Hôm nay,  

30 Tháng Tư, Đọc Lại George Steiner

11/04/200200:00:00(Xem: 4262)
Những thư viện, những viện bảo tàng, những rạp hát, những đại học vẫn có thể nở rộ dưới bóng mát của những trại cải tạo. (George Steiner)

Nhà hiền triết phẫn nộ (Le sage indigné). Khiêu khích, tai tiếng, bốc lửa (Provocant, scandaleux, sulfureux)… xét theo những nhãn hiệu người ta gán cho ông và bằng vào sự thù ghét của ông đối với những kiểu thời thượng trí thức cũng như những chủ nghĩa quốc gia, vậy mà vẫn chỉ tạo cho ông những người bạn thân thiết. Ở cái tuổi 71 G. Steiner tỏ ra khinh bạc hơn bao giờ hết. Tính phẫn nộ của ông chẳng những không dịu đi mà còn tăng thêm lên. Vốn gốc Do thái, sinh ở Vienne (Áo quốc), cha mẹ lưu vong qua Pháp rồi qua Hoa kỳ, Steiner học ở New York, giảng dậy ở đại học Princeton và đại học Cambridge. Ông đã viết một số tác phẩm bác học như "Những nàng Antigone", "Cái chết của Bi kịch", "Đính chính", "Sau tháp Babel". Vị giáo sư không biên giới này mãi khước từ quay về tổ quốc của Hitler (Đức) và của Haider (Áo). Trong cuốn "Những Ngữ pháp của sự Sáng tạo", cuốn sách mới nhất của ông, ông có viết câu này: "Tôi chẳng có một xác tín nào hết". Như thể ông đã hiểu tất cả, khi nói như vậy.

Thôi giã biệt nhé, thế kỷ 20! Và chẳng luyến tiếc gì hết! Cái thế kỷ đã chấm dứt này, rồi ra, chắc chắn người ta sẽ chẳng chúc phúc cho nó đâu!

Trong suốt lịch sử, đó là thế kỷ con người tỏ ra man rợ nhất, kinh tởm nhất đối với đồng loại. Hiển nhiên, buồn thảm, đã rồi, là như vậy đấy.

Chẳng có chi là mâu thuẫn, người ta có thể đồng thời thừa nhận, những bước tiến phi thường trong tri thức và lối sống ở thế kỷ 20. Nhưng từ những lớp lang biến cố là một câu hỏi mang tính quyết định: Làm sao sống với ý nghĩ, rằng con người, mặc dù những tiến bộ bề ngoài, vẫn bị tù hãm trong bản tính cực kỳ dã man" Một con người dù văn hóa nở rộ nhưng vẫn không văn minh" G. Steiner từ bao lâu nay, vẫn coi đây là chủ đề suy tư, người ta có thể thấy ông u uất, bi quan, âu lo… Ông là như thế đó. Nhưng ngày nay, liệu chúng ta có được một chọn lựa nào khác, ngoài việc nối lại tư tưởng bi đát" Trong một châu Âu từ nay vắng bóng Thượng Đế, tin vào Quỉ Sứ chẳng phải là tốt hơn sao, để còn có cơ may xiết cổ nó"

*
(Dominique Simonnet, người phỏng vấn).

Người phỏng vấn: Chúng ta từ giã thế kỷ 20. Ít nhất người ta có thể nói về nó: một thế kỷ quằn quại. Là người đã trải qua bao chục năm quan sát những con người đồng thời với mình, luôn luôn khởi từ tọa độ phân tích, là văn hoá cổ điển, ông nghĩ sao, khi nhìn lại thế kỷ vừa kết thúc"

G. Steiner: Thế kỷ sát nhân nhất trong lịch sử loài người… Những con số tới mức mà người ta không sao hiểu nổi. Theo những sử gia, từ tháng Tám 1914 tới tháng Năm 1945, số người chết là 70 triệu, do chiến tranh, trại tù, tra tấn, lưu đầy, đói; con số nạn nhân của chủ nghĩa Stalin áng chừng 100 triệu… Sự dã man không diễn ra ở sa mạc Gobi (Á châu), hay sa mạc Arizona (Mỹ châu), nhưng ở giữa Moscow và Madrid, giữa Oslo và Palerme, và hai cuộc chiến được gọi là "thế chiến", trên hết phải nói, là những cuộc nội chiến của Âu châu.

