Hôm nay,  

Những Thai Nhi Được Làm Người

09/02/200100:00:00(Xem: 4617)

Chương trình nhân đạo của LM Nguyễn Hữu Giải tại Lương Văn, Huế
Cộng đồng người Việt tại hải-ngoại có thể biết LM Nguyễn Hữu Giải là vị chủ chăn tại Huế, người đang cùng LM Phan Văn Lợi và LM Nguyễn Văn Lý kết hợp tranh đấu đòi tự-do tôn-giáo cho Việt-Nam, nhưng có lẽ ít người biết đến những chương trình nhân đạo mà LM Giải đang thực hiện tại Lương Văn, một trong những vùng đất nghèo nhất của Huế.
Trong chuyến viếng thăm VN tháng 11.2000 vừa qua, một trong những tình cảm xúc động mà chúng tôi có được là tại nhà thờ Lương Văn, nơi LM Nguyễn Hữu Giải làm Cha Sở. LM Giải năm nay tuy đã 60 tuổi, nhưng mái tóc vẫn đen dày, khuôn mặt không một nếp nhăn. Tuy mang kính nhưng đôi mắt ngài vẫn còn tinh anh lắm; nụ cười thì luôn dễ dàng tươi nở trên môi. Qua gần 7 năm tù đày và nhiều năm quản chế, trông Cha vẫn trẻ như người trung niên, và lúc nào cũng năng động. Nhờ liều thuốc bổ nào" Đó chính là nhờ lòng yêu thương con người và tinh thần phục vụ xã hội của Cha.
Chúng tôi đã ghé Lương Văn ngay sau khi xuống phi trường Huế, để thăm lớp dạy may và xem một số chương trình do Ủy-ban Tự-do Tôn-giáo Cho Việt Nam (UBTDTGVN) bảo trợ.
Kỳ gặp này, chúng tôi không được trò chuyện với Cha nhiều, vì Cha đang có cuộc họp với các thầy cô giáo thiện nguyện phục vụ học sinh nông thôn. Họ là những thanh thiếu nữ trẻ, đã tốt nghiệp sư phạm, song phần lớn lại thất nghiệp, và đang giúp Cha trong những chương trình dạy kèm miễn phí. Có chuyện "dạy kèm miễn phí" bởi lẽ sự học ở trường Việt Nam bây giờ gặp một tệ nạn, hay phải nói quốc nạn, đó là "học thêm". Ngoài chính khóa, các thầy cô nhà trường còn mở phụ khóa để tăng thêm thu nhập, vì tiền lương nhà nước trả quá ít ỏi. Trong chính khóa, họ dạy rất lơ mơ, học sinh buộc phải học phụ khóa, cũng với chính những thầy cô đó, và dĩ nhiên phải nộp thêm một khoản học phí, có khi còn nặng hơn ở nhà trường nhiều. Chuyện học thêm này đã phải bắt đầu ngay từ lớp một, đã làm điêu đứng các gia đình và làm băng hoại lương tâm các nhà giáo. Những học sinh có cha mẹ nghèo thì đành chịu dốt mãi.
Chính vì thế, Cha Giải đã có chương trình dạy kèm miễn phí cho mọi học sinh lương, giáo trong vùng. Qua chương trình đó, Cha không những muốn nâng đỡ các em bé quê mất căn bản, mà còn muốn phụ một số tiền thêm vào số lương ít ỏi của các thầy cô, hay tạo công ăn việc làm cho những thầy cô đang thất nghiệp, với mục đích "giữ nhân tài lại cho Huế". Vì nếu không có những thu nhập thêm này, chẳng giáo viên nào có thể sống đủ tại Huế cả (mà có lẽ trên khắp nước VN đều thế) và đành phải tha phương cầu thực. Lúc đó Huế lại mất thêm một số "kỹ sư tâm hồn", hay nói theo kiểu CS là "chảy máu chất xám". Tối hôm sau, chúng tôi đã dự thánh lễ rửa tội cho một em bé nằm trong chương trình cứu thai-nhi, giúp thai-phụ để "Những thai nhi được làm người". Đây là một chương trình khác, nhằm giúp đỡ những bà mẹ mang thai nhưng không muốn phá cũng chẳng muốn nuôi, vì sợ mất danh dự, do lỡ dại hay vì đã có đông con mà kinh tế gia đình lại ngặt nghèo.
