Hôm nay,  

Công An Lấn Sân Nhà Thờ; Giáo Dân Kế Sung Ra Cản

10/02/200400:00:00(Xem: 4342)
PHOTO: Hình từ hàng trên xuống, từ góc trái:
(Trái) Cảnh đầu sân nhà thờ, chỗ tiếp giáp với quốc lộ 49B. Các bà giáo dân đang trút cát sạn trên xe công nông xuống đất, không cho chở vào sân nhà thờ. Người thanh niên mặc áo veste xám, quần jean xanh là Nguyễn Văn Mạnh, kẻ hôm sau (6-1) định dùng xên đánh vào đầu cha Giải. (Phải) Vài giáo dân nam đang đôi co với chính quyền. Thân cây tràm ở tiền cảnh là nơi mà hôm 29 Tết (20-1) một trong những chủ xe công nông (chở cát sạn hôm 5-1) bỗng nhiên tông xe vào và chết ngay tại chỗ đang khi lái chiếc xe công nông chạy trên quốc lộ 49B.
(Trái) Cũng cảnh đầu sân nhà thờ, chỗ tiếp giáp với quốc lộ 49B. Một số nữ giáo dân ngồi bệt xuống đất, không cho xe chở cát sạn vào sân nhà thờ. (Phải) Các bà bị một số cán bộ và du kích nữ (đội nón và mũ trắng) xô ra khỏi sân. Một cán bộ nam (mặc veste nửa trắng nửa xanh ở góc trên trái) đang chụp hình để bắt tội giáo dân về sau nếu họ đánh lại người của chính quyền.
(Trái) Nữ cán bộ và du kích đang dùng sức trẻ và số đông để áp đảo môt số bà giáo dân. Tay cán bộ chụp ảnh (mặc veste nửa trắng nửa xanh) đang chĩa ống kính về phía cha Nam. (Phải) Tên côn đồ Lê Viết A (áo đen) định đánh cô Nguyễn Thị Thu Hà (áo đen, quần đỏ, xây lưng). Cô chống nạnh sẵn sàng chết. Lê Viết A là người sẽ tát vào mặt cha Nam sáng hôm sau (6-1)

Đấu tranh cho tự do tôn giáo tại Huế
Bản tin ngày 5-2-2004
Cộng sản tiếp tục đàn áp Giáo họ Kế Sung
I- Tiếp chuyện cũ : con đường băng ngang sân Nhà thờ Kế Sung
a- Như chúng tôi đã loan (Bản tin ngày 16-1-2004), chính quyền Cộng sản xã Phú Diên đã đàn áp Linh mục quản xứ Kế Sung Phaolô Đặng Văn Nam và giáo dân của ngài qua việc dùng bạo lực làm con đường bê-tông ngang qua sân Nhà thờ cách tam cấp 4 mét ngày 05 và 06-01-2004.
Vụ việc đó đã được Đức Cha Têphanô Nguyễn Như Thể, TGM Giáo phận Huế, rất quan tâm theo dõi. Ngay sáng 06-01-04, ĐC đã cử Linh mục Quản hạt Hương Phú, cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải và một linh mục trong hạt là cha Phaolô Trần Thắng Thế, quản xứ Thần Phù, về giáo xứ Kế Sung để chứng kiến và can thiệp. Lúc 12g30, ĐC điện thoại gặp chính cha quản xứ để nắm rõ tình hình. Khi hay biết cộng sản đã hành xử cách côn đồ vô luật đối với ba linh mục cũng như các giáo dân tại sân nhà thờ, ĐC đã bức xúc thốt lên: Quá rừng rú!
Ngài lập tức thông báo vụ việc đau lòng này cho linh mục đoàn Huế (đang tham dự lớp thường huấn tại Trung tâm Mục vụ từ 5 đến 7-01-04), kêu gọi cầu nguyện và cử 3 linh mục (trong đó có cha Giải, cha Nam) đi gặp Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế sau đó để yêu cầu giải quyết công minh vụ việc. Ông tân trưởng ban là Dương Viết Hồng (nguyên trưởng phòng giáo dục huyện Phú Vang) nói sẽ cho điều tra gấp vụ việc và còn long trọng hứa sẽ cử người đến vỗ về an dân trước ngày Nguyên Đán để tín hữu Kế Sung vui Tết Giáp Thân!"