-Sự dã man, một cách nào đó, là con đẻ của Âu châu"

Những ý thức hệ mang tính toàn trị, những xã hội không tưởng của cõi chết, như chủ nghĩa Quốc xã hay chủ nghĩa Lênin-Stalin, chúng cắm rễ ở trong lịch sử Âu châu. Ky tô giáo khởi đầu bằng những cuộc tàn sát lớn lao ở Rhénanie, những cuộc thập tự chiến, những vụ sát hại người Do thái và những tín đồ Hồi giáo. Phải chăng điều đó tất yếu dẫn tới Lò Thiêu" Xác định như vậy ắt là bằng chứng của một chủ nghĩa tất định khá ngây thơ. Nhưng ngay lúc này, sự tàn sát kia có thể suy tư được, có thể quan niệm hoá được, và đó là Âu châu hiện nay. Chúng ta có thể quên, nhưng Bỉ là nước đã gây nên cuộc giết lớn lao ở xứ Congo thuộc Bỉ (những chuyên gia đã đưa ra con số 10 triệu người chết). Kỹ thuật của việc tảo thanh chủng tộc bao gồm cả sự kinh hoàng không thể diễn tả của việc tùng xẻo con người một cách hệ thống đã ươm mầm trong những vụ dã man đầu tiên, vi phạm dưới thời vua Bỉ, Leopold II. Pol Pot và Rwanda đã được đưa vào lịch trình từ những ngày đó rồi. Tôi nghiêm trọng nói lên điều này: Thế kỷ 20 đã hạ thấp bậc thềm nhân bản, cái gọi là tính người, của nhân loại. Bây giờ thì chúng ta điều hiểu, con người dám làm tới đâu.

-Người ta không biết điều đó từ trước sao"

Qua những vụ làm thịt người ở Passchendaele (Đức), vào năm 1917, và ở la Somme (Pháp), vào năm 1916, người ta đúng ra là phải biết. Tuy nhiên, tôi cho rằng, con số những người biết chuyện xẩy ra ở Auschwitz thì không nhiều. Không, người ta không biết, rằng, người ta có thể hát nhạc Schubert vào buổi tối và tra tấn một con người vào bảnh mắt hôm sau. Chỉ một vài bậc tiên tri của đêm tối, thí dụ như Dostoievski, mới linh cảm điều này. Vào cuối đời, Sartre nói: "Bạn biết không, sẽ còn ai, trong số chúng ta" Céline" Vậy đó, trong sự bỉ ổi của Céline có cú nhìn này; chính ông ta cũng đã nhận ra nó. Chẳng ai muốn làm cuộc Du hành tới tận cùng của đêm đen… (Voyage au bout de la nuit, tác phẩm của Céline, một nhà văn người Pháp vốn được coi là theo khuynh hướng phát xít. CTND).

-Thất bại của Âu châu văn minh, phải chăng đối với ông, là thất bại của văn hóa"

Đúng thế. Học vấn, văn hóa mang tính triết học, văn học, âm nhạc không ngăn chặn được điều ghê gớm tởm lợm. [Trại tù, lò thiêu] Buchenwald chỉ cách khu vườn của Goethe chừng vài cây số. Trong Đệ Nhị Chiến, ở Munich, khi thính giả bước vào thính phòng, nghe trình diễn một chuỗi nhạc tuyệt vời của Debussy, họ có thể nghe thấy những tiếng la thét của những con người bị tống xuất tới [trại tù] Dachau, kế ngay đó. Chẳng có một nghệ sĩ nào đứng bật dậy, nói: "Tôi không thể chơi nhạc. Tôi sẽ làm ô nhục mình, ô nhục Debussy, ô nhục âm nhạc." Cuộc chơi đâu có mất đi, dù chỉ trong một chốc một lát, tính thiên tài của nó! Âm nhạc đâu có nói: không!

