Hôm nay,  

Từ Palestine Đến Iraq

01/08/200200:00:00(Xem: 3776)
Từ Palestine đến Iraq có nhiều chuyện đáng chú ý. Đầu tuần này, tin tức tiết lộ Mỹ đang xét đến một chiến lược mới tấn công Iraq "từ trong đánh ra" thay vì từ ngoài đánh vào, quân Mỹ sẽ đổ bộ chiếm thủ đô Bagdad, đồng thời chiếm luôn một hay hai trung tâm chỉ huy then chốt và các kho vũ khí để thúc đẩy cho mau sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein. Cố nhiên đây chỉ là tin báo chí Mỹ còn chính phủ Mỹ chưa có quyết định. Trước khi bàn đến vụ Iraq, thiết tưởng cũng nên nhìn đến tình hình Trung Đông bắt đầu từ Palestine.

Tuần qua, Israel dùng chiến đấu cơ bất ngờ bắn phi đạn trúng vào một tòa nhà ở Gaza City. Phi đạn đó là một quả bom cỡ 1 tấn, nó làm sụp đổ cả tòa nhà khiến 14 người chết và hơn 50 người bị thương. Trong số những người chết có Salah Shehadeh, Tư lệnh quân sự của Phong trào Hồi giáo quá khích Hamas. Vụ tấn công dữ dội này thật bất ngờ, vì trước đó có tin nói Hamas và các nhóm cực đoan khác của Palestine sắp đưa ra đề nghị ngừng bắn, đồng thời phía Israel cho biết sẵn sàng rút quân ra khỏi các thành phố Tây ngạn, trả dần số tiền 600 triệu đô-la cho chính quyền Palestine, và nói sẽ cho một số người Palestine trở lại làm việc trên lãnh thổ Israel để kiếm sống. Palestine tố cáo Israel âm mưu phá hoại một cơ hội hòa bình, nhưng Israel nói không tin các phe quá khích muốn hòa vì đã nhiều lần tung tin sắp có ngừng bắn để rồi sau đó lại đánh. Các nước Tây Âu và Ả rập xác nhận họ đã làm áp lực để Palestine ngừng bắn.

Nhưng sau khi Israel bắn phi đạn vào Gaza City, các nhóm Hồi giáo quá khích đã thề trả thù và suốt trong tuần qua tình thế thật gay go vì những vụ nổ súng vào người Do thái đã xẩy ra. Israel lại đem quân tiến thẳng vào Gaza City để truy nã sau khi hàng chục ngàn người Palestine biểu tình phản kháng vụ lãnh tụ quân sự Hamas bị giết chết. Israel truy lùng ở Ramallah, Tây Ngạn bắt luôn hai tay cầm đầu Hamas ở đây. Kế đó xẩy ra vụ một lính Israel bị Palestine bắn chết ở Hebron và người định cư Do thái tức giận xông ra đường xung đột với dân Palestine. Một tuần sau khi lãnh tụ quân sự Hamas bị chết, một vụ đánh bom tự sát đã xẩy ra ở ngoại thành Jerusalem ngày thứ ba 30-7 nhưng bom nổ sớm, chỉ làm 7 Do thái bị thương, người nổ bom chết. Qua ngày thứ tư 31-7, một quả bom đã nổ ở một quán cà-phê đông đúc sinh viên trong khu Đại học Do Thái Jerusalem, làm 7 người chết, hơn 70 bị thương. Quả bom nay là bom gài chớ không phải bom tự sát. Hamas đã nhận trách nhiệm. Trong số các sinh viên bị nạn có cả Do Thái và Ả rập, cùng các sinh viên từ các nước khác đến.