Ngày 08-01-04, nhân dịp gần 200 đại biểu Hội đồng Giáo xứ của Giáo phận họp nhau mừng tết chủ chăn, ĐC đã chia sẻ tình cảnh đau thương của Kế Sung và mời gọi mọi giáo xứ hiệp thông cầu nguyện. Các đại diện giáo dân đều phẫn nộ và quyết noi gương can đảm của con cái cha Nam, dù có phải ở vào thế yếu trước bạo quyền.
Những ngày cuối năm, trong các dịp gặp gỡ quan chức các ban ngành chính quyền tỉnh, ĐC luôn nêu lên việc đàn áp giáo xứ Kế Sung, yêu cầu chính quyền sớm giải quyết một cách công bình. (Tưởng cũng nên nói thêm là khi đến Huế hôm 9-01, phái đoàn điều tra nhân quyền của thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Sam Brownback, nhờ được cha Giải cung cấp mọi chi tiết qua cuộc điện đàm với cha Trần Xuân Tâm, đã nêu vụ việc Kế Sung với chính quyền cộng sản).
b- Mồng một tết Giáp Thân (22-01-04), với sự tháp tùng của cha Nguyễn Hữu Giải, hạt trưởng Hương Phú và cha Phạm Ngọc Hoa, quản lý Nhà Chung, ĐC đã về thăm cha sở và giáo dân Kế Sung từ 14 đến 17 giờ. Ngài lắng nghe họ bày tỏ nỗi đau lòng xót ruột vì bị chính quyền xã Phú Diên áp bức, mà không phải chỉ mới đây. Người ta được biết ông Nguyễn Văn Uýnh, chủ tịch xã và ông Lê Đức Lệnh, bí thư xã, đã giữ chức vụ ba nhiệm kỳ rồi. Đây là hai hung thần khét tiếng đàn áp dân lành và các họ tộc trong xã và làng Kế Sung từ hơn thập niên nay. Cách đây nhiều năm, chính quyền yêu cầu làng dời mồ mả để có đất cho dân vạn đò đầm Hà Trung lên bờ định cư. Sau khi chia lô cho bà con vạn đò, chủ tịch xã và bí thư xã đã không trả lui số đất còn thừa cho làng mà lại giao (bán") cho ai đó. Thế là có xung đột! Rốt cuộc nhiều tộc trưởng trong làng phải đi tù, mỗi người 5 năm. Tên hai con người này thật ý nghĩa và đã ghi khắc trong tim đen của dân chúng: trên lệnh xuống, dưới úynh (=đánh đập) dân lành!
ĐC hỏi han, ghi chép, an ủi giáo dân. Càng nghe ngài càng xúc động. ĐC bảo giáo dân cầu nguyện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là quyết tâm đòi hỏi công lý qua việc phản ảnh, khiếu kiện bằng văn bản. Đối với làng xóm, ĐC khuyên giáo dân gìn giữ và phát huy tình làng nghĩa xóm, ăn ở tốt bụng, luôn bác ái vui tươi. Cha Giải đứng bên cạnh hỏi thêm là chính quyền có về vấn an giáo xứ trước Tết như họ đã hứa không, giáo dân đồng loạt trả lời: "Chúng con nỏ chộ mô cả!" (= chẳng thấy gì hết!).
ĐC tỏ ra khâm phục giáo dân biết vâng lời cha sở, bất bạo động trước sự đàn áp dã man của cộng sản, biết hy sinh bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà thờ, nhất là đã tổ chức làm tuần cửu nhật kính Đức Mẹ, cầu xin ơn bình an, công lý, tự do đích thực.
Sau khi cùng quản xứ và tín hữu vào nhà thờ chầu Mình Thánh Chúa, ĐC đã lấy máy ảnh riêng chụp một vài tấm hình về giáo dân Kế Sung, về nhà thờ Kế Sung bị con đường bê-tông cản trở đe dọa. Một thực tế làm biểu tượng cho một thực tế khác: Công giáo nói riêng và mọi tôn giáo nói chung đang bị Cộng sản siết cổ cách bạo tàn.
