Hôm nay,  

Bức Thư Khá Dài, Gửi Người Nữ Cuối Đời Bạn Tôi, Sĩ Phú

08/09/200000:00:00(Xem: 4786)
“Nếu chúng ta có thể hình dung mỗi tiếng hát tự thân là một nhan sắc; thì sớm, muộn gì, nắng mưa cũng sẽ mang đến cho ta một, hay nhiều phó bản.
“Với sức sống ngồn ngộn bình minh của những lên đường rói tươi, và, với kỹ thuật, đôi khi phó bản đã làm mờ, lu; thậm chí, đẩy lui chính bản vào quên quên lãng. Nhưng, tiếng hát Sĩ Phú, trong cảm nhận của tôi, không chỉ là một nhan sắc có lấy cho nó một thời, rực rỡ mà, hằng hằng riêng, lẻ.
“Hơn 30 năm kể từ ngày tiếng hát Sĩ Phú chợt cất lên, như một viễn du bốc đồng hạnh phúc và, khổ đau cùng lúc; đã trôi qua.
“Hơn ba mươi năm, tôi nghĩ, đủ cho nhận, biết: nắng, mưa dường như bất lực, hay lú lẫn chối bỏ thói quen hăm hở tạo, sinh phó bản.
“Cũng có thể, tự căn bản, nắng, mưa đã bẵng quên tạo sẵn mẫu mã, trước khi gửi vào tiếng hát Sĩ Phú, một nhan sắc...
“Nếu tiếng hát kia, nhan sắc nọ, sẽ mãi còn, như một tình yêu đời, đời đi tìm trái tim thất lạc, của chính nó.”
dtl.

Lời giới thiệu: Du Tử Lê, một tên tuổi có lẽ không có gì xa lạ đối với người Việt ở hải ngoại. Không những thế, cái tên Du Tử Lê còn được biết đến từ những ngày còn chế độ VNCH. Đời người, luôn luôn sự thương, cái ghét là một hệ lụy dính liền, không một ai có thể tránh khỏi. Đối với người nghệ sĩ thì hệ lụy ấy không còn là chuyện lạ. Với chúng tôi,- tuần báo Tin Việt News,- không hiểu phải viết gì để gọi là đôi lời giới thiệu về Du Tử Lê, dù rằng chúng tôi biết, quen, Du Tử Lê từ hơn 30 năm nay.

30 năm qua là một chặng đường dài của đời người và... 30 năm, quả là một chặng đường rất dài cho cái mốc quen, biết, giữa con người và con người. Thế nhưng, với chúng tôi, thì chừng nớ, hình như vẫn chưa đủ để viết về Du Tử Lê. Hay ít ra, trong cảm nhận của chúng tôi, tất cả mọi lời lẽ, chữ nghĩa, của chúng tôi để nói, để viết về Du Tử Lê phải chăng, đều thừa thải, và vô nghĩa" Có những con người mà giá trị của họ đã khiến những lời lẽ ca ngợi, trở thành vô nghĩa. Đối với chúng tôi, hình như không cần phải viết, phải nói, gì về Du Tử Lê. Với tác giả của những bài thơ tuyệt tác “Khúc Thụy Du”, “Trên Ngọn Tình Sầu”, “Đêm Trăng Nhớ Sài Gòn”... thì cái quan điểm trên của chúng tôi, không phải là một điều quá đáng.

Trong khuôn khổ vài giòng giới thiệu của trang báo, chúng tôi muốn được loan báo cũng độc giả của Tuần Báo Tin Việt News, là kể từ số báo này, Tin Việt News may mắn được sự cộng tác của nhà thơ Du Tử Lê.

Nhà thơ Du Tử Lê sẽ đến với độc giả Tin Việt News bằng những bài tùy bút ngắn,- trong khuôn khổ trang văn nghệ mà Tiệt News thực hiện kể từ số báo này,- viết về một người vừa “từ giả cuộc chơi: cố ca sĩ Sĩ Phú, một ca sĩ vừa mới giả từ cuộc đời, vào 19/7/2000 vừa qua. Bài viết về nam danh ca Sĩ Phú được nhà thơ Du Tử Lê viết trước ngày Sĩ Phú ra đi khoảng hơn nữa tháng; dưới hình thức một lá thư gửi cho một nhân vật mà nhà thơ gọi: “trái tim thất lạc của tiếng hát Sĩ Phú...”. Nhân vật này đã khiến tác giả bàng hoàng, chấn động hơn cả khi tác giả nghe tin danh ca Sĩ Phú đang hấp hối trên giường bệnh. Qua lá thư dài của nhà thơ Du Tử Lê, quả thật, nhân vật mà nhà thơ đề cập, đã tạo cho ta một sự bàng hoàng, xúc động.