-Lời hay ý đẹp - văn chương - chiết ra từ Thời Ánh Sáng, chẳng những thất bại trong việc nhân bản hóa thế giới, mà còn ngoảnh mặt làm ngơ trước một nhiệm vụ như thế"

Đúng như vậy. Vào cuối đời, đây là cơn ác mộng ám ảnh tôi: ngoảnh mặt làm ngơ trước một nhiệm vụ như thế. Nhân bản hoá con người, qua văn hóa, đây là lời hứa lớn của Thời Ánh Sáng. "Tín ngưỡng suy giảm tới đâu hận thù tan biến tới đó", Voltaire khẳng định như vậy. Sự chấm dứt niềm tin lại phơi ra một diễn tiến hiểm nghèo hơn nhiều, mà những triết gia của Thời Ánh Sáng không tiên đoán nổi. Trong khi đi tìm địa ngục, chúng ta đã học được cách xây dựng nó, và làm cho nó hoạt động, ở ngay trên mặt đất. Chúng ta chẳng những biết một cơn khủng hoảng văn hoá, mà còn biết từ khước cả lý trí. Lời hứa của Thời Ánh Sáng đã không giữ được. Những thư viện, những viện bảo tàng, những rạp hát, những đại học vẫn có thể nở rộ dưới bóng mát của những trại cải tạo. Bây giờ chúng ta mới hiểu ra: văn hoá không làm tăng tính người. Văn hoá còn có có thể làm người ta trở nên vô cảm trước sự khốn cùng của con người.

-Vậy là chính ông đã xác nhận điều này. Ông: một người dâng hiến trọn đời mình cho việc nghiên cứu và giảng dậy những môn học nhân văn"

Đối với tôi, chức năng "nhân bản hóa" của những ngành khoa học nhân văn phải được đặt vào trong tình trạng hồ nghi, một cách thật là nghiêm túc. "Những cái văn cái vẻ cái vẽ", những "thư trung hữu ngọc"… toàn là những từ kiêu căng rởm đời! Toàn chuyện châm biếm! Chúng ra sao bây giờ nhỉ" Khi tôi là học sinh trung học ở Janson-de-Sailly, một giáo sư đã đọc câu này, của Alain, cho chúng tôi nghe: "Mọi chân lý là niềm lãng quên thân xác" (Toute vérité est l'oubli du corps). Người ta dậy điều đó cho con nít! Nhưng nếu mọi chân lý là lãng quên thân xác, như vậy là hàm chứa luôn chuyện tàn sát! Tôi biết quá đi chứ, Alain dùng câu trên như là một nói đùa cực kỳ Platon (ultraplatonicienne), nhưng thứ tư tưởng như vậy cứ xoáy mãi sâu vào trong tôi, và ngay từ hồi còn con nít, tôi đã bắt đầu để cho cái trò chơi "trừu tượng hoá" sự vật bám dính cứng lấy, trở nên ngất nga ngất ngư vì nó! Để tôi nói thẳng ra ở đây: Khi tôi bỏ ra cả một ngày trời cặm cụi nghiên cứu Vua Lear [kịch Shakespeare], hay là Ác Hoa [Les Fleurs du Mal, của nhà thơ người Pháp, Baudelaire], tới chiều, trở về nhà, tôi vẫn còn ở trong tình trạng "siêu thoát", và thế là tôi không nghe thấy tiếng khóc ở trên đường phố. Ở trong văn hoá cao, có một sức mạnh, chính nó đã làm cho những đau thương, khốn khổ thực sự của con người, tầm thường, tẻ nhạt, bát nháo… trở thành trơ ra. Những giọt nước mắt của Cordélia [trong kịch Shakespeare] trở nên sống động hơn, sờ sờ ngay trước mắt, thực hơn, so với tiếng khóc ở ngoài đường phố. Mỹ học, Cái Đẹp, một trang của Shakespeare, của Kant, của Descartes, của Hegel hay của Bergson cứ thế đẩy lui dần thực tại thường nhật. Thế là, qua năm mươi hai năm giảng dậy, tôi tự hỏi: "Mi có biết rõ cái việc mi đang làm, là giảng dậy ấy, nó ra làm sao"" "Liệu chúng ta có thể thực sự tạo được sợi dây, nối kết văn hoá cao với một cung cách cư xử cho ra người"" Tôi cứ hỏi mãi tôi như vậy.