Trong lúc ĐC ghi ảnh, ba công an cán bộ xã Phú Diên núp sau bụi tre cạnh sân nhà thờ, lén chụp ảnh ngài. ĐC đã phải thốt lên: Quá bất lịch sự!
Toàn bộ cuộc viếng thăm Tết này đã được cha Giải tường thuật tỉ mỉ trong một bài phỏng vấn do cha Nguyễn Vinh Gioang thực hiện và được đọc trên đài phát thanh Veritas sáng ngày mồng 4 Tết (25-1-04).
c- Nói cho ngay, chính quyền tỉnh cũng có gởi hai viên chức cao cấp về Kế Sung xem xét, nhưng là hôm 29-01 (mồng 8 Tết) cơ. Họ đến quan sát sân nhà thờ, sau đó về trụ sở UBND xã Phú Diên làm việc nhưng chẳng hề tiếp xúc với nhân dân, tức là cha sở và giáo dân Kế Sung, những nạn nhân và chứng nhân trực tiếp trong vụ việc (Xem Đơn xin can thiệp bên dưới).
Tưởng cũng nên nói thêm là hôm 06-01-04, đang khi lực lượng chính quyền hùng hậu 100 người vây bủa và đàn áp khoảng 20 giáo dân mà phần lớn là đàn bà con nít, thì có một lực lượng phụ trội đi trấn giữ các xóm có đông giáo dân, ngăn cản họ đến nhà thờ, hòng bảo đảm cho sự toàn thắng của "chuyên chính vô sản"! Trong đám dân được điều tới làm con đường và trấn áp giáo hữu hôm đó, phần lớn là bị ép buộc. Thành thử sau đó đã có nhiều người đến xin lỗi bà con giáo dân Kế Sung.
d- Các linh mục và tu sĩ ở Huế rất bức xúc trước cảnh chính quyền cộng sản xã Phú Diên, với sự đồng lõa từ trên xuống dưới, đã cho người hành hung cha sở và hai đại diện giám mục, đánh đập các giáo dân yếu đuối hiền lành, ngang nhiên làm con đường bê-tông ngang qua sân nhà thờ sát tam cấp, bất chấp quyền tự do tôn giáo lẫn pháp luật. Nhiều cha đã tường thuật sự việc cho giáo dân mình. Có vị còn đem đọc và cắt nghĩa bản tường trình của cha Nam. Hiện nay mọi nhà thờ và nhà dòng trong Giáo phận đều đang cầu nguyện cho giáo xứ Kế Sung.
Hôm 29-01 (tức mồng 8 Tết) rồi hôm 14-02, một số linh mục thuộc các giáo hạt Hải Vân, Hương Phú, Thành Phố và cha Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang, hạt trưởng giáo hạt Quảng Trị cũng đã về vấn an chủ chăn và đoàn chiên Kế Sung. Các vị rất đau lòng và cực lực lên án chính quyền cộng sản vi phạm trắng trợn quyền tự do tôn giáo của giáo xứ Kế Sung.
Cả Tổng giáo phận Huế đang chờ xem chính quyền cấp tỉnh giải quyết như thế nào vụ áp bức này.
Dưới đây là những hình ảnh chứng tích do chính cha Nam chụp ngày 05-01-2004.
Ngày 06-01 không có ảnh, vì cha Nam bị đánh ngã nhào, máy hư.
Còn cha Thế đem máy ảnh chụp thì bị cán bộ CS lấy nón che ống kính lại.