Nhờ được đàm thoại hai giờ đồng hồ và sau đó dùng cơm tối với Cha cùng một số chị em thuộc cộng đoàn nữ tu sở tại, chúng tôi đã biết thêm nhiều chuyện, cũng như thấy lòng mình mỗi lúc mỗi xúc động hơn trước tình cảm đậm đà mà Cha Giải cùng các cộng tác viên chương trình đã dành cho những bà mẹ và trẻ thơ đau khổ nói trên, bất kể lương hay giáo.
Chương trình "Cứu thai nhi, giúp thai phụ" đã khởi sự cách đây 8 năm, khi có một thiếu nữ trẻ, vì lầm lỡ mang thai, đã đến tâm sự với Cha và xin Cha giúp đỡ. Qua sự soi sáng của Ơn Trên, Cha đã tìm một gia đình tốt bụng trong giáo xứ, nhờ họ bí mật nuôi cô trong thời gian thai nghén. Sau khi sinh xong, cô xin Cha tìm một ai đó nhận em bé làm con để cô có thể làm lại cuộc đời. Em bé đã may mắn được một gia đình Công giáo tốt lành nhận nuôi và bà mẹ trẻ đã trở về lại khung trời hạnh phúc cô mong ước, với quá khứ được che giấu và danh dự được bảo toàn.
Qua kinh nghiệm lần đầu này, Cha nhận thấy trong khi làm công tác từ thiện độc đáo đó, các giáo dân từ tâm cảm thấy vui vẻ hơn, đạo đức hơn và bác ái hơn. Và Cha tự hỏi tại sao mình không tiếp tục công tác ấy, để vừa giúp các bà mẹ bất đắc dĩ không phạm tội sát nhân, thoát khỏi mặc cảm giết con, vốn chẳng bao giờ xóa nổi, vừa giúp các thai nhi vô tội được làm người, vừa giúp các giáo dân biết sống đời kitô-hữu cách trọn vẹn và ý nghĩa. Thế là công tác bất-ngờ kia đã trở nên một chương trình.


Tiếng lành đồn xa. Nhiều thiếu nữ nhà quê, nhiều nữ sinh thành thị ngây thơ lỡ dại, đã chạy đến cùng Cha Giải càng lúc càng nhiều. Thế là Cha phải nhờ sự cộng tác của một số nữ tu dòng Mến Thánh Giá (MTG) Huế, đặc biệt là của nhiều thành viên một tu hội đời nữ, tu hội Hy Vọng (tên chính thức là Tu Hội Thánh Tâm Chúa Giêsu-TTCGS). Các chị dòng MTG có một bảo sanh viện, có vài nữ tu làm nghề hộ sinh. Đây là một công tác truyền thống của Dòng, khởi từ những ngày thành lập cách đây đã hơn 300 năm (lúc đó các chị được mang danh hiệu thân thương là các "bà mụ"). Các chị MTG cho mượn nơi chốn và trợ giúp về kỹ thuật sinh nở, còn các chị em Tu hội TTCGS lo việc săn sóc các thai phụ trong thời gian thai nghén và các thai nhi trong những tháng đầu đời. Sau đó, Cha đem các em bé này cho những gia đình công giáo mà Cha biết chắc là có đạo đức và từ tâm muốn nhận các em làm con nuôi. Cũng chính các chị em Tu hội bồng các hài nhi ấy đi khắp mọi miền đất nước, tận tay giao cho các cha mẹ nuôi, nhân thể biết chỗ để còn thăm viếng liên lạc sau này.
Quy-tắc thứ nhất của nhóm "thiên thần cứu mạng" này là không bao giờ dò hỏi lý lịch, tra vấn nguyên nhân mang thai của các bà mẹ bất đắc dĩ (trừ phi họ tự ý trình bày), để tránh cho họ sự mặc cảm.
