Hôm nay,  

Tin Tức Về Cuộc Đấu Tranh Cho Tự Do Tôn Giáo Tại Huế

23/05/200200:00:00(Xem: 3540)
(Bản Tin Ngày 22-05-2002)

1. Giáo dân An Truyền tâm sự với Chủ chăn

Đúng hôm 17-5-2002, kỷ niệm một năm ngày cha Tađêô Nguyễn Văn Lý bị Cộng sản bắt đi, giáo dân An Truyền lại tập họp nhau trước tiền đường nhà thờ, dự trù ra trụ sở xã Phú An để biểu tình đòi cha sở của họ. Thế nhưng chính quyền đã cảnh giác (Cộng Sản đánh hơi mấy chuyện nhân dân oan ức phản kháng như thế này để đàn áp thì rất tài!). Một lực lượng công an và nhân viên xã đã "dàn chào" và xua đuổi giáo dân lui. Sau đó chúng tôi nhận được một lá thư tâm sự của giáo dân. Xin được gởi đến Quý Vị gần như nguyên văn bức thư đơn sơ, mộc mạc, chân thành và cảm động này, chúng tôi chỉ xin phép sửa vài từ và vài chỗ chấm câu cho dễ hiểu.

Phóng viên tường trình từ Huế

"Cha kính yêu của chúng con.

Chắc Cha còn nhớ: đêm 16-5-2001, lễ xong có một cô giáo lý viên đến hỏi Cha đêm nay có học giáo lý không. Cha trả lời: "Các con cứ đến cùng cha, vì không biết ngày nào cha gặp các con lại". Cô giáo lý viên suy nghĩ và nói thầm: giống như Chúa Giêsu phán: "Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Thầy". Sau đó cô liền đi báo cho các anh chị giáo lý viên đến gặp Cha. Cha đã trao đổi những tâm tư nguyện vọng của Cha, như Chúa Giêsu trao đổi nhắn nhủ các môn đệ: "Các con hãy đi khắp thế gian để làm chứng cho Thiên Chúa". Sau đó Cha đi nghỉ. Khoảng 11 giờ đêm, ống nước trong nhà xứ bỗng kêu rùng rùng. Giáo dân lấy làm lạ, nói sắp có chuyện gì đây và chạy đến đánh thức Cha dậy. Cha nói chắc là điềm báo mẹ của Cha ra đi. Cha liền gọi điện vào nhà thì mẹ Cha vẫn còn đang hấp hối. Cha và cả giáo dân đọc kinh cho Mệ và dâng Mệ cho Đức Mẹ, sau đó hát kinh Hòa bình. Rồi Cha xuống nói chuyện với giáo dân thì gặp mấy ông CS đi ngang qua đường. Cha cũng vẫy tay chào và chúc mấy ông ngủ ngon. Nhìn thái độ của một mục tử tốt lành tỏ tình yêu thương cho mọi người như thế, làm sao đoàn chiên chúng con quên được, mà không bắt chước mục tử. Sau đó Cha lên lầu đọc kinh dâng Mệ cho Đức Mẹ và hát kinh Linh hồn tôi ngợi khen Chúa.

Khoảng 2 giờ sáng có người đi bắt ếch về thấy các ông CS rất đông, bèn báo cho Cha, Cha đã hiền lành trả lời: "Không can chi, các con yên tâm!". Nhưng giáo dân vẫn lo lắng. Có một số ít ngủ tại nhà Cha, một số ít ngủ tại nhà thờ, một số ít ngủ tại nhà mình. Bỗng nhiên điện bị cúp, vài giáo dân đi tìm đèn, số còn lại thì đọc kinh sốt sắng. Không ngờ bọn CS tiến vào các con đường làng, chặn các ngõ, không cho giáo dân chạy tới chạy lui. Ai mà ra đường là roi điện in dấu ngay lên người. Nhiều giáo dân không biết chạy ra đều bị đánh tơi bời. Sau đó, khi bọn CS tiến vào nhà xứ thì có một cụ già 70 tuổi ở trên nhà thờ chạy xuống, chận cổng lại không cho chúng vào. Bọn CS đánh ông cụ tới tấp nhưng ông cụ vẫn đứng yên, vì cụ nghĩ rằng mất Cha đi thì còn sống làm gì nữa. Bây giờ ông cụ bị thọ bệnh, nhưng vẫn hy sinh dâng cơn bệnh đó để cầu nguyện cho cha quản xứ.