Lý do"
Trong khi, người vợ giàu có của danh ca Sĩ Phú, từ nhiều năm trước đã bỏ Sĩ Phú và danh ca này, theo lối nói của nhà thơ Du Tử Lê, hoàn toàn đã bị ném ra ngoài đường. Thì ngược lại, một người đàn bà, dù chỉ là một người bạn, quen biết với Sĩ Phú từ hơn 8 năm nay, đã mở rộng “vòng tay nhân ái” để tiếp nhận danh ca Sĩ Phú vào những tháng năm cuối đời. Những gì mà người phụ nữ đã dành cho danh ca Sĩ Phú ở những ngày tháng sắp sửa ra đi, thật sự làm cho mọi người, không riêng gì nhà thơ Du Tử Lê, phải bàng hoàng, xúc động và suy nghĩ. Ít ra, tình người vẫn còn nở hoa trên đất nước Hoa Kỳ.

Tin Việt News xin hân hạnh giới thiệu bài viết nói trên đến với quí độc giả. Dưới đây là bài viết của Du Tử Lê.

Thưa chị Ngọc Lan,
Tôi nghĩ, nhiều phần, chị sẽ khôn tránh khỏi ngỡ ngàng, khi nhận được lá thư này. Thưa chị Ngọc Lan, xin chị hiểu cho, (rằng,) tôi không hề có gây một thắc mắc, tạo một nghi vấn nào, dù rất nhỏ, cho chị, ít nhất cũng trong lúc này.

Nhưng thưa chị Ngọc Lan, tôi không thể không viết tên chị nơi đầu lá thư. Tôi cũng không thể mở đầu lá thư một cách mơ hồ, thí dụ “Thưa chị.” Rồi sau cái nhân xưng đại danh từ “chị” tôi sẽ thêm cho nó, ba chấm, để người đọc, muốn hiểu sao thì hiểu. Thưa chị Ngọc Lan, không. Tôi không thể làm vậy. Tôi không thể. Tôi biết tôi viết cho ai. Tôi biết tại sao tôi không thể không viết lá thư này. Và, những con chữ, trước khi viết ra, chúng cũng biết, chúng được viết cho ai, tại sao"

Thưa chị Ngọc Lan, tôi vừa trở về từ một thành phố êm đềm, thừa nắng, gió nhưng lại thiếu rất nhiều cây xanh. Thành phố Oklahoma City. Thành phố tôi mới được làm quen, được hít thở, được sống với, lần thứ hai. Nhưng ở lần thứ hai này, Oklahoma City, với tôi, dường không còn chút lá xanh, dường không còn chút gió mát. Những trận mưa nhỏ, (như mưa xuân) đến, đi rất vội, đã đón, rồi, tiễn chân tôi.

Những trận mưa qua đi rất vội, như thể chúng quá bận rộn, hối hả với biết bao phương trời đang đợi chờ chúng. Nhưng chúng đâu hề biết, mặt nào khác, chúng đã ở lại trong tôi, đẫm. đẫm.
Cũng như những người bạn tôi, những Diễm, những Bảo, buổi trưa, ở quán A.T., nửa ngày trước khi tôi ra phi trường, cũng đã để lại trong tôi, những đẫm, đẫm, tương tự.

Trưa Thứ sáu, mồng 10 tháng 5, thành phố Westminster có kéo bầu trời thấp xuống trên những mái nhà xám, xanh của nó. Đó là một ngày gió nhẹ, nhiệt độ thấp, mây nhiều từng, không mưa, đúng như tin thời tiết dự báo. Cái (mà,) tôi gọi là “đẫm, đẫm,” chỉ là chữ tôi cố tình dùng, thay cho những tĩnh tự lẽ ra đúng hơn, chính xác; thí dụ: choáng váng. Thí dụ: bàng hoàng. Thí dụ: kinh ngạc.