II- Kể chuyện mới : thửa đất bên cạnh Nhà thờ Kế Sung
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
ĐƠN XIN CAN THIỆP
VỀ VIỆC XÂY DỰNG CHIẾM ĐẤT THỜ TỰ GIÁO HỌ KẾ SUNG
Kính gửi : - Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Sở Công an tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tôi tên là : Linh mục Đặng Văn Nam, Quản xứ Địa sở Cự Lại, và Hội đồng Giáo xứ thay mặt cho toàn thể tín hữu Công giáo của Họ giáo Kế Sung, thuộc xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, kính trình Quý Cơ quan một việc như sau :
Nguyên trước đây, Họ giáo chúng tôi có mua một thửa đất của bà Nguyễn Thị Ba. Ranh giới bên cạnh Nhà thờ Kế Sung, về hướng Đông Nam, số thứ tự B38 0m,0 13,6 tấc = 452m2, để làm các phòng học giáo lý và nhà cha sở. Thửa đất này được chia làm hai phần: phần trên và phần dưới. Nhưng chưa làm được thì thống nhất đất nước, người dân được sống trong an bình.
Nhưng đến khoảng năm 1988, Ủy ban Nhân dân xã Phú Diên đã tự động cấp cho ông Trần Ngọc Quỳnh phần đất phía dưới mà không có ý kiến của Họ giáo chúng tôi.
Đến đầu năm 2001, UBND xã lại tự động cấp phần trên của thửa đất (đã trình bày ở trên) cho ông Trần Ngọc Tuấn, là cha của ông Quỳnh.
Chúng tôi đã nhiều lần viết đơn khiếu nại (đã 4 lần) đến UBND xã Phú Diên và UBND huyện Phú Vang. Đến lần khiếu nại thứ 4, UBND huyện hứa sẽ về tại địa phương để giải quyết. Nhưng cho đến nay, chúng tôi không thấy giải quyết gì.
Vào ngày 28-01-2004, ông Quỳnh đã tập kết vật liệu để chuẩn bị xây nhà kiên cố trên thửa đất mà chúng tôi đang khiếu nại. Thấy sự việc như thế, ngày 29-01-2004, đại diện Họ giáo đến tại nhà ông Quỳnh, để đề nghị ông chưa được làm nhà, vì đất ông đang ở là đất của Họ giáo, chúng tôi đang khiếu nại.
Ông Quỳnh trả lời rằng tôi đã có quyết định và thẻ đỏ của UBND huyện, tôi sẽ xây nhà vào ngày 02-02 năm nay, theo dự tính.


Sáng ngày 30-01-2004, ông Lê Đức Quế và ông Nguyễn Ngọc Ánh, đại diện Họ giáo đến UBND xã để trao đổi với Quí Lãnh đạo UBND xã về việc ông Quỳnh sắp xây nhà trên đất của Họ giáo đang còn tranh tụng.
Tại UBND xã, ông Lê Đức Thông đã đọc và trao bản quyết định số 1063/QĐ-UB ngày 26-10-2001 của UBND huyện, do ông Phó chủ tịch Phan Văn Quang đã ký.
Phần chúng tôi, chúng tôi không đồng ý quyết định của ông Phan Văn Quang. Vì các lý do sau đây:
1. Theo Luật đất đai, điều 10; Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 05-7-1994 hay trong khoản 2, điều 3, Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29-3-1999 của Chính phủ đã nói rõ, mọi trường hợp có tranh chấp thì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, chỉ được xem xét khi đã giải quyết xong tranh chấp theo luật pháp.
Chúng tôi không biết ông Thông đã trình bày thế nào cho cấp trên về thửa đất của Họ giáo chúng tôi, để rồi cấp trên đã cấp thẻ đỏ cho một người đang sống trên mảnh đất còn đang tranh chấp.
2. Chúng tôi thiết nghĩ, pháp luật, đường lối, chính sách của một đất nước phải là chung cho mọi nơi trên đất nước. Chúng tôi nhận thấy nhiều chính quyền địa phương, khi cấp thẻ đỏ cho một người nào, thì trước tiên yêu cầu người đó xin xác nhận của các gia đình chung quanh về ranh giới phần đất của mình, hầu tránh những tranh tụng, phiền toái sau này. Thế mà ở đây, chúng tôi không biết gì cả.