Quy tắc thứ hai là luôn chăm sóc với lòng bác ái, tế nhị, kính trọng. Quy tắc thứ ba là chẳng bao giờ đòi hỏi một phí khoản nào, trừ phi họ hay gia đình họ tự nguyện phụ thêm. Chính vì thế, nhiều cô đã xúc động thốt lên: "Sao Cha và các chị thương con đến thế! Con có bà con họ hàng với Cha và các chị đâu!" Rồi các gia đình Công giáo đạo đức nhận "con Cha Giải" làm con nuôi, sau đó còn được Ngài trợ cấp trong mấy năm nữa. Họ cũng phải báo cáo hàng năm (qua thư từ, hình ảnh) về tình trạng em bé, để Cha Giải cũng như các ân nhân trợ giúp chương trình bảo đảm được rằng họ đang nuôi nấng em tử tế và giáo dục em đường hoàng. Tuy bị mẹ bỏ rơi, nhưng đó vẫn là những con người, và ai biết đâu được, có thể là những vĩ nhân, những thánh nhân trong tương lai"
Nhưng chưa hết, để chống phá thai đến tận căn rễ, Cha Giải đã nhờ một số y tá, bác sĩ Cha quen biết, đang phục vụ tại khoa Sản thuộc các bệnh viện và bệnh xá thành phố Huế, tìm cách khuyên nhủ các bà mẹ dự định phá thai chớ có giết con mình (kẻo di họa tâm lý và thể lý sau này) mà hãy đến với chương trình trợ giúp của Ngài. Làm như thế, Cha đã khơi lại ý thức tôn trọng sự sống nơi nhiều y sĩ từng bị chủ nghĩa duy vật vô thần Cộng sản đầu độc. Những người có lòng hiếu hòa không chỉ giúp Cha bằng cách đỡ đẻ không chi phí cho bà mẹ trẻ do Cha nuôi dưỡng mà họ còn kiếm "mối" cho Cha bằng cách khi thấy các bà, các cô đến phá thai mà có dấu hiệu miễn cưởng; họ tìm kế hoãn binh bằng cách tăng chi phí phá thai lên gấp mười lần. Không đủ tiền, những bà mẹ trẻ đó chỉ còn ngồi khóc. Thế là các cộng tác viên của Cha bắt đầu ngồi xuống tâm sự dỗ dành và với các đề nghị hợp lý; những lời hứa nuôi dưỡng họ thật hạnh phúc khi được trở thành những bà mẹ trẻ của chương trình "những thai nhi được làm người". Vậy là thế gian có thêm một người mẹ nhẹ nhàng không mặc cảm và Cha Giải lại có thêm được một đứa con tinh thần.
Cho đến nay "con cái của Cha Giải" đã vượt con số 100 em. Hiện nay, so với theo thống-kê của CSVN, mỗi năm tại quê nhà có tới 1,5 thai nhi bị sát hại, thì con số 100 được cứu quả là quá sức ít-ỏi. Con số này sẽ tăng gấp nhiều lần nếu Cha Giải có được thêm phương tiện và nhiều sự giúp đỡ hơn.
Dù xây chín bậc phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một người.
Một mạng người ở đây không phải cần đến một hai trăm ngàn mỹ kim như những trường hợp cướp khỏi bàn tay tử thần của các em bé diễm phúc nên này; mà chỉ cần năm chục, một trăm đô cũng có thể cứu được một hai mạng người, những thai nhi đáng thương và vô tội. Nếu quí vị muốn ủng hộ chương trình bác ái của Cha Giải, xin gởi tiền về :
LM Nguyễn Hữu Giải
Nhà thờ Lương Văn, Huế Việt Nam.
Quí vị cũng có thể gởi qua địa chỉ của UBTDTG Cho Việt Nam:
CRFV
P.O. Box 342111
Bethesda MD 20827 - USA
Xin chú thích ở phần memo: "Cho Cha Giải." Chúng tôi sẽ gởi biên nhận để quí vị được miễn thuế cuối năm. Ước mong quí vị đồng ý về những chương trình tình thương mà các vị lãnh đạo tinh thần đã thực hiện cho những người dân đau khổ tại VN.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.