Sau khi bắt Cha đi rồi, thì CS cũng bắt 2 anh trong giáo xứ đi nữa, một anh có vợ con, một anh còn thanh niên. Anh Tín có vợ người lương theo đạo. Lôi anh Tín ra xã, CS hạch hỏi anh: mi biết mi có tội chi không" Anh Tín trả lời không. CS nói tội theo đạo. Anh Tín trả lời tôi theo đạo thì có gì mà tội" Hai anh bị đánh chịu không nổi. 12 giờ trưa CS cho hai anh về, bắt chiều tới lại. Hai anh lết về, giáo dân thấy liền chạy đến hỏi thăm. Hai anh không nói được chi cả, chỉ nhìn giáo dân mà khóc. Giáo dân thấy như vậy đều khóc theo. Rồi giáo dân kéo nhau đi tìm Cha. Bọn CS thấy chặn lại và đuổi đánh tơi bời. Sau đó giáo dân về lại sân nhà thờ, đến trước tượng Đức Mẹ đọc kinh. Bọn CS bèn đuổi giáo dân vào nhà thờ, bảo vô đó mà đọc. Giáo dân vẫn đứng lì. Bọn CS dùng hành động thô lỗ, xô đẩy giáo dân vào nhà thờ. Giáo dân vào nhà thờ đọc kinh sốt sắng để cầu nguyện cho Cha. Bọn CS đem máy vào quay phim, làm cử chỉ khủng bố để chúng con sợ, nhưng chúng con vẫn đọc kinh, đọc tới trưa. Sau đó CS chụp tay người này chụp tay người kia mà kéo ra. Giáo dân la lên: "Đồ bắt đạo!". Vài người khóc to và nói: "Cha ơi, đau lòng xót ruột quá Cha ơi! Chúng con ước mong từ mấy năm, nay Cha con mới ở với nhau được vài bữa thì Cha đã bị bắt mất rồi Cha ơi!". Sau đó bọn CS bỏ về.

Thật tình mà nói, mới đầu chúng con cũng sợ. Nhưng sau, ngày càng thấm nhuần tình thương của vị chủ chăn, càng nhớ những roi vọt quất xuống thân mình Cha và những giọt máu anh hùng Cha đổ ra vì Chúa, giáo dân chúng con mỗi ngày càng thêm can đảm đối phó với bọn CS. Chúng con muốn bắt chước Cha hy sinh quên mình để dành lại tự do và quyền lợi cho Giáo hội. Như Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha chịu đau khổ để làm nhân chứng và mở mang Nước Chúa rộng lan khắp nơi.

Sau đó bão tố tới tấp đến với giáo xứ chúng con, nhưng chúng con coi thường. Cứ mỗi tháng chúng con lại đi đòi Cha, nhưng ngang xã thì bị chặn lại rồi bị mời "làm việc". Làm lời cầu nguyện cho Cha thì bị dọa bắt đi "cải tạo". Nhưng chúng con không ngại ngùng trước bọn CS, chúng con quyết tâm giành quyền lại cho Giáo hội, và tiếp tục bước theo gót vị chủ chăn. Nghe Cha ở đâu chúng con cũng đi tìm, mà không thấy Cha hiền ở đâu cả. Vì bọn hung ác đã nhốt kín Cha. Đến ngày Cha ra tòa, giáo dân chúng con từ khuya và sáng sớm đã lên đường tìm Cha để nhìn cho bằng được, nhưng mà cũng không thấy. Tới ngày CS đưa Cha ra Nam Hà, thì kể như đã hoàn toàn khuất mặt. Nhưng giáo dân chúng con tin rằng không ai làm qua bàn tay Thiên Chúa Toàn năng cả.

