Hôm nay,  

Oscar Và Toàn Cầu Hóa

01/03/200400:00:00(Xem: 4655)
Thế giới sẽ phải còn nhớ mãi đến những nốt ghẻ của ta.” Hơn trăm năm trước, Karl Marx đã hằn học nói như vậy khi ngồi gãi ghẻ và viết ra những trang sách bốc lửa kêu gọi cách mạng trên toàn cầu. Hôm qua, thế giới chẳng còn ai nhớ đến lời hằn học và giọng oán thù của ông. Người ta bận theo dõi giải Oscar thứ 76 tại Hollywood, một biến cố của toàn cầu hóa!

Chiều ngày 29, một ngày nhuận của tháng Hai, khi Sean Connery xuất hiện trên sân khấu hý viện Kodak của Hollywood, người theo dõi thời sự biết ngay là Tổng thống Trần Thủy Biển của Đài Loan đã thua một keo. Đại tài tử này không tham dự cuộc biểu tình cả triệu người tại Đài Loan như đảng Dân Tiến của họ Trần đã vận động hay quảng cáo.
Với giọng nói đầy tính trượng phu đã trở thành quen thuộc từ 40 năm nay, Sean Connery chính thức mở màn sự ảo diệu – magic – của nghệ thuật thứ bảy, sự ảo diệu được tôn vinh trong giải Oscar thứ 76. Và sự kỳ diệu lập tức bắt đầu với cách giới thiệu người điều khiển chương trình Billy Crystal, một cách giới thiệu bất ngờ, duyên dáng và đầy sáng tạo, chỉ thấy trong thế giới điện ảnh, và điện ảnh Hoa Kỳ. Đoạn phim ngắn trình bày hình ảnh của Billy Crystal trong những xuất phẩm được chung tuyển năm nay, bắt đầu là The Lord of the Rings của đạo diễn Peter Jackson...
Khi Billy Crystal xuất hiện, cả tỷ người trên thế giới đã quên hết mọi ưu phiền của đời sống, để theo dõi lễ trao giải trọng đại nhất của nghệ thuật điện ảnh, ở nơi được coi là Kinh đô Điện ảnh của toàn cầu.
Tân hoa xã của Trung Quốc không thể không loan tin về biến cố này, khi tuổi trẻ của xứ này đã quăng sách Mao tuyển của thế hệ đi trước để sống và ăn mặc ăn nói theo thời khắc của Hollywood và MTV. Một tỷ dân chúng Ấn Độ, quốc gia đứng đầu thế giới về số tác phẩm điện ảnh thực hiện hàng năm, cũng dán mắt vào màn ảnh truyền hình – có thể của Nhật Bản, Đại Hàn, hay Ấn Độ, không sao – để say mê đi vào cõi kỳ diệu của nghệ thuật thứ bảy. Hà Nội đã thấy bao người cá độ về kết quả trao giải Oscar năm nay: sau ngày Valentine, trái tim đổi mới đã đập cùng nhịp với Hollywood và nhờ Internet, kết quả từng phút của lễ trao giải đã được lập tức loan tải. May lắm, chỉ còn một nơi người dân phải quay lưng lại biến cố này là Bắc Hàn. Karl Marx và cha con họ Kim, Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật, vốn thù dai và hay dỗi.
Mà đêm nay, Osama bin Laden có xuất hiện, qua băng nói hay băng hình, thì thiên hạ cũng coi như pha. Người ta đang chú ý đến những chuyện quan trọng hơn nhiều, đến những giấc mơ phù phiếm khiến cuộc đời bỗng thành đẹp hơn. Và chắc chắn là không đòi xương máu oán thù.
Những người ghét nước Mỹ, có thể vì lý do họ cho là chính đáng, vẫn không hiểu vì sao trong một năm chiến tranh và tranh cử gay go, đa số dư luận tại Mỹ lại có vẻ ưa thích các tác phẩm hoàn toàn tách rời khỏi thời sự, loại tác phẩm mà một thời nào đó người ta gọi là viễn mơ, như Lord of the Rings, tập ba. Thực ra, ngay giới phê bình nghệ thuật và cả các nhà xã hội học Hoa Kỳ cũng gãi đầu tìm hiểu, vì sao một tác phẩm thuộc thể loại thần kỳ như The Lord of the Rings lại có sức mê hoặc đến như vậy.
Nhưng nếu đã được xem những xuất phẩm này thì người ta hiểu tại sao. Vì nó quá hay!