Thưa chị Ngọc Lan, tôi đã thôi kinh ngạc, bàng hoàng vì tin bạn tôi, Sĩ Phú lâm trọng bệnh. Thưa chị Ngọc Lan, tôi cũng đã hết choáng váng, khi Bảo kể lại cuộc thăm bạn tôi, Sĩ Phú, lúc lớp da đầu của bạn tôi, phô ra, khi chiếc mũ được cất, bỏ. Nghĩa là, tôi không bị chấn động bởi tất cả những mô tả của Bảo về Sĩ Phú…

Thưa chị Ngọc Lan, không phải vì đó là những gì tôi đã thấy. Tôi chưa hề gặp lại bạn tôi, có dễ cũng đã ba, bốn năm rồi. Nhưng, tôi được thông báo, thưa chị, khá đầy đủ tin tức về Sĩ Phú, tự nhiều tháng qua. Tôi được thông báo, được xác nhận bởi những nguồn tin đáng tin cậy nhất. Nhưng tôi không gọi cho Nguyễn Sĩ Phú.

Tôi biết tính Nguyễn không thích những thăm hỏi lẩm cẩm, những bày tỏ tình cảm ầu ơ, ví dầu...

Những thăm hỏi, những bày tỏ (dù chân thành đến đâu) cũng chẳng vì thế (mà,) thay đổi được đường bay định mệnh, cuối đời, một con người, cõi đến đương nhiên, một tiếng hát.

Tôi biết, thưa chị Ngọc Lan, nhân cách Nguyễn. Tôi biết tính tự trọng, bản chất khiêm cung của Nguyễn, nhiều chục năm trước. Cái nhân cách, lòng tự trọng khiến tôi sinh lòng khâm phục.

Tôi biết, hơn ai hết, Nguyễn đã sống một đời như cây gạo, cây sấu. Nguyễn chỉ muốn cho cuộc đời (mà,) Nguyễn tình cờ ghé tới, những bông hoa (và,) những quả chín. Nguyễn không muốn nhận từ ai, ngay bằng hữu, lời nói quá, điều thậm xưng.

Tôi biết, nên tôi chỉ hình dung, bạn tôi, hình dung Nguyễn thế nào, ra sao với căn bệnh quái ác, bất trị. Căn bệnh ung thư.

Nhưng tôi bị choáng váng, bàng hoàng, vì chị. Chính chị. Thưa chị Ngọc Lan.

Bảo kể với tôi, Diễm kể với tôi, về chị. Về người nữ xuất hiện vào những giây phút ảm đạm, đìu hiu cuối đời Nguyễn. Cuộc đời một người có tiếng hát, (mà,) tôi từng viết:
“Nếu ta có thể hình dung mỗi tiếng hát, tự thân là một nhan sắc; (thì,) sớm, muộn gì, nắng, mưa cũng sẽ mang đến cho ta một, hay nhiều phó bản.
“Với sức sống ngồn ngộn bình minh của những lên đường rói tươi, (và,) với kỹ thuật tân kỳ hiện đại, đôi khi phó bản đã làm mờ, lu; thậm chí đẩy lui chính bản vào quên lãng.
“Nhưng, tiếng hát Sĩ Phú, trong cảm nhận của tôi, không chỉ là một nhan sắc có lấy cho nó một thời rực rỡ; (mà,) sẽ hằng hằng riêng, lẻ.
“Hơn ba mươi năm, kể từ ngày tiếng hát Sĩ Phú chợt cất lên, như một viễn du bốc đồng hạnh phúc (và,) khổ đau cùng lúc, đã trôi qua.
“Hơn ba mươi năm, tôi nghĩ, đủ cho nhận, biết: Nắng, mưa dường bất lực, hay lú, lẫn chối bỏ thói quen hăm hở tạo, sinh phó bản.
“Cũng có thể tự căn bản, nắng, mưa đã bẵng quên tạo sẵn mẫu mã, trước khi gửi vào tiếng hát Sĩ Phú, một nhan sắc... “Nên tiếng hát kia, nhan sắc nọ, sẽ mãi còn, như một tình yêu đời, đời đi tìm trái tim thất lạc, của chính nó.”

