Hôm nay,  

Biết Dở Sửa Ngay

09/06/200200:00:00(Xem: 4364)
Đái Doanh Chi làm quan Đại Phu nước Tống. Một hôm, gặp thầy Mạnh Tử, mới mời thầy quá bộ đến nhà chơi, để trước thêm quen sau vui cùng bữa nhậu, rồi sau vài ly chào sân cùng bãi trước, mới hắng giọng lấy đà mà nói tựa như ri:
- Cứ theo đúng thời xưa, thì ruộng đánh thuế theo phép Tỉnh điền. Nghĩa là chỉ đánh trên ruộng tư. Còn làm giúp trên ruộng công, thì không phải nộp thuế cho ruộng tư của mình nữa. Như thế thực là hay, nhưng chúng ta chưa làm ngay được. Bây giờ ta hãy đánh thuế nhẹ đi một chút, rồi chờ đến sang năm thì bãi hẳn. Tôi tính thế. Còn thầy. Thầy nghĩ sao"
Thầy Mạnh Tử đáp:
- Nay có người ăn trộm mỗi ngày một con gà của hàng xóm. Có kẻ bảo anh ta: Làm thế không phải là cách của con người lương thiện. Anh ta đáp: Ông nói phải lắm, nhưng tôi chưa thể chừa ngay được. Xin để chừa dần. Từ nay mỗi tháng, tôi ăn trộm một con thôi. Đợi đến sang năm tôi sẽ chừa hẳn. Phỏng nói như thế, có nghe được chăng" Phàm làm việc gì cũng vậy. Chưa biết phi nghĩa thì thôi. Biết rồi phải bỏ cho mau cho chóng. Sao lại còn đợi đến sang năm"
Doanh Chi ngẫm nghĩ một chút, rồi từ tốn thưa rằng:
- Chuyện thuế má và chuyện trộm gà, trên căn bản chẳng có gì giống nhau. Một bên là việc nước. Một bên là việc… tà. Chuyện trớt quớt như thế làm sao mà so sánh" Vả lại, chuyện thuế má liên quan đến một nước. Còn chuyện mất gà chỉ có một nhà thôi, thì xét ra chẳng dính gì nhau hết cả!
Thầy Mạnh Tử mắt trợn ngược lên, rồi lớn tiếng nói với Doanh Chi rằng:
- Nghĩa với Lợi không cùng đi được với nhau. Nếu làm Nghĩa mà còn tính Lợi, rồi tìm cách trì hoãn, thì biết bao giờ mới nên" Thế mới biết việc đã trót làm. Biết là dở. Có thể sửa lại được thì phải sửa ngay. Chớ nấn ná mà hư đường hư bột. Đó là chưa nói cái dở nhiều khi không sửa được - mà mỗi ngày lại to đùng lớn mạnh thêm lên - thì lúc ấy muốn an nhiên cũng khó lòng có đặng. Nhỏ thì hại việc tu thân. Lớn thì hại việc trị quốc. Thế nên câu nói: Cái gì… nhận được hôm nay chớ để ngày mai. Suy đi nghĩ lại thiệt là phải lắm! Còn chuyện thuế má và chuyện gà na ná cũng gần nhau, bởi tất cả tự do con người mà ra cả. Vậy thì trên bề mặt xem chừng có khác, nhưng bản chất vẫn một nguồn một cội ấy mà ra, thì tự hậu trước sau vẫn là y như vậy. Chỉ là ông học hành hơi thiếu thốn - nên chữ Thánh hiền chẳng đặng mấy làu thông - thành thử mới giải phân ra hai đàng cách biệt…
Doanh Chi nghe thế, mới bụng bảo dạ rằng:
- Mềm nhũn là cái gốc lập thân. Cương ngạnh chỉ gây mầm tai họa. Nay Mạnh Tử nghĩ mình… trùm lên kinh sách, nên nói một hồi ra vẽ chẳng còn ngon, thì ta không thể đôi co với phường này cho đặng. Chỉ vì hạng đó coi mình là trên hết - nên tin rằng vũ trụ dẫu là to - cũng không chứa nỗi cái kinh bang của người nơi cõi tục. Thôi thì nhịn một bước cho ngày sau êm ấm. Chớ chấp nhất làm gì với người không động đến móng tay, rồi lỡ ra phạm đến công danh mới thấy bà cố nội. Chừng lúc đó mới trời ơi đất ới, bởi nóng một lần mà hại đến ngàn thu!