Nghệ thuật thứ bảy trước hết là nghệ thuật, và trước hết, tại Hoa Kỳ, nó có tham vọng giải trí hơn là đòi thay đổi bộ mặt thế giới. Giải trí rồi, những gì đọng lại – cuộc chiến thiện ác hay chinh phục đại dương, v.v... – còn có thể chi phối sự suy tư của khán giả thì đó là chuyện về sau. Người nghệ sĩ quan tâm trước hết đến nghệ thuật. Nhưng nhiều người vẫn cá rằng nếu The Mystic River do Clint Eastwood làm đạo diễn mà thắng thì... John Kerry có hy vọng. Truyện phim xảy ra tại một thành phố u buồn của vùng Đông Bắc, vùng ảnh hưởng của Nghị sĩ John Kerry!
Nhưng, biết bao khía cạnh của một năm điện ảnh được kết tinh vào một buổi trao giải và cũng là một buổi trình diễn.
Từ nhiều tuần trước, truyền thông Mỹ đã liên tục loan tin về lễ trao giải và những chi tiết ly kỳ về các tác phẩm lẫn nghệ sĩ – không chỉ là nghệ sĩ trình diễn - được coi là xuất sắc nhất trong năm. Từ nghệ thuật biên tập, ráp nối, hóa trang, trang phục, âm nhạc, âm thanh, v... đến những kỹ thuật đặc biệt - special effects, sở trường của điện ảnh Hoa Kỳ, biết bao công phu khó nhọc của các bàn tay thần diệu phía sau hậu trường và phim trường đã được giới thiệu và ngợi ca trong suốt mấy tiếng đồng hồ của buổi lễ trao giải.
Trước khi đi lên tột đỉnh của danh vọng và nghề nghiệp, người ta còn phải bước qua thảm đỏ của Hý viện Kodak và chen chân cùng những ngôi sao lấp lánh của màn bạc, trong ngày hội rực rỡ nhất năm.
Khán giả theo dõi truyện thần tiên của giải Oscar, khi các nữ hoàng và công chúa của màn bạc xuất hiện bằng xương bằng thịt, mỗi người một vẻ, và thổi lên giấc mơ về thời trang cho mọi người trên thế giới. Năm nay, Renée Zellweger, nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất - lộng lẫy trong áo dài trắng của Carolina Herrera, nhưng đài các và quý phái thì có Nicole Kidman trong áo xanh hồ thủy của nhà Chanel. Mọi người hiếu kỳ đều để ý tìm xem cuộc chạm trán hay hội ngộ giữa nàng và Tom Cruise sẽ gay cấn lâm ly đến cỡ nào. Và còn Charlize Theron nữa... Lần này, Dianne Keaton giật mất giải thời trang lố bịch của Johnny Depp trong buổi lễ trao giải Golden Globe trước đây: Johnny Depp bị chê khi mặc quần áo nâu đội mũ nâu, trông chẳng giống ai; lần này Dianne Keaton không chịu kém, cũng mặc nguyên bộ đen, với chiếc mũ đen trên đầu và kính tím trước mũi.
Đó là những truyện bên lề. Bên trong, khán giả không chỉ theo dõi một lễ trao giải long trọng mà còn nhìn thấy tài nghệ dàn dựng sân khấu trong từng tiết mục.
Billy Crystal, lần thứ tám trở lại vai trò này sau ba năm vắng bóng, làm mọi người ngạc nhiên về sự duyên dáng và trí thông minh của anh qua từng lời giới thiệu. Tuyệt vời nhất là trong phần tôn vinh sự nghiệp đạo diễn của Blake Edwards. Sự sáng tạo trong phim ảnh và trong buổi lễ trao giải hàng năm là điều làm người ta say mê, và không lần nào thất vọng vì trí tưởng tượng của mình luôn luôn bị vượt qua.
Sau hơn ba tuần theo dõi, người ta có hơn ba giờ hồi hộp xem phim nào là tác phẩm xuất sắc nhất trong năm, đạo diễn nào hay nam nữ tài tử nào được trao giải. Sau đó là nhiều ngày bình nghị về những điều mắt thấy tai nghe trong lễ trao giải. Trong khoảng thời gian đó, đối với nhiều người thì trái đất có lẽ đã ngừng quay.
Năm nay, duy nhất có một điều mà không khán giả nào chờ đợi được thấy trước màn ảnh, một cảnh thoát y nhố nhăng như đã thấy trong dịp xem Super Bowl vừa qua. Sau thành tích bị bóc yếm của Janet Jackson, điện ảnh Hoa Kỳ đã lịch sự tự... kiểm duyệt, bằng cách chiếu chậm mất năm giây mọi cảnh thực xảy ra trên sân khấu. Năm giây chưa đủ dài cho một nụ hôn, thành ra khán giả vẫn không mất gì cả.
Và toàn cầu vẫn bị mê hoặc bởi nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ, ảo thuật kỳ diệu, giả mà thật. Lord of the Rings là Lord of American Movies. Thật dễ ghét!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.