Nhưng, thưa chị Ngọc Lan, cách gì, thực tế, tiếng hát Sĩ Phú cũng đã cháy tới giọt sáp cuối cùng của ngọn nến huy hoắc.

Nhưng, thưa chị Ngọc Lan, cách gì, thực tế, những ngọn pháo bông cũng đã đốt xong, cũng đã nở hết phần rực rỡ, chói lòa đời nó.

Và, thưa chị Ngọc Lan, cách gì, bóng đêm xuồng xã, chớt nhả cũng đã trở lại. Một trở lại tất yếu, đương nhiên. Như sự trở lại với lời phân ưu thắm, đượm buồn rầu (một cách giả trá) của định mệnh...

Thưa chị Ngọc Lan, chúng tôi thực sự bị chấn động. Chúng tôi thực sự nhói, thốn tâm can, khi được biết, chị, chính chị, từ bóng tối, điềm nhiên, thanh thản, lặng lẽ, bước ra, để đi vào (và,) gánh vác những ngày cuối đời Nguyễn. Lúc ngọn pháo bông rực rỡ nhân gian, đã tắt. Lúc ngọn nến huy hoắc trầm trồ, đã không còn có được cho nó, dù chỉ một giọt sáp, thừa; hay một mẩu bấc, sót.

Đó là lúc những người tình của Nguyễn đã hấp tấp bỏ đi, như trốn chạy sự đòi nợ (muộn màng) của ánh sáng vinh quang, ngọn đuốc hãnh diện (mà,) ít, nhiều, họ đã chia, hưởng. Thưa chị Ngọc Lan, tôi không ngạc nhiên, trước bất cứ một quay lưng vội vã nào. Tôi cũng không phiền muộn, kết án trước bất cứ một trốn chạy nợ nần nào... Phải vậy, mới là cuộc đời. Phải vậy, mới là đời sống.

Tôi hiểu chứ, chị Ngọc Lan. Tôi hiểu, chẳng cách gì chúng ta có được sự tách bạch giữa xấu, tốt; giữa nhớ, quên, giữa tiếng hoan hô sóng cả và niềm thinh lặng cháy lan, sa mạc. Tôi hiểu chứ, chị Ngọc Lan, tôi hiểu, chẳng cách gì, chúng ta có được sự biện biệt giữa người và, thú, địa ngục và, thiên đàng.

Nhân gian là một trộn lẫn.

Mỗi chúng ta chỉ là một khối lổn nhổn, xà bần. Mỗi chúng ta, chỉ là một nồi lẩu thập cẩm, dẫn diệu, nhởn nhơ dưới ánh mặt trời.

Cho nên, thưa chị, từ nhiều năm qua, cá nhân tôi, đã quen tiếp nhận mọi biến cố, mọi sự kiện với một cái chép miệng rất bình dân, rất bò-sát, là:
“Cũng thường thôi, nhân gian! Cũng tốt thôi, địa ngục!”

Nhưng, sự xuất hiện, bước vào đời bạn tôi, cuộc đời Nguyễn Sĩ Phú, những ngày đếm, đợi từng giờ thần chết, của chị; (thì,) thưa chị Ngọc Lan, đó là điều:
Tôi thực sự không hiểu!

Tôi bàng hoàng, đến không tin, (xin lỗi chị Ngọc Lan,) nếu người kể tôi nghe, không phải là Diễm, là Bảo.

Tôi chấn động, đến ngỡ ngàng, đến khó tin, (xin lỗi chị Ngọc Lan,) nếu không có Hạnh, cùng nghe với tôi, những gì Bảo nói; những gì Diễm kể.

Thưa chị Ngọc Lan, tôi ngỡ ngàng. Tôi bàng hoàng. Tôi chấn động...

Bằng vào suy luận bình thường, tầm thường, (như mọi người,) tôi không tin có một người con gái đến với Nguyễn, khi bạn tôi đã không còn chút gì để đền đáp, để trao gửi, ngoài một thân xác đã biến dạng, những sợi tóc xanh, một thời no nắng trên vầng trán mênh mang trời, biển, đã để gió đem đi.