Như vậy, vấn đề đang làm cho nhiều người tín hữu Công giáo bức xúc, nhức nhối về quyết định làm con đường bê-tông liên thôn, đi băng qua sân Nhà thờ chúng tôi, giờ đây như được "đổ thêm dầu vào lửa", khi cho phép ông Quỳnh làm nhà trên thửa đất đang còn tranh tụng. Phải chăng việc UBND xã và UBND huyện quyết định cấp thẻ đỏ cho ông Quỳnh và quyết định cho phép làm con đường bê-tông trước tam cấp Nhà thờ, là những quyết định quá vội chăng" Trong khi đất đai đó đang còn tranh tụng.
Chúng tôi rất hoài vọng, khi thấy hai viên chức cao cấp của tỉnh nhà đến sân Nhà thờ chúng tôi để xem xét và sau đó đến UBND xã làm việc, vào sáng ngày 29-01-2004. Chúng tôi không biết Quí Lãnh đạo đã làm việc với nhau như thế nào mà UBND xã vẫn còn có những quyết định dễ gây ra sứt mẻ tình đoàn kết, rạn nứt tình liên đới giữa tín hữu Công giáo và chính quyền địa phương. Như lời kêu gọi toàn dân phải nêu cao tầm quan trọng tinh thần đại đoàn kết của Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã phát biểu trên Đài Truyền hình Việt Nam vào ngày 15-1-2004, và trước đó, ngày 14-01-2004, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nhắc nhở đến Quí Lãnh đạo địa phương phải tế nhị, cân nhắc hầu tránh những đụng chạm đến nơi thờ tự tôn nghiêm của các tôn giáo.
Đó cũng là nỗi ước mong của mọi người dân Nước Việt, được sống trong một đất nước tôn trọng lẫn nhau, phát huy những đức tính cao quý của con người Việt Nam, coi trọng chữ Tín, Trung, Hiếu, tôn trọng công lý và sự thật.
Vậy chúng tôi kính trình lên Quí Cấp có thẩm quyền và mong Quí vị can thiệp kịp thời, để tránh những sự đáng tiếc có thể xảy ra vào ngày 02-02 sắp đến (chỉ còn hai ngày), khi chúng tôi cản trở việc ông Trần Ngọc Quỳnh xây nhà trên mảnh đất nhỏ bé của Họ giáo chúng tôi.
Trong lúc chờ đợi được giải quyết và sớm được can thiệp, chúng tôi chân thành cảm ơn.
Kế Sung, ngày 31-01-2004
Đại diện toàn thể tín hữu Kế Sung Linh mục Quản xứ Cự Lại - Kế Sung
Chủ tịch HĐGX
(ký tên) (ký tên)
Lê Đức Quế Đặng Văn Nam
Phó Chủ tịch HĐGX
(ký tên)
Nguyễn Ngọc Ánh
Bản sao kính gởi
- UBND huyện Phú Vang.
- MTTQVN huyện Phú Vang.
- Công an huyện Phú Vang.
- Tòa Tổng giám mục Huế.
- Các Linh mục Hạt trưởng Giáo phận Huế.
- Các Linh mục Giáo hạt Hương Phú.
a- Sau khi gởi lá đơn đi, cha Nam và giáo xứ Kế Sung hy vọng chính quyền "của dân, do dân, vì dân" sẽ tỏ thiện chí để can thiệp. Nào ngờ, sáng ngày 2-2, lúc 7g30, con của ông Trần Ngọc Tuấn là anh Trần Ngọc Quỳnh (cả gia đình đều là người lương), thản nhiên bày bàn thờ cúng vái, làm lễ đặt đá khởi công, y như anh ta đã lì lợm khẳng định. Họ hàng khoảng 10 người tham dự. Giáo dân Kế Sung cũng đứng chứng kiến nhưng chưa làm gì.