Tối ấy, Doanh Chi không làm sao ngủ được, bèn lội ra vườn nhìn ngắm cảnh trời đêm, những mong cái sáng kia sẽ xóa đi đôi phần đang trĩu nặng, rồi trong lúc đang thả hồn theo gió mát. Chợt nghe tiếng vợ hiền thánh thót dội vào tai:
- Vui phải cùng vui. Lo phải cùng lo. Sống phải cùng sống. Chết phải cùng chết. Một ngày tình thiếp đã trao, thì trọn kiếp tâm can không đổi. Nay thiếp thấy trượng phu trong lòng không khá, mà chôn chặt hoài liệu có lợi gì chăng" Sao chẳng sớt chia cho tâm hồn vui nhẹ. Chớ mãi bo bo như gà đang ấp trứng, thì nghĩa nặng thâm tình còn cháy sáng được sao"
Doanh Chi vội vàng nắm tay vợ, mà nhỏ nhẹ nói rằng:
- Bạn không phải là những người sống gần với ta. Ăn uống chung với ta, thường giao thiệp với ta, mà bạn là những kẻ cùng chung một chí hướng. Một mục đích. Một nhiệm vụ. Ta đối với Mạnh Tử thì lấy lễ ra mà đãi. Lấy tình ra mà đáp, nhưng Mạnh Tử dẫu là người có học - lại lấy chữ Thánh hiền để lên mặt thầy đời dạy bảo ta - thì tự thâm tâm ta không coi Mạnh tử là bạn giao tình nữa. Ta tiếc không phải đã mất một người bạn, mà tiếc tấm chân tình đã trao lầm cái chỗ chẳng cần trao …
Vợ của Đái Doanh Chi là Hàn thị, nghe thế, mới mĩm cười mà nói với chồng những lời… ôi mát ruột mát gan:
- Trong việc xây cất một căn nhà. Điều quan trọng không phải là gạch ngói lá rơm, mà là con người. Miễn hồ người ta sống được dễ chịu, thảnh thơi, hầu tận hưởng sự tự do riêng tư là đủ. Cũng vậy, chàng là quan Đại Phu của một nước, thì điều quan trọng không phải là bày cái này đập bỏ cái kia, mà làm sao cho dân chúng hưởng được chữ an lạc là đủ… đã. Vậy chàng bận tâm làm chi ở một hai câu nói - khiến nghĩa vợ chồng đang khoái bỗng quạnh hiu - thì xét ra chữ sắt son có gì không ổn đặng, rồi lỡ ra Cậu Bà lên tiếng hú, thì thiệt thòi cho thiếp biết dường bao, khi đang có đôi bỗng biến ra đời cô phụ…
Doanh Chi ngẩn người ra một chút, rồi mạnh dạn nói rằng:
- Sông lớn biển lớn ta đều qua được. Há lại để chìm xuồng trong cái… mương nhỏ này hay sao"

Đoạn, xoay câu chuyện bàn qua hướng khác, khiến Hàn thị vui vui mà nói cười trong dạ:
- Đàn ông. Tiếng là phái mạnh, nhưng thực ra yếu còn hơn… lau lúa, nên mới bị đôi lời là rủn chí hùng anh. Là tiêu luôn cái hiên ngang của Đất Trời ban tặng. Thế mới biết ngàn xưa bao giờ cũng đúng, khi dặn ông chồng một đôi ý thật hay, là có chi chi cũng phải ôm điều tâm niệm. Cũng nhớ như in chớ không để thời gian khuất lấp, là: Vắng… Bà rồi ông chỉ có tiêu. Là: Thiếu thê nhi ông không làm chi được. Thôi thì dẫu như thế ta cũng làm như không biết, để đấng anh hùng khỏi mặc cảm buồn đau, thì chữ trăm năm mới có cơ biến thành sự thực. Chớ không tinh ý mà nói hoài nói tới - thì chỉ tổ mất chồng - chứ có được cái mụ nội gì đâu!
Nghĩ vậy, Hàn thị mới nhìn chồng tha thiết, rồi nói nhẹ nhàng như thoảng như mơ:
- Phàm ở đời. Chuyện xuôi hóa thành ngược. Chuyện ngược hóa thành xuôi, xét ra chẳng có gì mới cả. Đó là chưa nói con người vốn mang nhiều khiếm khuyết - thì chuyện không tròn có gì lạ đâu anh - mà phải bực dọc tấm thân cho hao người tổn thọ. Mà nói hổng phải chớ… hột vịt còn lộn lên lộn xuống. Hà huống chi mình. Phải vậy không ông"
Phần Mạnh Tử nghe trong lòng khoan khoái, khi nhậu một phùa mút chỉ cái cần câu, mà chẳng tốn công chi nên tâm hồn hưng thịnh. Đã vậy lại được người đưa người rước, nên quá đã trong lòng mà nghĩ tựa như ri:
- Thiệt là được ăn được nói còn được gói mang về. Người mà tốt số thì cứ bình yên ngồi hưởng phước. Chẳng khổ nhọc gì mà lúc nào cũng có đứa hầu bên. Cũng có đám tha nhân nhào dzô mà cung phụng. Thế mới biết chữ Thánh nhân xưa rồi mà vẫn quý. Vẫn khiến người nghe gió sợ trời mưa. Vẫn giúp cho ta ngồi trên đầu thiên hạ. Còn làm được hay không ngày sau sẽ tính. Chớ tội lệ gì mà ngoảnh mặt làm ngơ, rồi uổng phí đi cơ trời sắp đặt.