Nguyễn đã chẳng còn gì, ngoài những cơn kích ngất; những hành lang bệnh viện, phòng đợi Emergency Room, những chai nước biển, những ống giây nylon, và những khoảng tường trắng, trắng, trắng, trắng...

Những khoảng trắng đang trải dài, đợi nối liền Nguyễn với chân trời, cũng trắng, phẳng.

Thưa chị Ngọc Lan, xin lỗi chị, tôi thực sự không hiểu.

Tôi càng không hiểu, khi tôi tự biết, tôi chưa lú, lẫn để quên rằng, chúng ta đang trôi, cuốn trong một dòng sống nghiệt ngã, với những định luật không hề có giảm, khinh.

Tôi muốn nói, thưa chị Ngọc Lan, chúng ta đang sống trong một xã hội không khoan, nhượng. Một xã hội không dư, thừa kẽ hở cho từ tâm, cho bác ái, cho hy sinh, cho phẩm hạnh...

Từ tâm, bác ái ở xã hội này, là một điên rồ. Kẻ nào dám thắp lên ngọn nến hy sinh, phất (dẫu nhẹ thôi) ngọn cờ phẩm hạnh, kẻ đó, phải trả giá bằng chính đời sống họ, nếu không muốn nói là kẻ đó, cầm bằng...tự sát!

Thưa chị Ngọc Lan, từ dòng sống đó, từ một đời thường, như mọi người, như chúng tôi, chị đã điềm nhiên, đã thanh thản, đã lặng lẽ... chấp nhận, trả giá.

Thưa chị Ngọc Lan,
Thưa người con gái thanh thản, điềm nhiên, lặng lẽ bước vào những ngày cuối cùng của Nguyễn, liệu ai không bàng hoàng, không choáng váng"

Chị Ngọc Lan quý, mến,
Chị đâu biết (mà, cũng chẳng cần thiết phải biết,) chiều Thứ Sáu đó, sau khi chia tay Bảo và Diễm, tiếng hát Sĩ Phú, tiếng hát của người đàn ông (mà,) tôi hằng nghĩ như “một nhan sắc hằng, hằng riêng, lẻ,” kia, đã khuấy động, đã cào xước tâm trí tôi.

Những ca khúc như “Cô Láng Giềng,” như “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa,” như “Dạ Lai Hương,” như “Em Tôi,” như “Hương Xưa,” như “Bên Cầu Biên Giới,”... bằng tiếng hát của mình, Sĩ Phú đã hất, ném tôi về lại thời tuổi trẻ.

Thời Saigòn của chúng tôi, những năm cuối thập niên 60.
Thời La Pagode của chúng tôi, những năm đầu thập niên 70.
Thời chúng tôi hồn nhiên, bốc đồng, nghênh ngang ngỡ, tưởng đã đạp dí...mặt trời dưới gót.
Thời chúng tôi phăng phăng điên rồ, ngỡ tưởng chia nhau tiến chiếm những đỉnh ngọn chót vót nhất của mọi ngọn núi cuộc đời.
Thời chúng tôi như những chàng đu bay hơn hớn hạnh phúc, trên những sợi giây tình ái chấp chới tuyệt vọng, chằng chịt khổ đau, chông chênh niềm tử, sinh...
Thời của những Toàn, Phú, Giao, An, Phụng, Trụ, Hoàng, Châu, Phúc, Quân, Ngạc, Nhiên, Đỉnh, Nam, Vũ, Trúc,...

Đó là thời, (chí ít cũng với cá nhân tôi, những cuộc tình riêng tôi,) buổi sáng, chúng tôi mở mắt với tiếng hát tự thân đã là một nhan sắc của Sĩ Phú:
“Ngày nào tôi bước chân ra đi - đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi - cô nói rằng cô sẽ chờ đợi tôi - đừng nói tới phân ly...” (Cô Láng Giềng, Hoàng Quý.)