Các gia trưởng và thanh niên căm hờn lắm, nhưng vì Mục tử nhân hiền căn dặn chúng con sống bất bạo động nên các gia trưởng và thanh niên luôn sống theo lời căn dặn này. Còn các bà mẹ trong chúng con thì ăn chay cầu nguyện, chạy đến cùng Mẹ La Vang để dâng Cha chí ái cho Đức Mẹ. Chúng con xin Đức Mẹ thay chúng con mà đến với Cha để an ủi Cha, xoa dịu những sầu buồn đau khổ mà Cha đang gánh chịu. Còn ở giáo xứ thì đêm nào cũng đọc kinh "làm việc Đức Mẹ" để cầu nguyện cho Cha. Mỗi khi tới phần thứ bảy có câu: "Ôi ôi mất Con thương nhớ! Chẳng còn nghe tiếng Con an ủi, chẳng còn đặng thấy mặt Đấng oai nghi", thì các bà mẹ khóc lên. Mất Cha đi rồi, không ai dạy dỗ chúng con, không ai an ủi, không ai dỗ dành, không ai chia sẻ với chúng con! Còn các em nhỏ lớp giáo lý khai tâm thì làm chuỗi sống hằng ngày để cầu nguyện cho Cha mau về với giáo xứ.

Sau đó bọn CS tiếp tục mời chúng con, người này đến người khác đi "làm việc", nhưng giáo dân không chấp nhận lệnh mời mà còn nói: "Thà chết hơn sống với chế độ độc tài! Càng sống càng đau khổ thì sống làm chi! Nhà không có ở, áo không có mặc, cơm không có ăn cho đủ, học hành thi cũng không đậu. Nghèo là nghỉ học, không ai giúp đỡ. Sống mà làm chi. Chết còn vinh hơn sống nhục!"

Cha yêu mến của chúng con ơi, chúng con mồ côi Cha, thật như nhà không có nóc. Không có Cha, chúng con thiệt thòi rất nhiều. Nhưng chúng con vẫn cam chịu vì yêu mến Chúa, cố làm theo điều hay lẽ phải Cha đã dạy. Ban đầu chúng con tưởng chúng con mất Cha là không ai an ủi chúng con, làm bạn với chúng con. Nhưng rồi đã có hai cha Phêrô nâng đỡ và an ủi chúng con. Chúng con quyết tâm làm những điều tốt thì Chúa sẽ không bao giờ bỏ chúng con. Vì có câu Lời Chúa trong Tám mối Phúc thật: "Phúc cho ai bị bắt bớ vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ". Chúng con tin rằng những hy sinh của Cha và những hy sinh của giáo xứ chúng con cọng lại sẽ đem lại thành quả.

Mới đây chính quyền CS mở rộng đường thôn, bắt làm lại các cổng, thì giáo dân cũng chấp nhận. Chúng con đã làm 5 cổng có ghi 5 câu châm ngôn để sống. Không ngờ mới xây được ba cổng, dựng lên ba câu thì CS bắt tẩy xóa. Giáo dân quyết tâm không tẩy xóa.

Hôm 17-05-2002, nhớ lại ngày Cha bị bắt, chúng con tập trung trước tiền đường nhà thờ, định kéo nhau ra xã. Gặp ông Việt ông Quốc, chúng con hô lớn: "Trả Cha ta ra, một năm rồi!" Hai ông đi tới một đoạn rồi chạy lui, chúng con la đuổi theo: "Thả Cha ta ra, một năm rồi! Đá đảo toà án bất công, đàn áp!" Ông Việt ông Quốc bèn ra báo xã. Ông Hiệp bí thư, ông Đề công an chạy vào coi. Thấy chúng con "dàn chào", ông Hiệp nói: "Tau làm chi bây mà bây nói: Giặc đến nhà đàn bà phải đánh. Nơi thôn này việc chi khó có đàn bà!" Cha thấy có vui không"

Lạy Cha kính mến, đấy là những lời tâm sự của chúng con. Giáo xứ chúng con không có cha sở cả mấy năm. Sau đó nhờ ơn Chúa thương, chúng con có Cha về. Chúng con vui mừng không tả được. Lại gặp một người cha mến thương con cái, dạy điều hay lẽ phải. Không phải Cha nói xuông mà Cha sống bằng thực tế. Chẳng hạn Cha bồng các em nhỏ không kể nhớp hay sạch. Thậm chí mũi các em chảy Cha vẫn lau. Một người cha sống như Chúa Giêsu làm sao chúng con không mến được! Còn ăn uống thì Cha nhịn cho con cái, Cha không kể mạng sống của Cha. Cha ơi chúng con nhớ Cha vô cùng! Các em nhỏ kêu lên: "Ông ơi, sao không về mà bồng chúng con. Chúng con nhớ Ông lắm!". Một tình cảm cha-con khó quên, một hình bóng còn giữa nhà thờ chúng con, một dòng máu anh hùng tử đạo đã chảy tràn trên chúng con. Bây giờ con chiên của vị chủ chăn khó mà quên con đường của Cha lắm. Cha đã đóng một dấu ấn trong con tim của giáo dân An Truyền này.

