Hôm nay,  

Một Đế Quốc Ngập Ngừng

18/05/200300:00:00(Xem: 4560)
Sau vụ khủng bố năm kia và chiến tranh Iraq vừa qua, thế giới cứ sợ là Hoa Kỳ sẽ thành một siêu cường vô địch, với những tham vọng đế quốc không ai ngăn nổi. Sự thể có lẽ phức tạp hơn vậy và điều lo ngại nếu có thì Hoa Kỳ sẽ thành một đế quốc ngập ngừng.
Hoa Kỳ là một quốc gia rất trẻ và như mọi sinh vật trẻ đều có sự tự tin của kẻ ít hiểu biết lẫn sự lo sợ của người thiếu kinh nghiệm. Đây là một mâu thuẫn tiềm ẩn trong tâm lý bình thường của dân chúng lẫn chính sách đối ngoại của lãnh đạo. Người ta cần phân tách sự ngược ngạo đó để thấy ra những bất ổn ngay trong nội bộ của một đệ nhất siêu cường.
Từ vài năm qua, người ta nói đến hiện tượng hồ hởi sảng (irrational exhuberance) rồi hốt hoảng bậy trong một lãnh vực tưởng như sở trường của Mỹ là thị trường chứng khoán. Vì hồ hởi sảng, người ta cho rằng cuộc cách mạng tín học và các ngành siêu kỹ thuật sẽ là bước ngoặt lịch sử, làm chỉ số cổ phiếu các công ty cao kỹ (Hi-tech companies) tăng vọt, thổi lên một trái bóng đầu tư. Khi trái bóng đó xì, dẫn tới suy thoái kinh tế, thì tâm lý bi quan lại nổi lên, khiến dân Mỹ than phiền là chính quyền chẳng làm gì để phục hồi kinh tế. Phản ứng tâm lý đi từ lạc quan đến bi quan thái quá không chỉ thu gọn trong lãnh vực đầu tư mà có thể là một đặc tính của xã hội Mỹ, được phản ảnh qua nhiều đợt hốt hoảng rồi quật khởi của Hoa Kỳ đối với một số vấn đề lớn của thế giới.
Sau Thế chiến Hai chẳng hạn, ngay sau niềm tự hào của chiến thắng, nỗi lo sợ làn sóng đỏ bành trướng dẫn tới phong trào tố cộng rất mạnh trong xã hội. Khi thấy Liên xô phóng vệ tinh Spunik, dân Mỹ bàng hoàng kết luận là mình đã thua. Sau chiến tranh Việt Nam, Mỹ trở thành cường quốc nhu nhược, chỉ tìm giải pháp hòa dịu kiểu Jimmy Carter. Khi Nhật vươn thành cường quốc kinh tế thứ nhì vào thập niên 80, truyền thông rồi cả quần chúng Mỹ đều nói đến mối họa Nhật Bản, thậm chí đây đó còn nổi lên phong trào kỳ thị hàng Nhật! Nhưng, ngay sau khi hốt hoảng, người Mỹ liền có phản ứng quật khởi. Liên xô và vệ tinh Sputnik khiến Hoa Kỳ đưa Apollo lên cung trăng, sự suy nhược của Carter sau chiến tranh Việt Nam và vụ con tin bị bắt tại Iran đã dẫn tới kỷ nguyên cương cường của Reagan và cuộc thi đua võ trang làm Liên xô hụt hơi rồi tan rã... Sau phong trào bài Nhật, Hoa Kỳ hồ hởi với cuộc cách mạng tín học trong khi Nhật trải qua 12 năm suy sụp.
Sau khi nhắc lại đặc tính tâm lý này như một bối cảnh, ta mới trở về hiện trạng hôm nay.