Kể ra thì hôm 29-01-2004, lúc đại diện Họ giáo thừa lệnh cha sở đến thương lượng, ông Tuấn tỏ ra không đồng lòng với ý định của con. Quỳnh có vẻ cũng e ngại. Nhưng sau đó, khi gặp mặt, cán bộ chính quyền đã xúi anh ta: có thẻ đỏ của Phó chủ tịch huyện rồi thì cứ mạnh tay mà làm, chỉ tránh xô xát! (Phó chủ tịch đây là ông Phan Văn Quang)
Nhưng làm sao tránh nổi! Lúc 8g10, chị Nguyễn Thị Thu Hà, con gái ông Phó chủ tịch HĐGX, đã có chồng nhưng còn trẻ mạnh, nhảy vào hiện trường trước tiên để ngăn cản. Chị liền bị đánh túi bụi vào mặt vào lưng. (Xin nhắc lại: người nữ giáo dân can đảm này từng bị đánh một lần khi xông vào cứu cha hôm cộng sản xây con đường trước nhà thờ. Sau hôm đó, để trả thù cách hèn hạ, chính quyền xã đã không cho chị làm nghề bán thịt heo nữa. Cán bộ nói thẳng lý do: đã dám cản ngăn việc làm đường! Hết biết!).
Thấy thế, cha Nam và 7-8 bà giáo dân khác xông vào bảo vệ đất giáo xứ (giáo dân nam, theo chỉ thị, chỉ đứng ngoài). Mười phút sau thôi (8g20), bà Nguyễn Thị Ty 65 tuổi bị Nguyễn Văn Lộc (là em rể của Quỳnh) lấy một cục đá to đánh vào ngực. Bà Ty gục xuống!
Cha Nam liền điện thoại cho công an tôn giáo tỉnh (thiếu tá Trần Hồng Lam) và công an huyện. Hai nơi đều hứa về. Chờ mãi không thấy, cha gọi lại. Đến lần 3, công an huyện nói đã báo công an xã đến làm việc. Nhưng chỉ vô vọng! "Bạn dân" bỏ dân đi rồi, hay đúng hơn bạn dân để mặc dân đánh nhau. Đang khi theo nguyên tắc, công an phải đến ngay hiện trường để lập biên bản và cứu cấp nạn nhân. Mà đây đâu phải chuyện bất ngờ đối với chính quyền công an tỉnh, huyện, xã. Linh mục quản xứ đã báo trước cả 3 hôm rồi mà!
Cha Nam đành phải gọi thêm con cái mình tới để tự cứu. Giáo dân cùng chủ chăn nhảy vào ngồi chật hiện trường, thành ra phe của Quỳnh không làm gì được. Ngồi lì như thế đến tận chiều. Lúc 5 giờ, cha Phaolô Trần Khôi, quản xứ Dưỡng Mong, cùng một số nữ tu, tình cờ đi ngang, đã vào ủy lạo và cổ vũ cha con giáo xứ Kế Sung. Tới 7g tối, thấy "bạn dân" chẳng thèm về cứu dân, cha Nam đành phải gọi taxi chở bà Ty lên bệnh viện Trung ương.
Thế là từ hôm đó tới nay, giáo dân phải thay phiên nhau túc trực tại sân nhà thờ ngày đêm, đề phòng tay Quỳnh làm bậy. Cha Nam cũng đành tạm thời bỏ trụ sở chính là Cự Lại để về Kế Sung đồng cam cộng khổ với đàn chiên mình. Ngài vốn đã ốm yếu, nay lại càng xơ xác hơn, nhưng tinh thần ngày càng vững mạnh. Riêng giáo dân Kế Sung, đa phần nghèo khổ, đang lo lắng vì dịch cúm gia cầm, vì vụ lúa đông xuân, nay lại phải bỏ dở công ăn việc làm. Dù vậy, họ nhất quyết hy sinh, không nhượng bộ chuyện con đường trước đây và chuyện thửa đất bây giờ. Đáng phục thay những giáo dân nghèo khổ, ít học nhưng dũng cảm !