Cha Lý mến thương, chúng con thương cha nhiều lắm!

An Truyền ngày 20-05-2002

Giáo dân của Cha".

2- Linh mục Phan Văn Lợi phản kháng chuyện bầu cử Quốc hội.

Chúa nhật 19-05-2002, từ 4 giờ sáng, người nhà cha Lợi đi lễ thì đã thấy mấy tay công an trẻ đứng sẵn ở hai đầu ngõ, chắc là để "đón" cha. Đến 8 giờ sáng, ông thân cha Lợi vừa đến phòng phiếu để bầu thì người ta đã hỏi: "Răng ông Lợi không thấy đi bầu"" Cụ già đáp: "Công an chận con tôi cả năm nay rồi, đi mô được mà đi!". Thế là một lúc sau, hai nhân viên tổ bầu cử, mà một là phó chủ tịch phường, một là cán bộ hưu trí, khệ nệ ôm thùng phiếu (phụ) tới nhà cha Lợi. Cộng sản vẫn luôn sốt sắng "phục vụ quyền công dân" như thế. Lúc nào cũng có thùng phiếu phụ để những ai không đi được (vì già cả, bệnh hoạn...) thì nhân viên sẽ đem thùng phiếu đến tận nhà. Và một màn đối thoại đã xảy ra.

- Mời ông thi hành quyền lợi và nghĩa vụ công dân.

- Tôi đã bị tước quyền công dân cả năm nay rồi mà. Công an chặn đường tôi, còn khủng bố đánh đập tra hỏi khách khứa của tôi. Tôi có lý do chi để bầu chứ! Ngoài ra tôi không bầu vì còn nhiều lý do khác nữa.

- Lý do chi"

- Dài lắm, không tiện nói đây với các ông.

- Không bầu, sao ông không báo với ban tổ chức"

- Tôi đã báo cho ông Phan Văn Khải, ông Trần Đức Lương, ông Nguyễn Văn An, ông Nguyễn Văn Mễ rồi. Tôi còn báo cho cả thế giới nữa.

- Ông không bầu thì chúng tôi bị khiển trách.

- Các ông đừng lo. Người bị khiển trách là tôi. Mà chắc không phải chỉ khiển trách đâu!

- Dù sao thì ông vẫn phải bầu cử (ông cán bộ hưu trí nói như ra lệnh).

- Tôi xin hỏi: đây là tự do bầu cử hay bắt buộc bầu cử"

- Ờ... ờ... thì tự do bầu cử.

- Vậy thì các ông đem thùng phiếu về đi. Tôi nhất quyết không dùng lá phiếu.

Còn tại An Truyền, dịp bầu cử lần này, chính quyền lo sợ giáo dân sẽ không đi bầu. Thế nhưng họ vẫn đi, chỉ có điều là bỏ phiếu trắng hoặc xóa hết mọi tên. Thông tin giáo dân cho biết có chừng 30 phiếu trắng và cũng từng ấy phiếu gạch bỏ hoàn toàn tên các vị "đảng cử".

Ở Nguyệt Biều, gần cuối buổi bầu cử, người ta nghe xướng tên Hoàng Trọng Dũng trên loa phóng thanh, yêu cầu em tới bỏ phiếu. Sau đó có người tới nhà mời mọc (thực chất là dọa dẫm, bắt buộc) Dũng "thi hành nghĩa vụ và quyền lợi công dân". Dũng vẫn nhất định không chịu. Xin nhắc lại một chuyện cũ: Nửa năm ngoái, Hoàng Trọng Dũng (cùng với Võ Văn Bi) bị lệnh quản chế sáu tháng (vì theo cha Lý đấu tranh). Cách đây một tháng rưỡi, Dũng làm đơn xin thi vào đại học Huế (vì em đã có bằng lớp 12). Đơn này, theo thể thức hành chánh hiện giờ, cần được chính quyền địa phương xác nhận. Đặng Văn Ngân, phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã Thủy Biều đã thẳng thừng từ chối:

- Tôi hết lệnh quản chế đầu tháng giêng, sao lại không xác nhận cho tôi"

- Mày chưa tốt, chưa chấp hành quy định địa phương.