Kinh hãi về kinh tế
Từ giữa năm 1991 đến đầu năm 2001, Hoa Kỳ có một chu kỳ tăng trưởng dài nhất lịch sử, được nhồi thêm đợt tăng giá cổ phiếu, từ giữa năm 1996 đến đầu năm 2000. Dân Mỹ tưởng là từ đó mình thoát khỏi sức hút của địa cầu và đi vào một kỷ nguyên phát triển miên viễn. Nhưng, trái bóng đầu tư đã bể từ tháng Ba năm 2000 dẫn tới nạn suy trầm kinh tế tất nhiên. Trong thời kỳ tăng trưởng thịnh mãn, kinh tế Mỹ dĩ nhiên đã khỏa lấp được nhiều nhược điểm trong cơ cấu, những nhược điểm đó bắt đầu lộ ra khi kinh tế thoái trào. Thủy triều xuống mới phơi bày các vụ Enron, Arthur Andersen, WorldCom, v.v... làm thiên hạ vội nói đến khủng hoảng của tư bản Mỹ! Trên bình diện khách quan và lạnh lùng của kinh tế, một đợt suy trầm sau thời tăng trưởng là điều tất nhiên và cần thiết để trục giải những độc tố tích tụ thời tăng trưởng. Dù sao, nạn suy trầm kinh tế nếu có kéo dài quá lâu so với tâm lý nóng ruột của dân Mỹ thì cũng không trầm trọng. Ngay trong lúc suy trầm, kinh tế Mỹ vẫn có tốc độ tăng trưởng cao hơn Nhật và Âu châu. Vốn chưa nhìn ra mức độ nguy kịch của kinh tế Nhật, dân Mỹ mới hoài nghi về triển vọng kinh tế của mình sau gần 10 năm hồ hởi. Về mặt nhân khẩu học, thành phần đang lãnh đạo mọi ngành của Hoa Kỳ ngày nay là thế hệ sinh sau chiến tranh 1939-1945 (Babyboomers), họ sắp đến tuổi về hưu và sau khi tưởng là mình sẽ có một tương lai vàng son nhờ cổ phiếu tăng giá, họ chợt lo âu vì tiền hưu liễm không đủ để duy trì mức sống thịnh đạt đã qua. Trong sự hoài nghi chung của quần chúng, thành phần này đang có dấu hiệu bi quan nhất và gây ảnh hưởng mạnh nhất trong xã hội, xuyên qua các cuộc tranh luận về việc giảm thuế hay cải tổ chế độ An sinh Xã hội, trợ cấp cho người cao niên, v.v...
Đây là những đề tài ăn khách cho đảng viên Dân chủ, dù thực ra, họ cũng chẳng có giải pháp nào ngoài đề nghị tăng chi để kiếm phiếu từ thành phần cử tri truyền thống của mình. Đối diện, đảng Cộng hòa chỉ nói đến một giải pháp cắt thuế, trong đó lại không miễn thuế cho các tiểu doanh mới lập, vốn là những cơ sở có khả năng thu dụng nhân công cao nhất trong khung cảnh thất nghiệp ngày nay, chưa nói là mức thất nghiệp này dù sao vẫn còn thấp nếu so với kinh tế Âu châu hay cả Nhật Bản.
Nói tóm lại, người Mỹ đang có nỗi lo thái quá về kinh tế mà không thấy được kích thước tương đối của vấn đề. Vào đúng lúc đó, họ có một nỗi kinh hãi khác...
Khiếp hãi về khủng bố

Chỉ có thành phần đối lập quá khích trong chính trường và cả hý trường Mỹ mới nói rằng chính quyền Bush hay cộng đồng Do Thái đã âm mưu bày ra vụ khủng bố 9/11 năm kia. Vụ khủng bố xảy ra vì nhiều nguyên nhân phức tạp đã có từ khi George W. Bush chưa là Thống đốc Texas và cũng chưa nghĩ đến việc tranh cử tổng thống. Nhưng khi nó xảy ra thì làm dân Mỹ bàng hoàng phát giác là mình không còn ở trên một hải đảo thần tiên, được ngăn ngừa với thế giới nhiễu nhương bên ngoài bởi hai đại dương rộng lớn nhất địa cầu. Trước đây, trong thời đại chiến hoặc chiến tranh lạnh chẳng hạn, đối thủ của Mỹ là các quốc gia có quân đội và chính quyền hiển hiện trên những lãnh thổ xác định, nên có thể bị Mỹ tấn công trả đũa nếu xảy ra đụng độ. Lần này, khủng bố là loại đối thủ giấu mặt, không có thủ đô hay trụ sở mà cũng chẳng bị chi phối bởi các quy luật quốc tế, hay nghị quyết của Liên hiệp quốc, hoặc biện pháp cấm vận, phong tỏa kinh tế.
Lực lượng al-Qaeda và các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan là loại đối thủ vô hình, nhưng có khả năng sử dụng võ khí tối tân nhất, từ loại võ khí tàn sát như sinh hóa hay nguyên tử tới những máy bay dân sự chứa đầy hành khách và xăng dầu. Khiếp hãi hơn cả là các tay khủng bố vô đạo lại không sợ loại hình phạt tuyệt đối nhất là cái chết. Họ muốn giết Mỹ làm vui và nếu có tử nạn thì là... tử vì đạo. Không sợ chết, khủng bố cũng chẳng muốn thỏa hiệp, cho nên dù có muốn thương thảo thì giải pháp ngoại giao vẫn là vô hiệu.