Họ biết việc cán bộ xã lấn sân nhà thờ trước Tết vừa nhằm phá nơi thờ tự tôn nghiêm, vừa nhằm chiếm đất mặt tiền (khoảnh đất nằm giữa hương lộ và tỉnh lộ mà vốn là sân nhà thờ của họ). Họ cũng hiểu việc chính quyền -dù biết là sái luật- vẫn ngang nhiên cấp thẻ chủ quyền trên đất giáo xứ cho một người lương là kế ném đá giấu tay, khích động nhân dân lương giáo xô xát nhau để gây chia rẽ đạo đời, phá hoại tình làng nghĩa xóm, hầu thẳng tay đàn áp tôn giáo và nhân dân. Ở đây người ta nhớ lại thủ đoạn dùng tù giết tù trong cuốn hồi ký lừng danh "Tôi phải sống" của cha Nguyễn Hữu Lễ. Chưa giải quyết hợp công lý chuyện làm đường bê-tông, nay chính quyền tỉnh huyện xã lại đổ dầu vào lửa, dung dường thêm một hành vi lấn chiếm vừa trái đạo đức vừa trái pháp luật. Vụ việc này tương tụ vụ hồ rau muống tại giáo phận Phan Thiết, vụ vườn rau tại đan viện Thiên An, vụ đất nhà thờ tại giáo xứ Loan Lý, vụ đồi thánh giá tại linh địa La Vang (Nơi đây cũng có chuyện chính quyền cộng sản xúi một số hộ dân chiếm đất ở phần 16ha5 chưa được công nhận rồi ngang nhiên cấp thẻ đỏ cho các hộ dân này, để gây khó khăn cho Trung tâm Thánh mẫu về sau)!...
b- Qua những vụ việc trên, chúng ta có thể thấy được hai điều:
1- Một sự đồng cam cộng khổ giữa chủ chăn với đàn chiên Kế Sung, giữa các linh mục cùng hạt Hương Phú. Một sự hiệp thông ngày càng lớn mạnh giữa toàn thể Tổng giáo phận Huế, từ Đức TGM, xuống đến các linh mục và mọi giáo dân. Chúng ta hy vọng mối hiệp thông này sớm mở rộng đối với đan viện Thiên An đang dẫy chết từng ngày và đối với cha Nguyễn Văn Lý đang quằn quại vì bị tẩy não trong lao tù CS v.v....
Tại Việt Nam lúc này, chính sách đất đai và chủ trương cấp thẻ chủ quyền nhà đất đang là cơ hội để vô số cán bộ nhà nước CS bóc lột nhân dân cách trắng trợn. Bóc lột qua việc đền bù giải tỏa với giá dưới đất và bán lô quy hoạch với giá trên trời, qua việc tùy tiện thu lệ phí làm thẻ chủ quyền tới mức bạc triệu, qua việc gian trá thu hẹp diện tích đất của dân trên bản đồ địa bạ để chiếm đoạt hay để đòi chi phí điều chỉnh với giá khó tưởng tượng nổi, qua việc ngang nhiên cấp thẻ chủ quyền cho những kẻ chiếm đất của các tôn giáo hay của các sắc tộc thiểu số... Chứng nhân tường tận nhất của hình thức bất công mới này có thể nói là các linh mục Công giáo trong mạng lưới quản xứ vốn bao trùm khắp cả Việt Nam. Đó cũng là những chứng nhân đầy uy tín và khả năng nữa, vì có tiếng nói và phương tiện hiện đại. (Chỉ xét riêng Giáo phận Huế là giáo phận tương đối nghèo, mà trong tổng số 113 linh mục và 8 dòng tu, đã có 103 điện thoại và 73 điện thư). Các mục tử và ngôn sứ không thể cho đó là chuyện trần tục hay chuyện chính trị để bỏ mặc chiên lành và dân lành bị đàn áp bóc lột.
2- Viên chức chính quyền CS các cấp hứa đủ chuyện nhưng chẳng hề làm. Họ sẵn sàng nuốt lời, thản nhiên chà đạp chữ tín. Luật pháp CS cũng chỉ là một lời hứa cho vui, một mớ giấy lộn dùng để lừa gạt ! Dân mất đất là chuyện đáng buồn, đáng công phẫn. Nhưng chính quyền mất lương tâm là cả một đại họa cho đất nước và dân tộc! Và đó là điều đáng kinh hãi và ghê tởm nhất của chủ nghĩa và chế độ cộng sản. Thật đúng như lời thi sĩ Bùi Minh Quốc: "Quay mặt phía nào cũng phải ghìm cơn mửa. Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi!"
Nhóm Phóng viên tường trình từ Huế

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.