Đó là thời, (chí ít cũng với cá nhân tôi, những cuộc tình riêng tôi,) buổi tối, cùng hương thơm của những hàng phở, những xe bánh mì, những gánh chè khuya, chúng tôi mang theo tiếng hát lãng mạn, mang theo “cuộc viễn du bốc đồng hạnh phúc (và,) khổ đau cùng lúc trong tiếng hát Sĩ Phú, chạy dưới tàng me Đinh Tiên Hoàng, hàng cây gỗ dầu Trần Cao Vân, bóng nhãn cuối đường Cường Để...:

“Người ơi, một chiều nắng tơ vương êm êm hồn có mơ xa - người ơi đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò - còn đó tiếng tre êm ru, còn đó bóng đa hẹn hò, còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mang nghe sáo vi vu - người ơi nhớ mãi trưa nao thời nào vàng bướm bên ao - người ơi còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao - còn nhớ tiếng khung quay tơ - còn đó con diều dật dờ, còn đó nói bao nhiêu lời thương cho đến kiếp nào mới vơi - ôi những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ...” (Hương Xưa, Cung Tiến.)

Hay chúng tôi thu mình nương náu trong tiếng hát mà, nắng, mưa dường cũng bất lực với thói quen bôi xóa, tiếng hát Nguyễn, để phóng túng thả neo khát khao mình, nơi những bến bờ lạ, xa khát bỏng:
“Ngừng đây soi bóng bên dòng nước biếc - cầu cao nghiêng dốc trên dòng sông sâu - tuổi xuân như lá thu rụng cuối mùa - một vùng đau thương giữa làng cũ quê xưa - tôi đến bên em - một chiều khi nắng phai rồi - nắng...ngừng bên chiếc cầu biên giới - xa xa thoáng đàn trùng vô tư - đâu đây dáng huyền bền duyên xưa...” (Bên Cầu Biên Giới, Phạm Duy.)

Hoặc ấp lên môi, đắp ngang tâm hồn mình, hình tượng người nữ do giọng hát Sĩ Phú vẽ ra:
“Em đến thăm anh một chiều đông - em đến thăm anh một chiều mưa - mưa dầm dề đường trơn ướt tiêu điều - em đến thăm anh người em gái, tà áo, hương nồng, mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh - em đến thăm chiều đông giá, em đến thăm anh trời mưa gió, đường xa lạnh lùng - mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng em không nói một câu - lòng nghẹn ngào hồn anh như say như ngây vì đâu - gió đưa cánh chim trời - đó đây cách xa vời - chiều mây mưa nặng cánh - khá thương kiếp bềnh bồng, dẫu khăng khít đôi lòng, chiều nào em xa anh...” (Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, Tô Vũ.)

Đó là thời của chúng tôi, của Saigòn mở tung mọi cửa ngực. Thời của rất nhiều tiếng hát lên ngôi, định hình... Nhưng có dễ, duy nhất tiếng hát của Sĩ Phú ăn, ở được, chung chạ được với chúng tôi, trong mọi thời tiết. Như thể tiếng hát Sĩ Phú có chung một khởi điểm. Như thể tiếng hát Sĩ Phú, sánh vai, đi chung được với chúng tôi trong mọi gập ghềnh, bất trắc hôm sau...

Chị Ngọc Lan, tôi không biết rõ. Tôi không giải thích được... Tại sao, cùng lúc với bao nhiêu tiếng hát như những ngọn lao phóng đi giữa trời đất, chúng tôi, nhưng, chúng tôi lại chọn, (mặc nhiên chọn,) tiếng hát Sĩ Phú, như tiếng hát của thời đại mình.

Chị Ngọc Lan, tôi không biết rõ. Tôi không giải thích được... Tại sao, cũng là những bài đã có rất nhiều người hát, trước đấy; nhưng chúng tôi lại ăn ở, lại chung chạ với những bài hát do Sĩ Phú hát, như ăn ở, như chung chạ với người tình mộng, tưởng của mình. Không biết có phải, cũng những bài hát kia, cũng những lời lẽ nọ, qua tiếng hát Sĩ Phú, chúng đã được Nguyễn mặc, khoác một nhan sắc, một trái tim khác"

Thứ nhan sắc (và,) nhịp đập của trái tim “viễn du bốc đồng hạnh phúc (và,) khổ đau cùng lúc.”
Chị Ngọc Lan quý, mến, có dễ trên hai chục năm qua, tôi mới lại có một sớm mai, mở mắt cùng tiếng hát Nguyễn. Tôi phải dậy lúc 5 giờ 30 sáng. Lúc sương còn như những tấm giấy chậm nhiều lớp, thả lơi trên cỏ cây. Tôi phải chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên, trong ngày, của mình. Tôi bay cùng bình minh trong tiếng hát Nguyễn.

