quanh bãi đáp Tom và Wharton. Ngày 5 tháng 4, lữ đoàn 1 Không Kỵ đổ quân bãi đáp Snapper.
Ngày 6 tháng 4/1968, một thành phần Nhảy Dù VNCH được trực thăng vận vào mặt trận Khe Sanh. Ngày 8 tháng 4/1968, tại bãi đáp Snake, tiểu đoàn 3 Nhảy Dù VNCH đã xung phong tiến chiếm các vị trí trọng yếu, đánh bật các cụm kháng cự của CQ quanh khu vực bãi đáp, hạ sát 78 CQ tại chỗ. Cũng trong ngày 8 tháng 4/1968, tiểu đoàn 2/7 Không kỵ giao tiếp được với trung đoàn 26 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đánh dấu cuộc tiếp ứng giải tỏa Khe Sanh. Ngày 10 tháng 4/1968, Công binh Hoa Kỳ bắt đầu khai thông Quốc lộ 9. Ngày 15 tháng 4, chiến dịch Pegasus kết thúc.

* Liên quân Việt Mỹ tấn công mật khu CQ ở Tây Thừa Thiên:
Sau khi kết thúc chiến dịch giải tỏa Khe Sanh, chưa kịp kịp nghỉ dưỡng quân thì Sư đoàn 1 Không Kỵ lại được lệnh chuyển quân lần nữa, lần này vào phía Bắc thung lũng A Sao, một thung lũng mà thiếu tướng Tolson đã mô tả là “căn cứ Ram Ranh của địch”. Cuộc hành quân này nối tiếp cuộc hành quân của liên quân Sư đoàn 1 Bộ binh VNCH và Sư đoàn 101 Nhảy Dù Hoa Kỳ tại trung tâm thung lủng này vào ngày 11 tháng 4/1968.
Nỗ lực chính của Sư đoàn 1 Không kỵ trong cuộc hành quân này là lữ đoàn 3. Trước khi lữ đoàn này nhảy vào cuối phía Bắc thung lũng, trong 6 ngày liên tiếp, B52 và Không quân chiến thuật đã oanh kích dữ dội vào các mục tiêu được ghi nhận là CQ tập trung. Đến sáng ngày 19/4/1968, cuộc đổ quân bắt đầu. Trong đợt đầu cuộc đổ quân không gặp sự kháng cự mạnh của địch quân, thế nhưng các đợt sau thì đối phương đã chống trả mạnh bằng các dàn súng phòng không từ các vị trí tác xạ đan chéo nhau, 10 trực thăng bị CQ bắn hạ, 13 chiếc bị hư hại. Kể lại cuộc đổ quân này, một phi công hồi tưởng lại: Các cụm khói trắng bốc lên khắp mọi nơi, rồi anh nói tiếp: Tôi muốn nói là các khói trắng từ dưới thẳng lên chúng tôi. Sương mù dày dặc và các trận mưa dai dẳng đã làm cho thời tiết xấu hơn, bắt buộc các phi công của liên đoàn 11 Không quân cố tìm các lỗ hổng trong đám mây lờ lững dưới thấp để tìm nơi hạ cánh.
Ngày 23 tháng 4/1968, thời tiết trở nên tốt hơn cho phép các phi cơ cần trục khổng lồ CH 54 câu đến trận địa các khẩu đại bác 155 ly để yểm trợ cho các cánh quân trên bộ. Khinh binh của tiểu đoàn 1/7 Không kỵ đã di chuyển khỏi lòng thung lũng, đơn vị này đã phát hiện một khu vực bảo trì của CQ chứa các xe ủi đất do Nga chế tạo, các xe vận tải và nhiều dụng cụ công binh khác.
Sau khi tiểu đoàn 1/7 bảo vệ sân bay đã bị bỏ hoang gần A Lưới, ba tiểu đoàn của lữ đoàn 1 hành quân tảo thanh CQ trong thung lũng và giao tiếp với các cánh quân bạn vào ngày 25 tháng 4/1968. Trong những ngày tiếp theo, các đơn vị bộ chiến của Sư đoàn 1 Không kỵ tiếp tục phát hiện được nhiều kho vũ khí chôn dấu và quân dụng, gồm cả hàng ngàn khẩu súng nhỏ, hàng trăm ngàn viên và quả đạn, hàng tấn tiếp liệu và 1 thiết xa pháo tự hành PT 76 do Nga chế tạo bị bỏ lại vì hư hỏng. Điều mà các đơn vị này không tìm thấy là Cộng quân, một lần nữa CQ né tránh các cuộc giao tranh mà chỉ quấy rối các đơn vị Hoa Kỳ bằng các loạt đạn hỏa tiển 122 ly và pháo hạng nặng. Trong tuần lễ thứ hai của tháng Năm, khi các trận mưa mùa trở lại, Sư đoàn 1 Không kỵ bắt đầu rút khỏi A Sao và hoàn tất cuộc rút quân vào ngày 13 tháng 5/1968. ( Biên soạn dựa theo các tài liệu: Hồi ký của cựu đại tướng Westmoreland, tài liệu của trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, các bài viết và bài dịch về Sư đoàn 1 Không kỵ của cựu trung tá Nguyễn Minh Tánh, bản tin chiến sự hàng ngày của Tổng cục chính trị QL/VNCH phổ biến cho báo chí).

Kỳ sau: Những trận đánh cuối cùng của Sư đoàn 1 Không kỵ trên chiến trường Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.