-Ông đã tìm ra câu trả lời"

Trong đời tôi, tôi đã gặp được năm hoặc sáu sinh viên phú bẩm (doués), sáng láng (créatifs) hơn tôi. Một lần ở [Đại học] Cambridge, một trong những nữ sinh viên, con chim đầu đàn của khóa học, đã nói với tôi: "Tôi ghê tởm tất cả những gì thầy dậy tôi; tôi quá chán tất cả những gì mà thầy đại diện; tôi chẳng bao giờ thèm nghe nói về văn hóa, và tôi bỏ đi làm một người y sĩ chân trần ở Trung quốc." Vài năm sau, tôi được mời thăm Bắc kinh, và vị Đại sứ Anh quốc đã cho tôi tin tức về người đàn bà này. Bà là một y sĩ, trong một làng quê không điện không nước… Vậy đó, bà ta có lẽ là một thành công độc nhất của tôi.

-Điều gì đã đẩy ông tới ý thức như thế"

Một trong những bước ngoặt là những biến động ở Cambodge. Trên truyền hình, người ta loan tin Pol Pot đã chôn sống 100 ngàn người. Ngày hôm đó, ở Mỹ, ở Nga, ở Israel, ở Pháp đúng ra là người ta phải đứng bật dậy, nói: "Không! Ba mươi lăm năm sau Auschwitz, chúng ta không dám ngó mặt mình ở trong gương khi biết điều này. Vứt mẹ nó đi, nào là pháp quyền nào là quyền lợi địa dư chính trị trong cái giỏ cua là xứ sở nhỏ bé đó, chúng ta sẽ ra tay ngăn chặn, chấm dứt điều này, bởi vì chúng ta là những con người." Nói ra như vậy có lẽ sẽ thay đổi được lịch sử của con người. Vậy mà, không là không. Cứ như chẳng có chuyện gì xẩy ra hết. Tôi viết thư cho những người có ảnh hưởng ở Do thái để vận động họ. Chẳng ăn thua gì hết. Và nước Anh thân mến của tôi cứ thế tiếp tục bán lén vũ khí cho bọn Khờ Me đỏ. Có thể nỗi đau bây giờ được nhận thức khác ngày xưa. Bởi vì nó chình ình ra đó: biết liền, thấy liền, nghe liền. Bây giờ chúng ta được thông tin khác trước đây. Những phương tiện truyền thông đại chúng biến chúng ta thành chứng nhân. Nhưng một khi là chứng nhân, chúng ta trở thành đồng lõa. Chúng ta cố nuốt trái dắng, cố "chấp nhận" điều không thể chịu nổi.

-Theo suốt chiều dài lịch sử, cũng có một vài người biết nói không"

Những tiếng 'không' lớn lao, đối với trò man rợ, là từ những con người mà chúng ta gọi là bình thường, giản dị, "Die einfache Leute, die es nie sind", như [nhà soạn kịch người Đức] Bertolt Brecht nói (những người dân thường, họ có tầm thường đâu). Những cá nhân tuyệt vời đã chọc thủng bề dầy của vực thẳm: Simone Weil, bà đã có một thị kiến về chân lý, nó giống như mặt trời chói lòa, hay đúng hơn, đêm đen huyền bí, trên bộ não con người; Robert Antelme, Primo Levi… Điều này chẳng ngăn được những vụ tàn sát ở vùng Balkans, cũng chẳng ngăn được việc giết hại những trẻ thơ.