Tử Nghi, là học trò của Mạnh Tử. Nhân lúc thấy mặt thầy tươi roi rói, mới chắp tay lại mà thưa với Mạnh Tử rằng:
- Con vẫn nghe người xưa hay nói: Người ta sống trong một ngày mà tai không nghe được một lời khen. Miệng không dzô được vài hớp rượu. Tay không xách gói quà chi cả, thì ngày ấy coi như là hư mất. Thưa thầy! Có đúng vậy chăng"
Mạnh Tử nghe thế, mới cười một tiếng rõ to, rồi chậm rãi nói ba điều bốn chuyện:
- Từ trước đến nay ai mà không chết, nhưng chết đi cần để danh tiếng lại đời sau, thành thử không nên quyến luyến nơi hang cùng ngõ hẻm - mà nên cố sức tỏ mặt với đời - để thế nhân ngàn năm hương khói, cùng tiếng thơm lừng bay mãi tận ngàn sau.
Tử Nghi suy nghĩ một chút, rồi nhỏ nhẹ thưa rằng:
- Lời thầy nói mênh mông như trời như biển, mà con thì tối dạ - nên dẫu nát lòng - cũng không thể nào lãnh hội được đâu!
Mạnh Tử vội nhìn vào mắt của Tử Nghi, rồi nghiêm trọng nói rằng:
- Ở đời có những chuyện sống để dạ chết mang theo. Chớ không thể nói luông tuồng ra được. Có điều, ta và ngươi là người cùng xóm. Cha mẹ hai nhà lại thân thiết cùng nhau, thì ta không thể… chết mang theo mà coi được. Chỉ là ngươi phải một lòng một ý - là dẫu vợ nhà - cũng không bao giờ phát bậy tùm lum…
Tử Nghi đáp:
- Con dẫu chưa dám nhận mình là quân tử, nhưng cũng phân biệt rạch ròi cái gì đặng cái gì thôi, thì chuyện nói ra xin thầy chớ ngại…
Lúc ấy, Mạnh Tử mới tìm nơi khuất vắng, không bóng người qua lại, rồi nói với Tử Nghi rằng:
- Mồm miệng đỡ chân tay. Cõi dung ni ngàn xưa vẫn thế. Ví như thầy của ta là Khổng Tử. Chẳng nghề chẳng ngỗng thì lấy gì để nuôi thân, nên mượn chữ Thánh Nhân mà sống qua thời loạn lạc. Lại nữa, nhân vô thập toàn, nên đã làm người ai mà chẳng vướng. Chút bụi chỗ này chút mực chỗ kia, thành thử thấy… lương tâm là muốn đi theo bà cố nội. Thôi thì một chút kim ngân mua cái lòng yên trí, cọng bữa nhậu tràn cho men rượu tìm quên, thì chuyện bậy hóa hay. Chuyện hông vui trở thành xuân bất tận. Ta biết thế nên một lòng theo riết. Chỉ cố tập tành ăn nói thật là hay, thì tứ hải chung quanh nơi nào ta cũng đặng. Chớ hổng dựa vô… xưa thì làm sao ta sống" Sao có ngày nở mặt với người ta" Sao có đứa xung phong đưa tiền cho ta nhận"
Tử Nghi nghe thế, mới ngoài mặt tươi cười, nhưng trong lòng đã nhuốn chuyện rầu lo, nên nói nhỏ nói to riêng mình cho đỡ bực:
- Trong những cái biết ở đời. Biết điều là quan trọng nhất và then chốt nhất. Trong những cái không ở đời. Không hiểu ý là tai hại nhất và nguy hiểm nhất. Nay ta đã hiểu được điều tâm sự, thì phải chọn đường chọn lối mà đi. Chớ không thể cứ nhấp nha kiểu này mãi được!
Và trong giấc ngủ chập chờn đêm hôm ấy, Bụt mới hiện về nói rõ chuyện ngàn sau, đặng Tử Nghi biết đàng mà bỏ, chọn:
- Lòng dục thả ra thì khe ngòi không đủ lấp. Hễ lợi mình được, thì dù manh áo rách cũng không từ. Hễ no lòng được, thì dẫu thân nhau cũng liều tay phang tới. Chớ chẳng phải phân vân tính suy gì hết cả. Đã vậy còn hì hục đi tìm chai lọ. Hăm hở đi kiếm chác cơm. Lũ người ấy lấy thế làm thích, nhưng ta thì lấy thế làm thẹn. Huống chi Trời dùng Đức chớ không dùng uy. Dùng Nhân chớ không dùng của. Vậy dẫu ngươi tiền bạc cho nhiều. Công danh cho lắm - mà thiếu chữ Nghĩa Nhân - thì cứ coi như là… chưa có gì hết cả!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.