- Có văn bản nào làm chứng tôi chưa tốt, chưa chấp hành quy định"

- Không cần biết! Tau không ký xác nhận. Thế thôi. Về đi!

Lối giải quyết tuỳ tiện, vô nguyên tắc, theo cảm tính (hận thù) như thế là chuyện thường ngày ở Việt Nam!

Nhân đây, chúng tôi xin gởi lại quý vị Kháng thư (có bổ sung) của linh mục Phan Văn Lợi. Vì một lý do ngoài ý muốn, khi Kháng thư đó vừa gởi, tác giả đã nhận ra một thiếu sót. Nhưng vì bị phong tỏa tứ bề, đến hôm nay cha Lợi mới có thể gởi bản bổ sung (thêm một câu ngắn thôi, màu đỏ). Chúng tôi xin thành thật cáo lỗi. Quý vị tuỳ nghi điều chỉnh và khai dụng.

Phóng viên tường trình từ Huế

***
Tổ Quốc Việt Nam


Kháng thư

Kính gởi:
- Ông Phan Văn Khải, Thủ tướng nước CHXHCNVN
- Ông Trần Đức Lương, Chủ tịch nước CHXHCNVN
- Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN
- Ông Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế

Kính thưa Quý Ông,
Tôi là Phan Văn Lợi, linh mục Giáo hội Công giáo, thường trú tại 90/13 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, xin được mượn diễn đàn internet để gởi đến Quý Ông kháng thư này, vì tôi không biết hết mọi địa chỉ thông thường của Quý Ông. Xin Quý Ông vui lòng thông cảm.

Tôi đã bị quản chế tại gia, không xét xử, không án lệnh, từ hơn một năm nay (chẳng biết do khoản luật nào") vì đã cùng linh mục Nguyễn Văn Lý tranh đấu cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền. Từ 12 tháng nay, tôi đã thực sự bị chính quyền tước bỏ tư cách công dân, vì (1) không thể đi làm việc để sinh nhai theo quyền lợi của một con người tự do bình thường, (2) không thể chu toàn phận sự của một người con đang phải nuôi cha mẹ già trên 80 tuổi, (3) không thể thi hành chức năng của một kitô hữu là hiệp thông, tham dự vào các sinh hoạt của đạo, (4) không thể thực hiện vai trò một linh mục là phục vụ cộng đoàn Công giáo. Thậm chí tôi cũng đã không thể đi thăm hàng xóm lân cận -chưa nói bà con xa- trong những ngày tết thiêng liêng của dân tộc dịp Tết Nhâm Ngọ mới rồi.

Nay tôi đang cầm trên tay thẻ cử tri mang số 68 do UBND phường Phước Vĩnh, thành phố Huế cấp ngày 01-05-2002 để được đi bầu Quốc hội ngày 19-05-2002 sắp tới. Vậy tôi xem ra vẫn còn một trong những "quyền công dân" là được bầu cử.

Nhưng với hiện trạng "quản chế tại gia" của tôi, có thể có 3 tình huống: một là tôi sẽ bị công an chặn ngay ngoài ngõ không đi bầu được (từ cả năm nay, có khoảng 2 đến 10 công an trẻ nằm phục ở các nhà chung quanh để canh giữ chặn đường tôi và khủng bố khách khứa của tôi 24g/24g, thậm chí trong ba ngày Tết), hai là tôi phải "xin phép" để được đi thi hành quyền bầu cử (như hôm Tết, viên công an tôn giáo tỉnh là Phạm Đức Thuận đã nhắn với tôi hãy làm đơn để được đi thăm hàng xóm), ba là tôi sẽ đến phòng phiếu dưới sự áp tải hay bám sát của công an như một phạm nhân (Quý Ông hãy hình dung cảnh tượng "dân chủ" này!),

Nhưng chẳng lẽ tôi lại viết đơn xin phép Quý Ông" Tôi chẳng có gì để xin với Quý Ông và Quý Ông chẳng có gì để cho tôi trong những gì thuộc quyền con người và quyền công dân cả! Chẳng lẽ tôi lại coi việc đi bầu này như một cơ hội quý hóa để hít thở ít không khí tự do trong vòng nửa giờ, như một ân huệ lớn lao nhà nước ban cho sau cả một năm trời -và sẽ còn không biết bao năm nữa- bị tù túng giam hãm" Nên tôi xin khẳng định ngay với Quý Ông là tôi sẽ không đi bầu Quốc hội lần này.

