Hôm nay,  

Hannah Arendt: Sự Dung Tục Của Cái Ác (5)

07/03/200200:00:00(Xem: 4478)
Khi duyệt luận án của Arendt viết về Rahel Varngahen, nữ chủ nhân phòng trà văn học tại Berlin vào cuối thế kỷ 18 - một nữ trí thức kiệt xuất Do Thái mà Arendt cảm thấy có nhiều điểm chung, ông thầy Karl Jaspers đã đưa ra lời phê, rằng cách nữ đệ tử của mình đọc Rahel, chủ yếu coi đây là một trường hợp của "Vấn Đề Do Thái" (Jewish Question), coi nhẹ yếu tố: đây là một con người được giải phóng ra khỏi hào quang của Thời Soi Sáng ở Đức (the German Aufklarung). Ông cảm thấy Arendt đã thất bại không nhìn trọn Rahel, rằng cô học trò đã thiếu sót, không nhận ra "sự vĩ đại của tâm hồn" của nữ nhân vật này. Và Arendt còn đọc sai (misread) Lessing (triết gia Đức), cũng như Thời Soi Sáng (The Enlightenment). Tới mức ông thầy còn tự hỏi, cái chân dung mà Arendt đưa ra đó, có thể hiểu như là một trường hợp đổ dầu vào lửa, làm nóng thêm khí hậu bài Do Thái" Trong một lá thư dài viết vào năm 1952 về nhân vật Rahel, Karl Jaspers đã đưa ra bình luận, cuốn sách của Arendt làm cho người ta có cảm tưởng "là một người Do Thái có nghĩa là không thể nào sống đầy ứ cuộc đời của mình", (nguyên văn: "nếu một người là Do Thái, người đó không thể sống cuộc đời người đó cho tới tràn đầy", "if a person is a Jew, he cannot live his life to the full"). Cuộc tranh luận bắt nguồn từ niềm hoài nghi của ông thầy lại nóng lên, khi cuốn sách được xuất bản vào năm 1958. Vấn đề ở đây là, những cái nhìn thật chõi nhau đó bắt nguồn từ hai quan niệm hoàn toàn khác biệt, tự cơ bản, về Căn cước Đức, Do Thái, và Đức-gốc-Do Thái.

Ngay cả trước năm 1933, nữ đệ tử cũng đã không chia sẻ với Karl Jaspers (một nhà phân tâm học chuyển qua triết học), về nỗi hân hoan trước một chủ nghĩa ái quốc áp đặt (the imposing patriotism) của Max Weber, về việc "cào bằng" (đánh đồng) "yếu tính" Đức với sự thuần lý và tính nhân loại [những khẩu hiệu như "yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội" là thoát thai từ quan niệm trên, theo người viết], và luôn cả những quan niệm lãng mạn của Max Weber, về số mệnh mang tính lịch sử của nước Đức. Nhưng Arendt đã chịu ơn ông thầy, khi Karl Jaspers hết lòng cổ võ nữ đệ tử, trong cái nhìn của Arendt về chủ nghĩa toàn trị, theo đó, Arendt luôn nhấn mạnh, rằng, chủ nghĩa toàn trị là một hình thức mới, và là độc nhất, của quyền lực (rule); một khi nó xuất hiện, tất cả những [quyền lực] truyền thống trước đó chỉ được coi như là những manh mún, tản mạn. Chắc chắn một điều, nghiên cứu của bà về "những nguồn gốc", không phải là một tác phẩm mang tính qui ước về lịch sử. Bà đả phá cái nhìn "hoạn quan" (eunuck-like), về một lịch sử mang tính khách quan, hay một lịch sử, theo đó, bằng chứng được sắp xếp theo kiểu biên niên (the chronological arrangement of evidence), vốn được các sử gia nhà nghề coi trọng. Điều mà bà đặc biệt quan hoài, là đối đầu, và cố vượt "gánh nặng thời đại chúng ta", bằng cách thăm dò, khảo sát (exploring) "ý nghĩa" những biến động mà bà đã trải qua.

Khi Quốc Xã sắp sửa lên nắm quyền, Arendt lao vào hoạt động chính trị, và đầu năm 1933, bà đã giúp đỡ tổ chức "the German Zionist Organization" và người lãnh đạo của nó là Kurt Blemfeld, trình bầy trước công luận số phận của những nạn nhân của chủ nghĩa Nazi. Bà cũng làm những nghiên cứu về chiến dịch tuyên truyền nhằm chống Do Thái, do đó, bà đã bị Gestapo bắt. Nhờ cảm tình của viên cai ngục ở Berlin, bà được tha và trốn qua Paris. Bà ở đây cho hết thập niên này (1930). Làm việc với tổ chức "Youth Aliyah", bà đã giúp đỡ trong công cuộc giải thoát những trẻ con Do Thái khỏi chế độ Đệ Tam Reich, và đưa chúng tới Palestine.

Tại Paris bà gặp Heinrich Blucher, một người vô sản ở Berlin, ít học, một cựu đảng viên cộng sản. Sau khi cả hai đã ly dị, họ kết hôn với nhau vào ngày 16 tháng Giêng năm 1940. Khi Đức Quốc Xã xâm lăng Pháp, chưa đầy nửa năm sau đó, hai vợ chồng bị phân tán, và bị tập trung, mỗi người một nơi ở miền nam nước Pháp, như là những người Đức không có quốc gia. Arendt bị đưa đi Gurs, từ đó, bà trốn thoát. Sau đó, bà xum họp được với chồng, và vào tháng Năm 1941, cả hai đã tới được Hoa Kỳ. Như trên đã viết, ở đây tới hết cuộc chiến, bà đã viết Những Nguồn Gốc Của Chủ Nghĩa Toàn Trị, xuất bản năm 1951.

(còn tiếp)

Jennifer Tran

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.