-Cùng với thế kỷ [này], chúng ta phải chôn đi Thời Ánh Sáng, và ý tưởng về tiến bộ: như là con đường giải thoát"

Phải chăng đây là món nợ của chúng ta, trước những gì mà chúng ta đã làm, đối với con người" Liệu chúng ta cứ thế tiếp tục sống, như thể chẳng có chuyện gì xẩy ra" Bước nhẩy vọt về phía trước, của khoa học, kỹ thuật, y học thật là đáng kể. Nhưng Lịch Sử, đối với chúng ta, không còn là một sự tiến triển. Kể từ nay, chúng ta bị hung hiểm hơn bao giờ hết, so với những đàn ông và đàn bà của một Tây phương có văn minh, nếu tính từ cuối thế kỷ 16. Chúng ta phải nhắc lại nền tảng của truyền thống Tây phương, tái xây dựng hệ thống những giá trị của chúng ta. Thật không có gì khó khăn cho bằng, khi chiến đấu chống lại sự sơ khai của con người, như đã được chỉ ra bởi Freud, Nietzsche, Kant. "Tất cả những nền văn minh đều chết", [nhà thơ người Pháp] Valéry nói. Tôi muốn thêm vô: tất cả những nền đạo hạnh đều cũng đều chết.

-Nền đạo hạnh nào, cho dù phiến diện, theo ông, chúng ta có thể tái xây dựng nó, cho thế kỷ mới mẻ này"

Thần học xưa kia là chỗ dựa của nền văn hoá cao của chúng ta. Sau cùng, như chúng ta thấy đấy, chính thần học, hay giả thuyết về một Thượng Đế, đã củng cố những giá trị, kể cả những giá trị thẩm mỹ. Nhưng, nếu con người ngày một bớt tin tưởng thì càng cần phải tìm một nền đạo đức của con người, một nền đạo đức không có Thượng Đế, không có Mười Điều Răn, để giúp chúng ta. Phải tự nhủ với nhau, như thế này: "Con người đơn độc trên trái đất, cùng với loài vật, đó là tất cả những gì còn lại với con người." Nếu không có kiếp sau, có thể con người nên sáng tạo ra một nền đạo hạnh thế tục" Lại cũng vẫn những nhà văn lớn chỉ cho chúng ta con đường. Ở cuối tác phẩm Phận Người của [nhà văn người Pháp André] Malraux, một trong hai tay Cộng sản, sắp sửa chết bằng một cái chết cực kỳ ghê rợn, đã truyền viên thuốc độc (cyanure) cho người kia, để giúp cho anh ta không phải chịu đau đớn. Anh đã hành động bằng một đạo đức, theo đó, chính con người phải trách nhiệm về cái phẩm giá tối hậu của con người. Chúng ta có những cái nền, những nhà tư tưởng về nỗi cô đơn trơ trọi của con người không Thượng Đế, lẽ dĩ nhiên, trong đó có những triết gia vô thần cổ điển lớn.

-Một nền đạo đức vô thần mới, và nó được soi sáng bởi những điều thô bỉ của thế kỷ 20"

Malraux đã từng nói: "Thế kỷ 21 phải là thế kỷ của tín ngưỡng, bằng không sẽ không có thế kỷ 21." Tôi dám nói ngược lại: tôi sợ rằng, nếu thế kỷ 21 này là thế kỷ của tín ngưỡng, thì nó sẽ tiêu luôn. Tôi có hy vọng, rằng sẽ có những con người suy tư về phận người, chứ không suy tư về siêu thoát. Rằng, cái chủ nghĩa cuồng tín mang tính ý thức hệ sẽ trở thành tội tổ tông! Chúng ta còn chưa có ngôn ngữ người, Heidegger khẳng định như vậy; chúng ta vẫn chưa bắt đầu tập học suy tư và học nói.