Vào tuần tới một phái đoàn quan trọng của Palestine lần đầu tiên sẽ đi Mỹ để đàm phán. Chỉ có điều chưa rõ rệt ai sẽ cầm đầu phái đoàn này. Từ khi Tổng Thống George W. Bush lên cầm quyền, lãnh tụ Palestine Yasser Arafat chưa hề được mời đến Washington. Thời gian qua, Mỹ nói Palestine cần phải thay đổi người lãnh đạo và cải tổ cơ chế trước khi nói chuyện thành lập quốc gia. Trước tình thế đó, chưa chắc Arafat sẽ cầm đầu phái đoàn đi Mỹ, hoặc nếu có đi, ông ta sẽ bị lép vế trước những áp lực của Mỹ.

Như vậy tình hình Palestine liên hệ như thế nào đến vụ Iraq" Bush muốn hạ Saddam Hussein, hãy xem Bush có đối phó được với Yasser Arafat hay không trước khi nói đến vụ hạ bệ Saddam. Kế hoạch tấn công của Mỹ nhằm mục tiêu chủ yếu "bắt hay giết Saddam Hussein" và dự liệu có thể dùng đến 250,000 quân theo chiến lược "từ trong đánh ra". Vụ chiến đấu cơ F-16 của Israel dùng phi đạn một tấn giết lãnh tụ Hamas Salah Shehadeh khiến người ta có nhiều suy nghĩ. Tại sao Israel biết có Shehadeh ở trong tòa nhà để hành động mau lẹ như chớp nhoáng" Cố nhiên một lãnh tụ quan trọng như Shehadeh phải có hành tung bí mật vì ông ta đã bị Israel truy lùng từ lâu. Có thể dự liệu là Shehaded không ở môt chỗ, dù di chuyển đến đâu cũng chỉ trong khoảng khắc và không có kế hoạch nhất định để có thể biết trước. Vậy mà Israel đã nhằm đúng lúc ông ta ở tòa nhà tại Gaza City để hạ thủ, hiển nhiên ngoài tin tức tình báo Israel phải có một phương pháp đặc biệt về kỹ thuật điện tử tối tân mới ghim trúng được kẻ địch như vậy.

Nếu Israel có kỹ thuật đó, tại sao Mỹ không có" Nên nhớ F-16 do Mỹ chế tạo, về vũ khí tân kỳ và kỹ thuật học hiện đại, Mỹ còn hơn Israel một bậc. Nếu Mỹ có kỹ thuật tìm ra và ghim đúng người các lãnh tụ hành tung bí mật của một nước thù nghịch, chiến lược đánh Iraq sẽ không cần đến 250,000 quân và cũng chẳng cần đến sự ủng hộ của đồng minh. Mỹ chỉ cần một F-16 cũng đủ thực hiện mục tiêu tối hậu. Cố nhiên kế hoạch đánh Iraq chỉ là điều "nói lên cho biết" chớ chưa phải Mỹ đã có sự lựa chọn như vậy để sẽ thi hành. Bởi vì khi sắp làm, không ai nói trước. Về mặt pháp lý, việc hạ Saddam Hussein không dễ như việc hạ Salah Shehadeh. Saddam là người cầm đầu một nước có chủ quyền được LHQ công nhận. Nếu ám sát người cầm đầu chính quyền một nước, Mỹ sẽ bị thế giới lên án và LHQ kết tội...trừ phi Saddam chơi dại bắn hỏa tiễn vào Israel hoặc ngang ngạnh không cho thanh tra quốc tế của LHQ trở lại kiểm soát vũ khí giết người tập thể. Nếu Saddam Hussein chống lại thanh sát quốc tế, nhiều việc có thể xẩy ra cho ông ta.

Vấn đề đánh Iraq đã được các nhà phân tích Mỹ nêu ra nhiều lần. Nhưng tuần này vấn đề trở thành sôi nổi. Ủy ban Thượng viện Mỹ mở cuộc điều trần hai ngày về Iraq. Hạ Saddam Hussein không phải dễ, nhưng khó hơn nữa là làm thế nào ổn định và dân chủ hóa Iraq. Mỹ phải nghĩ đến thời đại hậu Saddam ở một nước như Iraq.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.