Chị Ngọc Lan quý, mến, có dễ trên hai chục năm qua, tôi mới lại có một buổi trưa đứng, ngồi cùng tiếng hát Nguyễn. Tiếng hát tỏ tình, (với cả chia tan,) tiếng hát thầm thì, (với cả phụ rẫy,) nơi phòng đợi phi trường Dallas.

Tiếng hát rơi cùng mưa (ngập ngừng không muốn rơi,) trên phi đạo, bên ngoài khung kính phẳng. Tiếng hát ấy, tiếng hát Nguyễn, vẫn rơi cùng mưa, trên đường phố Oklahoma City, lên đèn, lúc Tề, Quang, Kha chở tôi tới tiệm ăn; cho tôi về ngôi nhà tôi sẽ ở.

Tiếng hát ấy, tiếng hát Nguyễn, cùng hình ảnh chị (mơ hồ,) ở cùng tôi suốt những họp mặt. Khiến không dưới hai lần, Nguyễn Khắc Vinh hỏi tôi, có mệt quá chăng"

Chị Thanh hỏi tôi, có muốn nghỉ sớm" Tôi trả lời, không. Không. Tôi không quá mệt. Tôi không muốn vào phòng mình, sớm. Tôi muốn được ngồi thêm. Tôi muốn được thức thêm, chút xíu. Tôi muốn hỏi chị Thanh, ở nhà có băng nhạc Sĩ Phú" Tôi muốn kể cho các bạn tôi nghe, chuyện chị Lan. Ngọc Lan...

Nhưng, chị Ngọc Lan, tôi im lặng. Tôi không muốn các bạn tôi phải thắc mắc thêm, về tôi. Tôi không muốn họ lo ngại, dường đã một bất thường nào đó, trong tôi.

Cuối cùng, tôi hỏi họ:
“In là mưa. Mưa đâu đó, rất xa"”

Họ bảo, không, mưa ngay đây. Mưa trên mái. Mưa vườn trước. Mưa vườn sau. Mưa, như lời chúc dành cho một giấc ngủ ngon, khuya, Thứ Bảy.

Chị Ngọc Lan, tiếc thay, tôi không được hưởng lời chúc lành của những hạt mưa Oklahoma City, đêm ấy.

Chị Ngọc Lan quý, mến, tôi đã trở về California, từ Oklahoma City. Tôi và Hạnh đã trở lại A.T., ngôi quán mà năm ngày trước, chúng tôi đã được ngồi với Bảo và Diễm. Lần này, bên cạnh chúng tôi là Thành, Vũ.

Dù thông minh đến đâu, Thành và Vũ, cũng không thể hiểu được rằng, bên cạnh chúng tôi, còn có sự hiện diện của một người...vắng mặt. Người thứ năm. Chị. Chính chị. Ngọc Lan.

Thưa chị Ngọc Lan, với tôi, chị chính là trái tim thất lạc của tiếng hát Sĩ Phú. Thưa chị Ngọc Lan, với tôi, chị chính là trái tim thất lạc (mà,) Nguyễn đã tìm lại được, nơi những ngày cuối, đời chàng.

Chị Ngọc Lan, chị tin không, chúng tôi mới phát hiện được điều đó, sau khi cả hai, cùng nghe lại, Sĩ Phú trong “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa,” Sĩ Phú trong “Hương Xưa,” (và,) luôn cả Sĩ Phú trong mưa, nắng nhân gian đời, kiếp nữa.

Và, thưa chị Ngọc Lan, điều tôi muốn ghi lại trong lá thư này, (lá thư sẽ được gửi tới chị ngày hôm nay, dù chưa biết bằng cách nào,) đó là:
- Hóa ra, cách gì, đời sống hay nắng, mưa, có tàn nhẫn, có khốc, nghiệt tới đâu, cuối cùng, cũng vẫn mang đến cho ta, những tấm lòng, những trái tim:
”...Sẽ mãi còn, như một tình yêu đời, đời, đi tìm trái tim thất lạc, của chính nó,” đấy, chị Ngọc Lan ạ.

Du Tử Lê (Calf., May 26/2000)
(Courtesy of Tin Việt News)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.