Tôi cũng xin tự truất quyền bầu cử những lần sau nữa, cho đến khi:

1- Có tự do bầu cử và tự do ứng cử thật sự. Chấm dứt cái cảnh "Đảng cử dân bầu", "Hội nghị hiệp thương" để chọn những người vừa ý đảng Cộng sản và loại bỏ những kẻ mất lòng đảng trong số các ứng viên tự do; hết còn nghe tỷ lệ 90%, 100% "nhân dân tự động đi bầu" không ai tin nổi như hiện nay.

2- Quốc hội thực sự là đại biểu của nhân dân chứ không phải là công cụ của đảng cộng sản. Chấm dứt cái cảnh đa số đại biểu là đảng viên, chỉ biết làm theo lệnh đảng, câm miệng như hến trong vấn đề trọng đại sinh tử mới đây đối với vận mệnh dân tộc là hai hiệp ước về lãnh thổ và lãnh hải ký với Trung Quốc.

3- Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất, độc lập với tòa án và chính quyền theo cơ chế "Tam quyền phân lập" trong nền dân chủ đích thực của nhân loại văn minh. Chấm dứt cái cảnh dân biểu chủ yếu làm công việc "vỗ tay, nhất trí, tán đồng ý muốn, chỉ thị, luật lệ ra sẵn của lãnh đạo đảng cộng sản".

Có thể Quý Ông cho rằng như thế là tôi -một linh mục- đã nhảy vào làm chính trị, chính trị phá hoại, phá hoại "chính sách đoàn kết quốc gia". Thật ra tôi chỉ hành động

a- Theo lương tâm của một con người, không thể chấp nhận sự lường gạt gian dối, nhất là khi sự lường gạt gian dối này đã kéo dài quá lâu, được thể chế hóa bằng pháp luật và mang bộ mặt dân chủ giả hiệu.

b- Theo trách nhiệm của một công dân, không thể chấp nhận ách toàn trị độc tài, không thể góp phần củng cố một cơ chế áp bức bóc lột, khiến người dân bị khống chế mọi mặt và đau khổ tứ bề mà vẫn phải nói "độc lập, tự do, hạnh phúc!"

c- Theo sứ mạng của một linh mục, không thể để cho các cơ chế gian dối và tàn bạo tiếp tục lộng hành, chà đạp những quyền Thiên Chúa đã ban cho mỗi cá nhân, tàn phá đất nước và con người Việt Nam, hủy hoại các truyền thống tốt đẹp của dân tộc và ngăn chận các giá trị của văn minh loài người như tự do, dân chủ. Ngoài ra, trong tư cách lãnh đạo tinh thần, tôi không được phép nêu gương về sự giả hình và lòng nhát đảm khi sử dụng lá phiếu.

Nói thật mất lòng. Tôi biết việc nêu ra những điều trên đây sẽ chỉ mang lại cho tôi nhiều thiệt thòi lẫn tai họa lúc này và cả trong tương lai nữa. Nhưng lương tâm tôi không cho phép tôi im tiếng. Thành thử tôi chờ đợi các biện pháp trừng phạt, dù ghê gớm đến đâu, của Quý Ông, với một tâm hồn thanh thản, không oán thán, không hận thù.

Tôi nguyện xin Thiên Chúa là Cha mọi người soi lòng mở trí cho Quý Ông, những người đang nắm vận mệnh đất nước và phải trả lẽ trước Đấng Tối Cao. Xin Thiên Chúa dẫn Quý Ông về lại con đường tình thương và sự thật đúng nghĩa, hành động trung thực và tôn trọng nhân dân. Vì chỉ có những nhà lãnh đạo biết quý chuộng sự thật và tình thương, tôn trọng công lý và nhân phẩm, thực thi dân chủ và bình đẳng mới thực sự đem lại tự do hạnh phúc cho đồng bào và hưng thịnh độc lập cho dân tộc.

Xin trân trọng kính chào Quý Ông.
Viết tại Huế ngày 15-05-2002
Kính thư
Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi

Địa chỉ: 90/13 Phan Chu Trinh Huế (đã bị chặn)
Điện thoại: 054833519 (đã bị cắt)
Điện thư: ptprete@dng.vnn.vn (đã bị phá)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.