Sau khi Liên xô tan rã, Hoa Kỳ có một giai đoạn ngắn trùng hợp với tám năm cầm quyền của Bill Clinton để hồ hởi sảng về thế độc bá của mình trong một “Trật tự mới” (chữ của Brent Scowcroft, Cố vấn An ninh của ông Bush cha) khi “Lịch sử đã kết thúc” (chữ của Francis Fukuyama, một giáo sư có ảnh hưởng trong giới khoa bảng Mỹ). Bây giờ, người Mỹ chợt thấy trống trải và bất lực trước một loại kẻ thù chưa từng có trong lịch sử, có thể tấn công vào ruột gan và túi tiền của mình trong New York hay ngay giữa thủ đô, hoặc tại mọi cơ sở kinh doanh trong một thế giới toàn cầu hóa.
Làm gì bây giờ"
Khi chính quyền George W. Bush và ban tham mưu đối ngoại của ông khẳng định rằng al-Qaeda và khủng bố là nguy cơ toàn cầu khiến Hoa Kỳ phải đối phó trong một trận chiến trường kỳ, khởi đầu với chiến dịch A Phú Hãn và tiếp diễn với chiến dịch Iraq, dư luận Mỹ có khi không hiểu. Dư luận các nước khác như tại Âu châu lại càng không hiểu. Chỉ vì nước Mỹ là một thế giới biệt lập và đặc biệt phức tạp trong sự rộng lớn của nó, dân chúng Hoa Kỳ biết rất ít về thế giới bên ngòai, về cả địa dư lẫn lịch sử - hãy xem trình độ sử địa và chính trị của giáo chức trung tiểu học đối với cuộc chiến Việt Nam của chúng ta thì biết. Nhưng ngược lại, có lẽ thế giới cũng biết rất hời hợt về nước Mỹ ngoài một số ấn tượng đầy ước lệ do phim ảnh và truyền thông Mỹ phóng dội ra ngoài.
Người Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng tâm lý, trong đó có nỗi lo sợ, có cảm giác bất lực, có sự hậm hực đối với chính quyền, nhưng tâm lý tiêu cực đó lại hiện hữu với một phản ứng khác, cũng rất Mỹ. Đó là tinh thần ái quốc, tính lạc quan và cả chủ quan, lẫn lý tưởng hồn nhiên và lối tính toán lạnh lùng về sự lợi hại. Khi bị tấn công khốc liệt như vậy, Hoa Kỳ sẽ trả đòn với khả năng kỹ thuật và quân sự tân tiến và khốc liệt nhất. Mặc cho Liên hiệp quốc hay các đồng minh gần xa thật giả gì có phản đối than phiền, Hoa Kỳ vẫn lừng lững tiến ra làm bá chủ toàn cầu và truy lùng khủng bố tại mọi nơi, từ các hang động xa xôi tới những trương mục ngân hàng gần gũi với họ. Mỹ trở thành đế quốc toàn cầu, tiến hành một cuộc chiến toàn diện và phân định bạn thù theo tiêu chuẩn đó.
Nhưng, ngay trên đỉnh cao chênh vênh như mọi đỉnh cao, Hoa Kỳ vẫn có sự hoang mang và cô đơn của nhân vật Độc cô Cầu bại. Mình là lãnh tụ để làm gì với thế giới cho thế giới" Bên trong, từ nay về sau, xã hội Mỹ sẽ biến thái ra sao để ứng xử với trường hợp đầy nghịch lý là một đệ nhất siêu cường có những nhược điểm sinh tử nhất" Có thể là Hoa Kỳ đã và sẽ có phản ứng thái quá trong sự quật khởi đối với bên ngòai, nhưng trong nội tâm cũng có phản ứng hốt hỏang thái quá khiến họ đang phân vân. Sự phân vân đó sẽ được phản ảnh trong cuộc tranh cử tới, khi kinh tế đã phục hồi nhưng khủng bố thì chưa dứt. Một quốc gia bình thường, với kích thước và khả năng bình thường, mà phân vân như vậy, thì có thể bị khủng hoảng nội bộ, lãnh đạo bị đảo chánh và hậu quả nếu có thì cũng không lan rộng ra ngoài. Đó là trường hợp của Pháp sau Chiến tranh thứ hai, mất hết thuộc địa, bị nội loạn và cả đảo chánh hụt lẫn sinh viên biểu tình khiến de Gaulle phải nghĩ đến việc đem quân đội về dẹp loạn và sau cùng từ chức.
Hoa Kỳ không là một quốc gia bình thường mà là một siêu cường tòan cầu. Việc nước Mỹ ra quân đang làm đảo lộn trật tự thế giới, gây ra nhiều hậu quả mà chính lãnh đạo cũng chưa lường được. Đồng thời, việc nước Mỹ trở thành đế quốc toàn cầu cũng là điều mà dân Mỹ chưa luờng được hậu quả và chưa chắc đã muốn. Những đổi thay xã hội xuất phát từ trạng thái tâm lý phân vân ngập ngừng này sẽ còn gây ảnh hưởng cho nước Mỹ trong nhiều thập niên tới, sau khi qua một bước ngoặt chính trị là cuộc bầu cử năm tới...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.