-Ông "moi" cái đạo đức mới này ở đâu ra vậy"

Tôi có cái may được sống ở đại học Princeton và đại học Cambridge, giữa những ông hoàng của nền khoa học cao. Với văn chương, chữ nghĩa, chúng tôi chơi trò bịp bợm lẫn nhau, từ sáng tới tối. Với khoa học, không thể bịp bợm. Nếu bạn bịp, vậy là bạn đi đoong. So với sự cách ly của thế giới khoa học, thì sự rút phép thông công kiểu trung cổ của giáo hội trung cổ chẳng là gì hết. Tôi nghĩ rằng, người ta có thể tìm thấy, trong những ngành khoa học, một nền đạo đức của chân lý, một thi tính của ngày mai, một ý nghĩa của tương lai, chúng là cái mầm nở ra những lề thói, cư xử mang tính người một cách tuyệt hảo.

-Cái gì làm được thì cuối cùng khoa học cũng cứ làm. Chỉ sợ rằng, rồi ra, nó sẽ chỉ biết nói không, chẳng khác chi âm nhạc"

Bạn còn bi quan hơn cả tôi! Rõ ràng là có một số những nhà nghiên cứu nghĩ rằng, giải thưởng Nobel đáng được chúc phúc. Nhưng những người mà tôi quen biết, tỏ ra quan tâm, nghiêm ngặt hơn thế nhiều. Vả chăng, làm sao nói tới văn hoá mà bỏ qua những nhà khoa học" Một khi mà người ta sắp sửa thay thế những phần của vỏ não con người, như vậy là những cái "tôi" (le "moi", le "je") sẽ trở nên ra sao" Sau cùng lại vẫn là vinh quang lẫy lừng của Rimbaud: "Tôi là kẻ khác" (Je est un autre). Vào năm 1993, khi nhà toán học Andrew Wiles giải được bài toán hắc búa, là định lý Fermat, những đồng nghiệp của tôi sướng điên lên, họ nói với tôi: "Điều này thật là đẹp! Ông ta đã chọn được một cách giải tuyệt đẹp. (It's so beautiful! Il a choisi la plus belle approche.) Với những nhà toán học, từ "đẹp" có một ý nghĩa cụ thể mà tôi chẳng thể nào hiểu được.

-Ông có vẻ sa đà, vậy là đã quá xa những nền nhân văn yêu quí thân thương của ông…

Khi người ta 71 tuổi, người ta thử gắng đặt ra cho chính mình, những câu hỏi thiết yếu. Thêm nữa, đây cũng là mục đích của đạo sống Do thái: Tự vấn, tự phán mình là có tội, và thử gắng làm kẻ hành hương trong cuộc đời. Tôi tin rằng sống ở đời là nghiêm khắc và đau đớn tự hỏi chính mình rằng: "Việc đó hỏng ở chỗ nào"", giống như người ta làm công việc nghiệm thi sau khi đã xử lý tồi tệ một ca ở bệnh viện. Nơi mà những hệ thống triết học khiếm khuyết đối với chúng ta, thì khoa học vẫn còn năng động. Chúng ta phải giáp mặt với ba thách thức lớn: sự sáng tạo ra đời sống ở trong ống nghiệm, điều này sẽ đảo lộn pháp lý, chính trị và triết học; sự phân tích ý thức con người, Bewusstsein, như là những cơ chế hoá học thần kinh (mécanismes neurochimiques); và sau cùng là lý thuyết về Vũ trụ của Stephen Hawking và những đồng nghiệp của ông [Vụ nổ lớn, lỗ đen…]. So với điều đó, giải thưởng văn học Goncourt có ý nghĩa gì" Chủ nghĩa hậu cơ cấu, hay hậu hiện đại là cái gì" Người ta lại trở về với câu nói lớn lao và cũng thật khủng khiếp của người Pháp: Kỳ dư, là hư văn. (Tout le reste est littérature).

[Phỏng vấn G. Steiner, do Dominique Simonnet thực hiện cho tờ báo Pháp L'Express, số đề ngày 28.12.2000. Nguyễn Quốc Trụ dịch thuật]

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.